11.3.18

Khi Hoa Kỳ muốn áp thuế thép

Tuần rồi tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ đề xuất việc áp đặt mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ với mục đích là bảo vệ những nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ và chống lại việc bán phá giá thép của Trung Quốc vào Hoa Kỳ làm sụp đổ ngành sản xuất thép.

Trung Quốc hiện nay là nhà xuất khẩu ròng (net export, tức tổng lượng xuất khẩu trừ cho tổng lượng nhập khẩu) thép lớn nhất thế giới, trong khi Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu ròng (net import, tức tổng lượng nhập khẩu trừ cho tổng lượng xuất khẩu) thép lớn nhất thế giới. Theo số liệu của tổ chức Thép Thế giới (World Steel Association), năm 2016, mức xuất khẩu ròng thép của Trung Quốc là 94.5 triệu tấn, chiếm gần bằng tổng lượng xuất khẩu ròng của các nước còn lại. Các nước có tỉ lệ xuất khẩu ròng đáng kể sau Trung Quốc là Nhật (34.5 triệu tấn), Nga (26.9 triệu tấn), Ukraine (17.1 triệu tấn), Brazil (11.5 triệu tấn), Hàn Quốc (7.3 triệu tấn), còn lại Đài Loan, Bỉ, Áo, Slovakia, Kazakhstan mỗi nước xuất khẩu ròng từ 2 đến 4 triệu tấn. Trong khi đó, Hoa Kỳ nhập khẩu ròng 21.7 triệu tấn, kế tiếp là Việt Nam nhập khẩu ròng 17.0 triệu tấn, Thái Lan (16.1 triệu tấn), Indonesia (11.0 triệu tấn), Liên minh châu Âu (10.5 triệu tấn) và các nước Ai Cập, Mexico, Saudi Arabia, Algeria, Poland, Pakistan, Các Tiểu Vương Quốc A-Rập, Bangladesh, Anh, Hong Kong nhập khẩu ròng trong khoảng từ 3 đến 8 triệu tấn.



Trong danh sách 10 nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Hoa Kỳ, theo số liệu của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ năm 2015, Trung Quốc đứng thứ 7 với 6% tổng lượng. Con số này là con số ghi nhận thép trực tiếp xuất từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ, và thực chất con số này thấp hơn nhiều so với thực tế. Nguyên nhân là vì Trung Quốc chuyển thép sang các nước khác nhau và bán vào Mỹ và châu Âu. Mỗi nước chiếm vài phần trăm và rất khó thống kê. Vì lý do đó mà chúng ta thấy ở trên rằng Việt Nam là nước nhập khẩu thép ròng lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ.




Bằng việc trợ cấp cho ngành thép khiến giá thép Trung Quốc giảm, Trung Quốc đã từng bước dành thị trường thép thế giới, khống chế, áp đảo thị trường thép, và đè bẹp các công ty thép của phương Tây. Năm 1967, mức sản xuất thép của Trung Quốc hầu như là không đáng kể khi chỉ chiếm 2.1% tổng lượng sản xuất thép trên thế giới. Năm 2000, Trung Quốc đã vươn lên chiếm 15.1% tổng thị phần sản xuất thép của thế giới, và chỉ mười sáu năm sau, năm 2016, Trung Quốc sản xuất cung cấp 49.6%, tức một nửa, tổng lượng thép trên thế giới. Trong khi đó, năm 2000, tổng lượng sản xuất thép của châu Âu chiếm 24.7%, Bắc Mỹ chiếm 15.9%, Nhật Bản chiếm 12.5% tổng lượng sản xuất toàn cầu thì 16 năm sau, năm 2016, tổng lượng cung cấp thép của châu Âu, Bắc Mỹ, và Nhật Bản chỉ còn 12.3%, 6.8%, 6.4% tổng lượng thép thế giới, tức thị phần sản xuất thép của cả châu Âu, Bắc Mỹ và Nhật Bản đều giảm đi khoảng một nửa sau 16 năm. Nếu đà này không chặn lại thì chỉ trong vòng 15 năm nữa, ngành thép của Bắc Mỹ và châu Âu có lẽ sẽ biến mất, nhường đường cho các công ty của Trung Quốc. Đặc biệt là khi mà các nước châu Âu chia rẽ vì lợi ích kinh tế với Trung Quốc và Trung Quốc lần lượt mua lại từ từ các công ty công nghệ cao như xe hơi của Thuỵ Điển, Đức…vốn là những lĩnh vực cần nhiều thép. Trong 50 công ty thép lớn nhất thế giới hiện nay, một nửa là từ Trung Quốc.






