13.6.16

Những chặng đường đến điểm hẹn tự do

Đường lên núi. Nguồn: Internet.
Thảm họa biển ô nhiễm, cá chết và người cũng đã chết vì ăn phải cá nhiễm độc, đã kéo dài hơn hai tháng. Phản ứng lại với nó là một chính quyền ngậm im, dối trá, và vô lương tâm. Họ ngậm im với những nguyên nhân và hệ quả của biển ô nhiễm. Họ nói dối rằng biển an toàn và người dân nên tắm biển, ăn cá khi mà cá bị phát hiện nhiễm kim loại nặng, gà và ngan ăn phải cá đều đã chết. Họ vô lương tâm khi nhìn những ngư dân đói nghèo quanh năm sống nhờ những con thuyền bé nhỏ ven bờ, giờ phải tự lo cho cái đói. Nhưng có lẽ tội lỗi lớn nhất của những người cầm quyền đó là hủy hoại tài sản lớn nhất của quốc gia: đó là biển và hải sản. Nếu cách đây vài năm, nhập khẩu hải sản để ăn là một điều xa xỉ thì rồi đây điều đó sẽ trở thành một thực tế. Biển không còn là sẽ chết nữa, mà là đã chết, và tôm cá chết ở Phú Yên là hiện tượng mới nhất. Những tội lỗi khó thể nào bào chữa.

Những diễn biến trong nước những ngày qua cho thấy hai điều. Về phía những người cầm quyền, những khó khăn quá lớn vượt quá khả năng giải quyết của họ. Biển chết, kinh tế đang sụp đổ, và nạn sứ quân. Những người đang nắm quyền đều biết rằng họ không còn tin vào khả năng dẫn dắt đất nước của những người cầm quyền ở cấp cao nhất nữa, và giải pháp của họ là càng vơ vét càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Ở phía người dân, sau hai cuộc xuống đường biểu tình qui mô, mọi thứ dường như lắng lại. Không phải rằng người dân muốn quên đi thảm họa môi trường và cá chết, vì chừng nào họ không cảm thấy an toàn khi ăn cá thì ngày đó họ vẫn còn ghi trong lòng tội lỗi của những người tạo ra thảm họa. Họ, những người dân, lắng lại chỉ vì họ chưa thấy được một giải pháp nào thực sự có thể đẩy yêu cầu của họ đi xa hơn. Đó là những nỗi niềm ấm ức và lan tỏa, như ngọn lửa âm ỉ chỉ đợi chờ những cơn gió. 

Có một câu hỏi lớn hơn rằng liệu rồi phong trào dân chủ sẽ đi về đâu, và từ thảm họa cá chết này chúng ta có thể làm gì để đối phó hay đẩy phong trào tiến lên? Hay nói một cách khác là chúng ta sẽ làm gì tiếp theo?

Một cách ví von, nếu như viễn cảnh về một đất nước dân chủ tự do như một người đang ở trên đỉnh một ngọn núi thì một người đi đường từ chân núi sẽ phải vượt qua nhiều chặng khác nhau, và ở mỗi chặng, đối diện với một khó khăn, người đi đường sẽ phải dùng đến những chiến thuật nhất định để vượt qua nó. 

Một cách cơ bản, một hệ thống dân chủ tự do sẽ phải bao gồm những quyền như sau: đó là quyền tự do thể hiện, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do đi lại, quyền tự do về kinh tế, xã hội, và văn hóa, quyền tự do về dân sự và chính trị, quyền được tiếp cận về giáo dục, quyền liên quan đến bắt giữ và tra tấn… Và để có được mỗi một trong các quyền như vậy, duy trì và phát triển những quyền đó, chúng ta cần những cách tiếp cận nhất định. Và mỗi khi mà một quyền được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, chúng ta càng tiến đến gần hơn với một thể chế dân chủ tự do. Vì vậy, dân chủ tự do là một hành trình, hành trình để đất nước ngày càng văn minh và tiến bộ hơn cho tất cả mọi người. 

