30.6.21

Việt Nam trước ngưỡng cửa thay đổi

Lịch sử cho thấy những nhân tố cả ở bên trong và bên ngoài định hình nên những thay đổi của một quốc gia. 


Việt Nam là một ví dụ. Nhu cầu độc lập trong nước cộng với sự thoái trào của chủ nghĩa đế quốc là hai nhân tố chính đưa Việt Nam tới một nền độc lập. Tuy vậy, sự độc lập sau đó đã bị bẻ lái sang chế độ cộng sản như là một sản phẩm của cuộc chiến ý thức hệ giữa hai phe tư bản và cộng sản mà phe tư bản đã thua ở chiến trường Việt Nam.


Câu hỏi tiếp theo đó là điều gì sẽ diễn ra ở Việt Nam trong những ngày tới? Để trả lời câu hỏi này, từ bài học lịch sử, có lẽ chúng ta cần phân tích hai góc nhìn, từ trong nước và bối cảnh thế giới. 

26.6.21

Những nhân tố nào giúp một quốc gia phát triển, và tại sao Việt Nam đã không phát triển?

Điều gì khiến những quốc gia khác phát triển, còn nước mình thì không? Đó là câu hỏi mà có lẽ nhiều người Việt chúng ta ai cũng đã từng tự đặt ra cho mình. Trong sự chủ quan của kiến thức, mỗi người tự đưa ra một câu trả lời của riêng mình, không ai giống ai. Nhiều người bi quan, tự cho rằng cái số, cái vận nước mình nó vậy. 

Câu hỏi đó nó không chỉ là một sự quan tâm, một tình cảm của một con người với xứ sở mình gắn bó, yêu thương, mà nó trước hết còn là một trăn trở. 


Ở phía những học giả, gạt qua một bên những tình cảm, người ta tìm cách lý giải sự phát triển của một vùng đất, một quốc gia dựa vào những nhân tố khác nhau. Trong những nhân tố đó, có cái là do ở sự may mắn, những điều thừa hưởng; nhưng bên cạnh đó, có nhiều yếu tố do sự tác động của con người. 

24.6.21

Một chính phủ bất tài cần được thay thế

Những ai quan sát cách điều hành của nhóm lãnh đạo hiện nay trong việc đối phó với đại dịch sẽ thấy rằng đó là một nhóm bất tài và kém cỏi. Sự hỗn loạn và lan tràn dịch bệnh thiếu kiểm soát hiện nay là một bằng chứng. Chính phủ cho đến giờ này không có một kế hoạch rõ ràng nào về việc tiêm vắc-xin sẽ kéo dài bao lâu, đến bao giờ thì mở cửa, hỗ trợ người dân như thế nào. Tất cả chỉ là một con số không. Ở những nước khác, một nhóm bất tài như vậy đã bị người dân thay thế từ lâu rồi. Họ thay đổi bằng lá phiếu hoặc họ thay đổi bằng cách xuống đường và đòi một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những lãnh đạo khác. Dân Việt Nam thì quá hiền và quá sợ, cho nên đã chọn cách chịu đựng. Nhưng hiền, không có nghĩa là họ không biết. Có điều, bao năm sống dưới một chế độ tàn bạo, bị đàn áp quá khốc liệt, họ trở nên sợ hãi chính quyền. Nếu lúc này, những nhóm trong quân đội đứng dậy, thay đổi chính phủ, tạo ra một nền cộng hoà dân chủ mới, hẳn người dân sẽ đứng dậy ủng hộ và biết ơn. Tên của các anh sẽ đi vào sử sách. 

Chính phủ mua vắc-xin từ VNVC: Một kịch bản móc ngoặc hoàn hảo

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, 30 triệu liều vắc-xin mà VNVC đã mua được của AstraZeneca sẽ được bán lại cho Bộ Y tế. Có nhiều câu hỏi quanh câu chuyện này. 

Câu hỏi thứ nhất là tại sao chính phủ Việt Nam không đặt mua trực tiếp từ nhà sản xuất vắc-xin AstraZeneca mà phải đặt mua qua VNVC? 


