20.3.14

Tất cả chỉ là lý thuyết


Những ngày chiếc máy bay của Malaysia mất tích, dân mạng Việt Nam đăng ba tấm hình, hai tấm của Việt Nam và Trung Quốc cử tàu tìm kiếm, một tấm của Malaysia đăng hình ba ông thầy cúng đang cầm trái dừa làm phép như chế giễu Malaysia. Trong tâm lý của nhiều người Việt, Malaysia là một nước kém văn minh hơn và việc làm phép kiếm tàu đó chỉ là một ví dụ. Người mình quên rằng chẳng đâu lâu, cho tới gần đây việc tung hô các nhà ngoại cảm đi kiếm mộ đã trở thành một cái mode, thậm chí được các cơ quan chính phủ ủng hộ và hợp tác, cho tới ngày phát giác ra rằng đó chỉ là một trò lừa đảo. Ngoại trừ Singapore là nước Tây hóa nhiều, dân Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác vẫn còn tâm lý mê tín khá nặng, và suy nghĩ khoa học đối với nhiều người vẫn còn là một điều xa xỉ.


Bạn sẽ cho tôi là nói nặng lời, nhưng sự thật là nó như vậy. Mê tín không còn nằm ở chỗ lễ lạt cúng bái, mà nó đã trở thành một tâm lý. Tâm lý rằng: con người có số. Thằng đó giàu là vì nó có số giàu. Nó nghèo vì số nó nghèo. Nó chết vì số nó phải thế. Tất cả đều là có số. Những cái gì không giải thích được đều quy ra số.


Để giải thích cho điều đó, người ta lập luận rằng nó có học gì đâu mà nó vẫn làm giàu. Và thằng kia học rất nhiều nhưng nó vẫn thất bại hoài đó thôi. Rồi cuối cùng kết luận là số nó vậy. Nếu mọi thứ chấm dứt ở đó thì đó cũng là sự kết thúc của khoa học. Vì khi một bệnh nhân bệnh nan y mà chết thì người Việt mình sẽ bảo số nó chết rồi, và hết. Một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thì ta sẽ phán thằng chủ đó số nó không giàu được và kết thúc. Và đó là một lý do mà tại sao chúng ta vẫn còn tụt hậu rất xa so với phương Tây. Không phải bởi vì phương Tây họ giàu có rồi họ có tiền đầu tư tìm hiểu mà bởi vì họ có một tâm lý lành mạnh, khoa học để đặt vấn đề; và nhờ cách đặt vấn đề tìm hiểu một cách khoa học, họ trở nên hiểu biết hơn, từ đó họ làm việc thành công hơn. Đối với một bệnh nhân bị bệnh nan y và chết họ sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh và cách điều trị; đối với một doanh nghiệp thất bại, họ sẽ làm những “trường hợp nghiên cứu” (case study) để cho các sinh viên kinh tế học; tất cả những cái đó đòi hỏi việc đánh giá và nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc.


Phương Tây cũng trải qua một giai đoạn tôn sùng tôn giáo như Việt Nam, và chỉ khi nhà thờ được đặt ra bên ngoài của khoa học thì họ mới phát triển mạnh mẽ như ngày nay.


Những ngày về Việt Nam, gặp những bạn bè tôi không dám nói nhiều. Vì mỗi khi tôi nói, họ sẽ nói rằng đó là lý thuyết. Biết vậy nên gặp bạn bè ít khi tôi đem các chuyện kinh tế chính trị ra nói. Họa hoằn lắm hỏi thăm, tán dóc vài câu những chuyện chẳng đâu vào đâu.


Đối với nhiều người ở nhà, kiến thức từ sách vở là lý thuyết, và lý thuyết thì không áp dụng được bao nhiêu trong cuộc sống. Lý thuyết một đằng, cuộc sống một nẻo. Và đó là lý do mà họ sẽ dùng để giải thích rằng nhiều tay giàu mà chẳng cần học hoặc bằng cấp gì. Và đọc sách lại càng không cần thiết, có nhiều người không đọc sách nhưng vẫn giàu, và ngược lại các tay mọt sách thì nghèo rớt mồng tơi. Ví dụ thì sẽ được đưa ra rất nhiều, và thậm chí rất ư là chắc chắn, như một đại gia ngân hàng rất giàu có mà không biết chữ. Từ những lập luận đó, người ta càng tiến xa hơn trong suy nghĩ và hành động của mình là đọc sách là một việc cốt để giải trí khi mình giàu có, thư giãn và cứ mở cơ sở kinh doanh, gặp may thì giàu, không thì do số mệnh nó vậy mà không chịu đọc sách, học hỏi, tìm tòi cách vận hành một doanh nghiệp như thế nào.


