24.10.08

8 bài học về nguyên tắc lãnh đạo của Mandela


Nelson Mandela là một người dễ gần với trẻ con; nói theo nhiều cách khác nhau, sự mất mát lớn nhất đối với ông trong 27 năm tù đày chính là cảm giác không nghe được tiếng trẻ con khóc hay nắm được bàn tay của một đứa trẻ. Tháng vừa rồi, khi tôi viếng thăm Mandela - một Mandela yếu hơn, ít hoạt bát hơn một Mandela mà tôi đã từng biết - ở Johannesburg , phản ứng đầu tiên của ông là giang rộng cánh tay đối với hai người con trai của tôi. Trong khoảnh khắt, tụi nó ôm lấy người đàn ông già dễ tính, người đã hỏi chúng nó thích chơi môn thể thao nào và đã ăn sáng chưa. Trong khi chúng tôi nói chuyện với nhau, ông ôm đứa con trai Gabriel của tôi; thằng bé có một cái tên giữa hơi khó đọc là Rolihlahla - đó là cái tên họ thật của Nelson Mandela. Ông kể cho Gabriel về câu chuyện liên quan đến cái tên đó, và theo tiếng Xhosa nó có nghĩa là "kéo cái nhánh cây xuống", nhưng nghĩa thực sự của nó là "kẻ phá rối".

Trong khi ông sắp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 90 của ông vào tuần tới, Nelson Mandela đã "phá rối" đủ trong suốt quãng đời của ông. Ông đã giải phóng một đất nước khỏi hệ thống phân biệt chủng tộc trầm trọng và giúp hòa hợp giữa người da trắng và người da đen, người đàn áp và người bị đàn áp, theo một cách mà chưa ai làm bao giờ. Trong những năm 1990, tôi đã làm việc cùng với Mandela gần hai năm để cho ra cuốn tự truyện " Long Walk to Freedom (Chuyến hành trình dài dẫn tới Tự Do)". Sau khoảng thời gian gắn bó cùng ông đó, tôi có một cảm giác rất hụt hẫng khi mà quyển sách đã hoàn thành; nó giống như là một mặt trời đã đi qua cuộc đời của một ai đó. Chúng tôi đã gặp nhau thỉnh thoảng theo thời gian, nhưng cái mà tôi đã muốn đó là một chuyến viếng thăm có thể là lần cuối với ông và để hai đứa con trai tôi có dịp gặp ông thêm một lần nữa.

Tôi cũng muốn chuyện trò với ông về khả năng lãnh đạo. Mandela là một hình ảnh gần gũi nhất mà thế giới này có về một ông thánh sống, nhưng ông chắc sẽ là người đầu tiên công nhận rằng ông bình thường hơn nhiều: chỉ là một chính trị gia. Ông đã lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) và tạo nên một nước dân chủ phi chủng tộc Nam Phi bằng cách biết chính xác khi nào và như thế nào để thay đổi giữa những vai trò của ông ấy: một chiến binh, một kẻ tử đạo, một nhà ngoại giao, và một lãnh đạo quốc gia. Không thích những khái niệm triết thuyết trừu tượng, ông thường nói với tôi một vấn đề không phải là một câu hỏi mang tính nguyên tắc (principle) mà là một câu hỏi về chiến lược (tactics). Ông ta là một nhà chiến lược xuất sắc.

Mandela không còn thích những câu hỏi hay đặc ân. Ông sợ ông có thể không thể đưa ra những kiến giải mà mọi người mong đợi khi họ viếng thăm một vị thánh sống. Nhưng thế giới đã chưa bao giờ cần những món quà từ Mandela - một nhà chiến lược gia, một nhà hoạt động, một chính trị gia - và hơn thế nữa, như ông đã chứng tỏ một lần nữa ở London vào ngày 25 tháng 6, khi ông lên án hành động tàn bạo của tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe. Khi mà chúng ta chứng kiến một chiến dịch tranh cử tống thống lịch sử đang diễn ra ở Mỹ, có nhiều thứ mà ông có thể chỉ bảo cho hai ứng cử viên. Tôi đã hình dung ra những qui luật của Madiba (tên gọi thân thiện mà các người xung quang hay gọi) mà tôi sẽ giới thiệu bạn. Các qui luật này được để ý từ những cuộc đàm thoại và từ cách quan sát ông ấy từ xa, hay ở gần. Nó rất thực tế. Nhiều trong chúng nó xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân của ông. Tất cả những qui luật đó được định dạng để tạo nên một cách "phá rối" tốt nhất: cách mà khiến chúng ta tự hỏi rằng làm sao chúng ta có thể làm cho thế giới tốt hơn.

Nguyên tắc thứ 1.

Sự dũng cảm không có nghĩa là không có sợ sệt - nó chỉ là cách truyền cảm hứng để những người khác tiến về phía trước (Courage is not the absence of fear -it's inspiring others to move beyond it).

Trong năm 1994, trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, Mandela ngồi trên một máy bay cánh quạt nhỏ bay xuống những cánh đống giết chóc ở Natal và diễn thuyết cho những người ủng họ tộc Zulu. Tôi đã hẹn gặp ông tại sân bay, nơi mà chúng tôi sẽ tiếp tục công việc sau bài diễn văn của ông ta. Khi mà chiếc máy bay chỉ còn 20 phút nữa là hạ cánh, một động cơ của máy bay bị hỏng. Vài hành khách bắt đầu hoảng sợ. Điều duy nhất khiến họ bình tĩnh là nhìn Mandela. Ông đang im lặng đọc báo như thể ông là một hành khách đang trên chuyến xe lửa buổi sáng đến văn phòng. Sân bay đã chuẩn bị phương án hạ cánh khẩn cấp và viên phi công cuối cùng cũng hạ cánh an toàn. Khi Mandela và tôi đã an tọa trên băng ghế sau của chiếc xe BMW chống đạn đến dự cuộc mittinh, ông quay sang tôi và nói, " êh mạy, tao thấy lúc nãy kinh khủng quá".

