19.11.08

Tại sao giá vẫn tăng ?




Tin tức từ trong nước cho hay lạm phát bắt đầu giảm - kết quả của chính sách tiền tệ thông qua việc nâng lãi suất và sự điều chỉnh chính sách tài khóa qua việc cắt giảm các khoản đầu tư công được cho là không hiệu quả và bừa bãi. Giá cả hàng hóa vẫn tăng đặc biệt là nhóm thực phẩm; đó là một hệ quả của chính sách tiền tệ hiện nay và chính sách tài khóa trước đây và còn kéo dài đến hiện nay.

Việc nâng lãi suất ngân hàng quá cao lên trên 15%, khiến cho các cơ sở sản xuất kinh doanh e ngại và khó tiếp cận được vốn, hậu quả là các cơ sở này ngừng việc mở rộng sản xuất kinh doanh và thậm chí giảm hoạt động sản xuất. Điều này dẫn đến hàng hóa trong nước ngày càng khan hiếm. Mặc khác, trong môi trường kinh tế tại Việt Nam, khi mà một lượng lớn các công ăn việc làm được tạo ra bởi các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, các hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ và qua các hoạt động nông nghiệp – những lĩnh vực mà việc nâng lãi suất cơ bản không có nhiều tác động trực tiếp -, sức mua vẫn không giảm nhiều khi ngân hàng nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ . Ở đây, thực chất sức mua chỉ giảm do giá cả tăng vọt trong khi thu nhập người dân không tăng trong một khoản thời gian quá ngắn. Khi nguồn cung giảm mạnh do việc đình trệ trong sản xuất kinh doanh do khó tiếp cận vốn của các cơ sở sản xuất lớn trong khi mức cầu hàng hóa từ thị trường không giảm nhiều, cùng với việc nâng mức lương cho nhân viên trong tình hình giá cả tăng vọt và chi phí đầu vào tăng lên là những nguyên nhân quan trọng khiến giá hàng hóa vẫn tăng trong ngắn hạn.

Chính sách tiền tệ hiện nay chỉ mang tính chữa cháy. Vấn đề cơ bản là sự phát triển kinh tế của Việt Nam không tạo ra được một nền tảng công nghiệp sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước và kết quả là phụ thuộc vào các dao động bên ngoài. Việc các công ty nhà nước và nhiều công ty tư nhân tập trung vào các dự án xây dựng, tài chính, ngân hàng, giải trí, công nghệ thông tin trong khi đó lại bỏ quên các lĩnh vực sản xuất chế biến, phân phối và nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi và chế biến thực phẩm là một nguyên nhân mang tính cấu trúc dẫn đến việc giá cả thực phẩm tăng vọt. Các dự án của chính phủ hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh cho đến nay chỉ tập trung vào sản xuất hộ gia đình nhỏ lẻ. Trong khi đó, nguồn cung thực phẩm đầu vào cho các hoạt động chăn nuôi lại phải nhập từ nước ngoài. Giá cả đầu vào tăng khiến cho giá thành sản phẩm tăng lên. Mặc khác, bản thân các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ mang tính gia đình chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu tự cung, tự cấp và không tận dụng được ưu điểm của kinh tế số nhiều (economies of scale) giúp giảm giá thành sản phẩm.

Việc dùng chính sách tài khóa nhằm bơm tiền ra ngoài, tạo công ăn việc làm cho người dân, trong khi các công ty tư nhân lẫn nhà nước lại tập trung duy nhất chỉ vào các dự án công nghiệp, khiến cho sức mua trong nước tăng lên khi nhu cầu sản xuất trong nước không theo kịp sẽ tiếp tục dẫn đến một chu trình lạm phát trong tương lai không xa và là một tác nhân đóng góp vào tình trạng nhập siêu trong ngắn hạn.

Đã đến lúc chính phủ cần có một chiến lược hợp lý nhằm phát triển các ngành công nghiệp sản xuất, dành một quan tâm đặc biệt đến chế biến thực phẩm và hệ thống phân phối, đồng thời quy hoạch những đặc khu nông nghiệp dành cho việc trồng trọt, chăn nuôi giúp tận dụng được ưu điểm của kinh tế số nhiều nhằm làm giảm chi phí. Nhu cầu thực phẩm của người dân không chỉ có duy nhất lúa gạo khi thu nhập người dân ngày một đi lên cùng với nền kinh tế.

