29.4.18

Bài học từ sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hoà


Năm nay, 2018, đánh dấu bốn mươi ba năm ngày sụp đổ của chế độ cộng hoà ở Miền Nam Việt Nam. Sự sụp đổ của một chế độ chính nó đặt dấu chấm hết cho cuộc nội chiến 20 năm huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam Bắc của một quốc gia. Việc sụp đổ quá nhanh của một chế độ mà sự văn minh và giàu có hơn hẳn nửa còn lại đã khiến cho nhiều người trăn trở với lịch sử đào xới lại những nguyên nhân. Với những người nghiên cứu về chính sách, đây là một trường hợp điển hình và quan trọng để nhìn lại và rút ra những bài học kinh nghiệm đặng có thể dùng nó để kiến tạo nên tương lai. Có nhiều cách tiếp cận để phân tích, và một trong số đó giống như cách một người chơi cờ — khi ta thua ta thử xem lại các nước và ngẫm xem liệu rằng nếu ta đi lại thì có thể xoay ngược được tình thế hay không. Tương tự, câu hỏi là liệu rằng Việt Nam Cộng Hoà có thể làm được điều gì giúp nó có thể tồn tại và độc lập được không, và nếu như vậy thì hẳn rằng, ít nhất ngày hôm nay Việt Nam sẽ có một vị thế rất khác trên bản đồ khu vực và thế giới. Đây không phải là một phân tích để mua vui, mà hãy tưởng tượng rằng trong tương lai khi Việt Nam hôm nay phải đứng trơ trọi trong việc giữ gìn sự độc lập và thịnh vượng cho chính mình thì hẳn những bài học của Việt Nam Cộng Hoà sẽ là không thừa.

18.4.18

Thuế đó đây

Có một câu nói của Benjamin Franklink -- một trong những người cha lập quốc của Hoa Kỳ -- mà mọi người hay nhắc, đại ý rằng trong thế giới này, không điều gì là chắc chắn ngoại trừ hai thứ là cái chết và thuế. Đóng thuế là nghĩa vụ của người dân trong một đất nước. Nhà nước thu thuế người dân để thực hiện các nhiệm vụ vì quyền lợi chung của nhân dân mà mỗi cá nhân không thể làm nổi, ví dụ như trang bị cho quốc phòng, hệ thống phòng ngừa dịch bệnh, hệ thống cơ sở hạ tầng, và đi xa hơn nữa là hệ thống phúc lợi xã hội nhằm phân phối và chia sẻ những lợi ích giữa những cá nhân trong trong cùng một đất nước với nhau. 

                                 
Mức thuế doanh nghiệp của Hoa Kỳ so với các nước trước khi giảm thuế


Riêng đối với giới kinh tế gia, có một câu hỏi rằng đâu là sự tối ưu của việc đánh thuế. Trong suốt một thời gian dài, mức thuế tối ưu đã trở nên là một lĩnh vực nghiên cứu đầy tiềm năng thu hút nhiều nhà nghiên cứu, với đủ các mô hình từ tĩnh đến động.


Việc quyết định đánh thuế hay không giờ đây nó không chỉ còn là để làm tối ưu bài toán trong nước nữa, mà nó còn phụ thuộc vào tư tưởng quản trị quốc gia và sự cạnh tranh giữa các quốc gia với nhau trong việc thu hút các nguồn đầu tư, thu hút giới nhà giàu đến định cư, và thu hút cả những người già đến dưỡng lão. Dưới đây là vài ví dụ.


Nauy là một quốc gia Bắc Âu, và cũng như các nước Bắc Âu khác nổi tiếng về mức thuế cao, tuy vậy, để cạnh tranh, từ cuối thập niên 1980s, họ đã giảm thuế xuống còn 28%, và trong 5 năm gần đây liên tục giảm xuống 27%, rồi 25% năm 2016, và 24% vào năm 2017. Mức giảm thuế như vậy vừa giúp kích thích nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, lại ngăn ngừa các doanh nghiệp công nghệ bỏ chạy sang các nước xung quanh.

Chiến tranh tiền tệ Hoa Kỳ - Trung Quốc?

Liệu chính quyền Trump sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh tiền tệ để đánh thẳng vào Trung Quốc theo sau cuộc chiến thương mại?

Trong những năm rồi Trung Quốc cố gắng khuếch trương việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm phương tiện thanh toán khắp thế giới bằng nhiều cách khác nhau như phát triển mạng lưới các ngân hàng dùng đồng nhân dân tệ, dùng các chế độ ưu đãi cho các thanh toán đồng nhân dân tệ với các ngân hàng, hoán đổi nhân dân tệ với các ngoại tệ đối với các ngân hàng nước ngoài, thậm chí lập ra cả một giao dịch tương lai về dầu (oil futures) định giá bằng đồng nhân dân tệ; và mục tiêu của việc khuếch trương này là nhằm hất cẳng đồng đô-la Mỹ khỏi vị trí thống trị thế giới để thay thế bằng đồng nhân dân tệ.