Mandela thường sợ trong suốt khoảng thời gian ông hoạt động ngầm, trong suốt phiên tòa Rivonia, mà kết cục đưa ông vào tù, trong suốt thời gian ở đảo Robben. "Dĩ nhiên, tôi sợ", mãi sau ông mới nói với tôi. "Tôi không thể giả vờ rằng tôi dũng cảm và tôi có thể đánh bại toàn bộ thế giới này". Nhưng với vị trí của một lãnh đạo, bạn không thể để mọi người biết. "Bạn phải tiến lên trước".

Và đó chính là cái ông đã học được: giả vờ và, thông qua hành động không sợ hãi, truyền cảm hứng cho những người khác. Mandela đã đóng vai một diễn viên kich câm hoàn hảo trên đảo Robben, một nơi đầy sợ hãi. Những người ở tù chung với ông ấy nói nhìn Mandela bước ra sân đứng thẳng và tự hào đã đủ để họ chịu đựng được ngày qua ngày. Ông đã biết ông là người làm gương cho những người khác và điều đó cho ông sức mạnh để chiến thằng nỗi sợ hãi của chính ông.

Nguyên tắc thứ 2.

Đi trước để lãnh đạo - nhưng đừng bỏ mất hậu thuẫn (Lead from the front but don't leave your base behind)

Mandela là người kín đáo. Năm 1985, ông phẫu thuật vì bị giãn tuyến tiền liệt. Khi ông được đưa trở lại tù, ông bị cách ly khỏi những người bạn tù và những đồng chí lần đầu tiên trong suốt 21 năm. Họ biểu tình. Nhưng người bạn lâu năm của ông, Ahmed Kathrada nhớ lại, ông nói với họ " Đợi một lúc đã tụi bây. Có thể gặp điều tốt lành sau đó đó".

Điều tốt lành sau đó là việc Mandela đã một thân một mình đưa ra những thương thuyết với chính quyền phân biệt sắc tộc apartheid. Đây là một việc bị lên án bởi ANC (African National Congress - Đại Hội Quốc Gia Châu Phi). Sau hàng thập niên với quan điểm "những người tù không thể đàm phán", và sau khi chủ trương một cuộc đấu tranh vũ trang để hạ gục chính quyền, ông đã quyết định đây là thời điểm đúng đắn để bắt đầu những cuộc thương thuyết với những kẻ đàn áp.

Khi ông bắt đầu những cuộc thương thuyết với chính quyền vào năm 1985, có rất nhiều người nghĩ rằng ông đã thất bại. "Chúng tôi nghĩ ông đang phản bội", Cyril Ramaphosa, sau này là một lãnh đạo quyền lực và nóng nảy của National Union of Mineworkers, nhớ lại. "Tôi đến gặp ông ta và hỏi, ông đang làm cái gì vậy ? Nó thật là một sáng kiến không thể tin nổi. Ông ấy đã đi một bước với nhiều rủi ro".

Mandela phát động một chiến dịch để thuyết phục ANC rằng ông đang thực hiện một chiến lược đứng đắn. Uy tín của ông bắt đầu đi lên. Ông đến gặp từng đồng chí trong tù và giải thích cái ông đang làm, Kathrada nhớ lại. Chậm và cân nhắc, ông đã tạo được niềm tin nơi họ. " Bạn cần phải giữ sự hậu thuẫn bên cạnh", Ramaphosa - người đã từng là tổng thư kí của ANC và bây giờ là một thương gia có thế lực - nói. "Một khi bạn đã đạt được mục tiêu, sau đó bạn nên cho phép những người đi theo tiến lên trước. Ông ấy không phải là một người lãnh đạo vắt chanh bỏ vỏ.

Đối với Mandela, từ chối thương thảo chỉ là một chiến thuật, không phải là một nguyên tắc. Trong suốt cuộc đời ông, ông đã luôn làm nên điều độc đáo đó. Nguyên tắc bất di bất dịch của ông - vứt bỏ chế độ phân biệt chủng tộc và giành được sự bình đẳng giữa những con người với nhau - là không thể thay đổi, nhưng bất cứ điều gì giúp ông đạt được mục tiêu đó luôn được ông coi là một chiến thuật. Ông là một người thực dụng.

"Ông là một nhân vật lịch sử", Ramaphosa nói. "Ông đã nghĩ ra đường đi trước chúng tôi. Ông đã có ý nghĩ về thế hệ kế tiếp: họ sẽ nghĩ gì về những cái mà chúng tôi đã làm." Nhà tù đã cho ông khả năng có được một tầm nhìn xa; không thể có một cái nhìn khác. Những ý nghĩ của ông không giới hạn ở ngày hay tháng mà theo thập niên. Ông biết rằng lịch sử đứng về phía ông, và rằng kết quả đó là không thể đảo ngược; nó chỉ là một câu hỏi của thời gian - bao lâu và như thế nào để đạt được. "Về lâu dài, nó sẽ tốt đẹp hơn", thỉnh thoảng ông đã nói. Ông đã luôn hoạt động với một tầm nhìn xa.

Nguyên tắc thứ 3.

Đứng sau để lãnh đạo - và để những người khác tin rằng họ đang đi đầu ( Lead from the back - and let others believe they are in front)

Mandela thích nhớ lại thưở thiếu niên của ông với những buổi chiều chăn gia súc. "Bạn biết đó", ông nói, "bạn chỉ có thể hướng dẫn chúng nó từ phía sau". Ông ta nhướng mày sau đó để chắc chắn rằng tôi hiểu ý ông muốn nói.

Khi còn là một cậu bé, Mandela bị ảnh hưởng nhiều bởi Jongintaba, vị tù trưởng bộ lạc, người đã nuôi ông. Khi Jongintaba có những buổi họp trong sân nhà của ông, những người đàn ông tụ tập theo một vòng tròn, và chỉ sau khi tất cả đã nói hết thì vị tù trưởng mới bắt đầu lên tiếng. Nhiệm vụ của một người lãnh đạo, Mandela nói, không phải là nói cho mọi người nên làm cái gì, mà là để hình thành một đồng thuận (consensus). "Đừng chen vào một cuộc tranh luận quá sớm", ông đã từng nói như vậy.

