27.3.16

Mô hình nào cho Tự do Dân chủ?

Cân bằng. Nguồn: Internet.
Sự tiến hóa trong dòng lịch sử của nhân loại là một cuộc hành trình đến tự do mà ở đó dân chủ là hình thái cuối cùng của nó. 


Có vài lẽ. Tự do là những điều kiện tiên đề trước khi một xã hội có dân chủ. Chỉ khi xã hội có một mức độ tự do đủ lớn thì dân chủ mới diễn ra, và dân chủ là một hệ quả của tự do khi mà ở đó người dân tự do chọn lựa một khế ước chung sống với nhau và tự do lựa chọn những người đại diện dẫn dắt cộng đồng mình. Đến phiên nó, dân chủ bảo đảm một chính quyền gồm những người đại diện cộng đồng duy trì và phát triển tự do. 


Tự do cũng là nguồn gốc của mọi sự phát triển. Không một xã hội nào phát triển được nếu ở đó con người thiếu tự do. Ngay cả ở những chế độ độc tài, sự tiến bộ của xã hội cũng nhờ ở sự nới lỏng tự do từ kinh tế cho tới truyền thông. 


Nhờ ở tự do, mà những ý kiến được giãi bày, những tư tưởng được đề xuất và những hướng đi được thảo luận, nhờ đó mà những chọn lựa được thực hiện tốt hơn.


Nhưng thể chế xã hội dân chủ, cũng như những thể chế xã hội khác, thay đổi theo thời gian. Có những mô hình dân chủ phát triển và có những mô hình dân chủ thất bại. Chứng kiến những biến chuyển của các thể chế dân chủ, có một câu hỏi cần đặt ra đối với các quốc gia mong muốn xây dựng một thể chế dân chủ cho chính mình rằng đâu là những đặc tính cần có cho một thể chế dân chủ và liệu rằng có tồn tại một mô hình tối ưu? 


Để có một phân tích đầy đủ về các mô hình dân chủ, độc giả có thể đọc ở “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số” của cùng tác giả trên tạp chí Thời Đại Mới, số 33 tháng 7, 2015 (xem đường dẫn ở cuối bài). Riêng đối với câu hỏi đâu là một thể chế dân chủ tối ưu, câu trả lời là một thể chế dân chủ tối ưu cần có 5 đặc tính như sau: 


• Giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới. 


• Giúp ngăn ngừa đảo chính. 


• Bảo đảm một chính quyền ổn định và làm được việc. 


• Ngăn ngừa sự thực thi các chính sách tồi dở. 


• Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.


Vậy có tồn tại một cơ chế chính trị giúp bảo đảm các yêu cầu trên? Câu trả lời là có. Dưới đây chúng ta sẽ đi sâu vào phân tích các cơ cấu của các mô hình dân chủ nhằm bảo đảm cho các đặc tính trên.



A. Ngăn Ngừa Sự Hình Thành Một Chế Độ Độc Tài Mới.



Để giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới cũng như ngăn ngừa sự khuynh loát hệ thống chính trị của một đảng cần thiết phải có tản quyền. Có hai dạng tản quyền: tản quyền của trung ương về các chính quyền địa phương và tản quyền ngay chính trong cơ cấu chính quyền trung ương. 


Cơ chế tản quyền của trung ương về các chính quyền địa phương được thực hiện trong các hệ thống chính quyền liên bang. Một số nước tiêu biểu có hệ thống chính quyền liên bang gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Thụy Sỹ, Bỉ, Ấn Độ, và Malaysia. Tùy mỗi nước mà vai trò của chính quyền liên bang khác nhau. Một chế độ độc tài chỉ tồn tại được khi chính quyền trung ương kiểm soát được tất cả các chính sách của chính quyền địa phương. Một khi các quyết định của chính quyền trung ương không thể ép buộc được các mong muốn của chính quyền địa phương chế độ độc tài trung ương sẽ bị kềm chế. 


Cơ chế tản quyền ngay chính trong cơ cấu chính quyền trung ương thể hiện ở cách phân bổ quyền lực và kiểm soát quyền lực ở chính quyền trung ương. Cơ chế tản quyền này được thực hiện thông qua hai cách. Với các chế độ nghị viện, đó là thiết kế các cách bầu cử nhằm làm cho không một đảng nào chiếm đa số ghế để có thể một mình lập nên chính phủ; các chính phủ do đó là các chính phủ liên minh. Mối lo ngại duy nhất là sự ổn định của các chính phủ liên minh. Để giải quyết điều này cần thiết phải thiết kế một hệ thống bầu cử nhằm loại bỏ đi các đảng quá nhỏ. Chẳng hạn như trường hợp của Đức, chỉ có những đảng chiếm ít nhất 5% tổng số phiếu mới được có mặt ở quốc hội. Với các chế độ tổng thống như Hoa Kỳ, cơ chế tản quyền trung ương được thực hiện thông qua nâng cao quyền lực của hai viện trong quốc hội và bầu chọn riêng lẽ các thành viên trong hai viện của quốc hội.


Nhưng tản quyền mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là cần phải có một cơ chế nhằm kềm chế quyền lực của người lãnh đạo cầm quyền. Những kinh nghiệm của hệ chống chính quyền liên bang Malaysia cho thấy cho dù hệ thống chính trị của Malaysia có tản quyền giữa trung ương - địa phương nhưng liên minh cầm quyền UMNO vẫn có thể tiếp tục khuynh loát hệ thống chính trị và đàn áp đối lập kể từ ngày giành độc lập cho tới nay. Đảng đối lập cho đến gần đây dù đạt đến hơn 50% tổng số phiếu toàn quốc nhưng vẫn chỉ đứng ở vị trí đối lập. 


Có hai cách để kềm chế quyền lực của lãnh đạo cầm quyền: hoặc là cố định số nhiệm kỳ đảm nhận vai trò lãnh đạo như trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ khi tổng thống chỉ có thể tại vị tối đa 2 nhiệm kỳ; hoặc là thiết lập một hệ thống bầu cử sao cho không có một đảng nào đủ đa số để nắm quyền và một chính quyền trung ương là một liên minh giữa các đảng lớn như trường hợp của Đức. 



B. Giúp Ngăn Ngừa Đảo Chính.



Đảo chính sẽ có cơ may xảy ra khi những kẻ âm mưu đảo chính biết rằng họ có khả năng nắm giữ quyền lực sau khi đảo chính thành công. Việc nắm giữ quyền lực sau đảo chính sẽ chỉ được thực hiện khi có sự tiếp tay của một lực lượng chính trị nhằm dựng nên tính chính danh của lực lượng đảo chính. Lực lượng chính trị này sẽ chỉ hợp tác với nhóm đảo chính chỉ khi quyền lợi chia chác sau đảo chính lớn hơn quyền lợi và vị trí họ đang có. Đảo chính do đó có nguồn gốc từ xung đột quyền lợi và quyền lực chính trị. Muốn ngăn ngừa đảo chính hệ thống chính trị cần phải có khả năng chia sẻ quyền lợi và quyền lực chính trị giữa các nhóm chính trị lớn. Sự ổn định chính trị chỉ có được khi các bên đồng ý với các thỏa hiệp chính trị. 


Hệ thống chính quyền liên bang do đó là một thành tố quan trọng giúp giảm thiểu các xung đột quyền lực chính trị và ngăn ngừa đảo chính. Thất bại trong cuộc bầu cử giành chính quyền trung ương không phải là mất tất cả khi mà các đảng phái hay cá nhân có thể tranh cử để dành các vị trí xứng đáng ở các chính quyền địa phương hay vùng. Sự định hình một thể chế dân chủ do đó trước hết là những thỏa hiệp quyền lợi và quyền lực giữa các địa phương và các đảng phái với nhau, và chính quyền trung ương đóng vai trò điều phối. 


Một đặc điểm nữa của hệ thống liên bang là giúp thúc đẩy hình thành một đất nước đa cực về quyền lực kinh tế-văn hóa-chính trị. Khác với các hệ thống chính trị tập quyền nơi mà kinh tế, văn hóa và chính trị hay tập trung về một nơi, hệ thống liên bang giúp thúc đẩy việc hình thành các trung tâm kinh tế-văn hóa-chính trị vệ tinh. Các trung tâm vệ tinh này sẽ cạnh tranh với nhau trong phát triển, là động lực cho nền kinh tế, cũng như phân cực quyền lực khi các nhóm chính trị lớn duy trì ảnh hưởng ở các vùng. Khi các trung tâm vệ tinh lớn mạnh và cạnh tranh với thủ phủ trung ương nó sẽ giúp ngăn ngừa đảo chính vì một nhóm đảo chính cho dù nắm giữ được thủ phủ trung ương cũng không thể nào kiểm soát hết được tất cả các trung tâm vệ tinh còn lại. 


Hệ thống chính trị Thái Lan cho ta một bài học kinh nghiệm. Mô hình chính trị Thái Lan là một mô phỏng của mô hình chính trị kiểu Anh nơi mà toàn bộ quyền lực chính trị - kinh tế -văn hóa tập trung về Bangkok. Việc đảo chính sẽ được thực hiện dễ dàng một khi kiểm soát được Bangkok. Trừ khi các chính quyền mới của Thái Lan chủ trương một hệ thống chính trị liên bang nhằm thỏa hiệp chia sẻ quyền lực giữa các đảng phái và thúc đẩy sự phát triển các vùng, đảo chính sẽ là một nguy cơ thường trực của Thái Lan. 


Có hai lập luận thường gặp nhằm phản bác mô thức liên bang - tản quyền. 


Một là về mặt lịch sử, chấp nhận tản quyền chỉ là một thỏa hiệp quyền lực đối với sự có sẵn của những trung tâm quyền lực kinh tế và khá độc lập. Lập luận này phủ nhận vai trò của các chính quyền vùng trong kiến tạo nên sự phát triển của vùng đó. Câu hỏi phải là liệu một vùng được cho nhiều tự do hơn trong các chính sách thì có phát triển hơn không? Về mặt lịch sử, sự thành công của các vùng này chứng tỏ rằng nhờ chính quyền vùng có nhiều quyền lực hơn mà họ có khả năng thúc đẩy và chịu trách nhiệm với chính những quyết định của mình. Sự thành công và hình thành vùng đó là một hệ quả lịch sử của tản quyền. Hơn nữa, khi nói đến tản quyền là nói đến khả năng phản ứng của chính quyền địa phương đến những đòi hỏi của chính những người dân gần nhất, và do đó tản quyền là một hình thức dân chủ trực tiếp nhất. Vì vậy, nhờ tản quyền mà người dân cảm thấy gắn bó hơn về chính trị và tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển của một quốc gia. 


