9.11.08

Đôi nét về Singapore

Gần đây, sự kiện ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng của Singapore, thăm Việt Nam và được các cấp lãnh đạo tham vấn về các chính sách và đường lối phát triển đất nước đã khiến nhiều người nhìn lại đất nước Singapore.

                         

Chỉ hơn 40 năm kể từ ngày được độc lập, một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, và không có một tài nguyên đáng kể nào (kể cả nước cũng phải nhập từ Malaysia ), ngoại trừ một cái cảng nước sâu, Singapore đã trở thành một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất. Điều này góp phần đưa Singapore vào danh sách một trong các nền kinh tế phát triển thần kỳ của Đông Á, bên cạnh Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc và HongKong.

Trong suốt quá trình phát triển đó, việc áp dụng các chính sách hợp lý đã góp phần làm nên sự ổn định, phát triển và tạo nên một bộ mặt mới cho đất nước nhỏ bé này - điều mà chính cựu thủ tướng Anh, Margaret Thatcher, đã có lần ngợi khen. Hầu hết các chính sách này đều dựa trên ba lý tưởng chính: đa sắc tộc, chế độ nhân tài và bình đẳng cơ hội, chủ nghĩa thực dụng.

Đa sắc tộc (Multiracialism)

Singapore vốn là một vùng đất của dân nhập cư và không có một ngôn ngữ hay văn hóa chủ đạo đóng vai trò làm nền tảng như Mỹ. Đó là một vùng đất sống chung của người gốc Hoa, Ấn, Mã Lai và nhiều sắc dân khác với nhiều ngôn ngữ và tôn giáo riêng. Lịch sử đã cho thấy có sự xung đột về tôn giáo, sắc tộc tại đây giữa người Hoa và người Mã Lai vào năm 1964.

Chính vì thế, việc hòa hợp và đoàn kết quốc gia trên tinh thần tôn trọng các giá trị riêng của nhau được chính phủ hết sức chú ý. Đó là một chủ đề rất nhạy cảm. Báo chí bị cấm đưa các tin có nội dung miệt thị hay chỉ trích sắc tộc, tôn giáo.

Lý tưởng này được áp dụng xuyên suốt trong nhiều chính sách khác nhau. 90% người dân Singapore sống trong các khu nhà chung cư do chính phủ xây dựng (gọi là HDB). Ngay từ những ngày đầu dựng nước, các sắc dân thường có xu hướng tụ tập sống gần nhau. Điều này rất dễ tạo nên mâu thuẫn sắc tộc và khó tạo được đoàn kết quốc gia. Chính vì thế mà khi bán nhà cho dân, chính phủ Singapore đã sắp xếp cho các sắc dân ở xen kẽ nhau, thay vì tụ tập nhau như trước kia.

Trong cộng đồng người Hoa cũng có nhiều bất đồng về ngôn ngữ giữa những người nói tiếng phổ thông, Quảng Đông, hay các thổ ngữ khác. Chính phủ đã đưa tiếng phổ thông làm ngôn ngữ chính thức dùng cho người gốc Hoa và bắt đâu dạy cho học sinh. Các chương trình truyền hình bằng tiếng thổ ngữ dần dần được cắt bớt và chỉ để dành lại các chương trình giải trí cho người già.

Các công sở và công ty hầu hết đều có sự tham gia của người gốc Ấn, Hoa, và Mã Lai.

Lý tưởng này góp phần tạo nên sự hòa hợp và thông hiểu giữa các sắc tộc và tôn giáo với nhau. Góp phần không nhỏ vào sự ổn định, phát triển của Singapore cũng như sự thân thiện và tinh thần quốc gia giữa người dân. Giờ đây, họ đã trở thành những Singaporeans (người Singapore).

Chế độ nhân tài và bình đẳng cơ hội (Meritocracy and Equal Opportunity)

Tạo hóa vốn đã không bình đẳng với con người. Người sinh ra với với đầy đủ tiện nghi, người sinh ra trong cảnh thiếu thốn. Kẻ lành lặn, người tật nguyền…..Thế nhưng, khi nhắc đên bình đẳng, chỉ nên hiểu nó ở nghĩa sự công bằng trong việc tiếp cận các cơ hội. Đó là một trong ba lý tưởng trong các chính sách của Singapore

Dựa trên lý tưởng này, việc cân nhắc các chức vụ đều dựa trên tài năng, thay vì các yếu tố khác.