Trong suốt thời gian tôi làm việc với Mandela, ông thường tổ chức những cuộc họp trong nhà của ông ở Houghton, một khu ngoại ô cũ đáng yêu của Johannesburg. Ông sẽ tụ tập khoảng nửa tá thành viên, Ramaphosa, Thabo Mbeki (người mà hiện nay là tổng thống Nam Phi) và những người khác xung quanh một bàn ăn tối hay thỉnh thoảng theo một vòng tròn chổ đường lái xe vào nhà của ông (driveway). Một vài đông nghiệp của ông có thể đã hét lên, rằng tiến lên nhanh lên, cứn rắng hơn, và Mandela chỉ lắng nghe. Cuối cùng, khi ông nói tại những buổi họp như vậy, ông chậm rãi và cẩn thận tóm lược các ý chính các phát biểu của mỗi người, và sau đó đưa ra các phát biểu của chính ông; một cách tinh tế hướng dẫn quyết định chung theo hướng mà ông muốn, làm vậy ông tránh được sự áp đặt - điều mà ông không muốn. Bí quyết của khả năng lãnh đạo là cho phép chính bạn cũng bị lãnh đạo. "Điều khôn ngoan là thuyết phục mọi người làm những việc và khiến họ nghĩ rằng những việc làm đó xuất phát từ những ý kiến của riêng họ", ông nói.

Nguyên tắc thứ 4.

Hiểu kẻ thù của bạn - và học môn thể thao mà hắn thích. (Know your enemy - and learn about his favorite sport)

Khoảng những năm 1960, Mandela bắt đầu học tiếng Afrikaans (tiếng Hà Lan ở Nam Phi), ngôn ngữ của những người da trắng Nam Phi, những người đã tạo ra chế độ phân biệt chủng tộc apartheid. Những đồng chí trong ANC trêu chọc ông về điều này, nhưng lúc đó ông muốn hiểu thế giới quan của những người Afrikaner (Afrikaner là những người châu Âu da trắng đến Nam Phi định cư trong giai đoạn đầu khai thác thuộc địa bắt nguồn từ sự khám phá ra mũi Hảo Vọng của phương Tây, những người này tạo ra chế độ phân biệt chủng tộc aparthied - chú thích của người dịch). Ông cũng đã biết rằng một ngày nào đó ông sẽ chống lại họ hay thương thảo với họ, bằng cách này hay cách khác, số phận của ông đã gắn chặt với số phận của họ.

Điều này mang tính chiến lược ở hai điểm: bằng cách nói bằng thứ ngôn ngữ của đối thủ, ông có thể hiểu được sức mạnh và điểm yếu của họ để từ đó hình thành nên những chiến thuật hợp lý. Nhưng điều đó cũng giúp cho ông chiếm được cảm tình của kẻ thù. Bất cứ người nào, từ những người lính gác bình thường đến P.W.Botha đã rất ấn tượng trước việc Mandela có thể nói tiếng Afrikaans và kiến thức của ông về lịch sử của người Afrikaner. Ông thậm chí cũng từng ôn lại kiến thức của ông về môn bóng bầu dục, một môn thể thao yêu thích của những người Afrikaner, vì thế ông có thể so sánh những điểm mạnh yếu về những đội bóng và các cầu thủ.

Mandela đã hiểu rằng người da đen và người Afrikaner có những điểm chung mang tính nền tảng: những người Afrikaner tin một cách sâu sắc rằng họ chính là những người châu phi giống như những người da đen. Ông cũng biết rằng những người Afrikaner chính họ cũng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc: chính phủ Anh và những người định cư người Anh hạ thấp và coi họ là tầng lớp bên dưới. Những người Afrikaner chịu đựng một sự tự ti về văn hóa giống như người da đen đã chịu đựng.

Mandela là một luật sư, và khi còn ở trong tù ông đã giúp những giám tù những vấn đề về luật pháp. Họ kém xa ông về giáo dục và kinh nghiệm, và đó là một điều bất thường rằng một người da đen sẵn lòng và có thể giúp họ. Những người này là "những nhân vật tàn ác và hung bạo nhất trong chế độ phân biệt chủng tộc", Allister Sparks - sử gia nổi tiếng nhất Nam Phi - nói, và ông ấy đã nhận ra rằng "có thể đàm phán với những người thô bạo và tệ hại nhất".

Nguyên tắc thứ 5.

Giữ gìn sự gần gũi với những người bạn - và gần hơn nữa với những đối thủ (Keep your friends close - and your rivals even closer).

Nhiều người khách Mandela mời tới ngôi nhà ông xây ở Qunu là những người, mà ông bí mật nói riêng với tôi, là ông không hoàn toàn tin tưởng. Ông mời họ ăn tối; ông tư vấn với họ; ông tâng bốc họ và tặng họ quà. Mandela là một con người có sức hấp dẫn vô cùng - và thường ông đạt được những ảnh hưởng to lớn với các đối thủ hơn là các đồng minh khi dùng sức hấp dẫn đó

Trên đảo Robben, Mandela luôn để trong đầu những người ủy nhiệm (trust men), những người mà ông không thích cũng không tin vào. Một người đã trở thành gần gũi với ông là Chris Hani, thủ lãnh hung hăng của cánh quân sự của ANC. Có vài người nghĩ rằng Hani đang âm mưu chống lại Mandela, nhưng ông đã hòa đồng với Hani. "Không phải chỉ có Hani", Ramaphosa nói. "Nó còn là những nhà tư bản công nghiệp lớn, những gia đình khai mỏ, và đối lập". Ông có thể nhấc điện thoại và gọi họ để chúc mừng sinh nhật của họ. Ông cũng sẽ dự đám tang của gia đình họ. Ông thấy rằng điều đó chính là cơ hội". Khi Mandela ra khỏi nhà tù, ông đã trở nên nổi tiếng khi đưa những người cai tù nằm trong danh sách những người bạn của ông và đưa những người lãnh đạo - những người đã bỏ tù ông - vào những vị trí trong nội các đầu tiên của ông. Tuy nhiên tôi biết rõ rằng ông khinh thường vài trong số những người này.