Một biện cớ khác của những người không tán thành tản quyền cho rằng tản quyền gây ra ly khai. Điều ngạc nhiên là ly khai thường chỉ xảy ra khi vùng đó cảm thấy không có ích lợi gì khi đứng trong cùng một quốc gia với phần còn lại. Ly khai do đó là một sự xung đột quyền lợi và quyền lực, và xảy ra khi vùng đó cảm thấy quyền của vùng trong liên minh không được tôn trọng cũng như họ cảm thấy không có tiếng nói trong các chính sách quốc gia. Ly khai do đó là một việc chẳng đặng đừng. Quyền tự trị không phải là một giải pháp lâu dài vì quyền tự trị chỉ là quyền của vùng dành cho những người dân của mình. Giải pháp duy nhất phải là một cơ chế để vùng đó có tiếng nói tương xứng, cùng với một ý kiến lớn hơn trong việc hoạch định các chính sách quốc gia ở tầm ảnh hưởng mà đáng lẽ ra vùng này phải có. Sự ổn vững của một quốc gia do đó phụ thuộc vào sự đồng thuận và thỏa hiệp quyền lực của các vùng trên bình diện quốc gia. Giải pháp liên bang mà ở đó chính quyền vùng chịu trách nhiệm trực tiếp với dân trong vùng và đại diện tiếng nói người dân trong các chính sách quốc gia do đó là một lựa chọn.


Cuối cùng, tản quyền giờ đây đã trở nên là một xu thế khi các chính quyền tập quyền như Anh và Pháp bắt đầu cải cách để trao nhiều quyền hơn cho các vùng. 



C. Bảo Đảm Một Chính Quyền Ổn Định Và Làm Được Việc.



Một cơ chế chính trị tốt phải bảo đảm sự hình thành một chính quyền ổn định và làm được việc. Ổn định chính trị theo nghĩa một chính quyền bầu ra tồn tại đủ dài để thực hiện các chính sách của mình. Làm được việc theo nghĩa các chính sách một khi được chính quyền đề ra được thông qua và thực hiện. 


Để bảo đảm một chính quyền ổn định có hai cách: hoặc là cố định nhiệm kỳ cho những người lãnh đạo như việc bầu chọn tổng thống trong các chế độ tổng thống hay các ủy viên trong Hội Đồng Hành Pháp Liên Bang của Thụy Sỹ; hoặc là dùng cách bầu cử hạn chế những đảng chính trị quá nhỏ chiếm dưới 5% số phiếu và kết hợp dùng nguyên tắc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng của Đức trong các hệ thống nghị viện. 


Một chính quyền làm được việc khi hành pháp cần thông qua các quyết định ở quốc hội và không bị phá hoại bởi cơ quan lập pháp. Sự kiểm soát của lập pháp đối với các quyết định quan trọng của hành pháp là cần thiết, tuy vậy, trong nhiều trường hợp khi lập pháp bị thao túng bởi đối lập, sự phá hoại nhằm ngăn chặn các chính sách do hành pháp đưa ra khá thường xuyên. Ngược lại, khi một đảng nắm quyền cả ở hành pháp và lập pháp chính quyền nghiễm nhiên trở thành một chính quyền “độc tài có chọn lựa”; họ có thể thực hiện bất cứ chính sách gì họ muốn. Trong nhiều trường hợp nhất là ở các nước có nền dân chủ non yếu, các chính quyền “độc tài có chọn lựa” này đưa ra các chính sách mị dân nhằm thu hút cử tri và chèn ép các đảng đối lập. Những kinh nghiệm dân chủ ở Thái Lan, Malaysia, hay Ấn Độ cho thấy các đảng cầm quyền khi nắm cả hành pháp và lập pháp dùng đủ các chính sách mị dân và chèn ép đối lập. 


Trong các hệ thống tổng thống như Hoa Kỳ, quyền lực lớn của tổng thống trong chính quyền trung ương được cân bằng thông qua hai viện của quốc hội. Khi đảng của tổng thống kiểm soát cả hai viện của quốc hội các quyết định của tổng thống dễ dàng được thông qua. Ngược lại, khi một trong hai viện chịu sự kiểm soát của đảng đối lập, tổng thống bị trói tay, các chính sách từ trung ương do đó là các thỏa hiệp. 


Trong các hệ thống nghị viện, như đề cập ở trên, việc nắm quyền cả hành pháp và lập pháp bởi một đảng sẽ dễ dẫn đến sự lộng quyền và khuynh loát chính trị của đảng cầm quyền. Ngược lại, một liên minh cầm quyền giữa các đảng nhỏ sẽ dễ dẫn đến tình trạng các chính quyền hay mất ổn định. Một giải pháp như mô hình của Đức đưa ra đó là thiết lập một cơ chế bầu cử kết hợp đặc biệt (xem phần nói về Đức trong bài So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số của tác giả) nhằm bảo đảm hình thành một chính quyền liên minh giữa các đảng lớn chi phối cả hành pháp và lập pháp. Các quyết định do chính quyền đưa ra được dễ dàng thông qua một lần ở quốc hội, vì thượng viện Đức có rất ít quyền. Trong mô hình của Đức, khi biết một mình không thể chi phối được chính trường, các đảng lớn giành nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử trở nên ôn hòa và thỏa hiệp hơn với các đảng trung bình, nhỏ hơn. Cơ chế này do đó còn giúp duy trì và nuôi dưỡng các đảng trung bình nhỏ. 


Những đặc tính quan trọng đáng học hỏi trong cơ chế bầu cử và tổ chức quốc hội của Đức, khác với những thể chế nghị viện khác, gồm có lối bầu cử vừa bầu cho đảng vừa bầu cho cá nhân, cách tính phiếu loại bỏ những đảng quá nhỏ, và qui luật bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng. Lối bầu cử vừa bầu cho đảng vừa bầu cho cá nhân cho phép mỗi cử tri khi đi bầu có hai phiếu, một phiếu bầu cho một liên danh một đảng ở cấp tiểu bang vào quốc hội theo hình thức tỉ lệ phiếu bầu và một phiếu còn lại bầu cho một ứng cử viên đại diện cho một hạt vào quốc hội theo hình thức đa số -- có nghĩa là ứng cử viên đại diện cho hạt là người nhận được nhiều phiếu nhất. Lối bầu chọn này giúp cho không một đảng nào chiếm được đa số trong quốc hội, và do đó chính phủ luôn là các chính phủ liên minh giữa các đảng. Cách tính phiếu loại bỏ những đảng quá nhỏ qui định rằng chỉ những đảng chiếm trên 5% phiếu bầu hoặc có ít nhất 3 đại diện ở các hạt thì mới được hiện diện ở quốc hội. Với qui định này, chỉ còn các đảng tương đối lớn hiện diện ở quốc hội và do đó điều này giúp các chính phủ liên minh bền vững hơn. Cuối cùng, qui luật bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng giúp chính phủ liên minh ổn vững hơn nhờ có hai qui định: i) quốc hội thể hiện việc bất tín nhiệm thủ tướng bằng cách chọn một ứng cử viên mới có được sự ủng hộ của đa số trong quốc hội và yêu cầu tổng thống thay thế; và ii) yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm nhằm giải tán chính phủ của thủ tướng đương nhiệm nếu không nhận được đa số ủng hộ trong quốc hội thì tổng thống có quyền giải tán quốc hội theo yêu cầu của thủ tướng mở đường cho cuộc bầu cử mới; tuy vậy, yêu cầu giải tán quốc hội sẽ bị bãi bỏ nếu quốc hội theo đa số chọn được một ứng cử viên khác cho vị trí thủ tướng. Qui định này giúp hạn chế sự bất ổn chính quyền gây ra từ phía thủ tướng và cả phe đối lập.



D. Ngăn Ngừa Sự Thực Thi Các Chính Sách Tồi Dở.



Một ưu tư không kém phần quan trọng trong việc thiết lập các mô hình chính trị là làm sao để ngăn ngừa các chính sách tồi dở của các chính phủ cầm quyền, nhất là trong các hệ thống chính trị dân chủ non trẻ? Hay ít nhất là bảo đảm cho hệ thống chính trị có cơ hội được thể hiện những quan điểm và cách điều hành mới, khác với tư tưởng đang thống trị? 


Có ba điểm cần quan tâm: một, cần phải bảo đảm rằng đất nước luôn có một chọn lựa khác khi đảng cầm quyền tồi; hai, ngăn ngừa các chính sách tồi được thực thi; và ba, bảo đảm rằng các tư tưởng khác với tư tưởng chính thống có cơ hội được thực hiện. 


Điều này đặc biệt quan trọng khi quan sát những kinh nghiệm của Malaysia và Ấn Độ, cả hai đều là những nền dân chủ non trẻ và đều bị thống trị trong một thời gian dài bởi một đảng/liên minh cầm quyền. Malaysia và Ấn Độ là hiện thân của hai mô hình dân chủ “độc tài”. Sự thiếu vắng vai trò mạnh mẽ của đối lập khiến đảng cầm quyền lộng quyền, mị dân, tham nhũng, và tiếp tục chèn ép sự xuất hiện của đối lập. Nhưng nguy hiểm hơn, khi một đất nước không có một đảng đối lập lớn mạnh làm đối trọng và cạnh tranh với đảng cầm quyền, một đảng cầm quyền tầm thường sẽ tiếp tục cầm quyền cho đến khi nào đưa đất nước vào những cơn khủng hoảng thì lúc đó đảng đối lập mới có hi vọng lôi kéo và xây dựng được lực lượng. 


Trong trường hợp của Malaysia đó là việc chính phủ dùng các chính sách trợ cấp nhằm mị dân và chèn ép đối lập. Liên minh cầm quyền đứng đầu bởi Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) kiểm soát chính trị tại Malaysia suốt từ ngày Malaysia dành độc lập với cuộc tổng tuyển cử đầu tiên vào năm 1959 cho tới nay. Liên minh đối lập trong cuộc bầu cử vào tháng 5, năm 2013 cho dù chiếm được hơn 50% tổng số phiếu bầu cũng chỉ có được 89 ghế khi so với liên minh dẫn đầu bởi UMNO chiếm 47% số phiếu và 133 ghế. Ở trường hợp của Ấn Độ đó là sự thống trị hệ thống chính trị của đảng Quốc Đại với chính sách kinh tế kiểu xã hội, vốn chẳng mấy thành công từ ngày giành độc lập cho tới khi bị đảng đối lập Bharatiya Janata đánh bại và giữ quyền hơn 6 năm. Ấn Độ chắc chắn sẽ khá hơn nếu các đảng đối lập được nuôi dưỡng và có dịp thể hiện những tư tưởng hướng đến nền kinh tế thị trường sớm hơn ít nhất là ở các cấp độ tiểu bang. Sự thống trị chính trường lâu dài của Ấn Độ để lại hậu quả là một nền chính trị tham nhũng và quan liêu. 


