20.3.14

Tất cả chỉ là lý thuyết


Những ngày chiếc máy bay của Malaysia mất tích, dân mạng Việt Nam đăng ba tấm hình, hai tấm của Việt Nam và Trung Quốc cử tàu tìm kiếm, một tấm của Malaysia đăng hình ba ông thầy cúng đang cầm trái dừa làm phép như chế giễu Malaysia. Trong tâm lý của nhiều người Việt, Malaysia là một nước kém văn minh hơn và việc làm phép kiếm tàu đó chỉ là một ví dụ. Người mình quên rằng chẳng đâu lâu, cho tới gần đây việc tung hô các nhà ngoại cảm đi kiếm mộ đã trở thành một cái mode, thậm chí được các cơ quan chính phủ ủng hộ và hợp tác, cho tới ngày phát giác ra rằng đó chỉ là một trò lừa đảo. Ngoại trừ Singapore là nước Tây hóa nhiều, dân Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác vẫn còn tâm lý mê tín khá nặng, và suy nghĩ khoa học đối với nhiều người vẫn còn là một điều xa xỉ.


Bạn sẽ cho tôi là nói nặng lời, nhưng sự thật là nó như vậy. Mê tín không còn nằm ở chỗ lễ lạt cúng bái, mà nó đã trở thành một tâm lý. Tâm lý rằng: con người có số. Thằng đó giàu là vì nó có số giàu. Nó nghèo vì số nó nghèo. Nó chết vì số nó phải thế. Tất cả đều là có số. Những cái gì không giải thích được đều quy ra số.


Để giải thích cho điều đó, người ta lập luận rằng nó có học gì đâu mà nó vẫn làm giàu. Và thằng kia học rất nhiều nhưng nó vẫn thất bại hoài đó thôi. Rồi cuối cùng kết luận là số nó vậy. Nếu mọi thứ chấm dứt ở đó thì đó cũng là sự kết thúc của khoa học. Vì khi một bệnh nhân bệnh nan y mà chết thì người Việt mình sẽ bảo số nó chết rồi, và hết. Một doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, thì ta sẽ phán thằng chủ đó số nó không giàu được và kết thúc. Và đó là một lý do mà tại sao chúng ta vẫn còn tụt hậu rất xa so với phương Tây. Không phải bởi vì phương Tây họ giàu có rồi họ có tiền đầu tư tìm hiểu mà bởi vì họ có một tâm lý lành mạnh, khoa học để đặt vấn đề; và nhờ cách đặt vấn đề tìm hiểu một cách khoa học, họ trở nên hiểu biết hơn, từ đó họ làm việc thành công hơn. Đối với một bệnh nhân bị bệnh nan y và chết họ sẽ cố gắng tìm hiểu nguyên nhân căn bệnh và cách điều trị; đối với một doanh nghiệp thất bại, họ sẽ làm những “trường hợp nghiên cứu” (case study) để cho các sinh viên kinh tế học; tất cả những cái đó đòi hỏi việc đánh giá và nghiên cứu một cách khoa học và nghiêm túc.


Phương Tây cũng trải qua một giai đoạn tôn sùng tôn giáo như Việt Nam, và chỉ khi nhà thờ được đặt ra bên ngoài của khoa học thì họ mới phát triển mạnh mẽ như ngày nay.


Những ngày về Việt Nam, gặp những bạn bè tôi không dám nói nhiều. Vì mỗi khi tôi nói, họ sẽ nói rằng đó là lý thuyết. Biết vậy nên gặp bạn bè ít khi tôi đem các chuyện kinh tế chính trị ra nói. Họa hoằn lắm hỏi thăm, tán dóc vài câu những chuyện chẳng đâu vào đâu.


Đối với nhiều người ở nhà, kiến thức từ sách vở là lý thuyết, và lý thuyết thì không áp dụng được bao nhiêu trong cuộc sống. Lý thuyết một đằng, cuộc sống một nẻo. Và đó là lý do mà họ sẽ dùng để giải thích rằng nhiều tay giàu mà chẳng cần học hoặc bằng cấp gì. Và đọc sách lại càng không cần thiết, có nhiều người không đọc sách nhưng vẫn giàu, và ngược lại các tay mọt sách thì nghèo rớt mồng tơi. Ví dụ thì sẽ được đưa ra rất nhiều, và thậm chí rất ư là chắc chắn, như một đại gia ngân hàng rất giàu có mà không biết chữ. Từ những lập luận đó, người ta càng tiến xa hơn trong suy nghĩ và hành động của mình là đọc sách là một việc cốt để giải trí khi mình giàu có, thư giãn và cứ mở cơ sở kinh doanh, gặp may thì giàu, không thì do số mệnh nó vậy mà không chịu đọc sách, học hỏi, tìm tòi cách vận hành một doanh nghiệp như thế nào.


Trong mắt nhiều người giàu có là thành công. Tôi không phản đối quan điểm đó, thậm chí ủng hộ. Vì trước hết, đối với doanh nhân thì giàu có là thước đo của thành công. Và để trả lời cho câu hỏi rằng kiến thức lý thuyết giúp ích được gì, có lẽ chúng ta phải hỏi ngược lại rằng (mà theo giả định kinh tế học nó phải như vậy), giả sử như ông đại gia không biết chữ ở trên có nhiều hiểu biết hơn, thì có thể ông giàu hơn chăng ? Ít nhất theo tôi là nó sẽ giúp ông giảm chi phí thuê người đọc, viết các văn bản, và công việc trôi chảy hơn.