Có những lúc ông phủi tay trách nhiệm - và những lần khi mà giống như rất nhiều người khác vốn có một sức hấp dẫn lớn, ông cho phép chính mình được hấp dẫn. Mandela ban đầu phát triển một mối quan hệ nhanh chóng với tồng thống Nam Phi F.W.De Klerk, điều mà tại sao sau này ông cảm thấy bị phản bội khi De Klerk tấn công ông giữa công chúng.

Mandela tin rằng ôm lấy đối thủ là một cách để điều khiển được họ: họ sẽ nguy hiểm hơn nếu họ là chính họ hơn là trong vòng ảnh hưởng của ông. Ông yêu mến lòng trung thành, nhưng ông không bao giờ sở hữu nó. Sau cùng, ông đã từng nói, "con người hành động vì quyền lợi của chính bản thân họ". Đó đơn giản là bản chất tự nhiên của con người, không phải một lỗi lầm hay một khiếm khuyết. Mặt trái của một người lạc quan - mà ông là một - là quá tin vào người khác. Nhưng Mandela công nhận rằng cái cách để làm việc với những người ông không tin là trung hòa họ bằng sức hấp dẫn.

Nguyên tắc thứ 6.


Chú ý đến diện mạo bên ngoài - và nhớ Tươi Cười. (Appearancess matter - and remember to smile)

Khi Mandela là một sinh viên luật nghèo ở Johannesburg thường mặc bộ comle cũ sờn, ông đã chú ý đến cách ăn mặc của Walter Sisulu. Silulu là một nhân viên địa ốc và là một lãnh đạo trẻ của ANC. Mandela cảm nhận được người đàn ông da đen thành công và sành điệu, người mà ông có thể cạnh tranh. Silulu đã thấy được tương lai.

Silulu đã từng nói với tôi rằng nỗ lực lớn nhất của ông trong những năm 1950 là biến ANC thành một phong trào lớn mạnh; và vào một ngày sau khoảng thời gian đó, ông nhớ lại một nụ cười, "một người lãnh đạo lớn đi vào trong văn phòng của tôi". Mandela cao và đẹp trai, một võ sĩ đấm bốc nghiệp dư, người mà mang theo không khí vương giả của đứa con trai một người lãnh đạo. Và anh ta có nụ cười giống như mặt trời khi ra khỏi một ngày đầy mây.

Chúng ta thỉnh thoảng quên đi mối quan hệ lịch sử giữa khả năng lãnh đạo và tố chất. George Washington là người cao nhất và chắc chắn là người khỏe mạnh nhất trong mỗi căn phòng ông ta bước vào. Kích cỡ và sức mạnh liên quan nhiều tới DNA hơn là những gì với khả năng lãnh đạo, tuy nhiên Mandela hiểu rằng diện mạo của ông có thể tạo ra một sự thuận lợi. Với tư cách là lãnh đạo của cánh quân sự ngầm của ANC, ông khăng khăng rằng ông nên được chụp hình trong những bộ đồng phục tươm tất và với một bộ râu, và xuyên suốt sự nghiệp, ông đã chú tâm đến cách ăn mặc hợp lý cho vị trí của ông. George Bizos, luật sư của ông, nhớ rằng lần đầu ông gặp Mandela tại một tiệm hớt tóc của người Ấn Độ khoảng những năm 1950, và Mandela là người da đen Nam Phi đầu tiên tươm tất trong bộ comple. Giờ đây, đồng phục của Mandela là một loạt những áo sơ mi in một cách hoa mỹ; điều này nhằm thể hiện rằng ông vui sướng là người khai sinh ra một nước Nam Phi hiện đại.

Khi Mandela chạy đua cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1994, ông biết rằng những biểu tượng có ý nghĩa không kém vật chất. Ông chưa bao giờ là một nhà hùng biện công cộng giỏi, và người ta thường chuyển kênh tivi ngay sau khi nghe ông nói được vài phút đầu. Tuy nhiên, người ta hiểu ông nhờ những hình ảnh. Khi ông ở trên bục diễn thuyết, ông thường luôn luôn làm toyi-toyi, một kiểu nhảy địa phương tượng trưng của sự đấu tranh. Nhưng quan trọng hơn là một nụ cười đẹp và tỏa sáng. Đối với người Nam Phi da trắng, nụ cười biểu tượng cho sự quên đi sự đắng cay của Mandela và nghĩ rằng ông ta thông cảm với họ. Đối với những cử tri da đen, điều đó nói lên rằng, tôi là một chiến binh vui vẻ và chúng ta sẽ chiến thắng. Những quảng cáo tranh cử khắp nơi của ANC chỉ đơn giản là một khuôn mặt cười. "Nụ cười là thông điệp", Ramaphosa nói.

Sau khi ông ra khỏi tù, người ta thường nói bỏ qua, bỏ qua. Nhưng thật là ngạc nhiên rằng ông ta không cảm thấy cay đắng. Có hàng ngàn lý do mà Nelson Mandela cảm thấy cay đắng, nhưng ông đã biết rằng hơn bất cứ thứ gì khác, ông phải diễn đạt chính xác cái xúc cảm đối nghịch. Ông luôn nói "Quên quá khứ" - nhưng tôi biết ông chưa bao giờ làm như vậy.

Nguyên tắc thứ 7.


Không có Trắng hay Đen (Nothing is black or white)

Khi chúng tôi bắt đầu loạt phỏng vấn, tôi thường hỏi Mandela những câu hỏi kiểu như câu sau đây: khi ông quyết định giải thể đấu tranh vũ trang, có phải bởi vì ông đã nhận ra rằng ông không có đủ sức để lật đổ chính quyền hay bởi vì ông biết rằng ông có thể chiến thắng dư luận thế giới bằng cách chọn hình thức phi bạo lực ? Ông nhìn tôi bằng một ánh mắt lạ lùng và nói "tại sao không là cả hai ?".

Tôi bắt đầu hỏi những câu thông minh hơn, nhưng thông điệp thì rất rõ ràng: cuộc sống chưa bao giờ là trắng hay đen. Những quyết định rất phức tạp, và có những yếu tố mang tính cạnh tranh. Để tìm những cách lý giải đơn giản, hãy nhìn sự thiên lệch của bộ não con người, nhưng nó cũng không tương thích với thực tế. Không có điều gì là dễ hiểu hơn như khi nó mới xuất hiện.