Có nhiều người quan niệm rằng những hệ quả của một xã hội hiện nay là do Đảng Cộng sản và việc cần làm để thay đổi là lật đổ. Có vài điều cần nói. Thứ nhất, về mặt lực lượng, cho đến nay vẫn chưa có một lực lượng nào đủ lớn và có tổ chức đủ để đứng ra thách thức Đảng Cộng sản, và vì vậy kêu gọi lật đổ hay kêu gọi một hành động tương tự là một hành động quá lớn, vượt khả năng của bất cứ những nhóm bất đồng chính kiến nào. Thứ hai, giả sử rằng có một sự ra đi của chế độ cộng sản, dù muốn dù không, chính quyền mới vẫn sẽ phải dùng lại những lực lượng công an, quân đội, và hành chính trong một khoảng thời gian chuyển tiếp nếu muốn cuộc chuyển tiếp diễn ra trong hòa bình và trật tự. Thứ ba, với một hệ thống đảng viên khoảng hơn ba triệu người, cùng với gia đình và họ hàng, tổng cộng khoảng 9 triệu người hay mười phần trăm dân số liên quan đến chính quyền, một chính quyền mới sau khi chuyển sang chế độ mới hẳn sẽ phải đưa ra các giải pháp hòa giải và chung sống với những đồng bào mình, những con người có liên quan đến chế độ cộng sản, nếu chúng ta muốn có một đất nước đoàn kết, hòa bình, và ổn định. Cuối cùng, và quan trọng nhất, là sự ra đi của chế độ cộng sản không phải tự nhiên đưa chúng ta đến với một chế độ dân chủ và tự do. Có nhiều những chế độ dân chủ tự do đã biến thái để trở thành những nước độc tài hay thậm chí trở thành một nước cộng sản trá hình và rồi lụn bại, mà Venezuela là một ví dụ mới nhất. Vì vậy mà cuộc chiến nhằm duy trì và phát huy các quyền dân sự và chính trị phải luôn luôn được thực hiện nếu chúng ta muốn có được một thể chế dân chủ tự do. 

Đạt được mỗi một quyền cho người dân là hoàn thành một chặng đường tiến gần hơn đến đích tự do, và vượt qua mỗi một chặng đường đó cần phải có những chiến lược và chiến thuật. Có những lúc may mắn hay vô tình, một dân tộc tiến qua những chặng đường như vậy mà không tốn nhiều công sức, nhưng như Tôn Tử đã nói: «Chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chậm nhất dẫn đến chiến thắng. Chiến thuật mà không có chiến lược chỉ là những âm vang trước khi bị đánh bại.» Chính vì vậy chúng ta cần nghĩ đến những chiến lược và chiến thuật nhất định để vượt qua mỗi một chặng đường để giành một quyền nhất định. 

Sẽ không bao giờ có một giải pháp duy nhất và cũng không thể nào, sau một đêm ngủ dậy, chúng ta được sống trong một đất nước tự do. Mỗi một quyền là một điều chúng ta cần giành lấy, và để giành lấy, chúng ta cần đến những chiến lược và chiến thuật để đến đích nhanh hơn. Đó là những chiến thuật để lôi kéo các đồng minh, những chiến thuật đe dọa trả đũa đối thủ, những chiến thuật vận động và tuyên truyền, hay những chiến thuật để bảo vệ đồng đội, mà cuối cùng cũng chỉ để giành thêm một quyền và tiến một bước gần hơn về đích tự do. 

