30.10.16

Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường của Trung Quốc

Nguồn hình: Xinhua Finance Agency, 2015. 

Quan sát những bước đi trong chính sách của Trung Quốc (TQ), nhiều người sẽ tự hỏi rằng TQ sẽ thực hiện những bước tiếp theo nào và đâu là mục đích cuối cùng. Bài dưới đây trình bày về chiến lược TQ đang thực hiện, có tên gọi là Chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường. Sự quan trọng của chiến lược nằm ở chỗ nó ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trên tất cả các phương diện từ kinh tế, chính trị, quốc phòng, và ngoại giao. Và do đó, sự hiểu biết một cách rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam là một điều cần thiết. Nó cần thiết không chỉ ở làm sao giữ được một Việt Nam độc lập, bình đẳng, và hòa bình bên cạnh TQ, mà còn ở làm sao Việt Nam có lợi trong một mối quan hệ với TQ, vì dù muốn dù không Việt Nam không thể tự mình cô lập với TQ.

Năm 2013 Trung Quốc phát động chiến lược «Một Vành Đai Một Con Đường – One Belt One Road (OBOR))» trong nỗ lực vươn lên trở thành một lãnh đạo khu vực châu Á và một cường quốc thế giới.

Chiến lược OBOR hay còn được gọi là «Con Đường Tơ Lụa Mới» là một chiến lược kinh tế và chính trị gồm có hai phần: Một Vành Đai (One Belt) và Một Con Đường (One Road).

Một Vành Đai chỉ «Vành đai Tơ lụa Kinh tế» bắt nguồn từ Tây An băng qua các thành phố lớn gồm Almaty, Bishkek, Samarkand, Tehran, Istanbul, Moscow và Rotterdam trước khi kết thúc ở Venice. Kế hoạch là xây dựng hệ thống đường bộ, đường sắt, và hệ thống ống dẫn dầu khí xuyên Trung Á đến châu Âu.

Một Con Đường chỉ “Con đường Tơ lụa Hàng hải Thế kỉ 21», bắt nguồn từ Phúc Châu (Fuzhou), kết nối các thành phố ven biển từ Hà Nội, Jakarta, Kuala Lumpur, Kolkata, Nairobi, trước khi kết nối với «Vành đai Tơ lụa Kinh tế» ở Venice. Để chuẩn bị cho việc hình thành «Con đường Tơ lụa Hàng hải», kế hoạch sẽ là xây dựng các hải cảng và các cơ sở hậu cần đường thủy từ Thái Bình Dương sang biển Baltic. Mà ở Việt Nam đó sẽ là việc xây dựng hệ thống đường cao tốc nối các tỉnh phía Nam của Trung Quốc với Hà Nội và các hải cảng phía Bắc, đồng thời nâng cấp hoặc xây mới các hải cảng ở vùng này.

Qui mô của chiến lược được dự đoán ảnh hưởng trực tiếp đến 65 nước và 4,4 tỉ người, nối kết một khu vực địa lý tạo ra 55% tổng sản lượng toàn thế giới, đại diện cho 70% dân số toàn cầu, và chiếm xấp xỉ 75% tổng lượng năng lượng dự trữ đã biết. Dự án dự tính cần khoảng 30 đến 35 năm để hoàn thành.

MỤC TIÊU

OBOR có sáu mục tiêu chính ở tầm mức thế giới và nội địa.

Trước hết, chiến lược là một phương cách nhằm đối phó với các nỗ lực của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các đối tác trong việc hình thành nên các hiệp định thương mại nhằm gạt TQ ra khỏi các mạng lưới liên kết đối tác. Cụ thể là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Nếu cả hai hiệp định này được thông qua thì khi đó hàng hóa có giá trị thấp của các nước châu Á sẽ thay thế hàng TQ trong mạng lưới các nước đối tác, trong khi hàng hóa công nghệ cao của Nhật và các nước châu Âu sẽ cạnh tranh hơn hẳn hàng hóa chất lượng cao của TQ. TQ do đó sẽ bị cô lập về kinh tế. Chiến lược OBOR, bằng cách thắt chặt nền kinh tế TQ với nền kinh tế các quốc gia trong mạng lưới OBOR, sẽ khiến các quốc gia khác chia sẻ một định mệnh kinh tế với mình.

Ở khía cạnh thứ hai, chiến lược như là một cố gắng của TQ trong việc kéo các nước châu Á tích hợp và phụ thuộc vào TQ và nền kinh tế của mình nhằm tạo ra một hệ thống quyền lực mới ở Châu Á đặt trọng tâm tại Bắc Kinh như là một cách để đối đầu và làm thất bại chiến lược xoay trục về châu Á của Hoa Kỳ. Đó là một nỗ lực của TQ nhằm gửi ra một thông điệp đến Hoa Kỳ rằng châu Á là của mình.