Từ cái sự mê tín như vậy, người dân trở nên phó mặc một phần cho số mệnh. Họ ít khi tự tìm hiểu tại sao mình thất bại, còn người khác thành công. Họ tin cuộc sống của mình như vậy là có số trời định đoạt. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, phải có thời mới thành công, thất bại coi như là hết thời. Bôn ba không qua thời vận. Và họ ngừng ở đó. Thường khi khó khăn họ bươn chải kiếm sống, lúc thoải mái họ đọc sách giải trí. Sách và lý thuyết trong mắt họ không phải là nơi cung cấp cho họ những công cụ để giúp họ mưu sinh. Sách là để giải trí và lý thuyết là để đậu những kì thi lấy bằng cấp.


Có người so sánh dân Việt với dân Do Thái: tủ rượu của dân Việt và tủ sách của dân Do Thái. Dân Do Thái vì bị đuổi khỏi quê hương của mình, lưu lạc qua châu Âu, bị cấm sở hữu đất đai nên họ chỉ sống nhờ nghề buôn bán và những nghề trí thức là chính, và đó là lý do các kinh tế gia hàng đầu là người Do Thái. Nhờ có truyền thống chuộng học thức, vì khi không được sở hữu đất đai, chỉ có học thức mới giúp họ tồn tại ở châu Âu, người Do Thái đạt được những thành công ở hầu như mọi lĩnh vực. Ở đầu giường của mỗi gia đình Do Thái đều có một tủ sách và trẻ em được khuyến khích đọc sách từ bé.


Sách không chỉ để giải trí, nó cung cấp kiến thức, làm giàu những tưởng tượng và ước mơ. Từ những tưởng tượng và ước mơ đó, trẻ em lớn lên và được gia đình khuyến khích theo đuổi những khát vọng của mình. Nếu như sách khoa học, kinh doanh cung cấp các kiến thức khoa học, hướng dẫn cách kinh doanh, thì các câu chuyện trong các quyển tiểu thuyết vun xới những tâm hồn. Phương Tây hiểu được ý nghĩa của văn học và họ khuyến khích, ngoài giải Nobel có hàng tá những giải thưởng khác.


Còn tủ rượu của người Việt? Tủ rượu không nói gì hơn ngoài việc chúng ta vẫn còn tâm lý nông dân. Chúng ta chưng rượu để người khác thấy nhà mình sang, có rượu xịn đãi khách.


Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta chưa có được văn hóa đọc sách là vì nhiều yếu tố lịch sử, mà một trong các yếu tố đó là chúng ta bắt đầu làm quen với chữ Quốc ngữ chỉ mới gần đây thôi. Cho tới khi cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 diễn ra, khoảng 90% dân Việt không biết chữ, một số khác dùng tiếng Việt không thạo. Tiêu biểu là ông Ngô Đình Nhu và ông hoàng Bảo Đại. Hai ông lãnh đạo đều dùng tiếng Pháp sõi hơn là tiếng Việt. Trong suốt một thời gian dài, chúng ta không có chữ viết. Chữ Hán và chữ Nôm quá khó học đối với đa số dân nghèo, và do đó dân Việt ta không quen với việc đọc sách. Đó là rào cản duy nhất, chứ không phải rằng dân ta nghèo mà không có tiền mua sách. Cũng vì chúng ta không có được một bộ chữ viết riêng của mình mà văn học và các ngành khoa học xã hội không mấy phát triển. Không có những nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng lớn với các tác phẩm đồ sộ, một phần vì chúng ta thiếu chữ viết làm phương tiện chuyên chở ý nghĩa.


Từ năm 1945 đến nay được gần 70 năm, thời gian của một đời người, nó còn quá ngắn đối với một dân tộc mới làm quen với chữ viết của mình có được một văn hóa đọc sách và lập luận khoa học thay cho niềm tin mê tín. Nó cần cả thời gian và cả những nhà làm giáo dục.


Oslo, 21.3.2014

19.2.14

Những lời khuyên về dành dụm và kinh doanh của Li Ka-Shing


Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng), người giàu nhất châu Á - Li Ka-Shing khuyên rằng hãy chia số tiền này làm 5 phần - chi tiêu hàng ngày, kết giao bạn bè, học tập, du lịch và đầu tư.

Ông trùm bất động sản Li Ka-Shing (Hong Kong, Trung Quốc) hiện là tỷ phú giàu nhất châu Á với số tài sản 29,1 tỷ USD, theo Bloomberg. Xuất thân là trẻ mồ côi, ông đã tự mày mò kinh doanh để nắm trong tay hai đế chế - Cheung Kong và Hutchison Whampoa, đồng thời tham gia nhiều lĩnh vực từ cảng biển, dầu khí, đến bán lẻ, truyền thông đến bất động sản.

Mới đây, website khởi nghiệp e27 đăng tải bài viết của Li Ka-Shing, trong đó ông chia sẻ bí quyết cải thiện cuộc sống trong 5 năm.

