3.12.16

Từ "thiên đường" Cuba sang "trần ai" Hoa Kỳ

Trong khi nhiều người ca ngợi những thành tựu của Cuba từ miễn phí giáo dục, y tế và hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, thậm chí một số còn đi xa hơn khi ví Cuba như thiên đường trên mặt đất nơi ai cũng được chăm sóc như nhau, thì hàng ngày hàng giờ, nhiều người Cuba ở hòn đảo bé nhỏ chỉ chiếm vừa hơn 11 triệu người này, vẫn lặng lẽ kiếm cách vượt biên sang đất nước đứng đầu thế giới tư bản, Hoa Kỳ, nơi mà giáo dục chẳng miễn phí, và y tế phải đóng tiền, và nơi mà như được mô tả trong các giáo trình kinh tế chính trị Marx-Lenin, một ý thức hệ mà Cuba vẫn dùng làm kim chỉ nam cho đến nay, là nơi mà người bóc lột người.

Thật lạ. Lạ là vì nếu như Cuba là một đất nước thiên đường, hẳn nhiều người Cuba không liều sống liều chết bỏ nước mình ra đi kiếm tìm một tương lai cho mình và cho gia đình ở một đất nước "trần ai" như Hoa Kỳ, nơi không có gì là miễn phí và bạn phải làm việc để kiếm tiền trang trải các sinh hoạt. Họ, những người Cuba, lớp băng đường mòn lặng lẽ đi xuyên Trung Mỹ, băng qua Mexico, và đến nộp mình xin tị nạn ở cổng biên giới Mỹ. Lớp còn lại cố sống cố chết lên thuyền ôm phao bơi xuyên eo biển với hi vọng cập bờ vào Hoa Kỳ.

Chín mươi dặm Anh, hay chừng 144 cây số, là khoảng cách ngắn nhất giữa Cuba và điểm gần nhất của nước Mỹ là Key West của Florida. Nhưng đối với nhiều người, đó là một khoảng cách xa xăm để nối hai đầu của hai thế giới: thế giới của một trong những nước xã hội chủ nghĩa hiếm hoi còn sót lại, và thế giới của trùm tư bản nơi cấm vận và cô lập hòn đảo trong suốt sáu thập niên.

Chín mươi dặm cũng là chặng đường vượt biển mướt mồ hôi và đầy nguy hiểm mà những số phận người Cuba vượt biển cầu mong ngắn lại. Trong số khoảng 100 ngàn nạn nhân chết vì chế độ của Fidel Castro, một số lớn những nạn nhân chết trên đường vượt eo biển chạy trốn chế độ. Họ chết khi bị tàu của công an biên phòng và cảnh sát biển Cuba bắn, và họ chết khi tàu đắm và bị cá mập ăn thịt. Không ai đếm được chính xác những cái chết, vì không còn ai để kể. Những con số tất cả chỉ là những ước lượng.

Với việc nới lỏng cấm vận Cuba của Mỹ trong hai năm gần đây, lượng người Cuba nhập cư vào Mỹ tăng đột biến. Theo đạo luật Cuban Adjustment Act năm 1966, những người Cuba nhập cư vào Mỹ nhận một qui chế đặt biệt: họ chỉ cần đến một cửa khẩu biên giới và trải qua một cuộc kiểm tra bao gồm việc hoàn chỉnh hồ sơ tội phạm và quá khứ nhập cư vào Mỹ. Và sau đó, khi họ đã định cư ở Mỹ được 1 năm thì họ được phép nộp đơn để cư trú vĩnh viễn.

Những người nhập cư bằng đường bộ thường đi qua cổng kiểm soát biên giới khu vực Laredo ở Texas, nằm trên biên giới với Mexico. Đầu tiên họ đi máy bay sang một quốc gia khác ở Trung Mỹ, chẳng hạn như Ecuador, sau đó di chuyển bằng các phương tiện xuyên qua Trung Mỹ, Mexico và cuối cùng đến biên giới giữa Mexico và Mỹ.

Chính sách của chính quyền Mỹ hiện nay cấm nhập cư bằng đường biển. Những ai cố tình vượt eo biển để vào Mỹ, nếu bắt được, sẽ bị trả về lại Cuba hoặc một nước thứ ba. Lí do là vì vượt biên bằng đường biển quá nguy hiểm. Tuy vậy, trong năm 2015, vẫn có 3,505 người vượt biên bằng đường biển bị bắt, cao hơn con số 2,111 người năm 2014.

Chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2016, số lượng người Cuba vào Mỹ là 46,635 người, tương đương với mỗi ngày khoảng gần 155 người, khi so với toàn năm 2015 là 43,159 và năm 2014 là 24,278. Chỉ trong 3 năm vừa rồi, con số người vượt biên từ Cuba vào Mỹ đã ở con số hơn 114 ngàn người, và so với dân số Cuba chỉ hơn 11 triệu người thì tương đương với con số là 1%.

Tổng số người Mỹ gốc Cuba chiếm khoảng 2 triệu người, và hơn một nữa trong đó, khoảng 57%, là được sinh ra ở Mỹ.

Đễ dễ hình dung, thì nếu so sánh với Việt Nam với dân số hơn 90 triệu người thì con số di cư hơn 1% trong 3 năm đó khi tính luôn cả 2 tháng cuối cùng của năm 2016 sẽ tương đương với con số gần 1 triệu người. Nó tương đương với dân số một tỉnh lớn của Việt Nam như Khánh Hòa. Hay nói một cách khác điều đó đồng nghĩa với dân số toàn một tỉnh bỏ xứ ra đi trong 3 năm.

Nếu chính sách nới lỏng này của Hoa Kỳ tiếp tục trong vài năm nữa, không biết còn bao nhiêu người Cuba sẽ ở lại để tận hưởng "thiên đường xã hội chủ nghĩa" trên đất nước mình?

OL,2.12.2016


Tham khảo:

http://www.pewresearch.org/fact-tank/2016/08/05/cuban-immigration-to-u-s-surges-as-relations-warm/