24.6.21

Dân chủ trực tiếp ở Hoa Kỳ: Trường hợp công dân đuổi thống đốc Gavin Newsom ở California

Hôm nay, thống đốc bang California Gavin Newsom bị cách chức (recall) sau khi chiến dịch vận đông đuổi (recall) ông đã đạt được 1,7 triệu chữ ký có xác nhận. Đây là một hình thức của hoạt động lập pháp công dân (citizen legislation), tức các công dân trực tiếp thực hiện công việc lập pháp, mà không cần thông qua quốc hội. Lập pháp công dân là như thế nào, tại sao nó cần thiết, và nó giúp tăng cường dân chủ như thế nào. Đó là nội dung bài viết dưới đây. 

Thông thường, trong các hệ thống chính trị, chúng ta đã làm quen với ba nhánh quyền lực chính của chính quyền là hành pháp, lập pháp, và tư pháp. 


Ở Mỹ, ba nhánh này cân bằng và kiểm soát lẫn nhau. Chẳng hạn, nhánh lập pháp, tức quốc hội với các nghị viên, có quyền kiểm soát cả hai nhánh hành pháp, tức đứng đầu là tổng thống ở liên bang, và cả nhánh tư pháp, tức các quan toà. 


Kiểm soát kiểu nào? Chẳng hạn quốc hội liên bang thấy ông tổng thống lạm quyền, lập tức Hạ nghị viện sẽ chuẩn bị các thủ tục để luận tội ông tổng thống (impeachment proceedings); sau đó nếu ông tổng thống bị luận tội ở Hạ viện, thì trường hợp luận tội này sẽ được chuyển lên Thượng nghị viện để xét xử. Nếu xét xử mà thấy có tội thì tổng thống sẽ bị truất phế.


Hệ thống ở cấp tiểu bang cũng tương tự vậy, tức là quốc hội tiểu bang có quyền truất phế thống đốc, người đứng đầu bang, nếu thấy ông thống đốc có những sai phạm nghiêm trọng. 


Nhưng hệ thống kiểm soát vậy vẫn chưa đủ. Tại sao? 


Tại vì là chỉ cần một viện của quốc hội tiểu bang chịu sự kiểm soát bởi một đảng của ông thống đốc thì việc luận tội sẽ không xảy ra ở Hạ viện, hoặc nếu xảy ra ở Hạ viện thì lên Thượng viện sẽ bị bác bỏ bởi các phe đảng với ông thống đốc. Mà nếu ông thống đốc với phe đảng của ông nhờ nắm một viện trong quốc hội mà lũng đoạn chính quyền thì sao? 


Để tránh điều này, những nhà thiết kế hệ thống chính trị Mỹ đã đưa ra một quy trình nữa gọi là lập pháp công dân (citizen legislation), tức là người dân một cách trực tiếp thực hiện việc lập pháp, mà không cần thông qua quốc hội. Nhiều tiểu bang cho phép việc lập pháp công dân này.


Câu hỏi là làm sao để người dân thực hiện việc lập pháp công dân?


Có nhiều cách để thực hiện việc lập pháp trực tiếp này. Thông thường, người dân cần thu thập một lượng đủ lớn chữ ký cho một thỉnh nguyện thư. Sau đó, vấn đề cần giải quyết sẽ được đem ra bỏ phiếu trong một cuộc phổ thông đầu phiếu. Có ba cách lập pháp trực tiếp như vậy. 


Cách đầu tiên gọi là sáng kiến (Initiative). Ở cách này, các công dân có thể thông qua luật hoặc sửa đổi hiến pháp tiểu bang thông qua một cuộc bỏ phiếu trực tiếp, mà không cần tới cơ quan lập pháp.


Cách thứ hai gọi là trưng cầu dân ý (Referendum). Ở cách này, người dân có thể chấp thuận các quy chế hoặc các thay đổi hiến pháp vốn do cơ quan lập pháp đề xuất thông qua một cuộc bỏ phiếu trực tiếp.


Và cách thứ ba gọi là trả về (Recall). Ở cách này, người dân có thể loại bỏ các quan chức được bầu khỏi các chức vụ mà họ đang nắm giữ. Cách này được cho phép ở 14 tiểu bang, nhưng hầu như chưa bao giờ được dùng tới trước đây. 


Việc thống đốc Gavin Newsom hôm nay chính thức bị bãi nhiệm vị trí thống đốc, sau khi có trên 1,7 triệu chữ ký chống lại ông, đòi ông ra đi (recall), đã cho thấy việc lập pháp công dân bắt đầu trở nên ngày càng phổ biến. Và như vậy, sự dân chủ của nền chính trị Hoa Kỳ sẽ ngày càng mạnh thêm chứ không hề yếu đi, nhất là khi mà các quyền chính trị trực tiếp từ người dân ngày càng được áp dụng rộng rãi, người dân ngày càng ý thức nhiều hơn về chính trị và tầm quan trọng của việc duy trì các giá trị dân chủ.  


Nguyễn Huy Vũ

24.6.2021