26.12.21

Phạm Minh Chính và Tô Lâm: Từ bò dát vàng đến vụ Việt Á

Thông thường, khi một thủ tướng nắm chính quyền, hai vị trí quan trọng mà ông ta phải nắm chắc đó là an ninh và quốc phòng. Hai vị trí quan trọng còn lại là ngoại giao và tài chính. 

An ninh và quốc phòng vì vậy phải được nắm giữ bởi những người thân tín của người nắm giữ quyền lực. Nó không chỉ là để triển khai các chính sách bảo đảm an ninh trong nước và phòng vệ từ nước ngoài dễ dàng, mà còn để bảo đảm an ninh cho chính mình, nhất là ở những nước độc tài khi mà việc thi hành luật lệ công bằng và sự cân bằng quyền lực giữa các nhóm đảng không có. 

23.11.21

Làm sao để Vinfast thành công?

Việc Vinfast đem hai chiếc xe hơi ra triển lãm ở hội chợ quốc tế gây ra những phản ứng khác nhau trong cộng đồng. 

Trong kỷ nguyên toàn cầu hiện nay, việc mở một công ty, làm ra một sản phẩm, và đem đi rao bán không phải là một điều gì quá khó khăn, cho dù sản phẩm đó là xe hơi, máy tính hay một công cụ hay máy móc khác. 


Vấn đề quan trọng nhất của một doanh nghiệp đó là lợi nhuận, còn các sản phẩm với công nghệ có sẵn thì muốn làm là được, miễn là có tiền để đầu tư. 

25.10.21

Tại sao họ muốn rất giàu?

Hôm trước, Elon Musk và Jeff Bezos cạnh khía nhau ai là người giàu nhất thế giới và giờ đây là cuộc cạnh tranh xem ai là người dẫn đầu trong cuộc đua của ngành công nghệ khai thác không gian.

Musk và Bezos là hai người giàu nhất thế giới hiện nay. Musk là người sáng lập và hiện đang điều hành hai công ty: công ty xe điện Tesla và công ty công nghệ khai thác không gian SpaceX. Tài sản của Musk hiện được định giá là 230 tỉ đô la theo Bloomberg. Bezos là người sáng lập công ty bán hàng online Amazon và hiện là chủ công ty khai thác không gian Blue Origin. Tài sản của Bezos được định giá khoảng 212 tỉ đô la. Để tiện so sánh thì thu nhập quốc dân của cả Việt Nam năm 2020 là 271 tỉ đô la. Cả hai đều ở lứa tuổi 50 và không ai có nhu cầu ngừng làm việc. Musk, ngoài Tesla và SpaceX, trong mấy năm gần đây đã lập thêm ba công ty: OpenAI để thúc đẩy nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, NeuraLink để nghiên cứu tương tác giữa não bộ con người và máy tính, và Boring Company để xây dựng đường hầm. Còn Bezos thì quản lý các dự án đầu tư mạo hiểm của mình trong quỹ Bezos Expeditions và trong tháng 9 vừa rồi lập thêm một công ty công nghệ sinh học lấy tên là Altos. 

13.10.21

Văn hoá phục tùng và bạo lực của người Việt

Có một điểm khác biệt văn hoá mà chắc chắn nhiều bạn khi sang nước ngoài sẽ cảm nhận được đó là ở nước ngoài họ ít có bạo lực cá nhân. Họ ít đánh nhau, ít chửi nhau, ít nói xấu nhau, và ít dìm nhau, khi so với dân mình.

14.9.21

Phạm Minh Chính đem bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang ra làm dê tế thần



Thông thường, các trao đổi liên quan đến chính sách quản lý quốc gia là chuyện nội bộ của giới lãnh đạo Việt Nam. Các cuộc họp hay gọi điện được liệt vào dạng bí mật, chỉ những người trong cuộc biết, và không được phép tiết lộ ra bên ngoài. 


Những thông tin một khi được công khai cho báo giới biết chủ yếu nhằm mục đích thông tin hay tuyên truyền.


Tương tự như vậy là nội dung của cuộc truy vấn của thủ tướng Phạm Minh Chính đối với bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang vào ngày 13/9, hiện đang lan tràn trên mạng mấy ngày nay.


Một cuộc họp như vậy về chính sách giải quyết dịch bệnh đáng lẽ ra là một cuộc họp nội bộ với nội dung không được cung cấp ra bên ngoài. Trong cuộc họp này, chính ông thủ tướng Phạm Minh Chính cũng công khai nêu ra là chuyện ông đã gọi điện nhiều lần cho ông Bình về chuyện đôn đốc thực hiện các biện pháp chống dịch. Và lẽ dĩ nhiên là nội dung của các cuộc trao đổi về chính sách này không hề được công khai cho báo giới biết.


Vậy tại sao ông thủ tướng Phạm Minh Chính lại chủ động cho báo giới ghi âm, ghi hình, và đăng tải công khai trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng về việc truy vấn ông bí thư tỉnh uỷ khi mà Kiên Giang bắt đầu chuyển thành một điểm nóng dịch bệnh mới?


Câu trả lời chỉ có thể là ông thủ tướng Phạm Minh Chính đã mất hết uy tín trong cuộc chiến chống dịch, bị áp lực trong nội bộ đảng cầm quyền, và ông đã phải cho tổ chức cuộc truy vấn trực tuyến này cốt để đổ lỗi cho giới chức cấp dưới rằng việc chống dịch thất bại là do ở cấp dưới không thi hành các chính sách của ông nêu ra, chứ không phải là do các chính sách kém cỏi của mình.

10.9.21

Minh bạch, từ thiện, và đất nước



Năm năm trước, tôi là một trong những người đầu tiên kêu gọi các hoạt động quyên góp tiền của bá tánh cho các hoạt động thiện nguyện cần phải minh bạch. Tại sao? Tại vì tiền đó không phải là tiền của người đứng ra tổ chức quyên góp, mà đó là tiền của rất nhiều người khác nhau để giúp cho rất nhiều người nghèo túng khác. Đó là tiền của cộng đồng. Và việc thiện nguyện là một hoạt động cộng đồng, nó không còn là chuyện riêng tư nữa. Trong chuyện riêng tư bạn có thể móc túi ra và tặng người khác bao nhiêu, hứa gì, nói gì, không ai ý kiến bạn cả. Nhưng chuyện của cộng đồng thì cho dù cộng đồng chưa có luật chính thức vẫn còn đó những luật bất thành văn thuộc về văn hoá cư xử của cộng đồng, đó là không được mượn danh thiện nguyện để ăn bớt, ăn xén. Mà để tránh được chuyện này, để khỏi bị nghi ngờ làm chuyện này, thì cách tốt nhất là công khai, minh bạch rõ ràng chuyện thu chi. Muốn chứng minh thu bao nhiêu thì sao kê ngân hàng. Còn muốn chứng minh chi thì có hoá đơn. Còn cái nào không chứng minh được thì có lời giải thích. Chỉ có khi chúng ta làm quen với văn hoá minh bạch trong xã hội thì sau đó xã hội mới tiến tới đòi minh bạch các khoản đóng góp, thu chi của chính phủ. Văn hoá trong sạch sau đó sẽ trở thành một văn hoá chung của Việt Nam, trong và ngoài chính quyền. Một văn hoá như vậy không những giúp Việt Nam mau chóng phát triển mà còn khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Vì vậy mà phải xiển dương văn hoá đòi minh bạch.


Dưới đây là 3 bài viết của tôi 5 năm trước. Gộp lại đây cho dễ đọc. 

7.9.21

Đảo chính sẽ đến?

    Tổng thống Nga Boris Yeltsin trên xe tăng trước Quốc hội trong cuộc đảo chính.