Một mục đích thứ ba của chiến lược đó là dùng các tiếp cận kinh tế từ hỗ trợ, đầu tư trực tiếp, cho đến xuất khẩu các chính sách phát triển quốc gia đến các nước châu Á trong khu vực như là một cách nhằm giải tỏa đi các tranh chấp biên giới và hàng hải. Các quốc gia có tranh chấp với TQ gồm Ấn Độ với tranh chấp đường biên giới, Việt Nam và Philippines với các tranh chấp về hải đảo. Bằng cách đưa «củ cà rốt» về lợi ích kinh tế tới các đối tác tranh chấp, TQ muốn họ đồng ý trong những đòi hỏi chủ quyền của mình.

Ở mục đích thứ tư, chiến lược, bằng cách xây dựng cơ sở hạ tầng, tận dụng các hiệp định sẵn có và gỡ bỏ đi các rào cản thuế quan, cho phép nền kinh tế TQ tích hợp sâu hơn vào các nền kinh tế năng động khác. Nhờ đó giúp cho nền kinh tế TQ tăng xuất khẩu, giải quyết được khả năng sản xuất vốn đã bị dư thừa, và làm chậm lại quá trình đi xuống của nền kinh tế trong khi TQ đang cố gắng cải tổ nền kinh tế từ sản xuất để xuất khẩu sang tăng tiêu dùng nội địa.

Ở mục tiêu thứ năm, chiến lược cũng là một phương thức nhằm cải thiện hố ngăn cách về xã hội và kinh tế giữa các tỉnh duyên hải và nội địa của TQ. Các hành lang của chiến lược OBOR bắt đất từ các tỉnh nội địa trung tâm và phía Tây của TQ. Các kết nối hạ tầng của chiến lược giúp kết nối các tỉnh nội địa trung tâm và phía Tây, nơi vốn có mức lương thấp, với các thị trường mới ở nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy một sự dịch chuyển các ngành kinh tế ở các tỉnh duyên hải ngược lên các tỉnh này. Bên cạnh đó, theo mô hình kinh tế đàn sếu bay, sự dịch chuyển đến lượt nó thúc đẩy các kết nối kinh tế mạnh mẽ hơn giữa duyên hải và nội địa, đồng thời tạo đà cho các sự phát triển các sản phẩm có giá trị cao hơn ở các tỉnh duyên hải.

Và cuối cùng, chiến lược đóng vai trò như một cách để giải quyết các thách thức về an ninh ở biên giới phía Tây và các vấn đề về an ninh năng lượng. Việc tích hợp về kinh tế của các tỉnh phía Tây Trung Quốc với hệ thống các chuỗi giá trị của thế giới thông qua các liên kết thương mại với các đối tác láng giềng giúp tăng cường khả năng chống khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo trong khu vực, đặc biệt là vùng Tân Cương.

PHƯƠNG THỨC THỰC HIỆN

Để đạt được ba mục tiêu như vậy, chiến lược «Một Vành Đai Một Con Đường» dựa trên ba trụ cột chính. Đầu tiên, chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các kênh giao dịch thương mại mới.

Thứ hai, chiến lược nhằm tạo ra một sự phụ thuộc lẫn nhau giữa TQ, các quốc gia và vùng miền khác thông qua các mạng lưới đối tác toàn cầu, mà một trong các phương thức đó là thúc đẩy nhiều hơn các thanh toán trực tiếp bằng đồng Nhân dân tệ, tạo ra các liên kết hợp tác thông qua các tổ chức đa phương mà TQ nắm quyền chi phối như Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank -- AIIB), Ngân Hàng Đầu Tư Mới (New Development Bank), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (Shanghai Cooperation Organisation), và ASEAN+1.

Và thứ ba, chiến lược tập trung vào châu Á như một phần của chính sách ngoại giao láng giềng mới. Bằng cách xây dựng lại mối quan hệ chặt chẽ hơn về kinh tế với các vùng miền dọc theo Con đường Tơ lụa Mới, Bắc Kinh đang cố gắng thắt chặt sự thịnh vượng của khu vực vào mối quan hệ với Trung Quốc nhằm giúp hình thành nên một đế quốc kinh tế có trung tâm đặt tại TQ.

Để thực hiện các dự án này, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, TQ dựa phần lớn vào vai trò của các tập đoàn nhà nước. Để hỗ trợ tài chính cho các dự án, ngoài việc hợp tác với các chính phủ liên quan, các dự án còn có sự hỗ trợ nguồn lực tài chính thông qua ba tổ chức chính là quĩ Silk Road Fund với 40 tỉ đô la Mỹ, Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank -- AIIB) với 100 tỉ đô la Mỹ, và Ngân Hàng Đầu Tư Mới (New Development Bank) với 50 tỉ đô la Mỹ.

Nói một cách ngắn gọn, chiến lược «Một Vành Đai Một Con Đường» vừa nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững nền kinh tế trong nước của TQ, vừa thiết lập một hệ thống kinh tế mới nơi TQ đứng giữa chi phối các nền kinh tế của các quốc gia xoay quanh, khiến họ phụ thuộc vào nền kinh tế TQ, vừa để tránh việc Trung Quốc bị cô lập trên trường thương mại thế giới, và cuối cùng, một hệ thống như vậy còn giúp TQ tranh thủ ảnh hưởng để thực hiện các chính sách khác từ chính trị đến ngoại giao như giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay kiến tạo các quan hệ đồng minh.

