31.12.16

Sự mê tín của người Việt và tai hại của dân tộc

Đọc đánh giá về tính cách của người Việt, các nhà viết sử ngoại quốc lẫn Việt Nam đều có chung một nhận định là người Việt mình mê tín. Mà mê tín thì thường tin vào những điều còn mù mờ, nửa đúng nửa thật, tin những nhân vật bí ẩn. Tin vào những điều mà tâm trạng mình muốn nghe thay vì phải đặt câu hỏi ngược lại là tại sao. Cái tâm lý đó xưa nay không thay đổi.


Cái hại của một tâm lý như vậy là đôi khi niềm tin đã trở nên “cuồng” thì họ dễ dàng bị dẫn dắt, xỏ mủi đi theo niềm tin nào đó, thần tượng nào đó. Lịch sử xưa nay cho ra nhiều ví dụ như vậy. Có khi sự dẫn dắt đưa dân tộc đến một kết cục tốt đẹp, song cũng có lúc dẫn dân tộc đến chỗ lầm than.


Xưa, Lê Lợi bôi mỡ trộn mật viết lên lá cây rừng “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thân” khiến kiến ăn lên lá mà tạo ra tám chữ này, song song đó Lê Lợi và Nguyễn Trãi cho quân đi phao tin trong thiên hạ rằng họ là hai vị anh hùng được hồn thiêng sông núi ủng hộ để đánh đuổi giặc ngoại xâm, nhân dân mê tín cứ tưởng thật mà theo họ đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc.


Sự mê tín đó một lần nữa được Lý Thường Kiệt dùng lại để kích động tinh thần tướng sỹ khi chống Tống xâm lược năm 1076. Hơn 30 vạn quân Tống từ Trung Hoa sang xâm lược, Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến bên sông Như Nguyệt và đang đêm cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía Nam bờ sông, giả làm thần đọc vang bài thơ thần:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên phân định tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!

Trần Trọng Kim dịch:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời

Tướng sỹ nghe bài thơ thần đó ngỡ là có thần yểm trợ nước Nam nên khí thế dâng cao, Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức đánh một trận quyết chiến, thẳng vào trại giặc. Giặc bất ngờ, phần vì sỹ khí quân lính Đại Việt dâng cao nên chống đỡ yếu ớt, số bị thương và chết đến quá nửa. Lý Thường Kiệt sau đó cho người sang nghị hòa, để quân Tống rút về nước, vừa giữ được bờ cõi vừa giữ được hòa bình cho đất nước.


Dựa theo cái sự mê tín đó của dân Việt, những người cộng sản dựng lên hình tượng Bác Hồ và biến ông thành một vị thánh, những lời ông nói như chân lý, nhiều nơi còn đưa ông vào điện thờ, ngồi chung với Thần Phật, kêu gọi mọi người sống, lao động, học tập theo gương ông. Ông được tô vẽ lúc thì như một ông tiên, lúc thì như một vị thánh sinh ra với sứ mệnh vì dân vì nước: “Đụn Sơn phân dải, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh”. Một lần nữa dân Việt tin theo ông, tin theo chủ nghĩa cộng sản và chung tay xây dựng chủ nghĩa xã hội theo những người cộng sản đồng chí của ông. Kết quả thế nào thì nhiều người đã nói, đã thấy, và đang chịu đựng.


Cái hại của sự mê tín do đó nó biến cả một đám đông của dân tộc trở nên cuồng tín, bất chấp lý lẽ, đúng sai. Người ta tin chỉ vì để thỏa mãn cái tâm lý muốn nghe điều họ muốn nghe, chứ không phải muốn nghe điều phân tích có lý mà thường trái tai của một thiểu số.


Cái sự mê tín này nếu không chữa thì có khi cả dân tộc lại lặp lại sai lầm là đi tin vào những tay giỏi trò mị dân đưa đất nước vào điêu linh một lần nữa.


Tuy vậy nhiều người lại không nhận ra sự nguy hại của vấn đề. Họ đi cổ vũ cho những cá nhân mờ mờ ảo ảo viết những điều hư cấu trộn lẫn thực tại thành những miếng bánh để đáp ứng đám đông đang đói thông tin, không biết đất nước mình sẽ đi đâu trong những ngày sắp đến và những nhà cầm quyền đang làm gì ở chốn cung đình. Những thực hư đó tiếp tục là những viên thuốc phiện dẫn dắt đám đông nằm tại chỗ nhưng mơ màng gửi niềm tin đi từ nơi này sang nơi khác. Mà một hậu quả nhãn tiền là không ai chịu làm gì cả nhưng cùng chờ đợi một sự thay đổi sẽ đến từ đâu đó, một niềm tin giống như con người có số phận và đất nước có thịnh suy.


Muốn chữa được cái sự cuồng tín thì một mặt những người hiểu biết cần nói ra và mặt khác báo chí và cộng đồng cần phải đưa thông tin đa chiều nhiều hơn nữa. Khi mà các luồng thông tin ngày càng minh bạch, đa chiều hơn thì người dân sẽ dần học cách biết suy xét, suy nghĩ lý tính hơn để từ đó phân biệt được rạch ròi phải trái, trắng đen. Có như vậy thì dân tộc mới tránh được cái họa bị một người, một nhóm người hay một ý thức hệ lú lẫn hóa lôi kéo đi như chúng ta từng chứng kiến.


Nguyễn Huy Vũ

OL, 31.12.2016

30.12.16

Mồi câu từ thiện

Những ai đi câu cá đều biết muốn câu được cá cần có mồi. Tùy từng loại cá muốn câu mà chọn địa điểm câu và chọn mồi khác nhau. Câu cá là một nghệ thuật, và nói theo nhiều người thì người câu cá giỏi có thể được xem như một nghệ sỹ. Anh ta biết chỗ nào có cá, nhìn thời tiết biết có cá ít hay nhiều, thả thính loại nào, mồi gì. Nếu như nghệ sỹ cũng học và luyện tập thì người câu cá chuyên nghiệp cũng vậy. 


Trong câu chuyện quyên góp từ thiện, ngoại trừ một số những người và tổ chức hiếm hoi thật sự lương thiện và thường lặng lẽ bởi vì làm từ thiện xuất phát từ cái tâm thiện của họ và thường họ không mưu cầu điều gì khác ngoại trừ niềm vui khi giúp được người khác vui, thì những tổ chức và cá nhân vụ lợi khác hành động không khác bao xa cái nghề câu cá. 


Và vì thế, bài này kể câu chuyện về cách các tổ chức từ thiện vụ lợi hoạt động từ thiện vì lợi ích chính họ. Cách làm của những tổ chức vụ lợi này có một mô-tip tương đối giống nhau như sau:


Đầu tiên là chọn địa điểm hay môi trường: nếu như câu cá bạn chọn một địa điểm thì người làm từ thiện vụ lợi cũng chọn một môi trường để «câu» những nhà hảo tâm.


Bước thứ hai là thả thính: nếu như người câu cá thả thính để dụ cá tới thì những nhà hoạt động từ thiện vụ lợi cũng sẽ mồi dư luận, đưa tin về vụ việc, để kéo sự chú ý và đo sự quan tâm của dư luận.


Bước thứ ba là chọn mồi và thả mồi: nếu như người câu cá tùy từng loại cá muốn câu mà chọn các loại mồi khác nhau thì người hoạt động từ thiện vụ lợi cũng sẽ đưa các miếng mồi khác nhau dụ mạnh thường quân. Mồi để dụ mạnh thường quân thường đa dạng, đó là các cô nhi viện trá hình dùng trẻ em để nhận tiền, những người thuê trẻ em kèm theo để bán vé số và ăn xin, những cá nhân bỏ ra một số tiền và dùng những người nghèo để kêu gọi hỗ trợ tiền chữa bệnh, xây nhà, xây cầu ở vùng nông thôn….


Bước thứ tư là tăng cường truyền thông: ở đây nếu như người câu cá thường cố gắng giữ im lặng để câu được nhiều cá, thì những nhà hoạt động từ thiện vụ lợi sẽ dùng truyền thông để thổi phồng hoạt động và hình ảnh của mình lên để hi vọng «câu» được nhiều mạnh thường quân hơn. 


Và cuối cùng, bước thứ năm thì sau khi những con cá bị mắc câu, cả cá thiệt và «cá mạnh thường quân» tất cả đều có một điểm chung là im lặng. Cá thật im lặng thì đã đành. Còn cá mạnh thường quân im lặng vì nghĩ trong xã hội Việt Nam thì cho dù mình la to lên thì có mấy ai nghe mình và mình càng la to thì có khi nhiều người lại nghĩ xấu về mình rằng có mấy đồng bạc làm từ thiện mà tiếc của la om sòm, thậm chí còn bị nhiều người ác miệng chửi mình ngu, không biết nhìn người. Khi bỏ tiền ra làm từ thiện, những mạnh thường quân nghĩ rằng số tiền đó là bố thí, cho người khác, đã không còn là của mình. Và khi bị ăn chặn người mình nhiều khi biết ra sự thật thì tức quá đôi khi chửi đổng một câu rồi hết, mà nói như nhiều người là tiền đem đi cúng cô hồn. Phần còn lại nhiều mạnh thường quân ngại việc tốn thời gian trong việc đi thu thập chứng cứ, liên lạc luật sư, và số tiền không đáng bao nhiêu so với họ nên họ chọn im lặng.


Có một điểm chung lớn của những tổ chức và cá nhân trong các phi vụ ăn chặn từ thiện là họ thường không minh bạch các khoản thu chi, hoặc nếu có minh bạch thì làm cho có lệ. Vì nếu minh bạch hết thì khác nào tự «vạch áo cho người xem lưng», thấy hết những nhập nhèm. 


Chính vì vậy mà thường các mạnh thường quân khó có thể nào một sớm một chiều biết được cái tổ chức mình góp lại đi ăn chặn tiền của mình, nếu không có các cơ quan báo chí hay phóng viên có tâm vào cuộc. Trong nhiều trường hợp nhà báo khi đối diện với sự thật ăn chặn một lần nữa cũng đứng trước những suy nghĩ của chính mình rằng mình có nên khui vụ này ra không, nhất là những vụ mà lỡ khui ra ánh sáng thì có thể khiến thân bại danh liệt một cá nhân, hoặc có thể phải đóng cửa một cô nhi viện. Nhưng mà nếu không khui thì khác nào làm lơ để những cá nhân hay tổ chức ăn chặn tiền cứ nhơn nhơn trước pháp luật ăn chặn năm này sang năm khác. Mà cái hại là lâu dần nó trở thành một thứ cấm kị (taboo) trong xã hội Việt Nam, khi ai cũng biết mà không ai dám nói.


Nhưng một xã hội mà ở đó có những ung nhọt chúng ta không dám nói ra, phẫu thuật nó ra thì cái ung nhọt đó sẽ mãi mãi ở trong cơ thể chúng ta và không thể nào khiến chúng ta khỏe mạnh hay nói một cách rộng ra là không bao giờ khiến chúng ta có được một xã hội lương thiện và văn minh được. Vì vậy mà hãy một lần lên tiếng và thiết lập một chuẩn chung cho xã hội rằng tất cả các cá nhân và tổ chức quyên tiền cho từ thiện hay các hoạt động xã hội cần phải minh bạch các khoản thu chi. 


Và chỉ khi chúng ta đã làm quen được với văn hóa minh bạch và lương thiện ở mức xã hội là các hoạt động từ thiện thì mới có hi vọng chúng ta quyết tâm đòi được minh bạch ở các lĩnh vực xa hơn trong xã hội để từ đó loại bỏ dần tham nhũng và bất công. 


Nguyễn Huy Vũ

OL, 29.12.2016

Miếng bánh ngân sách

Khi những cơn lũ lụt cuốn trôi nhà cửa của những đồng bào nghèo khó miền Trung giữa tháng 10, có những câu hỏi mà nhiều người còn nặng lòng với đất nước đặt ra đó là tại sao những trận lụt lớn như vậy thường xuyên xảy ra mà không thấy vai trò của chính quyền trong cảnh báo, phòng vệ và hỗ trợ một cách hiệu quả?


Đây cũng không phải là lần đầu tiên những người dân miền Trung gánh chịu những cơn lụt, mà cùng với phá rừng và làm thủy điện, những cơn lũ ngày càng đột ngột hơn và lớn hơn.


Nói một cách giản đơn hơn thì nếu như người Nhật xây được những căn nhà chống động đất, sống yên bình và thịnh vượng, thì hẳn người Việt ở miền Trung cũng sẽ tìm được một phương cách để chống lại những cơn lũ lụt hàng năm, hay nói chi đâu xa, hãy nhìn cách những đồng bào miền Tây Nam Bộ sống bên cạnh những con nước lớn.


Vậy thì tại sao người Việt ở miền Trung lại khác?


Câu hỏi đó làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với một người bạn làm ở Bộ Tài chính mà để trả lời câu hỏi đó thì nội dung chỉ quanh quẩn ở bốn từ: miếng bánh ngân sách.


Các tỉnh ở khúc ruột hẹp nhất miền Trung kinh tế èo uột, không có nhiều nguồn thu ngân sách, thu không đủ chi nên hàng năm phải nhờ trung ương chi viện. Khi không có nhiều nguồn thu ngân sách thì thu nhập của các quan cũng ít đi vì đã thu không đủ chi thì đâu dám bớt xén gì nhiều. Cái khó trong thu nhập của các quan đến lượt nó gây bao tai họa cho người dân của xứ này và cả nước.


Trước hết vì khó khăn trong thu ngân sách của địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến phần trăm chia vào túi của các quan nên các quan ở khu vực này bằng mọi giá thu hút các doanh nghiệp đầu tư về tỉnh mình. Dự án càng lớn thì càng tốt, vì thường phần chi tỉ lệ phần trăm với dự án, bất chấp các tác động đến môi trường. Vì vậy mà biết bao dự án tai hại đã xuất hiện ở đây, từ Formosa cho đến các dự án thủy điện.


Những ai có chút hiểu biết đều thấy rằng ở khu vực này, nơi mà đồng bằng hẹp nằm sát bên cạnh núi rừng thì chỉ cần những cơn lũ bất chợt của núi rừng cũng đã đủ khiến cho dải đồng bằng hẹp nhanh chóng bị ngập lụt huống chi có sự tiếp tay xả lũ của thủy điện.


Một cách thứ hai để làm đầy túi các quan đó là vẽ các dự án và xin ngân sách trung ương. Không khó để nhận ra một điều rằng các tỉnh miền Trung này thi nhau xây dựng dự án, tượng đài trăm, nghìn tỉ. Những người có hiểu biết đều biết rằng đây chỉ là những dự án để rút ruột, mà thường các tỉnh nghèo mới trơ trẽn xin để xây và chia. Những tỉnh giàu hơn nơi mà các quan có nguồn thu kha khá, người ta đủ liêm sỹ để không ăn một cách lộ liễu như vậy. Đếm sơ sơ sẽ thấy: Ở Quảng Nam có tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng kinh phí lên tới 411 tỷ đồng nhưng nhanh chóng xuống cấp sau khi khánh thành. Ở Quảng Bình có dự án xây đường tránh lũ với 30 cây số trị giá 1000 tỷ đồng. Ở Hà Tĩnh xây quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế với mức kinh phí lên 106 tỉ đồng. Ở Bình Định xây tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành với kinh phí lên đến 118 tỉ đồng…Đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà hầu như các tỉnh miền Trung nghèo khó đều có.