Cuối cùng, những tín hiệu phát ra từ những quan chức nhà nước về những biện pháp đối phó với tình trạng lạm phát khiến cho nhiều người không khỏi nghĩ rằng chính phủ chưa có được một sự thảo luận nhất trí trước khi đưa ra các ý kiến. Đây là điều khá nhạy cảm đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là những tín hiệu từ ngân hàng trung ương. Việc có được những thông tin về chính sách rõ ràng và có thể tin được sẽ giúp chính phủ bình ổn thị trường dễ dàng hơn, tránh bị ảnh hưởng bởi tin đồn. Ngân hàng trung ương cũng nên có những báo cáo định kỳ khoảng 3 tháng một lần về chính sách của mình trong giai đoạn ngắn hạn. Ngoài ra, việc “mở cửa” và cởi mở hơn đối với giới học thuật cũng sẽ làm tăng thêm uy tín và kinh nghiệm cho ngân hàng. Bằng cách tổ chức những hội thảo định kì về chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng và tổ chức một bộ phận nghiên cứu đặc biệt về kinh tế ngay trong ngân hàng sẽ giúp nâng vị trí và uy tín của mình.
Rộng ra, khi mà nền kinh tế Việt Nam ngày một tích hợp sâu vào thị trường thế giới, với lợi thế các chuyên gia kinh tế Việt Nam có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, việc chính phủ có một ban tư vấn chính sách kinh tế bao gồm cả các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài sẽ giúp đỡ được rất nhiều trong việc nắm bắt thông tin để có được những đối sách thích hợp cho nền kinh tế trong nước.

Nguyễn Huy Vũ
11.2008.

P/S:
Nhân đọc bài: http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/11/813078/


12.11.08

Kinh Tế và Tình Yêu


Kinh tế học được định nghĩa là một môn khoa học xã hội nghiên cứu về sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ hàng hóa. Thời mới "khai sinh" môn học này có mục đích chính là nghiên cứu về sự giàu có; và thông qua đó, làm sao trở nên giàu có. Có nghĩa là, làm sao, với một nguồn lực hạn chế, con người có thể tạo ra các thành quả nhiều nhất.

Và từ lâu người Việt đã quan tâm đến kinh tế, mà một bằng chứng đó là câu " một vốn bốn lời".

Tuy nhiên, biết là một việc và áp dụng được nó lại là một việc khác. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các kinh tế gia hay các giáo sư kinh tế không phải luôn luôn là các tỉ phú. Nói gần gần, không phải các bạn nào học kinh tế cũng đều trở nên giàu có. Nhưng ngược lại, không một ai thành đạt ( nhất là về tài chính) mà không một lần (vô tình hay cố ý) áp dụng một phần nào đó về kinh tế. Một nhánh quan trọng của nó là đầu tư.

Đầu tư ở đây là đầu tư về tiền bạc, công sức, trí tuệ và thời gian. Nói một cách khác, ngừơi thành đạt là người biết dùng những cái sẵn có của mình hiệu quả hơn một số người khác. Nói một cách nôm na, người thành đạt là người biết "làm kinh tế".

Ai cũng muốn thành đạt và để muốn thành đạt tất nhiên phải đầu tư. Thậm chí muốn trúng số độc đắc, ta cũng phải đầu tư bằng cách bỏ tiền mua vé số. Và ít nhất một lần trong đời ai cũng đã từng đầu tư.

Có một lĩnh vực mà tôi chắc rằng ai cũng đã (và muốn đầu tư): tình yêu.

Cũng giống như những cái khác trên đời, bạn muốn nhận thì bạn phải cho ( trừ bạn được cho bởi cha mẹ bạn). Nói theo kinh tế học là bạn muốn nhận thì bạn phải đầu tư.

Nếu như trong kinh tế, người giàu có nhiều thì đầu tư bất động sản hay những phi vụ làm ăn lớn, người giàu có ít thì mở những công ty nhỏ nhỏ để buôn bán, những kẻ ít tiền hơn thì đi mua chứng khoán, tiết kiệm,... Trong tình yêu cũng vậy, nó đều có phân cấp hẳn hoi. Người có nhiều tiền thì đầu tư nhà lầu , biệt thự, xe hơi. Kẻ có ít tiền thì đầu tư túi xách, balô, gâu bông, áo khoác.. và những thứ khác , nói chung thượng vàng hạ cám đủ cả. Và tất nhiên đầu tư nhiều thì lợi nhuận (nếu thu được) cũng sẽ nhiều.

Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực đầu tư mạo hiểm hàng đầu. Tại sao vậy ?

Đầu tư mạo hiểm là một hoạt động ám chỉ đầu tư mà khả năng rủi ro làm thất thoát vốn đầu tư cao.

Dựa theo đó thì quả thật đầu tư tình yêu là một đầu tư đầy rủi ro. Và hiện nay, có thể là số một.

Đứng về mặt kinh tế học, nếu như đầu tư vào cổ phiếu thì trong một phiên giao dịch, giá cổ phiếu dao động lớn nhất là khoảng 50% ( khi giá dao động vượt quá giá khung thì sàn chứng khoán ngững giao dịch ngay), có nghĩa là giá trị của nó trong những trường hợp tồi tệ nhất thì vốn đầu tư thất thoát đi một nữa. Nhưng còn tình yêu, chỉ có hai chọn lựa được và không được . Như vậy, rõ ràng "sau một phiên giao dịch" trường hợp tồi tệ nhất là mất trắng . Điều này, đã xảy ra và xảy ra nhiều là đằng khác.

Tới đây, có thể kết luận rằng tình yêu là một dạng đầu tư mạo hiểm với nhiều rủi ro.

Nếu như thị trường chứng khoán khi nóng đến một lúc nào đó thì lại lạnh, và lòng hăm hở của người đầu tư vào thị trường chứng khoán cũng biến thiên của nó; thì tình yêu lại khác. Tình yêu nó không có tuổi và không có thời gian hay không gian.

Ai cũng muốn YÊU và được (bị) YÊU. Chính vì vậy, mà ai cũng muốn đầu tư. ( Trừ những kẻ nằm cờ sung rụng, mà sung bây giờ người ta order sẵn khi còn non rồi )

Điều đáng nói ở đây là càng ngày, người ta càng đầu tư vào tình yêu nhiều hơn. Mặc dù càng ngày cái thị trường này càng nhiều rủi ro hơn.

Tại sao lại nhiều rủi ro hơn ? Bằng chứng là theo thời gian, các vụ ly hôn ngày càng phổ biến hơn với tỉ lệ cao hơn. Các vụ chia tay bạn trai(/gái) cũng dễ dàng hơn và ít đau buồn hơn.

Và tại sao càng ngày người ta đầu tư vào nhiều hơn. Có thể nhu cầu vật chất càng ngày càng dư dả hơn.

Nếu như ngày xưa " Yêu nhau cởi áo trao nhau, về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay" (vốn đầu tư = cái áo), thì ngày nay đố các bạn kiếm được cái trường hợp nào mà lấy cái áo cũ của mình tặng người mình thương ( mà không "phá sản" tình yêu )

Hay như thời trước đó nữa, chỉ khi nào cưới thì mới tặng quà ( nhà trai cho nhà gái). Cái này thì đầu tư hầu như không có tí rủi ro nào cả.

Mặc dù là một ngành đâu tư nhiều mạo hiểm, nhưng cho đến nay chưa thấy có một trung tâm tư vấn như nhiều ngành đầu tư khác.

Nếu như có nhiều các trung tâm tư vấn đầu tư hướng dẫn khách hàng bỏ tiền vào các dự án hay mua những loại chứng khoán đem ra nhiều lợi nhuận nhất thì lĩnh vực đầu tư tình têu chưa có một công ty nào xứng tầm.

Hiện nay, chỉ có những trung tâm tư vấn tình yêu- hôn nhân-gia đình đóng vai trò tư vấn khi mà "tình hình kinh tế" trục trặc hay "vốn đầu tư" có nguy cơ mất trắng. Và các trung tâm này đóng vai trò chính là an ủi, thay vì hướng dẫn khách hàng làm sao đầu tư vào những tình yêu để cho ra thành công nhiều nhất.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nhà nước sớm vào cuộc và tiến hành nhiều biện pháp nhằm hạn chế rủi ro của lĩnh vực đầu tư này. Điều này góp phần giúp an cư, lạc nghiệp, ổn định cuộc sống của một số người, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ cho kiều bào sống xa tổ quốc.