OL, 31.10.2016


Tham khảo thêm:

“One Belt, One Road (OBOR): China's regional integration initiative”, Gisela Grieger, European Parliamentary Research Service, July 2016.

"One Belt, One Road": China's Great Leap Outward, Godement, F., and Kratz A., (eds.), European Council on Foreign Relations (ECFR), June 2015.

“China’s Silk Road Strategy”, Chi Lo, The International Economy, Fall 2015.


21.10.16

Đất nước những ngày qua

Nhà lụt đến nóc.

Có vài sự kiện xã hội đáng chú ý trong những tuần qua mà nhìn vào đó chúng ta sẽ thấy một bên là xã hội đang trưởng thành nhanh chóng và bên còn lại là một đảng cầm quyền độc đoán đang trở nên suy yếu và trên đà tan rã. 

Sự kiện thứ nhất có lẽ là những bài viết của Huy Đức đánh trực diện vào Đinh La Thăng. Trước hết, hãy bỏ qua một bên những câu hỏi rằng ai cung cấp những tài liệu cho Huy Đức và có phải Huy Đức chống Đinh La Thăng ngoài mục tiêu tiêu diệt những kẻ phá hoại đất nước hay có thêm mục đích nào khác. Đó không phải là mục tiêu của bài này, và đó cũng chỉ là một góc nhìn hẹp. Một góc nhìn rộng hơn đối với những người hoạt động chính trị là liệu rằng việc làm của Huy Đức có giúp Việt Nam nhanh chóng tiến nhanh về một xã hội dân chủ hay giúp nhanh chóng làm tan vỡ chế độ độc tài hay không. Câu trả lời sẽ là có.

Khi những bài viết càng ngày càng được tung ra, mà nói như nhiều người, như là những cái thòng lòng ngày càng siết chặt vào cổ Đinh La Thăng, nó đưa ra một bằng chứng rõ ràng nhất cho các đảng viên cộng sản rằng không một quan chức tham nhũng nào là an toàn ở đất nước này. Mà những quan chức cộng sản nào trong chế độ mà không tham nhũng, quà cáp, hay có những thiếu sót về quản lý kinh tế? Đó là một đa số, vì nếu nó là một thiểu số thì Việt Nam không phải chịu hoàn cảnh như ngày hôm nay – một đất nước nghèo đói trên bờ của vỡ nợ. Sống trong một tâm trạng nơm nớp như vậy, cách những đảng viên cộng sản làm sẽ là theo gót của Trịnh Xuân Thanh là làm gì thì làm nhưng luôn trong tâm thế là chạy. Một đảng chính trị cầm quyền đất nước mà đảng viên chỉ chực thừa cơ bỏ chạy thì cái ngày đảng đó tan rã hay sụp đổ nó có thể diễn ra một cách vô cùng nhanh chóng khi có một sự kiện bất ngờ nào đó vượt tầm kiểm soát của nhóm lãnh đạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biết điều đó nên nhiều lần ông đã từng nói «đánh chuột đừng đánh vỡ bình» hay «chống tham nhũng khó, vì ta tự đánh vào ta». Vì đánh mạnh quá thì dẫn đến vỡ đảng, mà không đánh thì tham nhũng nó sẽ đục khoét ngân quỹ quốc gia, làm lụn bại nền kinh tế. Nhưng đánh nhè nhẹ như ông Tổng bí thư thì nó chỉ có tác dụng làm đảng yếu từ từ, làm tụi tham nhũng lo vun vén hơn, và lót ổ kỹ hơn để chuẩn bị chạy, vì họ không biết ngày mai Đảng có sờ tới mình hay không. Giờ đây, sau những câu chuyện của Huy Đức và tấm gương Đinh La Thăng, họ càng cẩn trọng hơn. Những người cẩn thận hơn có lẽ sẽ xa rời Đảng và ẩn dật sau khi đã kiếm chác, làm khởi phát một trào lưu âm thầm thoái Đảng không thể ngăn được.

Sự kiện thứ hai là những bài viết của Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió) viết về Trịnh Xuân Thanh. Hãy bỏ qua những tiểu tiết xung quanh câu chuyện Trịnh Xuân Thanh ở đâu, làm gì, ai đứng đằng sau ông, cũng như có nên ủng hộ ông không. Như đề cập bên trên, một lần nữa, đó không phải là mục tiêu của bài này. Chúng ta hãy nhìn vào những diễn biến đó để cho thấy rằng nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến cục diện chính trị Việt Nam.