Bên cạnh vẽ dự án để kiếm chác, còn có một nguồn thu đều đặn hàng năm nữa đó là tiền hỗ trợ lũ lụt từ trung ương. Lũ lụt thì năm nào mà chẳng có và khi có lũ lụt thì trung ương phải rót tiền cứu trợ xuống địa phương. Tiền trước tiên vào ngân sách tỉnh, chi bao nhiêu, mua cái gì, hỗ trợ bao nhiêu cho dân các quan đầu tỉnh quyết định, phần còn lại thì chia phần trăm với nhau rồi hợp thức hóa giấy tờ. Oái ăm ở chổ là lũ lụt càng lớn, thiệt hại càng nhiều thì tiền ngân sách rót về địa phương càng lớn, và theo tỉ lệ thì tiền vào túi quan cũng nhiều thêm. Khi lũ lụt các phóng viên được rót vào tai các con số về thiệt hại, phóng đại gấp nhiều lần, để gây áp lực xin tiền ngân sách trung ương. Các cấp ở trung ương biết điều này không? Chắc chắn là biết, nhưng đều có phong bì cả, có qua có lại, anh rót tiền xuống tỉnh tôi thì tôi gửi lại phong bì cho anh. Cả hai đều có lợi chỉ mỗi thằng dân đen là khổ. Lấy ví dụ trong đợt lũ lụt vừa rồi, riêng tỉnh Bình Định đưa ra con số thiệt hại là 2000 tỷ đồng, và xin chính phủ xem xét hỗ trợ khắc phục hậu quả với kinh phí 500 tỷ đồng. Thủ tướng chính phủ đồng ý hỗ trợ bổ sung vỏn vẹn … 80 tỉ và 2000 tấn gạo. Trong khi đó thì Bình Định vừa mới duyệt xây tượng đài 118 tỉ đồng.


Đến đây thì độc giả đã hiểu được rằng tại sao mấy chục năm qua, lũ lụt ngày càng lớn, đồng bào thiệt hại mỗi năm ngày càng nhiều mà quan thì cứ nhơn nhơn như không phải chuyện của mình. Xem tài sản và tính mạng nhân dân như rác. Bởi vì đơn giản một điều rằng có lũ lụt thì có ăn chia, và thiệt hại càng nhiều, ngân sách rót về càng lớn, thì túi nhà quan càng đầy.


Vì vậy mà chỉ khi nào những ông quan này được nhân dân bầu chọn lên cai quản xứ mình bằng chính lá phiếu của nhân dân trong các cuộc bầu cử tự do thì mới hi vọng họ hết lòng chăm lo cho sự an vui và thịnh vượng của xứ mình. Khi nào thì dân được cầm lá phiếu bầu chọn lên những «ông đầy tớ» của mình? Tất cả đều nằm ở ý chí của mỗi công dân vì quan là thuyền, dân là nước. Nước đẩy thuyển trôi mà cũng nước sôi thuyền lật.


Nguyễn Huy Vũ

OL, 30.12.2016



Xem thêm:

“Quảng Bình: Thêm 1 dự án đường BOT ngàn tỉ khiến người đi đường ‘sốt vó’”. Báo Điện Tử Gia Đình Việt Nam. Ngày 30/6/2016. Nguồn: https://goo.gl/r2BLiW


“Hà Tĩnh: Gần 106 tỉ đồng xây dựng đền thờ, tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế”. Báo Bình Định. Ngày: 19/2/2016. Nguồn: https://goo.gl/iYN5xM


“Chính phủ hỗ trợ 260 tỷ đồng khắc phục thiệt hại bão lũ”. VNExpress. Ngày: 21/10/2016. Nguồn. https://goo.gl/qIbpgk


“Thủ tướng quyết định hỗ trợ Bình Định 80 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo” Dân Trí. Ngày: 21/12/2016. Nguồn: https://goo.gl/MeQLg2


“Bình Định: 80 tỷ đồng chống lũ, 118 tỷ đồng xây tượng đài” VOA Tiếng Việt. Ngày: 22/12/2016. Nguồn: https://goo.gl/m9MocZ


“Tượng đài mẹ Việt Nam 411 tỷ đồng ở Quảng Nam”. VNExpress. Ngày 14/3/2015. Nguồn: https://goo.gl/uzcv77





Minh bạch xã hội và vai trò của các đối trọng

Quan sát sự phát triển của các nền dân chủ nhiều người sẽ nghiệm ra một điều rằng thành tố quan trọng đóng góp vào sự ổn vững đó là vai trò của các đối trọng chính trị hay đối lập chính trị. Trong một hệ thống chính trị nơi mà đối lập yếu sẽ dẫn đến sự độc tài và chuyên quyền. Quyền lực cần được kiểm soát và khi mà quyền lực bị kiểm soát lỏng lẻo thì ở đó sự lạm quyền sẽ diễn ra.

Nhiều bạn ở Việt Nam theo dõi các cuộc tranh luận gay gắt được truyền thông mổ xẻ trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ thấy được vai trò của sự cân bằng và kiểm soát chính trị. Đảng này kiểm soát đảng kia, và có như vậy thì đảng cầm quyền phải ráng làm tốt. Một quyết sách của đảng cầm quyền đưa ra đều bị đảng đối lập đem ra mổ xẻ, phê bình, có như vậy xã hội mới biết điều gì đang xảy ra ở đất nước mình, có lợi hay có hại. Nhờ những hoạt động của đối lập mà nền chính trị được minh bạch dần.

Không một ai thích mình bị minh bạch hóa ra cho thiên hạ xem, nhất là những cái xấu của mình thì càng phải giấu. Nhưng trong chính trị, các quyết sách sai ảnh hưởng đến hàng triệu con người và đôi khi thậm chí quyết định sự sống còn của đất nước, vì vậy mà nó cần được minh bạch cho toàn dân được biết. Vai trò của đối trọng là ở chỗ đó. Nếu không có đối trọng thì sẽ không bao giờ có minh bạch. Vì vậy mà muốn có minh bạch thì phải có đối trọng.

Đó là chuyện chính trị. Ở khía cạnh xã hội, các hoạt động của các tổ chức và cá nhân chắc chắn sẽ có những điều gây phương hại đến sự an toàn của các cá nhân, sự tàn phá môi trường, hay những tác động có hại khác cho đất nước.

Để kiểm soát những điều này, chúng ta có ba cách.

Cách đầu tiên là tăng cường lực lượng công an cả về số lượng và chất lượng. Nhưng khi lực lượng công an quá đông thì không những nhà nước phải tốn một ngân sách lớn, tốn kém, để chi trả mà bên cạnh đó còn thiệt mất một lực lượng sản xuất đáng kể khi đáng lẽ ra những viên công an này có thể được đào tạo thành những doanh nhân, kỹ sư, bác sỹ,.., đó là những công việc tạo ra nhiều giá trị hơn cho xã hội.

Cách thứ hai là gia tăng mức trừng phạt đối với các sai phạm. Tuy vậy, khi mức độ trừng phạt gia tăng đến một mức nào đó thì sự trừng phạt biến đất nước trở thành một nơi khắc nghiệt – nơi mà sự nhân văn không còn nữa.

Cách thứ ba đó là khuyến khích sự xuất hiện của các tổ chức xã hội dân sự. Các tổ chức này sẽ là các đối trọng xã hội giúp thúc đẩy một xã hội minh bạch và tiến bộ. Mỗi tổ chức sẽ có một mục tiêu và tất cả có cùng một sứ mệnh đó là đứng về phía quyền lợi của người dân và đất nước để điều tra, lên án, và kéo cơ quan công quyền vào cuộc nếu thấy những sai phạm từ các cá nhân hay tổ chức ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân dân và đất nước.

Sự hiện diện của các tổ chức xã hội mang nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, các tổ chức xã hội dân sự trước hết đóng vai trò là tiếng nói của người dân đối với các vấn đề thiết thực liên quan đến chính mình trong xã hội.

Thứ hai, sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự giúp cho một xã hội được kiểm soát lẫn nhau, mọi thứ dần minh bạch hơn, hạn chế những hành động có hại cộng đồng của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào.

Thứ ba, tổ chức xã hội được tổ chức bởi người dân do đó nó giúp kết nối người dân với đất nước, khiến họ có trách nhiệm với xã hội mình đang sống và tập cho họ quen dần với sự phản biện của mình.

Thứ tư, môi trường hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự cũng sẽ giúp đào tạo nên những cá nhân có kinh nghiệm tổ chức hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Những cá nhân này sẽ là những hạt giống lãnh đạo sau này trong nhiều tổ chức khác nhau từ kinh doanh đến chính trị.

Và cuối cùng, nếu so với hai phương cách trên – gia tăng sự hiện diện của công an hay gia tăng hình phạt – thì phương cách tăng cường sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự không những giúp cho nền dân chủ được sống động mà nó còn giúp cho sự tự do của xã hội được khởi sắc, vì tiếp xúc với những cá nhân dân sự tự tổ chức các hoạt động của mình lúc nào cũng dễ dàng và thoải mái hơn là tiếp xúc với các viên công an hay nhân viên công quyền.

Vì những ích lợi của các tổ chức xã hội dân sự như vậy nên ở các nước dân chủ phát triển, họ rất chú trọng đến việc duy trì và phát triển các tổ chức này. Các tổ chức như vậy được nhận tài trợ hàng năm dựa vào thành tích mình thực hiện. Thường họ nhận tiền trực tiếp từ các tổ chức chính phủ hoặc từ các nhà hảo tâm. Một số chính phủ thường có chính sách giảm thuế cho các cá nhân hay tổ chức đóng góp tiền cho các tổ chức như vậy dựa vào tỉ lệ đóng góp.

Một nước Việt Nam văn minh trong tương lai cũng nên hỗ trợ sự hình thành các tổ chức dân sự xã hội như vậy. Các tổ chức xã hội dân sự sẽ đóng vai trò là những đối trọng xã hội, kiểm soát sự sai phạm trong hành động của các cá nhân hay tổ chức làm phương hại đến lợi ích của nhân dân và tổ quốc từ gây ô nhiễm môi sinh đến sự an toàn của thực phẩm. Và khi mà sự sai phạm được đưa ra thì các đối trọng chính trị đến lượt nó áp lực chính phủ cầm quyền phải thực hiện nghiêm phát luật để bảo vệ lợi ích của quốc gia. Sự phát triển của một quốc gia do đó có một công lớn ở sự phản biện của các đối trọng xã hội.

OL, 22.12.2016

Văn hóa minh bạch và quyền tiếp cận thông tin

Với các bạn ở các nước dân chủ đủ lâu và có cơ hội làm việc liên quan đến các cơ quan tổ chức chính phủ lẫn xã hội, mọi người sẽ cảm nhận một điều rằng sự minh bạch và quyền tiếp cận thông tin luôn được đề cao.

Sự minh bạch chính nó đã trở thành một văn hóa phổ biến trong xã hội. Khi bạn điền đơn nộp hồ sơ xin việc, họ sẽ có mục hỏi bạn có bà con thân thích làm việc trong cơ quan không. Còn khi bạn nhận được một quyết định mà bạn cảm thấy không công bằng từ phía chính phủ hay bất cứ cơ quan nào đó, bạn có quyền khiếu nại và họ buộc phải trả lời cho bạn theo quy định hẳn hoi. Bạn đi khám bệnh nếu thấy hóa đơn có nhiều thắc mắc, bạn có quyền gửi đơn cho bệnh viện và họ có trách nhiệm trả lời chi tiết về số tiền họ tính cho bạn. Bạn đi siêu thị mua món đồ, món đồ về nhà kiểm tra bạn thấy nó hư hoặc không như ý của bạn, bạn có quyền đem món hàng nguyên vẹn đó trả lại siêu thị trong một khoảng thời gian nhất định và họ trả lại toàn bộ tiền cho bạn. Và nếu bạn theo dõi chính trị Mỹ thì mới đây, trong cuộc bầu cử Mỹ, khi phe Dân chủ nghi ngờ kết quả kiểm phiếu, họ có thể đóng tiền và chính quyền buộc phải mở kiểm phiếu lại.

Những ví dụ trên là những ví dụ về minh bạch. Nó hiện diện ở khắp mọi nơi trong xã hội, từ mua bán, làm việc, đến hoạt động chính quyền.

Với người ở xứ văn minh, đó như là điều hiển nhiên. Hiển nhiên đến mức nhiều người Việt mình ở các xứ tiến bộ trải nghiệm nó mà không hiểu nó là một sự minh bạch trong xã hội.

Nhưng sự minh bạch đó có lẽ là điều còn mới lạ ở Việt Nam, chúng ta chưa có một văn hóa đó. 

Minh bạch là một văn hóa dựng nên nhờ những quyền của con người: đó là quyền tiếp cận thông tin và quyền được đối xử công bằng. Với bất cứ những thông tin nào trong giao dịch, cá nhân trong xã hội có quyền tiếp cận thông tin và với bất cứ vụ việc nào họ cũng cần được đối xử công bằng. Có như vậy xã hội mới tiến bộ và văn minh.

Cả hai quyền tiếp cận thông tin và quyền được đối xử công bằng đều bị xâm phạm rất nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay. Đáng buồn là các hoạt động cổ vũ cho hai quyền này không được xiển dương rộng rãi ở Việt Nam hiện nay.

Chỉ khi cả hai quyền này được thực thi mạnh mẽ hơn thì các vấn nạn xã hội và đất nước mới dần giảm bớt. Về mặt xã hội, nó giúp giảm đi các hành vi ăn chặn tiền quyên góp, tham nhũng, lạm quyền, mua quan bán chức, cất nhắc người thân. Nó giúp hình thành văn hóa kinh doanh lương thiện, quảng cáo sản phẩm đúng thông tin. Nó giúp việc hình thành các hợp đồng rõ ràng, minh bạch. Nó giúp người dân hiểu quyền của mình và tiếp cận được thông tin khi quan hệ với các cơ quan chính quyền. Về mặt chính trị, nó là một văn hóa giúp kiến tạo nên một chính phủ dân chủ vì một chính phủ dân chủ phải xuất phát từ một cuộc bầu cử minh bạch. 

Vì tất cả các lợi ích của minh bạch đó mà người Việt cần hiểu và tự giành các quyền của mình, trong đó có quyền tiếp cận thông tin và quyền được đối xử công bằng, để tự dựng xây nên một nước Việt minh bạch, lương thiện, và văn minh. Đó là trách nhiệm của mỗi người trong việc hình thành nên một văn hóa chứ không ai khác. 