Nếu câu trả lời là bây giờ các đối tác đã đặt mua hết vắc-xin từ nhà sản xuất, và chính phủ Việt Nam không thể đặt mua trực tiếp, hoặc nếu đặt mua bây giờ thì đợi đến lượt chuyển về sẽ rất lâu vì nhà sản xuất buộc phải giải quyết những đơn hàng đặt trước, thì trách nhiệm lúc này thuộc về chính phủ Việt Nam. Chính phủ đã không có khả năng đàm phán, hoặc chính phủ rất chủ quan, không có khả năng quản lý diễn biến đại dịch để đặt hàng sớm. Nó chứng tỏ chính phủ quá kém nếu không nói là bất tài. 

Dân chủ trực tiếp ở Hoa Kỳ: Trường hợp công dân đuổi thống đốc Gavin Newsom ở California

Hôm nay, thống đốc bang California Gavin Newsom bị cách chức (recall) sau khi chiến dịch vận đông đuổi (recall) ông đã đạt được 1,7 triệu chữ ký có xác nhận. Đây là một hình thức của hoạt động lập pháp công dân (citizen legislation), tức các công dân trực tiếp thực hiện công việc lập pháp, mà không cần thông qua quốc hội. Lập pháp công dân là như thế nào, tại sao nó cần thiết, và nó giúp tăng cường dân chủ như thế nào. Đó là nội dung bài viết dưới đây. 

20.6.21

Chuyện phân biệt vùng miền

Có thể nói không gian mạng facebook là một xã hội thu nhỏ của Việt Nam, mà trên đó bạn có thể bắt gặp mọi cảm xúc và thái độ của người trên khắp mọi miền đất nước. Chuyện phân biệt vùng miền là một chủ đề như vậy. Đó là một vấn đề nhạy cảm. Nhạy cảm vì nói ra sợ mắc lòng; mắc lòng với hàng xóm, với bạn bè, với người thân. Nhưng cái chuyện khác biệt vùng miền đó nó cứ âm ỉ, ẩm ỉ vì nó là một sự thật.

Thật ra, cái chuyện phân biệt vùng miền trở nên ngày càng lớn chỉ từ sau khi đảng Cộng sản chiếm lấy miền Nam Việt Nam. 


Trước năm 1975, chuyện phân biệt Bắc Nam hầu như không có. Nếu nó có, thì những chính khách, văn nghệ sỹ Bắc 54 sẽ chẳng bao giờ có mặt một cách phổ biến trên chính trường hay diễn đàn công chúng của miền Nam Việt Nam. Đơn giản là nếu dân miền Nam hồi đó mà phân biệt vùng miền như hiện nay, họ sẽ tẩy chay ngay lập tức những lãnh đạo chính trị hay văn hoá nói giọng Bắc. 

19.6.21

Cú lừa của chú phỉnh



Lịch sử có thể không lặp lại một cách y chang. Nhưng lịch sử dạy cho người ta biết nhiều điều, cho người ta nhiều bài học. 


Không phải ngẫu nhiên khi bạn đi xin việc, người phỏng vấn luôn muốn nhìn hồ sơ cá nhân, lịch sử làm việc của bạn, và quan trọng hơn là thư giới thiệu hoặc số điện thoại của những công ty trước đó bạn đã làm. Để chi? Để người ta xem cái quá khứ của bạn như thế nào rồi người ta sẽ dự đoán được tính cách bạn ra sao, kinh nghiệm, trình độ thế nào, đặng còn quyết định có nhận bạn hay không.


Nói như vậy để thấy cái quá khứ nó rất quan trọng đối với một con người. Nhìn quá khứ đoán biết được tính cách của họ.

7.6.21

Thiền sửa xe

Ở cấp 3, mỗi tỉnh có một trường chuyên. Ở tỉnh tôi là trường chuyên Lê Quý Đôn ở Nha Trang. Ngày tôi còn học, trường nằm ở địa chỉ 46A Lê Đại Hành. Tôi ở huyện, nhà cách trung tâm thành phố Nha Trang hơn 30 cây số. Để được nhận vào trường chuyên, học sinh học xong cấp 2, tức lớp 9, của cả tỉnh phải nộp đơn để thi vào trường. 