Mandela thích hợp với sự mâu thuẫn. Với vai trò một chính trị gia, ông ta là một người thực dụng, thấy được thế giới có vô vàn sắc thái. Có được nhiều thứ đó, tôi tin rằng, do ông sống với tư cách một người da đen dưới một chế độ phân biệt chủng tộc cung cấp các chọn lựa khắt khe và suy nhược về tính đạo đức hàng ngày: tôi có nên chiều theo ông chủ da trắng để có một việc làm và tránh bị trừng phạt ? Tôi có nên mang giấy phép ?

Với tư cách là một chính khách, Mandela, một cách khác thường, trung thành với Muammar Gaddafi và Fidel Castro. Họ cũng đã giúp ANC khi mà Hoa Kỳ còn gọi Mandela là một tên khủng bố. Khi tôi hỏi ông về Gaddafi và Castro, ông ám chỉ rằng Hoa Kỳ có xu hường nhìn những sự việc giữa trắng và đen, và ông đã quở trách tôi vì sự thiếu kiến thức về sắc thái (nuance). Mỗi bài toán có nhiều vấn đề. Trong khi ông rõ ràng và dứt khoát chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, những nguyên nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc rất phức tạp. Chúng nó là những nguyên nhân có tính lịch sử, xã hội và tâm lý. Cách tính toán của Mandela luôn là, mục đích cuối cùng tôi đang tìm kiếm là gì ? và đâu là con đường thực tế để đạt được nó ?

Nguyên tắc thứ 8.

Rời bỏ cũng là lãnh đạo (Quitting is leading, too).

Năm 1993, Mandela hỏi tôi có biết bất cứ quốc gia nào mà tuổi thấp nhất được quyền bầu cử là dưới 18 tuổi. Tôi làm một cuộc tra cứu và đưa ông một danh sách: Indonesia, Cuba, Nicaragua, Bắc Triều Tiên và Iran. Ông gật đầu và thốt ra: "Rất tốt, rất tốt". Hai tuần sau, Madela lên truyền hình Nam Phi và đề nghị tuổi thấp nhất được quyền bầu cử là 14 tuổi. "Ông ta cố gắng đưa ra cho chúng ta một ý kiến", Ramaphosa nhớ lại, "nhưng ông là người duy nhất (ủng hộ). Và ông ta phải đối diện với thực tế là nó sẽ không được tán thành. Ông ta chấp nhận nó với một sự khiêm tốn lớn. Ông không hờn dỗi. Điều đó cũng là một bài học về khả năng lãnh đạo".

Biết cách từ bỏ một ý kiến, một nhiệm vụ hay một mối quan hệ sai lầm thường là loại quyết định khó khăn nhất một lãnh đạo phải làm. Theo nhiều cách, sự hợp pháp lớn nhất của Mandela trong vai trò một tổng thống Nam Phi là cách ông đã chọn để rời bỏ nó. Khi thắng cử vào năm 1944, Mandela có thể chắc chắn để ấn định là tổng thống suốt đời - và có nhiều nhiều người nghĩ rằng để bù đắp cho khoảng thời gian ông ta ở tù, đó là điều ít nhất mà Nam Phi có thể làm.

Trong lịch sử Nam Phi, chỉ có một nhúm lãnh đạo được bầu dân chủ là sẵn lòng bước ra khỏi chiếc ghế. Mandela đã quyết đinhk tạo thành một tiền lệ cho những người theo sau ông ta - không chỉ ở Nam Phi mà toàn bộ phần còn lại của châu lục. Ông ta là một người chống lại Mugabe - người khai sinh ra đất nước ông - đang cố gắng nắm giữ quyền lực. "Nhiệm vụ của ông là tạo ra một con đường đi, không phải vận hành con tàu". Ramaphosa nói. Ông ta biết rằng những người lãnh đạo thể hiện vai trò lãnh đạo bằng cách chọn những cái họ không làm có ý nghĩa quan trong không kém như khi họ chọn cái để làm.

Cuối cùng, chìa khóa để hiểu Mandela là trong suốt 27 năm tù của ông. Một người đàn ông bước trên đảo Robben vào năm 1964 xúc động, ương ngạnh, dễ bị chọc tức. Người đàn ông bước ra khỏi tù cân bằng và kỷ luật. Ông ta chưa bao giờ tự xem xét nội tâm. Tôi thường hỏi ông một người ra khỏi tù khác một người trẻ tuổi ương ngạnh vừa mới bước vào tù như thế nào. Ông ghét câu hỏi này. Cuối cùng, trong tâm trạng bực tức vào một ngày, ông nói "tôi đã bước ra một cách trưởng thành". Không có gì là hiếm có - hay giá trị như vậy - khi là một người đàn ông trưởng thành. Chúc mừng sinh nhật, Madiba.

Nguyễn Huy Vũ chuyển ngữ

18.07.2008

Nguồn: http://www.time.com/time/world/article/0,8599,1821467,00.html



Hỏi: Khi nào thì VN có một Mandela ?

Việt Nam: Phía sau Cá và Tàu

Far Eastern Economic Review

September 2007

Vietnam: Beyond Fish and Ships

by Jago Penrose, Jonathan Pincus and Scott Cheshier

************************************************

Việt Nam: Phía sau Cá và Tàu

Nguyễn Huy Vũ dịch


Nguyen Huu Thanh rời trường đại học sau năm 1986 để bắt đầu làm việc trong một công ty thủy sản nhà nước. Sau 11 năm với vô số những trở ngại trong quản lý hành chính, ông vay một khoản tiền và mở một công ty thủy sản tư nhân để xuất khẩu qua thị trường Nhật. Doanh thu trong năm 2000 - năm đầu tiên đi vào hoạt động của công ty - là 5 triệu đô. Vào năm 2006, VietFood với 3.300 nhân công cung cấp gần 40% lượng tôm để làm sushi ở thị trường Nhật, đạt doanh thu 63 triệu đô.

Cách Hải Phòng khoảng một ngàn cây số, xưởng đóng tàu Nam Triều, một công ty con của Vinashin, đang nỗ lực những khâu cuối cùng để hoàn thành chiếc tàu với tải trọng 53 ngàn tấn - sản xuất dưới hợp đồng của công ty Graig Shipping tại Anh.