OL, 15.12.2016

Về văn hóa minh bạch tiền bạc của người Việt

Có một điểm dở trong văn hóa của người Việt đó là sự khó nói về tiền bạc trong các mối quan hệ. Một mối quan hệ mà dính đến tiền trước sau gì cũng dễ xích mích. Người Việt mình xem việc cho, nhận, chi tiền nhiều khi là một cái gì đó thuộc về tình cảm chứ không giống như nhiều người ở các xứ tiến bộ xem tiền như một vật trao đổi thuần túy trong hợp đồng giữa người với người.

Khi ra ngoài ăn uống, lúc chi trả hóa đơn, người mình khá lúng túng. Người thì dành trả vì thể diện, người thì ngại được trả cũng vì thể diện. Khi cho mượn tiền, người cho mượn không dám đòi vì sợ mất bạn, phần vì sợ người mượn bảo có nhiêu đó mà đòi, thằng này keo kiệt, bủn xỉn. Thành ra nhiều khi người cho mượn ráng nhịn. Còn về phần người mượn thì nhiều khi vì công việc bận quá mà quên, mà cũng có khi không có đủ tiền để trả nên cũng thành ra khó ăn khó nói nên lẳng lặng im luôn, có khi tránh mặt. Thành ra vậy mà mất đi mối quan hệ tốt đẹp. Vì chỉ khi mối quan hệ tốt đẹp tin nhau thì người ta mới cho mình mượn tiền.

Ở một khía cạnh khác, có khi người ta nhờ gửi tiền để mua cái gì đó hay chi chỗ nào đó, xong người gửi không dám hỏi. Vì nghĩ có bao nhiêu tiền đâu mà hỏi, mà nếu hỏi thì bị đánh giá là nhỏ mọn, nên im.

Nhiều lần tôi gặp nhiều người bạn, họ trách đất nước có nhiều cái tệ quá, xong khi nói đến tham nhũng họ bảo phải chi mấy ổng ăn mà mấy ổng làm được cũng đỡ, đằng này mấy ổng ăn không mà không làm.

Họ không phải là những người nghiên cứu kinh tế - chính trị hay xã hội nên không biết rằng khó có một nước nào trên thế giới mà phát triển được nếu bị tham nhũng hoành hành.

Nhiều người suy nghĩ như vậy lắm.

Nói vậy chỉ để nói lên một tâm lý rằng người Việt mình rất xuề xòa trong các minh bạch và tách bạch giữa tiền bạc và tình cảm. Và khi mình xuề xòa như vậy thành ra mọi người trong xã hội hình thành một cái nếp là rất xuề xòa về tiền bạc, thu chi, vay mượn, sao cũng được.

Đó là một văn hóa chúng cần dần dần thay đổi nếu chúng ta muốn trở nên là một xã hội công bằng, văn minh và giàu tình cảm hơn. Tại sao phải là công bằng? Trong ví dụ trên, khi mà mọi người cùng đi ăn thì về mặt công bằng họ phải có trách nhiệm trả khoản tiền mình ăn, trừ khi là bạn bè hay người thân mời khi có dịp. Tại sao văn minh? Như ví dụ ở trên khi mình mượn tiền thì mình có trách nhiệm trả tiền và người cho mượn có quyền hỏi. Chúng ta nên coi điều đó như một hành động bình thường nằm ngoài tình cảm. Tại sao lại giàu tình cảm hơn? Vì khi cả hai hiểu nhau rằng vay mượn phải trả hợp lý hoặc gửi tiền thì có quyền hỏi và người nhận nên trả lời thì không ai phải giận ai, tình bạn sẽ hiểu nhau hơn.

Những điều đó cần hình thành nên một văn hóa, văn hóa cư xử trong các giao dịch về tiền bạc. Chúng ta hiện nay chưa có văn hóa đó và chúng ta cần phải ý thức và xây dựng.

Muốn có được một văn hóa cư xử trong các giao dịch về tiền bạc thì điều đầu tiên là mọi người cần làm quen với văn hóa minh bạch trong giao dịch tiền bạc. Đó cũng là lý do mà người viết bài này cổ vũ cho sự minh bạch trong thu chi của các hoạt động thiện nguyện.

Chúng ta và xã hội sẽ nhận được nhiều ích lợi từ các hành động minh bạch này.

Thứ nhất, việc đòi hỏi minh bạch trong từ thiện chính nó sẽ tạo một tiền lệ trong các hoạt động xã hội từ rày về sau rằng những cá nhân và tổ chức quyên góp tiền cho các hoạt động xã hội cần phải có trách nhiệm minh bạch số tiền thu chi hoặc đúng với cam kết ban đầu của mình. Nếu để ý bạn sẽ thấy một điều rằng các hội nhóm thiện nguyện khác đã bắt đầu công bố các con số thu chi. Đó là một tín hiệu tốt. Dần dần mọi người sẽ quen với việc minh bạch thu chi trong các hoạt động xã hội.

Thứ hai, nó cũng tạo một tiền lệ rằng những người gửi tiền cho các hoạt động xã hội và cộng đồng có quyền giám sát và đòi hỏi người nhận tiền thực hiện đúng như cam kết ban đầu.

Thứ ba, khi môi trường trở nên minh bạch và rõ ràng, nó sẽ khiến cho những người lương thiện và tử tế khi thực thi các hoạt động xã hội được tôn vinh và coi trọng một cách xứng đáng, chứ không còn bị nghi ngờ này nọ.

Thứ tư, thiện nguyện là một điều tốt và những người làm điều tốt, vì trách nhiệm cộng đồng, xã hội đều đáng được tôn vinh. Không phải ở bất cứ lĩnh vực nào chính phủ cũng có thể can thiệp được, và ở những điểm mà chính quyền khó với tới hoặc thực hiện không hiệu quả, cần có sự can thiệp của các hội đoàn dân sự. Bất cứ một hoạt động thiện nguyện hay hoạt động xã hội nào cũng cần tài chính, không thể làm gì được nếu không có tiền. Và khi mà các hoạt động xã hội được mọi người tin tưởng tuyệt đối, quyên góp tài chính hỗ trợ mạnh mẽ, thì đất nước mới có cơ hội phát triển.

Thứ năm, việc các tổ chức và cá nhân quyên góp tiền nhanh chóng minh bạch hóa và ghi nhận các khoản đóng góp của các nhà hảo tâm ở đó còn thể hiện một văn hóa khiêm nhường trong việc trân trọng tiền bạc và tình cảm chia sẻ của những người đóng góp. Về lâu về dài, điều này giúp tạo nên một tiền lệ tốt và giúp hình thành nên một văn hóa tốt trong xã hội của Việt Nam – một văn hóa khiêm nhường và quý trọng tiền bạc, tình cảm của những người chia sẻ tấm lòng. Ở các công trình công cộng ở Mỹ như công viên, bảo tàng, nhà quản lý luôn để những tấm bảng bé bé đề tên người hiến tặng. Điều đó thể hiện một văn hóa khiêm nhường và trân trọng người hiến tặng thiện nguyện.

Thứ sáu, việc minh bạch chính nó sẽ giúp hình thành nên một văn hóa lương thiện và giúp xây dựng niềm tin trong xã hội Việt Nam nơi niềm tin giữa người và người của chúng ta đang ngày càng bị mai một, khi không ai tin ai trong xã hội. Người dân không tin lẫn nhau, chính quyền không tin người dân, và người dân không tin cả chính quyền.

Thứ bảy, khi mà người dân chúng ta đòi hỏi được một sự minh bạch trong các hoạt động xã hội dân sự của mình và từ từ xây dựng nên một văn hóa minh bạch trong việc đưa và nhận tiền thì đó là bước đầu tiên để chúng ta xây dựng nên một văn hóa minh bạch trong các giao dịch tiền bạc ở cấp xã hội. Đó là nấc thang đầu tiên trước khi chúng ta có thể tiến tới đòi hỏi một sự minh bạch hơn trong chi tiêu của chính quyền. Người dân không những có quyền đòi hỏi từng đồng tiền quyên góp của mình dùng vào việc gì cho thiện nguyện, mà việc này còn giúp đặt một tiền lệ để sau này mọi người có quyền đòi hỏi từng đồng tiền thuế của mình được tiêu xài ra sao.

Khi một đất nước ngày càng minh bạch và lương thiện, từ xã hội đến chính quyền, người ta đưa và nhận, tin tưởng và minh bạch từng đồng tiền, một cách cẩn trọng và khiêm nhường trong hành động thì đó sẽ là một vốn quý về văn hóa của đất nước đó.

Khi đó người hoạt động xã hội quyên góp tiền được tin yêu, quan chức chính phủ được tin tưởng, người và người cho, nhận, và mượn trong sự minh bạch và tôn trọng. Đó thật sự là một xã hội văn minh.

Vì vậy đó là trách nhiệm của mọi người trong góp tay để làm minh bạch hóa những nghi vấn trong các hoạt động nhận và chi tài chính của các tổ chức xã hội, và ở đây bắt đầu từ các dự án từ thiện, từ nay trở về sau.

OL, 9.12.2016

7.12.16

Quan điểm về chính sách ngoại giao của Donald Trump


Muốn biết những quan điểm về ngoại giao của Donald Trump, tổng thống mới đắc cử của Hoa Kỳ, có lẽ những người bình luận nên đọc qua hai cuốn sách về chính sách công của ông, đó là cuốn “The America We Deserve” (Nước Mỹ Mà Chúng Ta Xứng Đáng Có) xuất bản tháng Giêng năm 2000 và “Time to Get Tough” (Đã Đến Lúc Phải Cứng Rắn) xuất bản tháng 12 năm 2011. Dù khen hay chê về các chính sách thì đó là hai cuốn sách về chính sách công đúng nghĩa, bàn về các vấn đề của nước Mỹ và các chính sách mà ông coi là có thể giải quyết nó, từ tội phạm tràn lan, đến chất lượng giáo dục, nợ công cao ngất ngưỡng cho đến quan điểm trong chính sách đối ngoại của ông. Lẽ dĩ nhiên, nếu không có thời gian thì có thể đọc tóm tắt điểm chính của các chương.

Dừng một chút để nói về văn hóa chính trị Mỹ đó là các chính trị gia, nhất là các ứng cử viên ra tranh cử tổng thổng, họ luôn có một ý niệm về các chính sách họ muốn triển khai nhằm giải quyết các vấn đề của đất nước, và đôi khi cũng để thu hút cử tri. Việc xuất bản các chính sách này thành những quyển sách nghiêm túc không những đóng góp vào hiểu biết chính trị của đại chúng mà còn là một kênh tương tác giữa những nhà lãnh đạo với thường dân, để cho người dân biết rằng những nhà lãnh đạo muốn dẫn dắt đất nước mình tới đâu. Đó là một văn hóa tốt mà những cá nhân muốn dấn thân vào con đường chính trị của Việt Nam cần học tập. Hãy suy nghĩ khi mình ở vị trí lãnh đạo đâu là những quyết sách mình sẽ giải quyết, tìm các lời giải và chia sẻ với toàn dân.

Nhiều người phê phán và bất ngờ khi Donald Trump thắng cử.Trong số người đó, có lẽ phần lớn không đọc hai quyển sách này của ông. Nếu đọc họ sẽ có một ý niệm khác về người đàn ông này. Một cách ngắn gọn ông là một người đàn ông mạnh mẽ, mưu lược, và rất kiên nhẫn trong các quyết định của mình. Cuốn sách đầu tiên, The America We Deserve, xuất bản tháng Giêng năm 2000 khi ông quyết định ra tranh cử tổng thống ở vị trí là một ứng viên của Đảng Cải Cách (Reform Party), để rồi cuối cùng mất vị trí đề cử về tay Pat Buchanan và Buchanan sau đó thất cử trước George W. Bush. Cuốn sách rất nghiêm túc về chính sách công là một phản biện lại những chỉ trích cho rằng ông là một ứng cử viên không nghiêm túc. Hơn mười năm sau, tháng 12 năm 2011, ông xuất bản cuốn sách thứ hai để chuẩn bị cho cuộc chạy đua lần thứ hai. Cuối cùng ông quyết định không ra tranh cử và đoán Mitt Romney sẽ thua Obama. Có lẽ ông tính được rằng năm 2012 chưa phải là một thời cơ tốt.

Ở bài này chỉ bàn về các quan điểm về chính sách ngoại giao của ông, chứ không phải bàn về chính sách đối ngoại. Vì vài lẽ. Thứ nhất, đó là cho đến lúc viết bài này thì ngoại trưởng tương lai chưa được chọn và chính sách ngoại giao chưa được thành hình lẫn thực thi. Thứ hai đó là Donald Trump là một người hay thay đổi ý kiến. Đọc các đề xuất chính sách trong hai cuốn sách xuất bản cách nhau 10 năm để thấy rằng quan điểm của Donald Trump có khá nhiều sự thay đổi. Vì vậy mà khoảng thời gian kể từ khi xuất bản cuốn sách gần nhất, Time to Get Tough, cho đến nay đã được 5 năm, những quan điểm ngoại giao có lẽ cũng thay đổi ít nhiều. Và đến khi quan điểm ngoại giao của Donald Trump tương tác với nội các của mình thì sự thay đổi đó cũng sẽ lớn hơn nữa.

Vì vậy mà bài này chỉ, một cách khiêm tốn, dám bàn tới quan điểm ngoại giao của ông và gói gọn trong những đề xuất trong hai cuốn sách.

Nếu văn là người thì đọc hai cuốn sách của ông bạn sẽ hiểu phần nào tính cách. Các câu văn được viết dưới dạng văn nói, ngắn, không trau chuốt ngôn ngữ, thẳng thừng và đôi khi mang tính thách thức. Chẳng hạn khi bàn về tội phạm ông hỏi thẳng những người lên án việc thắt chặt luật lệ hơn dẫn đến việc giam giữ nhiều tội phạm hơn rằng họ muốn nhận bao nhiêu thằng tội phạm chuyển về khu mình ở? Và ông phán gỏn lọn rằng: Không.

Ông cho rằng một tổng thống Mỹ nên là một dealmaker (người quyết định từng thương vụ) thay vì là một chess player (người chơi cờ). Vì đơn giản rằng trong thế giới hiện đại khó mà có một chính sách ngoại giao chung chung được.

Khác với chess player vốn là một người phải chơi theo chiến lược và chiến thuật định sẵn, một dealmaker là một người giữ nhiều quả bóng, đánh giá lợi ích cạnh tranh của các quốc gia khác nhau, và luôn luôn đặt lợi ích nước Mỹ lên hàng đầu. Một dealmaker biết khi nào nên tiến và khi nào nên lùi, khi nào thì chân thật và khi nào thì hăm dọa, và anh ta phải hiểu rằng một khi anh ta hăm dọa thì phải chuẩn bị để thể hiện sự hăm dọa đó. Một dealmaker rất xảo quyệt, giấu giếm, tập trung, và không bao giờ chịu dàn xếp nếu anh ta nhận ít hơn điều anh ta muốn.

