Showing posts with label suy ngẫm. Show all posts
Showing posts with label suy ngẫm. Show all posts

15.4.16

Cho những người bạn

Đường. Nguồn: Internet.
"Có những người tôi chưa hân hạnh được gặp, nhưng tôi xem là bạn, vì đơn giản tôi thấy ở họ cùng một lý tưởng. Thân tặng các bạn Nguyễn Kim Anh, Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Trang Nhung, Đỗ Nguyễn Mai Khôi, Lâm Ngân Mai, Võ An Đôn, và các bạn ứng viên tự do khác".

Nếu có một ngày lịch sử được viết lên về con đường Việt Nam tiến tới một thể chế dân chủ, tên tuổi của những người can đảm, đường hoàng và tự tin ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) hẳn sẽ đứng ở một góc trang trọng, đúng với ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện.

Không phải rằng những con số dưới đa số dành cho các ứng viên tự do ở các hội nghị cử tri là một thành công của nhà cầm quyền. Ngược lại, đó là một thất bại đau đớn và dại dột. Thử hỏi rằng những ai đã tin rằng những nhà cầm quyền mới sẽ mang lại hi vọng cải cách giờ đây sẽ nghĩ gì? Chắc chắn bạn sẽ nhận lại một cái lắc đầu: vũ như cẩn. Rồi đây người dân sẽ đồng thuận với nhau rằng Đảng Cộng sản và những cấp lãnh đạo không còn khả năng tự đổi mới và ngày nào họ còn nắm quyền, ngày đó đất nước còn lầm lạc. Sẽ có thêm nhiều người tù chỉ vì những bài viết mà chính quyền không ưa. Sẽ có thêm nhiều dân oan bị mất đất. Và sẽ có thêm hàng triệu người ngày càng vất vả hơn để mưu sinh và ở trọ ngay trên chính quê hương mình. Phải gọi là ở trọ vì họ nào có quyền gì ở đất nước họ lớn lên và sinh ra, tất cả đều là xin và được cho, thậm chí ngay cả mảnh đất họ ở cũng chỉ có quyền sử dụng mà nhà nước là người sở hữu, thông qua cái gọi là «sở hữu toàn dân». Vậy thì không phải ở trọ là gì?

Chưa bao giờ hình ảnh của nhà cầm quyền với sáo ngữ «công bằng, dân chủ, văn minh» lại trở nên kệch cỡm và hợm hĩnh như bây giờ. Đối mặt với những người trẻ, đơn độc ngay trên chính quê hương mình, nhà cầm quyền dùng tất cả các phương tiện trong tay, từ truyền thông với đủ các tờ báo, tới lực lượng dư luận viên để bịa đặt và bôi nhọ các ứng viên tự do. Thấy chưa đủ, họ còn làm khó dễ giấy tờ đến dùng an ninh để hăm dọa các ứng viên. Tất cả những sự việc đó khiến cho những trí thức dù ủng hộ nhà cầm quyền cũng phải thấy tự xấu hổ.

Ở các hành động trấn áp phong trào ứng cử tự do đó không cho thấy một nhà cầm quyền mạnh, mà ngược lại đó là hình ảnh một nhà cầm quyền yếu. Yếu đến nỗi không dám để bất kì ứng viên nào vào Quốc hội để có thể tranh luận một cách công bằng và thẳng thắn với bất kì đại biểu nào của Đảng. Và yếu đến nỗi mà các tờ báo chỉ dùng những lời lẽ hạ cấp để thóa mạ và bôi nhọ các ứng viên, không thể có nỗi một tranh luận đàng hoàng và tử tế về các chính sách. Cái mà nhà cầm quyền có là lực lượng an ninh. Nhưng một chính quyền mà chỉ còn dùng an ninh để cai quản và làm sợ người dân thì đó là một chính quyền yếu, vì yếu nên họ mới cai trị bằng nỗi sợ. Một chính quyền mạnh họ cai trị bằng sự chính danh, sự nể phục, tôn trọng, và yêu thương. Những điều này hoàn toàn vắng bóng ở nhà cầm quyền Việt Nam.

Có thể chúng ta bi quan ở các hội nghị cử tri rằng có những người, bất chấp đạo lý, đứng lên mạt sát các ứng viên, và rồi cho đó rằng không có một tương lai nào cho Việt Nam. Đó là một tâm lý bi quan. Nên nhớ rằng những người được phép tham dự là một nhóm nhỏ người được chọn lựa cẩn thận và những phát biểu chỉ phản ánh một thiểu số. Thay đổi đất nước cần ý kiến của một đa số người dân, nhiều người trong đó mong muốn một sự thay đổi, tuy vậy, họ chắc chắn không được mời. Và cũng nên nhớ rằng chỉ cần một đa số người dân trong xã hội ủng hộ thay đổi đã là một thành công, và trong một nửa còn lại không ủng hộ thì bạn có thể tìm thấy họ ở các hội nghị hiệp thương.