Cá và tàu là những mặt hàng chính mà những nhà hoạch định chính sách gọi là "nền kinh tế biển" ("maritime"), một ý tưởng được đưa ra trong định hướng "chiến lược biển" của chính phủ phổ biến khoảng đầu năm nay. Với 3.200 cây số chiều dài với nhiều tài nguyên biển, khí đốt, dầu và du lịch biển là những lĩnh vực biển mà Việt Nam hy vọng sẽ đóng góp nhiều nhất vào thu nhập của quốc gia. Chính phủ mong đợi rằng vào khỏang năm 2020, thủy sản, đóng tàu, hàng hải, dầu khí, du lịch và các ngành dịch vụ biển sẽ đóng góp vào một nửa thu nhập quốc gia (GDP) - tỉ lệ này chỉ là 15% trong năm 2005. Nhu cầu thế giới đối với thủy sản nuôi trồng và cá lớn đang tăng. Những chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp du lịch dự đoán rằng khoảng 50 triệu người Trung Quốc sẽ đi du lịch ra nước ngoài vào khoảng năm 2010, và 100 triệu vào khoảng năm 2020. Nhiều trong số họ sẽ đến Việt nam, cùng với những khách du lịch người Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, để du lịch, nghỉ ngơi và chơi golf ở những khu nghỉ dưỡng dọc bãi biển.

Kinh tế biển cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đã làm một cuộc cách mạng trong sản xuất gạo ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Mê Kông, giờ đây Việt Nam đang hướng tới biển, tiến trình bắt đầu với việc cải cách doanh nghiệp trong năm 1989, đến thâm nhập thị trường châu Âu vào năm 1995 và việc kí được hiệp định thương mại, mang tính bước ngoặc, với Mỹ năm 2001. Việc trở thành thành viên tổ chức mậu dịch thế giới (WTO) là điểm cuối cùng của tiến trình mà người ta hay gọi là "Đổi mới" - bắt đầu từ năm 1986 - vốn thực ra là một chính sách chuyển đổi ngoạn mục. Trong khi Trung Quốc giải tán hình thức hợp tác xã nông nghiệp vào năm 1978, Việt Nam khởi động một chiến dịch tập thể hóa èo uột ở đồng bằng sông Mê Kông - điều này đã đưa đất nước đến bờ vực thiếu đói. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1996, Việt Nam đã bãi bỏ hình thức tập thể hóa và đã được xếp hạng thành nước xuất khẩu gạo thế hai thế giới. Việt Nam cũng được nổi lên là một nhà xuất khẩu hàng đầu về cà phê, thủy sản, hạt tiêu, cao su, cũng như quần áo và giày dép.

Vent for surplus (một thành ngữ kinh tế đề xướng bởi Adam Smith, chỉ ra trường hợp thị trường trong nước không tiêu thụ hết hàng hóa sản xuất ra, và do đó hàng sản xuất ra đem đi xuất khẩu để thu lợi nhuận)

Thành tựu kinh tế Việt Nam trong suốt quá trình "Đổi Mới" rất ấn tượng. Tăng trưởng kinh tế hàng năm trung bình 7% trong suốt 20 năm, và tăng trưởng xuất khẩu vượt hơn 20% mỗi năm.

Việc xuất khẩu hàng hóa khoảng 40 tỉ vào năm 2006 tương đương 65% tổng thu nhập quốc dân - một tỉ lệ tăng hơn gấp đôi trong vòng một thập niên.

Xuất khẩu đã đưa sự tăng trưởng của Việt Nam vào mô hình "vent for surplus", khi mà nhu cầu bên ngoài tạo ra động lực để tận dụng những lao động dư thừa và đất đai vào mục đích sản xuất.

Nhưng thậm chí những nhà quan sát nhiệt tình nhất cũng nhận rằng nền kinh tế còn phụ thuộc nặng nề vào lương thấp và tài nguyên thiên nhiên để xuất khẩu và tăng trưởng. Và lương thấp chính nó không phải là chiến lược phát triển bền vững lâu dài. Bất chấp tất cả những cuộc thảo luận về off-shoring, sức lao động thực ra chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong toàn bộ chi phí sản xuất. Trung bình, sức lao động trực tiếp ở các nước đang phát triển sản xuất hàng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 3% đến 4% của tổng chi phí ngay tại nơi xuất cảng và ít hơn 1% với giá tại nơi bán lẻ.

Những chi phí khác như điện, vận chuyển, viễn thông, an ninh, phí hành chính và tham nhũng là như nhau, nếu không nói là quan trọng hơn đối với những nhà đầu tư. Và vài trong những phí này là khá cao ở Việt Nam so với những nước đang cạnh tranh. Theo A.T. Kearney, một công ty tư vấn quản lý, giá điện công nghiệp ở Việt Nam là bằng giá với ở Trung Quốc và Thái Lan, và cao hơn ở Malaysia và Indonesia. Nhưng chi phí vận chuyển bằng tàu biển tính theo mỗi cây số của Việt Nam là cao nhất trong năm nước, phí viễn thông và phí thuê văn phòng chính cũng vậy.

Một vấn đề khác với những sản phẩm kiểu vent-for-surplus như gạo, cá, hạt tiêu, áo quần và giày dép chính nó tiêu biểu cho đặc tính "đàn hồi" thấp với thu nhập (low income elasticities). Nói cách khác, khi mà con người ngày càng giàu hơn, với lượng thu nhập tăng lên, họ không có xu hướng mua nhiều gạo và cà phê hơn. Tại thời điểm này, Việt Nam rất cạnh tranh trong các lĩnh vực công nghiệp phát triển chậm. Một trong những bí mật thành công của sự phát triển Đông Á là tập trung vào những sản phẩm "đàn hổi" với thu nhập, chẳng hạn như những sản phẩm điện tử nhiều chức năng và xe hơi - những cái mà đang chiếm một thị phần lớn trong mức tiêu dùng của người dân các nước trên thế giới, như Bắc Mỹ hay Châu Âu.