Tháng 8 năm 1991, Liên Xô đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị sâu sắc. Hàng hoá thiếu thốn. Những hàng người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng thực phẩm mà bên trong chẳng có nhiều thứ để mua. Những cải cách chính trị theo hướng dân chủ hoá bên cạnh các cải cách kinh tế đã đưa tình cảnh xã hội ở các nước trong liên bang Xô-viết thay đổi sâu sắc. Chủ nghĩa quốc gia ở các nước khác nhau trong Liên bang Xô-viết xuất hiện và tinh thần ly khai dần trỗi dậy. Để duy trì các nước này trong một liên bang, tổng thống Mikhail Gorbachev đề xuất một hiệp ước mới trong đó cho phép các nước có nhiều quyền lực hơn. Ngược lại, những người thủ cựu trong đảng Cộng sản Xô-viết mong  trở về những tháng ngày cũ của Liên bang Xô Viết với nước Nga dẫn đầu, mọi quyền hành tập trung ở Moscow, và họ lo lắng rằng một hiệp ước mới của Liên Bang Xô-viết trong đó cho phép các nước nhỏ có nhiều quyền hơn cuối cùng có thể dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô-viết.

1.9.21

Đại dịch và nhu cầu cải cách thể chế của Việt Nam

Bản đồ các vùng của Việt Nam.

Việt Nam đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng dịch bệnh chưa từng có và cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy khi nào cuộc khủng hoảng này sẽ kết thúc. 


Ở các tỉnh phía Nam xung quanh Sài Gòn, con số lây nhiễm diễn ra ngày càng tăng, hệ thống y tế đã quá tải từ lâu, và con số tử vong hiện đang ở mức kỷ lục là 4%, so với con số trung bình chưa tới 1% ở các nước khác. 


Ở phía Bắc, các ổ dịch lớn bắt đầu được phát hiện rải rác ở các khu vực của Hà Nội.


Những kinh nghiệm chỉ ra rằng, rất khó mà ngăn chặn sự lây lan của con virus Covid-19 với biến thể Delta trong môi trường Việt Nam. Và như vậy, dự kiến là trong những tuần tới, dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan mạnh ra tất cả các tỉnh thành, và đó là lúc hệ thống y tế và hành chính có thể đối mặt với sự sụp đổ.


Chính quyền trung ương lúc đó sẽ đối mặt với một sự bế tắc vì khó mà có thể giúp gì được cùng lúc cho tất cả các tỉnh thành. 

25.8.21

Sài Gòn

Năm 2 đại học, toàn khối sinh viên trường Khoa học Tự nhiên chúng tôi chuyển hết từ Thủ Đức lên Sài Gòn. Đó là năm 2002. 

Trước khi vào Sài Gòn, mẹ đưa cho tôi chừng 200 ngàn. Mẹ nói cầm đi con, rồi bữa nào mẹ gửi vào tiếp. Mẹ nói vậy để trấn an tôi, chứ nhà tôi lúc đó khó mà đi mượn thêm được đồng nào. Tôi biết trước rồi nên tâm lý là vào Sài Gòn tự đi kiếm việc, tự sống. 


Vào Sài Gòn tôi ở nhà thằng Minh, bạn học thêm của tôi trong lớp Toán của thầy Sáng. Nhà nó có hai tầng, nằm trong một hẻm nhỏ ở khu Rạch Chiếc. Tầng trên nó với ba nó ở. Tầng dưới ngăn làm đôi, phía trước cho người ta mở văn phòng cho thuê. Phía sau là một cái bếp, cạnh toi-let, rồi có cầu thang đi lên. Tôi ở ngăn phía sau. Tôi kê một cái bàn để ngồi học, còn ngủ thì tối trải chiếu ngủ dưới chân cầu thang. Minh với ba nó đi suốt ngày, thỉnh thoảng mới về, còn người thuê mặt bằng làm công ty cũng thỉnh thoảng mới đến nên nhà khá yên tĩnh. Hàng tháng tôi đóng tiền ở trọ cho ba Minh. Ở một thời gian thì thấy ba Minh khó quá nên tôi chuyển đi, sang ở với một nhóm bạn trong lớp đại học, ở cùng quận, cách chừng 10 phút đạp xe. 


Việc đầu tiên tôi làm trong buổi sáng khi vào Sài Gòn đó là đi tìm mua một chiếc xe đạp. Tôi mua một chiếc xe cũ giá 120 ngàn ở một cửa hàng xe đạp cũ dưới chân cầu chữ Y.

21.8.21

Afghanistan: Bài học từ việc dựng xây một nền dân chủ

Mỗi tổng thống Mỹ luôn có cho mình một học thuyết và George W. Bush cũng vậy. Ông Bush cho rằng Mỹ là một quốc gia không những có trách nhiệm giữ gìn an ninh cho nước Mỹ mà còn có trách nhiệm lan toả tự do trên khắp thế giới. Ông tin rằng khi tự do lan toả thì thù hận và khủng bố sẽ mất đi. Để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ, ông chủ trương tấn công phủ đầu các quốc gia thù địch trước khi các quốc gia này có cơ hội tấn công nước Mỹ. Vì vậy mà ông bị gán cho cái nhãn là diều hâu, hiếu chiến.

Khi đưa quân vào tấn công Taliban, quân Mỹ dưới viễn kiến của ông có hai mục tiêu. Đầu tiên là tiêu diệt và truy lùng Taliban và mạng lưới khủng bố al-Qaeda; và thứ hai là dựng xây nên một nước Afghanistan dân chủ và tự do. 

Afghanistan sau 20 năm

Ngay sau khi thủ đô Kabul rơi vào tay quân Taliban, cựu tổng thống Hamid Karzai và cựu Bộ trưởng Ngoại giao Abdullah Abdullah đã đứng ra lập nên một uỷ ban nhằm đại diện cho chính quyền Afghanistan để đàm phán với phe Taliban, lấy lý do là những thay đổi diễn ra trong 20 năm qua trên toàn Afghanistan nếu không có sự điều đình và thoả hiệp giữa Taliban và chính phủ, khó mà Taliban điều hành được quốc gia. 

16.8.21

Người Mỹ, chiến lược, và bạn bè

Đêm 2/5/2011, một nhóm biệt kích hải quân của Mỹ bay trên hai máy bay trực thăng xâm nhập vào lãnh thổ của Pakistan. Cuộc đột kích bí mật đó đã nhanh chóng giết chết thủ lãnh khủng bố Osama bin Laden. Sau cuộc đột kích đó, Pakistan đã lên án Hoa Kỳ, cho rà soát lại nguyên nhân làm sao Hoa Kỳ biết được rằng Osama bin Laden đang sống trong một dinh thự biệt lập ở Abbottabad. Pakistan sau đó cho bắt ngay vị bác sỹ, người đã tổ chức kế hoạch tiêm chủng cho trẻ nhỏ mà nhờ đó lực lượng tình báo của Hoa Kỳ đã lấy được mẫu máu và đối chiếu DNA với người thân của trùm khủng bố bin Laden để xác thực rằng ông trùm khủng bố đang sống ở trong toà dinh thự kín cổng cao tường. Câu chuyện điều tra và đột nhập giết trùm khủng bố Osama bin Laden sau đó được dựng thành phim. 

Afghanistan: con cờ trong chiến lược xoay trục của Mỹ

Khi tôi viết những dòng này, quân Taliban đã đến ngoại ô Kabul của Afghanistan. Tổng thống của nước này đang họp với đại diện của Hoa Kỳ và châu Âu. Quân Mỹ đang hỗ trợ cho những nỗ lực di tản cuối cùng của các nhân viên Mỹ và những người cộng tác địa phương. Có thể chỉ trong vòng vài ngày tới, chính quyền dân chủ thế tục do Mỹ và phương Tây dựng nên trong vòng 20 năm qua sẽ sụp đổ, và một nhà nước Hồi giáo Taliban sẽ thay thế. 