Giả sử thu nhập hàng tháng của bạn là 2.000 NDT (khoảng 7 triệu đồng), hãy chia số tiền này làm 5 phần.

Khoản đầu tiên - 600 NDT - dùng để chi trả cuộc sống hàng ngày. Nếu muốn sống đơn giản, bạn chỉ có thể tiêu dưới 20 NDT mỗi ngày. Hãy ăn mì (hoặc bún, miến), một quả trứng và một cốc sữa vào buổi sáng. Trưa thì ăn snack với hoa quả thôi. Còn tối hãy tự nấu tại nhà, rồi uống sữa trước khi đi ngủ. Chi phí ăn uống cả tháng của bạn sẽ chỉ tốn khoảng 500-600 NDT. Khi còn trẻ, cơ thể của bạn sẽ không có quá nhiều vấn đề nếu sống thế này vài năm.

Khoản thứ hai - 400 NDT - để kết giao bạn bè, mở rộng các mối quan hệ. Việc này rất có lợi cho bạn. Tiền điện thoại có thể mất khoảng 100 NDT mỗi tháng. Bên cạnh đó, bạn có thể đãi bạn bè 2 bữa một tháng, hết khoảng 300 NDT. Hãy chọn những người hiểu biết, giàu hơn bạn hoặc có thể giúp bạn trong công việc. Sau một năm, các mối quan hệ này sẽ mang lại những giá trị rất to lớn cho bạn. Danh tiếng, tầm ảnh hưởng và giá trị gia tăng của bạn sẽ được công nhận.


Khoản thứ ba - 300 NDT - để học tập. Mỗi tháng, hãy dành ra 50-100 NDT để mua sách. Vì bạn không có nhiều tiền, hãy cố gắng nâng cao kiến thức. Khi mua sách, hãy đọc cẩn thận và rút ra những bài học và chiến lược trong đó. Sau khi đọc, hãy tự kể lại bằng ngôn ngữ của mình, sau đó chia sẻ với người khác để nâng cao uy tín và mối quan hệ. Bạn cũng nên dành 200 NDT mỗi tháng tham gia các khóa học để bồi dưỡng kiến thức và gặp gỡ những người cùng chí hướng.

Khoản thứ 4 - 200 NDT - tiết kiệm để đi du lịch nước ngoài. Hãy tự thưởng cho mình bằng các chuyến du lịch ít nhất mỗi năm một lần để nâng cao kinh nghiệm cuộc sống. Hãy ở những nhà trọ dành cho giới trẻ (youth hostel) để tiết kiệm chi phí. Trong vài năm, bạn có thể đến nhiều quốc gia, tích lũy nhiều kinh nghiệm. Hãy dùng chúng để “sạc đầy” bản thân, giúp mình có động lực trong công việc.

Khoản cuối cùng - 500 NDT - dùng để đầu tư. Đầu tiên, cứ gửi ở ngân hàng và tích lũy dần dần, coi đó là vốn khởi nghiệp của bạn. Sau đó, bạn có thể mở công ty hay cửa hàng. Hãy bắt đầu từ quy mô nhỏ cho an toàn, đến các hãng bán buôn và tìm kiếm thứ gì khả dĩ để bán. Vì kể cả nếu thua lỗ, bạn cũng không mất nhiều tiền. Còn ngược lại, khi bắt đầu kiếm được, bạn sẽ tự tin hơn và học được cả tá kinh nghiệm mới về kinh doanh. Khi đã kiếm kha khá, bạn có thể nghĩ đến các chiến lược đầu tư dài hạn để có bệ đỡ tài chính vững chắc cho bản thân và gia đình.

Sang năm thứ hai, nếu lương của bạn vẫn là 2.000 NDT, bạn nên cảm thấy xấu hổ vì vẫn chưa phát triển được bản thân. Còn nếu lên 3.000 NDT, bạn sẽ vẫn phải làm việc thật chăm chỉ. Hãy tìm một công việc làm thêm, tốt nhất là nhân viên kinh doanh.

Việc này tương đối khó, nhưng là cách nhanh nhất giúp bạn nắm được nghệ thuật bán hàng. Tất cả các doanh nhân thành đạt đều từng là nhân viên bán hàng xuất sắc. Đây cũng là cơ hội giúp bạn gặp được những người có giá trị với mình về sau. Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được học cái gì nên và không nên bán. Hãy dùng sự nhạy bén về thị trường của mình làm nền tảng cho công ty tương lai.

Trong thời gian này, cố gắng mua ít quần áo và giày dép thôi. Bạn có thể thoải mái shopping khi đã giàu. Còn bây giờ, hãy tiết kiệm. Chỉ mua những món quà nho nhỏ cho những người bạn quan tâm và chia sẻ với họ về những kế hoạch, giấc mơ của bạn.

Hãy cố gắng làm thêm bất kỳ lúc nào có cơ hội. Việc này sẽ mài giũa ý chí và kỹ năng cho bạn, giúp bạn tiến gần mục tiêu tài chính. Đến năm thứ hai, thu nhập của bạn nên tăng lên ít nhất 5.000 NDT, tối thiểu cũng phải là 3.000 NDT. Nếu không, bạn sẽ chẳng theo kịp tốc độ lạm phát đâu.