Ổn định chính trị, địa lý, và giàu tài nguyên, một thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh chóng và giờ đây là thành viên WTO sẽ cho phép Việt Nam tiếp tục là điểm đến, hấp dẫn những nhà đầu tư. Đầu tư nước ngoài trực tiếp năm 2006 đã lên đến 2,3 tỉ đô Mỹ, tăng 20% so với năm trước, và dự đoán sẽ lại tăng trong năm nay.

Nhưng khi mà đất nước ngày càng giàu hơn, nó cần được đa dạng hóa để rời bỏ khỏi những ngành công nghiệp đòi hỏi nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều và hướng tới những ngành công nghiệp nặng về kỹ thuật với nhiều tiềm năng hơn. Hầu hết những công ty Việt Nam là nhỏ, mặc dầu có vài công ty lớn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vức may mặc, giày dép. Công nghệ rất đơn giản, lợi nhuận thấp, và sản xuất phụ thuộc nặng nề vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Những đất nước đang công nghiệp một cách thành công bắt buộc cuối cùng phải chuyển từ sự phát triển kiểu vent-for-surplus đến phát triển các công ty nội địa nhằm đạt được một qui mô thích hợp với một trình độ kỹ thuật tương thích nhằm bắt kịp với giá cả và tiêu chuẩn của thế giới, và để tích hợp những công ty này vào trong những dây chuyền cung cấp hàng hóa trên thế giới - những dây chuyền mà đang thống lĩnh lĩnh vực sản xuất trong thế kỷ 21 này.

Những ưu tiên trong chính sách mới

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã bắt đầu thu hút những dự án đầu tư hướng tới những sản phẩm có tính "đàn hồi" với thu nhập (elastic income products) (những sản phẩm mà khi người ta ngày càng giàu hơn thì càng thích tiêu xài nhiều hơn cho sản phẩm có giá trị cao hơn - người dịch). Những công ty như Intel, Foxconn ( công ty nầy của Đài Loan với dự án đầu tư điện tử lớn nhất từ trước đến nay, hơn cả Intel, đặt ở phía Bắc, nhưng chính phủ VN "sợ mếch lòng Trung Quốc" nên báo chí tiếng Việt ít đăng tin - người dịch), Compaq và Nidec đã công bố những dự án đầu tư trong lĩnh vực lắp rắp linh kiện điện tử. Khu công nghệ cao Saigon (The Saigon Hi-tech Park) đã nổi lên như một "vũng công nghệ" nhằm nối kết những công ty do nước ngoài đầu tư, những công ty trong nước, các khu nghiên cứu và đào tạo lại gần với nhau. Mục đích là để bắt chước chiến lược của Đài Loan và Trung Quốc trong việc dịch chuyển từ việc lắp ráp đơn thuần sang việc liên kết giữa những công ty kỹ thuật cao của nước ngoài với những nhà cung cấp trong nước.

Việc áp dụng chiến lược này sẽ đòi hỏi những thay đổi chính sách mang tính quyết định trên một loạt những vấn đề từ quản lý vĩ mô cho tới sự đổi mới hệ thống luật lệ. Tuy nhiên, có ba lĩnh vực đòi hỏi được đặt ưu tiên lên hàng đầu đối với những nhà làm chính sách:

1. Giáo dục bậc cao:

Các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài thường đưa ra việc thiếu nguồn nhân lực bậc cao như là rào cản lớn nhất để tăng trưởng và phát triển kỹ thuật. Việt Nam không thiếu những tài năng, như được thấy qua thành tích những huy chương vàng tại Olympic Toán học thế giới những năm gần đây. Toyota khẳng định rằng thời gian để đào tạo những công nhân Việt Nam nhanh thứ 2 thế giới (dân tộc nào nhất thế giới, người dịch đang kiếm, bạn nào biết chỉ dùm). Tuy nhiên, các trường đại học ở Việt Nam đã thất bại để trang bị cho những tài năng này những kiến thức cần thiết để bắt đầu làm việc trong những công ty hay để tạo ra những nghiên cứu có tính ứng dụng nhằm mang lại những hiệu quả kinh tế. Đại học Việt Nam được ghi nhận là có số công trình đăng báo trên tạp chí thuộc lĩnh vực khoa học và kỹ thuật thấp nhất khu vực, trong năm 2002 - năm gần đây nhất mà những thông tin như vậy đạt được - chỉ có hai bằng sáng chế về ứng dụng cấp quốc tế được cấp cho hai người ở Việt Nam. Không giống như ở Trung Quốc, các viện nghiên cứu ở Việt Nam có rất ít các liên hệ với các doanh nghiệp.

Trong cuộc khủng hoảng ở giáo dục bậc cao và nghiên cứu, vấn đề không chỉ đơn giản là tiền bạc. Mặc dù Trung Quốc chi cho giáo dục với một tỷ lệ so với mức thu nhập quốc gia thấp hơn Việt Nam, vài trường đại học tốt nhất của Trung Quốc đã có thể tiến tới chất lượng quốc tế. Các trường đại học ở Việt Nam đang ở trong thành trì cuối cùng (last bastion) của việc lập kế hoạch "từ trên cao" (ở đây là bộ giáo dục -người dịch), dạy những điều đã lỗi thời (outdated), chương trình học được qui định sẵn từ bộ giáo dục thông qua những hệ thống đã không thay đổi kể từ thập niên 1980. Không có bất cứ tiến bộ nào sẽ diễn ra nếu như chừng nào các trường đại học và các viện nghiên cứu không được cho phép những sự tự chủ (autonomy) mà họ cần để có thể cạnh tranh trên những nền tảng cơ bản như chất lượng, uy tín và những vấn đề liên quan.