Xây dựng một chiến lược và chọn lựa những chiến thuật như thế nào sẽ là nội dung của những bài sắp tới, tuy vậy, có vài điều quan trọng cần nói về cách xây dựng một chiến lược. Thông thường, khi đưa ra một chiến lược và chọn những chiến thuật, những người dẫn dắt thường tập trung tấn công vào tổ chức cầm quyền, cụ thể là Đảng Cộng sản. Đó là một cách tiếp cận sai. Có vài ý. Thứ nhất, lực lượng của phe dân chủ còn yếu để có thể là một tổ chức đối lập trực diện với đảng cầm quyền. Thứ hai, và quan trọng hơn, việc tấn công vào một tổ chức chung chung giống như đánh vào một cái hư danh, mà quên rằng tổ chức bao gồm những con người khác nhau, trong đó họ nắm giữ các vị trí khác nhau, có phản ứng và cảm tình khác nhau với các sự kiện khác nhau và với phong trào dân chủ. Chính vì vậy, một chiến thuật hợp lý hơn là tấn công chọn lọc vào những cá nhân đóng vai trò mắc xích quan trọng ở mỗi chiến dịch. Ngắn gọn, ở mỗi chiến dịch, hãy tập trung vào một vấn đề cụ thể nhất, chọn một mục tiêu cá nhân để tiếp cận, và chọn một chiến thuật để thi hành. Một vấn đề được chọn sẽ là một vấn đề mà giải quyết nó sẽ khiến cho phong trào tiến xa hơn trong việc giành lấy một quyền hoặc để nhận thêm những đồng minh mới. Một ví dụ mới đây nhất là để giải quyết hệ thống chính trị độc tài ở Venezuela, những người đối lập chỉ tập trung kêu gọi sự ra đi của Nicolas Maduro; hay trước đây ở Ai Cập là áp lực cho sự ra đi của Hosni Mubarak. Và điểm cuối cùng, hãy cố gắng xây dựng những kết nối với những cá nhân trong chính quyền làm đồng minh. Như đã nói, trong một tổ chức sẽ gồm những con người khác nhau, nhiệm vụ của những người dân chủ sẽ là lôi kéo sự ủng hộ của những người có cảm tình trong chính quyền; riêng đối với những người là đối thủ tiềm năng, nhiệm vụ của phong trào dân chủ sẽ là đe dọa có những trả đũa mạnh mẽ nếu những cá nhân này tấn công vào phong trào dân chủ. Hãy chọn mục tiêu là những cá nhân thay vì là một tổ chức chung chung.

Một câu hỏi cuối cùng rằng chúng ta đang ở đâu trong hành trình dân chủ hóa đất nước? Những bước cơ bản nhất của một hành trình dân chủ sẽ là giành được quyền tự do ngôn luận, giành được các quyền liên quan đến chính trị như lập đảng chính trị và hoạt động chính trị, giành được quyền tự do bầu cử ứng cử, và bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng. Trong những bước đó, chúng ta đã đi được hơn một nửa ở bước một – giành quyền tự do ngôn luận – thông qua các phát ngôn và bài viết trên facebook. Chúng ta đang nghĩ tới bước hai là xuất hiện các tổ chức chính trị và hoạt động chính trị công khai. Chúng ta đang bắt đầu giành lại quyền bầu cử ứng cử bằng cách đứng ra tranh cử đại biểu Quốc hội. Và có lẽ khó khăn nhất là chúng ta cần nhận thức và nỗ lực để vận động sửa luật Bầu cử nhằm đảm bảo một cuộc bầu cử công bằng. 

Đó là những bước cần thiết và tối thiếu nhất để chúng ta tiến tới một thế chế dân chủ tự do. Nhiệm vụ của những người còn quan tâm đến đất nước là nghĩ suy và kết hợp để vượt qua những bước này.


MN, 13.6.2016

Những thay đổi đã bắt đầu

Thay đổi. Nguồn: Internet.
Những diễn biến xã hội trong vài tuần qua cho thấy rằng những thay đổi nền tảng đã bắt đầu. Có ba sự kiện chính.

Thứ nhất đó là việc Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, và sau khi có những lời góp ý của gia đình và cộng đồng anh quyết định tuyệt thực thêm cho đủ 15 ngày rồi dừng lại. Phải nói rằng hành trình tuyệt thực của anh Thức đã đạt được thành công. Tuyệt thực là một trong các phương pháp tranh đấu bất bạo động nhằm gây sức ép lên chính quyền. Và bằng cách tuyệt thực để phản kháng lại những bất công, hành động tuyệt thực hướng sự phản đối của quần chúng vào nhà cầm quyền. Hành trình tuyệt thực của anh đã đem lại thành công khi ta thấy rằng lần đầu tiên, những trí thức thiên tả một thời ủng hộ chính quyền và thường xuyên đưa ra các kiến nghị kêu gọi nhà cầm quyền thay đổi giờ đây đã có một chọn lựa dứt khoát là đứng về phía anh, một nhà tranh đấu cho nhân quyền, với những cảm thông. Đó là một quyết định đúng, và đúng với ý nghĩa của hai từ trí thức. Vì vai trò của trí thức là đứng về phía người dân, dù họ ít học, nghèo hèn, hay sa cơ, nhưng họ, những người dân bị chèn ép, chính là lương tri của xã hội, và việc đứng về phía họ là đứng về phía của lương tri và nhân phẩm, chứ không phải đứng về phía những người cầm quyền và tư vấn cách cai trị.