Trong lịch sử nước Mỹ, chỉ có hai tổng thống là dealmaker, đó là Franklin Roosevelt, người dẫn nước Mỹ qua khỏi Thế chiến thứ 2 và người còn lại là Richard Nixon người đẩy nước Nga tới bàn đàm phán để đưa đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân. Và nước Mỹ từ rất lâu rồi chưa có một tổng thống là một dealmaker như vậy.

Có lẽ vì một quan điểm như vậy mà chính sách ngoại giao của nước Mỹ tương lai càng khó đoán.

Về quan điểm trong chính sách đối ngoại trong cuốn The America We Deserve, có ba ý chính, đó là: một, hãy cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc, chúng ta đang quá sẵn lòng để làm vừa lòng họ; hai, sự thiếu quyền con người ở Trung Quốc ngăn ngừa sự phát triển thị trường tiêu dùng; và ba, hỗ trợ Nga, nhưng cần kèm theo các điều kiện.

Ông khẳng định Trung Quốc là thách thức lâu dài lớn nhất của Hoa Kỳ. Dù không thừa nhận, Trung Quốc muốn Hoa Kỳ đầu tư vào Trung Quốc. Và mặc dù Hoa Kỳ có lợi thế tay trên, Hoa Kỳ đã quá dễ dàng làm vừa lòng Trung Quốc. Hoa Kỳ nhìn Trung Quốc như một thị trường tiềm năng và thỏa mãn Trung Quốc để đánh đổi lại quyền lợi quốc gia của chính mình. Chính sách đối với Trung Quốc dưới triều của tổng thống Clinton và Bush đó là hướng đến việc thay đổi chế độ của Trung Quốc bằng các động lực về kinh tế và chính trị, tuy ý định có vẻ tốt nhưng rõ ràng thì cuối cùng chẳng có gì thay đổi.

Đề cập đến vấn đề nhân quyền, ông cho rằng là một doanh nhân như mình thì ông có thể ngó lơ chuyện nhân quyền. Và khi mà đụng tới nó thì rõ ràng người Mỹ khó có thể làm được gì nhiều để thay đổi chính sách đối nội của một quốc gia. Nhưng ông thể hiện một thái độ rõ rệt rằng không muốn bỏ qua chuyện đàn áp công dân mình của chính phủ Trung Quốc, bởi theo ông các chính sách đàn áp nhân quyền của chính quyền Trung Quốc cho thấy rằng Trung Quốc coi thường lối sống của người Mỹ, lối sống tôn trọng tự do và nhân phẩm. Ông cũng nhấn mạnh rằng nước Mỹ sẵn lòng giao thương với Trung Quốc, nhưng không phải để đánh mất đi những giá trị cốt lõi của người Mỹ, và người Mỹ không nên mở cửa bằng bất cứ giá nào cho những quốc gia đi ăn cắp của người Mỹ.

Đối với Nga, quan điểm của ông rõ ràng hơn, ông cho rằng Nga và các nước nhận viện trợ rằng nếu họ muốn nhận tiền của người Mỹ họ phải hòa cùng nhịp với các chính sách của nước Mỹ, phải nhảy cùng một nhịp với nước Mỹ, ít nhất là ở các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Và họ cần người Mỹ hơn là người Mỹ cần họ. Nước Mỹ có lợi thế đòn bẩy và thật là điên rồ mới không sử dụng nó để đạt được lợi thế tốt hơn.

Trong Time to Get Tough, Donald Trump đi xa hơn trong thái độ với Trung Quốc. Ông nói thẳng rằng Trung Quốc là kẻ thù của nước Mỹ, ăn quịt nước Mỹ hàng trăm tỉ đô la bằng cách điều chỉnh và phá giá đồng tiền của mình. Mặc cho những cuộc nói chuyện có vẻ vui vẻ ở Washington thì các lãnh đạo Trung Quốc không phải là bạn của nước Mỹ.

Khi nhận những lời chỉ trích từ những người khác rằng tại sao lại gọi Trung Quốc là kẻ thù, ông lập luận rằng: “chúng ta có thể gọi họ là gì khi họ đang phá hủy tương lai của con và cháu chúng ta? Chúng ta thích gọi họ là gì khi họ khiến chúng ta phá sản, họ ăn cắp công việc của chúng ta, họ dùng tình báo để lấy trộm công nghệ của chúng ta, họ phá hoại đồng tiền của chính ta, và họ phá hủy lối sống của chúng ta?” Và với ông, họ là kẻ thù. Ông cho rằng nếu người Mỹ muốn nước Mỹ trở thành số một một lần nữa, thì người Mỹ phải có một tổng thống phải biết cứng rắn với Trung Quốc, biết thương thuyết thắng Trung Quốc, và khiến họ không thể áp lực người Mỹ ở bất cứ chỗ nào.

Ông cũng cho rằng nếu không có gì ngăn chặn việc chuyển các dự án sang Trung Quốc, và giúp giữ các công việc cho người Mỹ, thì trước năm 2027, Trung Quốc sẽ qua mặt Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất.

Ông chỉ trích chính sách ngoại giao của Obama là lừa phỉnh các đồng minh Đông Âu, rằng khi Obama nhận chức, ông gửi một nhân viên hàng đầu đến Moscow (Mat-xcơ-va) đem theo một bức thư tuyệt mật gửi tổng thống Nga lúc đó mà Dmitry Medvedev. Trong thư nói rằng Obama sẽ rút lui, không khai triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Đông Âu nếu Nga ngừng ủng hộ Iran phát triển những vũ khí tầm xa. Putin nghe vậy, sướng quá, bảo quyết định mới nhất của tổng thống Obama có những ảnh hưởng tích cực và Putin hi vọng rằng sau quyết định đúng đắn và dũng cảm này sẽ có những quyết định khác nữa. Ông kết luận rõ ràng là nội các Obama đã phản bội những đồng minh Ba Lan và Cộng hòa Séc của mình bằng cách ném họ ra khỏi chiếc xe buýt một cách trần truồng đối diện với các cuộc tấn công bằng tên lửa, mặc dù không có một cam kết công khai nào Moscow sẽ giúp chấm dứt các chương trình tên lửa tầm xa của Iran lại.

Nếu có một tóm tắt ngắn gọn về quan điểm ngoại giao của Donald Trump xuyên suốt hai cuốn sách của mình đó là: một, đặt quyền lợi nước Mỹ trước hết; hai, cứng rắn hơn với Trung Quốc và thậm chí coi Trung Quốc là kẻ thù, là đối thủ nguy hiểm nhất; ba, Nga không đáng sợ, nước Mỹ có thể cùng Nga “nhảy chung một nhịp” và người Nga cần người Mỹ hơn là ngược lại; và bốn, không bỏ qua các đàn áp nhân quyền của các chính phủ vì đó là đi ngược lại và coi khinh những giá trị của người Mỹ.

Trên đây là những quan điểm ngoại giao của Donald Trump trong hai cuốn sách của mình, còn đâu là chính sách ngoại giao của ông thì hãy chờ xem trong những ngày sắp tới.

OL, 8.12.2016

3.12.16

Niềm tin và tiền

Kể các bạn chuyện này. Trong đầu tư chứng khoán có một loại kiếm tiền gọi là short-sell, hay bán khống. Nếu như bình thường mình mua một cổ phiếu giá 50 đồng, thuật ngữ gọi là long stock, mà năm sau giá cổ phiếu nó tăng lên 100 đồng thì mình lời 50 đồng, hay gọi là lời 100%. 

Còn bán khống (short-sell) thì chỉ khi cổ phiếu nó xuống giá thì mình có lời. Ví dụ vầy: mình bán khống một cổ phiếu giá hiện thời là 100 đồng, cuối năm giá thị trường nó còn 50 đồng, thì mình vẫn có quyền bán người ta với giá 100 đồng, hưởng 50 đồng tiền lời. Khi đóng hợp đồng thì mình chỉ việc mua cổ phiếu với giá 50 đồng để đóng, thuật ngữ tiếng Anh gọi là buy to cover.

Bán khống chỉ có lời khi giá cố phiếu xuống. Vì vậy mà một số hãng chỉ chuyên bán khống và sau khi họ đã vào hợp đồng bán khống, họ làm mọi cách để giá cổ phiếu giảm mà họ hưởng lợi.

Dưới đây là một câu chuyện như vậy.

Carlson Block học luật, nhưng sau đó anh bỏ nghề luật sư mà qua Trung Quốc làm cho các hãng đầu tư kiếm tiền.

Sau anh về Mỹ lập ra công ty Muddy Waters Research chỉ chuyên bán khống cổ phiếu. Muddy Water nghĩa là nước bùn và theo anh phân tích thì trong các môi trường như vậy dễ bắt cá. Các “con cá” của anh là các công ty Trung Quốc làm ăn ma giáo hồ sơ sổ sách nhưng được lên sàn chứng khoán ở thị trường Mỹ.

Dưới đây là một phi vụ bán khống cổ phiếu của Muddy Waters Research. NQ là tên cổ phiếu (ticker) của NQ Mobile Inc, công ty Trung Quốc chuyên bán các phần mềm qua điện thoại ở Trung Quốc và lên sàn chứng khoán Mỹ.

Sau khi Muddy Waters Research bán khống một lượng cổ phiếu lúc NQ Mobile tăng giá lên cực đỉnh gần 25 đô la Mỹ một cổ phiếu, thì ngay lập tức sau đó họ tung ra thị trường một bản báo cáo tố cáo NQ Mobile gian dối hồ sơ sổ sách, không có thu nhập thật, và quan trọng hơn là số tiền mặt rất ít để có thể tồn tại. Ngay lập tức giá cố phiếu từ mức gần 25 đô lao dốc trong một ngày xuống mức chỉ hơn 10 đô la/một cổ phiếu, một mức giảm hơn 50% chỉ trong một phiên. Trong phiên đó các giao dịch của NQ có lúc ngừng lại, không được khớp lệnh.

Giám đốc của NQ, vốn trước đây từng là cựu quản lý của Samsung, lên truyền hình phân bua về sự minh bạch của giấy tờ, sổ sách. Để chứng minh rằng NQ còn tiền, ban giám đốc còn gửi một lượng tiền mặt vào một ngân hàng để chứng minh. Hai bên Muddy Waters Research và NQ tiếp tục tranh cãi sau đó. Về phía các nhà đầu tư, trước những lùm xùm, họ rút chạy khỏi NQ. Và giờ đây mỗi cổ phiếu của NQ chỉ còn ở mức 3,31 đô la Mỹ. Tức NQ muốn quay trở lại thời huy hoàng thì họ phải tăng gần 800%. Còn Muddy Waters Research với Carlson Block thì bỏ túi bộn tiền.

Kể câu chuyện cho các bạn chỉ để nói rằng niềm tin có giá trị rất lớn, thậm chí về mặt tiền bạc. Mất niềm tin thì bạn sẽ không còn gì cả.

OL, 4.12.2016



 

Từ thiện để làm gì?

Đó là một buổi chiều hè ngày thứ sáu Luân Đôn, bữa học cuối cùng của một khóa học về kinh tế vĩ mô tại trường LSE. Sau khi chia tay những người bạn, tôi chầm chậm bước về khách sạn của mình. Trời Luân Đôn chiều cuối tuần đi dạo rất thích.

Trời mát mát, mọi người hối hả về nhà, thỉnh thoảng ngang qua những cổng metro hay bắt gặp những anh chị ôm chầm lấy nhau, quấn quýt và trao những nụ hôn. Ngang qua một siêu thị, ngay góc tường có một bác già ngồi để cái cốc bằng giấy ăn xin, loại cốc dùng một lần người ta hay dùng để uống coca-cola trong các tiệm ăn nhanh.

Bỗng từ bên kia đường, một anh thanh niên, tuổi độ hơn 20, tay cầm một cốc coca-cola, tay kia cầm một bịch McDonald trong có đầy đủ hamburger và khoai tây chiên chạy vọt băng qua đường mặc cho những làn xe qua lại. Anh nhẹ nhàng đặt ly nước coca-cola và bịch McDonald xuống bên ông già rồi chưa kịp để ông đưa lời cám ơn, anh vụt chạy đi. Tất cả diễn ra trong một chớp mắt trước mặt tôi. Tôi sững sờ, đáng yêu quá.

Đáng yêu vì một hành động đẹp diễn ra một cách đột ngột, không mong đợi trước mắt mình. Còn chuyện nhường cho nhau những miếng ăn thì tôi đã từng gặp và chính tôi cũng thường xuyên làm. Ngày ở Sài Gòn, thỉnh thoảng khi ăn cơm, thấy mấy người già bán vé số hay ăn xin tôi thường mời cơm. Ngày bé, không có tiền, buổi trưa thường có người ăn xin ghé nhà, tôi vào bới cho tô cơm, thêm thức ăn, mời ông hay bà cụ. Ăn xong, tôi vào nhà vét mấy lon gạo bỏ vào cái giỏ rồi tiễn đi. Tất cả như một sự tự nguyện với ước mong rằng họ sẽ đỡ khổ hơn.

Tháng 6 năm 2010, Bill Gates cùng với Warren Buffett, hai tỉ phú giàu nhất nước Mỹ khởi xướng một chiến dịch thiện nguyện to lớn lấy tên là Giving Pledge và bắt đầu tuyển các thành viên của chiến dịch. Những thành viên tham gia chiến dịch này phải cam kết cho đi phần lớn tài sản của mình cho thiện nguyện, riêng Warren Buffett cam kết cho đi 99% tổng số tài sản của mình.

Mỗi người khi tham gia chiến dịch tự quyết định số tài sản cho đi và nơi mình sẽ cho số tiền đó. Điểm chung là một đa số tài sản của họ sẽ được cho đi và nó sẽ được dùng cho các mục đích làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Mục tiêu của việc tuyên bố rộng rãi một chiến dịch như vậy là nhằm làm cho hành động bố thí trở nên cởi mở hơn và tạo một bầu không khí để nhiều người cùng có thể tham gia.

Ở Việt Nam, khi những hình ảnh đầu tiên về cơn lũ của miền Trung xuất hiện, một số cá nhân vì nóng lòng cứu giúp những đồng bào của mình đã vận động kêu gọi cộng đồng quyên góp để mình thay mặt cứu trợ.

Với những người thật lòng thương xót đồng bào mình, đó là một tấm lòng rất quý. Họ là những người không quản khó khăn giúp chuyên chở số tiền từ các mạnh thường quân đến tay người cần hỗ trợ. Người góp sức, người góp công.

Ở đây, phải thắng thắn với nhau một điều rằng khi anh đứng ra tuyên bố quyên góp rằng anh giúp nhận tiền để chuyển cho các gia đình khó khăn, đó là một hợp đồng không chính thức rằng số tiền mà các nhà hảo tâm gửi đó sẽ được chính anh gửi cho những hoàn cảnh như cam kết. Đó là một sự tự nguyện của chính anh, hay tấm lòng của anh, dành cho những mảnh đời đói khổ, như biết bao những con người làm từ thiện bởi vì họ chỉ mong rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn mà không mong một sự báo đáp.