Những bài viết của Bùi Thanh Hiếu về Trịnh Xuân Thanh và ông Tổng bí thư gợi tôi nhớ đến những hoạt động của các nhóm chính trị của Liên bang Nam Tư thực hiện trong giai đoạn chống lại nền độc tài của ông tổng thống gốc cộng sản Slobodan Milošević. Bằng các tiểu phẩm vừa hài hước vừa châm biếm, lôi cuốn công chúng trong việc chế giễu ông Tổng bí thư, mà từ đó hình ảnh ông Tổng bí thư được tô vẽ trong lòng dân chúng không khác gì một thằng hề, vừa ngu ngơ vừa độc đoán. Nhờ những tiểu phẩm như vậy, công chúng dần bớt đi sự sợ hãi và sự tôn trọng những người cầm đầu chính quyền. Và khi mà dân chúng vừa không sợ hãi vừa khinh bỉ nhà cầm quyền thì ngày cuối cùng của chế độ là một con số đếm được. Những bài viết của Bùi Thanh Hiếu có những tác dụng tương tự vậy, chứ không chỉ là những bài viết câu khách hay đơn giản nhằm bảo vệ một người mà anh nhận là bạn.

Sự kiện thứ ba là tính dấn thân xã hội của cộng đồng Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Một quốc gia chỉ trở nên có tương lai khi những người cùng chung sống quan tâm và có trách nhiệm lẫn nhau. Khi những người trẻ bắt đầu quan tâm đến xã hội, đến những người xung quanh, khuyên nhau đừng im lặng với những sai trái của xã hội thì đó là một dấu hiệu đáng mừng rằng rồi đây mọi người sẽ từ từ nhận ra một chân lý là chúng ta chính là những chủ nhân của đất nước, là người chịu đựng và chịu trách nhiệm cuối cùng cho những điều xảy ra trên chính đất nước mình. Sức lan tỏa trong chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt, lên tiếng với Formosa, tẩy chay Mai Linh hay Masan, cho thấy sự lớn mạnh này.

Sự kiện thứ tư là sự bế tắc của nhà cầm quyền trong việc đưa ra một chiến lược kinh tế nhằm lái con thuyền Việt Nam ra khỏi cơn khủng hoảng. Ngân sách hầu như đã cạn kiệt. Để trả nợ công và chi tiêu, chính phủ chủ yếu cho phát hành trái phiếu để vay nợ trong nước, bán công ty nhà nước, và mượn tiền từ Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Dự kiến vay tổng cộng khoảng 20 tỉ đô la Mỹ cho năm 2016, phần 15 tỉ đô la là trả nợ, phần còn lại là trang trải chi tiêu. Để ý một điều đây là những hành động mang tính đối phó và các nguồn thu này không bền vững. Số lượng công ty nhà nước có giá trị theo nghĩa làm ăn có lời là một con số nhỏ hữu hạn, chừng vài chục. Nguồn thu từ dầu mỏ từ nay trở về sau sẽ chỉ còn là một con số vô cùng khiêm tốn, vì hoạt động khai thác dầu mỏ nếu tiết kiệm, bỏ qua các thất thoát hay tham nhũng, may ra mới có lời chút ít vì các dự báo giá dầu cho năm 2017 chỉ trong vòng 55 đô la Mỹ/thùng, trong khi chi phí khai thác dầu ngoài khơi ở mức khoảng 40 đô la Mỹ/thùng. Trong khi đó, nền kinh tế ngày càng đi xuống khiến cho thuế thu được từ cá nhân và doanh nghiệp sẽ ngày càng giảm. Cùng với mức nợ càng ngày càng lớn, do chính phủ phải vay nợ mới để trả nợ cũ, ngày chính phủ tuyên bố vỡ nợ có lẽ sẽ không xa, vì trong tình hình hiện tại huy động đủ 20 tỉ đô la Mỹ/năm trong những năm sắp tới là công việc vô cùng khó khăn, nhất là khi các ngân hàng đã được huy động hết sức để mua trái phiếu, Quỹ Bảo hiểm Xã hội đã được vét sạch, và các công ty đã bán dần hết.

Nhìn lại những sự kiện như vậy mới thấy một điều rằng cho dù nhà cầm quyền bỏ tù thêm vài chục Mẹ Nấm nữa thì cũng không thể nào cản nối một trào lưu của cả dân tộc đó là đất nước cần tự do, mà việc bắt giữ chỉ có tác dụng giúp tăng thêm quyết tâm cho những người trẻ, và tô vẽ thêm hình ảnh tàn bạo của chính quyền trong mắt nhân dân và phán xét của lịch sử. Vì khi mà những người trẻ thấy rằng họ có chung số phận với đất nước mình thì hoặc là họ tiếp tục sợ hãi, chịu đựng những sai trái và bất công suốt cuộc đời, hoặc là họ nên làm điều gì đó để thay đổi hiện trạng này. Tôi tin là họ sẽ lấy lựa chọn thứ hai, vì họ còn cả một tương lai ở trước mặt. Nước Việt Nam có trở nên hưng thịnh hay không là nhờ ở bàn tay và tấm lòng của các bạn trẻ là vậy.

OL, 22.10.2016

20.10.16

Thiết kế nhà chống lũ, một dự án tiềm năng

Nhà nổi. Thiết kế bởi công ty Friday, Bồ Đào Nha.