Bất kể bạn kiếm được bao nhiêu tiền, hãy luôn nhớ chia chúng làm 5 phần. Hãy khiến bản thân mình trở nên có ích. Tăng cường đầu tư vào các mối quan hệ, kiến thức, kinh nghiệm sẽ giúp bạn cải thiện thu nhập. Khi đã có nhiều tiền, bạn sẽ lại cải thiện được chất lượng cuộc sống, có cơ hội kết bạn nhiều hơn, tham gia những khóa học chuyên sâu hơn và tiếp cận những dự án, cơ hội lớn hơn. Dần dần, bạn sẽ hiện thực hóa được giấc mơ mua nhà, ôtô và chuẩn bị tương lai tốt đẹp hơn cho con cái.

Cuộc sống, sự nghiệp và hạnh phúc hoàn toàn nằm trong tầm tay bạn. Hãy lên kế hoạch ngay từ bây giờ. Khi bạn nghèo, hãy ở nhà ít thôi và ra ngoài nhiều hơn. Còn khi đã giàu rồi, hãy làm ngược lại. Khi bạn nghèo, hãy tiêu tiền cho người khác, còn giàu rồi thì hãy chi cho mình. Đây là nghệ thuật sống.

Bên cạnh đó, khi nghèo khó, hãy đối xử tốt với mọi người, đừng tính toán. Còn khi đã giàu rồi, hãy học cách để người khác đối tốt với bạn. Khi còn nghèo, hãy quăng mình ra ngoài và để người khác tận dụng bạn thật tốt. Nhưng khi giàu có, hãy bảo vệ mình, đừng để người khác lợi dụng. Đây là điều rất ít người hiểu được.

Có một lý thuyết nổi tiếng từ Harvard thế này: Số phận của mọi người được quyết định bởi việc anh ta làm gì khi rảnh rỗi, lúc 8h-10h tối. Hãy dùng khoảng thời gian này để học tập, suy nghĩ và tham gia vào các bài giảng hay buổi thảo luận có ích. Chỉ cần kiên trì vài năm, thành công sẽ tìm đến bạn.


Hà Thu (VN Express)

Tựa đề cũ là: "Tỷ phú Li Ka-Shing bày cách mua nhà, tậu xe trong 5 năm", tôi đặt lại tựa đề.

15.2.14

Life is a box of chocolate

Cách đây một năm, khi còn ở VN, làm việc chung với một người bạn, một buổi sáng dạy xong, nhận được một tin nhắn: mẹ anh mất, anh phải về Mỹ gấp, em giúp anh làm mấy việc. Hai ngày sau, từ Mỹ, anh gửi một cái email với nội dung, anh thấy thương mẹ anh, bao năm qua anh đi khắp nơi, giờ về nhìn mẹ nằm đó, các bạn nếu còn cha mẹ thì hãy ráng nhịn một quả táo, một quả cam mà chia sẻ cho ba mẹ mình, bởi vì đến một ngày nào đó, bạn không còn ai để chia sẽ.

Tối, đọc mấy dòng trong cái thiệp chúc sinh nhật của bố mẹ gửi cho một người bạn đăng trên facebook động viên con, thấy thương. Ba mẹ mình chưa bao giờ tổ chức sinh nhật và chưa bao giờ gửi thiệp như vậy, và mình cũng không thấy cần thiết. Cuộc đời có những lúc nói theo kiểu VN là "lên bờ xuống ruộng", lúc nào thì cha mẹ cũng luôn luôn đứng phía sau hỗ trợ. Nhưng cha mẹ đâu có đứng đó mãi. Mẹ bảo, mày làm gì thì làm rồi sướng cho bản thân mày rồi sau đó tới vợ con mày, chứ tao với ba mày sống giỏi lắm chừng 20 năm nữa. 

Lâu lâu, mấy đứa em giận ba mẹ, không gọi điện, mình an ủi, thôi, tụi nó là con, nó còn nhỏ,  mình là ba mẹ để ý làm gì, mẹ gọi điện hỏi thăm tụi nó đi, coi nó sống sao, sự quan tâm phải có qua có lại ba mẹ đừng nghĩ là sinh con ra rồi tự nó thương mình, mình quan tâm thương nó rồi nó biết nó thương lại. Mẹ cười bảo, mấy đứa kia tao hỏi thăm hoài chứ, chỉ có mày xa quá; mình bảo, con thì không cần đâu, lâu lâu con gọi. Trung bình 2-3 tuần gọi 1 lần, mỗi lần từ 30-45 phút. 

Mấy hôm trước nhận thêm một tin cáo phó của một người bạn vong niên, báo mẹ vợ vừa mất. facebook thì ngày càng nhiều hình trẻ con.

Lâu, đọc một lời điếu văn của một anh ở ngoài này, nhắc rằng cuộc đời có luân hồi, thế hệ già mất đi để thế hệ trẻ tiếp nối. Dẫu biết vậy nhưng sự mất đi vẫn là một mất mát.