Việc đánh thuế thép và nhôm sẽ khiến cho giá thép nội địa Hoa Kỳ tăng lên, giúp bảo vệ một số nhà sản xuất thép trong nước, tuy vậy các nhà xuất khẩu thép vào Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục hưởng lợi vì trong một khoản thời gian ngắn thì khó mà các nhà sản xuất thép trong nước tăng cường đáng kể để bù đắp. Việc đánh thuế này cũng sẽ tác động lên các đồng minh và tạo áp lực lên các đồng minh khi Hoa Kỳ muốn thương thảo lại các hiệp định thương mại tự do, và khiến các nước đồng minh buộc phải "xuống nước" đối với các điều khoản thương mại. 

Những nhà thương thuyết hiệp định thương mại đều biết điều này. Lúc đó, Hoa Kỳ có thể thoả thuận đơn phương với các đồng minh, như Canada hay Mexico chẳng hạn trong Hiệp định Thương mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA), rằng Hoa Kỳ sẽ gỡ bỏ khoản thuế thép này, với điều kiện Canada và Mexico gỡ bỏ rào cản đối với các mặt hàng khác của Hoa Kỳ và đồng thời Canada và Mexico áp dụng mức thuế thép như Hoa Kỳ chẳng hạn nhằm ngăn chặn thép Trung Quốc mượn đường qua Canada và Mexico bán vào Hoa Kỳ. Và như vậy, thương mại giữa các liên minh đối với Hoa Kỳ sẽ không còn thuế thép nhưng thép từ nước khác vào khối liên minh này sẽ phải chịu thuế thép. Điều này sẽ giúp tạo thành một rào cản thương mại ngăn việc nhập thép của Trung Quốc vào các nước trong nhóm liên minh này. 

Lúc này, Hoa Kỳ và các nước liên minh cả hai cùng được lợi. Hoa Kỳ được lợi trong việc có thoả thuận thương mại tốt hơn với các nước trong nhóm liên minh, còn các nước kia có thể đẩy mạnh sản xuất thép để xuất vào Hoa Kỳ thay thế lượng thép Trung Quốc không thể cạnh tranh khi mà thuế thép đối với Trung Quốc tăng. Các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ cũng được lợi khi mà các nước khác trong liên minh cũng được rào cản thuế thép bảo vệ. Về lâu về dài thì hệ thống này có thể mở rộng ra từ Bắc Mỹ, kết nối với châu Âu và Nhật Bản sẽ hình thành một hệ thống đồng minh kinh tế chống lại việc bành trướng kinh tế của Trung Quốc. Cách tiếp cận này nếu được thực hiện sẽ không khác xa bao nhiêu chiến lược dùng Hiệp định Thương Mại Tự Do Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm hợp tác kinh tế và hỗ trợ các đồng minh của Hoa Kỳ trong xây dựng một liên minh chống lại sự áp đảo về kinh tế của Trung Quốc. Câu hỏi là liệu các nước đồng minh Hoa Kỳ sẽ chịu cùng tăng thuế thép (đối với các nước xuất khẩu thép ngoài nhóm đồng minh) để bảo vệ ngành thép nước mình trước Trung Quốc hay không? Nhiều khả năng là có, bởi vì cả Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật đều bị đe doạ trước sức ép của các công ty thép Trung Quốc. Có vài lo ngại rằng việc tăng thuế thép sẽ làm dẫn đến một phong trào chiến tranh thương mại. Thực sự thì đó là những lo ngại thổi phồng. Các nước xuất khẩu thép vào Hoa Kỳ cũng đồng thời là các nước hưởng nhiều lợi ích trong việc buôn bán với Hoa Kỳ. Việc tiến hành các cuộc chiến thương mại chỉ có thiệt nhiều hơn là lợi, và như đã nói, trong ngắn hạn các nhà sản xuất thép nước ngoài vẫn sẽ hưởng lợi, có điều cái bánh lợi nhuận sẽ giảm đi khi phải chia bớt cho các nhà sản xuất thép Hoa Kỳ. Cuối cùng, lượng thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ chỉ chiếm 1.4% về mặt giá trị trong tổng lượng hàng nhập khẩu vào Mỹ (theo số liệu năm 2015) nên sẽ không có nhiều tác động lên kinh tế Hoa Kỳ trong ngắn hạn. Nhưng nếu việc đàm phán lại với các đồng minh có thể đưa đến những hiệp định thương mại nhằm ngăn thép Trung Quốc thì nó sẽ tác động mạnh đến Trung Quốc và về lâu dài có thể giúp ngành thép của Hoa Kỳ và các đồng minh. 


Nguyễn Huy Vũ

7.3.2018 

Tham khảo:

Department of Commerce, U.S., (2016). Global Steel Trade Monitor. Steel Imports Report: United States. Nguồn: https://www.trade.gov/steel/countries/pdfs/2015/imports-us.pdf

World Steel Association, (2017). World Steel in Figures 2017. Nguồn: https://www.worldsteel.org/en/dam/jcr:0474d208-9108-4927-ace8-4ac5445c5df8/World+Steel+in+Figures+2017.pdf