Tìm hiểu lịch sử về các trận lụt lớn ở miền Trung, khu vực từ Thanh Hóa tới Quảng Nam, mới thấy một điều rằng các trận lụt lớn xảy ra khá thường xuyên, khoảng vài năm một lần. Trận lụt lịch sử được báo chí ghi chép lại có lẽ là trận lụt năm 1964. Nhìn những cảnh quay trên phim cho thấy mức độ của cơn lụt không thua kém những gì chúng ta đã thấy trong trận lũ vừa rồi, thậm chí nhiều tác hại hơn. Theo Thủ tướng Trần Văn Hương của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, chỉ riêng khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng (bao gồm tỉnh Quảng Nam cũ và tỉnh Quảng Tín cũ), con số người chết tổng cộng là 3.770 người (2.500 người ở tỉnh Quảng Nam cũ và 1.270 người ở tỉnh Quảng Tín). Đó là chưa tính số nhà cửa bị hư hại và hầu như toàn bộ hoa màu, gia súc bị mất trắng.

Càng dần về sau, các trận lụt càng diễn ra thường xuyên hơn. Nguyên nhân không chỉ là do biến đổi khí hậu khiến thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt hơn – vốn góp phần cũng bởi những tác động của con người thông qua hiệu ứng nhà kính -- mà còn ở con người chặt phá rừng bừa bãi và xây thủy điện một cách thiếu qui hoạch.

Dù muốn dù không, những cư dân miền Trung sẽ phải sống chung với lũ lụt trong những năm trước mặt. Hoặc họ sẽ phải học cách dung hòa với những cơn lũ hoặc là họ sẽ phải bỏ xứ ra đi nếu muốn có một tương lai.

Giả sử rằng trong trường hợp họ quyết định ở lại, việc đầu tiên cần nghĩ đến và cần làm đó là thiết kế những ngôi nhà có khả năng chịu đựng được những trận lũ. Nếu như người Nhật có thể thiết kế những căn nhà ấm cúng vừa có thể sống một cách yên bình vừa có khả năng chống động đất và giảm thiểu tác hại, thì những người Việt cũng nên nghĩ đến những ngôi nhà dung hòa được với lũ lụt.

Những ngôi nhà không chỉ cần an toàn, bền bỉ, và rẻ, mà nó còn cần đạt được những tiêu chuẩn của dễ lắp ráp và vận chuyển, và quan trọng nhất là nó có thẩm mỹ. Đó là những ngôi nhà mà người ở thấy yên bình và ấm cúng. Và khi mà nhiều những người dân xây dựng những ngôi nhà kiểu vậy nó còn trở thành một nét văn hóa của khu vực. Tính thẩm mỹ của ngôi nhà quan trọng là vậy.

Dễ lắp ráp và vận chuyển không những chỉ giúp người dân cơ động chuyển nhà đi trong những trường hợp mà mức độ thiên tai ở khu vực trở nên quá nguy hiểm, không thể sống lâu dài được, mà nó còn giúp nhà sản xuất có thể sản xuất những linh kiện của căn nhà một cách hàng loạt, giúp giảm chi phí. Nhà sau đó không cần xây, chỉ việc mua linh kiện nhà về ráp lại. Những căn nhà kiểu vậy trên thế giới giờ đây bắt đầu trở nên phổ biến.

Dưới đây là một ví dụ như vậy về mô hình nhà nổi. Điểm đặc biệt của nhà nổi này có đầy đủ những tiêu chuẩn đề cập bên trên. Nó đạt độ thẩm mỹ, thiết kế đơn giản và hiện đại. Người dựng nhà chỉ việc mua các linh kiện nhà về lắp ráp lại, và các linh kiện nhà dễ tháo lắp, vận chuyển.

Kiểu nhà này do một nhóm kỹ sư trường Đại học Coimbra của Bồ Đào Nha thiết kế. Trong link phía dưới, các bạn quan tâm có thể xem bản vẽ thiết kế của họ.

Trong trường hợp của Việt Nam, tôi nghĩ đây là một ý tưởng rất có tiềm năng cho các bạn muốn khởi nghiệp (start-up). Hãy thiết kế một ngôi nhà nổi như vậy với những đặc thù của Việt Nam, đẹp và chi phí thấp nhất. Nhà có thể thiết kế nhà đơn cho một hộ gia đình, hoặc nhà kép cho nhiều hơn một hộ gia đình để giảm chi phí. Nó không những giúp bà con ở các tỉnh miền Trung và miền Tây khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long sống dung hòa với lũ lụt, mà nó còn có thể là một phương tiện thư giãn và khai thác du lịch nếu được đặt ở các vịnh sông hay biển.