13.8.21

Thời cuộc

Hồi mới lấy bằng tiến sỹ kinh tế, người nhà thỉnh thoảng nói bóng gió rằng người ta lấy bằng tiến sỹ rồi về nước làm chức này chức kia, còn mình thì chọn công việc chẳng giống ai. Tôi chỉ cười. Lặng lẽ làm công việc của mình. Mở dự án làm những gì mình thích, để dành thời gian đọc sách, viết lách, theo dõi thời cuộc, đi đó đi đây, chiêm nghiệm những nền văn hoá. 

8.8.21

Giới thiệu sách "Mô hình nghị viện liên bang cho Việt Nam"

Rồi một ngày Việt Nam sẽ có dân chủ. Trách nhiệm của những người Việt có hiểu biết là góp phần nhằm dựng xây nên một chế độ dân chủ tốt cho quê hương. Vậy đâu là những nguyên tắc nhằm đảm bảo một hệ thống dân chủ tốt, theo nghĩa đó là một hệ thống chính trị đảm bảo các quyền tự do của nhân dân, nó ổn định và làm được việc, nhằm đóng góp vào sự thịnh vượng của quốc gia? 

Đặng Tiểu Bình uốn "dòng sông xã hội chủ nghĩa"

Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình dẫn một đoàn cán bộ cao cấp sang thăm Singapore. Chuyến viếng thăm như là một dịp rửa mắt cho các cán bộ trong phái đoàn của Đặng Tiểu Bình. Gọi là rửa mắt vì cho đến lúc này, triết lý kinh tế chính trị của Trung Quốc vẫn là hệ thống xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế tập trung, được quy hoạch và quản lý bởi hệ thống nhà nước. 


Các cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc do đó chỉ được biết về sự ưu việt của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đối với họ, những người được “nhuộm đỏ lý tưởng”, rằng tư tưởng và hệ thống tư bản chủ nghĩa là một điều xấu xa, không phù hợp, và chắc chắn thất bại. Sau chuyến viếng thăm này, chính quyền Trung Quốc thường xuyên gửi các đoàn cán bộ đến học mô hình của Singapore. 

7.8.21

Chính trị giáo phái

Một đặc điểm chung mà các lãnh tụ cộng sản khởi nghiệp đều có đó là họ biến phong trào chính trị của họ thành một kiểu tôn giáo đặc trưng mà ta có thể gọi là chính trị giáo phái. 


Những lý thuyết chính trị được biên soạn, tuyên truyền, và truyền tay nhau như những cuốn thánh kinh, chỉ có đúng mà không có sai. 


Những người ủng hộ lãnh tụ như những tín đồ.


Còn những lãnh tụ được mô tả và xây dựng hình ảnh như là những đấng tối cao, tài năng xuất chúng, và là một hiện thân của đất trời nhằm cứu nguy dân tộc. 

6.8.21

Chiến lược vắc-xin của Tàu nhìn từ góc độ vĩ mô

Giữa tháng 6/2021, chính quyền Trung Quốc thông báo rằng hơn 1 tỉ liều vắc-xin của họ đã được tiêm cho toàn dân, và dự định là, với tốc độ tiêm trung bình 20 triệu liều một ngày, họ sẽ có được 40% dân số tiêm đầy đủ hai mũi trước cuối tháng 6. 


Với tốc độ tiêm 20 triệu liều một ngày, thì một tháng họ sẽ tiêm được khoảng 600 triệu liều vắc-xin. Điều này tương đương với việc 300 triệu người được tiêm đầy đủ 2 mũi. Với dân số 1,4 tỉ người, 300 triệu người này tương đương với 21% dân số. Như vậy,  chỉ nội trong tháng 7/2021, họ đã tiêm cho 300 triệu người, hay 21% dân số, với đầy đủ 2 mũi vắc-xin của mình.

Hãy nên dừng chích vắc-xin Tàu vì lợi ích quốc gia

Hải Phòng mới tung ra một văn bản đòi mượn 500 ngàn liều vắc-xin Sinopharm vero cell của Sài Gòn để tiêm cho dân ở đây. Song song đó là giới nhà báo thân chính quyền bắt đầu lên tiếng phụ hoạ rằng nếu Sài Gòn không tiêm loại vắc-xin Tàu này thì hãy chuyển cho Hải Phòng để chính quyền tiêm cho dân ở đó.


Có vài vấn đề để nói về câu chuyện này.

4.8.21

Để cái vắc-xin ngay miệng của mày đi

Giới đầu tư tài chính hay có câu cửa miệng đó là “put your money where you mouth is”. Dịch nghĩa đen là “đặt tiền vào ngay cửa miệng của mày đi”. 

Nhưng để hiểu nghĩa bóng thì phải để nó trong một bối cảnh. Bối cảnh đó thường là một tay bốc thơm về một loại tài sản đầu tư, cổ phiếu hay đất đai chẳng hạn. Anh ta bô bô tâng bốc về nó lên tận mây xanh và xúi người khác, một cách trực tiếp hay gián tiếp, đầu tư vào nó. 


Nhưng khi hỏi ngược lại anh ta rằng liệu mày có dám bỏ tiền túi của mày đầu tư vào đó hay không thì tay này thường chỉ bơ đi. Bởi trong thâm tâm của những người như vậy, họ biết là các sản phẩm đầu tư này chẳng đem lại lợi ích cho chính mình, thậm chí khiến mình phá sản, nên họ chỉ bô bô xúi người khác đầu tư mà thôi. 


Bởi vậy cho nên để xem lời nói của người ta có giá trị tới đâu, nó thực lòng đến đâu thì chỉ cần nói một câu: hãy đặt tiền của mày vào cửa miệng của mày đi, rồi hẵng nói. 

2.8.21

Việt Nam và Trung Quốc đang cạnh tranh chiến lược. Đừng nên tiêm vắc-xin của họ.

Thời Đông Chu Liệt Quốc bên Tàu, hai nước Ngô và Việt cạnh tranh chiến lược với nhau. Việt Vương Câu Tiễn trong lòng quyết chí chiếm lấy nước Ngô. 

Một lần, Việt Vương Câu Tiễn mượn thóc của nước Ngô để đem về gieo cấy. Đến khi trả thóc thì trước khi chuyển đến nước Ngô, Việt Vương cho người đem luộc hết thóc. Nước Ngô nhận thóc trả lại của nước Việt thấy hạt nào hạt nấy to mập, tưởng thóc tốt, nên đem gieo làm giống. Nhưng vì thóc đã luộc chín nên không nẩy mầm. Năm đó nước Ngô mất mùa, nhiều người chết đói, kinh tế suy sụp. 


Nước Ngô kinh tế suy sụp mà Ngô Vương Phù Sai lại đem quân chinh chiến khắp nơi khiến quân lực tiêu hao. Việt Vương nhân đó mà tấn công, cuối cùng thì đánh bại được Ngô Vương Phù Sai, xoá sổ nước Ngô. 


Đó là chuyện xưa. 

19.7.21

Ngoại giao và đất nước



Bảo vệ một đất nước, nhất là với những nước yếu, đang chống chọi lại những thế lực luôn sẵn sàng tấn công và tiêu diệt mình, ngoại giao luôn là một bước đi đầu. Chiến tranh chỉ là một sự kéo dài của chính trị, và nó chỉ được dùng tới khi tất cả các biện pháp ngoại giao chính trị đã bế tắt. 


Muốn quan sát về ngoại giao trong cục diện thế giới hôm nay, không gì hay bằng quan sát các bước đi mà Đài Loan đang thể hiện. Đài Loan đang chống lại các nỗ lực sáp nhập của Trung Quốc đại lục và các hoạt động ngoại giao của họ diễn ra liên tục, bám sát chính sách của các nước mà cụ thể ở đây là Mỹ và phương Tây. 