Sẽ có nhiều người buồn. Và ai đã cố gắng, không thành công, mà chẳng buồn? Nhưng hãy nghĩ lại, ở một cuộc bầu cử mà không có kiểm phiếu độc lập, nhà cầm quyền nắm tất cả mọi thứ từ luật chơi đến kiểm phiếu thì có mấy cơ hội mà phe đối lập dành thắng lợi? Nó giống như là một màn múa rối mà người giật dây là nhà cầm quyền và khán giả là nhân dân. Những thể hiện của các ứng viên tự do giúp nhân dân thấy được đâu là «kĩ năng» và «trình độ» của người điều khiển. Để rồi họ biết phải làm gì tiếp theo.

Cuối cùng, nếu nhìn lại phong trào ứng cử tự do, hẳn nhiều người thấy rằng chưa bao giờ phong trào dân chủ có những thời khắc sôi động và gần gũi đến như vậy. Chính trị không còn là những điều xa lạ và đáng sợ. Sự dọa dẫm của an ninh hay những án tù dành cho những nhà bất đồng chính kiến trong khi phong trào diễn ra không làm người ta sợ. Sẽ có vài người phải bước vào nhà tù nhỏ, nhưng dân tộc này sẽ tiến bước nếu cả dân tộc muốn thấy có một tương lai. Và trên con đường đó, hôm nay những người trẻ, một cách can trường và đầy tình yêu, bước ra, đặt những viên gạch.

Minneapolis, 3.4.2016

27.3.16

Du học, về hay ở?

Du học, rồi trở về hay ở lại, đó là một quyết định cá nhân; một quyết định mà phương trình có nhiều tham số trong đó lòng yêu nước chỉ là một. Nhưng nếu hỏi một du học sinh Việt chọn cách ở lại rằng họ có yêu nước không, nhiều phần chắc chắn là có. 

Họ, cũng như nhiều người Việt khác, đều mong mỏi đất nước ngày càng phát triển, để có cái mà tự hào khi giới thiệu với chúng bạn nước ngoài tôi là người Việt, và để mỗi lần đi ngang những cửa khẩu hải quan cầm trên tay cuốn hộ chiếu Việt Nam không còn bị hải quan nước ngoài soi mói, vặn vẹo đi đâu và làm gì. Họ, những du học sinh Việt chọn cách ở lại, đều đặn liên lạc với gia đình và bà con, gửi tiền và quà về chăm sóc bố mẹ, người thân. Và nếu định nghĩa rằng tình yêu nước giản đơn là tình yêu quê hương, chòm xóm, yêu gia đình, ông bà, cha mẹ, thì hẳn những du học sinh chọn cách ở lại có tình yêu quê hương không kém gì những bạn chọn cách quay về. 
Chim về đón xuân. Nguồn: Internet.

Có một câu hỏi lớn hơn là làm sao đất nước tận dụng được năng lực của những du học sinh cho công cuộc phát triển đất nước, thay vì phán xét ở hành động ở hay về của họ. Tôi muốn kể bạn vài câu chuyện.

Câu chuyện về sự thành công của ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc. Cho đến cuối những năm 70s của thế kỉ trước, các công ty điện tử của Hàn Quốc đa phần chỉ là những công ty lắp ráp hợp tác với vài công ty của Nhật. Một ví dụ là ở ngành sản xuất ti-vi màu bắt đầu từ năm 1974. Nó lúc đầu là hợp tác giữa công ty Matsushita Electric Co., Ltd và một công ty địa phương, theo sau đó là Samsung Electronics Co, Ltd, Goldstar Co., Ltd, và Taihan Electric Wire Co.,Ltd. Sau khi Matsushita tham gia vào Hàn Quốc thì Sony nối gót theo sau. Lúc đầu, các sản phẩm sản xuất chỉ dành để xuất khẩu, vì cho đến lúc đó Hàn Quốc vẫn chưa có hệ thống truyền hình ti-vi màu nên thị trường trong nước là con số không. Đến cuối năm 1978 khi thị trường xuất khẩu giảm mạnh, các doanh nghiệp này nhanh chóng chuyển sang thị trường trong nước nơi mà truyền hình ti-vi màu bắt đầu hoạt động. Tuy vậy, thị trường ti-vi màu cũng nhanh chóng bão hòa, khiến các doanh nghiệp điện tử phải tìm một chiến lược phát triển khác. Tình thế khó khăn khiến cả Matsushita và Sony quyết định rút khỏi thị trường Hàn Quốc. Lúc này Samsung quyết định đầu tư vào thị trường công nghệ vi xử lý. Ban đầu Samsung định đấu giá mua bản quyền sản xuất công nghệ bộ nhớ động 64K-DRAM. Đấu giá thất bại khiến Samsung thực hiện một chiến lược tham vọng hơn nhằm phát triển riêng công nghệ VLSI cho chính mình, và quá trình được thực hiện ở Mỹ nhờ phần lớn vào các kỹ sư gốc Hàn ở đây. Samsung cho thành lập một phòng thí nghiệm ở thung lũng Silicon, Mỹ đặc trách việc nghiên cứu công nghệ này, và các kỹ sư gốc Hàn tốt nghiệp ở Mỹ đóng vai trò là cầu nối chuyển giao công nghệ từ trung tâm nghiên cứu ở California về Hàn Quốc. Chỉ mất mười năm để ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc lột xác từ một ngành công nghiệp chuyên lắp ráp thành đứng đầu trong công nghệ DRAM. Công đó tùy thuộc rất lớn vào các kỹ sư gốc Hàn đang làm việc ở các trung tâm nghiên cứu ở Mỹ. 

