Điều gì khiến những quốc gia khác phát triển, còn nước mình thì không? Đó là câu hỏi mà có lẽ nhiều người Việt chúng ta ai cũng đã từng tự đặt ra cho mình. Trong sự chủ quan của kiến thức, mỗi người tự đưa ra một câu trả lời của riêng mình, không ai giống ai. Nhiều người bi quan, tự cho rằng cái số, cái vận nước mình nó vậy.
Câu hỏi đó nó không chỉ là một sự quan tâm, một tình cảm của một con người với xứ sở mình gắn bó, yêu thương, mà nó trước hết còn là một trăn trở.
Ở phía những học giả, gạt qua một bên những tình cảm, người ta tìm cách lý giải sự phát triển của một vùng đất, một quốc gia dựa vào những nhân tố khác nhau. Trong những nhân tố đó, có cái là do ở sự may mắn, những điều thừa hưởng; nhưng bên cạnh đó, có nhiều yếu tố do sự tác động của con người.
Một cách tóm lược, người ta chia những nhân tố đóng góp vào sự phát triển của một quốc gia ra làm ba nhóm.
Nhóm thứ nhất bao gồm những nhân tố ngoại sinh, tức là những điều mà nó nằm bên ngoài khả năng tác động của con người. Nhóm nào bao gồm, chẳng hạn như, vị trí địa lý của một quốc gia, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, hay tôn giáo.
Có nhiều lập luận khác nhau nhằm bảo vệ cho những nhân tố này. Ví dụ, một quốc gia nằm ở một vị trí địa lý thuận lợi, chẳng hạn như Hoa Kỳ, nhờ cách biệt với phần còn lại của thế giới bởi hai đại dương mà đã tránh được các cuộc chiến tranh trong quá khứ, và vì vậy mà có thời gian phát triển đất nước. Trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới, Hoa Kỳ là nước chủ động tham gia vào cuối cuộc chiến.
Ở những nước có khí hậu lạnh, con người thường có xu hướng kiên nhẫn hơn và do đó họ thường sáng tạo hơn, đất nước nhờ vậy mà phát triển.
Tài nguyên thiên nhiên là một tặng vật của tạo hoá dành cho một quốc gia. Những quốc gia khôn ngoan biết tận dụng những tài nguyên thiên nhiên đã trở nên là những nước giàu có và phát triển. Thuỵ Điển phát triển được ngành công nghiệp nặng nhờ có mỏ sắt. Nauy phát triển đất nước nhờ có mỏ dầu.
Tôn giáo cũng là một cách lý giải về sự phát triển giữa các vùng khác nhau. Những vùng mà người dân theo đạo Thiên chúa (Christian) thường phát triển hơn là những vùng theo tôn giáo khác. Có nhiều lý giải khác nhau, nhưng có lẽ thuyết phục nhất đó là đạo Chúa được tổ chức một cách chặt chẽ hơn, có tư tưởng và trình độ ưu việt hơn, vì vậy mà các tín đồ được giáo huấn để trở thành những người có đạo đức trong xã hội. Tôn giáo do đó đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên vốn xã hội (social capital) của một quốc gia.
Nhóm nhân tố thứ hai bao gồm những nhân tố về thể chế; nó liên quan đến hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội. Nhóm này bao gồm, chẳng hạn như, sự tự do về chính trị, ít tham nhũng, quyền tài sản được bảo vệ, hệ thống tư pháp đáng tin cậy, hệ thống y tế tốt, và một hệ thống giáo dục ưu việt.
Đây là những nhân tố mà một quốc gia cần nhiều thế hệ kế thừa cùng vun đắp. Một sự tự do về chính trị cho phép những cá nhân ưu tú có cơ hội tranh cử nhằm lãnh đạo quốc gia. Sự tự do về chính trị đến lượt nó cũng giúp hình thành nên những lực lượng đối lập hiện diện trong quốc hội làm đối trọng để kiểm soát đảng cầm quyền. Nạn tham nhũng vì vậy mà được kiểm soát. Một khi nạn tham nhũng được kiểm soát, tài sản quốc gia thay vì rơi vào túi của quan tham sẽ được đầu tư xây dựng đất nước.
Quyền tài sản được bảo vệ một cách có hệ thống là nền tảng cho sự phát triển của một quốc gia. Đơn giản là mỗi cá nhân làm việc đều muốn tích luỹ tài sản, tài sản cho mình và cho người thân. Tài sản dùng để chi tiêu, phòng thân; và tài sản cũng để chứng tỏ vị thế của mình trong xã hội. Một xứ muốn giàu mạnh tất phải thực hiện những cơ chế nhằm khuyến khích việc tích luỹ tài sản và đảm bảo quyền sở hữu tài sản rộng khắp.
Một hệ thống tư pháp nghiêm khắc, công bằng, và đáng tin cậy trước hết nó giúp bảo vệ những cột trụ khác nhau của một thể chế. Không có một hệ thống tư pháp đáng tin cậy sẽ không bảo vệ được quyền sở hữu tài sản, không kiểm soát được nạn tham nhũng, và cũng sẽ làm hư thối sự tự do chính trị của một quốc gia. Vì vậy mà không có một quốc gia nào phát triển được nếu ở đó thiếu một hệ thống tư pháp tin cậy.
Hệ thống y tế và hệ thống giáo dục là hai hệ thống nuôi dưỡng nguồn nhân lực của một quốc gia. Hệ thống y tế kém sẽ tạo ra một quốc gia dặt dẹo về sức khoẻ; còn hệ thống giáo dục kém sẽ tạo ra một quốc gia còi cọc về tri thức và tinh thần.