12.7.21

Chuyện tiêm vắc-xin ở Nauy

Ở Nauy, họ đã hoàn thành chính phủ điện tử. Tất cả mọi người đều có một mã số định danh. Mã số đó gồm 11 số; 6 số đầu để ghi ngày tháng năm sinh và 5 số cuối là 5 số đặc biệt. 


Ví dụ một người sinh ngày 07/12/1990 thì sẽ có số định danh là 071290-48321 chẳng hạn. Số này mỗi người tự nhớ. Không có ghi trên thẻ chứng minh nhân dân để bảo mật. Định dạng kiểu này vừa dễ tra cứu thông tin cá nhân mà người dùng cũng dễ nhớ số của mình. 

10 chia sẻ trong mùa dịch

Ảnh của tôi, một góc thành phố Alicante, Tây Ban Nha, trong mùa dịch. 


Trong kỳ đại dịch diễn ra, tôi có dịp qua lại giữa Nam Mỹ và châu Âu. Chứng kiến nhiều cảnh, nên muốn chia sẻ với bạn bè vài điều. 


Thứ nhất. Virus Covid-19 gây ra chết người là thật, chứ không phải ảo. Ở Nam Mỹ, các thành phố lớn lần đầu đóng cửa, người chết rất nhiều. Chính quyền phong toả. Xác chết chưa kịp chôn, người dân liệng ra đường để nhờ quân đội đi chôn giúp. Đó là sự thật.

9.7.21

Nguồn gốc của sự phân biệt Bắc-Nam

Có những góc nhìn mà người miền Nam khác hoàn toàn với miền Bắc. Đó là do người miền Nam học sử trên thực tế, qua sự trải nghiệm, còn người miền Bắc thì được học sử qua sự nhồi sọ, tuyên truyền của đảng Cộng sản. 

8.7.21

Bầu cử tự do: mục tiêu cuối của phong trào dân chủ

Trên con đường đi đến thắng lợi cuối cùng, một phong trào cần giành thắng lợi các mục tiêu (target) khác nhau.

30.6.21

Việt Nam trước ngưỡng cửa thay đổi

Lịch sử cho thấy những nhân tố cả ở bên trong và bên ngoài định hình nên những thay đổi của một quốc gia. 


Việt Nam là một ví dụ. Nhu cầu độc lập trong nước cộng với sự thoái trào của chủ nghĩa đế quốc là hai nhân tố chính đưa Việt Nam tới một nền độc lập. Tuy vậy, sự độc lập sau đó đã bị bẻ lái sang chế độ cộng sản như là một sản phẩm của cuộc chiến ý thức hệ giữa hai phe tư bản và cộng sản mà phe tư bản đã thua ở chiến trường Việt Nam.


Câu hỏi tiếp theo đó là điều gì sẽ diễn ra ở Việt Nam trong những ngày tới? Để trả lời câu hỏi này, từ bài học lịch sử, có lẽ chúng ta cần phân tích hai góc nhìn, từ trong nước và bối cảnh thế giới. 

26.6.21

Những nhân tố nào giúp một quốc gia phát triển, và tại sao Việt Nam đã không phát triển?

Điều gì khiến những quốc gia khác phát triển, còn nước mình thì không? Đó là câu hỏi mà có lẽ nhiều người Việt chúng ta ai cũng đã từng tự đặt ra cho mình. Trong sự chủ quan của kiến thức, mỗi người tự đưa ra một câu trả lời của riêng mình, không ai giống ai. Nhiều người bi quan, tự cho rằng cái số, cái vận nước mình nó vậy. 

Câu hỏi đó nó không chỉ là một sự quan tâm, một tình cảm của một con người với xứ sở mình gắn bó, yêu thương, mà nó trước hết còn là một trăn trở. 


Ở phía những học giả, gạt qua một bên những tình cảm, người ta tìm cách lý giải sự phát triển của một vùng đất, một quốc gia dựa vào những nhân tố khác nhau. Trong những nhân tố đó, có cái là do ở sự may mắn, những điều thừa hưởng; nhưng bên cạnh đó, có nhiều yếu tố do sự tác động của con người. 

24.6.21

Một chính phủ bất tài cần được thay thế

Những ai quan sát cách điều hành của nhóm lãnh đạo hiện nay trong việc đối phó với đại dịch sẽ thấy rằng đó là một nhóm bất tài và kém cỏi. Sự hỗn loạn và lan tràn dịch bệnh thiếu kiểm soát hiện nay là một bằng chứng. Chính phủ cho đến giờ này không có một kế hoạch rõ ràng nào về việc tiêm vắc-xin sẽ kéo dài bao lâu, đến bao giờ thì mở cửa, hỗ trợ người dân như thế nào. Tất cả chỉ là một con số không. Ở những nước khác, một nhóm bất tài như vậy đã bị người dân thay thế từ lâu rồi. Họ thay đổi bằng lá phiếu hoặc họ thay đổi bằng cách xuống đường và đòi một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những lãnh đạo khác. Dân Việt Nam thì quá hiền và quá sợ, cho nên đã chọn cách chịu đựng. Nhưng hiền, không có nghĩa là họ không biết. Có điều, bao năm sống dưới một chế độ tàn bạo, bị đàn áp quá khốc liệt, họ trở nên sợ hãi chính quyền. Nếu lúc này, những nhóm trong quân đội đứng dậy, thay đổi chính phủ, tạo ra một nền cộng hoà dân chủ mới, hẳn người dân sẽ đứng dậy ủng hộ và biết ơn. Tên của các anh sẽ đi vào sử sách. 

Chính phủ mua vắc-xin từ VNVC: Một kịch bản móc ngoặc hoàn hảo

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, 30 triệu liều vắc-xin mà VNVC đã mua được của AstraZeneca sẽ được bán lại cho Bộ Y tế. Có nhiều câu hỏi quanh câu chuyện này. 

Câu hỏi thứ nhất là tại sao chính phủ Việt Nam không đặt mua trực tiếp từ nhà sản xuất vắc-xin AstraZeneca mà phải đặt mua qua VNVC? 


Nếu câu trả lời là bây giờ các đối tác đã đặt mua hết vắc-xin từ nhà sản xuất, và chính phủ Việt Nam không thể đặt mua trực tiếp, hoặc nếu đặt mua bây giờ thì đợi đến lượt chuyển về sẽ rất lâu vì nhà sản xuất buộc phải giải quyết những đơn hàng đặt trước, thì trách nhiệm lúc này thuộc về chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã không có khả năng đàm phán, hoặc chính phủ rất chủ quan, không có khả năng quản lý diễn biến đại dịch để đặt hàng sớm. Nó chứng tỏ chính phủ quá kém nếu không nói là bất tài. 

Dân chủ trực tiếp ở Hoa Kỳ: Trường hợp công dân đuổi thống đốc Gavin Newsom ở California

Hôm nay, thống đốc bang California Gavin Newsom bị cách chức (recall) sau khi chiến dịch vận đông đuổi (recall) ông đã đạt được 1,7 triệu chữ ký có xác nhận. Đây là một hình thức của hoạt động lập pháp công dân (citizen legislation), tức các công dân trực tiếp thực hiện công việc lập pháp, mà không cần thông qua quốc hội. Lập pháp công dân là như thế nào, tại sao nó cần thiết, và nó giúp tăng cường dân chủ như thế nào. Đó là nội dung bài viết dưới đây. 