Năm tôi thi, trường chuyên lúc đó có bốn khối lớp: Toán, Vật lý, Văn, và Anh văn. Tôi đăng ký thi vào chuyên Vật lý, vì lúc đó tôi đang yêu thích môn học này. Cả năm cấp hai tôi học lớp chuyên Toán, nhưng đến năm cuối cấp hai thì tôi lại yêu thích môn Vật lý và thi đậu vào đội tuyển Vật lý của huyện để thi học sinh giỏi Vật lý cấp tỉnh. 


Ở huyện, nên sách vở để ôn luyện không có nhiều. Nhà sách thì không bán sách tham khảo cho học sinh để luyên thi vào lớp chuyên. Vỏn vẹn lúc đó sách Vật lý để tham khảo chỉ có một, hai cuốn gì đó. Trong đó có một cuốn sách tôi mua đã lâu, liên quan đến Vật lý nhưng đọc rất khó hiểu, chỉ thỉnh thoảng tôi lấy ra và nghiền ngẫm rằng tại sao tác giả lại giải như vậy, và từ từ tôi học được thêm ít nhiều. 


Năm cuối cấp 2, tôi có một cô bạn cùng quê, học ở Nha Trang về. Cổ cũng định thi chung ngành Vật lý vào trường chuyên. Tôi mượn của cô được một cuốn sách tham khảo về Vật lý, cuốn 121 Bài tập Vật lý. Tôi xin mượn trong một tháng để đọc. Trong một tháng đó, mỗi ngày tôi đọc, cố gắng hiểu, rồi giải lại theo cách của mình tất cả các bài tập trong đó. Vài bài khó hiểu tôi chép lại vào vở để tìm hiểu thêm. Sau một tháng tôi học hết cuốn sách, trả lại sách cho bạn và cảm ơn. Thời ấy không có máy photocopy, hoặc đã có nhưng nó là một thứ quá đắt tiền và ngoài tầm với của tôi. 


Thi vào trường chuyên là một nguyện vọng của tôi, có thể nói là duy nhất lúc đó, vì trong đầu tôi lúc này không nghĩ mình sẽ học ở một trường ở huyện. Tôi muốn đi ra ngoài, đi đó đi đây để biết những điều mới mẻ. Vì vậy mà việc đọc sách, tự tìm hiểu cách thi, cách nộp đơn tôi đều tự làm, tự chuẩn bị, xong hết rồi mới bảo mẹ tôi rằng tôi muốn thi vào trường chuyên. 


Hôm mẹ tôi chở tôi vào trường để nộp đơn, bà hỏi đủ thứ các thầy cô giáo nhận đơn, rằng ở đây có tệ nạn không vì tất cả các học sinh ở quê muốn vào học trường chuyên thường phải ở nội trú hết, chỉ cuối tuần mới được nghỉ để về nhà. Xong bà bảo tôi, thi thôi, nếu đậu thì tính tiếp, chứ chưa chắc đi học ở đây đâu. Thời mà xì ke, ma tuý, tệ nạn đầy rẫy, để một đứa trẻ 15 tuổi lần đầu tiên xa nhà là một điều bất an với bất cứ phụ huynh nào.


Hôm trước ngày thi, tôi không học gì nữa, sách vở bút viết tôi để sẵn vào cặp. Nguyên ngày hôm đó tôi ngồi phụ ba tôi sửa xe máy. Nhà tôi có một tiệm sửa xe máy nhỏ. Dì tôi ở nhà kế bên nhìn sang, bảo ngày mai thi rồi sao không chuẩn bị để đi thi mà ngồi đây sửa xe máy. Tôi chỉ cười mà không nói gì. Có lẽ bà không hiểu rằng cái cảm giác ngồi xổm, dùng tay vặn từng con ốc, hai bàn tay nhem nhuốc dầu mỡ, lau từng bộ phận của chiếc xe máy, nó đem lại một cảm giác cực kỳ dễ chịu cho một người đã quá tập trung đầu óc để chuẩn bị cho cuộc thi ngày mai. Làm việc chân tay lúc này là một cách để trí não được nghỉ ngơi. Với một đứa trẻ 15 tuổi, tôi không có một khái niệm gì về sự nghỉ ngơi của trí não, mà chỉ đơn thuần là cảm thấy thoải mái khi làm việc với những bộ phận máy móc lúc này.