OL, 21.10.2016

Tham khảo:














13.10.16

Nhìn người Thái nghĩ người Việt

Vua Thái ra đi, để lại một đất nước Thái trong chia rẽ, cai trị bởi quân đội. Có một câu hỏi rằng tại sao Thái Lan không trải qua bất cứ một cuộc chiến tranh nào lại chỉ có một vị thế thường như vậy, nhất là khi so với các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, hay sát bên như Malaysia và giờ đây là Indonesia, cả về triển vọng kinh tế, hệ thống dân chủ, và tương lai quốc gia? Có phải rằng Thái Lan thiếu tự do ngôn luận, mà một trong đó là các ý kiến phê bình liên quan đến hoàng gia và thể chế, và chính vì vậy mà trí thức Thái không dám nói và bàn bạc các vấn đề liên quan nhiều đến hệ thống chính trị dẫn đến cuối cùng là những nền dân chủ được dựng lên rồi cuối cùng đổ vỡ? Bởi vì những đề tài bàn luận liên quan đến chính trị mà không dám đụng tới vua vì luật cấm thì có khác gì con voi nằm giữa phòng mà người quét phòng giả vờ không thấy và không dám nói. Đó quả thật là bi kịch của Thái Lan. Thật tiếc cho Thái Lan. Nếu như vua Thái bãi bỏ đi các quyết định đó, để vua với dân gần gũi chân tình, thì vị thế của vua trong mắt dân chắc chắn sẽ không thể giảm xuống mà tương lai đất nước chắc sẽ rạng rỡ hơn vì các ý kiến thẳng thắn sẽ được nêu ra và trao đổi, đem lại nhiều hiểu biết giúp dung hòa lợi ích các phe phái và tìm ra một hướng đi cho dân tộc trong bao dung, hòa bình, và vì lợi ích đất nước.

Bất cứ một nền dân chủ nào cũng cần được vun đắp và liên tục xây dựng. Có như vậy thì hệ thống dân chủ mới càng tươi mới và phát triển. Sự vun đắp đó trước tiên là ở các trí thức. Họ cần liên tục cất tiếng nói của mình vì lẽ công bằng và sự tự do. Bên cạnh đó là sự nuôi dưỡng và thúc đẩy của những người lãnh đạo hiểu biết. Không phải rằng khi các chính phủ phương Tây tạo ra các giải thưởng nhân quyền và lên tiếng vì nhân quyền chỉ vì đó là các hành động nhân đạo, mà trước hết việc tạo ra các giải thưởng nhân quyền và hành động lên tiếng đó nó như là một tấm gương nhắc nhở chính các công dân của mình trách nhiệm duy trì và bảo vệ dân chủ. Họ cần nỗ lực phát huy dân chủ hơn để xứng đáng là tấm gương khi phải giương cao ngọn hải đăng dân chủ soi sáng những ngục sâu của thế giới. Họ là những cơ quan duy trì và liên tục gieo rắc những hạt mầm dân chủ trên chính đất nước họ và cho cộng đồng thế giới. Nuôi dưỡng một đứa bé cần một ngôi làng, và bằng cách gieo mầm dân chủ đến thế giới họ gặt lại hòa bình và yêu thương trên chính quê hương mình.

Bi kịch của Thái cũng chính là bi kịch của Việt Nam. Chừng nào mà trí thức Việt Nam không dám nhìn thẳng vào gốc rễ của vấn đề đất nước đó là chính trị cần tự do và bàn luận sôi nổi thì chừng đó đất nước sẽ còn lụn bại.

OL, 13.10.2016

8.10.16

Kế hoạch B - Chiến lược biểu tình để chống đàn áp biểu tình

Các thành viên Otpor! trong một cuộc biểu tình. Nguồn: Internet.
Một trong những bận tâm của những người tổ chức xuống đường là làm sao tiến hành thành công một cuộc biểu tình mà không bị ngăn cản. Vì khi những người tổ chức đưa ra lời kêu gọi xuống đường, thời gian và địa điểm bắt đầu của cuộc xuống đường không còn là một điều bí mật. Và vì vậy, chính quyền có thể dễ dàng cho an ninh phong tỏa khu vực, ngăn chặn những mầm mống biểu tình diễn ra. Trong những trường hợp khác, những nhóm biểu tình vừa khởi phát đã nhanh chóng bị đàn áp và bắt bớ.

Có hai câu hỏi, trong những trường hợp như vậy làm sao để có thể tương kế tựu kế thực hiện thành công một cuộc biểu tình, và làm sao những người biểu tình có thể vừa hạn chế các biểu tình viên bị bắt và đánh đập, và tiếp thêm động lực cho các biểu tình viên. Kinh nghiệm của Otpor!, tổ chức của những nhà hoạt động trẻ của Serbia trong các hoạt động vận động dân chủ để rồi cuối cùng dẫn đến sự ra đi của Slobodan Milosevic và chế độ độc tài của ông là một bài học đáng tham khảo.

Chiến lược của Otpor! cho mỗi cuộc xuống đường đều bao gồm «Kế hoạch B» (Plan B). Nếu như «Kế hoạch A» là địa điểm và thời gian ban đầu của một cuộc biểu tình được lên kế hoạch và thông báo rộng rãi từ trước thì «Kế hoạch B» là kế hoạch dự phòng để thực hiện các cuộc biểu tình thành công khác trong trường hợp «Kế hoạch A» không thực hiện được. Cụ thể, «Kế hoạch B» sẽ là các cuộc biểu tình mạnh mẽ bên ngoài các đồn cảnh sát nơi giam giữ các biểu tình viên. Những cuộc biểu tình mạnh mẽ trước các đồn cảnh sát luôn là sự kết hợp của một đông đảo các biểu tình viên kèm theo sự hiện diện của các nhà báo đưa tin. Những cuộc biểu tình như vậy có vài tác dụng: thứ nhất, nó làm cho cảnh sát chùn tay trong đánh đập và tra tấn biểu tình viên; thứ hai, nó giúp tăng cường tinh thần cho các biểu tình viên bị bắt, giúp họ bớt sợ và tiếp tục ủng hộ phong trào; thứ ba, các cuộc biểu tình trước các đồn công an nơi mà không gian công cộng khá hẹp nó sẽ nhanh chóng giúp thu hút dư luận và tăng cường uy lực của cuộc biểu tình; và cuối cùng, sự liên tục thông tin của giới nhà báo đưa tin tại chỗ sẽ khiến cuộc biểu tình nhanh chóng gia tăng sức nóng.