Ben Bernanke khi được mời nói chuyện trước đám đông sinh viên sắp tốt nghiệp ở Princeton có nhắc: với những gã lao động chân chính nuôi sống gia đình của chính mình thì đủ đáng để mình mời anh ta một ly bia. Thiếu phụ nữ, chắc phải thêm những chị thương yêu, chăm sóc gia đình thì cũng đã đủ để mời bia (nếu chị biết uống bia, còn nếu làm việc để nuôi gia đình nữa thì chắc phải mời gấp đôi !!!).

Mình có may mắn làm việc với các thầy hướng dẫn có khuynh hướng gia đình. Hồi ở Frankfurt, ông thầy người Đức có lần tâm sự. Tao có khuynh hướng gia đình, rồi chỉ vào 2 đứa con tóc đỏ tự nhiên trong bức hình gia đình để trong phòng làm việc, bảo, hai đứa con tao tóc đỏ, mà xác suất để có một đứa tóc đỏ là một phần mười ngàn (1/10 000) (nghĩa là 1 phần trăm của 1 phần trăm), rất hiếm, (ông là nhà toán học kiêm tài chính), mỗi sáng tao dậy khoảng 6h, ăn sáng với tụi nó, rồi chở nó đi học. Chiều, khoảng 4h, nếu ghé phòng sẽ thấy ông gọi điện cho tụi nó chút nếu được mẹ chở về nhà.

Ở Oslo, ông thầy có một đứa con gái duy nhất, 7 tuổi. Một lần hỏi ổng có mấy đứa, ổng bảo, một đứa, nhiêu đó đủ rồi, vợ tao người Catalan (người ở Barcelona). Trưa, và chiều, thỉnh thoảng nói chuyện với vợ con. Hỏi ngày nghỉ ổng làm gì, ổng bảo tao dẫn gia đình lên núi, sáng tao chấm bài hay đọc bài chừng 2 tiếng, xong đi câu cá, đạp xe.

Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không kể ông sếp hồi làm ở Singapore. Ông trẻ, gần 40 tuổi, học ở Anh về. Ở Singapore ông học cao đẳng, xong bảo nếu học tiếp lấy bằng cử nhân ở đại học ở Singapore mất 5 năm, nên ông xin qua Anh học 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sỹ, sau 5 năm ông lấy được bằng thạc sỹ, nhanh hơn. Vào làm được khoảng 2 tháng, thì biết con ông mới mấy tuổi bị bệnh bạch cầu trắng, một dạng ung thư máu, ông vừa làm việc, vừa chăm sóc con, trưa và xế, ngồi ở office ông gọi điện về, giọng rất ngọt, nói chuyện với con. Trong hơn 1 năm làm việc, có những lúc bệnh tình của con xấu, ông chưa một lần cáu gắt với đồng nghiệp và nhân viên, trái lại luôn luôn đứng bên cạnh động viên, giúp tìm giải pháp. 

Life is a box of chocolate - cuộc đời là một hộp kẹo sô-cô-la. Mình rút ra đâu có biết ngọt hay đắng. Có rất nhiều cái đều cần một ít may mắn. Và người phương Tây luôn kèm theo câu "good luck" khi tiễn bạn. Nhưng nhờ trải nghiệm những vị đắng thì sau đó mình mới hiểu được vị ngọt.

Oslo, 13.7.2013

Chuyện thi cử VN và Nauy

Vẫn biết nhiều khi so sánh giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển, như ở nhà, là một sự khập khiễng. Nhưng những so sánh cứ  tự nhiên trở về khi mình có dịp tiếp xúc và làm việc với người ở các nước ngoài này.

Nghe bạn kể vanh vách từng tên ông thầy ăn tiền sinh viên, mình ngồi nghe mà tròn mắt. Có thầy dạy xong bảo lớp trưởng lên nói chuyện, lớp trưởng lên hỏi chuyện gì, thầy bảo đứa nào muốn đậu đóng 1 triệu, đứa nào không đóng không đậu. Lớp trưởng về báo cáo lại, một số bạn nộp tiền cho lớp trưởng, gửi thầy, các bạn đó đậu, các bạn còn lại rớt. Có thầy sau khi dạy xong, bảo sinh viên muốn biết điểm nhắn tin điện thoại cho thầy, sinh viên nhắn tin để nhận lại giá tiền muốn đậu phải nộp. Cái danh sách cứ dài ra, mà có phải thầy ở trường hạng hai, hạng ba đâu, đằng này toàn các thầy thuộc trường hàng đầu ở Sài Gòn. Ngày xưa, đứa em kể đi học mấy đứa nào dẫn thầy đi nhậu, đứa đó đậu, những đứa không có tiền dẫn thầy đi nhậu hoặc đưa tiền cho thầy, rớt. Lúc đầu mình không tin, giờ càng ngày càng hiểu. Bạn bảo thêm, các thầy đi dạy rất giàu, mặc dù mình thấy đi dạy mỗi tiết (45 phút), chỉ có 90 ngàn.  Ông thầy như vua, vừa dạy vừa chấm điểm cho sinh viên, muốn cho đứa nào điểm cao thì cho, muốn cho rớt thì rớt.

