31.3.18

Thoả hiệp thương mại giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc

Tờ báo tài chính phố Wall (Wall Street Journal) hôm 29/3 công bố mức thoả hiệp thương mại mới giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc (*). Sau khi đe doạ đánh thuế lên thép và nhôm với hai mức lần lượt 25% và 10% đối với các nước, Hoa Kỳ sau đó đã gỡ bỏ đối với các đồng minh và để đổi lại là các thoả thuận nhằm có lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ. Và như vậy, như dự đoán, Hoa Kỳ cùng các đồng minh của mình sẽ hình thành một sân chơi riêng đối với các sản phẩm thép và nhôm, cô lập Trung Quốc. Dưới đây là thoả hiệp mới giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ. 

                         

Hoa Kỳ sẽ không đánh thuế thép 25% lên thép Hàn Quốc, để đổi lại một số điều khoản thương mại như sau.

24.3.18

Việt Nam có thể thắng Trung Quốc hay không?

Cuối cùng, như dự đoán bởi nhiều người, Hà Nội đã ra lệnh rút quân và rút cả dàn khoan dầu ra khỏi bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền của Việt Nam.


Trung Quốc biết rằng giới cầm quyền Hà Nội rất sợ chiến tranh và chừng nào mà Trung Quốc không tấn công trực diện làm lung lay chiếc ghế của các nhà cầm quyền cộng sản thì chỉ cần đe dọa một cuộc xung đột vũ trang là đã đủ khiến giới cầm quyền ở Hà Nội nhượng bộ.


Tại sao giới cầm quyền Hà Nội sợ chiến tranh thì nhiều người đã hiểu. Đó là khi một cuộc xung đột vũ trang diễn ra, giới cầm quyền Hà Nội không chắc sẽ kiểm soát được tình hình trong nước, khi mà dưới sự phẫn nộ của người dân và các nhóm trong quân đội, không chắc gì họ để yên cho các cấp cầm quyền ở Hà Nội, đặc biệt là khi mà họ cảm thấy các cấp lãnh đạo không có khả năng. Những nhà cầm quyền ở Hà Nội khó khăn lắm mới có được những vị trí như vậy, và họ không muốn mất đi. Và khi mà nhân dân có thể áp lực họ ra đi thì nhân dân cũng có thể áp lực đưa Đảng Cộng sản ra khỏi vị trí cầm quyền. Trung Quốc hiểu điều đó nên họ chỉ cần đe dọa tấn công Trường Sa là đã đủ để giới cầm quyền Hà Nội nhượng bộ.

Tại sao Hà Nội nhượng bộ Bắc Kinh?

Dưới đe dọa của Trung Quốc, Việt Nam đã yêu cầu công ty Talisman-Việt Nam, công ty con của tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha, dừng khoan dầu tại bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Có một câu hỏi mà có lẽ nhiều người thắc mắc đó là tại sao Hà Nội lại nhượng bộ Bắc Kinh đến vậy và đâu là những lo ngại của Hà Nội khi đưa ra quyết định này?


Nên nhớ rằng đối diện với một ngân sách trống rỗng, giới lãnh đạo cộng sản buộc phải tìm một nguồn thu khác để bổ sung. Tăng khai thác dầu mỏ là một lĩnh vực tiềm năng và có thể nói là duy nhất. Hà Nội có thể tăng thuế xăng dầu để tăng thu ngân sách, nhưng việc tăng thuế xăng dầu sẽ nhanh chóng đẩy lạm phát tăng vọt, khiến mất kiểm soát sự ổn định kinh tế vĩ mô và đưa nền kinh tế đi sâu hơn vào khủng hoảng. Những nguồn thu khác đều giới hạn và khó có thể giúp gì được cho ngân sách Việt Nam trong lúc này. Bạn đọc có thể tham khảo bài «Việt Nam trên bờ vực sụp đổ» mà tác giả đã viết từ đầu năm và vẫn còn nguyên tính thời sự (xem ở cuối bài).


Trở lại câu hỏi rằng trong tình trạng ngân sách khó khăn như vậy, những nguyên nhân nào khiến Hà Nội phải nhượng bộ Bắc Kinh và trở nên bối rối như vậy. Dưới đây là vài lý giải.