Kế hoạch B được mô tả chi tiết như sau:

Khi các cuộc bắt bớ diễn ra, Kế hoạch B lập tức được khởi động với một mạng lưới các đối tác liên lạc:

1. Một người quan sát thấy được cảnh bắt bớ và đồn cảnh sát giam giữ biểu tình viên lập tức thông báo thông qua điện thoại.

2. Luật sư lập tức có mặt ở đồn cảnh sát để thương thảo việc phóng thích.

3. Trong vòng một giờ, các nhà hoạt động Otpor! tập trung trước đồn cảnh sát và tại văn phòng của tổ chức cảnh sát. Họ chơi trò chơi, ca hát nhằm làm cho đám đông lạc quan, bình tĩnh, và tập trung. Các nhà hoạt động duy trì bên ngoài trạm cảnh sát chừng nào những người bị giam giữ được thả.

4. Trong khi đó, giới truyền thông lập tức có mặt ở các trạm cảnh sát để đưa tin và phỏng vấn các nhà hoạt động ngay khi họ được thả.

5. Các đảng phái đối lập lên án hành động bắt bớ và gửi các thành viên của họ đến trước đồn cảnh sát để ủng hộ.

6. Các tổ chức phi chính phủ (NGOs) thông tin đến các tổ chức quốc tế và kêu gọi họ lên án các cuộc bắt bớ.

Otpor! dành một lượng thời gian và nỗ lực đáng kể trong việc xây dựng một mạng lưới trung thành rộng lớn và mạnh mẽ, và nhờ đó mà ngay khi một biểu tình viên bị bắt, tổ chức ngay lập tức biết được đâu là đồn cảnh sát giam giữ biểu tình viên. Và do đó cho phép Otpor! nhanh chóng vận động sự tập trung nhân lực cho cuộc biểu tình kế tiếp diễn ra theo Kế hoạch B. Bên cạnh đó, họ còn dùng sự hài hước trong châm biếm và lên án chính quyền nhằm giúp cho người dân bớt đi sự sợ hãi quyền lực của chính quyền.

OL, 8.10.2016

7.10.16

Khi nào đất nước đổi thay?

Khi những người độc lập, ngoài Đảng Cộng sản đứng ra tranh cử các vị trí Đại biểu Quốc hội, những người có hiểu biết về chính trị đều thấy cơ hội gần như là một con số không. Nhưng việc ra ứng cử của các ứng cử viên độc lập không phải là công việc vô nghĩa, vì ít nhất nó có ba tác dụng. Ở khía cạnh thứ nhất, nó kiểm nghiệm độ mở về mặt chính trị của chính quyền rằng đứng trước một Miến Điện đã cải cách trong hòa bình thì liệu rằng những người cầm quyền có theo dõi và học hỏi để cởi mở không. Ở khía cạnh thứ hai, đó là dịp để những người hoạt động chính trị không thuộc Đảng Cộng sản đứng ra giới thiệu mình như là những ứng cử viên thách thức vị thế độc tôn về chính trị của Đảng Cộng sản. Và nếu như có hàng trăm những trí thức cùng sát cánh bên nhau đứng ra tranh cử thì trước hết đó sẽ là một tiếng nói phản kháng rất lớn và là một điểm tựa của mặt trận những người muốn thay đổi về dân chủ. Ở khía cạnh thứ ba, đó là một hoạt động tập dượt dân chủ cho người dân, rằng bầu cử và vận động bầu cử là những hành động hợp pháp, và việc gạt bỏ đi tất cả những ứng cử viên độc lập một cách đầy dàn dựng chứng tỏ rằng đây là một màn trình diễn, và đó là điều cần phải vứt bỏ nếu chúng ta muốn có một cuộc bầu cử tự do.

Có hai điều đáng tiếc. Điều đáng tiếc thứ nhất là những người đối lập đã không hiểu rõ cơ hội này để kết hợp một cách đông đảo và giới thiệu mình một cách chuyên nghiệp đến người dân. Đó là một cơ hội hiếm hoi để người dân biết thêm rằng những người «phản động» họ là ai và đã làm gì. Nhưng điều đáng tiếc thứ hai phải dành cho những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Họ đã để vụt mất cơ hội để tự cứu chính mình và tính chính danh của mình. Tôi có những người quen, và cả những người tôi biết, rất nhiều lần góp những ý kiến để Đảng Cộng sản thay đổi, nhưng kể từ sau cuộc bầu cử, tất cả dường như im lặng.