Còn giáo dục Nauy.  Chuyện thi cử của họ rất nghiêm túc. Khi làm bài thi, mỗi sinh viên được phát cho một xấp giấy làm bài thi. Mỗi tờ giấy làm bài thi bao gồm 3 tờ giấy mỏng dính chồng lên nhau. Tờ trên cùng màu trắng dùng để viết trực tiếp lên, tờ thứ hai nằm giữa màu vàng, và tờ cuối cùng màu trắng nhạt, hai tờ giữa và cuối là kiểu giấy in. Khi sinh viên viết bài lên tờ giấy đầu, hai tờ giấy nằm dưới cũng tự động lưu lại những gì sinh viên viết. Cuối buổi thi hai tờ trên cùng gửi cho giám khảo gửi để chấm bài, tờ dưới cùng sinh viên giữ lại, để có gì sau này đối chiếu. Hai tờ kết quả của sinh viên sau đó sẽ được gửi cho hai giám khảo chấm bài. Tờ đầu (mà sinh viên viết trực tiếp lên) được gửi cho một giám khảo phụ thuộc trường khác dùng để chấm điểm cho sinh viên. Tờ thứ hai được gửi cho một giám khảo chính (thường là giáo sư của môn dạy hay trợ giảng) để chấm bài. Sau khi hai giám khảo chính và phụ chấm xong, hai người sẽ so sánh điểm của nhau và thảo luận nếu điểm của cùng một sinh viên mà hai người chấm khác nhau. Và điểm cuối cùng thì hai giám khảo sẽ phải kí và gửi cho ban quản lý. Bằng cách để cho sinh viên nắm một bản bài thi giúp cho các giám khảo không thể nào sửa bài sinh viên. Việc để cho giám khảo chính nắm bản thứ 2, thay vì bản thứ 1, vì bản thứ 2 là bản giấy in, nên giám khảo chính không thể sửa bài của sinh viên nếu cho dù trong quá trình dạy có tình cảm với sinh viên đi chăng nữa. Khi hai giám khảo cùng chấm bài và so sánh, mà một giám khảo nằm ở trường khác,  thì khả năng giám khảo chính chấm thiên vị cho sinh viên cũng không còn. Khi có một vị giám khảo nằm ở trường ngoài chấm điểm thì họ sẽ biết ông thầy trường chính đang dạy những gì và có đàng hoàng tử tế hay không. Ông thầy trường chính do đó cũng phải dạy và thi cho nó đàng hoàng tử tế. 

Người phương Tây rất thực tế, họ thiết kế một cơ chế để giảm thiểu tiêu cực, chứ không kêu gọi suông kiểu "nói không với tiêu cực" hay mong chờ lòng tự trọng (vốn đã không còn ở các ông thầy nhận tiền sinh viên để cho điểm). 

Oslo, 30.9. 2013

Bảo Mật Điện Tử

Thấy các bạn ở VN mất tiền qua Internet banking, cảm thấy nhiều bạn chưa biết nhiều về bảo mật điện tử (digital security) của hệ thống tài chính, mình viết vài dòng chia sẻ.

Số là trước khi bỏ nghề kỹ sư để theo đuổi ước mở trở thành kinh tế gia (không biết có thành công không, nhưng biết là đang theo đuổi ước mơ), trong thời gian làm việc ở Singapore gần 1 năm rưỡi, mình là kỹ sư chính phụ trách việc làm card ngân hàng cho tất cả các khách hàng châu Á (trừ Việt Nam) của Gemalto – công ty về card hàng đầu thế giới và là công ty phụ trách làm passport điện tử cho chính phủ Mỹ. Phụ trách việc làm credit card cho các ngân hàng từ Citibank, HSBC, Standard Chartered Bank,  Maybank ở Singapore, và một số ngân hàng ở Hàn Quốc, Nhật, Indonesia, Cambodia, Malaysia, Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt mình thiết kế bảo mật cho thẻ cá nhân của nhân viên Hãng Truyền Hình Trung Quốc, trừ Việt Nam. Không hiểu sao sếp không giao cho mình dự án ở các ngân hàng Việt Nam, mà thay vào đó là một đồng nghiệp người Singapore.

Trước đây, thẻ tín dụng (credit card) không có chip, chỉ có vạch từ. Thẻ này không an toàn. Một dạo trước đây, có chuyện các băng đảng mafia người Malaysia qua Việt Nam đánh cắp thông tin thẻ từ, rất dễ, và họ làm giả y chang các thông tin và trộm tiền bằng cách mua hàng. Với thẻ không có chip, hoặc chip có hệ thống bảo mật không đúng chuẩn, rất dễ bị ăn cắp thông tin. Họ chỉ cần dùng một cái máy đọc thẻ (card reader), quẹt qua một cái, các thông tin sẽ lưu lại trong máy, sau đó họ tải ra máy tính, và tải ngược lại thông tin lên một cái thẻ giả mới, và họ được một thẻ giả có tính năng y như thật, dùng để ăn cắp tiền.

Hiện nay, thế giới đã tiến một bước xa đến hệ thống bảo mật mới cho thẻ tín dụng. Chuẩn bảo mật mới này gọi là EMV, viết tắt của ba chữ đầu Europay-MasterCard-Visa, ba công ty lớn chuyên về thẻ tín dụng. Các công ty này không trực tiếp làm thẻ, mà họ bán quy trình bảo mật và đứng ra kiểm soát bảo mật hệ thống, từ khâu làm thẻ đến khâu bảo mật.