Trong mắt nhiều người giàu có là thành công. Tôi không phản đối quan điểm đó, thậm chí ủng hộ. Vì trước hết, đối với doanh nhân thì giàu có là thước đo của thành công. Và để trả lời cho câu hỏi rằng kiến thức lý thuyết giúp ích được gì, có lẽ chúng ta phải hỏi ngược lại rằng (mà theo giả định kinh tế học nó phải như vậy), giả sử như ông đại gia không biết chữ ở trên có nhiều hiểu biết hơn, thì có thể ông giàu hơn chăng ? Ít nhất theo tôi là nó sẽ giúp ông giảm chi phí thuê người đọc, viết các văn bản, và công việc trôi chảy hơn.


Từ cái sự mê tín như vậy, người dân trở nên phó mặc một phần cho số mệnh. Họ ít khi tự tìm hiểu tại sao mình thất bại, còn người khác thành công. Họ tin cuộc sống của mình như vậy là có số trời định đoạt. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phải có thời mới thành công, thất bại coi như là hết thời. Bôn ba không qua thời vận. Và họ ngừng ở đó. Thường khi khó khăn họ bươn chải kiếm sống, lúc thoải mái họ đọc sách giải trí. Sách và lý thuyết trong mắt họ không phải là nơi cung cấp cho họ những công cụ để giúp họ mưu sinh. Sách là để giải trí và lý thuyết là để đậu những kì thi lấy bằng cấp.


Có người so sánh dân Việt với dân Do Thái: tủ rượu của dân Việt và tủ sách của dân Do Thái. Dân Do Thái vì bị đuổi khỏi quê hương của mình, lưu lạc qua châu Âu, bị cấm sở hữu đất đai nên họ chỉ sống nhờ nghề buôn bán và những nghề trí thức là chính, và đó là lý do các kinh tế gia hàng đầu là người Do Thái. Nhờ có truyền thống chuộng học thức, vì khi không được sở hữu đất đai, chỉ có học thức mới giúp họ tồn tại ở châu Âu, người Do Thái đạt được những thành công ở hầu như mọi lĩnh vực. Ở đầu giường của mỗi gia đình Do Thái đều có một tủ sách và trẻ em được khuyến khích đọc sách từ bé.


Sách không chỉ để giải trí, nó cung cấp kiến thức, làm giàu những tưởng tượng và ước mơ. Từ những tưởng tượng và ước mơ đó, trẻ em lớn lên và được gia đình khuyến khích theo đuổi những khát vọng của mình. Nếu như sách khoa học, kinh doanh cung cấp các kiến thức khoa học, hướng dẫn cách kinh doanh, thì các câu chuyện trong các quyển tiểu thuyết vun xới những tâm hồn. Phương Tây hiểu được ý nghĩa của văn học và họ khuyến khích, ngoài giải Nobel có hàng tá những giải thưởng khác.


Còn tủ rượu của người Việt? Tủ rượu không nói gì hơn ngoài việc chúng ta vẫn còn tâm lý nông dân. Chúng ta chưng rượu để người khác thấy nhà mình sang, có rượu xịn đãi khách.


Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta chưa có được văn hóa đọc sách là vì nhiều yếu tố lịch sử, mà một trong các yếu tố đó là chúng ta bắt đầu làm quen với chữ Quốc ngữ chỉ mới gần đây thôi. Cho tới khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 diễn ra, khoảng 90% dân Việt không biết chữ, một số khác dùng tiếng Việt không thạo. Tiêu biểu là ông Ngô Đình Nhu và ông hoàng Bảo Đại. Hai ông lãnh đạo đều dùng tiếng Pháp sõi hơn là tiếng Việt. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta không có chữ viết. Chữ Hán và chữ Nôm quá khó học đối với đa số dân nghèo, và do đó dân Việt ta không quen với việc đọc sách. Đó là rào cản duy nhất, chứ không phải rằng dân ta nghèo mà không có tiền mua sách. Cũng vì chúng ta không có được một bộ chữ viết riêng của mình mà văn học và các ngành khoa học xã hội không mấy phát triển. Không có những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn với các tác phẩm đồ sộ, một phần vì chúng ta thiếu chữ viết làm phương tiện chuyên chở ý nghĩa.


Từ năm 1945 đến nay được gần 70 năm, thời gian của một đời người, nó còn quá ngắn đối với một dân tộc mới làm quen với chữ viết của mình có được một văn hóa đọc sách và lập luận khoa học thay cho niềm tin mê tín. Nó cần cả thời gian và cả những nhà làm giáo dục.


Oslo, 21.3.2014