3.10.10

Bà Kha Ngọc Chi, vợ ông Lý Quang Diệu


“Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Người phụ nữ bên cạnh người đàn ông có vai trò như một người bạn, người cố vấn, động viên, chia sẻ và phản biện những hướng đi của chồng. Hiếm có ai thành công mà không có một cố vấn giỏi. Ông Lý Quang Diệu cũng là một trường hợp như vậy (nhưng rất may, ông có nhiều cố vấn giỏi, mà một trong số đó là một kinh tế gia từ Hà Lan).

Đọc “Hồi ký Lý Quang Diệu” mới thấy được những tình cảm và chia sẻ mà vợ ông, bà Kha Ngọc Chi, gắn bó với ông từ những ngày còn học trung học ở Singapore cho tới những ngày qua Luân Đôn học Luật, sau đó trở về Singapore, thành lập đảng chính trị PAP, đấu tranh chính trị, độc lập Singapore và xây dựng đất nước. Có xem lại những biến cố trải qua như vậy mới thấy được vai trò của bà. Một người phụ nữ thầm lặng, nghiêm khắc, và thông minh. Một chi tiết rất thú vị là phụ nữ thường mắc tật nhớ dai, và bà Lý cũng không phải là ngoại lệ. Bà luôn phàn nàn ông rằng không cho bà tham gia lễ thành lập đảng PAP – Đảng Nhân Dân Hành Động của Singapore, vốn cầm quyền từ ngày thành lập nước. Sự gắn bó đó kéo dài cho tới ngày bà mất, hôm qua lúc 5h40 chiều. Bà bị đột quỵ, nằm liệt giường từ hai năm và cứ mỗi tối ông Lý nằm kế bên đọc thơ, kể chuyện công việc hằng ngày của ông cho bà nghe.

Bà Lý hơn ông Lý 2 tuổi. Khi còn học trung học, ông Lý Quang Diệu vốn biết bà Kha Ngọc Chi qua thành tích học hành. Ông đứng đầu đầu trường môn Toán nhưng trung bình thì đứng hai. Bà Kha Ngọc Chi đứng nhì điểm Toán nhưng điểm trung bình thì đứng nhất. Ông Lý Quang Diệu biết tên chứ chưa biết mặt. Ông Lý Quang Diệu có một anh bạn, và anh này lại là anh trai của bà Kha Ngọc Chi. Xã hội Singapore vào giữa đầu thế kỷ 20 là một bức tranh tối sáng với nhiều cơ hội kinh doanh. Ông Lý Quang Diệu hợp tác với anh bạn để làm keo hồ đem bán cho các tiệm tạp hóa. Một lần ông Lý Quang Diệu đến nhà anh bạn làm keo hồ và lần đầu tiên gặp mặt bà Kha Ngọc Chi. Mối tình cứ thế đơm hoa. Ông Lý Quang Diệu cũng thuộc dạng chịu chơi. Khi mà xã hội Singapore lúc bấy giờ người dân hoặc đi ô tô, hoặc đi xích-lô, ông lại thường xuyên cỡi mô-tô. Một hôm ông chở bà đi bằng mô-tô về nhà. Ông nhạc phụ tương lai, vốn là một banker, nhìn thấy sửng sốt.

Tốt nghiệp trung học, gia đình khá giả, ông qua Cambridge du học trước, năm sau bà Kha Ngọc Chi nhận học bổng và qua sau. Cả hai đều chọn luật. Sau khi tốt nghiệp, hai ông bà trở về Singapore và hành nghề luật gia. Một chi tiết rất đặc biệt trong mối quan hệ của hai người là ông với bà Kha Ngọc Chi đính hôn trong một nhà hàng nhỏ chỉ có hai người khi còn ở Luân Đôn. Buổi lễ, gọi là một buổi tiệc nhỏ thì đúng hơn, chỉ có nến và hai người giao ước với nhau. Khi về Singapore, ông đến nhà bà Kha Ngọc Chi gặp ba bà Kha Ngọc Chi và xin cưới con gái của ông. Ông nhạc phụ được một phen sửng sốt thứ hai. (Tưởng tượng cảnh một thằng nào đó lạ huơ lạ hoắc tự dưng vác thân tới đòi cưới con gái mình mà mình không biết gì nhiều về nó trong một xã hội những năm giữa thế kỉ 20.)

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, tình hình thế giới biến chuyển dồn dập và Singapore cũng không phải ngoại lệ. Nhất là khi ông cùng các đồng chí tham gia thành lập đảng chính trị PAP. Giữa những lúc tình hình căng thẳng nhất, ông thường lái xe đưa vợ con lên cao nguyên Cameroon ở Malaysia để nghỉ ngơi và cũng để tránh những tai tiếng, ảnh hưởng chính trị. Với khí hậu mát, cao nguyên Cameroon như một “Đà Lạt” của Việt Nam, nổi tiếng với món lẩu chay – lẩu chỉ toàn các loại rau.

Đọc Hồi ký để thấy giữa những biến chuyến dồn dập, những áp lực, khó khăn. Những quyết định không những ảnh hưởng tới an nguy của chính mình mà còn cho cả một xã hội. Vai trò của bà Lý thâm trầm nhưng rất uy lực. Bà là điểm tựa, là cố vấn, là người bạn chung thủy của ông. Một điểm đáng nhớ nữa là khi Singapore tách ra khỏi liên bang Malaysia, chính bà là người ngồi tra cứu trong thư viện về hồ sơ một trường hợp tương tự đã xảy ra trước đây nhằm dùng làm cứ tích cho việc soạn thảo ra một văn bản luật cho việc chia tách.

New York Times gọi ông Lý Quang Diệu là “the man who defined Singapore”- tạm dịch là “người kiến tạo nên Singapore”. Ông đã thành công trong kiến tạo nên một Singapore xanh, sạch, luật lệ, an ninh, giáo dục tốt. Dĩ nhiên, còn rất nhiều điều cần làm đối với Singapore, chẳng hạn chỉ số innovation index (chỉ số sáng tạo chưa cao khi so với các nước cùng thu nhập), chưa có hệ thống an sinh xã hội tốt, không phải welfare state… Xem kết quả để đánh giá thành công và không ai phủ nhận ông Lý Quang Diệu là một chính trị gia thành công và có nhiều ảnh hưởng. (Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nhờ ông cố vấn kinh tế.)

Rất ít bài báo nhắc đến vai trò của bà Lý, nhưng tôi nghĩ vai trò của bà cũng lớn không kém. Nếu ông Lý là “the man who defined Singapore” thì bà Lý chí ít cũng là “the woman who stood with Singapore” -- người đứng cùng Singapore. Chào vĩnh biệt bà.

NHV, 03.10.2010

(*) Muốn tìm hiểu thêm, xin mời đọc: PAP và Chính Trị Singapore