Vậy chuẩn bảo mật này như thế nào. Hệ thống bảo mật này thường có 3 (tầng) bảo mật, với ba lớp khóa khác nhau. Ví dụ một thẻ Visa. Lớp khóa thứ nhất là của Visa, khóa này đảm bảo rằng khi các máy đọc thẻ đọc vào thẻ tín dụng thì máy sẽ kiểm tra được có phải thẻ Visa hay của hãng nào khác, như MasterCard, American Express hay JCB, etc. Lớp khóa thứ hai, là khóa của ngân hàng, khóa này đảm bảo rằng khi máy đọc thẻ đọc vào thẻ sẽ phát hiện được thẻ thuộc ngân hàng nào. Lớp khóa thứ ba, là lớp khóa cá nhân, bao gồm số pin của thẻ, số CVC, OTP (one-time password, mật mã một lần). Đối với mật mã khóa của ngân hàng, qui trình bảo mật bao gồm 3 người nắm giữ 3 phần khác nhau của khóa. Khóa chỉ thực hiện khi từng người một nhập mã của mình vào máy và sau đó, máy sẽ thực hiện thuật toán, kết hợp 3 phần lại với nhau để trở thành mật mã của ngân hàng. Các khóa này được tải vào chip của thẻ, lần lượt tùy từng công đoạn.

Khi đưa thẻ tín dụng thanh toán, đầu tiên máy đọc thẻ sẽ gửi một tín hiệu tới chip. Chip sẽ phải thực hiện thuật toán với tín hiệu và gửi trả lại máy tín hiệu mới. Máy sẽ phân tích xem là các thông tin từ chip cho thấy thẻ tín dụng là thẻ thật hay thẻ giả dựa vào các thông số mật mã khóa. Bước thứ hai, chip sẽ gửi tiếp một tín hiệu khác tới máy đọc thẻ và máy đọc thẻ xử lý tín hiệu và gửi lại thông số cho thẻ; thẻ nhận tín hiệu và xử lý để kiểm tra xem máy đọc thẻ là máy thật hay máy giả. Chỉ cần một trong hai quy trình trên không được thực hiện trôi chảy là giao dịch chấm dứt.
Nhiều bạn lo ngại khi đi ăn mình đưa thẻ cho nhân viên nhà hàng, họ cầm thẻ của mình đi quẹt, rồi ra bắt mình ký tên vào hóa đơn. Nhỡ may họ biết được số của thẻ, 16 chữ số và 3 số CVC, họ có thể lên mạng mua đồ. Thực ra, giờ đây, đối với các ngân hàng bảo mật, họ bắt buộc có một bước bảo mật mới khi trả tiền online là xác nhận online (online verification) để xem có phải chính bạn là người mua hàng: đòi hỏi bạn phải có một cái token để tạo ra một loại mật mã một lần (OTP, one-time password), có trường hợp ngân hàng còn đòi thêm số PIN cá nhân nữa. Rất bảo mật vì nhân viên cửa hàng không thể nào có 2 số mật mã.

Trong một số trường hợp mua hàng, mình có thể gọi điện thoại và đọc 16 số của thẻ tín dụng cho nhân viên, nhân viên giúp mình mua hàng. Trường hợp này cũng rất bảo mật, vì khi nhận 16 số của thẻ, nhân viên sẽ hỏi bạn thêm ngày tháng năm sinh, đây là thông tin mà nhân viên cửa hàng khó mà biết được, và nếu thông tin không chính xác thì giao dịch không thực hiện. Khi mua vé máy bay chẳng hạn, họ còn bắt buộc bạn mang theo passport và thẻ tín dụng dùng để mua đi kèm để kiểm tra.

Một số ngân hàng bảo mật hơn, họ còn có dịch vụ gửi tin nhắn cho bạn thông báo số tiền bạn mua hàng hay chuyển khoản, nếu số tiền đó lớn hơn một mức nào đó. Giúp bạn kiểm tra các giao dịch của mình.
Khi các cửa hàng nhận thẻ tín dụng, họ bắt bạn đưa chứng minh thư để kiểm tra thêm chữ ký của bạn và nhân thân. Cho nên trường hợp một người ăn cắp được thẻ của bạn, hoặc bạn lỡ đánh rơi thẻ, thì cũng khó có khả năng họ dùng thẻ của bạn đi mua được hàng, nếu nhân viên của hàng đó cẩn thận thực hiện đúng quy trình kiểm tra tên và so sánh chữ ký. Dĩ nhiên, tốt hơn, bạn nên báo ngân hàng ngay khi mất thẻ.

Ở Nauy, chính phủ điện tử, họ còn dùng thêm hai mã số nữa là BankID và số cá nhân cho online banking. Hai mật mã này vừa để nhập vào online banking và cũng để thực hiện việc giao dịch online bên cạnh mật mã một lần OTP. Ngoài ra, hai số BankID và số cá nhân còn được chia sẽ với chính phủ Nauy để bạn dùng để nhập vào hệ thống chính phủ điện tử để khai báo địa chỉ mới, làm giấy khai sinh cho con và tất cả các thủ tục liên quan đến chính quyền khác.