Những ngày ở Mỹ, gặp những bạn người Hàn Quốc đang làm nghiên cứu sau tiến sỹ, hỏi bạn có định về Hàn Quốc không, bạn bảo chưa biết nữa. Tôi nghe, nghĩ nhiều đến câu chuyện trên đây, và hiểu ra tại sao các công ty công nghệ của họ nắm bắt thị trường năng động vậy, nếu chẳng nhờ một phần lớn ở các kỹ sư gốc Hàn ở đây. 

Hai câu chuyện tiếp theo tôi muốn kể là ở Bắc Âu, nơi tôi học. 

Những bạn học kinh tế vĩ mô tính toán (quantitative macroeconomics) hay thị trường không hoàn hảo (incomplete market) sẽ phải học qua mô hình Krusell-Smith; bài báo xuất bản năm 1998 trên tạp chí hàng đầu Journal of Political Economy. Per Krusell người Thụy Điển, tốt nghiệp tiến sỹ kinh tế ở đại học Minnesota năm 1992, sau đó làm giáo sư cho các đại học ở Mỹ. Cho đến trước khi về lại Stockholm, Thụy Điển năm 2008 nhận chức giáo sư cho Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới (Institute for International Economic Studies -- IIES) thuộc đại học Stockholm thì ông là giáo sư (full professor) của đại học Princeton. Sự góp mặt của ông cùng hợp tác của các giáo sư khác biến IIES trở thành một trong các trung tâm nghiên cứu kinh tế hàng đầu châu Âu. Nói thêm, một tỉ lệ lớn các giáo sư trẻ mới gia nhập IIES là gốc Đức. 

Một ví dụ khác là một người thầy của tôi, giáo sư kinh tế Kjetil Storesletten ở đại học Oslo. Kjetil Storesletten người Nauy, lấy bằng tiến sỹ kinh tế ở đại học Carnegie Mellon, Mỹ năm 1995. Sau đó ông bôn ba, làm giáo sư ở viện nghiên cứu kinh tế IIES Stockholm, về lại Oslo làm giáo sư cho đại học Oslo, tiếp theo đó ông qua lại Mỹ làm cố vấn chính sách tiền tệ (monetary advisor) ở Ngân Hàng Trung Ương Mỹ Minneapolis (Fed Minneapolis) đến năm 2012 thì trở về lại Oslo làm giáo sư và là một trong các thành viên của Ủy Ban Chính Sách Tiền Tệ của Ngân Hàng Trung Ương Nauy. Sự trở về của ông kèm theo một dự án nghiên cứu được tài trợ bởi Ủy Ban Nghiên Cứu Châu Âu thông qua đó nhằm xây dựng một trung tâm nghiên cứu kinh tế tính toán ở Oslo. Chỉ trong một thời gian ngắn 3 năm trung tâm đã qui tụ được một lực lượng đáng kể các nghiên cứu viên về kinh tế tính toán, công đó nhờ vào những nỗ lực và mạng lưới làm việc của ông. 

Ở trên, nếu hai vị giáo sư về nước sớm, hẳn các ông sẽ khó mà có được một mạng lưới liên kết nghiên cứu tốt cũng như kinh nghiệm nghiên cứu sâu nếu các ông không có cơ hội tương tác trong các môi trường nghiên cứu đỉnh cao. 

Ở một góc khác trong cộng đồng Việt Nam, rất nhiều bạn nhận được sự giúp đỡ học bổng và hướng dẫn nghiên cứu của các giáo sư người Việt. Các giáo sư người Việt ở ngoài còn đóng vai trò là cầu nối về mặt học thuật giữa các đại học Việt Nam và thế giới. 

Các ví dụ trên chỉ là vài trong vô số các ví dụ để cho thấy có một cộng đồng ở bên ngoài là một điều vô cùng cần thiết cho đất nước, với điều kiện các cơ quan trong nước biết cách giữ một mối quan hệ chặt chẽ. Cộng đồng bên ngoài đóng vai trò là cơ quan cập nhật thông tin và công nghệ khoa học cho đất nước. 

Cuối cùng, tôi xin kể một câu chuyện về sự phát triển thành công ngành đầu tư mạo hiểm của Israel như là một trong rất nhiều câu chuyện thành công của họ nhờ ở cộng đồng Do Thái ở nước ngoài. 