Những quan sát còn cho thấy rằng những bước đi chiến thuật của Trần Huỳnh Duy Thức đã được tính toán. Thay vì tuyên bố tuyệt thực để đòi hỏi các nhượng bộ cá nhân, Trần Huỳnh Duy Thức tuyên bố tuyệt thực để đòi hỏi quyền tự quyết của nhân dân về thể chế chính trị cho đất nước. Sự chính đáng và ý nghĩa của hành động do đó đã được nâng lên một tầm cao mới. Ở một chọn lựa thứ hai, khi nghe những lời khuyên của gia đình và cộng đồng, thay vì ngừng tuyệt thực ngay lập tức anh đã chọn tuyệt thực đủ 15 ngày. Hành động đó còn là một lời nhắn về tính kiên định đối với nhà cầm quyền. Rồi đây nhà cầm quyền sẽ có hai lựa chọn. Hoặc là tiếp tục giam cầm anh để rồi chỉ nhận được sự chỉ trích ngày càng lớn hơn về tính dã man và sự quyết tâm hơn của những thành viên phong trào dân chủ. Hoặc là nhà cầm quyền sẽ thả anh vì lí do nhân đạo để rồi quản thúc tại gia. Giữa hai sự lựa chọn, một nhà cầm quyền khôn ngoan sẽ chọn cho mình giải pháp thứ hai, vì đó là một hành động nhân đạo giúp cứu vớt phần nào uy tín của nhà cầm quyền.

Trong sự kiện thứ hai, ca sỹ Mai Khôi đã chọn lựa cho mình một kênh lên tiếng bằng cách hát vào những buổi tối trên facebook live sau khi các tụ điểm ca nhạc đã không còn mời cô dưới áp lực của an ninh. Sự tiếp tục hát và lên tiếng của Mai Khôi là một hành động phản kháng ôn hòa nhưng mạnh mẽ. Đó là một thông điệp gửi gắm về sự không khuất phục cường quyền và đàn áp. Không ai có thể cấm một người khác hát, và chừng nào Mai Khôi còn hát, chừng đó Mai Khôi sẽ còn là một biểu tượng cứng rắn phản kháng lại những bất công, truyền cảm hứng cho những người khác, và xóa tan đi sợ hãi. Nếu Venezuela có Rayma Suprani, một nghệ sỹ vẽ tranh hoạt hình, đả kích chính quyền độc tài thông qua những bức biếm họa, thì Việt Nam giờ đây đã có Mai Khôi.

Ở sự kiện thứ ba, đó là video clip đấu tố MC Phan Anh được lan truyền với tốc độ chóng mặt và phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng buộc VTV phải nhanh chóng yêu cầu gỡ bỏ video clip khỏi trang Youtube. Sự kiện này cho thấy hai điều. Thứ nhất là truyền thông lề dân với cộng đồng mạng giờ đây đã bắt đầu khống chế và định hình dư luận. Thứ hai, và quan trọng hơn, là những phản ứng của cộng đồng mạng trở nên rất nhanh chóng, vượt quá khả năng kiểm soát của nhà cầm quyền. Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng mạng, những thay đổi xã hội có thể sẽ diễn ra vô cùng nhanh chóng trong những ngày sắp tới. Những thay đổi ở Ai Cập khi giới trẻ vận động thay đổi xã hội thông qua các trang mạng xã hội giờ đây đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam.