9.11.08

Đôi nét về Singapore

Gần đây, sự kiện ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng của Singapore, thăm Việt Nam và được các cấp lãnh đạo tham vấn về các chính sách và đường lối phát triển đất nước đã khiến nhiều người nhìn lại đất nước Singapore.

                         

Chỉ hơn 40 năm kể từ ngày được độc lập, một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, và không có một tài nguyên đáng kể nào (kể cả nước cũng phải nhập từ Malaysia ), ngoại trừ một cái cảng nước sâu, Singapore đã trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất. Điều này góp phần đưa Singapore vào danh sách một trong các nền kinh tế phát triển thần kỳ của Đông Á, bên cạnh Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc và HongKong.

1.11.08

Tìm hiểu về Du Học

Vào một buổi chiều cách đây khoảng gần bảy năm, khi tôi - là một học sinh năm lớp 12 chuẩn bị thi đại học - đang học bài thì một người bạn cùng nhà chạy xuống kêu lên xem tivi về chương trình giới thiệu thông tin du học. Chương trình dẫn dắt bởi một truyền hình viên phỏng vấn ba bạn trẻ có cơ hội đang du học ở nước ngoài. Cũng như nhiều bạn học sinh khác, du học là một niềm đam mê không phải chỉ của riêng ai, mà hầu như học sinh nào cũng có, ít hay nhiều, và mãnh liệt hay không nó còn phụ thuộc vào khả năng và hoàn cảnh mà mỗi người thường tự đề ra cho mình. Du học bao gồm du và học, vừa đi du lịch và vừa học tập, ai mà chẳng thích đặc biệt là các bạn trẻ một thời như tôi. Ngoài chuyện bạn có cơ hội khám phá và hiểu biết về một vùng đất mới, trải nghiệm những văn hóa mới, bạn còn có cơ hội lấy được một mảnh bằng và nhiều kiến thức quý báu làm hành trang cho sự nghiệp tương lai của mình. Tôi chăm chú theo dõi cuộc phỏng vấn trên tivi với hi vọng có thêm thông tin về tìm kiếm học bổng để du học. Kết thúc chương trình, thông tin mà tôi có được là các bạn trẻ này kiếm được học bổng nhờ internet: tìm kiếm học bổng trên internet, rồi nộp đơn, phỏng vấn, nhận học bổng. Cách đây bảy năm, khi internet còn là một phương tiện xa xỉ đổi với một học sinh như tôi, và lúc đó tôi chưa biết sử dụng internet, mặc dù tôi là một học sinh ở một trường chuyên cấp tỉnh (Nha Trang - Khánh Hòa), những thông tin trên chỉ là những thông tin tham khảo, nó đến rồi đi, thậm chí không gây được cho tôi một cảm hứng nào đề bắt đầu đi tìm học bổng du học. Đơn giản bởi vì tôi không biết phải bắt đầu từ đâu và nên đi như thế nào. Ý muốn cung cấp các thông tin du học và các thông tin liên quan một cách vô vị lợi nhằm giúp các bạn trẻ đang tìm học bổng du học một thời như tôi đeo đuổi tôi mãi đến sau này tôi thành lập trang web www.lenduongduhoc.com. Trang web hoạt động được hơn một năm thì do bận công việc, đành đóng cửa, vả lại có nhiều trang web khác làm tốt hơn trong việc thu thập thông tin du học, do đó, tôi nghĩ cách tốt hơn là giới thiệu các trang này (trong phần Scholarship Links bên tay phải) đồng thời hướng dẫn thêm các bước cần thiết cho hành trình tìm học bổng du học đầy gian nan đối với nhiều bạn trẻ.

Để đạt được một mục tiêu, chúng ta ai cũng bắt đầu bằng ba bước:

- Chúng ta muốn gì ?
- Chúng ta đang có gì ?
- Và, chúng ta cần làm gì (để đạt được mục tiêu)?

Ở đây,
- Chúng ta muốn đi du học.
- Chúng ta đã có gì rồi ? Một tấm bằng loại khá trở lên ? Một chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế ? Có thông tin về trường hoặc nước chúng ta muốn học chưa ?
- Chúng ta cần làm gì ? Nếu chúng ta có các điểm chính cơ bản trên, chúng ta chỉ việc nộp đơn và đợi. Xong. Tuy nhiên, nếu chưa có một trong các điều trên thì ta phải tìm kiếm, và công cụ quan trọng và hữu dụng nhất là internet.