Những năm đầu sau khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, một lượng lớn dân Do Thái từ các nước thuộc Liên Bang Sô Viết đổ về Israel. Trong vòng 3 năm tổng số người nhập cư khoảng một triệu người, chiếm 20% dân số Israel. Trình độ dân nhập cư rất cao với 40% có bằng đại học trở lên. Để giải quyết công ăn việc làm cho những người này, chính quyền Israel khuyến khích họ lập những công ty khởi nghiệp. Vấn đề còn lại duy nhất là vốn. Lúc đầu chính quyền Israel chọn chính sách cho vay trực tiếp. Nhưng chính sách này sau đó nhanh chóng thất bại. Các công ty sản xuất ra sản phẩm chất lượng tốt nhưng thất bại ở khâu tài chính và phân phối, hàng làm ra bán không được. Chính sách thất bại khiến chính quyền Israel nghĩ sang thử nghiệm một hướng khác và lần này thành công. 

Lần này chính quyền Israel định hướng lập ra một thị trường đầu tư tài chính mạo hiểm. Trước hết họ lập ra một công ty đầu tư trị giá 100 triệu đô la Mỹ lúc bấy giờ gọi là Yozma Venture Capital (YVC). Yozma trong tiếng Hebrew nghĩa là « khởi đầu ». Cùng với các đối tác chiến lược họ lập ra 10 quỹ, ở mỗi quỹ YVC bỏ ra 8 triệu đô, một tỉ lệ thiểu số so với đối tác, sau đó đầu tư trực tiếp vào 15 công ty. Điều kiện giao kèo là sau 5 năm, các đối tác chiến lược được phép mua lại hết cổ phần của YVC với các điều kiện định trước, thường là mức vốn ban đầu với một mức lãi suất cố định thấp. Việc lựa chọn các đối tác chiến lược trở nên dễ dàng hơn nhờ chính quyền tận dụng được các mối quan hệ với cộng đồng Do Thái bên ngoài vốn nối tiếng ở các hoạt động tài chính. 

Kết quả là 8 trong 15 công ty mà YVC đầu tư được đưa lên sàn chứng khoán hoặc được mua lại. 9 trong 10 quỹ các đối tác quyết định mua lại cổ phần của YVC. Kể từ đó ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm của Israel bắt đầu được hình thành và các công ty công nghệ thành công của Israel xuất hiện ngày càng nhiều. 

Sự thành công trong chính sách dựng xây nên nền công nghiệp đầu tư mạo hiểm của Israel sau đó được học hỏi và thực hiện ở Đài Loan, Hàn Quốc, Nam Phi, Úc, New Zealand, Đan Mạch, Cộng Hòa Séc và Slovakia. 

Một câu hỏi cuối cùng đó là làm sao để du học sinh và người Việt ở hải ngoại có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước? Những người quan tâm đến đất nước và cả những nhà cầm quyền hẳn đã biết câu trả lời, vì nó đơn giản là nguyện vọng thiết tha của dân tộc mà rất rất nhiều người góp ý và lên tiếng bằng cách này hay cách khác trong suốt bao nhiêu năm qua : Hãy cho người dân được tự do chọn cho mình người lãnh đạo và người lãnh đạo hãy thực hiện những chính sách vì lợi ích của nhân dân. Chỉ một khi người dân, du học sinh và kiều bào hải ngoại, thấy rằng họ có tiếng nói và họ làm được những thay đổi có ý nghĩa ở quê nhà hẳn họ sẽ trở về hay góp công sức theo cách này hay cách khác nhiều hơn.

Những ngày ly hương dân Do Thái hay nhớ về cố hương và họ chúc tụng nhau rằng « Hẹn gặp ở Jerusalem » để nuôi hi vọng rằng một ngày nào đó họ có một đất nước để quay về. Tôi cũng muốn ước rằng « Hẹn gặp ở Việt Nam » với những người bạn mong ước nhìn thấy một đất nước Việt Nam tự do cho tất cả mọi người, kể cả những người theo Đảng Cộng Sản. 


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 10.12.2015

Những ngày ở Singapore: Miến Điện

Hồi đi làm ở Singapore, cũng như dân Singapore, lúc cuối tuần rảnh rỗi hoặc là đi kiếm quán ăn mới ăn cho biết, đi xem phim, hoặc đi công viên. Một lần tò mò muốn tìm hiểu món ăn Miến Điện thế nào tôi vào một nhà hàng Miến Điện, và sau đó bị ghiền. Ghiền là bởi vì họ có bán một món mỳ giống y chang hủ tiếu Nam Vang của mình, có tên Miến Điện khác, nhưng ngon hơn hẳn. Có hai loại, mỳ khô và mỳ nước. Nếu mỳ khô thì họ trụng mỳ bỏ gia vị trộn vào và thêm một bát nước trên có ít mỡ. Ngoài mỳ còn có lòng heo, gan heo, và đặc biệt cải xanh hơi đăng đắng và hành chiên vàng. Cái vị bùi bùi của lòng heo thêm với cái đăng đắng của cải xanh và đậm đà của mỳ không chê vào đâu được. Tôi ghiền từ đó và thỉnh thoảng hay ghé. Nhà hàng nằm ở tầng dưới của Penisula Plaza, ngay Citi Hall.
Singapore.