TÌNH HÌNH MỚI: VIỆT NAM ĐANG VÀO QUỸ ĐẠO CỦA HOA KỲ

Những khó khăn về tình hình kinh tế Việt Nam thực sự chỉ mới là bắt đầu. Chừng nào biển còn nhiễm độc, các ngành khai thác, nuôi trồng, chế biển thủy hải sản, và du lịch miền Trung sẽ tiếp tục điêu đứng. Ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở sự hụt thu ngân sách nhà nước và làm kiệt quệ tài khoản quốc gia, mà nó còn có tính dây chuyền làm giảm sức mua ở các ngành công nghiệp khác khi người dân không còn thu nhập để chi tiêu. Và rồi chúng ta sẽ chứng kiến nhiều hơn các doanh nghiệp đóng cửa vào năm tới.

Đứng trước những khó khăn to lớn như vậy, sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ phải cầu viện đến các tổ chức tài chính quốc tế từ IMF đến World Bank để đưa ra các gói cứu trợ hầu tái cấu trúc nợ công, cải cách hệ thống tài chính và tài khóa. Và có lẽ vì tính đến con đường đó mà giờ đây Việt Nam bắt đầu chuyển hướng đi sâu hơn vào quỹ đạo của Hoa Kỳ.

Chuyến viếng thăm của tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama là một bước ngoặc quan trọng trong mối quan hệ hai nước Việt-Mỹ. Có hai sự kiện chính đáng để ý. Đầu tiên đó là sự dỡ bỏ cấm vận vũ khí. Đó trước hết là một hành động biểu tượng, vì với một ngân sách hạn hẹp Việt Nam khó có thể có những chi tiêu lớn cho vũ khí, và sau đó muốn mua vũ khí nào còn phải có sự thông qua của Quốc hội Hoa Kỳ. Tuy vậy, đằng sau nó là một ảnh hưởng vô cùng lớn lao, mở ra một quan hệ mới giữa hai quân đội. Từ đây, các quân nhân Việt sẽ được sang Hoa Kỳ tập huấn và học tập thường xuyên hơn. Việc tiếp cận với nền giáo dục của các nước dân chủ sẽ giúp hình thành nên những nhận thức mới trong các quân nhân.

Một sự kiện quan trọng thứ hai đó là sự hình thành của Đại học Fulbright nơi người Mỹ có toàn quyền quyết định về chương trình dạy học. Đây sẽ là cái nôi đào tạo ra một thế hệ trí thức tự do mới của Việt Nam, thế hệ mà Việt Nam đã mất đi sau tháng 4 năm 1975. Họ sẽ là những hạt giống ươm mầm cho một xã hội tự do trong những ngày tới.

Cả hai sự kiện trên khởi đầu cho việc gieo những hạt mầm cho những thay đổi từ trên xuống và từ dưới lên. Chúng ta nên cám ơn những người Mỹ, và cả những cá nhân âm thầm mong muốn một sự đổi thay tốt đẹp trong bộ máy chính phủ.

VÀI GỢI Ý CHO PHONG TRÀO DÂN CHỦ

Những người dấn thân cho phong trào dân chủ một lúc nào đó sẽ nghiệm ra rằng những hành động thúc đẩy thay đổi và cách kiểm soát những thay đổi sẽ vượt quá khả năng của một vài cá nhân riêng lẽ. Và do đó, cần đến một sự phối hợp dù là lỏng lẻo nhất. Đối mặt với nó là sự đàn áp của nhà cầm quyền khi tổ chức bắt đầu hình thành. Ở một khía cạnh khác, sự hình thành của những phối hợp, nếu chặt chẽ quá, lại vô tình gạt bỏ đi những ủng hộ và tham gia của những người mới. Có một giải pháp đó là sự hình thành của một hội những người ủng hộ ứng cử tự do. Vì trước hết ứng cử không phải là một tội và ủng hộ ứng cử lại càng là một việc đúng theo pháp luật. Trong tất cả các ứng cử viên ra ứng cử tự do đến này không ai bị bắt hay bị lên án chỉ vì họ ra ứng cử, ngược lại họ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng. Và nếu trong kì bầu cử tiếp theo, nếu mỗi đơn vị bầu cử có hàng trăm ứng cử viên tự do ghi tên ra ứng cử thì đó rõ ràng là một tiếng nói dứt khoát và mạnh mẽ phản kháng nhà cầm quyền, đòi một sự thay đổi.