Do đó, một hệ thống chính trị tốt phải có cơ chế nuôi dưỡng và hình thành đảng đối lập. Phương thức bầu cử đóng một vai trò quyết định đến sự hình thành đảng phái. Phương thức bầu cử theo tỉ lệ sẽ đưa đến sự hình thành nhiều đảng nhỏ; các liên minh cầm quyền do đó trở nên yếu, và thường chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, làm mất đi sự ổn định về chính trị. Ngược lại phương thức bầu cử theo đa số (majority voting) làm lợi cho đảng lớn nhất, làm bất lợi cho đối lập và triệt tiêu các đảng nhỏ; về lâu về dài sẽ trở thành hệ thống hai đảng song song. Tuy vậy, phải mất ít nhất 50 năm như hai trường hợp của Malaysia và Ấn Độ để các đảng đối lập có thể lớn mạnh cạnh tranh được với đảng cầm quyền. 


Liệu có phương thức nào vừa giúp bảo đảm sự ổn định về chính trị của các liên minh cầm quyền, vừa giảm sự hình thành các đảng quá nhỏ, và vừa giúp nuôi dưỡng các đảng khác? Mô hình của Đức cho một ví dụ bảo đảm được cả ba điều này. 


Lối bầu cử vừa cho đảng vừa cho những cá nhân của hệ thống bầu cử Đức khiến cho không một đảng nào có thể chiếm đa số trong quốc hội. Phe cầm quyền luôn là liên minh giữa một đảng lớn và một đảng nhỏ hơn. Điều này khiến các đảng lớn luôn tìm sự hỗ trợ của các đảng nhỏ hơn thay vì triệt tiêu hay đàn áp họ. Để làm hạn chế các đảng nhỏ xuất hiện, luật được đưa ra rằng chỉ các đảng chiếm lớn hơn 5% số phiếu được có mặt ở quốc hội. Các đảng xuất hiện ở quốc hội do đó là các đảng không quá nhỏ, điều đó giúp hình thành các liên minh bền vững. Tuy vậy, liên minh giữa các đảng lớn chỉ mới là điều kiện cần để có được sự ổn định của một liên minh cầm quyền. Hệ thống của Đức giới thiệu thêm một quy định là “nguyên tắc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng” (constructive vote of no-confidence) bảo đảm rằng một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chỉ được phép diễn ra khi một chính phủ sẵn sàng chấp chính nhận được đa số trong quốc hội. Nguyên tắc này giúp làm ổn định hệ thống chính trị vì nó ngăn ngừa các đảng đối lập muốn phá rối liên minh cầm quyền và ngược lại nó hạn chế việc thủ tướng muốn tự động giải tán quốc hội để bầu cử sớm nhằm có được ưu thế cho đảng của mình. Xem thêm phần về mô hình của Đức ở trên để biết thêm chi tiết.


Vấn đề thứ hai là làm sao để ngăn ngừa các chính sách tồi và lạm quyền được thực thi? Trong các mô hình dân chủ, các quyết định quan trọng cần sự chuẩn thuận của quốc hội. Vai trò của quốc hội được dùng để kiểm soát các chính sách tồi của nội các cầm quyền. Cách phổ biến nhất là nâng cao vai trò của thượng nghị viện và sắp xếp số nhiệm kỳ của thượng nghị viện dài hơn nhiệm kỳ của đảng cầm quyền. 


Trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ, nhiệm kỳ của các thượng nghị sỹ là 6 năm, và một phần ba các thượng nghị sỹ phải bầu lại mỗi hai năm. Các cuộc bầu chọn do đó còn là thước đo mức hài lòng về chính sách của người dân với chính quyền trung ương. Sự bất mãn của người dân sẽ khiến họ bầu cho đại diện của đảng đối lập. Khi một trong hai viện của quốc hội bị khống chế bởi đảng đối lập nó sẽ giúp ngăn ngừa sự thực thi các quyết định tồi dở hay gây tranh cãi của chính quyền. Tuy vậy, sự khống chế chính nó cũng là một nhược điểm khi trói tay chính quyền của tổng thống trong việc đưa ra các chính sách mới. 


Ngược lại, vai trò của các thượng nghị viện trong các hệ thống nghị viện của Canada, Úc, hay Đức yếu hơn hoặc ít quyền lực hơn so với hạ viện – nơi bị khống chế bởi đảng/liên minh cầm quyền. Trong hệ thống của Đức, thượng viện chủ yếu giữ vai trò kiểm soát việc ban hành các luật lệ liên quan đến chính quyền bang và sửa đổi hiến pháp. Điều đó cho phép chính quyền Berlin vốn đã là một liên minh chính trị dễ dàng thông qua các chính sách hơn và trở nên một chính quyền làm được việc. 


Trong những trường hợp khi mà những đề xuất không thể được áp dụng trên toàn quốc ngay lập tức, hệ thống liên bang cho phép những tiểu bang có thể thử nghiệm những chính sách riêng rẽ ở phạm vi trong tiểu bang mình. Hệ thống liên bang do đó cung cấp những uyển chuyển trong việc thực thi và thử nghiệm các chính sách mới mẻ trước khi có thể được áp dụng đại trà trên toàn quốc. Các chính sách tồi dở nếu thất bại ở các cấp tiểu bang có thể được dừng lại, và do đó hạn chế được mức thiệt hại. Ngược lại, khi toàn hệ thống đắm chìm trong sự kiểm soát của một hệ tư tưởng, những thử nghiệm thành công ở các cấp tiểu bang có thể cung cấp cho các bang lân cận và toàn quốc một hướng đi mới cho đất nước. Một hệ thống chính quyền liên bang do đó giúp giảm thiểu đi rất nhiều sự hình thành các chính sách tồi dở.



E. Kéo Dài Sự Cầm Quyền Của Một Chính Phủ Thành Công.



Trong hệ thống chính trị tổng thống, mối lo ngại xuất hiện một chế độ độc tài khiến cho các nhà thiết kế hệ thống chính trị có xu hướng giới hạn số nhiệm kỳ của tổng thống. Việc giới hạn số nhiệm kì của tổng thống là cần thiết nhằm hạn chế sự xuất hiện độc tài, nhưng cách làm này bộc lộ hai điểm yếu đó là: một, trong trường hợp một nội các làm được việc và trẻ trung, việc giới hạn nhiệm kỳ vô tình bỏ đi một đội ngũ lãnh đạo thành công; và hai, sự thay đổi một nhóm lãnh đạo nhiều khả năng sẽ dẫn đến các thay đổi về chính sách khiến làm gián đoạn sự phát triển của một đất nước. Đó là lý do mà ở một số nước phát triển vượt bậc nhanh chóng như Đức hay Nhật sau chiến tranh thế giới thứ hai, vai trò cầm quyền liên tục của một đảng cầm quyền thành công đóng một vai trò rất quan trọng. 


Hệ thống nghị viện do đó cho phép kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công. Mối lo ngại duy nhất rằng chính phủ này có thể trở thành một đảng độc tài hay khuynh loát chính trị nên được giải quyết bằng các phương cách được thảo luận ở các phần bên trên.



Kết luận



Thiết lập một mô hình chính trị không giống như vẽ những nét cho một bức tranh trên một tờ giấy trắng. Chỉ ở trong một vài trường hợp đặc biệt mà những mô hình chính trị được áp đặt, như của Nhật và Đức sau chiến tranh thế giới thứ 2. Bất cứ một hệ thống chính trị nào cũng là kết quả của những dấu ấn lịch sử, và là một quá trình đấu tranh và thỏa hiệp giữa các thế lực chính trị với nhau. Tuy vậy, sự hiểu biết về những hậu quả và kết quả của các cơ chế hoạt động trong các mô hình chính trị sẽ giúp các nhóm chính trị định rõ những hướng đi cần thiết nhằm xây dựng một xã hội tự do và phát triển. 


---------


Nguyễn Huy Vũ


Tham khảo:


Nguyễn Huy Vũ. “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số”. Tạp Chí Thời Đại Mới, Số 33, tháng 7, 2015. 


Nguồn: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_NguyenHuyVu.pdf

Bầu cử Mỹ, chính trị Mỹ

Theo dõi cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm 2016 có nhiều điều thú vị. Cùng một lúc trong kì tranh cử, có sự xuất hiện của cả các ứng viên cực tả và cực hữu bên cạnh các ứng cử viên trung dung. Tất cả họ đều nhận được một sự ủng hộ đáng kể của các cử tri. Khó có thể hiểu được điều này nếu không thấy được bối cảnh rằng nước Mỹ đang đi xuống, nhất là trong tâm lý và cảm nhận của tầng lớp trung lưu Mỹ. Với nhiều người, giấc mơ Mỹ giờ đây đang dần mờ nhạt. Đó cũng là lý do mà khẩu hiệu của ứng cử viên cực hữu Donald Trump, “Make America Great Again” (Phục hồi sự vĩ đại của nước Mỹ), nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri như vậy.


BỐI CẢNH NƯỚC MỸ


Trong gần hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nước Mỹ dần bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Mức thất nghiệp giờ đây gần đạt mức trước khi xảy ra cơn khủng hoảng, chỉ còn 5% -- một con số lý tưởng. Tuy vậy, nó không hẳn là con số làm hài lòng những cử tri thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ. 

Có hai hiện tượng rõ nét hiện diện trong nền kinh tế Mỹ, đó là sự đi xuống của tầng lớp trung lưu Mỹ và mức thu nhập không còn tăng lên. 

Theo tổ chức nghiên cứu Pew, một gia đình ba người được xếp vào hạng trung lưu nếu họ thu nhập trong khoảng từ $41.869 đến $125.608/ năm. Sự đi xuống của tầng lớp trung lưu Mỹ thể hiện ở chỗ nếu như cuối những năm 1960s tầng lớp trung lưu Mỹ chiếm khoảng 60% lượng người trưởng thành thì giờ đây con số đó chỉ còn trên dưới 50%. 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện của những tiến bộ về công nghệ gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay còn được gọi là cuộc cách mạng kỹ thuật số. 

