6.3.10

Mẹ tôi and more


Sáng thức dậy. Mì gói, món gia truyền, tiếp tục. Cái tật của tôi là không khi nào chỉ ngồi ăn không, ăn phải ngồi cạnh cái máy tính, tai nghe nhạc, miệng ăn, mắt đọc tin tức, tay vừa cầm đũa, sau khi cầm gắp thức ăn xong thì lại click chuột. Daily news hôm nay đập vào mắt là các vấn đề về y tế thách thức khả năng chính trị của Obama. Không hiểu sao những tin chính trị hấp dẫn tôi đến lạ lùng. Nó tự nhiên giống như người ta ăn và thở. Nhìn lướt qua, rồi để đó, tí đọc tiếp. Nhìn qua trang diendan.org xem có bài nào hay không, đập vào mắt là bài “Những món ăn của mẹ tôi” của Thiên Hương; giới thiệu bắt đầu với món bún thang. Đọc xong thấy cũng dễ làm, tôi lướt nhanh xuống bên dưới, bắt gặp dòng chữ “Ngày Phụ Nữ 8 tháng3-2009”, bỗng tự nhiên random list của imeem bật lên bài Canon in D, từ đâu, những cảm xúc về mẹ lại về. Năm nay đã bước sang năm thứ 11 xa nhà, từ bé giờ chưa lần nào tôi chúc mẹ tôi 8/3. Phải thành thật như vậy. Mẹ tôi và gia đình tôi, cũng giống như bao gia đình khác xung quanh, không có “truyền thống” chúc phu nữ ngày 8 tháng 3. Trong mắt mọi người, đó là một cái gì rất khách sáo. Người ta quan tâm nhau với những tình cảm mỗi ngày chứ không đợi đến ngày 8 tháng 3 mới quan tâm.

Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, mẹ tôi thầm lặng; mẹ là người dàn xếp gia đình êm ấm, là người chăm sóc sức khỏe – từ miếng ăn đến viên thuốc - cho gia đình. Người ta bảo rằng gia đình như thế nào do “tay” của người phụ nữ không hẳn không có lý. Nhắc đến mẹ không thể không nhắc đến chiến tranh Việt Nam. Nếu chiến tranh chưa kết thúc sớm thì mẹ tôi đã tốt nghiệp đại học Luật Sài Gòn và tôi có lẽ cũng chẳng xuất hiện để ngồi đây viết blog. Đang là sinh viên năm 2 đại học Luật về nhà chơi thì “giải phóng”. Con gái ở huyện xa, đẹp người (nhiều ông ngày xưa “cưa” mà không đổ, thỉnh thoảng ghé nhà tôi, vẫn còn khen mẹ tôi, bị ba tôi “chê” là cưa lụt), lại con nhà giàu của vùng đó, ông bà ngoại tôi thấy tình hình lộn xộn vậy, không muốn cho con gái đi xa, một thân một mình ở Sài gòn, nên không cho vào Sài gòn học nữa; vả lại ít lâu sau, trường Luật cũng bị đóng cửa. Sau đó, chính quyền mới bắt đầu, giáo dục thiếu giáo viên, nên tuyển giáo viên. Dạo đó có trường cao đẳng sư phạm Qui Nhơn nơi đào tạo ngắn hạn cho những sinh viên để làm giáo viên. Mẹ tôi không muốn ở nhà mãi, nên xin đi học khóa 3 tháng để về làm giáo viên. Bà ngoại tôi thấy ở Qui Nhơn có người quen nên đồng ý. Mẹ tôi học khoảng 3 tháng rồi sau đó được điều về làm giáo viên. Đang học Toán ban A lại bị bắt học ban C vì thiều giáo viên dạy Văn, mẹ tôi học và dạy nhưng không thích thú lắm. Dạy được hơn 10 năm thì thấy lương bổng kém lại vất vả, vừa đi dạy vừa cơm nước gia đình nên sau đó mẹ tôi xin nghỉ hưu non.