Sự xuất hiện của facebook live cho ra một kênh giao tiếp vô cùng hiệu quả. Bên cạnh những chương trình ca nhạc của Mai Khôi, đã đến lúc những nhà hoạt động phối hợp với nhau để cho ra một kênh phản ánh các sự kiện xã hội và truyền bá kiến thức luật pháp đến nhân dân. Đó sẽ vừa là một kênh giúp nâng cao dân trí, động viên nhân dân, và cũng là một kênh giới thiệu các gương mặt của phong trào dân chủ đến với người dân, giúp xua tan đi nỗi sợ. Những buổi nói chuyện (talk show) hàng tuần kiểu này với các khách mời đủ các chủ đề sẽ giúp xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ và hiểu biết hơn.

Bất cứ một nhà hoạt động nào cũng cần có một mức thu nhập để nuôi bản thân và gia đình. Ngoại trừ những nhà hoạt động ở bên ngoài có thể tự nuôi sống chính mình, cần có một nguồn kinh phí để nuôi dưỡng các hoạt động và hỗ trợ các nhà hoạt động trong nước. Sự e ngại duy nhất là những nghi ngờ ở việc thu chi. Có hai cách. Nếu những buổi nói chuyện được tổ chức bởi một hội, thì có thể hội sẽ đứng ra quyên tiền tài trợ và trả cho khách mời, phần còn lại giữ làm quỹ hỗ trợ các nhà hoạt động khác. Một cách thứ hai đó là tiền tài trợ sẽ được chuyển thẳng cho những khách mời. Một điểm đáng chú ý là nếu là một hội thì hội đó nên có tính mở, có như vậy mới tạo ra một sự đoàn kết trong cộng đồng.

Và cuối cùng, những người vận động dân chủ sẽ phải bắt buộc nghĩ đến một mô hình chính trị dân chủ để giới thiệu cho những cá nhân khác trong cộng đồng. Những người dân bình thường cần biết rằng họ sẽ được đi đâu và đâu là chọn lựa của quốc gia họ. Có như vậy họ mới có động lực để ủng hộ con đường. Những nghiên cứu chính trị nghiêm túc chỉ ra rằng một mô hình chính trị tốt phải bảo đảm đủ 5 yếu tố:

(1) Giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới.
(2) Giúp ngăn ngừa đảo chính.

(3) Bảo đảm một chính quyền ổn định và làm được việc.

(4) Ngăn ngừa sự thực thi các chính sách tồi dở.

(5) Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.

Một mô hình đảm bảo được 5 yếu tố như vậy và đã thành công đó là mô hình nghị viện-liên bang kiểu Đức. Một thuận lợi nữa của việc theo đuổi mô hình nghị viện-liên bang kiểu Đức đó là quá trình chuyển đổi từ hệ thống chính trị hiện nay sang mô hình kiểu Đức khá dễ dàng bằng cách gộp vài tỉnh lại thành một bang, sửa lại luật bầu cử và luật tổ chức chính phủ.

********

Cuối cùng rồi thay đổi sẽ đến, nhưng chỉ bằng cách góp tay thì bạn mới có được những đổi thay đã từng chờ đợi.

MN, 1.6.2016

Tất cả chỉ là bắt đầu



Chủ nhật, ngày 22/5/2016 tới, đúng ra là một ngày trọng đại của dân tộc: Đó là ngày Bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam. Và nếu đúng theo luật, những đại biểu Quốc hội được bầu chọn trong ngày đó sẽ, tiếp theo, chọn ra những người lãnh đạo cao nhất dẫn dắt đất nước.