Cuộc cách mạng này có đặc tính là một sự kết hợp giữa các công nghệ vốn làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực từ vật lý, kỹ thuật số, sinh học, và các ngành công nghệ khác. Sự xuất hiện những công nghệ mới giúp nhanh chóng hình thành những công ty đầy tính sáng tạo. Đến lượt nó, những công ty này cung cấp các khoản thu nhập hậu hĩnh để lôi kéo các những nhân viên giỏi nhất đầu quân cho họ và để lại những nhân viên trung bình cho những công ty với công nghệ cũ kỹ. Sự xuất hiện những công ty mới cùng những công nghệ mới do đó khiến cho một bộ phận nhỏ tầng lớp trung lưu chuyển lên thành những người có thu nhập cao hơn hẳn phần còn lại và trở thành những người giàu nhất. Phần còn lại của tầng lớp trung lưu, những người làm trong những công ty với công nghệ cũ, có mức lương tăng rất chậm hoặc giảm đi. Kết quả dẫn đến một sự phân cực ngày càng lớn hơn giữa hai tầng lớp giàu và nghèo ở ngay chính nước Mỹ.

Hiện nay, nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ nắm giữ hơn 34% tổng tài sản, và nhóm 10% những người giàu nhất nắm gần 70% tài sản nước Mỹ. Ngược lại, nhóm 40% những người nghèo nhất hoàn toàn tay trắng. Điều đó có nghĩa rằng trung bình cứ 10 người bạn gặp ngoài đường thì có 4 người hầu như chẳng có tài sản gì là bao so với tổng tài sản của 6 người còn lại. [1]

Sự phân cực giàu nghèo vô cùng lớn không phải là một điều gì mới mẻ trong lịch sử nhân loại mà nó đã xảy ra và tiếp diễn qua hàng thế kỷ. Cũng không chỉ ở nước Mỹ, mà nó có mặt đủ ở các nước từ Á sang Âu. Có chăng là ở một số nước như Bắc Âu chẳng hạn, sự phân cực ít hơn. Tuy vậy, như ở Thụy Điển và Nauy, nhóm 1% giàu nhất cũng vẫn giữ khoảng 19% tổng số tài sản.[2]


Điều đáng quan tâm là cùng với cuộc Cách mạng Công nghệ và sự ra đời của các công ty mới thành công, sự phân cực giàu nghèo của Mỹ ngày càng rộng ra hơn.


Với hiện tượng mức lương không tăng lên của tầng lớp lao động có hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu đó là dưới tác động của toàn cầu hóa, một số công ty Mỹ chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước đang phát triển. Những công ty còn trụ lại bắt buộc phải cắt giảm, hạn chế tăng lương để sản phẩm làm ra có giá thành cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Nguyên nhân thứ hai mang tính toàn cầu hơn, đó là năng suất lao động trung bình của các nền kinh tế trên thế giới giờ đây đã dừng lại. Khi năng suất lao động không tăng lên thì kéo theo nó là mức thu nhập trung bình cũng ngừng lại. Do đó, không chỉ ở Mỹ mà ở cả các nền kinh tế khác, mức thu nhập trung bình không còn tăng nữa. Mức tăng trưởng năng suất lao động toàn cầu, vốn được đo bằng mức tăng GDP trên mỗi người lao động, đã kẹt lại ở con số 2.1% vào năm 2014 và không cho thấy một dấu hiệu nào nó sẽ tăng lên mức 2.6% trong khoảng thời gian trung bình trước khủng hoảng 1999-2006. [3]

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MỸ

Một câu hỏi quan trọng là liệu rằng có một lời giải nào cho vấn đề trên của nước Mỹ và liệu một tổng thống tương lai có thể làm một điều gì đó nhằm cải thiện những điều trên? Muốn hiểu được điều đó trước hết phải hiểu được sự vận hành của hệ thống chính trị Mỹ.

Trước hết, hệ thống chính trị Mỹ mang nhiều nét của một hệ thống chính trị mang tính đồng thuận. Muốn hiểu một hệ thống chính trị mang tính đồng thuận là gì thì độc giả có thể đọc thêm ở bài “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số” trên tạp chí Thời Đại Mới, số 33, tháng 7, 2015, của cùng tác giả. [4]

Trong hệ thống chính trị mang tính đồng thuận của Mỹ, mỗi một chính sách được đưa ra và đồng ý là một sự thỏa hiệp của tất cả các bên liên quan. Đó là tương tác giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở các bang; giữa tổng thống và hai viện của Quốc hội; giữa Bộ Tài chính và Cục Dự Trữ Liên Bang -- mà ngay trong đó là sự hiện diện của các Thống đốc của các ngân hàng trung ương cấp vùng hoạt động theo nguyên tắc bỏ phiếu thỏa hiệp các quyết định; giữa chính quyền và các nhóm vận động hành lang; và nằm ở một phía khác là sự kiểm soát một cách độc lập của cơ quan tư pháp với Tòa án Tối cao mà ngay trong nội bộ của nó cũng là một nhóm người hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và thỏa hiệp. 

Kể cả trong trường hợp mà một đảng nắm giữ cả hành pháp và hai viện của Quốc hội có thể dễ dàng thông qua các chính sách, nếu các chính sách không hợp lòng dân, người dân có thể chỉ cần hai năm để khóa tay vị tổng thổng. Bằng cách chọn lựa lại 1/3 số thượng nghị sỹ ở thượng viện và toàn bộ số hạ nghị sỹ ở hạ viện của quốc hội mỗi hai năm, những người dân chán ngán vị tổng thống có thể bầu cho phe đối lập nhằm chiếm một đa số trong một viện của Quốc hội là đủ để ngăn những chính sách tồi dở được ban hành bởi tổng thống. 

Bất cứ một hệ thống chính trị nào cũng có hai mặt: ưu và nhược. Ưu điểm của hệ thống đồng thuận đó là hạn chế lạm quyền của cơ quan hành pháp, và ngăn những thay đổi đột ngột và lớn lao xuất hiện. Những thay đổi là những thay đổi tiệm tiến và thỏa hiệp. Quyền lợi của tất cả các bên liên quan đều được tính đến. Các chính sách trước khi được ban hành do đó đều được thảo luận, tranh luận, và rà soát kỹ lưỡng. Một nhược điểm đó là rất khó đưa ra những chính sách nhằm làm thay đổi mạnh mẽ. Vì bất cứ một chính sách nào được đưa ra đều có một phe thiểu số nào đó bị thiệt và do đó chính sách luôn bị chống đối. Sự thuyết phục và thỏa hiệp tốn rất nhiều thời gian và thậm chí đi vào bế tắc. Trong những trường hợp khác, nếu không có sự hợp tác của phe đối lập đang nắm giữ đa số ở một trong hai viện của Quốc hội thì tổng thống trở thành bị trói tay không thể đưa ra được một chính sách nào cho sự thay đổi có ý nghĩa. Và phe đối lập có lý do để làm điều đó, vì sự thành công của vị tổng thổng sẽ làm lợi cho hình ảnh đảng của mình và làm mờ đi phe đối lập. 


NHÌN LẠI CÁC CHÍNH SÁCH CỦA CÁC ỨNG CỬ VIÊN


Các chính sách về kinh tế của các ứng cử viên chia làm ba nhóm chính: thuế, thương mại, và chính sách đối với hệ thống tài chính. 

Các ứng viên đảng Cộng hòa ưu tiên giảm thuế, cả thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp -- vốn được cho là khá cao trong các nước phát triển nhằm giúp cho các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Họ cũng đề xuất việc mở rộng thang tính thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, họ cũng đề xuất cắt giảm các khoản chi tiêu của chính phủ, ngoại trừ việc tăng chi tiêu cho quốc phòng. 

Ngược lại, các ứng viên đảng Dân chủ chủ trương áp thuế cao hơn ở giới nhà giàu. Bernie Sanders chủ trương việc đánh thuế vào các giao dịch tài chính, tăng thuế cá nhân có thu nhập cao, tăng thuế bất động sản và thu nhập của doanh nghiệp. Những khoản tiền thu được từ thuế này sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chi cho chương trình miễn phí giáo dục bậc sau đại học, và miễn phí các chi phí y tế. Hillary Clinton cũng có những ưu tiên về thuế và chi tiêu chính phủ như vậy, mặc dù ở mức độ ít hơn và không đi xa tới mức áp đặt sự miễn phí ở giáo dục và y tế. 

Về thương mại, Donald Trump chủ trương việc gia tăng thuế nhập khẩu trong khi các ứng cử viên Cộng hòa khác ít có ý kiến. Về phía hai ứng cử viên đảng Dân chủ, Bernie Sanders chống thương mại tự do; còn Hillary Clinton mặc dù đã ủng hộ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) lúc còn là Ngoại trưởng thì giờ đây quay lại chống TPP và chống cả dự án đường ống dẫn dầu nối Canada Keystone XL pipeline. 

Về chính sách đối với hệ thống tài chính, Bernie Sanders chủ trương chia nhỏ những ngân hàng lớn ra, lấy lí do là vì các ngân hàng này quá lớn do đó chính phủ không thể để nó phá sản vì nếu phá sản thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính. Mỗi khi ngân hàng lớn làm ăn dẫn đến ngập nợ thì buộc chính phủ phải bỏ tiền túi, mà thực chất là thuế người dân, ra cứu những ngân hàng này. Điều đó thực chất là một sự chi trả cho sự vô trách nhiệm của bọn nhà giàu điều hành và nắm cổ phần đa số ở các ngân hàng. Hillary Clinton giờ đây cũng phần nào ủng hộ chính sách này. Ngược lại, các ứng cử viên đảng Cộng hòa dù lên án sự điều hành vô trách nhiệm ở các ngân hàng lớn lại tỏ ra cảm thông hơn. Họ cũng cam kết sẽ gỡ bỏ các qui định về tài chính quá chặt chẽ mà các ngân hàng lớn thường phàn nàn. 

Về chính sách nhập cư, nếu như hai ứng cử viên của đảng Dân chủ khá giống nhau thì các ứng cử viên đảng Cộng hòa có sự chia rẽ. Cả Sanders và Clinton đều chống lại việc xây dựng một hàng rào hoàn toàn trên biên giới giữa Mexico và Mỹ. Trong khi đó tất cả các ứng cử viên đảng Cộng hòa đều ủng hộ. Phe Dân chủ và Rubio ủng hộ việc duy trì chính sách cấp quốc tịch khi sinh ra trên nước Mỹ và đưa ra một lộ trình hợp pháp hóa và nhập tịch cho những người nhập cư trái phép, ngược lại Trump và Cruz thì chống. [5]


NƯỚC MỸ SẼ VỀ ĐÂU?