Sự cô đơn của Hà Nội

Trên trang Facebook của mình, nhà báo Huy Đức (Trương Huy San) viết bài “REPSOL có thể phải ngưng hai mũi khoan ở bãi Tư Chính 136/3” với nguyên văn như sau:

“Lô 136/03 mà các bạn nhìn thấy trên bản đồ này là nơi thuộc chủ quyền của Việt Nam: Bãi Tư Chính. Nhưng, nó cũng là nơi, đường lưỡi bò của Trung Quốc liếm qua và Bắc Kinh gọi đó là Vạn An Bắc 21. Cả VN và TQ đều coi đây là vùng "chủ quyền không thể tranh cãi" của mình. Việc Hà Nội cho Repsol khoan thăm dò ở lô 136/03 không chỉ như một dự án khai thác dầu - khí đơn thuần mà còn như để khẳng định chủ quyền của VN ở vùng biển này.

Nhưng, ngày mai, thứ Hai, 24-7-2017, có thể Repsol sẽ phải ngưng mọi hoạt động ở đây vì các sức ép đến từ Trung Quốc.

Hai mũi khoan được bắt đầu vào ngày 18-6-2017, đúng ngày Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Phạm Tường Long tới Hà Nội. Tướng Phạm Tường Long khi đó đã bỏ về, BK triệu hồi đại sứ, đòi đàm phán ở cấp cao và đưa gần 200 tàu xuống bãi Tư Chính nhưng Hà Nội vẫn để Repsol duy trì các hoạt động khoan thăm dò.

Nhưng lần này thì có vẻ như Hà Nội đang đơn độc.”

Câu hỏi là tại sao lần này Hà Nội đơn độc?

Hậu quả của việc rút giàn khoan

Việc rút quân và giàn khoan ra khỏi bãi Tư Chính của Việt Nam để lại nhiều hệ quả quan trọng ngay trước mặt và lâu dài cho Việt Nam cả ở ba mặt trận kinh tế, an ninh và ngoại giao.

Thứ nhất, đó là Việt Nam phải đền bù cho những chi phí bỏ ra của Talisman-Việt Nam, công ty con của tập đoàn Repsol, Tây Ban Nha. Repsol đã bỏ ra khoảng 300 triệu đô-la Mỹ cho chi phí hạ tầng, và để đền bù, Việt Nam phải trả ít nhất là con số này cộng thêm các khoản phí liên quan khác.

Thứ hai, việc rút quân tạo ra một tiền lệ rằng Việt Nam không thể bảo vệ những đặc quyền kinh tế trong vùng lãnh hải của mình, và khó mà Việt Nam có thể thuyết phục các nhà khai thác tài nguyên khác đến khai thác trong vùng lãnh hải của Việt Nam trong tương lai. Việc không thể khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khiến Việt Nam bỏ đi những nguồn lợi vô cùng to lớn ở đây.

Thứ ba, đứng trước hoàn cảnh ngân sách quốc gia gần như cạn kiệt và các mỏ dầu khí gần bờ đã đến tuổi và bão hòa, Việt Nam có nhu cầu kiếm thêm các nguồn tài nguyên mới. Dầu khí là một nguồn thu quan trọng đóng góp tới 20% ngân sách quốc gia, nhưng trong một trường hợp phong tỏa như vậy, cơ hội để cứu vãn ngân sách quốc gia nhờ dầu khí dường như đã đóng lại.

Tự do biểu đạt trong giới hạn của văn hoá

Institute for International Economic Studies (IIES) là một viện nghiên cứu kinh tế có thể nói là uy tín nhất Thuỵ Điển và Bắc Âu. Ở châu Âu, IIES cùng với London School of Economics (LSE) ở Luân Đôn và Universitat Pompeu Fabra (UPF) ở Barcelona có thể nói là ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu kinh tế hàng đầu. Một nửa số thành viên của uỷ ban trao giải Nobel về kinh tế để tưởng nhớ Nobel làm việc ở IIES.