Cuộc bầu cử quốc hội là một phép thử và Đảng Cộng sản, sau phép thử đó, đã đưa ra một tín hiệu rằng còn lâu họ mới cải cách. Chính vì vậy mà sau đó là những cuộc xét xử và bỏ tù những người bất đồng chính kiến (Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự, Nguyễn Đình Ngọc), và thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình vì môi trường và Formosa.

Cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh rồi cũng không ngoại lệ. Để ngăn cản các cuộc biểu tình trong tương lai, họ sẽ cho cách li những người cầm đầu, dàn quân theo dõi các động tĩnh, sẵn sàng bắt giữ những người hỗ trợ cốt cán nhất, cắt đứt các chi viện về tài chính cho các hoạt động biểu tình, cho người phong tỏa các nút giao thông … Có đủ mọi cách để một nhà cầm quyền muốn ngăn chặn các cuộc biểu tình diễn ra và họ sẽ làm như vậy.

Kiện Formosa ra tòa là một việc nên làm và phải làm. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay khi mà người xét xử và người ra mọi quyết định chính là chính quyền, với các dấu hiệu bao che cho Formosa, thì có lẽ rồi nó sẽ chẳng có một kết thúc khả quan lắm. Nhưng cho dù không có nhiều kết quả, kiện Formosa ra tòa nó thể hiện một thái độ phản kháng của người dân trước những bất công. Đó là một hành động đòi công bằng, và như bất cứ hành động đòi công bằng nào khác nó cần được ủng hộ.

Có một câu hỏi lớn hơn rằng liệu Đảng Cộng sản sẽ về đâu trong những ngày tới, nhất là khi ông Tổng Bí thư đang ở cái tuổi thất thập cổ lai hy?

Nhiều lần tôi gặp những người bạn, họ than nếu như người ở Việt Nam mỗi người đều lên tiếng nói thì sự thay đổi sẽ đến trong một thời gian rất gần. Có thể rằng trong sự nôn nóng và mong muốn đất nước đổi thay nhanh chóng mà họ nghĩ như vậy, nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn sự vận hành của một hệ thống chính trị hay sự vận động của một đất nước thì đó là một công việc đầy khó khăn và tốn rất nhiều thời gian.

Với một hệ thống đảng viên lên tới 3 triệu người, thêm thành phần gia đình nữa, vị chi khoảng 10 triệu người gắn bó với Đảng Cộng sản và hưởng lợi từ hệ thống này. Đó còn là chưa kể một hệ thống thứ cấp những người hưởng lợi từ các hoạt động của 10 triệu người này. 10 triệu người này là những người nắm giữ quyền lực và đa số tài sản của quốc gia, và các hoạt động kinh doanh của họ kéo theo một hệ thống thứ cấp các cá nhân hưởng lợi từ hệ thống này. Mà nếu tính cứ 1 người trong hệ thống 10 triệu người tạo ra lợi ích cho khoảng 4 người ở hệ thống thứ cấp thì mạng lưới trực tiếp và gián tiếp hưởng lợi từ hệ thống hiện tại với Đảng Cộng sản chi phối có thể lên tới con số 50 triệu người, hay một nữa dân số. Hệ thống lợi ích này nắm giữ từ bệnh viện, trường học, các dự án cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, hệ thống báo chí, hệ thống thi đua khen thưởng, hệ thống hành chính các cấp ….

Nếu hỏi những người có hiểu biết trong hệ thống lợi ích này rằng họ có muốn một mô hình tự do dân chủ như các nước phương Tây không, đa phần họ sẽ nói có, và bằng chứng rõ rệt nhất là họ chỉ gửi những đứa con yêu quý của mình sang các nước phương Tây du học nếu có cơ hội chứ không gửi sang các nước cộng sản như Cu Ba, Bắc Triều Tiên. Nhưng họ đa phần không dấn thân cho dân chủ, không phải vì không biết đó là một công việc hữu ích, mà vì nó có quá nhiều rủi ro khi phải đánh đổi một lợi ích vốn có trước mắt. Và đó là lý do mà các hệ thống độc tài tồn tại được lâu như vậy. Chừng nào mà các thành viên đều có phần lợi ích từ hệ thống thì hệ thống sẽ tiếp tục tồn tại.

Cuộc Đổi Mới 1986 diễn ra khi Đảng Cộng sản hầu như không có một đối lập nào cả. Tất cả dường như im bặt, chỉ có những tiếng nói và chỉ thị của các chóp bu Đảng Cộng sản. Họ cải cách đơn giản vì đó là con đường sống của họ khi tất cả dường như đã kiệt quệ.

Nhưng ở thời điểm năm 2016 trở đi câu chuyện đã khác. Những người giàu nhất là những người cộng sản và thân tín. Họ đã lột xác từ giai cấp vô sản thành những người tư sản, giữ một lượng lớn tài sản và muốn tiếp tục được làm giàu ở Việt Nam. Và chừng nào mà những người cầm quyền còn giúp họ kiếm tiền, chế độ sẽ còn tiếp tục.

OL, 8.10.2016