Có một câu hỏi rằng nước Mỹ sẽ đi về đâu sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm? Và liệu rằng các chính sách của các ứng cử viên có đủ mạnh để đưa nền kinh tế Mỹ, và đặc biệt là tầng lớp trung lưu Mỹ tìm lại được giấc mơ Mỹ của mình?

Như đã bàn ở trên, rất khó để có những chính sách tạo ra một sự biến chuyển lớn trong hệ thống chính trị Mỹ. Vì vậy mà dù các ứng cử viên có đề xướng ra những thay đổi rốt ráo thì cuối cùng nó cũng phải là sự thỏa hiệp với các tác nhân khác trong hệ thống chính trị. 

Những chính sách từ giảm thuế, giảm học phí sau đại học, giảm chi phí điều trị sức khỏe -- vốn khá cao ở Mỹ, đều giúp cho tầng lớp trung lưu trước hết là tiết kiệm được chi phí, nâng cao kỹ năng, và sau đó là gia tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập. Còn lại là hai câu hỏi: ngân sách để trang trải lấy từ đâu? Và liệu rằng chính sách nào cho ra hiệu quả cao nhất? Và đó là điểm khác biệt chính giữa các đề xuất của các ứng cử viên.

Những nghiên cứu thực nghiệm trong kinh tế cho thấy rằng giảm thuế có tác động lớn hơn về tăng trưởng kinh tế so với tăng chi tiêu; và đối với việc cân đối ngân sách thì giảm chi tiêu hiệu quả hơn là việc tăng thuế. [6]


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 13.3.2016


Hình 1. Phân phối thu nhập của các nhóm trong nhóm 10% thu nhập cao nhất. Chia làm ba nhóm: nhóm 1%, nhóm 1-5%, và nhóm 5-10%. Để ý thấy sự tăng thu nhập chủ yếu ở nhóm 1% cao nhất. Nguồn: Piketty, 2014, “Capital in the Twenty-First Century”

Hình 2. Mức thu nhập thực (cùng với thu nhập từ tài chính) của nhóm 1% cao nhất và phần 99% còn lại. Nguồn: Piketty & Saez (2003), cập nhật đến 2012.

Hình 3. Phân phối tài sản của nhóm 1% và 10% giàu nhất ở Mỹ. Nhóm 1% nắm giữ khoảng 34% tổng tài sản của nước Mỹ. Nguồn: Piketty, 2014. “Capital in the Twenty-First Century”.  



Tham khảo:


[1]Wolff, E.N., 2010. “Recent Trends in Household Wealth in the United States: Rising Debt and the Middle-Class Squeeze—an Update to 2007”. Nguồn: http://www.levyinstitute.org/pubs/wp_589.pdf

[2] Chartbook of Economic Inequality. Xem ngày: 13.3.2016. Nguồn: http://www.chartbookofeconomicinequality.com/

[3] Total Economy Database. Xem ngày: 13.3.2016. Nguồn: https://www.conference-board.org/data/economydatabase/

[4] Nguyễn Huy Vũ, 2015. “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số”, Tạp chí Thời Đại Mới. Nguồn: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_NguyenHuyVu.pdf

[5] “Where the 2016 Candidates Stand On Immigration, in One Chart”, NPR, 11.11.2015, Nguồn: http://www.npr.org/2015/11/10/455359422/where-the-2016-candidates-stand-on-immigration-in-one-chart

[6] “Tax Policy and the Economy”. NBER, 2015. Nguồn: http://papers.nber.org/books/brow-14

[7] The World Wealth and Income Database. Xem ngày: 13.3.2016. Nguồn: http://www.wid.world/

[8] Tracy, R. “GOP Candidates Embrace Rhetoric Against Big Banks, but Not Rules”. Wall Street Journal, 11.11.2015. Nguồn: http://www.wsj.com/articles/gop-candidates-embrace-rhetoric-against-big-banks-but-not-rules-1447275400?mg=id-wsj

[9] Boskin, M. “The US Election and the Global Economy”, Project-Syndicate, 25.2.2016. Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/us-presidential-candidates-economic-proposals-by-michael-boskin-2016-02

[10] Piketty, T. & Saez, E., 2003. “Inecome Inequality in the United States, 1913-1998”, Quarterly Journal of Economics. Updated to 2014. 

[11] Fleming, S., & Donnan, S. “America’s Middle-class Meltdown: Core shrinks to half of US homes”. Financial Times, 9.12.2015. Nguồn: http://www.ft.com/intl/cms/s/2/98ce14ee-99a6-11e5-95c7-d47aa298f769.html#axzz42kaLKLta

[12] Piketty, T., 2014. “Capital in the Twenty-First Century”. Cambridge: Harvard University.

[13] Schwab, K. “The Fourth Industrial Revolution“, Foreign Affairs, 12.12.2015. Bản dịch tiếng Việt của Tạp chí Tự Do. Nguồn: http://tapchitudo.blogspot.com/2016/02/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4.html





Kinh tế Việt Nam: Vài con số

Sản xuất và tiêu dùng

Có vài cách để đánh giá thực trạng của một nền kinh tế. Một cách định tính dễ nhất là cuối năm đến chợ hỏi vài câu về tình hình buôn bán với những bà bán hàng. Những nhận xét của bà là những nhận xét trung thực về hiện trạng kinh tế. Đó là lý do mà ở các nước phát triển họ thường có những khảo sát hàng tháng, hàng quý, dùng những câu hỏi về tình hình kinh doanh, chi tiêu để biết nền kinh tế nước mình phát triển ra sao mà nhanh chóng thay đổi chính sách.

Ở Việt Nam, các dữ liệu kinh tế hiếm hoi và thường được chỉnh sửa vì các mục đích chính trị, mà một trong các con số bị chỉnh sửa lộ liễu nhất là tỉ lệ tăng trưởng GDP, tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp.

Trước hết hãy nói về lạm phát. Theo số liệu trong hình 1, được cung cấp bởi Sở Thống kê Việt Nam chúng ta thấy có hai điều. Trước năm 2014, lạm phát dao động từ 5% đến 25%, hay trung bình khoảng hơn 10%. Nhưng nếu bạn đã từng ở Sài Gòn trong 10 năm qua sẽ thấy rằng giá trung bình một dĩa cơm 10 năm trước và giá một dĩa cơm bây giờ đã tăng từ 3 ngàn đồng lên khoảng 30 ngàn đồng, mức tăng giá là 1000%, hay tính ra mức tăng giá trung bình là 26%. Số liệu lạm phát do đó được công bố thấp hơn nhiều so với thực tế.

Để ý một hiện tượng quan trọng đó là mức tăng giá đã thay đổi tiệm tiến về con số 0. Nó phản ánh một điều rằng sức mua của nền kinh tế đã giảm liên tục từ năm 2012 cho đến nay hay thu nhập của người dân không còn nữa để tiêu xài. Đó là một dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế.

Một con số thứ hai là tỉ lệ thất nghiệp. Trong khi tất cả các phương tiện truyền thông đều lo ngại về tình hình thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm, thì tỉ lệ thất nghiệp chỉ nằm mãi ở con số hơn 2% (Xem hình 2). Do đó dữ liệu thất nghiệp không cho chúng ta thấy điều gì cả, ngoại trừ rằng các dữ liệu của Việt Nam được thổi phồng về thành tích kinh tế.

Ngụy tạo dữ liệu là con dao hai lưỡi cho những nhà cầm quyền. Những số liệu ngụy tạo giúp nhà cầm quyền đem những con số ảo đi tuyên truyền nhằm biện luận cho tính chính danh để hợp pháp hóa vai trò cầm quyền của mình. Nhưng một tai hại lớn hơn nhiều là nó khiến cho cả nhà cầm quyền không biết thực ra nền kinh tế nước mình đang ở đâu. Như một người huênh hoang, tự tin nhìn lên trời từ từ đi tới bờ vực. Đó là lý do mà nền kinh tế ở các nước độc tài sụp đổ một cách nhanh chóng trong khi các lãnh tụ vẫn tỏ ra cao ngạo.

Thiếu những dữ liệu chính thống để làm những nghiên cứu và so sánh đầy đủ, nhưng giới kinh tế gia vẫn tìm được những cách gián tiếp để đưa ra những đánh giá sát thực về nền kinh tế. Để đối phó với tình trạng ngụy tạo chỉ số GDP do các địa phương và chính quyền trung ương sửa chữa nhằm làm đẹp hồ sơ, một cách gián tiếp theo dõi tình trạng phát triển của đất nước là quan sát lượng điện tiêu thụ và so sánh giữa các thời kì (xem hình 3, 4).

Không có một cách nào thống nhất trong kinh tế học để định nghĩa một nền kinh tế ở trong trạng thái khủng hoảng. Ở Mỹ, khủng hoảng hay không được xác định dựa vào các tiêu chuẩn của NBER – một think-tank của các nhà kinh tế hàn lâm – dựa vào các tiêu chuẩn từ GDP thực, thu nhập thực, mức tuyển dụng, sản xuất công nghiệp và lượng hàng tiêu dùng. Ngược lại, giới truyền thông thường dùng tiêu chuẩn rằng một nền kinh tế được gọi là đang ở trong trạng thái khủng hoảng khi hai quý liên tục tăng trưởng âm. Nhưng tiêu chuẩn này lại không chuẩn. Đáng chú ý là trong cuộc khủng hoảng bong bóng công nghệ Mỹ năm 2000-2001, có ba quý tăng trưởng âm, nhưng cả ba đều không liên tục, hoặc cả ở Úc trong cuộc khủng hoảng năm 1974, GDP thực không giảm liên tục giữa các quý. Một điều thú vị khác là ở trong những khoảng thời gian khác GDP thực của Úc giảm liên tục giữa các quý nhưng không được xem là khủng hoảng, chẳng hạn như trong các khoảng thời gian 9/1965-3/1966, 12/1971-3/1972 và 9-12/1977.

Đối với giới kinh tế gia nói chung, định nghĩa nền kinh tế có đang khủng hoảng hay không tùy thuộc vào so sánh giữa mức tăng trưởng thực so với mức tăng trưởng tiềm năng. Nếu mức tăng trưởng thực dưới mức tăng trưởng tiềm năng thì nền kinh tế đang khủng hoảng. Nhưng đo được mức tăng trưởng tiềm năng không dễ, vì nó tùy thuộc vào cả thay đổi dân số và năng suất lao động. Chẳng hạn như tỉ lệ tham gia thị trường lao động tăng ở một số nước như Úc, nhưng lại suy giảm ở Nhật.