Chính vì vậy, nếu các ngân hàng thực hiện bảo mật đúng cách thì bạn không việc gì phải lo nghĩ nhiều.

Oslo, 18.7.2013

Lừa đảo tài chính

Đầu thế kỷ 20, một người Ý tên Charles Ponzi lên thuyền sang nước Mỹ, với vỏn vẹn chưa tới 3 đô la Mỹ trong túi, để thực hiện giấc mơ Mỹ. Và quả thật giấc mơ của ông thành công sau 20 năm; từ chỗ chỉ có chưa tới 3 đô la kể từ lúc đặt chân đến Mỹ, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, ông có trong túi hàng triệu đô la Mỹ.  Bằng cách lúc đầu buôn bán ăn chênh lệch trên thị trường tem; sau đó chuyển sang hình thức kêu khách hàng góp vốn và hứa hẹn một lãi suất cao bất ngờ trong một thời gian ngắn, sau đó lấy tiền của khách hàng sau trả tiền cho khách hàng trước và phần còn lại để mình tiêu xài. Vòng xoáy sẽ tiếp tục cho đến một ngày những nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng sinh lời của phương thức kinh doanh của Ponzi và bắt đầu rút tiền. Ponzi lúc này không còn tiền trả cho khách hàng trước và công ty sụp đổ. Sau một loạt cáo buộc phải ở tù và cuối cùng bị trục xuất, Ponzi chết trong nghèo hèn. 

Trò chơi Ponzi ghi dấu trong lãnh vực tài chính như một ví dụ cơ bản cho bong bóng tài chính. Ponzi cuối cùng phải trả giá cho hành động của mình.

Ở Việt Nam mình, gần đây hàng loạt vụ vỡ hụi, và chủ hụi ôm hàng chục tỉ đồng, bỏ trốn. Con hụi ôm hận: người khóc, người chửi, người thuê giang hồ truy đuổi, người xiết nợ, người yếu quá thì sốc rồi chết. Con hụi bất lực vì các giao kèo bằng giấy tay và chính quyền không muốn can thiệp, phủi tay, bảo đó là giao dịch dân sự và các giấy viết tay không phải là bằng chứng pháp lý đầy đủ.

Đây cũng là một trò chơi Ponzi và những chủ hụi đáng ra phải bị tội lừa đảo và bị phạt hoàn trả tiền cho con hụi. Ở bên phương Tây, các giao dịch đôi khi chỉ là một cái email xác nhận là một giao dịch được thực hiện, và giá trị của một tờ giấy viết tay đã có ý nghĩa pháp lý tương đương như là một hợp đồng.

Một lần nữa, nhiệm vụ của Ngân Hàng Trung Ương phải có một cơ chế quy định chủ hụi, cũng như các cá nhân muốn kinh doanh tài chính, đăng kí, quản lý, đóng thuế, và xét cấp giấy chứng nhận. Có như vậy thì những vụ vỡ hụi mới giảm và người nghèo mới đỡ mất tiền. Nhưng tiếc là những cơ chế, chính sách đáng làm như vậy xem ra không đem lại nhiều lợi nhuận như kinh doanh vàng, nên có vẻ chưa thấy Ngân Hàng Nhà Nước mình đá động gì ?

Có bạn cho rằng đây là thị trường đen thì quan điểm của mình là chính vì là thị trường đen nên mới cần đến luật lệ của Ngân Hàng Nhà Nước bảo vệ người tham gia. Còn nếu là thị trường chính thống thì đã có sẵn luật lệ rồi. 

Giải quyết như thế nào ? Ngân Hàng Nhà Nước ra quy định, các chủ hụi phải đăng kí giấy kinh doanh, và đóng thuế, vì trước hết đây là một hoạt động kinh doanh. Thứ hai, vì đây là hoạt động tín dụng nên phải khai báo mỗi 3 tháng với chi nhánh của Ngân Hàng Nhà Nước chi nhánh địa phương, có sẵn đơn, các chủ hụi phải điền và kí tên các con hụi với tên tuổi đã đóng bao nhiêu tiền. Thứ ba, các con hụi sẽ được bảo lãnh bởi Ngân Hàng Nhà Nước số tiền bị mất với con số tối đa, chẳng hạn 30 triệu, trong trường hợp chủ hụi có đăng kí vỡ nợ. Cuối cùng, chủ hụi nào không đăng kí sẽ bị phạt nặng. Làm như vậy, sẽ phân biệt được đâu là chủ hụi có đăng kí hợp pháp và đâu là chủ hụi có tính lừa đảo. Con hụi cũng sẽ chọn chủ hụi có đăng kí mà tham gia vì như vậy, con hụi sẽ được bảo đảm một phần tài sản.

Những quy định trên không có gì mới và thế giới đã áp dụng. Ở Mỹ các tổ chức tài chính nhỏ nhan nhác và phá sản liên tục. Duy chỉ có những tổ chức đăng kí thì được chính quyền bảo lãnh. Các cơ quan như FDIC, FINRA hay SIPC đóng vai trò như những cơ quan độc lập giúp giám sát các hoạt động tài chính của các công ty tài chính.

Oslo, 10.8.2013