Cuối cùng là những nhân tố mà kết quả của nó được tạo ra từ sự tác động trực tiếp của các chính sách kinh tế. Nhóm này bao gồm, chẳng hạn như, độ mở đối với giao thương và sự cơ động của tư liệu sản xuất, hệ thống thuế, tiết kiệm và sự khởi nghiệp, hạ tầng giao thông và viễn thông.
Đây là những chính sách mà những nhà quản trị quốc gia có thể dễ dàng thay đổi và tạo ra các ảnh hưởng nhanh chóng.
Độ mở đối với giao thương chỉ ra rằng sự mở cửa của một quốc gia đối với thế giới thông qua tự do thương mại sẽ giúp tạo nên sự thịnh vượng của một quốc gia. Nhưng sự mở cửa về giao thương thường phải đi đôi với sự cơ động của tư liệu sản xuất. Đó là dòng vốn được tự do lưu thông, những nhân tài, chuyên gia được tự do di chuyển, hay đất đai được chuyển nhượng một cách dễ dàng. Một sự mở cửa như vậy nó giúp vốn và công nghệ tìm đến nơi tối ưu nhất cho những hoạt động sinh lợi nhuận của mình.
Thuế là một chính sách quan trọng của quốc gia; nó định hình và tác động lên hầu như tất cả các mặt đời sống của người dân. Nó quyết định một cách trực tiếp một quốc gia tăng trưởng nhanh hay chậm, người dân tiết kiệm nhiều hay ít, và liệu rằng họ có nên khởi nghiệp hay không. Một hệ thống thuế thấp và đơn giản, không đánh thuế đối với thu nhập bên ngoài quốc gia, không đánh thuế đối với các đầu tư về tài chính, hay thậm chí chỉ đánh thuế tiêu dùng, nó sẽ giúp tăng ngân sách quốc gia, giảm thiểu những thất thoát ngân sách qua hệ thống, kích thích người dân tiết kiệm và đầu tư thay vì tiêu dùng. Những quốc gia hay vùng lãnh thổ thịnh vượng như Hồng Công, Singapore, Đài Loan, hay các nước Baltic đều ít nhiều dùng các yếu tố thuế này.
Và cuối cùng, hạ tầng giao thông và viễn thông là những nhân tố cơ bản và quan trọng ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế. Một hệ thống hạ tầng tốt giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động của quốc gia.
TẠI SAO VIỆT NAM ĐÃ KHÔNG THỂ PHÁT TRIỂN?
Những người cầm quyền Việt Nam hay đem những con số rằng Việt Nam có kinh tế phát triển vài phần trăm một năm, cao hơn một số nước, để mị người dân rằng chúng ta đang trên đà phát triển đúng hướng.
Hãy bỏ qua một bên những con số tranh cãi, mà chỉ cần hỏi lại một câu rằng trong nửa thế kỷ cầm quyền liên tục của đảng Cộng sản trên toàn cõi, họ đã tạo ra được một điều gì đáng tự hào cho quốc gia trên trường quốc tế và khu vực không? Câu trả lời là một con số không tròn trĩnh.
Cho đến giờ này, chính sách thành công nhất của những người cầm quyền trong đảng Cộng sản có lẽ là chính sách đi ăn xin. Xin viện trợ tài chính, xin vắc-xin chống Covid-19, xin chuyển giao công nghệ, và xin tất cả những gì có thể xin được, ở khắp nơi. Đó là một thực tế không thể chối cãi được.
Đất nước Việt Nam chúng ta hôm nay không có gì để tự hào cả các bạn ạ. Trong gần 200 quốc gia, chúng ta vẫn còn là một nước rất nghèo và hầu như không có đóng góp gì đáng kể cho nhân loại. Chúng ta chỉ hiện diện trên bản đồ với một cái tên mà thôi. Nhiều người nước ngoài không hề biết Việt Nam nằm ở đâu. Nhiều người khác biết Việt Nam qua hình ảnh các du kích quân trong các bộ phim chiến tranh giữa rừng nhiệt đới. Một số khác biết khi họ đọc báo thấy rằng người Việt chết khi trên đường vượt biên trong các thùng công-tai-nơ ở Anh. Còn những người ở Đông Á và Đông Nam Á thì biết về Việt Nam nhiều hơn thông qua những quảng cáo về chuyện lấy vợ Việt Nam, về những cô gái đứng đường, những công nhân đi xuất khẩu lao động, hay một số hiếm hoi những du học sinh.
Tại sao vị thế của quốc gia chúng ta lại như vậy? Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần đọc lại những nhân tố tạo nên sự phát triển của một quốc gia bên trên.
Nguồn gốc của tất cả vấn đề đó là không có tự do về chính trị.
Không có tự do về chính trị chúng ta không thể chọn ra cho mình những người lãnh đạo tài năng.
Không có tự do về chính trị chúng ta không thể chọn ra những quan toà độc lập, công tâm, nhằm đảm bảo một nền tư pháp đáng tin cậy.
Khi những lãnh đạo bất tài nắm quyền, cộng với một hệ thống tư pháp hủ bại, thì số phận của một dân tộc coi như đã an bài.
Do đó, cái vấn đề then chốt kềm hãm sự phát triển của Việt Nam phải gọi đúng tên của nó đó là sự thiếu tự do về chính trị. Đó là con voi to đùng nằm giữa phòng mà tất cả chúng ta phải gọi tên và cùng góp sức vất nó đi. Và chỉ có như vậy thì đất nước mới may ra có hi vọng.
Nguyễn Huy Vũ
26.6.2021