Tuy vậy, không khó để nhận ra một điều rằng những con người thật lòng làm điều tốt và cho đi hẳn cũng sẽ nhận lại những điều may mắn và hạnh phúc nơi mình.

Những ngày qua, theo dõi những lùm xùm quanh vụ minh bạch từ thiện của MC Phan Anh tôi thấy khá buồn. Việt Nam có quá nhiều điều đáng để bàn thay vì cứ xoay quanh một chủ đề minh bạch từ thiện. Là một người trung lập, tôi đứng ngoài và cố theo dõi phản ứng của cả hai bên, nhưng rồi cuối cùng tôi thấy có gì đó khó hiểu trong câu chuyện minh bạch mà đáng ra là không nên có. Và vì vậy mà cần phải góp tiếng nói.

Một giải pháp dễ dàng nhất cho Phan Anh để làm sáng tỏ thay vì phải lên BBC hay VietNamNet để chia sẻ là mở tài khoản ngân hàng nhận tiền ra, song song đó là live stream và hướng camera về phía tài khoản của mình, vừa thuyết minh vừa cho mọi người thấy con số. Một giải pháp nhanh chóng và tất cả đều minh bạch.

Về các khoản chi tiêu, Phan Anh cũng có thể lập một page rồi chụp các hóa đơn, và đăng lên page, mọi người sẽ giúp cộng trừ. Một hành động chụp và đăng hóa đơn như vậy tốn không tới 2 phút và không dài hơn hành động selfie và chụp hình mà Phan Anh hay đăng.

Riêng về trang web tuthiendelamgi.com thì rõ ràng một trang web dùng wordpress thì tốn thời gian không quá một buổi để thiết lập. Chỉ cần một tên miền và chọn một máy chủ có hỗ trợ wordpress, tất cả sau đó coi như xong. Còn nếu muốn làm miễn phí và nhanh chóng hơn nữa thì chỉ cần lập một trang blogspot, bỏ các tập tin vào một tài khoản dropbox miễn phí, và đăng lên blogspot. Tất cả các thao tác này chưa tới 30 phút đồng hồ.

Khi vào trang tuthiendelamgi.com theo dõi thì thấy tập tin gọi là sao kê thông tin giao dịch nhưng chữ thì rất bé không thể thấy, thậm chí khi phóng đại lên mức tối đa là 5 lần. Một điểm nữa là thông tin xóa luôn tất cả cả tên người gửi và cả số tài khoản ngân hàng, nên không ai biết là ai gửi và bao nhiêu. Đúng ra thì nên chừa một chữ trong họ tên và vài số cuối cùng của tài khoản người gửi, như vậy vừa có thể bảo mật, mà vẫn có thể cung cấp thông tin.

Một điểm nữa tôi cũng không hiểu được đó là tại sao Phan Anh lại vội vàng đóng tài khoản nhận tiền và chuyển toàn bộ số tiền sang tài khoản mới đồng đứng tên với Đỗ Minh? Vì làm như vậy thì những nhà hảo tâm gửi tiền khi họ muốn xem Phan Anh đã thực hiện các giao dịch nào giữa chừng trước khi chuyển sang tài khoản mới thì sao họ kiểm tra và làm sao Phan Anh có thể minh bạch cho họ các hoạt động trước khi đóng tài khoản này? Làm sao Phan Anh hóa giải sự nghi ngờ khi họ cho rằng số tiền gửi vào nhiều hơn và Phan Anh đã gửi một số đi chỗ khác hay họ nghi ngờ các giao dịch tương tự?

Thay vào đó, nếu ngại chuyện các giao dịch tiếp tục gửi tiền tới thì Phan Anh có thể nhờ ngân hàng phong tỏa tài khoản không nhận tiền gửi tới là xong, mà không cần phải đóng tài khoản lại.

Và cuối cùng, đúng ra, với một người nhận tiền của những nhà hảo tâm trong cam kết chuyển tới các đồng bào nghèo khó của mình, cần ở đó sự khiêm tốn vì cuối cùng thì số tiền phần lớn đó là đại diện cho những tấm lòng của nhiều người, đáng được trân trọng.

Tất cả ở trên cũng chỉ là những góp ý với ước mong rằng cuối cùng thì từ thiện đúng nghĩa là hai từ cao đẹp ở Việt Nam, và những người làm từ thiện là những người đáng được tin yêu và trân trọng.

OL, 3.12.2016

Tiền Đồng có giá bao nhiêu?

Sáng ngày 3/12/2016, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã tăng lên con số hơn 23,000 Việt Nam Đồng ăn một đô la Mỹ. Mức tăng giá này sẽ không phải là cuối cùng, và nó sẽ tiếp tục tăng nữa trong những ngày sắp tới, vì thực ra tiền Đồng đang được định giá quá cao so với đồng đô la Mỹ. Vậy, tỉ giá hợp lý sẽ là bao nhiêu hay đâu là giá trị của một đô la Mỹ ở Việt Nam?

Với những người ở Việt Nam bỏ tiền đồng để mua đô la Mỹ, như bao mặc hàng được bán mua khác, đô la Mỹ nghiễm nhiên trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, hàng hóa tiền tệ.

Và khi đã là hàng hóa thì giá trị của hàng hóa sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố chính đó là nhu cầu hiện tại và kỳ vọng tương lai. Hai yếu tố này sẽ quyết định mức độ cung-cầu của hàng hóa trong thị trường và xác định mức giá cân bằng.

Vậy đâu là những nhân tố chính ảnh hưởng đến mức cung-cầu và sau đó là giá trị của một đồng tiền theo thời gian? Có 6 nhân tố chính:

Một là lạm phát. Giữa hai nước, một nước có lạm phát thấp và một nước có lạm phát cao, thì giá trị của đồng bạc của nước có lạm phát thấp tăng cao hơn nước có lạm phát cao theo thời gian. Vì đơn giản là những người gửi tiết kiệm không muốn tiền mình nhanh mất giá trị theo thời gian nên họ thích giữ tiền ở đồng bạc nào ít bị giảm giá trị nhất.

Hai là lãi suất. Khi lãi suất một nước cao, các nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư nhằm nhận được lợi suất lớn. Điều đó đồng nghĩa rằng các nhà đầu tư sẽ cần đổi tiền sang nước sở tại khiến nhu cầu tiền tăng lên và đẩy tỉ giá hối đoái lên cao.

Ba là thâm hụt tài khoản vãng lai. Tài khoản vãng lai được định nghĩa là tổng thu trừ cho tổng chi trong tất cả các hoạt động ngoại thương của một nước với các nước còn lại trong một khoảng thời gian, ví dụ như ba tháng hoặc một năm. Khi tổng thu được từ các hoạt động xuất khẩu trừ đi tổng chi ra cho các hoạt động nhập khẩu là một con số dương, ta nói là tài khoản vãng lai được dôi ra, ngược lại là thâm hụt.

Khi tài khoản vãng lai bị thâm hụt nghĩa là số tiền để nhập khẩu nhiều hơn số tiền có được nhờ xuất khẩu, và do đó, để trang trải lượng tiền thâm hụt đó, nhà nước cần phải mua thêm ngoại tệ để trả thêm tiền nhập khẩu. Nhu cầu ngoại tệ tăng dẫn đến tỉ giá của ngoại tệ tăng, và đồng bạc trong nước mất giá.

Bốn là nợ công. Quốc gia có mức nợ công cao thì đồng tiền thường có xu hướng mất giá. Đối diện với một mức nợ công quá cao, chính phủ có một vài cách giải quyết. Cách đầu tiên là in tiền trả nợ, và làm vậy thì lạm phát tăng nhanh chóng khi lượng cung tiền tăng vọt. Cách thứ hai là bán ồ ạt trái phiếu, hay tài sản nhà nước, và việc bán tháo nhanh chóng như vậy sẽ khiến cho giá trị của những tài sản kiểu này giảm đi rõ rệt. Cách thứ ba là tuyên bố phá sản hay khất nợ, nhà nước không thể trả nợ hoặc chỉ có thể trả một phần. Trong cả ba rủi ro trên thì việc bỏ tiền vào đầu tư ở một nước nợ công đầm đìa là cực kỳ may rủi và nợ càng cao thì các nhà đầu tư nước ngoài lại càng ngại giữ tiền hay tài sản dưới dạng tiền của quốc gia đó. Hiệu ứng đó, do đó, đẩy giá trị của đồng tiền xứ này xuống thấp.

Năm là tỉ giá mậu dịch (terms of trade). Tỉ giá mậu dịch được định nghĩa là tỉ số giữa chỉ số giá hàng xuất khẩu trên chỉ số giá hàng nhập khẩu của một nước, hay nôm na là số lượng hàng hóa có thể mua nhập về với số tiền có được khi xuất khẩu bán ra ngoài một đơn vị hàng hóa.

Tỉ giá này phản ánh quan hệ mậu dịch như sau: khi tỉ giá này tăng, có nghĩa là cùng một lượng hàng chúng ta bán ra chúng ta mua được nhiều hàng về, và ngược lại.

Tại sao tỉ giá này lại phản ánh mối quan hệ đến tỉ giá hối đoái? Bởi vì khi tỉ giá này tăng đồng nghĩa với giá trị và nhu cầu của hàng một nước tăng cao hơn so với giá trị của hàng nhập khẩu. Khi nhu cầu hàng hóa của một nước tăng cao trên trường quốc tế dẫn đến nhu cầu tiền tệ của nước đó trên trường quốc tế cũng sẽ tăng vì các đối tác cần tiền của nước đó để có thể mua hàng. Nhu cầu tiền tệ của một nước tăng thì đồng tiền xứ đó càng có giá trị và tỉ giá hối đoái tăng theo. Lấy ví dụ như Mỹ. Nếu khi thế giới càng ngày càng muốn mua hàng Mỹ thì nhu cầu mua đô la Mỹ của thị trường tăng, nhu cầu tăng dẫn đến đồng đô la Mỹ tăng giá, và ngược lại.

Và cuối cùng, thứ sáu là sự ổn định và phát triển về mặt vĩ mô, bao gồm các ổn định chính trị, tình trạng tăng trưởng của nền kinh tế, gia nhập hay rời khỏi các hiệp ước quân sự, quốc phòng, ngoại thương,…Các yếu tố này sẽ thuyết phục liệu các nhà đầu tư nước ngoài có nên đổ tiền vào đầu tư ở một nước hay không. Nếu họ đổ tiền vào thì sẽ dẫn đến việc tăng giá của đồng bạc bản xứ, và ngược lại.

*****

Nhìn lại các nhân tố này, giờ đây chúng ta thử phân tích xem giá trị của tiền đồng Việt Nam sẽ phải thay đổi thế nào với đồng đô la Mỹ trong vòng một năm qua.

Đầu tiên chúng ta xem thử mức lạm phát và lãi suất gửi ngân hàng kỳ hạn 3 tháng. Ở Mỹ, lạm phát trong năm 2016 ở mức khoảng 1.5% và lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng là không đáng kể. Trong khi ở Việt Nam, mức lãi suất kỳ hạn 3 tháng ở mức 4%/năm và mức lạm phát thực được ước đoán ở con số ít nhất 10%/năm (khác với con số báo cáo bởi chính phủ). Giả sử như không có yếu tố nào khác can thiệp vào tỉ giá hối đoái đô la Mỹ và tiền đồng, điều này tương đương với việc tiền đồng sẽ phải mất giá so với đô la Mỹ ít nhất là khoảng 5% trong năm 2016.

Giờ chúng ta đánh giá các nhân tố còn lại. Theo dự báo của HSBC, mức thâm hụt tài khoản vãng lai của Việt Nam ở khoảng 1,6% trong năm 2016 [2].

Mức nợ công Việt Nam tăng mạnh, từ con số 62,2% GDP cuối năm 2015 có thể tăng đến mức 64,4% GDP vào cuối năm 2016 [3].

Không có con số về sự thay đổi của tỉ giá mậu dịch của Việt Nam để có thể đánh giá. Tuy vậy, nhìn chung những quan sát cho thấy khó có tình trạng nhu cầu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh trên trường quốc tế, nếu không nói là ngược lại, khi gạo và thủy sản, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, của Việt Nam bị cho là không đảm bảo an toàn và bị trả lại [4,5,6].

Tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam càng ngày càng trở nên khó khăn. Nợ xấu của ngân hàng không thể giải quyết và chính phủ phải tính đến phương án cho thí điểm phá sản. Ô nhiễm biển miền Trung khiến hải sản khó xuất khẩu và nền kinh tế của các tỉnh miền Trung điêu đứng. Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng mạnh, trung bình 200 doanh nghiệp phá sản mỗi ngày [7, 8]. Trong khi đó thì nền kinh tế Mỹ dù tăng trưởng chậm, nhưng tương đối ổn định.

Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều khả năng sẽ không được thông qua trong ngắn hạn.

Những con số trên đều có tác động tiêu cực đến vị thế của tiền đồng Việt Nam, và một mức điều chỉnh giá cho phù hợp với những thay đổi trong suốt năm 2016 phải ở mức 10%. Nếu tỉ giá hối đoái vào tháng 1/2016 ở mức 22,500 VND/1USD thì tỉ giá đúng ra vào cuối năm phải ở mức xung quanh 24,750 VND/1USD.