Nhắc đến mẹ thì phải nhắc đến ba (nhờ ổng mới có tôi  ). Khi tôi hỏi mẹ tôi tại sao lại đi thương ba tôi, một người chẳng có cái gì cả. Nói như mẹ tôi (và ba tôi vẫn nhớ mãi) là ngày cưới ba tôi chỉ có mỗi một bộ đồ; phải nói thật là chẳng có gì cả; nên mỗi khi xung đột gia đình, mẹ tôi hay nói mẹ tôi đến với ba tôi vì tình cảm chứ chẳng phải cái gì hết. Mẹ tôi bảo rẳng, mẹ thương ba tôi vì ba tôi có cha cũng như không có cha, có mẹ cũng như không có mẹ, chẳng ai nuôi nấng. Một người con gái học hành đàng hoàng tử tế thời đó, đẹp người, con nhà giàu lại đi thương một người phải nói thẳng là “nghèo rớt mồng tơi” thì mới hiểu được tình cảm của người con gái dành cho như thế nào. Sinh ra ba tôi thì sau đó ông nội tôi có mối quan hệ khác, bà nội cũng có mối quan hệ khác, và cả hai đều có con sau đó. Ba tôi chẳng có ai nuôi nấng, nên vào sống với bà nội Năm từ bé (nội Năm hay cô Năm gọi theo cách của ba tôi, cô Năm là chị ruột của ông Nội).

Nội Năm không có gia đình, ở vậy, nên dẫn ba tôi vào nuôi và xem như con. Nội Năm sống ở Tháp Chàm, Phan Rang, bán mỳ Quãng. Mỗi sáng, ba tôi phải dậy thật sớm, phụ dọn hàng mỳ Quảng ra, rồi sau đó mới được đi học. Học phải về đúng giờ để còn dọn hàng về. Nhưng cái tính trẻ con thì đâu phải lúc nào cũng đi học về đúng giờ đâu. Thỉnh thoảng bạn vè vẫn rủ ở lại bắn bi hay đi đâu đó; những lần về trễ là những trận đòn. Nội Năm ở một mình nên rất khó tính. Lớn lên một chút ba tôi được gửi vào về lại Tuân Thừa, Ninh Hòa, ở nhờ nhà họ hàng vừa đi học chữ vừa theo học nghề sửa xe lam nhà ngoại tôi. Nhà ngoại tôi cách nhà bà nội tôi chừng 10 km. Từ đây, ba tôi mới có dịp quen mẹ tôi. Không biết ông tán mẹ tôi thế nào (chắc mai mốt về hỏi). Chỉ biết mẹ tôi thương ông quá sức. Mẹ tôi kể có những bận một thân một mình đón xe vào tận Cam Ranh (cách nhà tôi đến hơn 100 km) để thăm ba tôi đóng quân ở đó; mẹ tôi kể về những rừng mai trắng bạt ngàn dọc bờ biển….

Được cái ba tôi chịu khó làm việc và thông minh; nhiều bạn bè học chung lớp khi đến chơi vẫn khen. Mẹ tôi hay nói với tôi, ngày xưa ổng chỉ có hai bàn tay trắng thôi mà làm được cơ ngơi như vậy đâu phải đơn giản. Một tính cách nữa mà mẹ tôi cũng thích ba tôi đó là “máu văn nghệ”. Mẹ tôi hay kể những đêm ở nhà ngoại tôi, mọi người tụ tập trước nhà, ông đàn guitar, mọi người hát hò, rất vui. Ở cái thời mà máy hát là những thứ xa xỉ đời sống tinh thần chỉ còn dựa vào phong trào văn nghệ quần chúng. Một tính nữa của ba tôi đó là tính “chịu chơi”. Ông kể lại, một hôm nhóm của ông đang tính thành lập ban nhạc, nhưng thiếu tiền mua bộ trống. Ổng chạy về nhà bà nội tôi, biết bà nội tôi chẳng có tài sản gì giá trị cả, chỉ có duy nhất chiếc nhẫn vàng đeo tay, ổng biết, nhưng ổng vẫn xin tiền. Bà nội tôi tháo chiếc nhẫn vàng đưa ổng đi bán mua bộ trống chơi. Mỗi lần nhắc đến chuyện đó ổng vẫn nhớ, bảo rằng “bả tội thiệt”, mà quả thật, mẹ nào mẹ chẳng thương con. Rồi một hôm, ổng trở về nói với bà nội tôi “má ơi, con định cưới vợ”. Bà nội tôi bảo “lấy tiền đâu tao cưới vợ cho mày”. Ổng bảo “nhà mình có mấy miếng tôn, đem bán lấy tiền cưới vợ”. Nhà tranh, có mấy miếng tôn phủ lên. Bà nội tôi hay chiều ý con, nên cũng ừ, nó muốn thì thôi đành vậy. Vác mấy miếng tôn đem bán được ít tiền rồi sau đó cưới mẹ tôi. Riêng tôi, tôi ảnh hưởng ở ông cái tính nghệ sỹ, phóng khoáng, thích ca hát, du lịch, lang thang, và thích đọc sách. Ở nhà, có một dạo thấy nhiều sách quá, nên mẹ tôi bèn mở cửa hàng cho thuê truyện. Tôi ngồi trông coi tiệm cho thuê truyện nên những kì hè suốt ngày tôi chỉ ngồi đọc sách. Từ những tác phẩm văn học, lịch sử của Liên Xô, Trung Quốc, Âu Mỹ, đến những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, và cả những tác phẩm văn học đoạt giải văn chương trong nước. Mỗi lần tôi về Sài gòn, ông hay nhắc tôi mua những tác phẩm văn học mới cho ông, ông đọc say sưa. Nói như mẹ tôi, ông mê sách có khi còn hơn mê vợ.