20.6.21

Chuyện phân biệt vùng miền

Có thể nói không gian mạng facebook là một xã hội thu nhỏ của Việt Nam, mà trên đó bạn có thể bắt gặp mọi cảm xúc và thái độ của người trên khắp mọi miền đất nước. Chuyện phân biệt vùng miền là một chủ đề như vậy. Đó là một vấn đề nhạy cảm. Nhạy cảm vì nói ra sợ mắc lòng; mắc lòng với hàng xóm, với bạn bè, với người thân. Nhưng cái chuyện khác biệt vùng miền đó nó cứ âm ỉ, ẩm ỉ vì nó là một sự thật.

Thật ra, cái chuyện phân biệt vùng miền trở nên ngày càng lớn chỉ từ sau khi đảng Cộng sản chiếm lấy miền Nam Việt Nam. 


Trước năm 1975, chuyện phân biệt Bắc Nam hầu như không có. Nếu nó có, thì những chính khách, văn nghệ sỹ Bắc 54 sẽ chẳng bao giờ có mặt một cách phổ biến trên chính trường hay diễn đàn công chúng của miền Nam Việt Nam. Đơn giản là nếu dân miền Nam hồi đó mà phân biệt vùng miền như hiện nay, họ sẽ tẩy chay ngay lập tức những lãnh đạo chính trị hay văn hoá nói giọng Bắc. 

19.6.21

Cú lừa của chú phỉnh



Lịch sử có thể không lặp lại một cách y chang. Nhưng lịch sử dạy cho người ta biết nhiều điều, cho người ta nhiều bài học. 


Không phải ngẫu nhiên khi bạn đi xin việc, người phỏng vấn luôn muốn nhìn hồ sơ cá nhân, lịch sử làm việc của bạn, và quan trọng hơn là thư giới thiệu hoặc số điện thoại của những công ty trước đó bạn đã làm. Để chi? Để người ta xem cái quá khứ của bạn như thế nào rồi người ta sẽ dự đoán được tính cách bạn ra sao, kinh nghiệm, trình độ thế nào, đặng còn quyết định có nhận bạn hay không.


Nói như vậy để thấy cái quá khứ nó rất quan trọng đối với một con người. Nhìn quá khứ đoán biết được tính cách của họ.

7.6.21

Thiền sửa xe

Ở cấp 3, mỗi tỉnh có một trường chuyên. Ở tỉnh tôi là trường chuyên Lê Quý Đôn ở Nha Trang. Ngày tôi còn học, trường nằm ở địa chỉ 46A Lê Đại Hành. Tôi ở huyện, nhà cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 30 cây số. Để được nhận vào trường chuyên, học sinh học xong cấp 2, tức lớp 9, của cả tỉnh phải nộp đơn để thi vào trường. 


Năm tôi thi, trường chuyên lúc đó có bốn khối lớp: Toán, Vật lý, Văn, và Anh văn. Tôi đăng ký thi vào chuyên Vật lý, vì lúc đó tôi đang yêu thích môn học này. Cả năm cấp hai tôi học lớp chuyên Toán, nhưng đến năm cuối cấp hai thì tôi lại yêu thích môn Vật lý và thi đậu vào đội tuyển Vật lý của huyện để thi học sinh giỏi Vật lý cấp tỉnh. 


Ở huyện, nên sách vở để ôn luyện không có nhiều. Nhà sách thì không bán sách tham khảo cho học sinh để luyên thi vào lớp chuyên. Vỏn vẹn lúc đó sách Vật lý để tham khảo chỉ có một, hai cuốn gì đó. Trong đó có một cuốn sách tôi mua đã lâu, liên quan đến Vật lý nhưng đọc rất khó hiểu, chỉ thỉnh thoảng tôi lấy ra và nghiền ngẫm rằng tại sao tác giả lại giải như vậy, và từ từ tôi học được thêm ít nhiều. 


Năm cuối cấp 2, tôi có một cô bạn cùng quê, học ở Nha Trang về. Cổ cũng định thi chung ngành Vật lý vào trường chuyên. Tôi mượn của cô được một cuốn sách tham khảo về Vật lý, cuốn 121 Bài tập Vật lý. Tôi xin mượn trong một tháng để đọc. Trong một tháng đó, mỗi ngày tôi đọc, cố gắng hiểu, rồi giải lại theo cách của mình tất cả các bài tập trong đó. Vài bài khó hiểu tôi chép lại vào vở để tìm hiểu thêm. Sau một tháng tôi học hết cuốn sách, trả lại sách cho bạn và cảm ơn. Thời ấy không có máy photocopy, hoặc đã có nhưng nó là một thứ quá đắt tiền và ngoài tầm với của tôi. 


Thi vào trường chuyên là một nguyện vọng của tôi, có thể nói là duy nhất lúc đó, vì trong đầu tôi lúc này không nghĩ mình sẽ học ở một trường ở huyện. Tôi muốn đi ra ngoài, đi đó đi đây để biết những điều mới mẻ. Vì vậy mà việc đọc sách, tự tìm hiểu cách thi, cách nộp đơn tôi đều tự làm, tự chuẩn bị, xong hết rồi mới bảo mẹ tôi rằng tôi muốn thi vào trường chuyên. 


Hôm mẹ tôi chở tôi vào trường để nộp đơn, bà hỏi đủ thứ các thầy cô giáo nhận đơn, rằng ở đây có tệ nạn không vì tất cả các học sinh ở quê muốn vào học trường chuyên thường phải ở nội trú hết, chỉ cuối tuần mới được nghỉ để về nhà. Xong bà bảo tôi, thi thôi, nếu đậu thì tính tiếp, chứ chưa chắc đi học ở đây đâu. Thời mà xì ke, ma tuý, tệ nạn đầy rẫy, để một đứa trẻ 15 tuổi lần đầu tiên xa nhà là một điều bất an với bất cứ phụ huynh nào.


Hôm trước ngày thi, tôi không học gì nữa, sách vở bút viết tôi để sẵn vào cặp. Nguyên ngày hôm đó tôi ngồi phụ ba tôi sửa xe máy. Nhà tôi có một tiệm sửa xe máy nhỏ. Dì tôi ở nhà kế bên nhìn sang, bảo ngày mai thi rồi sao không chuẩn bị để đi thi mà ngồi đây sửa xe máy. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Có lẽ bà không hiểu rằng cái cảm giác ngồi xổm, dùng tay vặn từng con ốc, hai bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ, lau từng bộ phận của chiếc xe máy, nó đem lại một cảm giác cực kỳ dễ chịu cho một người đã quá tập trung đầu óc để chuẩn bị cho cuộc thi ngày mai. Làm việc chân tay lúc này là một cách để trí não được nghỉ ngơi. Với một đứa trẻ 15 tuổi, tôi không có một khái niệm gì về sự nghỉ ngơi của trí não, mà chỉ đơn thuần là cảm thấy thoải mái khi làm việc với những bộ phận máy móc lúc này.


Chỉ khi sau này, lớn lên, để giải toả những căng thẳng thường trực trong công việc tôi bắt đầu tìm hiểu về thiền ứng dụng và biết đến thiền chánh niệm. Một cuốn sách thiền chánh niệm rất hay và dễ hiểu mà tôi luôn khuyến khích mọi người đọc đó là cuốn “An lạc từng bước chân” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách chỉ ra nhiều cách thiền khác nhau, có cả thiền điện thoại, thiền chỉ bằng cách nghe tiếng chuông nhà thờ ngân, thiền ăn, thiền uống. Thiền trong mọi hoạt động cuộc sống, và như vậy chắc chắn có cả thiền rửa chén và thiền sửa xe như tôi đã làm. Thiền chánh niệm trong cuộc sống rất đơn giản, đó là chúng ta ý thức về việc chúng ta đang làm, tập trung chỉ duy nhất vào nó, lắng nghe hơi thở, và hiểu rằng chúng ta đang sống ở thời khắc hiện tại, trân quý hiện tại. 