OL, 3.12.2016



Tham khảo:

[1] “USD trên thị trường tự do đã vượt 23.000 đồng”. Tiếp thị Thế giới. Ngày 3/12/2016. Nguồn: http://tiepthithegioi.vn/tai-chinh/usd-tren-thi-truong-tu-do-da-vuot-23-000-dong/

[2] “Năm 2016, mức thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ ở mức 1,6% GDP”. Kinh tế và Dự báo. Ngày 3/12/2016. Nguồn: http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/91-4726-nam-2016-muc-tham-hut-tai-khoan-vang-lai-se-o-muc-16-gdp.html

[3] “Nợ công đang tiến sát trần?”. Infonet. Ngày 20/8/2016. Nguồn: http://infonet.vn/no-cong-dang-tien-sat-tran-post206707.info

[4] “Báo động gạo Việt sang Mỹ bị trả về”. Vneconomy, ngày 3/10/2016. Nguồn: http://vneconomy.vn/thi-truong/bao-dong-gao-viet-sang-my-bi-tra-ve-2016100210284730.htm

[5] “EU lại "rút thẻ vàng" với thuỷ sản Việt Nam”. Dân Trí, ngày 7/10/2016. Nguồn: http://dantri.com.vn/kinh-doanh/eu-lai-rut-the-vang-voi-thuy-san-viet-nam-20161007200818244.htm

[6] “EU cảnh báo thuỷ sản Việt Nam nhiễm kim loại nặng”. Vneconomy, ngày 7/10/2016. Nguồn: http://vneconomy.vn/thi-truong/eu-canh-bao-thuy-san-viet-nam-nhiem-kim-loai-nang-20161007024519652.htm

[7] “Doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng mạnh – có đáng lo ngại?”. CafeF, ngày 31/3/2016. Nguồn: http://cafef.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-tang-manh-co-dang-lo-ngai-20160331154802659.chn

[8] “Mỗi ngày vẫn có 200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động”. CafeF, ngày 1/8/2016. Nguồn: http://cafef.vn/moi-ngay-van-co-200-doanh-nghiep-tam-ngung-hoat-dong-20160801155750566.chn

Từ "thiên đường" Cuba sang "trần ai" Hoa Kỳ

Trong khi nhiều người ca ngợi những thành tựu của Cuba từ miễn phí giáo dục, y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, thậm chí một số còn đi xa hơn khi ví Cuba như thiên đường trên mặt đất nơi ai cũng được chăm sóc như nhau, thì hàng ngày hàng giờ, nhiều người Cuba ở hòn đảo bé nhỏ chỉ chiếm vừa hơn 11 triệu người này, vẫn lặng lẽ kiếm cách vượt biên sang đất nước đứng đầu thế giới tư bản, Hoa Kỳ, nơi mà giáo dục chẳng miễn phí, và y tế phải đóng tiền, và nơi mà như được mô tả trong các giáo trình kinh tế chính trị Marx-Lenin, một ý thức hệ mà Cuba vẫn dùng làm kim chỉ nam cho đến nay, là nơi mà người bóc lột người.

Thật lạ. Lạ là vì nếu như Cuba là một đất nước thiên đường, hẳn nhiều người Cuba không liều sống liều chết bỏ nước mình ra đi kiếm tìm một tương lai cho mình và cho gia đình ở một đất nước "trần ai" như Hoa Kỳ, nơi không có gì là miễn phí và bạn phải làm việc để kiếm tiền trang trải các sinh hoạt. Họ, những người Cuba, lớp băng đường mòn lặng lẽ đi xuyên Trung Mỹ, băng qua Mexico, và đến nộp mình xin tị nạn ở cổng biên giới Mỹ. Lớp còn lại cố sống cố chết lên thuyền ôm phao bơi xuyên eo biển với hi vọng cập bờ vào Hoa Kỳ.

Chín mươi dặm Anh, hay chừng 144 cây số, là khoảng cách ngắn nhất giữa Cuba và điểm gần nhất của nước Mỹ là Key West của Florida. Nhưng đối với nhiều người, đó là một khoảng cách xa xăm để nối hai đầu của hai thế giới: thế giới của một trong những nước xã hội chủ nghĩa hiếm hoi còn sót lại, và thế giới của trùm tư bản nơi cấm vận và cô lập hòn đảo trong suốt sáu thập niên.

Chín mươi dặm cũng là chặng đường vượt biển mướt mồ hôi và đầy nguy hiểm mà những số phận người Cuba vượt biển cầu mong ngắn lại. Trong số khoảng 100 ngàn nạn nhân chết vì chế độ của Fidel Castro, một số lớn những nạn nhân chết trên đường vượt eo biển chạy trốn chế độ. Họ chết khi bị tàu của công an biên phòng và cảnh sát biển Cuba bắn, và họ chết khi tàu đắm và bị cá mập ăn thịt. Không ai đếm được chính xác những cái chết, vì không còn ai để kể. Những con số tất cả chỉ là những ước lượng.

Với việc nới lỏng cấm vận Cuba của Mỹ trong hai năm gần đây, lượng người Cuba nhập cư vào Mỹ tăng đột biến. Theo đạo luật Cuban Adjustment Act năm 1966, những người Cuba nhập cư vào Mỹ nhận một qui chế đặt biệt: họ chỉ cần đến một cửa khẩu biên giới và trải qua một cuộc kiểm tra bao gồm việc hoàn chỉnh hồ sơ tội phạm và quá khứ nhập cư vào Mỹ. Và sau đó, khi họ đã định cư ở Mỹ được 1 năm thì họ được phép nộp đơn để cư trú vĩnh viễn.

Những người nhập cư bằng đường bộ thường đi qua cổng kiểm soát biên giới khu vực Laredo ở Texas, nằm trên biên giới với Mexico. Đầu tiên họ đi máy bay sang một quốc gia khác ở Trung Mỹ, chẳng hạn như Ecuador, sau đó di chuyển bằng các phương tiện xuyên qua Trung Mỹ, Mexico và cuối cùng đến biên giới giữa Mexico và Mỹ.

Chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay cấm nhập cư bằng đường biển. Những ai cố tình vượt eo biển để vào Mỹ, nếu bắt được, sẽ bị trả về lại Cuba hoặc một nước thứ ba. Lí do là vì vượt biên bằng đường biển quá nguy hiểm. Tuy vậy, trong năm 2015, vẫn có 3,505 người vượt biên bằng đường biển bị bắt, cao hơn con số 2,111 người năm 2014.

Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2016, số lượng người Cuba vào Mỹ là 46,635 người, tương đương với mỗi ngày khoảng gần 155 người, khi so với toàn năm 2015 là 43,159 và năm 2014 là 24,278. Chỉ trong 3 năm vừa rồi, con số người vượt biên từ Cuba vào Mỹ đã ở con số hơn 114 ngàn người, và so với dân số Cuba chỉ hơn 11 triệu người thì tương đương với con số là 1%.

Tổng số người Mỹ gốc Cuba chiếm khoảng 2 triệu người, và hơn một nữa trong đó, khoảng 57%, là được sinh ra ở Mỹ.

Đễ dễ hình dung, thì nếu so sánh với Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người thì con số di cư hơn 1% trong 3 năm đó khi tính luôn cả 2 tháng cuối cùng của năm 2016 sẽ tương đương với con số gần 1 triệu người. Nó tương đương với dân số một tỉnh lớn của Việt Nam như Khánh Hòa. Hay nói một cách khác điều đó đồng nghĩa với dân số toàn một tỉnh bỏ xứ ra đi trong 3 năm.

Nếu chính sách nới lỏng này của Hoa Kỳ tiếp tục trong vài năm nữa, không biết còn bao nhiêu người Cuba sẽ ở lại để tận hưởng "thiên đường xã hội chủ nghĩa" trên đất nước mình?

OL,2.12.2016


Tham khảo:

http://www.pewresearch.org/fact-tank/2016/08/05/cuban-immigration-to-u-s-surges-as-relations-warm/

30.11.16

Máu Cuba và quốc tang Việt Nam

Tại sao Việt Nam tổ chức quốc tang cho Fidel Castro? Có lẽ là để trả món nợ máu, và máu là máu của người Cuba thật.

“Ngày 27 tháng 5 năm 1966, 166 người Cuba, gồm thường dân và thành viên của quân đội, bị hành quyết và trải qua các công đoạn y tế để hút lấy máu, trung bình 7 pint một người. Lượng máu này được bán cho nước Việt Nam Cộng sản với mức giá 50 đô la Mỹ một pint nhằm một mục đích kép vừa giúp kiếm được tiền và vừa giúp cho cuộc xâm lược của Việt Cộng.

Một pint máu tương đương với nửa lít. Hút lượng máu này từ một người bị tuyên án tử hình dẫn đến việc mất máu não và rơi vào trạng thái bất tỉnh, tê liệt. Một khi máu đã được hút, tử tù sẽ bị đưa bởi hai quân nhân trên một cái cáng tới địa điểm hành quyết.”

Đoạn trích trên từ báo cáo của InterAmerican Human Rights Commission, vào ngày 7 tháng 4, năm 1967, và được trích đăng trong bài “Counting Castro's Victims” của tạp chí The Wall Street Journal ngày 30 tháng 12 năm 2005.

Mỗi người sẽ bị hút 7 pint máu, tương đương 3 lít rưỡi, đem bán mỗi pint 50 đô la Mỹ. Vị chi, mỗi người bị tuyên án tử hình đem lại 350 đô la, và 166 người là 58.100 đô la Mỹ, cho chính quyền của Fidel Castro.

Không biết bao nhiêu lít máu người Cuba được gửi về Việt Nam theo dạng như vậy.

OL, 29.11.2016.


Các lãnh đạo cộng sản có yêu nước không?

Việc ra đi của Fidel Castro, cũng như sự ra đi của nhiều lãnh tụ cộng sản khác, thường gây ra nhiều tranh cãi. Tranh cãi vì những người đánh giá đặt góc nhìn ở các vị trí khác nhau, và chịu các ảnh hưởng mang tính ý thức hệ khác nhau trước khi đưa ra một nhận xét của mình.

Rất nhiều lần, tôi đã nghe những lời bào chữa rằng họ, những lãnh đạo cộng sản, rất yêu nước và những sai lầm khi dẫn dắt đất nước mình trở thành một xứ kiệt quệ, đói nghèo, và thất bại bởi vì họ tin tưởng vào một tư tưởng sai, dù sai nhưng họ là những người yêu nước.

Đối với tôi, họ, những lãnh đạo cộng sản có thể sai khi chọn một tư tưởng nhưng họ tuyệt đối không yêu nước, họ yêu quyền lực và chính bản thân họ hơn.

Vì yêu nước trước hết là phải yêu đồng bào mình và đất nước mình. Và đất nước phải hiểu theo nghĩa đen là đất, nước, và những không gian vật lý liên quan đến nó, như không khí và nước.

Vì vậy mà không thể gọi bất kỳ một cá nhân nào là yêu nước khi anh ta giết hại một cách có hệ thống và đồng loạt đồng bào của mình. Không thể gọi anh ta là yêu nước khi bởi vì những chính sách của anh ta chỉ đem lại đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân mình. Không thể gọi anh ta là yêu nước khi anh đem bán đi hoặc hủy hoại đất nước mình. Và anh ta cũng không thể nào gọi là yêu nước khi anh ta lợi dụng sự ngây thơ của quần chúng hay quyền lực của hệ thống mà tiếm quyền của nhân dân, đứng trên đầu trên cổ nhân dân, và tự cho mình quyền định đoạt thay quyết định của hàng triệu nhân dân mà không qua bất cứ một sự ủy quyền công khai nào thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch.

Phải đứng trên một quan niệm và một hệ quy chiếu như vậy chúng ta mới có thể đánh giá được đâu là một lãnh đạo yêu nước và đâu là một tên độc tài đàn áp dân tộc mình.

Và nhìn với một tiêu chuẩn như vậy để thấy rằng không một lãnh đạo cộng sản nào yêu nước cả, vì không một lãnh đạo nào được chính người dân bầu lên để thực thi nguyện vọng của nhân dân. Họ tuyên truyền về một hệ thống công bằng và tự do nhưng chính họ và những đồng chí của họ chia nhau quyền lực, quyền lợi và địa vị trên đầu của dân tộc, và sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai thách thức hệ thống phân bổ quyền lực của họ. Làm sao có thể biện minh cho lòng yêu nước, yêu nhân dân khi chính anh đi cướp đi các quyền tự do của nhân dân, mà một trong các quyền đó là quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bầu chọn nên những lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình?

Với một lãnh tụ cộng sản, người đã thiết lập và áp đặt một chính thể cộng sản lên một đất nước, việc đầu tiên khi một nhân vật lịch sử như vậy ra đi, người ta thường tự hỏi rằng dưới chính thể của ông ta, bao nhiêu người đã là nạn nhân. Một ước lượng của Cuba Archive đưa ra con số ít nhất là 10 ngàn và có thể lên tới con số 100,000. Không ai biết một con số chính xác, vì có nhiều những nạn nhân mãi mãi không được ai biết đến.

Nhưng đó chỉ là những con số bề nổi, dễ dàng cân đo đong đếm được. Cũng như bất kỳ một chế độ cộng sản nào, những giá trị bị phá hủy hay mất đi khó lòng nào định lượng. Đó là sự mất đi những cơ hội hiếm hoi để phát triển kinh tế, để nuôi dưỡng những tài năng, tri thức và văn hóa xứ mình. Đó còn là hủy hoại vốn xã hội và sự chia rẽ của người dân. Nó không chỉ là sự nghèo đói của lương thực khiến gu ẩm thực của người dân sau nhiều thập niên đói khát đã thay đổi đi, hay khiếu thẩm mỹ vì sự đói nghèo đã biến mất. Gần sáu thập niên sống dưới sự tuyên truyền một chiều, chính quyền đã biến hai thế hệ người dân thành những con người tin vào lãnh tụ và chế độ. Cũng ngần ấy thời gian, chính quyền đã kịp xây dựng xung quanh mình một hệ thống thân hữu hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ duy trì hệ thống. Và cho dù đất nước một ngày nào đó trở thành một xứ dân chủ, sự lũng đoạn chính trị và kinh tế của nhóm người này là một điều thấy được.

Một con người lợi dụng quyền lực của nhân dân để nắm quyền, để rồi cuối cùng dùng chính quyền lực để cầm tù, giết chóc, và bịt miệng nhân dân mình, biến đất nước mình từ một hòn đảo xinh đẹp trở thành một nơi kiệt quệ thì khó có thể nào gọi là một con người yêu nước, yêu đồng bào, đất nước mình được, huống chi là gán ghép những mỹ từ lãnh tụ hay vĩ đại.

OL, 29.11.2016

Thầy Dũng

Đó là một buổi chiều học thêm Hóa năm lớp 11. Lớp rất đông, giữa giờ dạy ông thầy tới bàn, gõ cục phấn, bảo: "Cuối giờ ông lên đây gặp tui." Ngồi học mà nghĩ bụng tí nữa ông định quở mình chắc vì bữa trước nghỉ học. Học xong, lên gặp. Ông lấy cây viết, kêu chỉ tên. Ông nhớ mặt mình nhưng có lẽ không nhớ họ tên đầy đủ. Chỉ tên cho ông, ông cầm cây viết gạch băng ngang cái tên. Mình hoảng, tưởng ổng đuổi học. Xong, ổng bảo: "Từ rày về sau ông không phải đóng học phí nữa." Xong, ông hỏi tiếp: "Ông biết nhà thằng nào khó khăn nữa không?" Mình bảo: "Thằng Nam". Ông lấy viết gạch luôn tên thằng Nam.

Ngày trước khi đi thi đại học, đang đứng ở hành lang, ông đi tới, hỏi: "Ông đăng ký thi ngành gì?". Mình bảo: "Ngành Vật lý, Khoa học Tự nhiên." Ổng bảo, "Ông học ngành đó sau này lấy tiền đâu đi nghiên cứu thêm?". Mình nghe ổng, rồi im không trả lời, vì lúc đó mình đã dự tính trong đầu là đi kiếm học bổng du học rồi, đăng ký thi đại học chỉ là tạm thời. Thầy mình tên Dũng, dạy trường chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang.

