28.9.12

Porto


Cách Frankfurt, trung tâm tài chính châu Âu, chỉ 3 giờ bay, tuy nhiên, đối với không chỉ người xứ khác, Porto vẫn là một cái tên xa lạ ngay cả với nhiều người châu Âu. Có những thành phố bình dị, không ồn ào khoa trương, không quảng cáo rầm rộ, người lữ khách đến đó như một chuyến quá giang và bắt gặp những điều duyên dáng, yên hơn và muốn một lần trở lại. Porto là như vậy.

Porto, hay thường được biết đến trong tiếng Anh là Oporto, là thành phố lớn thứ 2 của Bồ Đào Nha chỉ sau Lisbon. Trong tiếng Bồ Đào Nha, tên thành phố được đọc kèm với một mạo từ hạn định là “o”, nên khi đọc Porto, tiếng Bồ Đào Nha đọc là “o Porto” (có nghĩa là cái cảng). Và do đó, mà cách phát âm của người Bồ bị nhiều người Anh hiểu sai, học nguyên cách phát âm và viết lại nên tiếng Anh mới có thêm từ Oporto để chỉ Porto.

Nằm vắt trên cửa sông Douro, phía Bắc Bồ Đào Nha, Porto là một trong những đô thị chính của phía Nam châu Âu. Thành phố Porto có diện tích 150 dặm vuông và dân số khoảng 1.3 triệu.

Lịch sử hình thành của Porto bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 4. Trong thời kì nằm dưới sự thống trị của La Mã, Porto là một hải cảng quan trọng chủ yếu phục vụ giao thương giữa Olissipona (ngày nay là Lisbon) và Bracara Augusta (ngày nay là Braga).
  
Porto nổi tiếng thế giới với rượu vang bổ. Port wine, Vinho do Porto, Porto hay đơn giản hơn port chỉ loại rượu được sản xuất duy nhất tại vùng thung lũng sông Porto. Rượu Porto là loại rượu vang đỏ, có vị đặc trưng ngọt, và thường dùng làm rượu khai vị.
  
Rượu Porto sản xuất ở thung lũng sông Douro được biết đến và bắt đầu xuất khẩu kể từ thế kỷ thứ 13. Rượu thường được chứa trong các thùng gỗ và được vận chuyển bằng những chiếc thuyền chèo bằng gỗ có lòng hơi phẳng.
  
Vào năm 1703, hiệp ước Methuen thiết lập giao thương giữa Bồ Đào Nha và Anh. Năm 1717 người Anh thiết lập trạm giao thương đầu tiên ở Porto chủ yếu để mua rượu. Việc sản xuất rượu ở Porto sau đó lần lượt rơi vào tay các công ty của người Anh. Nhằm chống thế thống trị của người Anh, thủ tướng Marquis of Pombal của Bồ Đào Nha bấy giờ cho thành lập một công ty Bồ Đào Nha độc quyền về rượu xuất xứ từ vùng thung lũng sông Porto. Ông chia các vùng để sản xuất rượu và bảo đảm chất lượng rượu. Cuối cùng, một nhóm người làm rượu nổi dậy chống lại các chính sách hà khắc của ông trong ngày Xưng Tội Thứ Ba đốt cháy các tòa nhà của công ty này. Cuộc nổi dậy này được gọi là cuộc nổi dậy của những gã say rượu.
  
Trong suốt thế kỉ 18 và 19, Porto trở thành một trung tâm công nghiệp nhộn nhịp với các hoạt động công nghiệp và giao thương. Trong khoảng thời gian này. thành phố mở rộng ra và dân số tăng lên.

Ngày nay, Porto được xem là một trong những trung tâm lâu đời của châu Âu và được công nhân là di sản văn hóa thế giới UNESCO vào năm 1996.

Thành phố nổi bật với kiến trúc của các nhà thờ, từ roman, gothic cho đến baroque, cùng sự xinh xắn của các ngôi nhà cổ còn lại từ thế kỉ thứ 15 nằm dọc bên triền sông. Thế kỉ 19 và 20 được đánh dầu bằng trường phái tân cổ điển và lãng mạn ở các biểu tượng kỉ niệm của thành phố. Người dân Porto rất hiền và dễ mến, thức ăn ngon và đặc biệt, giá cả rẻ hơn so với mặt bằng chung các nước Tây Âu.

Đến Porto trong một chiều, thả bộ dọc triền sông hay leo lên một chiếc thuyền nhỏ sau khi ghé thăm các xưởng rượu để thưởng thức vị rượu Porto, để mùi gió cửa sông mang theo hơi mằn mặn của biển quyện vào người, ngắm mặt trời lặn dần phía đằng xa hắt những vệt nắng vàng cuối cùng lên dãy nhà cổ….cảm giác bâng khuâng một châu Âu nhẹ nhàng, bình dị. Đến và muốn quay lại.