Tôi ở chung nhà với các bạn người Miến Điện. Nhà có 3 phòng. Phòng lớn nhất một mình tôi ở. Hai phòng bé hơn, một phòng một anh người Malaysia ở, một phòng còn lại 4 anh người Miến Điện ở. Phòng bé tiền thuê rẻ hơn, và có giường tầng nên 4 anh người Miến Điện ở được, vì chủ yếu để ngủ. Chỉ có cuối tuần thì hai anh dẫn bạn gái về một anh dẫn vào phòng, một anh dẫn ra phòng khách, còn hai anh còn lại đi chỗ khác ngủ. Người Miến thân thiện và sống rất tiết kiệm. Trong bốn anh, có một anh có vợ dễ gần. Những lúc nấu cơm hay hỏi anh đi làm kiếm tiền ra sao anh bảo bên này đi làm mỗi tháng được khoảng 1500 đô Singapore, trả tiền nhà hơn 100 đô Singapore, tiền ăn uống bạn bè chừng 400 đô nữa, còn lại 1000 đô gửi về quê. 1000 đô ở quê quý lắm, độ ấy được khoảng 700 đô Mỹ. Nấu ăn các anh ấy không dám nấu bếp gas vì sợ tốn tiền gas. Ở chung nhà, tiền điện 3 phòng chia nhau, còn tiền gas ai dùng nấy trả. Tôi và anh người Malaysia chia nhau tiền gas. Tôi hay bảo anh người Miến Điện cứ dùng không sao cả, nhưng các anh ngại. Không nấu bằng bếp gas, các anh nấu cơm bằng 2 nồi cơm điện. Một nồi nấu cơm, một nồi nấu đồ ăn. Bốn người ăn chung. Đồ ăn thường chỉ rau củ là chính, và nấu kiểu cà ri Miến Điện.

Người Miến Điện chịu khó và trung thành nên các ông chủ ở Singapore rất thích. Nhiều công ty toàn tuyển người Miến Điện. Ngay cả trong tuyển sinh, thời tôi, chính phủ Singapore cũng có chính sách riêng. Họ qua bên Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ chỉ chủ yếu tuyển sinh đại học, riêng với Miến Điện thì họ lại chỉ tuyển đa số vào các trường cao đẳng polytechnic. Người Việt mình thấy vậy chứ ít chịu khó. Ngày tôi đi làm bồi bàn ở khách sạn trong suốt 4 năm đại học, cả khách sạn Swissotel Merchant Court Singapore chỉ mỗi tôi là người Việt duy nhất làm lâu nhất, còn lại là toàn sinh viên Miến Điện, họ làm việc rất chăm chỉ.

Ở với các anh người Miến Điện ít lâu, một hôm một anh dẫn mấy người bạn Miến Điện về nhà. Gặp một anh trong bếp sau vài phút nói chuyện, biết tôi là người Việt, anh bảo, con gái Việt đẹp lắm. Tôi hơi bất ngờ, nhưng trấn tĩnh, hỏi tiếp, sao anh biết. Thì anh trả lời rất tự nhiên, tao chơi với con gái Việt hoài. Rồi như thấy tôi chưa hiểu hết câu chuyện, anh kể thêm, cứ cuối tuần anh hay xuống khu Joo Chiat của Singapore, vào quán bar, uống bia, thích cô nào người Việt thì mời bia và rủ qua đêm. Đến đây thì lòng tôi se lại, không biết nói gì.

Hôm nay, thấy Miến Điện tiến một bước dài về dân chủ, khi người dân được bỏ phiếu chọn ra người lãnh đạo dẫn dắt đất nước họ, dù là dân chủ chưa hoàn hảo khi các ông tướng vẫn nắm giữ 25% số ghế trong quốc hội, Miến Điện bắt đầu thấy ánh bình minh trước mặt. Nghĩ tới Miến Điện và nghĩ về Việt Nam, tôi nghĩ, chẳng lẽ nào 5-10 năm nữa, con gái Việt mình lại đổi thị trường thay vì qua Singapore, vốn đang kiểm tra ngặt nghèo, lại chuyển sang Miến Điện? Nghĩ đến đó mà lòng đắng lại.