Chỉ khi sau này, lớn lên, để giải toả những căng thẳng thường trực trong công việc tôi bắt đầu tìm hiểu về thiền ứng dụng và biết đến thiền chánh niệm. Một cuốn sách thiền chánh niệm rất hay và dễ hiểu mà tôi luôn khuyến khích mọi người đọc đó là cuốn “An lạc từng bước chân” của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách chỉ ra nhiều cách thiền khác nhau, có cả thiền điện thoại, thiền chỉ bằng cách nghe tiếng chuông nhà thờ ngân, thiền ăn, thiền uống. Thiền trong mọi hoạt động cuộc sống, và như vậy chắc chắn có cả thiền rửa chén và thiền sửa xe như tôi đã làm. Thiền chánh niệm trong cuộc sống rất đơn giản, đó là chúng ta ý thức về việc chúng ta đang làm, tập trung chỉ duy nhất vào nó, lắng nghe hơi thở, và hiểu rằng chúng ta đang sống ở thời khắc hiện tại, trân quý hiện tại. 


Trong ý thức của một cậu bé 15 tuổi năm xưa, tôi đã không có một ý thức gì về thiền, mà chỉ thấy sự thoải mái khi đầu óc được giải phóng khỏi những suy nghĩ về những bài toán, con số, để ngồi đắm chìm tập trung vào vặn những con ốc, lau những cơ phận của xe máy. Điều mà sau này lớn lên tôi mới ý thức rằng đó cũng là một cách thiền, để tĩnh tâm. 


Ngày ở Stockholm, tôi tập thiền chánh niệm nhiều hơn, thấy yêu đời hơn và tự chữa trị được căn bệnh đau bao tử, xảy ra vì những ngày làm việc căng thẳng ở Singapore, chỉ bằng cách uống mật ong sáng sớm và trước khi đi ngủ, bớt lo lắng và tập trung vào hiện tại. 


Tôi thường bảo với người thân rằng đó là cuốn sách làm thay đổi đời tôi, và nhờ vậy mà tôi luôn tìm thấy niềm vui trong tất cả việc mình làm, chỉ đơn giản bằng cách tập trung vào công việc, hít thở và mỉm cười. 


Nhiều người sẽ nghĩ sao đơn giản thế được. Nhưng thật sự là nó như vậy. Niềm vui và sự an nhiên trong cuộc sống bạn có thể tìm ở đâu, ngay trong việc bạn đang làm. Cho nên, việc ông tỉ phú Bill Gates kể rằng ông dành rửa chén mỗi đêm và thoải mái khi nghe tiếng nước chảy róc rách đó cũng là một cách để ông thiền, nhằm thả lỏng đầu óc khỏi một ngày làm việc căng thẳng. Nó cũng giống như cách mà tôi, một đứa trẻ năm xưa ngồi lau chùi, vặn vẹo những bộ phận của những chiếc xe máy trước ngày thi.


Hôm sau tôi đi thi và sau đó nhận kết quả đậu. Hôm tôi nhận kết quả đậu cũng là lúc tôi đang phụ sửa xe máy với ba tôi. Cô bạn tôi đi ngang bảo rằng đã có kết quả và cô đã đậu. Ba tôi ngay lập tức bảo tôi vào thay đồ rồi ông lấy xe máy chở tôi thẳng vào Nha Trang. Vào đến nơi lúc đã xế chiều. Tôi đậu, đứng thứ 7 trong tổng số lấy 23 học sinh cho lớp chuyên Lý toàn tỉnh. 


Nguyễn Huy Vũ

4.5.2021

Hãy để Việt Nam hoá rồng

Mấy ngày nay rộ lên tin báo chí đưa rằng ở một tỉnh miền núi của Hàn Quốc, những nông dân nghèo không lấy được vợ địa phương được chính quyền khuyến khích lấy những cô du học sinh trẻ đẹp của Việt Nam. Tin này đã làm nhiều người bức xức, và các dư luận viên vì vậy cũng lên đồng — như là một cách lên dây cót tinh thần dân tộc và để bảo vệ vai trò của nhà cầm quyền và tính chính danh của chế độ. 