Để tìm kiếm thông tin trên internet hiệu quả, bạn phải làm quen với việc dùng chương trình www.google.com để tìm kiếm thông tin một cách thành thạo và một khả năng ngoại ngữ tương đối tốt để lọc thông tin.

Thông thường, khi bắt đầu muốn du học, bạn chỉ có duy nhất một niềm tin. Tất cả các thông tin khác hầu như chỉ là con số không hoặc chỉ một ít, có được từ bạn bè hoặc người thân truyền lại, nhiều khi không chính xác.

Để bắt đầu, bạn phải định hướng trước bạn muốn chọn ngôn ngữ nào và nước nào cho khóa học của bạn. Sau đó, bạn tìm danh sách các trang web của các trường đại học, cao đẳng của nước đó, vào từng trang web của từng trường một, tìm khóa học của bạn, nếu ưng ý, nên tìm xem có các chương trình học bổng hỗ trợ cho các khóa học đó không, sau đó thì xem tiếp các điều kiện để nộp đơn cho khóa học, và thời hạn nộp đơn. Việc còn lại là bạn chuẩn bị hồ sơ theo các điều kiện, nộp đơn trước thời hạn và chú ý gửi đơn bảo đảm để tránh thất lạc.

Một trang web chuyên lưu trữ danh sách các trường đại học trên thế giới là: http://www.webometrics.info/

Một số kinh nghiệm là các ở các nước châu Âu thường cung cấp khá nhiều học bổng cho học sinh các nước đang phát triển, hoặc chỉ thu học phí với mức tượng trương. Một số nước như Phần Lan, Nauy, Đan Mạch, Thụy Điển có các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh cho cấp bậc đại học và sau đại học. Riêng học phí giáo dục tại Phần Lan, Nauy, Thụy Điển thì được miễn kể cả cho sinh viên quốc tế. Đan Mạch tuy không miễn học phí cho sinh viên quốc tế nhưng có các chương trình học bổng. Việc đi làm thêm cuối tuần có thể giúp bạn trang trải được cuộc sống.

Ở Á Châu, trong vòng vài năm gần đây, Singapore nổi lên như một địa điểm thu hút các sinh viên Việt Nam qua học. Hàng năm, hai trường đại học Nanyang Technological University và National University of Singapore thường tổ chức thi tuyển sinh viên tại Việt Nam. Sinh viên đậu được kì thi sẽ được cho vay (học phí và tiền ăn ở) để học hết khóa học, các sinh viên nổi bật trong kì thi sẽ được nhận học bổng. Để biết thêm chi tiết các bạn có thể tham khảo trên trang web của các trường trên.

Ngoài Nhật Bản, Úc, New Zealand, các nước như Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Trung Quốc cũng ngày càng thu hút thêm nhiều du học sinh Việt Nam.

Điều quan trọng đối với mỗi người là THỜI GIAN. Thời gian gắn liến với cơ hội. Cơ hội được đi học năm nay khác với cơ hội được đi học năm sau và thường đi càng sớm thì càng tốt, vì các trường nước ngoài thường bắt sinh viên phải học lại nếu bạn đang học dang dở đại học.

Lã Bất Vi làm thầy giáo cho Tần Thủy Hoàng lúc còn là một thiếu niên. Tần Thủy Hoàng nhiều lần thất bại khi đấu vật với một đối thủ và đâm sinh ra nản. Lã Bất Vi có một câu nói dạy cho Tần Thủy Hoàng: “con người hơn nhau là ý chí”. Tần Thủy Hoàng ngày đêm ràn luyện, cố gắng vận dụng mọi chiêu thức, kể cả chơi xấu để cuối cùng thắng được đối thủ của mình. Kể câu chuyện Tàu trên đây không phải bởi vì tôi “ngưỡng mộ” hai nhân vật lịch sử bên Tàu mà bởi vì câu nói trên của Lã Bất Vi rất đúng. “Con người hơn nhau là ý chí”, nếu bạn không có ý chí kiên cường quyết tâm đi du học thì vận may cũng khó đến.