Việc đãi ngộ nhân tài không những đối với người trong nước mà còn với người nước ngoài.

Có một giai thoại kể về ông Lý Quang Diệu như sau. Trong một lần ghé HongKong vào thập niên 60, ông Lý Quang Diệu đã nhờ một người thợ may may cho một bộ đồ. Người thợ may đã hoàn thành rất nhanh và bộ đồ rất vừa vặn. Khi trò chuyện, ông biết người thợ may này đến từ đại lục và chính vì sự di cư của những người tài từ đại lục qua HongKong đã đóng góp rất đáng kể vào sự hưng thịnh và phát triển của HongKong. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài nước ngoài của chính phủ Singapore được nhấn mạnh sau đó.

Ngày nay, chính sách này thể hiện rõ nét nhất trong việc cấp học bổng và cho vay để học đối với sinh viên nước ngoài với điều kiên sau khi tốt nghiệp thì làm cho một công ty có đăng kí với Singapore trong một thời gian.

Với một đất nước có hơn 4 triệu dân, để đáp ứng được nhu cấu phát triển nhằm tiến tới một nền kinh tế tri thức, việc giữ và thu hút chất xám đóng vai trò cực kì quan trọng đối với Singapore.

Chủ nghĩa thực dụng (Pragmatism)

Chủ nghĩa thực dụng được đưa ra trên nhu cầu cần phải phát triển nhanh và hiệu quả để có thể tồn tại đối với một đất nước nhỏ bé. Dựa trên lý tưởng này, tất cả các quyết định hay chính sách được đưa ra đều phải bảo đảm rằng nó mang lại cơ hội thành công cao nhất. Một nguyên tắc quan trọng trong chủ nghĩa này đó là: “khi muốn làm điều gì, hãy quan sát xem cách người ta đã làm, rồi mình học hỏi, đem về áp dụng và cố gắng làm tốt hơn họ”. Lý tưởng này được áp dụng một cách khá rộng rãi. Về luật và hệ thống giao thông, Singapore lấy từ Anh. Hệ thống hành chính và giáo dục học hỏi từ Anh và Mỹ. Các tiêu chuẩn về kỹ thuật tham khảo từ Nhật và Đức. Về quân đội, học hỏi cách tổ chức quân đội của Israel và Thụy Sỹ. Khi xây dựng hải cảng và phi trường thì Singapore học hỏi kinh nghiệm của Amsterdam, London, Paris…


Gần đây nhất, đó là lần đầu tiên sau hơn 40 năm, Singapore đã cấp giấy phép mở sòng bạc. Quyết định này được đưa ra sau khi đã có sự xem xét một cách nghiêm túc các tác động lên kinh tế, văn hóa và xã hội của các sòng bạc ở các nước khác như Mỹ, Úc, Malaysia, Macao…


Việc áp dụng lý tưởng thực dụng đã giúp cho Singapore tránh được những sai lầm của các nước đi trước, và rút ngắn được thời gian phát triển đáng kể.

Kinh Tế và Xã Hội

Mặc dù là một trong những quốc gia thuộc thế giới thứ nhất với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ các nước Tây Âu, thế nhưng Singapore không có một hệ thống an sinh xã hội (non-welfare state ).


Chính phủ cho rằng hệ thống an sinh xã hội sẽ làm người dân trở nên “lười biếng hơn”; để duy trì một hệ thống an sinh xã hội, thuế phải cao hơn, và có thể bị lợi dụng. Nhất là một khi áp dụng rồi thì khó bỏ một hệ thống như vậy. Nên những ai đã từng sống ở Singapore sẽ không ngạc nhiên khi thấy các cụ già trên 60 tuối vẫn làm các công việc tay chân để kiếm sống như lau bàn canteen trường học, quét dọn,….và nhiều người còn trẻ khi mất việc thì vội đi lái taxi trong khi chờ kiếm việc mới. Ở Singapore, nếu thu nhập hàng năm trên một ngưỡng qui định, người dân ngoài việc đóng thuế thu nhập, họ sẽ phải đóng một phần thu nhập vào một quĩ gọi là Central Provident Fund (CPF), quĩ này sẽ giữ số tiền đóng góp của mỗi người dân.Người dân có thể dùng một phần số tiền đóng trong quĩ này để chi trả tiền bệnh phí, học phí, bảo hiểm, mua nhà và đầu tư. Khi người dân về hưu thì có thể dùng số tiền mình đã gửi (kèm với tiền lãi ) để chi tiêu.Toàn bộ số tiền nằm trong quĩ CPF được chính phủ đem đi đầu tư.