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis 9/11/2015

20.3.14

Tất cả chỉ là lý thuyết


Những ngày chiếc máy bay của Malaysia mất tích, dân mạng Việt Nam đăng ba tấm hình, hai tấm của Việt Nam và Trung Quốc cử tàu tìm kiếm, một tấm của Malaysia đăng hình ba ông thầy cúng đang cầm trái dừa làm phép như chế giễu Malaysia. Trong tâm lý của nhiều người Việt, Malaysia là một nước kém văn minh hơn và việc làm phép kiếm tàu đó chỉ là một ví dụ. Người mình quên rằng chẳng đâu lâu, cho tới gần đây việc tung hô các nhà ngoại cảm đi kiếm mộ đã trở thành một cái mode, thậm chí được các cơ quan chính phủ ủng hộ và hợp tác, cho tới ngày phát giác ra rằng đó chỉ là một trò lừa đảo. Ngoại trừ Singapore là nước Tây hóa nhiều, dân Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác vẫn còn tâm lý mê tín khá nặng, và suy nghĩ khoa học đối với nhiều người vẫn còn là một điều xa xỉ.


Bạn sẽ cho tôi là nói nặng lời, nhưng sự thật là nó như vậy. Mê tín không còn nằm ở chỗ lễ lạt cúng bái, mà nó đã trở thành một tâm lý. Tâm lý rằng: con người có số. Thằng đó giàu là vì nó có số giàu. Nó nghèo vì số nó nghèo. Nó chết vì số nó phải thế. Tất cả đều là có số. Những cái gì không giải thích được đều quy ra số.


Để giải thích cho điều đó, người ta lập luận rằng nó có học gì đâu mà nó vẫn làm giàu. Và thằng kia học rất nhiều nhưng nó vẫn thất bại hoài đó thôi. Rồi cuối cùng kết luận là số nó vậy. Nếu mọi thứ chấm dứt ở đó thì đó cũng là sự kết thúc của khoa học. Vì khi một bệnh nhân bệnh nan y mà chết thì người Việt mình sẽ bảo số nó chết rồi, và hết. Một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thì ta sẽ phán thằng chủ đó số nó không giàu được và kết thúc. Và đó là một lý do mà tại sao chúng ta vẫn còn tụt hậu rất xa so với phương Tây. Không phải bởi vì phương Tây họ giàu có rồi họ có tiền đầu tư tìm hiểu mà bởi vì họ có một tâm lý lành mạnh, khoa học để đặt vấn đề; và nhờ cách đặt vấn đề tìm hiểu một cách khoa học, họ trở nên hiểu biết hơn, từ đó họ làm việc thành công hơn. Đối với một bệnh nhân bị bệnh nan y và chết họ sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh và cách điều trị; đối với một doanh nghiệp thất bại, họ sẽ làm những “trường hợp nghiên cứu” (case study) để cho các sinh viên kinh tế học; tất cả những cái đó đòi hỏi việc đánh giá và nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc.


Phương Tây cũng trải qua một giai đoạn tôn sùng tôn giáo như Việt Nam, và chỉ khi nhà thờ được đặt ra bên ngoài của khoa học thì họ mới phát triển mạnh mẽ như ngày nay.


Những ngày về Việt Nam, gặp những bạn bè tôi không dám nói nhiều. Vì mỗi khi tôi nói, họ sẽ nói rằng đó là lý thuyết. Biết vậy nên gặp bạn bè ít khi tôi đem các chuyện kinh tế chính trị ra nói. Họa hoằn lắm hỏi thăm, tán dóc vài câu những chuyện chẳng đâu vào đâu.


Đối với nhiều người ở nhà, kiến thức từ sách vở là lý thuyết, và lý thuyết thì không áp dụng được bao nhiêu trong cuộc sống. Lý thuyết một đằng, cuộc sống một nẻo. Và đó là lý do mà họ sẽ dùng để giải thích rằng nhiều tay giàu mà chẳng cần học hoặc bằng cấp gì. Và đọc sách lại càng không cần thiết, có nhiều người không đọc sách nhưng vẫn giàu, và ngược lại các tay mọt sách thì nghèo rớt mồng tơi. Ví dụ thì sẽ được đưa ra rất nhiều, và thậm chí rất ư là chắc chắn, như một đại gia ngân hàng rất giàu có mà không biết chữ. Từ những lập luận đó, người ta càng tiến xa hơn trong suy nghĩ và hành động của mình là đọc sách là một việc cốt để giải trí khi mình giàu có, thư giãn và cứ mở cơ sở kinh doanh, gặp may thì giàu, không thì do số mệnh nó vậy mà không chịu đọc sách, học hỏi, tìm tòi cách vận hành một doanh nghiệp như thế nào.


Trong mắt nhiều người giàu có là thành công. Tôi không phản đối quan điểm đó, thậm chí ủng hộ. Vì trước hết, đối với doanh nhân thì giàu có là thước đo của thành công. Và để trả lời cho câu hỏi rằng kiến thức lý thuyết giúp ích được gì, có lẽ chúng ta phải hỏi ngược lại rằng (mà theo giả định kinh tế học nó phải như vậy), giả sử như ông đại gia không biết chữ ở trên có nhiều hiểu biết hơn, thì có thể ông giàu hơn chăng ? Ít nhất theo tôi là nó sẽ giúp ông giảm chi phí thuê người đọc, viết các văn bản, và công việc trôi chảy hơn.