Trong ý thức của một cậu bé 15 tuổi năm xưa, tôi đã không có một ý thức gì về thiền, mà chỉ thấy sự thoải mái khi đầu óc được giải phóng khỏi những suy nghĩ về những bài toán, con số, để ngồi đắm chìm tập trung vào vặn những con ốc, lau những cơ phận của xe máy. Điều mà sau này lớn lên tôi mới ý thức rằng đó cũng là một cách thiền, để tĩnh tâm. 


Ngày ở Stockholm, tôi tập thiền chánh niệm nhiều hơn, thấy yêu đời hơn và tự chữa trị được căn bệnh đau bao tử, xảy ra vì những ngày làm việc căng thẳng ở Singapore, chỉ bằng cách uống mật ong sáng sớm và trước khi đi ngủ, bớt lo lắng và tập trung vào hiện tại. 


Tôi thường bảo với người thân rằng đó là cuốn sách làm thay đổi đời tôi, và nhờ vậy mà tôi luôn tìm thấy niềm vui trong tất cả việc mình làm, chỉ đơn giản bằng cách tập trung vào công việc, hít thở và mỉm cười. 


Nhiều người sẽ nghĩ sao đơn giản thế được. Nhưng thật sự là nó như vậy. Niềm vui và sự an nhiên trong cuộc sống bạn có thể tìm ở đâu, ngay trong việc bạn đang làm. Cho nên, việc ông tỉ phú Bill Gates kể rằng ông dành rửa chén mỗi đêm và thoải mái khi nghe tiếng nước chảy róc rách đó cũng là một cách để ông thiền, nhằm thả lỏng đầu óc khỏi một ngày làm việc căng thẳng. Nó cũng giống như cách mà tôi, một đứa trẻ năm xưa ngồi lau chùi, vặn vẹo những bộ phận của những chiếc xe máy trước ngày thi.


Hôm sau tôi đi thi và sau đó nhận kết quả đậu. Hôm tôi nhận kết quả đậu cũng là lúc tôi đang phụ sửa xe máy với ba tôi. Cô bạn tôi đi ngang bảo rằng đã có kết quả và cô đã đậu. Ba tôi ngay lập tức bảo tôi vào thay đồ rồi ông lấy xe máy chở tôi thẳng vào Nha Trang. Vào đến nơi lúc đã xế chiều. Tôi đậu, đứng thứ 7 trong tổng số lấy 23 học sinh cho lớp chuyên Lý toàn tỉnh. 


Nguyễn Huy Vũ

4.5.2021

Hãy để Việt Nam hoá rồng

Mấy ngày nay rộ lên tin báo chí đưa rằng ở một tỉnh miền núi của Hàn Quốc, những nông dân nghèo không lấy được vợ địa phương được chính quyền khuyến khích lấy những cô du học sinh trẻ đẹp của Việt Nam. Tin này đã làm nhiều người bức xức, và các dư luận viên vì vậy cũng lên đồng — như là một cách lên dây cót tinh thần dân tộc và để bảo vệ vai trò của nhà cầm quyền và tính chính danh của chế độ. 


Nhưng nè, cho dù có đi xua cả ngàn dư luận viên để bào chữa thì các bạn cũng không thể thay đổi đi một thực tế rằng Việt Nam là một nước nghèo, rất nghèo. Và nghèo thường đi đôi với hèn, với kém. Chẳng có một nước nghèo nào mà sang cả. 


Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Việt Nam chỉ vỏn vẹn có khoảng hơn 200 đô-la Mỹ mỗi tháng, 2.700 đô-la Mỹ mỗi năm. Còn thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc gấp 12 lần Việt Nam, ở mức 31 ngàn đô-la Mỹ mỗi năm, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. 


Một người trung bình có thu nhập hai trăm đô la Mỹ mỗi tháng nghĩa là gì?  Nghĩa là có vô số người có thu nhập dưới 200 đô-la Mỹ mỗi tháng, và một thiểu số người có thu nhập rất cao hơn 200 đô-la Mỹ mỗi tháng. 


Bạn ở thành thị, có điều kiện tiếp xúc với Internet, nhìn thấy những bạn xung quanh mình giàu sang, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu tới hàng ngàn đô, thì nghĩ rằng Việt Nam mình như vậy là giàu, là phát triển. Nhưng cái góc khuất nhóm dân có thu nhập dưới 200 đô-la mỗi tháng thì nhiều vô kể. Họ không có cơ hội để có điện thoại thông minh và được dịp kết bạn với bạn, ở trong vòng bạn bè với bạn, và vì vậy mà bạn không bao giờ thấy họ. Hai thế giới chạy song song với nhau, giàu và nghèo, cách biệt cùng tồn tại trong cùng một đất nước. 


Ở bất cứ một nước nào, đồ thị bất bình đẳng về giàu nghèo và thu nhập đều có cùng một dạng. Đó là nhóm dân giàu nhất, nhóm 1% chiếm chừng 40% tài sản quốc gia như ở Mỹ, và công bằng hơn thì cũng chiếm 20% như ở các nước Bắc Âu. Nhóm 40% nghèo nhất của Mỹ hầu như không có một tài sản đáng kể nào cả. Ở các nước khác cũng tương tự. Mức thu nhập thì ít chênh lệch hơn nhưng cũng nghiêng hẳn về phía những người giàu. 


Nói như vậy để các bạn biết rằng đằng sau con số thu nhập trung bình hàng tháng hơn 200 đô-la Mỹ của mỗi người Việt Nam là vô số con người, ít nhất là một nửa dân số, có thu nhập dưới 200 đô-la Mỹ mỗi tháng. Họ là những nông dân, công nhân, những mẹ, những em, những chị, vất vả, lam lũ ở những vùng nông thôn, họ bế tắc với công việc, cuộc sống, và họ chấp nhận làm bất cứ gì để họ đổi đời. Vì thế mới có làn sóng cô dâu Đài Loan, rồi cô dâu Hàn Quốc, rồi có phong trào gái Việt đứng đường ở Singapore, Malaysia. 


Ai chịu trách nhiệm này? Chính các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chứ còn ai vào đây nữa. Họ độc quyền lãnh đạo và vì vậy mà độc quyền chịu trách nhiệm cho tất cả các sự thua thiệt của quốc gia và dân tộc trên trường thế giới. 


Ngày nay, nếu bạn cầm hộ chiếu đi ra nước ngoài, hộ chiếu Việt Nam là một hộ chiếu hèn kèm nhất khu vực. Đi đâu bạn cũng phải xin chiếu khán (visa), và bạn luôn đối diện với khả năng bị từ chối. Đơn giản là nước nào cũng sợ dân Việt đến và trốn ở lại. Tại sao vậy? Tại vì Việt Nam quá nghèo so với hầu như tất cả các nước khác. Chẳng ai dại gì đi trốn đến một nước nghèo khó hơn cả. Những nước khá hơn một chút đều có dân Việt Nam đến nhập cư lậu, từ những nước xa xôi như Peru ở Nam Mỹ cho đến gần gần như Malaysia. 


Thấy nhục không? Nhục chớ. Mình cũng là dân Việt Nam mà. Mình thay đổi được không? Được chứ. Nửa thế kỷ trước Hàn Quốc từng là một nước nghèo, dân họ đói phải ăn vỏ cây, chỉ sau nửa thế kỷ giờ đây họ thành một nước phát triển giàu mạnh. Nhật Bản mất 70 năm từ một nước phong kiến lạc hậu trở thành một cường quốc. 


Còn Việt Nam? Trước 1975 Việt Nam Cộng Hoà từng có một nền văn hoá, giáo dục tiến bộ nhất khu vực, sau nửa thế kỷ giờ thì đứng hàng cuối khu vực. Do ai? Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo và độc quyền chịu trách nhiệm chứ còn ai.