Là một đảo quốc với dân số ít, nền kinh tế Singapore phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, nên rất dễ bị tổn thương. Trong cuộc cạnh tranh với các quốc gia đang phát triển, với nguồn nhân lực dồi dào và rẻ trong khu vực,bắt buộc Singapore phải leo dần lên các vị trí cao trong chuỗi sản xuất các sản phẩm. Nói một cách khác, Singapore phải trở thành một nền kinh tế tri thức sản xuất các sản phẩm chất lượng cao mới tồn tại được. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một vấn đề nan giả cho một quốc gia có nguồn nhân lực hạn chế này. Hiện nay trong các ngành đòi hỏi công nghệ cao, lực lượng lao động chính là người nước ngoài – mà chủ yếu là từ Ấn Độ,Trung Quốc và một vài nước Đông Nam Á. Khi các nền kinh tế của các nước này phát triển lên một bước cao hơn hướng tới các ngành kỹ thuật cao, Singapore bắt buộc phải trả một mức lương hấp dẫn hơn để có thể giữ họ lại. Điều này sẽ làm ngày càng tăng thêm hố phân cách giàu nghèo trong xã hội. Hiện nay, đã có một số “phàn nàn” trong dân chúng rằng người nước ngoài chiếm hết các việc làm của người bản xứ và người nước ngoài được ưu đãi gần như là người bản xứ. Nhằm xoa diệu dư luận, chính phủ cũng đã bắt đầu điều chỉnh một số chính sách theo đó người nước ngoài sẽ được ít ưu đãi hơn so với người bản xứ.


Singapore dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ hành chính và một trong bốn ngôn ngữ chính thức, bên cạnh tiếng Phổ Thông ( Trung Quốc), tiếng Mã Lai, và tiếng Tamil. Việc dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức một phần vì đây là ngôn ngữ chung mà các sắc dân khác nhau có thể dùng để giao tiếp lẫn nhau. Và một nguyên nhân khác đó là ông Lý Quang Diệu lúc mới làm thủ tướng chỉ có thể nói thông thạo duy nhất tiếng Anh. Gần đây, ông đã tự hào rằng việc người dân Singapore thông thạo tiếng Anh đã giúp cho Singapore có thể học hỏi nhanh chóng các kĩ thuật cũng như dễ dàng hơn trong thương mại. Nhưng có một điều ít ai đế ý đó là giới trẻ ngày nay, họ biết tiếng Anh nhưng khả năng tiếng Anh của họ không bằng người Anh hoặc người Mỹ. Bên cạnh đó, tiếng mẹ đẻ cũng trở nên thui chột và họ cũng không có được cảm giác ngôn ngữ như những người gốc bản xứ. Điều này dẫn đến nền văn hóa , nghệ thuật của họ không thể tiến xa được. Giữa họ giờ đây hình thành một ngôn ngữ giao tiếp mới: đó là Singlish.

Lời kết

Sự phát triển của Singapore có nhiều điều đáng để các nước đang phát triển học hỏi.

Một đất nước chỉ có thể phát triển hết khả năng của nó chỉ khi có sự hòa hợp vàđoàn kết giữa người dân với nhau, có sự hợp tác giữa người dân với chính phủ.

Người dân ( bất kể chủng tộc hay văn hóa) phải có cơ hội như nhau để phát triển hết khả năng của mình.


Thay vì áp dụng những điều chưa ai làm để rồi rút kinh nghiệm, thì việc học hỏi các thể chế, luật lệ và kinh nghiêm của các nước đi trước nhằm tránh những sai lầm đã xảy ra là một điều các nước đi sau có nhiều lợi thế.


Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế và việc sử dụng thông thạo nó đã trở nên là một điều cần thiết. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó có thể thay thế được tiếng mẹ đẻ (ở các quốc gia nơi mà tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ). Sự phát triển của một quốc gia không chỉ là phát triển về mặt kinh tế, mà còn phải là sự phát triển về văn hóa, xã hội, nghệ thuật và tinh thần – những nền tảng chỉ có thể thăng tiến trên ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ.


Nguyễn Huy Vũ

Singapore tháng 10, 2007

==================

Chú thích:

Bài viết đăng đầu năm 2007 nhân dịp ông Lý Quang Diệu thăm Việt Nam. Bản đăng lại ở đây có đính chính một vài lỗi so với bản đã đăng ở talawas đầu năm 2007