Từ cái sự mê tín như vậy, người dân trở nên phó mặc một phần cho số mệnh. Họ ít khi tự tìm hiểu tại sao mình thất bại, còn người khác thành công. Họ tin cuộc sống của mình như vậy là có số trời định đoạt. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phải có thời mới thành công, thất bại coi như là hết thời. Bôn ba không qua thời vận. Và họ ngừng ở đó. Thường khi khó khăn họ bươn chải kiếm sống, lúc thoải mái họ đọc sách giải trí. Sách và lý thuyết trong mắt họ không phải là nơi cung cấp cho họ những công cụ để giúp họ mưu sinh. Sách là để giải trí và lý thuyết là để đậu những kì thi lấy bằng cấp.


Có người so sánh dân Việt với dân Do Thái: tủ rượu của dân Việt và tủ sách của dân Do Thái. Dân Do Thái vì bị đuổi khỏi quê hương của mình, lưu lạc qua châu Âu, bị cấm sở hữu đất đai nên họ chỉ sống nhờ nghề buôn bán và những nghề trí thức là chính, và đó là lý do các kinh tế gia hàng đầu là người Do Thái. Nhờ có truyền thống chuộng học thức, vì khi không được sở hữu đất đai, chỉ có học thức mới giúp họ tồn tại ở châu Âu, người Do Thái đạt được những thành công ở hầu như mọi lĩnh vực. Ở đầu giường của mỗi gia đình Do Thái đều có một tủ sách và trẻ em được khuyến khích đọc sách từ bé.


Sách không chỉ để giải trí, nó cung cấp kiến thức, làm giàu những tưởng tượng và ước mơ. Từ những tưởng tượng và ước mơ đó, trẻ em lớn lên và được gia đình khuyến khích theo đuổi những khát vọng của mình. Nếu như sách khoa học, kinh doanh cung cấp các kiến thức khoa học, hướng dẫn cách kinh doanh, thì các câu chuyện trong các quyển tiểu thuyết vun xới những tâm hồn. Phương Tây hiểu được ý nghĩa của văn học và họ khuyến khích, ngoài giải Nobel có hàng tá những giải thưởng khác.


Còn tủ rượu của người Việt? Tủ rượu không nói gì hơn ngoài việc chúng ta vẫn còn tâm lý nông dân. Chúng ta chưng rượu để người khác thấy nhà mình sang, có rượu xịn đãi khách.


Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta chưa có được văn hóa đọc sách là vì nhiều yếu tố lịch sử, mà một trong các yếu tố đó là chúng ta bắt đầu làm quen với chữ Quốc ngữ chỉ mới gần đây thôi. Cho tới khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 diễn ra, khoảng 90% dân Việt không biết chữ, một số khác dùng tiếng Việt không thạo. Tiêu biểu là ông Ngô Đình Nhu và ông hoàng Bảo Đại. Hai ông lãnh đạo đều dùng tiếng Pháp sõi hơn là tiếng Việt. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta không có chữ viết. Chữ Hán và chữ Nôm quá khó học đối với đa số dân nghèo, và do đó dân Việt ta không quen với việc đọc sách. Đó là rào cản duy nhất, chứ không phải rằng dân ta nghèo mà không có tiền mua sách. Cũng vì chúng ta không có được một bộ chữ viết riêng của mình mà văn học và các ngành khoa học xã hội không mấy phát triển. Không có những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn với các tác phẩm đồ sộ, một phần vì chúng ta thiếu chữ viết làm phương tiện chuyên chở ý nghĩa.


Từ năm 1945 đến nay được gần 70 năm, thời gian của một đời người, nó còn quá ngắn đối với một dân tộc mới làm quen với chữ viết của mình có được một văn hóa đọc sách và lập luận khoa học thay cho niềm tin mê tín. Nó cần cả thời gian và cả những nhà làm giáo dục.


Oslo, 21.3.2014

15.2.14

Life is a box of chocolate

Cách đây một năm, khi còn ở VN, làm việc chung với một người bạn, một buổi sáng dạy xong, nhận được một tin nhắn: mẹ anh mất, anh phải về Mỹ gấp, em giúp anh làm mấy việc. Hai ngày sau, từ Mỹ, anh gửi một cái email với nội dung, anh thấy thương mẹ anh, bao năm qua anh đi khắp nơi, giờ về nhìn mẹ nằm đó, các bạn nếu còn cha mẹ thì hãy ráng nhịn một quả táo, một quả cam mà chia sẻ cho ba mẹ mình, bởi vì đến một ngày nào đó, bạn không còn ai để chia sẽ.