Chừng nào đảng Cộng sản còn tiếp tục lãnh đạo, chừng đó đất nước còn lạc hậu so với thế giới. 


Tại sao?


Tại vì ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một cách trung thực, lúc ban đầu chính thể của họ cũng là độc tài. Nhưng cái độc tài của họ không phải độc tài cộng sản. Họ độc tài về quyền lực nhưng họ không độc tài về tư tưởng, về chân lý. Giáo dục họ không có nhồi sọ dân chúng. Họ cởi mở về giáo dục và xã hội, để tự do tư tưởng, tự do trao đổi thông tin, tự do kinh doanh, sở hữu tài sản, tự do di chuyển, trao đổi học thuật văn hoá tư tưởng thoải mái với các nền văn minh dân chủ phương Tây. Vì thế mà dù trong chế độ độc tài quyền lực, xã hội họ vẫn phát triển, giới trung lưu của họ lớn mạnh, giới thương nhân của họ vẫn năng động, vẫn tích luỹ tài sản, vẫn cải tiến sản phẩm, để rồi một ngày khi xã hội đủ phát triển và lớn mạnh thì họ tự phá vỡ cái gông độc tài để trở thành một nước phát triển và dân chủ. Dân chủ giúp họ lớn mạnh hơn nữa vì nó giúp họ chọn ra những lãnh đạo ưu tú hơn, trong sạch hơn, tài sản quốc gia ít tham nhũng hơn. 


Còn ở Việt Nam? Giáo dục bị nhồi sọ, tư tưởng bị uống nắn, sách báo phương Tây thì hạn chế, đi đâu, tiếp xúc với ai, làm gì cũng đều phải xin phép, nghiên cứu hay phát biểu mà đụng đến thể chế, mô hình chính trị, kinh tế xã hội thì luôn luôn nớm nớp lo bị gán cho cái nhãn phản động, là thế lực thù địch, là kỷ luật, nhà tù. Riết rồi dân quá sợ mà hèn, người có học trở nên nhu nhược, kẻ sỹ chẳng còn mấy ai và nếu còn thì cũng chẳng có những nghiên cứu, thảo luận gì cho ra hồn. Văn hoá vì vậy mà suy kiệt, tư tưởng vì thế mà méo mó. Hỏi sao phát triển được? 


Tất cả chỉ vì đảng Cộng sản sợ dân trí phát triển, vì dân trí mà phát triển thì dân tất biết và đòi các quyền cơ bản của mình, trong đó có quyền ứng cử và bầu cử tự do. Mà lúc có bầu cử, ứng cử tự do minh bạch thì với tầm vóc, kiến thức, khả năng, và trí tuệ của các lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay thì họ rớt chắc.


Cho nên, muốn đất nước phát triển thì không có con đường nào khác ngoài việc các bạn phải đòi hỏi cho được tự do bầu cử, ứng cử. Đòi một cuộc bầu cử minh bạch, với các quy luật công bằng cho các ứng viên. Không cần phải đòi lật đổ chế độ chi cả. Nếu các đảng viên đảng Cộng sản có uy tín, khả năng thì sẽ được dân bầu tiếp lãnh đạo. Còn nếu không, các ứng viên khác sẽ thay thế. Một quốc hội gồm những người ưu tú nhất của đất nước tự khắc biết điều gì cần thiết cho dân tộc. Và tôi tin rằng, chỉ bằng thực hiện vài lần bầu cử tự do như vậy Việt Nam sẽ hoá RỒNG. Vì người Việt mình sáng dạ, thông minh, và chịu khó không thua những dân tộc khác, ít nhất là ở châu Á này. 


Nguyễn Huy Vũ

31.5.2021

29.5.21

Những con chó của chế độ

Những bạn đọc truyện Tam Quốc bên Tàu hẳn nhớ tích Khổng Minh 7 lần bắt 7 lần thả Mạnh Hoạch. 

Trước khi Lưu Bị mất, Bị gửi gắm mọi quyền hành quốc gia vào tay Khổng Minh. Nhà Thục Hán lúc này đối mặt phía Bắc có Tào Phi hăm he thừa dịp tấn công. Ở phía Nam có quân Man mà thủ lĩnh là Mạnh Hoạnh thừa dịp nổi loạn. 


Nếu Khổng Minh đem quân tấn công Tào Phi ở phía Bắc mà Mạnh Hoạch ở phía Nam cũng thừa dịp tấn công thì nhà Thục Hán tất sẽ lâm nguy. 


Đại quân của nhà Thục Hán dễ dàng đánh thắng quân Man của Mạnh Hoạch, nhưng sau đó nếu quân nhà Thục Hán kéo lên phía Bắc thì quân Man ở phía Nam lại thừa dịp nổi dậy mà làm loạn. Quân Man trong một thời gian dài bị sự tuyên truyền của Mạnh Hoạch mà đâm lòng oán hận nhà Thục Hán. Nếu quân nhà Thục Hán bắt giết Mạnh Hoạch và tiệt trừ quân Man nữa thì chẳng khác nào chứng nhận rằng những lời tuyên truyền của Mạnh Hoạch là đúng. 


Muốn bình định phương Nam vì vậy không thể chỉ dùng mỗi bạo lực, mà phải thuyết phục lòng người. Đó là lý do mà Khổng Minh đã 7 lần bắt rồi 7 lần thả Mạnh Hoạch để cuối cùng cảm phục và biến Mạnh Hoạch trở thành một đội quân trung thành với nhà Thục Hán. Phên dậu phương Nam của nhà Thục Hán từ sau đó mãi trở nên bình yên.


Kể chuyện này chỉ để nói rằng chiến tranh là một sự kéo dài của chính trị khi mà các kỹ năng thuyết phục ngoại giao đã thất bại. Một nhà cầm quyền khôn ngoan chẳng khi nào muốn dùng tới chiến tranh hay bạo lực để khuất phục quần chúng hay đối thủ khi mà họ có thể sử dụng những biện pháp hoà bình khác để thu phục trái tim của họ. Đó là lý do mà các bậc đế vương xưa nay đều cố kéo theo bên mình các văn sỹ nổi danh thiên hạ. Mục đích chỉ để củng cố và tô vẽ tính chính danh của người cầm quyền và cũng để thuyết phục nhân tâm đặng làm yên thiên hạ. Đó là lý do mà Frederick Đại đế có Voltaire, hay Napoleon có Goethe.


Ngày xưa bậc đế vương cai trị nhờ văn sỹ thì ngày nay những nhà độc tài cũng cai trị nhờ văn nghệ sỹ. Công an, quân đội, và nhà tù chỉ là những công cụ cuối cùng phải dùng tới để trấn áp nhân dân. Công cụ đầu tiên đó là tuyên truyền để thuyết phục nhân tâm và ở đây là vai trò của giới văn nghệ sỹ, giới nhà báo, và giới có học tôi mọi (không phải trí thức). 


Các giới này như những con tốt nằm trong túi nhà cầm quyền độc tài và họ được nuôi dưỡng để ngợi ca nhằm duy trì sự ổn định của trật tự xã hội và tính chính danh của nhà cầm quyền. Đó là lý do mà một nhà báo của chế độ cộng sản từng có lần nói thẳng ra rằng “nhà báo như là một con chó” — câu hơi thô nhưng đúng bản chất của sự việc. Một chế độ độc tài sẽ sụp đổ nếu thiếu những nhà báo và giới văn sĩ nô ru ngủ quần chúng, nuôi dưỡng hào quang của chế độ trong trái tim của nhân dân. 