2. Cơ sở hạ tầng:

Việt Nam nổi lên từ hàng thập niên chiến tranh và việc kế hoạch kiểu từ trên xuống với sự ùn tắc về cơ sở hạ tầng. Đường xá, cầu cảng, sân bay, điện, nước và hệ thống thủy lợi là những lĩnh vực cần thiết để phát triển và xây dựng lại. Việc chậm trể kinh niên và chi phí phát sinh trong các dự án công cộng đã đưa đến những ảnh hưởng về kinh tế cực kỳ lớn. Sau 20 năm cải cách, Việt Nam vẫn chưa có nổi một hải cảng nước sâu để có thể tiếp nhận những tàu trọng tải lớn (trong một bài báo người dịch đã đọc trước đây, các tàu trọng tải lớn thường đậu ở cảng Singapore hay Cao Hùng của Đài Loan rồi dùng tàu nhỏ hơn chuyển hàng từ Việt Nam), khiến cho chi phí vận chuyển tăng lên khoảng 28%, và các con đường thì thường kẹt xe. Việc xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước khởi công từ 1995 với một chi phí xấp xỉ khoảng 1,3 tỉ đô la Mỹ, hiện nay dự kiến hoàn thành vào năm 2009 với chi phí 2,5 tỉ đô la Mỹ.

Trong năm 2000, chính phủ duyệt xét kế hoạch để xây dựng 17 phòng thì nghiệm cấp quốc gia trước năm 2005. Chỉ có hai đã hoạt động vào giữa năm 2007. Trong khi đó, chính phủ đã đống ý với kế hoạch trị giá 33 tỉ đô la Mỹ nhằm xây dưng hệ thống đường sắt cao tốc nối liền Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nôi - điều này đặt câu hỏi về tính ưu tiên trong các lĩnh vực công cộng của chính phủ.

3. Thị trường tài chính:

Trong khi những doanh nhân Việt Nam đang vật lộn để tìm kiếm những nguồn vốn dài hạn, các nhà đầu tư trong nước đổ xô vào thị trường chứng khoán và nhà đất vốn đã quá nóng. Chỉ số VN Index đã tăng gấp ba lần giá trị chỉ trong vòng có bảy tháng ngay sau tháng tám năm 2006, trước khi rớt giá lại khoảng 20% trong những tháng gần đây. Việc đánh giá giá trị cổ phiếu chẳng còn dính dáng gì đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp, và thị trường chứng khoán được hoạt động bởi những phi vụ kiểu "tay trong" (insider deals) và các mánh khóe về thông tin. Thị trường nhà và chung cư cao cấp một lần nữa lại rất nóng. Báo cáo của UNDP cho thấy rằng những công ty lớn nhất của Việt Nam đang đầu cơ rất mạnh vào thị trường địa ốc và chứng khoán nhằm tìm kiếm một khoản lợi nhuận trong một thời gian ngắn. Sự hình thành những bong bóng tài sản đi cùng với sự e dè trong niềm tin đối với doanh nghiệp là một chỉ dấu chắc chắn mà thị trường tài chính đang thất bại trong mục đích chính của nó, đó là điều tiết những tài sản tiết kiệm trong nước và đưa nó tới những dự án đầu tư mới. Trong khi các ngân hàng đang trả lãi suất thực ra là âm (vì lãi suất ngân hàng thấp hơn tỉ lệ lạm phát - người dịch), thì các công ty như Vinashin ngày càng phụ thuộc vào những khoản vay của nước ngoài để chi phí cho việc mở rộng hoạt động của công ty. Khoản nợ không giới hạn dưới dạng ngoại tệ nước ngoài không chỉ nguy hiểm đối với những công ty dính liếu tới, mà nó còn tạo ra một hiệu ứng mang tính chính trị đó là chống lại việc giảm giá của tiền Đồng Việt Nam, rồi cuối cùng những công ty xuất khẩu sẽ lãnh phần thiệt thòi.

Trách nhiệm giải trình :

Điều xuyên suốt nối những sự kiện này là khả năng chịu trách nhiệm giải trình công cộng (public accountability). Hệ thống của người Việt Nam đã chứng minh một cách rất tốt về việc phân phối những lợi nhuận mang tính kinh tế và nhiều lợi nhuận khác - như đất đai, cổ phiếu, nợ ngân hàng, danh chức và nhiều thứ khác - đến một tầng lớp chính trị đủ rộng để bảo đảm được tính bền vững và liên kết giữa các vùng miền và các nhóm của Đảng Cộng Sản cầm quyền. Nhưng trong khi các lợi nhuận về chính trị được tư nhân hóa thì các chi phí về kinh tế lại được xã hội hóa. Chất lượng yếu kếm của các trường học trong nước và các trường đại học đã bắt buộc các gia đình trung lưu cố gắng vượt ra ngoài khả năng của họ để vay mượn nhằm cho con cái họ được giáo dục riêng hoặc đưa ra nước ngoài du học. Sự chậm trể và chi phí đổ dồn đối với các dự án đầu tư của nhà nước làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế và lấy đi những khoản tiền đáng nhẽ dành cho các dịch vụ cơ bản như y tế hay giáo dục. Giá nhà ngày càng cao đã đưa những hộ nghèo ở thành thị ngày càng sống chật chội hơn và gia tăng những việc kiện tụng đất đai vì quan chức lấy đất rẻ và bán lại nó để trục lợi.

Nhu cầu cho trách nhiệm giải trình công cộng (public accountability) lớn hơn chắc chắn sẽ gây căng thẳng khi mà xã hội ngày càng đô thị hóa và nền kinh tế ngày càng đa dạng hóa và mở rộng. Nhưng các thế lực chống đối (opposing forces) - phát sinh từ trong đảng và chính quyền có liên hệ đến những lợi ích kinh tế ở những khu vực của đảng và nhà nước - có tiềm lực đáng kể muốn bảo vệ tình trạng hiện có. Chúng ta có thể mong đợi việc lãnh đạo tiến tới cải tổ một cách cẩn trọng và từ từ, chuẩn bị một phương án nhằm giải tỏa những áp lực (dynamism) của nền kinh tế mà không gây ra xáo trộn cho đất nước và ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị. Câu hỏi đưa ra là họ có thể có một phương án như vậy hay không, và có phải những "cơn gió" của nền kinh tế thế giới sẽ tiếp tục "thổi" như cách mà chúng nó đang "thổi" như hiện nay ?


Ông Penronse là một nhà tư vấn độc lập, hiện ở Hà Nội. Ông Pincus là kinh tế gia trưởng của the United Nations Development Programme ( chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc) ở Việt Nam. Ông Cheshier là thí sinh tiến sỹ (doctoral candidate) tại trường School of Business and Management, Queen Mary University of LonDon.