Tối, đọc mấy dòng trong cái thiệp chúc sinh nhật của bố mẹ gửi cho một người bạn đăng trên facebook động viên con, thấy thương. Ba mẹ mình chưa bao giờ tổ chức sinh nhật và chưa bao giờ gửi thiệp như vậy, và mình cũng không thấy cần thiết. Cuộc đời có những lúc nói theo kiểu VN là "lên bờ xuống ruộng", lúc nào thì cha mẹ cũng luôn luôn đứng phía sau hỗ trợ. Nhưng cha mẹ đâu có đứng đó mãi. Mẹ bảo, mày làm gì thì làm rồi sướng cho bản thân mày rồi sau đó tới vợ con mày, chứ tao với ba mày sống giỏi lắm chừng 20 năm nữa. 

Lâu lâu, mấy đứa em giận ba mẹ, không gọi điện, mình an ủi, thôi, tụi nó là con, nó còn nhỏ,  mình là ba mẹ để ý làm gì, mẹ gọi điện hỏi thăm tụi nó đi, coi nó sống sao, sự quan tâm phải có qua có lại ba mẹ đừng nghĩ là sinh con ra rồi tự nó thương mình, mình quan tâm thương nó rồi nó biết nó thương lại. Mẹ cười bảo, mấy đứa kia tao hỏi thăm hoài chứ, chỉ có mày xa quá; mình bảo, con thì không cần đâu, lâu lâu con gọi. Trung bình 2-3 tuần gọi 1 lần, mỗi lần từ 30-45 phút. 

Mấy hôm trước nhận thêm một tin cáo phó của một người bạn vong niên, báo mẹ vợ vừa mất. facebook thì ngày càng nhiều hình trẻ con.

Lâu, đọc một lời điếu văn của một anh ở ngoài này, nhắc rằng cuộc đời có luân hồi, thế hệ già mất đi để thế hệ trẻ tiếp nối. Dẫu biết vậy nhưng sự mất đi vẫn là một mất mát.

Ben Bernanke khi được mời nói chuyện trước đám đông sinh viên sắp tốt nghiệp ở Princeton có nhắc: với những gã lao động chân chính nuôi sống gia đình của chính mình thì đủ đáng để mình mời anh ta một ly bia. Thiếu phụ nữ, chắc phải thêm những chị thương yêu, chăm sóc gia đình thì cũng đã đủ để mời bia (nếu chị biết uống bia, còn nếu làm việc để nuôi gia đình nữa thì chắc phải mời gấp đôi !!!).

Mình có may mắn làm việc với các thầy hướng dẫn có khuynh hướng gia đình. Hồi ở Frankfurt, ông thầy người Đức có lần tâm sự. Tao có khuynh hướng gia đình, rồi chỉ vào 2 đứa con tóc đỏ tự nhiên trong bức hình gia đình để trong phòng làm việc, bảo, hai đứa con tao tóc đỏ, mà xác suất để có một đứa tóc đỏ là một phần mười ngàn (1/10 000) (nghĩa là 1 phần trăm của 1 phần trăm), rất hiếm, (ông là nhà toán học kiêm tài chính), mỗi sáng tao dậy khoảng 6h, ăn sáng với tụi nó, rồi chở nó đi học. Chiều, khoảng 4h, nếu ghé phòng sẽ thấy ông gọi điện cho tụi nó chút nếu được mẹ chở về nhà.

Ở Oslo, ông thầy có một đứa con gái duy nhất, 7 tuổi. Một lần hỏi ổng có mấy đứa, ổng bảo, một đứa, nhiêu đó đủ rồi, vợ tao người Catalan (người ở Barcelona). Trưa, và chiều, thỉnh thoảng nói chuyện với vợ con. Hỏi ngày nghỉ ổng làm gì, ổng bảo tao dẫn gia đình lên núi, sáng tao chấm bài hay đọc bài chừng 2 tiếng, xong đi câu cá, đạp xe.

Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không kể ông sếp hồi làm ở Singapore. Ông trẻ, gần 40 tuổi, học ở Anh về. Ở Singapore ông học cao đẳng, xong bảo nếu học tiếp lấy bằng cử nhân ở đại học ở Singapore mất 5 năm, nên ông xin qua Anh học 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sỹ, sau 5 năm ông lấy được bằng thạc sỹ, nhanh hơn. Vào làm được khoảng 2 tháng, thì biết con ông mới mấy tuổi bị bệnh bạch cầu trắng, một dạng ung thư máu, ông vừa làm việc, vừa chăm sóc con, trưa và xế, ngồi ở office ông gọi điện về, giọng rất ngọt, nói chuyện với con. Trong hơn 1 năm làm việc, có những lúc bệnh tình của con xấu, ông chưa một lần cáu gắt với đồng nghiệp và nhân viên, trái lại luôn luôn đứng bên cạnh động viên, giúp tìm giải pháp. 

Life is a box of chocolate - cuộc đời là một hộp kẹo sô-cô-la. Mình rút ra đâu có biết ngọt hay đắng. Có rất nhiều cái đều cần một ít may mắn. Và người phương Tây luôn kèm theo câu "good luck" khi tiễn bạn. Nhưng nhờ trải nghiệm những vị đắng thì sau đó mình mới hiểu được vị ngọt.

Oslo, 13.7.2013