Một tiêu chuẩn khác dùng trong thực tiễn là xác định khủng hoảng diễn ra khi mức thất nghiệp tăng cao hơn một ngưỡng xác định, khoảng 1.5 đến 2%, trong vòng 12 tháng.

Trong trường hợp Việt Nam chúng ta cũng không có số liệu chắc chắn cho mức thất nghiệp, ngoại trừ chỉ số giả tạo ở trên. Ở một nước phát triển như Việt Nam, có một cách khác là so mức tăng lượng điện tiêu thụ để đánh giá tình hình phát triển kinh tế. Một cách đơn giản khi kinh tế tăng trưởng nhà máy hoạt động nhiều hơn dẫn đến tiêu thụ điện cho sản xuất tăng; kinh tế tăng trưởng cung cấp thêm thu nhập cho dân chúng để mua sắm đồ điện gia dụng và dùng nhiều hơn. Mức tiêu thụ điện do đó là một biến số gián tiếp cho thấy sức khỏe nền kinh tế.

Quan sát lượng điện tiêu thụ cả trong sinh hoạt và sản xuất cho thấy xu hướng lượng điện tiêu thụ cả trong sản xuất và sinh hoạt giảm từ năm 2012 và đứng lại từ năm 2013, 2014. Đáng chú ý là lượng điện tiêu dùng đã đứng lại từ 2012. Sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, mức tiêu thụ điện tăng vọt nhanh chóng chứng tỏ rằng nền kinh tế đã bật dậy nhưng đà tăng trưởng sau đó trở nên mất lực.

Để so sánh, hãy xem mức tăng trưởng điện năng của Trung Quốc để thấy rằng mức tăng trưởng điện năng của họ liên tục. Lưu ý là trong thời gian khủng hoảng 2008-2009, mức tiêu thụ điện năng cho sản xuất không tăng, nhưng mức tiêu thụ điện cho sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng.

Và nếu như theo tiêu chuẩn của những năm 2008-2009 rằng đất nước đang ở trong trạng thái khủng hoảng kinh tế và chỉ số lượng điện tiêu thụ không tăng là một tham số, thì rõ ràng kinh tế Việt Nam đã khủng hoảng kể từ năm 2012. Đây chính là một trong những lí do thu ngân sách giảm mạch.

Thu nhập từ dầu mỏ

Trước hết hãy xem xét những tác động của sự sụt giảm giá dầu lên thu nhập của nhà nước. Giá dầu trong khoảng những năm từ 2012 đến 2014 dao động trong khoảng 80-100 đô/thùng. Trong năm 2015 giá dầu giảm mạnh hiện nay xuống mức còn khoảng 35 đô/thùng. Có nghĩa là giá đã giảm đi hơn một nửa (xem hình 7).

Hình 8 cho chúng ta biết lượng dầu sản xuất ra mỗi ngày của Việt Nam theo đơn vị ngàn. Biểu đồ cho thấy rằng dù lượng dầu sản xuất giảm kể từ đầu năm 2015, mức sản xuất hiện nay vẫn hơn 320 ngàn thùng/ngày. Trung bình lượng dầu sản xuất một năm khoảng: 340*1000*365 = 120.45 triệu thùng. Nếu theo thời giá trung bình những năm 2014 là 100 đô/thùng thì Việt Nam sẽ thu về hơn 12 tỉ đô la. Nay với giá dầu giảm đi hơn một nửa tất thu nhập bị mất đi khoảng hơn 6 tỉ đô la Mỹ chỉ còn dưới 6 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng đó mới chỉ là giá bán và nếu xuất khẩu thì mang lại ngoại tệ cho Việt Nam, chứ chưa tính lợi nhuận của doanh nghiệp. Trường hợp xấu hơn là với giá dầu dưới 40 đô la Mỹ/thùng thì có thể hoạt động sản xuất dầu ở Việt Nam không lời mà nhà nước còn phải móc ngân sách ra bù lỗ. Không có số liệu về chi phí sản xuất dầu thô của Việt Nam, nhưng chúng ta có thể xem xét chi phí sản xuất dầu thô của vài nước như là một tham khảo. Vì hoạt động sản xuất dầu thô của Việt Nam diễn ra ở ngoài khơi nên chúng ta thử so chi phí sản xuất dầu thô ở ngoài khơi của các nước. Chi phí thấp nhất là ở Nigeria với 30 đô la/thùng, và cao nhất là ở Brazil 80 đô la/thùng, ở Mỹ giá 57 đô la/thùng. Nếu chi phí sản xuất dầu thô của Việt Nam là trung bình theo rổ giá trên thì sản xuất dầu thô của Việt Nam không còn có lời nữa, may ra là hòa vốn.

Liệu giá dầu có tăng trở lại? Nhiều dự đoán cho là không, vì với sự cạnh tranh thị trường của dầu đá phiến của các công ty Bắc Mỹ, các nước Trung Đông không muốn mất thị trường và tiếp tục giữ sản lượng sản xuất, khiến giá tiếp tục giảm. Hình 9 cũng cho thấy rằng giá sản xuất thêm mỗi thùng dầu ở vài nước Trung Đông còn chưa tới 10 đô la.

Thu nhập và chi tiêu quốc gia

Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về tài khoản vãng lai quốc gia để xem thu nhập của đất nước. Biểu đồ tài khoản vãng lai ở hình 10. Tài khoản vãng lai được định nghĩa là tổng thu gồm xuất khẩu, kiều hối và những khoản khác nhau gửi về Việt Nam trừ đi tổng giá trị hàng chúng ta nhập mua về hoặc trả nợ. Ngắn gọn là tiền còn lại sau khi chi tiêu.

Tài khoản vãng lai cho thấy từ năm 2008 tới 2012 thu nhập hàng quý là âm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn năm 2013 và 2014 là tài khoản vãng lai tăng lên được gần 10 tỉ đô la chủ yếu do giá dầu tăng và lượng dầu sản xuất tăng (so sánh thêm ở lượng dầu sản xuất và giá cả ở hình 7 và 8 ở trên).

Hiện nay tài khoản vãng lai dao động trong khoảng cân bằng nghĩa là thu vừa đủ chi.

Khi giá dầu thấp và xuất khẩu dầu thô không còn là một nguồn thu đáng kể nữa, trong khi đó kinh tế tiếp tục ở trạng thái suy thoái thì tài khoản vãng lai tiếp tục dao động ở con số không.

Khi tài khoản vãng lai không dư thì đất nước không tiết kiệm thêm được đồng nào vào dự trữ quốc gia.

Dự trữ quốc gia và nợ

Biểu đồ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở hình 11. So sánh hai hình 10 và 11 chúng ta thấy rằng trong khoảng năm 2012 đến 2014 thu nhập tài khoản vãng lai của Việt Nam có tổng là 20 tỉ đô la nhờ dầu mỏ, tương ứng với khoản tăng của dự trữ ngoại hối từ 15 đến 35 tỉ đô la. Sắp tới đây khi tài khoản vãng lai chỉ cân bằng đồng nghĩa với dự trữ ngoại tệ sẽ không tăng.

Vấn đề còn lại là trả nợ.

Hiện nay theo đồng hồ nợ công cập nhật ở The Economist (1), tổng nợ của Việt Nam là 94 tỉ đô, gần gấp ba lần dự trữ ngoại tệ.

Chúng ta không có con số chính xác về lượng nợ phải trả sắp tới cũng như lãi suất của các khoản nợ để tính chính xác. Sẽ có một khác biệt lớn về lãi suất giữa vốn vay ưu đãi và vốn vay mà nhà nước đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Nhưng ta hãy tính thử trường hợp tệ nhất là khi toàn bộ vốn vay đều có lãi suất như vốn vay mà nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp. Lấy ví dụ vốn vay với lãi suất 7.15% của chính phủ Việt Nam bảo lãnh cho Vinashin từ các chủ nợ đại diện bởi Credit Suisse năm 2007. Với lãi suất 7.15% đồng nghĩa với một năm phải trả 6.7 tỉ đô. Trừ khi Việt Nam vay để đảo nợ, số tiền dự trữ ngoại hối 35 tỉ đô chỉ tương đương với 5 năm trả lãi, chứ chưa nói đến trả nợ gốc.

Nhưng không cần phải đến 5 năm, vì chỉ cần khi dự trữ ngoại hối Việt Nam xuống khoảng 15 tỉ đô la là hệ thống ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh khoản, điều mà Việt Nam từng đối diện trong khoảng những năm 2007 (?), khi nền kinh tế chỉ bằng khoảng một nửa hiện nay.

Nếu Việt Nam chọn đi vay ở thị trường nước ngoài để đảo nợ thì lãi suất đi vay sẽ không rẻ hơn nhiều mức lãi suất 7.15% mà Việt Nam vay giúp Vinashin. Để so sánh hãy xem mức lợi nhuận phần trăm (yield) khi mua trái phiếu chính phủ Indonesia (Hình 12). Trái phiếu chính phủ Indonesia tùy thời gian đáo hạn, ít nhất cho thu nhập từ 7%/năm.

Kết luận

Kinh tế Việt Nam đã khủng hoảng từ 2012 đến nay. Để đối phó với nợ, chính phủ Việt Nam chọn cách thoái vốn ở các công ty được khoảng 3 tỉ đô la (3) và vay tiền từ ngân hàng nhà nước (4) mà thực chất là chỉ lấy ngoại tệ để trả nợ vay. Thậm chí sợ không đủ chính phủ dự định vay thêm 3 tỉ đô ở nước ngoài (5). Nhưng như ở trên cho thấy nếu đi vay nợ ở thị trường ngoài với lãi suất 7%/năm và với lượng nợ hiện có là 94 tỉ đồng thì chỉ cần chưa tới 5 năm, Việt Nam sẽ phải đối diện với khủng hoảng.


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis 12.12.2015





Hình 1. Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam. Nguồn: tradingeconomics







Hình 2. Tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam. Nguồn: tradingeconomics






Hình 3. Lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt ở Việt Nam. Nguồn: indexmundi








Hình 4. Lượng điện tiêu thụ cho sản xuất ở Việt Nam. Nguồn: indexmundi








Hình 5. Lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt ở Trung Quốc. Nguồn: indexmundi.









Hình 6. Lượng điện tiêu thụ cho sản xuất ở Trung Quốc. Nguồn: indexmundi.






Hình 7. Giá dầu thô thế giới (đô la Mỹ /thùng). Nguồn: tradingeconomics.