Trái ngược với sự long trọng mà đúng ra nó phải có, nếu như trước đây người dân phản ứng lại với một thái độ thờ ơ, giờ đây, một xu hướng mới đang dần xuất hiện: Đó là tẩy chay. Sẽ không lạ gì nếu ngày 22/5 tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến những lá phiếu bị gạch hết; những lá phiếu được vẽ trên đó hình những chú cá chết; những lá phiếu được ghi lên trên đó dòng chữ «Tôi muốn Bầu cử Tự do»; những lá phiếu ghi tên những ứng cử viên tự do đã bị loại trong các cuộc hiệp thương; hay những lá phiếu với những dòng chữ thóa mạ và lên án nhà cầm quyền và cuộc bầu cử phi dân chủ. Chúng ta cũng có thể bắt gặp những hội nhóm tọa kháng hay đứng phản đối, đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do ở các điểm bỏ phiếu. Ở trên mạng, chúng ta cũng có thể sẽ thấy xuất hiện nhiều hơn những chia sẻ phản đối và có lẽ sẽ được nghe nhiều hơn bài hát «Trả Lại Cho Dân» vào ngày này.

Với những người dân, họ có lý do để làm việc đó và đó có lẽ là lựa chọn duy nhất của họ. Vì với những người dân sống trong một xã hội nơi mà nhà cầm quyền tước đoạt mọi quyền lực, bất chấp tất cả ý kiến của người dân, sẵn sàng bịt miệng báo chí, triệt đường kinh tế, đuổi học, làm áp lực đuổi khỏi nhà trọ, dùng an ninh giả danh côn đồ đánh đập, bắt bớ người dân, và sẵn sàng bỏ tù bất kì ai họ không thích, thì người dân đi bầu lên họ làm gì? Và họ có quyền gì để bầu? Vì ai cũng biết tất cả chỉ là một màn kịch khi một nhóm vài chục người nắm mọi quyền sinh sát ở đất nước này, ngày này qua năm nọ, chỉ mị dân, làm lụn bại, và phá tan hoang đất nước: rừng đã sạch, đất đã khô cằn, không khí đã ô nhiễm, và giờ đây biển đang chết. Một quốc gia biển, nơi biển là tài nguyên lớn nhất và quí giá nhất của đất nước đã bị nhiễm độc từ Bắc vô Nam. Tôi không tìm được một lí do nào, dù là rất muốn, để thấy rằng những người cầm quyền còn xứng đáng tiếp tục dẫn dắt đất nước.

Những người có hiểu biết đều công nhận một điều rằng dân Việt quá hiền. Hiền đến độ mà nhà cầm quyền tạo ra một bộ luật, nhưng hệ thống luật ấy chỉ dùng để áp dụng cho dân đen. Những người cầm quyền đứng ngoài và đứng trên luật pháp. Vì nếu chiếu theo luật pháp, với những vi phạm về nhân quyền và lũng đoạn đất nước, chính những người cầm quyền sẽ phải chịu trách nhiệm và bị truy tố trước luật pháp hiện hành. Họ không bị truy tố chỉ vì họ đang nắm trong tay khẩu súng với dùi cui. Và người Việt, cũng như rất nhiều dân xứ khác, đều sợ hai thứ này.

Nhưng có lẽ giờ đây tình thế bắt đầu thay đổi. Một biểu hiện rõ nhất đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều những tiếng nói của các bạn trẻ, đủ mọi thành phần. Họ cất lên tiếng nói vì họ thấy quê hương và tương lai này là của họ. Và khi họ, những người trẻ chiếm một nửa dân số, từ từ bước ra và bước qua nỗi sợ để nói lên khát vọng tự do, những người đang tước đoạt tự do chính là những người sẽ phải sợ. Tất cả dường như chỉ là bắt đầu. Vì một khi mọi người dân đều hiểu rằng đất nước lụn bại vì chúng ta có những lãnh đạo tồi và việc cần làm trước hết là đòi hỏi quyền bầu cử tự do phải được thực thi để chọn lựa lại những người lãnh đạo, và người dân tiếp tục phản kháng cho đến chừng nào quyền bầu cử tự do được thực hiện, thì đó sẽ là những ngày mà nhà cầm quyền bắt đầu hoảng sợ.

MN, 18.5.2016