“Không ai hiểu con bằng mẹ”. Ở nhà, mẹ tôi bảo rẳng ở nhà người cha không có gần gũi con bằng người mẹ. Tôi không biết gia đình khác thế nào, riêng gia đình tôi, tôi thấy nó đúng. “Mày muốn là Trời muốn”, đó là câu nói mà mẹ tôi hay nói với tôi, mỗi khi tôi đưa ra một quyết định cho riêng tôi, từ việc đi học, đi làm, hay làm điều gì đó từ năm 15 tuổi, đó là quyết định do tôi đưa ra và mẹ tôi là người góp ý kiến, và sau đó là ba tôi. Nói như “mợ tôi”: “thằng Vũ nó lớn nhờ xã hội nuôi nó”. Năm học lớp 9, tôi muốn thi vào chuyên Lý, Lê Quý Đôn. Mượn cuốn sách của Ngưu vốn là cựu học sinh cấp 2 ở Lê Quý Đôn, quyển 121 bài toán Vật Lý. Thời đó, máy photocopy chưa phổ biến và tôi không có tiền để photocopy. Ngưu hứa cho mượn đúng 1 tháng, rồi trả Ngưu để Ngưu luyện thi. Tôi đồng ý và cám ơn. Suốt một tháng hè đó, suốt ngày tôi ngồi trên lầu, học hết cuốn sách đó, bài nào hay tôi chép ra vở. Học 1 tháng thì hết cuốn sách. Sau đó tôi học thêm mấy cuốn sách khác, mà tôi tình cở mua được lúc trước mà chưa đọc. Mẹ tôi thấy tôi suốt ngày ở trên lầu, ba tôi thì sửa xe máy cực nhọc ở dưới, nên kêu tôi xuống phụ ba tôi. Tôi ngồi lỳ, không xuống, được cái ba tôi thương tôi buổi chiều ông thỉnh thoảng đi uống caphe, rồi sẵn tiện mua nước mía đem lên lầu cho tôi uống. Đến ngày thi, mẹ tôi trước khi chở đi Nha Trang thi bảo với tôi: “đi thi thử thôi, nếu đậu thì cũng chưa chắc cho học”. Tôi đồng ý. Đi thi. Khoảng 1 tháng sau, Ngưu đi ngang nhà tôi, thấy tôi, Ngưu ngừng lại báo tin rằng Ngưu đã đậu, rồi hỏi tôi kết quả. Ba tôi nghe thấy biết có kết quả, đang sửa xe, ông vôi rửa tay, thay vội quần áo, rồi tức tốc chở tôi vào Nha Trang xem kết quả. Đến nơi là 6h tối, xem kết quả, tôi đứng thứ 7 trên tổng số 23 học sinh đậu vào. Sau đó, mẹ tôi nghe các thầy cô giáo trong trường nói rằng trường này học sinh ở ký túc xá rất an toàn, tốt, nên đống ý cho tôi vào học. Tôi bắt đầu xa nhà từ đó.

Mười một năm xa nhà, so với cái tuổi hai sáu, không hẳn là ít. Số lần về nhà càng ngày càng thưa dần. Cảm giác nhớ nhà dường như không còn. Cảm giác thèm món ăn cũng dần mất hẳn. Nhưng tôi vẫn nhớ cái vị Phở hay Mỳ Quảng mà mẹ tôi vẫn nấu mỗi lần tôi về thăm nhà. Không lẫn vào đâu được. Không đậm, nhưng thanh. Cái vị mà mẹ tôi khoe với tôi dạo trước không có gì làm nên mở quán Phở bán buổi sáng rằng người ta ăn và bảo Phở của mẹ tôi là ngon nhất Ninh Hòa. Ừ, thì Ninh Hòa đâu chỉ có nổi tiếng với Nem Ninh Hòa đâu. Nó còn là Bún Cá Ninh Hòa, món Phở và mỳ Quảng của mẹ tôi, và cái giọng đặc sệt không lẫn vào đâu của người Nam Trung Bộ.

Stockholm
Ngày 9 tháng 3-2009
NHV