Oslo. 20.11.2016

Về một văn hóa tranh luận

Thật không cảm thấy dễ dàng hay thoải mái gì khi có một người nói trái ý bạn ở đâu đó. Nhưng hãy khoan phiền lòng nếu thấy có người nói trái ý bạn. Bởi vì người góp ý xuất thân từ một văn hóa khác, lớn lên trong môi trường khác, và đơn giản hơn là anh ta hay cô ta không phải là bạn, nên hẳn góc nhìn có phần khác. Vì vậy mà tiếp nhận một ý kiến khác chiều trong tranh luận trước hết không phải là việc đồng ý hay không đồng ý với người ta, mà đó là một cơ hội để hiểu thêm một góc nhìn, một quan điểm hay cảm xúc từ người góp ý.

Nhiều bạn sẽ cho rằng nói dễ hơn làm. Đúng. Đặc biệt là khi những góp ý không còn tập trung vào đề tài thảo luận mà hướng đến các chỉ trích cá nhân. Vì vậy mà chúng ta cần phải trao đổi với nhau về một văn hóa tranh luận.

Trước hết, tranh luận không phải để thắng thua, mà để hiểu nhau và hiểu rõ hơn về vấn đề. Vì vậy hãy tập trung vào các luận điểm để giải thích và phản biện bằng các ví dụ và lập luận thay vì hướng đến các chỉ trích cá nhân. Các chỉ trích cá nhân chỉ có làm mất thêm hòa khí và làm tệ hơn không gian tranh luận.

Một xã hội không có tranh luận là một xã hội không còn suy nghĩ. Bởi vì nếu một xã hội có suy nghĩ thì tất nhiên các cá nhân khác nhau sẽ có những suy nghĩ khác nhau và sẽ có tranh luận giữa các suy nghĩ khác nhau. Đừng ngại tranh luận, vì đó là cội nguồn của phát triển. Chẳng phải các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và xã hội mà chúng ta đạt được ngày nay là nhờ ở sự tranh luận và cạnh tranh không ngừng giữa các ý kiến? Bằng cách đặt sự nghi ngờ và tranh luận về tính đúng đắn hay tối ưu của các phát kiến trước mà những người đi sau luôn tìm cách cải thiện nên những điều tốt đẹp hơn.

Một văn hóa tranh luận do đó cần được dạy và tập làm quen nơi các em học sinh bên cạnh các môn khoa học.

Ở một khía cạnh vi mô hơn, có một văn hóa tranh luận nghiêm túc sẽ giúp cho xã hội hài hòa và phát triển. Những ai có dịp làm việc nhóm trong các tổ chức hay công ty sẽ hiểu rằng trong một cuộc họp để đưa ra quyết định thì có tới 90 phần trăm thời gian là dùng để thảo luận và tranh luận. Nhờ những thảo luận và tranh luận mà mọi người hiểu rõ hơn về các quyết định và chính sách cũng như giúp các quyết định đưa ra được thảo luận kỹ hơn.

Có thể rằng quyết định được đưa ra bởi một người thì nhanh hơn là cả nhóm, nhưng về lâu về dài, những thành tựu lớn lao đa phần đều là công sức của một tập thể, mà sự thành công của nó sẽ không thể đạt được nếu thiếu một văn hóa tranh luận trong các quyết định.

Nói như vậy để thấy một điều rằng kỹ năng làm việc nhóm và văn hóa tranh luận luôn đi song song với nhau. Không thể nào có thể làm việc nhóm cùng nhau mà giữa chúng ta không có một văn hóa tranh luận đúng đắn. Và nghĩ như vậy mới thấy rằng người Việt mình chưa tự tổ chức thành công các hội đoàn độc lập cũng bởi vì chưa được làm quen nhiều với văn hóa tranh luận này. Một khi chưa quen với văn hóa tranh luận, thay vì tranh luận để tìm ra hướng đi tốt đẹp hơn cho nhóm thì các cuộc tranh luận lại diễn biến thành các chỉ trích, thù hằn cá nhân làm mất đi sự đoàn kết và cuối cùng dẫn đến tan rã nhóm.

Bất cứ một văn hóa nào cũng cần phải học, tranh luận và làm việc nhóm cũng vậy. Ở Singapore, hầu như học kỳ nào ở cấp đại học cũng có những dự án nhóm và thầy cô luôn bắt các sinh viên tự chọn nhóm cho mình để làm dự án. Các buổi họp để thi hành dự án luôn luôn là các tranh luận và tranh cãi, chỉ để cuối cùng tìm ra một giải pháp tối ưu và khả thi. Đó là cách mà giáo dục của Singapore dạy sinh viên mình cách làm việc nhóm và tranh luận.

Giáo dục Việt Nam không có được điều đó, và đó là một thiệt thòi lớn cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy mà nhiều người Việt không quen với cả hai văn hóa tranh luận và làm việc nhóm.

Liệu rằng mạng xã hội có giúp hình thành nên một văn hóa tranh luận hay không? Mình nghĩ là có. Hãy bắt đầu bằng việc thể hiện các quan điểm tranh luận và phản biện nghiêm túc. Từ một người, vài người, và từ từ sẽ hình thành nên một văn hóa.

OL. 16.11.2016.

15.11.16

Người Mỹ không bầu Trump? -- Về hệ thống bầu cử theo cử tri đoàn của Mỹ

Bạn thắc mắc người Mỹ không bầu cho Trump mà chỉ có cử tri đoàn bầu cho Trump. Có bạn thắc mắc cử tri đoàn là cái gì?

Quá trình bầu cử của Mỹ gồm hai bước. Ở mỗi bang, sẽ có một số phiếu cử tri đoàn, và mỗi đảng ra tranh cử sẽ đề xuất một số lượng đại cử tri ứng với số phiếu cử tri đoàn. Ví dụ bang California có 55 phiếu cử tri đoàn (electoral vote) thì mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ cử 55 đại diện riêng của mình làm đại cử tri (elector). Phiếu bầu của mỗi người dân được gọi là phiếu phổ thông (popular vote). 

Ở bước đầu tiên, sau khi người dân bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, chính quyền sẽ kiểm phiếu riêng biệt theo từng bang. Ở mỗi bang, nếu đảng nào dành nhiều phiếu phổ thông nhất thì đảng đó được hưởng toàn bộ số phiếu cử tri đoàn. Ví dụ, ở bang California, đảng Dân chủ dành nhiều phiếu phổ thông hơn đảng Cộng hòa, nên đảng Dân chủ hưởng hết 55 phiếu cử tri đoàn, và 55 đại cử tri của California sẽ là 55 đại cử tri đề xuất bởi đảng Dân chủ. Tương tự cho các bang khác.

Ở bước thứ hai, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống và ứng viên nào dành hơn 270 phiếu sẽ thắng. Vì thường các đại cử tri là người trung thành với đảng của mình nên sẽ bầu chọn cho ứng viên tổng thống thuộc đảng của mình. Ví dụ như 55 đại cử tri của California sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Trong lịch sử cũng có trường hợp các đại cử tri lẻ tẻ phản thùng không bầu cho ứng viên đảng mình nhưng nó chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống cuối cùng.

Tuy vậy, trong lịch sử chính trị hiện đại của Hoa Kỳ, bước thứ hai này giờ đây chỉ còn là hình thức. Vì sau khi bầu qua vòng đầu tiên và tính số phiếu cử tri đoàn dành được của các ứng cử viên tổng thống, người ta biết được là ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp. Vì vậy, mà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, sau ngày bầu cử 8/11 thì người Mỹ đã biết được ai sẽ là tổng thống kế tiếp, cho dù tới ngày 19/12 (tức hơn một tháng sau) thì các cử tri đoàn mới họp nhau để chính thức theo luật bầu ra tổng thống kế nhiệm.

"Diễn nôm" tóm tắt là mỗi bang có một số phiếu cử tri đoàn (electoral vote) nhất định đại diện cho bang, nếu ứng viên nào giành được nhiều phiếu cử tri phổ thông (popular vote) nhất của bang thì được thưởng toàn bộ phiếu cử tri đoàn, cộng lại các bang ai giành được quá 270 phiếu cử tri đoàn thì thắng. Nếu không ai dành đủ 270 phiếu thì Hạ nghị viện sẽ chọn ra một tổng thống trong số 3 ứng viên có phiếu cử tri đoàn cao nhất bằng cách để các Hạ nghị sỹ bỏ phiếu chọn và quyết định đưa ra dựa vào đa số số phiếu.

Trong các bài viết, nhiều người, kể cả báo nước ngoài, khi họ viết "người Mỹ chọn Trump" hay "Americans elect Donal Trump", không có nghĩa là tất cả người Mỹ đều chọn Trump mà chỉ ám chỉ rằng nước Mỹ chọn Trump là tổng thống kế. Chọn ở đây là theo luật bầu cử của Mỹ. Nhiều bạn lại lý sự là tổng số phiếu bầu phổ thông toàn quốc của Clinton cao hơn Trump, nhưng số phiếu đó không có ý nghĩa gì trong luật chơi dân chủ của Mỹ cả. Luật chơi ở đây là đếm tổng số phiếu cử tri đoàn.

Mà tại sao người Mỹ lại dùng cử tri đoàn mà không dùng phiếu phổ thông? Những nhà lập quốc Hoa Kỳ có cái lý do của họ: là bởi vì nếu tính theo tổng số phiếu phổ thông thì các bang đông dân được lợi, phần thiệt thuộc về các bang ít dân. Các bang đông dân sẽ nắm quyền quyết định ai là tổng thống, còn các bang ít dân hầu như bị gạt sang một bên. Ví dụ như các bang đông dân California có 38 triệu dân, Texas 27 triệu, Florida hơn 20 triệu, New York gần 20 triệu dân, bang Illinois gần 13 triệu, còn bang Delaware chỉ có chưa tới 1 triệu dân. Sự chênh lệch về dân số lớn như vậy giữa các bang. Và thêm nữa, các bang đều có truyền thống bầu cho một đảng, như California, New York, hay Illinois gần đây đều bầu cho đảng Dân chủ, còn Texas thì chọn đảng Cộng hòa. Như vậy, nếu tính theo phiếu phổ thông thì bầu cử tổng thống là cuộc chơi của một vài bang lớn, và lệch về một đảng nhất định.

Lịch sử lập quốc Hoa Kỳ là các bang đồng thuận vào liên minh, nên họ muốn các bang có tiếng nói nhất định trên các vấn đề của đất nước, vì vậy mà họ chọn cách bỏ phiếu này, cũng như là ấn định cố định mỗi bang có 2 thượng nghị sỹ để các bang có tiếng nói đáng kể gần ngang nhau trong các vấn đề của đất nước.

Một lý do khác mà họ chọn cách cử tri đoàn là bởi vì cách tính này giúp cho quá trình giám sát kết quả bầu cử nó dễ dàng, tránh bị gian lận khi mà ngày xưa phương tiện không được hiện đại như bây giờ. Thậm chí là bây giờ, khi ví dụ số phiếu phổ thông của hai phe trở nên ngang ngửa nhau cách nhau vài ngàn thậm chí vài trăm thì sẽ có lý do các ứng viên đòi hỏi kiểm phiếu lại vì sợ gian lận. Quá trình đó vừa mất công vừa làm cho uy tín của chính quyền giảm sút.

Cách bầu cử tri đoàn của Mỹ không khác xa lối bầu cử "người thắng lấy hết" trong các chế độ nghị viện kiểu Anh và các nước thuộc địa Anh như Úc, Canada và ở châu Á là Malaysia và Singapore. Mỗi khu vực sẽ có một số ghế nghị sỹ nhất định bầu vào quốc hội, phe nào nhận nhiều phiếu phổ thông nhất khu vực sẽ lấy hết ghế nghị sỹ khu vực đó. Khi vào quốc hội phe có nhiều ghế nhất chiếm đa số thì lập chính phủ nắm quyền, còn nếu không chiếm đa số thì kiếm liên minh lập chính phủ liên minh.

Trong trường hợp của Malaysia, thậm chí phe đối lập trong kỳ bầu cử gần đây dù nhận được tổng số phiếu phổ thông lớn hơn chính phủ đương quyền nhưng không trở nên cầm quyền vì số ghế có được trong quốc hội ít hơn. (Tương tự như ở Mỹ khi số phiếu phổ thông nhiều hơn nhưng số phiếu cử tri đoàn thấp.)

OL, 11.11.2016

Rộng lòng để yêu thương

Buổi tối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tôi mở CNN xem và thấy trả lời của hai vợ chồng già thật xúc động. Nhà báo hỏi bà vợ ủng hộ ai, bà bảo tôi ủng hộ Trump vì tôi muốn thấy một tổng thống mạnh mẽ, còn ông chồng thì ủng hộ Clinton. Hỏi hai ông bà ở với nhau lâu chưa, hai ông bà trả lời hơn 30 năm rồi. Hỏi tiếp điều gì gắn kết hai người thì họ trả lời là tình yêu. Thật xúc động và tình cảm. Chắc chắn rằng giữa những bữa trưa hay bữa tối, khi chọn cho ứng cử viên nào hẳn hai ông bà đã tranh luận mệt nghỉ quan điểm của mình để rồi cuối cùng mỗi người giữ một niềm tin riêng. Khó mà kiếm được một hình ảnh tương tự ở Việt Nam.

Nói cho ngay, ngay ở cái thế giới facebook đầy thị phi này, chỉ vì có quan điểm bày tỏ ủng hộ hay chống Trump mà nhiều người đã không còn muốn nhìn facebook của nhau nữa.

Tôi nhớ những ngày ở Singapore. Ở chung phòng với một anh bạn thân. Chiều hôm đó được tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được chọn, tôi bảo ông không thể làm gì để thay đổi nền kinh tế Việt Nam. Bạn tôi cãi lại, hi vọng sức trẻ của ông sẽ làm nên điều kỳ diệu. Chúng tôi cãi nhau suốt đêm tới sáng, nằm cạnh nhau, chỉ thiếu điều đánh nhau. Mỗi người giữ quan điểm riêng, và chúng ta là những người bạn thật sự. Mười năm sau, chúng tôi gọi nhau ở Mỹ và bạn bảo tôi bạn không hiểu sao ông thủ tướng có nhiều người ủng hộ vậy.

Facebook tôi thỉnh thoảng cũng có những bạn bày tỏ quan điểm không ủng hộ, thậm chí mạt sát, tôi chẳng phiền, mà thấy thương. Thương người mạt sát giận hờn, vì giận hờn là họ tự gây nên và giữ lấy chỉ vì lỡ đọc một quan điểm của tôi mà họ không thích. Họ đáng thương hơn đáng trách.

Có ba người ảnh hướng lớn đến nhân sinh quan của tôi, đó là Nguyễn Hiến Lê, thầy Thích Nhất Hạnh, và chúa Jesus. Tôi không phải là người theo đạo Chúa, nhưng những sự dấn thân của Đức Chúa Trời cho một xã hội những người bần cùng luôn là những điều tôi yêu mến như một bản năng. Có lẽ vì vậy mà dù chưa một lần nào đọc kinh nghiêm túc nhưng trong một lần ghé thăm Milan, tôi đã tình cờ nhặt được một chuỗi hạt mân côi được đặt cẩn thận trước hàng rào của nhà thờ trong một buổi chiều hè. Chuỗi hạt mân côi đơn sơ tôi luôn giữ như một món quà của Ơn Trên ban tặng.