Nơi đây, trong căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, hàng tuần, vào mỗi thứ 3 và 5, những cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra giữa một bên là người trình bày và một bên là khán giả. Mọi người được tự do phát biểu và thách thức lập luận cũng như phản bác đối phương. Sau những tranh luận gay gắt đó, tưởng chừng như sẽ không còn muốn gặp nhau nữa thì cuối mỗi buổi seminar, mọi người lại bắt tay nhau, cùng góp ý và trao đổi, coi như ta chưa hề có cuộc cãi nhau (gọi là cãi nhau thì đúng hơn là một cuộc tranh luận, bởi vì không khí đôi khi quá gay gắt).

Ở Stockholm, tuần nào mình cũng ghé để nghe mấy ổng rồi thỉnh thoảng cũng tự do hỏi han, góp ý. Riết rồi quen văn hoá đó.

18.3.18

Trí thức và lãnh đạo

Khi một lãnh đạo cộng sản qua đời, để ý ta sẽ thấy có những loạt bài của những người, tạm gọi là trí thức, tâng bốc công lao những lãnh đạo này. Thấy đau cho dân tộc. Nó giống như cảnh những con người bị xích vào cái lồng cộng sản làm nô lệ bởi một nhóm người tự cho mình là lãnh đạo, để rồi một ngày nào đó, một lãnh đạo nào đó nới lỏng sợi dây xích, cho đám nô lệ kia hưởng thêm được một chút tự do trong tinh thần và vật chất thì đám nô lệ sướng rơn, nhẩy cẫng lên tâng bốc ngài lãnh đạo nọ, mà họ quên rằng những đau khổ gây ra cho chính họ, ông bà, cha mẹ, con cái họ, và cả dân tộc này, là những người như ngài lãnh đạo nọ và đồng chí của họ. 

                          


Tội cho dân tộc đã sinh ra những con người đan tâm ngồi trên đầu trên cổ làm khổ dân tộc, mà cũng tội cho dân tộc có quá ít người dám nói tiếng nói bộc trực, dứt khoát, rằng đã sang thế kỷ 21 rồi, Việt Nam phải là một nước tự do và dân chủ, và người dân Việt Nam phải được tự do bầu chọn lên các lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình, chứ không phải ngồi đó khen những ông chủ cộng sản với tư cách là những-người-đang-ở-trọ-trên-quê-hương. Người Việt Nam xứng đáng với điều đó, họ phải có quyền quyết định tương lai của đất nước và vận mệnh của họ thông qua việc chọn ra những lãnh đạo một cách tự do, và những ai góp phần duy trì sự cai trị thiếu tự do của thể chế cộng sản hiện nay đáng lẽ ra phải bị lên án chứ không phải để kể công.

11.3.18

Tự do thương mại hay bảo hộ thương mại thì sẽ tốt hơn?

Những ngày này, những cuộc tranh cãi về tự do hay bảo hộ thương mại diễn ra từ khắp trong nước cho tới thế giới. Ở trong nước, Vinasun đang kiện Grab. Trên thế giới, Việt Nam, Trung Quốc và vài nước khác đang kiện Hoa Kỳ vì áp thuế nhập khẩu với các tấm pin mặt trời. Ở Hoa Kỳ, cuộc tranh cãi cũng đang diễn ra khi chính quyền Donald Trump định áp thuế thép và nhôm với tỉ lệ lần lượt là 25% và 10% cho các sản phẩm nhập khẩu nhằm bảo vệ ngành thép trong nước, và mức thuế này có thể sẽ bãi bỏ đối với các nước đồng minh, chẳng hạn như Canada hay Mexico, nếu họ nới lỏng các điều khoản cho hàng Mỹ trong Hiệp định Tự do Thương Mại Bắc Mỹ (NAFTA). Câu hỏi là liệu rằng tự do thương mại thì tốt hơn hay bảo hộ thương mại thì tốt hơn cho một quốc gia? Trước khi đề cập đến các yếu tố chính trị, những đánh giá chính sách trước hết sẽ nghiêng thuần tuý về phân tích kinh tế.