Nhưng nè, cho dù có đi xua cả ngàn dư luận viên để bào chữa thì các bạn cũng không thể thay đổi đi một thực tế rằng Việt Nam là một nước nghèo, rất nghèo. Và nghèo thường đi đôi với hèn, với kém. Chẳng có một nước nghèo nào mà sang cả. 


Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Việt Nam chỉ vỏn vẹn có khoảng hơn 200 đô-la Mỹ mỗi tháng, 2.700 đô-la Mỹ mỗi năm. Còn thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc gấp 12 lần Việt Nam, ở mức 31 ngàn đô-la Mỹ mỗi năm, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. 


Một người trung bình có thu nhập hai trăm đô la Mỹ mỗi tháng nghĩa là gì?  Nghĩa là có vô số người có thu nhập dưới 200 đô-la Mỹ mỗi tháng, và một thiểu số người có thu nhập rất cao hơn 200 đô-la Mỹ mỗi tháng. 


Bạn ở thành thị, có điều kiện tiếp xúc với Internet, nhìn thấy những bạn xung quanh mình giàu sang, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu tới hàng ngàn đô, thì nghĩ rằng Việt Nam mình như vậy là giàu, là phát triển. Nhưng cái góc khuất nhóm dân có thu nhập dưới 200 đô-la mỗi tháng thì nhiều vô kể. Họ không có cơ hội để có điện thoại thông minh và được dịp kết bạn với bạn, ở trong vòng bạn bè với bạn, và vì vậy mà bạn không bao giờ thấy họ. Hai thế giới chạy song song với nhau, giàu và nghèo, cách biệt cùng tồn tại trong cùng một đất nước. 


Ở bất cứ một nước nào, đồ thị bất bình đẳng về giàu nghèo và thu nhập đều có cùng một dạng. Đó là nhóm dân giàu nhất, nhóm 1% chiếm chừng 40% tài sản quốc gia như ở Mỹ, và công bằng hơn thì cũng chiếm 20% như ở các nước Bắc Âu. Nhóm 40% nghèo nhất của Mỹ hầu như không có một tài sản đáng kể nào cả. Ở các nước khác cũng tương tự. Mức thu nhập thì ít chênh lệch hơn nhưng cũng nghiêng hẳn về phía những người giàu. 


Nói như vậy để các bạn biết rằng đằng sau con số thu nhập trung bình hàng tháng hơn 200 đô-la Mỹ của mỗi người Việt Nam là vô số con người, ít nhất là một nửa dân số, có thu nhập dưới 200 đô-la Mỹ mỗi tháng. Họ là những nông dân, công nhân, những mẹ, những em, những chị, vất vả, lam lũ ở những vùng nông thôn, họ bế tắc với công việc, cuộc sống, và họ chấp nhận làm bất cứ gì để họ đổi đời. Vì thế mới có làn sóng cô dâu Đài Loan, rồi cô dâu Hàn Quốc, rồi có phong trào gái Việt đứng đường ở Singapore, Malaysia. 


Ai chịu trách nhiệm này? Chính các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chứ còn ai vào đây nữa. Họ độc quyền lãnh đạo và vì vậy mà độc quyền chịu trách nhiệm cho tất cả các sự thua thiệt của quốc gia và dân tộc trên trường thế giới. 


Ngày nay, nếu bạn cầm hộ chiếu đi ra nước ngoài, hộ chiếu Việt Nam là một hộ chiếu hèn kèm nhất khu vực. Đi đâu bạn cũng phải xin chiếu khán (visa), và bạn luôn đối diện với khả năng bị từ chối. Đơn giản là nước nào cũng sợ dân Việt đến và trốn ở lại. Tại sao vậy? Tại vì Việt Nam quá nghèo so với hầu như tất cả các nước khác. Chẳng ai dại gì đi trốn đến một nước nghèo khó hơn cả. Những nước khá hơn một chút đều có dân Việt Nam đến nhập cư lậu, từ những nước xa xôi như Peru ở Nam Mỹ cho đến gần gần như Malaysia. 


Thấy nhục không? Nhục chớ. Mình cũng là dân Việt Nam mà. Mình thay đổi được không? Được chứ. Nửa thế kỷ trước Hàn Quốc từng là một nước nghèo, dân họ đói phải ăn vỏ cây, chỉ sau nửa thế kỷ giờ đây họ thành một nước phát triển giàu mạnh. Nhật Bản mất 70 năm từ một nước phong kiến lạc hậu trở thành một cường quốc. 