Học giả Nguyễn Hiến Lê, một cách cần mẫn, gieo những tri thức cho cộng đồng là một tấm gương về dấn thân xã hội của người Việt Nam. Riêng ở thầy Nhất Hạnh, qua những cuốn sách của ông tôi học được không chỉ là thiền trong chánh niệm, buông bỏ để an lạc trong mỗi phút giây, mà còn ở tâm vị tha, không chấp. Nhờ thực hành thiền chánh niệm mỗi ngày và uống nước mật ong ấm mỗi tối và sáng mà chỉ trong một năm ở Thụy Điển tôi đã tự chữa khỏi căn bệnh đau bao tử dai dẳng có từ ngày ở Singapore. Thiền chánh niệm không còn là những tĩnh tâm xa xôi, nó đôi khi chỉ là sự buông nhẹ những nghĩ suy để tận hưởng những gì mình có, vì nếu mình không cảm nhận được yêu thương và hạnh phúc ngay trong thời khắc này thì còn đợi đến khi nào. Đọc thiền đòi hỏi một sự cảm, mình thích cuốn «An Lạc Từng Bước Chân», và hi vọng nhiều bạn nên tìm đọc.

Kể như vậy không phải để khoe (vì cũng chẳng có gì để khoe), mà chỉ để kể lại những kinh nghiệm của mình trong việc buông bỏ đi những dằn vặt, khó chịu, hay đau buồn mà bạn có thể gặp phải trong hiện tại để có một cuộc sống yên vui hơn. Vì khi bạn giận hờn hay dằn vặt một điều gì đó thì chính mình là người chịu đựng. Và cũng chẳng phải là từ câu nói «bệnh tại tâm sinh» vì đau buồn mà sinh ra nhiều bệnh sao? Nên, hãy học cách buông bỏ để sống yêu thương, hạnh phúc hơn. Cái gì phiền muộn thì bỏ đi, niềm vui thì giữ lại.

Quay lại câu chuyện bầu cử tổng thống Mỹ. Trump lên có thể khiến cho những người trong chiến dịch Clinton mất việc. Vì nếu Clinton lên thì những người trong ban vận động sẽ được cho một vị trí nào đó. Nhưng, biết đâu trong cái rủi có cái may, cứ cố gắng có khi lại gặp những vận may mới. Với những người Việt, có thể khiến một số vui và cũng một số buồn, cái buồn đôi khi chỉ là một sự mất mát trong cuộc cá độ bằng niềm tin, hoặc đôi khi là một chầu nhậu. Mười ngày, nữa tháng lại qua, và mọi thứ quay về với vòng đời cũ. Vì vậy, nếu phiền muộn gây ra bởi những người không cùng ý tưởng chính trị của mình thì cũng nên buông bỏ. Vì như vậy sẽ làm chính bạn an lạc hơn.

Phân tích, phát biểu một hiện tượng, một sự việc bắt buộc phải nói thẳng, nói thật, và nhiều khi cũng có thể nói sai. Cái thẳng cái thật đó đôi khi lại làm buồn lòng nhiều người vốn giữ niềm tin bị đụng chạm. Dù lựa lời, nhưng sao tránh khỏi. Thôi thì cuộc đời rất ngắn, hãy bỏ bớt những giận hờn để sống vui hơn, ít ra là cho chính mình và sau đó là người thân vậy.

OL, 9.11.2016

Giấc mơ của người Việt

Cuối cùng thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng kết thúc. Người thua gọi điện chúc mừng người thắng, hứa sẽ cùng người thắng dựng xây quê nhà. Người thắng ngợi khen người thua đã có một cuộc tranh cử ngoan cường và về những nỗ lực to lớn đóng góp cho quê hương, để rồi tự cam kết sẽ đại diện cho tất cả những đồng bào. Tất cả là những giá trị Mỹ, những giá trị mà nhiều người Việt bao đời nay vẫn nhớ và vẫn mơ. Những giá trị của dân chủ, tôn trọng, bao dung, và đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên hết.

Xem chuyện xứ người để rồi sau những thời khắc sôi động, quay trở lại đối diện với thực trạng của quê mình. Cũng bởi người mình đôi khi dùng những tiêu chuẩn chẳng giống ai. Như những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa mơ giấc mơ của cuộc nội chiến Mỹ rằng khi buông súng sẽ được kẻ thù của mình xem như đồng bào, trân trọng và hòa giải. Niềm tin đem gửi đi để rồi nhận lại những tù đày, bỏ đói, giết chóc, và hạ nhục. Như những người lính miền Bắc mơ giấc mơ giải phóng miền Nam khỏi áp bức của đế quốc Mỹ để rồi sau đó lại ngậm ngùi chính mình là người được giải phóng. Như những thanh niên và trí thức thiên tả nhiệt tình mơ giấc mơ xã hội chủ nghĩa nơi mọi người ai cũng công bằng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu để rồi vỡ mộng ra rằng nền kinh tế chỉ đủ cung cấp rau muống cho nhân dân và ước mơ rằng mỗi người mỗi ngày được thêm một thìa mỡ để có thể chiên rau. Những ước mơ cao đẹp và những thực tại đói hèn.

Việt Nam hôm nay đã tiến một bước xa hơn, một cách trung bình người dân không còn mơ giấc mơ thìa mỡ như những năm nào. Nhưng còn đó những giấc mơ khác, mơ người Việt Nam một ngày nào đó ra xứ người cũng tự hào vì sự giàu có và văn minh của quê hương, và vì sự đóng góp của quê nhà cho hòa bình và phát triển của thế giới.

Đó là những giấc mơ chung, mơ lớn. Những giấc mơ nhỏ hơn của những con người ở phía dưới của xã hội đôi khi chỉ đơn giản là được bình yên sống vừa đủ với những lo toan. Với những ngư dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi biển chết, giấc mơ đôi khi chỉ giản đơn là Formosa ngưng hoạt động và một ngày nào đó biển sạch lại. Với những ngư dân ở Cà Ná, Bình Thuận, đó cũng chỉ là giấc mơ biển được giữ sạch để họ sống cuộc đời bình yên với biển cả như bao thế hệ cha ông.

Những ước mơ, dù nhỏ nhoi, sẽ chỉ là những mơ ước nếu không ai hành động. Biển Hà Tĩnh sẽ không bao giờ sạch lại nếu Formosa tiếp tục xả thải; và những ô nhiễm môi trường ở Bình Thuận sẽ không thể nào ngăn lại nếu dư luận lặng im.

Phía sau giấc mơ cần có những nghĩ suy của hành động. Nền dân chủ và sự thịnh vượng của người Mỹ ngày hôm nay không phải là ước mơ của một bà tiên phút chốc biến thành hiện thực. Nó là kết quả của một quá trình đấu tranh, đóng góp và xây dựng của nhiều thế hệ người Mỹ.

Những sự đóng góp đó đặt nền tảng trên một xã hội dân chủ, xã hội mà ở đó những người lãnh đạo được bầu chọn tự do, công bằng, và minh bạch. Và vì vậy mà những lãnh đạo được chọn ra để phục vụ người dân, đem lại sự phồn vinh cho đất nước, đúng với khẩu hiệu: «của dân, do dân, và vì dân».

Nhìn người Mỹ để thấy rằng chỉ khi Việt Nam có được một cuộc bầu cử tự do và công bằng thì những lãnh đạo thực sự của dân mới được chọn, và những chính sách vì dân mới được thực thi.

Và để có được một cuộc bầu cử tự do ở Việt Nam trong những năm sắp tới, những người hiếm hoi còn quan tâm đến vận mệnh Việt Nam hôm nay hãy chung tay thức tỉnh người dân và chính quyền rằng chúng tôi muốn có một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những người lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình.

OL, 10.11.2016

Tại sao người Mỹ chọn Trump?

Bạn đưa cho một danh sách trong đó dân ở các xứ khác, trừ Nga, đều chọn Clinton thay vì Trump. Và như vậy người Mỹ với quyết định chọn Trump làm tổng thống là một thiểu số khi so với thế giới. Nhiều người sẽ nói người Mỹ dại. Nói vậy hoặc là chưa suy nghĩ kỹ, hoặc là vỹ cuồng tự cho mình khôn. Nếu người Mỹ dại hẳn họ sẽ không thể tạo ra một nền dân chủ lâu đời và thành công như vậy. Họ cũng sẽ không tự biến mình thành một cường quốc hàng đầu thế giới không chỉ về quân sự, khoa học, nghệ thuật, dân chủ, và truyền cảm hứng cho phần còn lại của thế giới.

Nhưng tại sao người xứ khác lại chọn khác người Mỹ? Bởi vì người xứ khác không sống trong bối cảnh của người Mỹ, lại đánh giá, đưa ra một quyết định thay cho người Mỹ bằng cách dùng những định kiến hấp thụ được bởi văn hóa địa phương mình.

Vậy tại sao người Mỹ lại chọn Trump? Nói một cách đơn giản là người Mỹ đã ngán ngẫm 8 năm cầm quyền của tổng thống Obama. Vì ngán, nên họ đã dành hẳn trái tim cho đảng Cộng hòa. Vì vậy mà đảng Cộng hòa nắm đa số ghế ở cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ trước và sau khi bầu cử.

Tại sao họ lại ngán các chính sách của tổng thống Obama? Nói như những người đi bầu cho Trump là họ muốn thấy một tổng thống mạnh mẽ và hiệu quả. Nước Mỹ là để dẫn dắt thiên hạ, chứ không chỉ rụt rè, để các xứ cho Nga và Trung Quốc tha hồ tung hoành lên mặt.

Về mặt kinh tế, trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của tổng thống Obama, mức nợ công tăng gấp đôi, một con số kỉ lục, từ khoảng 10 ngàn tỉ đô la Mỹ lên mức 20 ngàn tỉ đô la Mỹ. Kinh tế trì trệ, mức tăng GDP trong suốt 8 năm chỉ nhỉnh hơn 1%/năm. Nhưng quan trọng hơn là tỉ lệ người tham gia thị trường lao động giảm liên tục. Tỉ lệ người tham gia thị trường lao động được tính bằng số người thất nghiệp đang kiếm việc làm và số người đang làm việc. Tỉ lệ này giảm liên tục từ mức hơn 66% năm 2008 xuống còn dưới 63% năm 2016 phản ánh một thực tế rằng nhiều người quá chán nản khi không kiếm được việc làm nên bỏ hẳn ý định kiếm việc làm, và họ được cho là rời khỏi thị trường lao động.

Về chính sách y tế, ObamaCare lúc đầu được chính quyền Obama hi vọng sẽ giúp người nghèo, nhưng giờ đây trở thành một sự thất bại. Chi phí y tế đối với người dân không những giảm mà ngày càng trở nên đắt đỏ, hệ thống lại phức tạp. Trung bình mức bảo hiểm y tế tăng lên 22% toàn quốc, có bang tăng hơn gấp đôi. Kèm theo đó là các chính sách thuế, luật lệ, bóp nghẹt các doanh nghiệp ngành bảo hiểm.

Về cuộc chiến chống khủng bố, kể từ khi tổng thống Obama lên cầm quyền đến nay có 9 cuộc tấn công khủng bố cực đoan, giết chết 91 người và bị thương 400 người khác.

Về cải cách hệ thống tài chính, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009, tổng thống Obama và những nhà làm luật đảng Dân chủ đưa ra bộ luật Dodd-Frank năm 2010, dày tới 2,300 trang, hi vọng là sẽ bảo vệ hệ thống tài chính và nền kinh tế. Để rồi cuối cùng không mấy ai hiểu bộ luật dày cộm đó nói gì. Tuy vậy, bộ luật đó vẫn nằm đó và báo cáo bởi American Action Forum cho rằng nó làm thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 1 ngàn tỉ đô la Mỹ trong vòng 10 năm.

Về đối ngoại thì rõ ràng các chính sách ngoại giao của tổng thống Obama không được nổi bật lắm. Nó không chỉ là các thừa nhận của chính ông khi nói về sự thất bại của người Mỹ ở Trung Đông, mà còn ở châu Á, và châu Âu. Trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama, người ta nhìn thấy một nước Mỹ yếu. Lẽ dĩ nhiên là người Mỹ thì phải lo cho người Mỹ trước. Nhưng như là một sứ mệnh của một cường quốc, một cảnh sát quốc tế, không chỉ người ở các nước, mà người Mỹ vẫn muốn thấy nước họ đóng một vai trò hiệu quả trong các ảnh hưởng toàn cầu. Họ muốn nước Mỹ dẫn dắt, chứ không phải một nước Mỹ thỏa hiệp. Đó là lý do họ muốn một lãnh đạo mạnh.

Sau khi thừa hưởng những bình ổn ban đầu của chính quyền mới Iraq, năm 2011 chính quyền Mỹ vội vã rút quân khỏi Iraq, để lại một lỗ hổng về an ninh khiến cho ISIS có dịp xuất hiện. Ở Lybia, chính quyền Mỹ hỗ trợ người dân Lybia lật đổ chế độ độc tài của Gaddafi, nhưng khi thành công thì không có những can thiệp hiệu quả để xây dựng một chính quyền ổn định, để các phe nhóm dân quân Lybia tranh giành nhau dẫn đến nội chiến. Ở Syria, khi Nga đưa quân và khí tài vào can thiệp ở Syria hỗ trợ trực tiếp cho nhà độc tài thì Hoa Kỳ lúc đầu đã không nhiệt tình can thiệp, mãi đến sau thì can thiệp một cách giới hạn. Ở châu Âu, trong khi Nga tăng cường các hoạt động gây hấn ở Crimea, Ukraine, và các nước Baltic thì chính quyền của Obama chỉ có những phản ứng dè dặt. Ở châu Á, trong chiến lược xoay trục về châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc, cuối cùng thì Trung Quốc ngày càng xây thêm đảo, lôi kéo dần các đồng minh của Hoa Kỳ về phía mình.

Liệu với bạn, một người Mỹ, hoặc giả sử đắm mình như một người Mỹ, bạn có muốn các chính sách của tổng thống Obama được tiếp tục thông qua hình ảnh của Hillary Clinton?

Nói đi cũng phải nói lại, ở tổng thống Obama, người ta nhận thấy một sự tinh tế trong ngoại giao, sự mềm dẻo, chất trí thức và nhân văn, và quan trọng là các bài diễn văn của ông luôn gây nhiều cảm hứng. Nhưng người Mỹ thì cả thèm chóng chán, lại thực tế, và giấc mơ Mỹ vẫn còn đâu đó trong tâm. Và đó là lý do họ tìm một sự đổi mới.

OL. 9.11.2016