Quan hệ giữa nhà cầm quyền và giới văn sỹ nô là một mối quan hệ cộng sinh. Văn nô đóng vai trò tâng bốc hình ảnh của nhà cầm quyền và chế độ nhằm xoa dịu trái tim quần chúng, để đổi lại nhà cầm quyền trao tặng những danh hiệu và đặc cách các vị trí khác biệt trong xã hội. 


Nếu như quân đội và công an là những tấm khiên của nhà cầm quyền thì giới văn sỹ nô tương tự như là những cái miệng của họ. Tấn công vào giới văn sỹ nô, bẽ gẩy từng người một, là một cách tấn công vào những cái miệng của nhà cầm quyền. Khi những cái miệng dần bị bít lại thì những tấm khiên của quân đội và công an trở thành những tấm chắn cô lập giới cầm quyền trước xã hội. Sự sụp đổ sau đó chỉ là vấn đề thời gian vì những tấm khiên không làm nên chân lý và tính chính danh.


Hãy nhìn xem ở Miến Điện. Khi giới văn sĩ nô hoàn toàn thất bại trong việc thuyết phục người dân về một trật tự xã hội do quân đội nắm quyền thì đó cũng là lúc giới tướng lĩnh tự cảm thấy cô lập và cô đơn giữa một quốc gia, và trên trường quốc tế, dù cho họ có nắm trong tay đầy đủ súng ống và quân đội. 


Do đó, bằng mọi giá ban tuyên truyền của các chế độ độc tài luôn tìm cách bảo vệ giới văn sỹ nô của họ. Và giới văn sỹ nô luôn biết điều đó. Đó là lý do mà cho dù họ, giới văn sỹ nô, có lợi dụng địa vị của mình để đi lừa gạt nhóm quần chúng cả tin thì cũng chẳng vì quyền lợi của quần chúng mà nhà cầm quyền đi trách mắng những con chó của mình. Ngược lại là khác, nhà cầm quyền sẽ cố tìm cách bịt miệng những tiếng nói hay hành động nhằm làm hoảng sợ hoặc lung lay vị trí những con chó của mình. Vì nếu không có những con chó bảo vệ, vị trí nhà cầm quyền ắt sẽ lâm nguy.


Đọc đến đây hẳn bạn đọc sẽ hiểu ra rằng muốn thay đổi một chế độ thì trước hết bạn phải thay đổi những con chó này của chế độ. Có những con không thể thay đổi được và bạn chỉ có thể làm cho nó tự lặn đi mà thôi. Bạn có thể làm được điều đó khi khiến cho nó thấy rằng cứ mỗi khi nó sủa là mỗi lần nó cảm thấy rất nhục. 


Nguyễn Huy Vũ

29.5.2021

24.5.21

Hãy gieo những hạt mầm ý thức

Hơn 5 năm trước, nếu ai đó mở miệng đòi minh bạch từ thiện, họ chắc chắn nhận được một cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. Minh bạch từ thiện là gì? Tại sao cần phải minh bạch? Đã gửi tiền rồi thì tức giao trọn niềm tin cho người ta, và đã tin người ta thì cớ gì cần phải đòi hỏi thông tin này nọ? 

Rồi nếu mà lỡ có ai ăn bớt ăn xén thì có thánh thần ngó nghĩ. Mình đã gửi tiền từ thiện rồi thì coi như mình đã làm trọn trách nhiệm rồi. Đó là những suy nghĩ phổ biến của người Việt.


Cái văn hoá cùng suy nghĩ đó nó ăn sâu vào tâm thức của nhiều người. Xung quanh không ai lên tiếng mà mình lên tiếng thì kỳ quá, bị người ta cho là nhỏ mọn. Vài chục ngàn, vài trăm ngàn, có bao nhiêu đâu. Nhiều người biết mình bị lừa thì ngậm bồ hòn làm ngọt, thôi thì bỏ qua chứ biết sao giờ.


Tâm lý chung của người Việt vì vậy đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho biết bao bọn mượn đạo tạo đời, lợi dụng lòng tin của người Việt để quyên góp rồi kiếm chác. Mỗi người một ít, nhưng khi số lượng tiền góp lên tới hàng tỉ đồng thì đó không còn là chuyện của cá nhân nữa. Đó đã trở thành chuyện của cộng đồng, chuyện của pháp luật. 


Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cho đến nay, người mình vẫn quen với những sinh hoạt theo văn hoá nông dân. Trong cái văn hoá nông dân đó, mọi thứ hoạt động theo kiểu gia đình, bạn bè, và các hoạt động dựa chủ yếu trên nền tảng của đức trị, tức mọi người làm việc với nhau dựa chủ yếu trên niềm tin và uy tín. Những người có thế lực hơn thì dựa vào sức mạnh đe doạ của xã hội đen. Luật pháp là một thứ xa xỉ. 


Vì vậy mà mới có những vụ giựt hụi, những vụ quỵt nợ, những hoạt động đa cấp đủ các hình thức nở rộ, điều mà bạn sẽ rất hiếm khi thấy ở các nước phương Tây ngày nay. 


Trong sinh hoạt của thế giới phương Tây, nhất là các hoạt động liên quan đến tài chính, tiền bạc, kinh doanh, mọi hoạt động đều dựa trên sự đối chiếu, bằng chứng, kiểm tra, và minh bạch. 


Bạn muốn quyên tiền cho ai thì cần phải có sự đồng ý của chính quyền. Bạn chi bao nhiêu, còn bao nhiêu, cho ai và như thế nào, tất cả phải có hoá đơn hay bằng chứng. Đó là cách mà con người bảo đảm rằng các hoạt động giao dịch được thực hiện trôi chảy, đúng mục đích, tránh thất thoát và hạn chế những điều sai trái. 


Trong cách làm này, người phương Tây không còn tin vào đức trị nữa mà đặt pháp trị lên trên. Và pháp trị đòi hỏi con người ta trở nên chuyên nghiệp với giấy tờ và bằng chứng giao dịch, chứ không phải là những đoạn video than mệt kể khổ khi đi làm từ thiện. 


Thay đổi một người cần thời gian. Thay đổi niềm tin và văn hoá sinh hoạt của một xã hội cần nhiều thời gian hơn nữa. Những người lên tiếng cho những thay đổi xã hội vì vậy cần kiên nhẫn. 


Năm năm trước, mình là một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi đòi các hoạt động quyên góp từ thiện cần minh bạch. Đơn giản vì đó chính xác là số tiền gửi cho người nghèo và của người nghèo. Người quyên góp chủ yếu chỉ đóng vai trò chuyển giúp. Dù gặp nhiều chỉ trích nhưng mình vẫn vui, vì mình nghĩ là đang đứng về phía người nghèo, người bị yếu thế, những người mà mình tin tiếng nói của mình dù nhỏ nhoi có thể giúp họ có thêm ít tiền. Và xa hơn nữa, mình tin dân tộc này có thể thay đổi được, và việc đổi thay đầu tiên đó là văn hoá. Văn hoá định hình cách con người suy nghĩ và hành động. Đó là lý do mình lên tiếng.


Khi đứng trước một tập thể đông đảo với một văn hoá cũ lâu đời, muốn thay đổi họ bạn không thể thay đổi một sớm một chiều. Bạn chỉ có thể thay đổi họ bằng cách gieo những hạt mầm ý thức. Theo thời gian, ý thức lớn lên và họ sẽ dần nhận ra. 


Năm năm sau nhìn lại, xã hội Việt Nam ngày nay đã thay đổi vô cùng nhanh chóng. Người người đòi các nghệ sỹ, các nhà quyên góp từ thiện phải giải ngân số tiền quyên góp, phải công khai các hoạt động thu chi. Đó quả thực là những điều mình mong ước hơn 5 năm về trước. Và đó chính là niềm vui khi mình viết những dòng này: vui khi nhìn thấy quê hương thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ một người ở rất xa. 


Nguyễn Huy Vũ

24.5.2021