Còn Việt Nam? Trước 1975 Việt Nam Cộng Hoà từng có một nền văn hoá, giáo dục tiến bộ nhất khu vực, sau nửa thế kỷ giờ thì đứng hàng cuối khu vực. Do ai? Đảng Cộng sản độc quyền lãnh đạo và độc quyền chịu trách nhiệm chứ còn ai.


Chừng nào đảng Cộng sản còn tiếp tục lãnh đạo, chừng đó đất nước còn lạc hậu so với thế giới. 


Tại sao?


Tại vì ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, một cách trung thực, lúc ban đầu chính thể của họ cũng là độc tài. Nhưng cái độc tài của họ không phải độc tài cộng sản. Họ độc tài về quyền lực nhưng họ không độc tài về tư tưởng, về chân lý. Giáo dục họ không có nhồi sọ dân chúng. Họ cởi mở về giáo dục và xã hội, để tự do tư tưởng, tự do trao đổi thông tin, tự do kinh doanh, sở hữu tài sản, tự do di chuyển, trao đổi học thuật văn hoá tư tưởng thoải mái với các nền văn minh dân chủ phương Tây. Vì thế mà dù trong chế độ độc tài quyền lực, xã hội họ vẫn phát triển, giới trung lưu của họ lớn mạnh, giới thương nhân của họ vẫn năng động, vẫn tích luỹ tài sản, vẫn cải tiến sản phẩm, để rồi một ngày khi xã hội đủ phát triển và lớn mạnh thì họ tự phá vỡ cái gông độc tài để trở thành một nước phát triển và dân chủ. Dân chủ giúp họ lớn mạnh hơn nữa vì nó giúp họ chọn ra những lãnh đạo ưu tú hơn, trong sạch hơn, tài sản quốc gia ít tham nhũng hơn. 


Còn ở Việt Nam? Giáo dục bị nhồi sọ, tư tưởng bị uống nắn, sách báo phương Tây thì hạn chế, đi đâu, tiếp xúc với ai, làm gì cũng đều phải xin phép, nghiên cứu hay phát biểu mà đụng đến thể chế, mô hình chính trị, kinh tế xã hội thì luôn luôn nớm nớp lo bị gán cho cái nhãn phản động, là thế lực thù địch, là kỷ luật, nhà tù. Riết rồi dân quá sợ mà hèn, người có học trở nên nhu nhược, kẻ sỹ chẳng còn mấy ai và nếu còn thì cũng chẳng có những nghiên cứu, thảo luận gì cho ra hồn. Văn hoá vì vậy mà suy kiệt, tư tưởng vì thế mà méo mó. Hỏi sao phát triển được? 


Tất cả chỉ vì đảng Cộng sản sợ dân trí phát triển, vì dân trí mà phát triển thì dân tất biết và đòi các quyền cơ bản của mình, trong đó có quyền ứng cử và bầu cử tự do. Mà lúc có bầu cử, ứng cử tự do minh bạch thì với tầm vóc, kiến thức, khả năng, và trí tuệ của các lãnh đạo đảng Cộng sản hiện nay thì họ rớt chắc.


Cho nên, muốn đất nước phát triển thì không có con đường nào khác ngoài việc các bạn phải đòi hỏi cho được tự do bầu cử, ứng cử. Đòi một cuộc bầu cử minh bạch, với các quy luật công bằng cho các ứng viên. Không cần phải đòi lật đổ chế độ chi cả. Nếu các đảng viên đảng Cộng sản có uy tín, khả năng thì sẽ được dân bầu tiếp lãnh đạo. Còn nếu không, các ứng viên khác sẽ thay thế. Một quốc hội gồm những người ưu tú nhất của đất nước tự khắc biết điều gì cần thiết cho dân tộc. Và tôi tin rằng, chỉ bằng thực hiện vài lần bầu cử tự do như vậy Việt Nam sẽ hoá RỒNG. Vì người Việt mình sáng dạ, thông minh, và chịu khó không thua những dân tộc khác, ít nhất là ở châu Á này. 


Nguyễn Huy Vũ

31.5.2021