Nguồn: Internet 

Những sinh viên kinh tế khi học về kinh tế thế giới, mô hình đầu tiên luôn được dạy đó là mô hình lợi thế tương đối của Ricardo mở đầu cho tự do thương mại. Mô hình này vốn được toán hoá, nhưng ở đây sẽ được trình bày một cách đơn giản như sau. Có hai nước A và B. Cả hai nước người dân đều có thể sản xuất áo quần và lúa gạo. Chất lượng hàng hoá giả sử là như nhau. Có điều năng suất lao động thì khác nhau. Người dân cả hai nước A và B đều có thể tự cung và tự cấp, đóng cửa quốc gia, tự dệt vải và trồng lúa để sinh sống coi như không có tồn tại quốc gia kia. Tuy vậy, người dân ở quốc gia A thì được thiên phú về đất đai và người dân nước B thì lại khéo tay. Cho nên thay vì tự cung tự cấp, đóng cửa không giao thương, thì nếu tất cả người dân ở quốc gia A chuyển sang trồng lúa, còn tất cả người dân ở quốc gia B chuyển sang dệt vải, rồi hai quốc gia trao đổi hàng hoá cho nhau, kết quả cuối cùng sẽ là tổng lượng hàng hoá gồm lúa và vải sẽ lớn hơn nhiều khi hai nước tự cung tự cấp, đóng cửa không giao thương. Với điều kiện như vậy, mô hình đề nghị chính sách là mở rộng cửa thương mại để trao đổi hàng hoá với nước khác, cái gì nước mình có lợi thế cạnh tranh tương đối thì tập trung làm rồi trao đổi với nước khác để thế giới được nhiều hàng hoá hơn, mức sống nâng cao hơn.

Khi Hoa Kỳ muốn áp thuế thép

Tuần rồi tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ đề xuất việc áp đặt mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ với mục đích là bảo vệ những nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ và chống lại việc bán phá giá thép của Trung Quốc vào Hoa Kỳ làm sụp đổ ngành sản xuất thép.

Trung Quốc hiện nay là nhà xuất khẩu ròng (net export, tức tổng lượng xuất khẩu trừ cho tổng lượng nhập khẩu) thép lớn nhất thế giới, trong khi Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu ròng (net import, tức tổng lượng nhập khẩu trừ cho tổng lượng xuất khẩu) thép lớn nhất thế giới. Theo số liệu của tổ chức Thép Thế giới (World Steel Association), năm 2016, mức xuất khẩu ròng thép của Trung Quốc là 94.5 triệu tấn, chiếm gần bằng tổng lượng xuất khẩu ròng của các nước còn lại. Các nước có tỉ lệ xuất khẩu ròng đáng kể sau Trung Quốc là Nhật (34.5 triệu tấn), Nga (26.9 triệu tấn), Ukraine (17.1 triệu tấn), Brazil (11.5 triệu tấn), Hàn Quốc (7.3 triệu tấn), còn lại Đài Loan, Bỉ, Áo, Slovakia, Kazakhstan mỗi nước xuất khẩu ròng từ 2 đến 4 triệu tấn. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhập khẩu ròng 21.7 triệu tấn, kế tiếp là Việt Nam nhập khẩu ròng 17.0 triệu tấn, Thái Lan (16.1 triệu tấn), Indonesia (11.0 triệu tấn), Liên minh châu Âu (10.5 triệu tấn) và các nước Ai Cập, Mexico, Saudi Arabia, Algeria, Poland, Pakistan, Các Tiểu Vương Quốc A-Rập, Bangladesh, Anh, Hong Kong nhập khẩu ròng trong khoảng từ 3 đến 8 triệu tấn.



Trong danh sách 10 nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Hoa Kỳ, theo số liệu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ năm 2015, Trung Quốc đứng thứ 7 với 6% tổng lượng. Con số này là con số ghi nhận thép trực tiếp xuất từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ, và thực chất con số này thấp hơn nhiều so với thực tế. Nguyên nhân là vì Trung Quốc chuyển thép sang các nước khác nhau và bán vào Mỹ và châu Âu. Mỗi nước chiếm vài phần trăm và rất khó thống kê. Vì lý do đó mà chúng ta thấy ở trên rằng Việt Nam là nước nhập khẩu thép ròng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.

Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Ngày 5/3, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Hoa Kỳ viếng thăm Việt Nam đánh dấu một bước mới trong mối quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Hoa Kỳ. Gần một năm rưỡi sau khi cầm quyền, chính sách quốc phòng và ngoại giao của chính quyền tổng thống Donald Trump dần định hình. Về mặt cơ bản, chính quyền của tổng thống Donald Trump tiếp tục kế tục chính sách của chính quyền tiền nhiệm trong việc tái bố trí sức mạnh quân sự về châu Á. Tuy vậy, cách tiếp cận của chính quyền Donald Trump khác với chính quyền của Barack Obama.

Nguồn: Internet 

Sự khác biệt lớn nhất đầu tiên đó là tính bất ngờ trong chiến lược của tổng thống Donald Trump. Giống như những gì ông đã từng biện hộ trong hai cuốn sách của mình, không ai biết rằng chính quyền Mỹ dưới triều Donald Trump sẽ làm gì kế tiếp. Chính vì tính bất ngờ đó mà đối thủ và kể cả các đồng minh đều ở trong trạng thái suy đoán và phòng vệ đối với Hoa Kỳ. Sự bất ngờ và là không chắc chắn trong chiến lược của chính quyền Donald Trump còn thể hiện ở chỗ chính sách đưa ra cho các nước khác nhau sẽ khác nhau, dựa vào lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ, chứ không phải dựa trên một khung tiêu chuẩn chung. Lấy ví dụ như Việt Nam và Campuchia. Cả hai nước đều có thành tích vi phạm nhân quyền một cách tồi tệ trong năm qua nhưng Hoa Kỳ hầu như không có sự lên tiếng đáng kể đối với Việt Nam, thậm chí thắt chặt mối quan hệ, trong khi lên án nặng nề Campuchia, cắt các khoản viện trợ và thắt chặt visa của các quan chức đến Hoa Kỳ.

Mộ Nobel

Nhắc đến Thuỵ Điển, nhiều người có thể không biết vua, hoàng hậu hay thủ tướng là ai, nhưng phần nhiều có lẽ sẽ biết Nobel với 5 giải thưởng danh giá được trao tặng hàng năm nhằm vinh danh các nhà khoa học ở ba lĩnh vực vật lý, hoá học và y sinh học, nhà văn, cùng những nhà hoạt động nhằm kiến tạo hoà bình cho nhân loại. Giải thưởng lần đầu tiên được trao vào năm 1901. Về sau, vào năm 1968, để cổ vũ cho những nghiên cứu kinh tế học đặng đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân loại, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển (Riksbank) đã tạo ra thêm một giải thưởng với cùng quy cách xét duyệt và giá trị nhằm trao tặng cho những nhà nghiên cứu đóng góp vào sự phát triển của kinh tế với tên gọi là giải thưởng kinh tế học nhằm tưởng nhớ Nobel, nhưng người thường gọi tắt thành giải Nobel kinh tế học, đơn giản bởi vì quy trình xét duyệt là như nhau ở các giải thưởng. Và vì vậy mà có đến 6 giải thưởng Nobel.

                                          





Đến Stockholm, bảo tàng Nobel là một địa điểm được gợi ý cần phải đến của du khách. Nó nằm ngay giữa khu phố cổ của Stockholm mà tiếng Thuỵ Điển gọi là Gamla Stan. Bên trong, ngoại trừ một góc nhỏ trình bày về cuộc đời cùng bản di chúc của Alfred Nobel, bảo tàng là một nơi lưu giữ và trưng bày những thành tựu của các nhà khoa học gắn liền với các giải thưởng Nobel được trao tặng. Nó là một nơi để khuếch trương và tri ân những đóng góp của những nhà khoa học cho nhân loại hơn là để tưởng nhớ một người đã hiến dâng hầu hết tài sản của mình cho sự phát triển của khoa học và, như được trình bày nguyên văn trong di chúc, là vì lợi ích lớn nhất của loài người.