Hình 8. Lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn: tradingeconomics.





Hình 9. Chi phí sản xuất thêm mỗi thùng dầu ở các nước. Nguồn Knoema.com. 
 





Hình 10. Chi tiêu quốc gia, theo quí.





Hình 11. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam,





Hình 12. Lợi nhuận % (yield%) của trái phiếu chính phủ Indonesia. Nguồn (2).



Tham khảo:

(1) Đồng hồ nợ công của Việt Nam. http://www.economist.com/content/global_debt_clock

(2) Trái phiếu chính phủ Indonesia. https://asianbondsonline.adb.org/indonesia.php

(3) Thoái vốn tại 10 công ty lớn, nhà nước thu về 3 tỉ USD. Một Thế Giới. http://motthegioi.vn/kinh-te/tin-trong-nuoc-va-quoc-te/thoai-von-tai-10-cong-ty-lon-nha-nuoc-thu-ve-3-ty-usd-243300.html

(4) Vay tiền ngân hàng ‘cứu trợ’ ngân sách? Vietnamnet. http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/254973/vay-tien-ngan-hang-cuu-tro-ngan-sach.html

(5) Phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Đất Việt. http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/phat-hanh-3-ty-usd-trai-phieu-quoc-te-de-dao-no-3288769/






Những mẩu chuyện của chiến tranh

Nếu ai đã đọc hai cuốn sách «Bên Thắng Cuộc» của Huy Đức chắc chẳng lạ gì lắm với những mẩu chuyện nhỏ dưới đây. Khác chăng là nó xảy ra đối với những người xung quanh tôi, những người ở miền Nam, và sau trở thành «Bên Thua Cuộc», hơn 40 năm về trước. Kể lại để nhớ rằng chúng ta đã có một thời như thế, và để hiểu do đâu đất nước hình thành như hôm nay, cho tôi và cho những đứa em.
Dân miền Nam chạy trốn lực lượng cộng sản. Nguồn: Internet.

Nhà tôi là một gia đình có truyền thống tham gia cách mạng, ngay từ những buổi đầu của đất nước. Ông ngoại tôi là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa thời kháng chiến chống Pháp. Ông tham gia Việt Minh, làm trưởng ban kinh tài của huyện, chuyên lo vận chuyển, cung cấp tiền bạc, nuôi cán bộ kháng chiến. Tham gia Việt Minh đối với ông đơn giản vì yêu nước, muốn chống Pháp, và dành độc lập, và đó là khẩu hiệu của Việt Minh lúc ban đầu.

Sau năm 1954, thay vì tập kết ra Bắc, ông chọn ở lại, bỏ kháng chiến, về nhà mở xưởng xe lam làm ăn. Ông chống Pháp, chứ không chống Mỹ. Đối với những người ở quê tôi, người Pháp qua đô hộ, bóc lột, còn người Mỹ qua giúp đỡ, xây dựng đường sá, cầu cống. Chiến tranh là những cái gì rất xa lạ, xảy ra ở đâu chứ chẳng phải ở gần. Chỉ cho đến gần những ngày cuối tháng 4, khi nhìn thấy những đoàn xe chở bộ đội từ Tây Nguyên xuống thì người dân mới biết chiến tranh kết thúc.

Tôi chưa từng hỏi ông tôi tại sao không tập kết ra Bắc. Nhưng theo cách sống, tôi đoán ông tham gia khởi nghĩa vì yêu nước, chứ chẳng phải là muốn trở thành một người cộng sản. Bằng chứng là sau đó ông về mở xưởng xe lam, lúc cao điểm với dàn xe mười mấy chiếc, tương đương với một hãng xe khách lớn lúc bây giờ. Ông có tư tưởng của một nhà tư sản.

Những ngày quản lý hãng xe, khi cần mua xe mới, ông đáp máy bay từ Nha Trang vào Sài Gòn. Mua xe mới, tự lái chạy về nhà. Ông kể, khi xe chạy ra khỏi Sài Gòn, ngang qua những khu rừng cao su, bộ đội cộng sản hay chạy ra xin tiền «mãi lộ». Từng hoạt động trong tổ chức Việt Minh, ông biết cách đối phó. Ông tắt xe, giả vờ như xe chết máy, không chạy được nữa, các bộ đội phải phụ giúp đẩy chiếc xe chạy đi, vì sợ nếu xe đứng đó thì máy bay của quân đội Sài Gòn sẽ bay tới bỏ bom.

***

Ông nội tôi cũng là một cán bộ Việt Minh tiền khởi nghĩa chống Pháp. Ông là một võ sư và nhân viên hỏa xa ở Phan Rang, Ninh Thuận. Ông cầm đầu tiểu đội Việt Minh kháng Pháp. Cả tiểu độ bị Pháp bắt, tử hình. Từng người một, trước lúc tử hình, tử tù được hỏi một câu ân huệ bằng tiếng Pháp. Cả tiểu đội gần 10 người bị bắn hết. Tới phiên ông, may nhờ ông biết tiếng Pháp, vì lúc nhỏ học hết tiểu học trường Pháp, nên ông được thả ra, với điều kiện phải làm thông dịch cho quân Pháp.

***

Sau ngày «giải phóng», trường đại học Luật đóng cửa, mẹ tôi, một sinh viên Luật khoa buộc phải nghỉ học. Các giáo viên dạy Văn bị chế độ mới sa thải. Mẹ tôi học khóa đào tạo cấp tốc 3 tháng và trở thành cô giáo dạy Văn.

***

Đối diện nhà tôi chừng 50 mét là nhà hàng xóm tôi, một gia đình người Hoa rất giàu có, sống bằng nghề làm thuốc. Ông chủ nhà có chừng đâu 7-8 bà vợ, các bà sống rất hòa thuận với nhau. Nhà ông là nhà nuôi cán bộ cách mạng. Không ai biết là nhà ông nuôi cán bộ, cho mãi tới những ngày sau tháng 4 năm 1975. Khi những người cộng sản quay lại nhà ông, theo chính sách «đánh đổ tư sản», họ tịch thu tất cả tài sản có giá trị của nhà ông. Vàng dành dụm của ông giấu trong lan can cầu thang, họ đập ra, tịch thu, và ghi biên nhận là «kim loại màu vàng», để sau này có thể đánh tráo thành đồng, cũng là một loại «kim loại màu vàng»?. Thuốc Bắc của ông họ tịch thu chất đống. Ông trở thành vô sản, tức quá, vài tháng sau ông đổ bệnh, rồi chết.

***

Phía trên nhà tôi độ chừng hơn 10 căn nhà, có một ông giáo, làm nghề giáo mà nuôi cả gia đình gần 10 người. Mỗi tháng đi làm ông để dành tiền, mua vàng. Vàng của ông giấu dưới chậu hoa. Những người cộng sản vào xét nhà, đập chậu hoa và lấy sạch.

***

Nếu bạn vào Nha Trang, để ý sẽ thấy chủ nhân những ngôi nhà to, mặt tiền, thường là người Bắc. Để ý cũng sẽ thấy rằng tại sao Nha Trang có nhiều người Bắc quá vậy, và tại sao giọng nói của người trẻ Nha Trang lai lai giọng người Bắc. Nó có lý do lịch sử. Khi những người cộng sản vào miền Nam, lấy cớ «đánh đổ tư sản», họ bắt những gia đình ở Nha Trang đi kinh tế mới. Những người không đi thuộc diện gia đình có công cách mạng. Họ đưa ra một lệnh trong vòng vài tuần thu xếp trước khi cho xe chở những gia đình này lên vùng kinh tế mới. Làm sao thu xếp nhà cửa di chuyển trong vòng vài tuần? Người dân phải bán đổ bán tháo nhà cho cán bộ cộng sản với giá rẻ mạt, hoặc bị tịch thu nhà. Những ngôi nhà ở thành phố Nha Trang sau ngày 30 tháng 4 có những người chủ mới.

Về phía Bắc Nha Trang, thuộc huyện Ninh Hòa, có một xã tên gọi là Ninh Trang. Xã này có tên vậy vì những cư dân ở đây có gốc từ Nha Trang, họ là những gia đình từ Nha Trang bị buộc phải từ bỏ nhà cửa để đi kinh tế mới. Ninh Trang là một xã vùng sâu vùng xa, dưới chân núi. Họ đặt tên để nhớ quê mình.

***

Hồi sinh viên ở Thủ Đức, Sài Gòn, tôi ở chung với một anh bạn người Bình Định. Anh kể chuyện đi học tập cải tạo của chú anh. Là một người miền Nam, tôi đã nghe rất nhiều lần chuyện đi học tập cải tạo của những người xung quanh. Chức càng cao và chế độ mới cảm thấy càng nguy hiểm thì càng đi lâu. Người miền Nam coi bộ dễ tin. Cán bộ miền Bắc vào bảo học tập vài ngày, lâu lắm là vài tuần. Sỹ quan miền Nam tin, nên mang theo đồ dùng nhiêu đó ngày. Ngờ đâu cải tạo mút chỉ mù khơi, hết năm này qua tháng nọ. Gọi là cải tạo nhưng thực chất là tù không án. Đó là một cách tiêu diệt tiềm lực con người của «bên thua cuộc».

Anh kể, mỗi ngày mỗi người tù được phát lưng chén cơm. Gọi là cơm cho oai nhưng thực chất chỉ là khoai mì mốc hoặc bo bo. Họ bị bắt phải lên núi phát hoang, làm rẫy, đẽo đá, chặt cây, đủ các việc, và phải tuân lệnh răm rắp nếu không thì bị bắn bỏ. Nhiều người cải tạo đã chết sau vài năm đơn giản vì kiệt sức và bệnh tật. Những người ra tù thì vài năm sau cũng suy nhược đổ bệnh mà chết. Chú của anh ta được CIA đào tạo cách tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt, nên lúc đi làm rẫy, ông đào hố dưới gốc cây, thả nuôi chuột bắt được. Hàng ngày ông ăn nữa chén cơm, nữa chén còn lại nuôi chuột. Trong suốt thời gian đi tù, ông ăn mỗi ngày nữa chén cơm và thịt chuột. Nhờ vậy mà ông sống sót sau tù, không phải bị bệnh nhiều và chung số phận như các đồng đội.

***

Sau ngày «giải phóng», hệ thống giao thông Bắc Nam dường như trở thành đường một chiều. Người dân miền Nam không được đi ra Bắc. Đường xá chỉ có các đoàn xe ngùn ngụt chở hàng hóa từ miền Nam ra Bắc.

«Giải phóng» xong, Tây Nguyên là một vùng hoang vắng vì dân sợ quân cộng sản bỏ nhà cửa chạy kể từ khi tướng Phạm Văn Phú rút quân khỏi Tây Nguyên. Từng đoàn xe chở người dân từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ đi xây dựng quê hương mới ở Tây Nguyên. Tây Nguyên có những người chủ mới.

«Giải phóng» xong trị giá của một chiếc Honda bằng một chiếc xe đạp. Người dân miền Nam có xe Honda, chạy xăng. «Giải phóng» xong, chỉ có cán bộ được cấp xăng. Honda trở nên vô dụng, cán bộ gạ đổi Honda lấy xe đạp, dân đổi liền.

«Giải phóng» xong mỗi lần làm đơn đi học người dân miền Nam nơm nớp phải khai lý lịch bố mẹ, ông bà, sao cho «có công cách mạng» hoặc ít nhất cũng thuộc thành phần trung lập.

***

Những mẫu chuyện nhỏ trên không phải để thù hằn hay phân biệt Bắc Nam. Nó được kể lên vì nó đã xảy ra như thế. Để biết và nhớ đất nước mình đã có một thời lịch sử chiến tranh, và tại sao quê hương ngày nay như vậy. 


Nguyễn Huy Vũ

Oslo, 29.4.2015


Nauy, một quốc gia may mắn


Nhìn số phận bi thương của những người Hồi giáo Rohingya từ Miến Điện trôi dạt trên biển Đông Nam Á không nước nào nhận, kể cả Malaysia, Indonesia, hay Thái Lan, làm tôi nhớ đến một câu chuyện cách đây không lâu ở Oslo, Nauy.

Một buổi chiều tôi ghé một siêu thị nhỏ của người Việt để mua đồ. Đứng trước cửa hàng là một anh quần áo xộc xệch, thấy tôi ra ảnh nói lảm nhảm một câu gì đó. Chưa kịp định thần thì bác phụ quán bảo, “tội nó, nó đi vượt biên, ở trong trại bị khùng, không nước nào nhận, cuối cùng Nauy nó nhân đạo nên nhận nó về nuôi”. Thật may mắn cho anh.
Alesund, Nauy. Nguồn: Internet.
Nauy là một quốc gia may mắn, và họ chia sẻ sự may mắn của họ cho anh.

Sự may mắn của Nauy không phải chỉ duy nhất đến từ nguồn dầu mỏ vì có nhiều nước giàu tài nguyên nhưng không thịnh vượng, người dân không hạnh phúc. Hãy xem trường hợp của Venezuela ở châu Mỹ La-tinh, của các nước Trung Đông, hay châu Phi giàu tài nguyên.

Sự may mắn của Nauy đến từ việc họ có được những lãnh đạo sáng suốt, vì quyền lợi của đất nước, xưa và nay. Và sự thịnh vượng của một nước nhỏ như Nauy phụ thuộc phần lớn vào sự sáng suốt của một nhóm nhỏ người này.


Xây dựng một đất nước tự do dân chủ 


Ở Nauy, ngày 17/5 hàng năm là ngày quốc khánh. Họ gọi ngày quốc khánh là “Ngày Hiến Pháp”. Đúng 201 năm trước, hiến pháp dân chủ của Nauy ra đời thiết lập nên một nhà nước Nauy dân chủ tự do, và bản hiến pháp được duy trì đến ngày hôm nay.

Trong hiến pháp dân chủ này, quyền lực của vua bị giới hạn. Các trí thức cách mạng của Nauy lấy ảnh hưởng từ tinh thần dân chủ của cách mạng Mỹ và Pháp, tuy vậy, họ không theo tư tưởng cộng hòa theo nghĩa dẹp bỏ luôn hoàng gia, mà vẫn giữ lại biểu tượng hoàng gia, một phần cũng vì để giữ liên kết chính trị với Đan Mạch. 


Sự dấn thân sáng suốt của trí thức


Nauy chính thức ra khỏi chế độ phong kiến cách đây 200 năm, và trí thức của họ đã ý thức để bước ra khỏi tư tưởng phong kiến từ rất lâu trước đó rằng vị trí của nhà vua là do ước vọng của nhân dân, chứ không phải là do bất kỳ thế lực nào khác định đoạt. Nhân dân quyết định sự tại vị của nhà vua. Đó là một quyết định lịch sử đánh dấu sự chấm hết của chế độ phong kiến nơi ông vua có quyền lực vô song và đứng trên luật pháp. 

Trong tiến trình lịch sử của Nauy, giới trí thức luôn đứng đầu và dẫn dắt xã hội. Giữa những lúc quốc gia nguy cấp, trí thức đứng ra chọn nhà vua và định hướng tương lai cho đất nước mình.

Khi có ý định lập liên minh với Đan Mạch, quốc hội Nauy, đứng đầu bởi các trí thức, chọn người của Hoàng gia Đan Mạch làm vua của mình. Sau khi lập liên minh với Thụy Điển thì họ chọn người của Hoàng gia Thụy Điển làm vua của mình. Sau đó, họ lại chọn vua cho xứ mình từ hoàng gia Đan Mạch. Vua của Nauy từ rất lâu chỉ đóng vai trò biểu tượng và công cụ chính trị. Chẳng hạn như khi chọn Hoàng tử Carl của Đan Mạch làm vua Haakon VII của mình, trí thức Nauy tính rằng vì Hoàng tử Carl có vợ là con gái của vua Anh. Khi Hoàng tử Carl về làm vua của xứ Nauy thì xứ Nauy hi vọng có được sự che chở của nước Anh.

Làng đánh cá, Nauy. Nguồn: Internet.



Chính sách thân Hoa Kỳ 


Người Nauy thạo tiếng Anh, từ người già cho tới trẻ con. Sự thành thạo tiếng Anh đến từ việc mỗi ngày, từ bé cho đến lớn, họ phải xem các chương trình giải trí trên ti-vi do Hoa Kỳ sản xuất, chỉ có phụ đề. Chính sách này có hai mối lợi. Thứ nhất, về mặt kinh tế, việc dùng các chương trình có phụ đề giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, và dễ dàng đa dạng hóa các chương trình. Thứ hai, các chương trình này giúp người Nauy thạo tiếng Anh, cập nhật các trào lưu văn hóa trên thế giới và một cách trực tiếp ảnh hưởng văn hóa Mỹ lên người xem. Vì lẽ đó mà Hoa Kỳ có một vị trí rất đặc biệt với người Nauy: là một người bạn để học hỏi, và một đồng minh quân sự. Các sinh viên ưu tú nhất của Nauy được gửi sang Hoa Kỳ để học. Nauy cũng là thành viên sáng lập Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).


Vun đắp các giá trị nhân văn 


Nauy là một trong ít nước bền bỉ luôn mở rộng vòng tay với những người tị nạn. Đó cũng là lý do của sự xuất hiện cộng đồng Việt Nam ở Nauy. Giờ đây, mỗi năm Nauy nhận khoảng 40 ngàn người; người tị nạn chủ yếu đến từ các nước Trung Đông. 

Cái cho quý nhất là cái cho lúc người ta đói. Tình cảm lớn nhất nhận được là lúc ngặt nghèo. Bằng cách giang rộng vòng tay đón nhận những người tị nạn, Nauy đã tạo nên một hàm ơn lớn lao trong cộng đồng những người tị nạn. Tình cảm đó đổi lại là một đất nước Nauy ngày càng đa sắc tộc, năng động, và giàu văn hóa hơn, đó là chưa kể các cộng đồng tị nạn sẽ giúp Nauy gắn kết nhiều hơn với nhiều vùng địa lý, thúc đẩy các lợi ích về an ninh và thương mại. Sự đa văn hóa ngược lại giúp cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa các sắc tộc và giúp thúc đẩy hòa hợp và hòa bình ở Nauy.

Nhiều người biết đến Nauy như là nơi cổ vũ cho hòa bình với giải Nobel Hòa Bình hàng năm. Nauy không chỉ cổ vũ cho hòa bình. Nauy còn cổ vũ cho tự do và dân chủ. Đó là những giá trị cốt lõi dựng xây nên một Nauy hiền hòa và thịnh vượng. Hàng năm Nauy đăng cai tổ chức Diễn Đàn Tự Do Oslo (Oslo Freedom Forum), nơi vinh danh các nhà hoạt động đang bị đàn áp khắp thế giới vì các hoạt động thúc đẩy các quyền tự do của con người. Bằng việc gieo những mầm tự do và dân chủ khắp thế giới, Nauy nuôi dưỡng và duy trì được những giá trị tự do và nhân văn ở chính nước mình. Các giá trị này từ đó thúc đẩy thêm sự thịnh vượng của quốc gia.


Để lại cho đời sau 


Dịp kỉ niệm 1000 năm Oslo, chính quyền cho làm một hòm nhỏ có sức chịu đựng được tới 1000 năm sau, trong chứa các lá thư và các kỉ vật của Oslo, nhằm gửi những lời nhắn và món quà đến cho các thế hệ của 1000 năm tới. Hòm chỉ được mở đúng 1000 năm sau. Một hành động nghĩ đến những thế hệ tương lai.

Một hành động thiết thực có ý nghĩa khác là lưu giữ các giá trị tài nguyên quốc gia cho các thế hệ kế tiếp. Khoảng 50% xuất khẩu của Nauy đến từ dầu mỏ, khí đốt và các dịch vụ liên quan. Dầu mỏ và các ngành công nghiệp đi kèm chiếm 23% GDP và 30% tổng thu nhập của chính phủ. Biết rằng nguồn tài nguyên này là hữu hạn, các nguồn thu nhập từ dầu mỏ được chính phủ Nauy bỏ vào một quỹ riêng đem đầu tư, lấy lãi để đầu tư vào an sinh xã hội, phần còn lại lưu giữ cho các thế hệ kế tiếp. Hiện quỹ dầu mỏ trị giá 6.622 tỉ Krone Nauy, tương đương 900 tỉ đô la Mỹ, cho lãi mỗi năm ở mức trung bình 5,8%. Với dân số khoảng 5 triệu người, số tiền này tương đương việc mỗi người Nauy để tiết kiệm khoảng 181 ngàn đô la Mỹ, và cho mức lãi hàng năm khoảng 10 ngàn đô la Mỹ. Số tiền lãi đủ để chi tiêu cho các vấn đề về phúc lợi xã hội.


Xây dựng nguồn vốn con người 


Khoản tiền từ quỹ dầu mỏ ở trên để lại cho thế hệ sau nên được xem như một món quà, mà tài sản lớn nhất là một nguồn nhân lực đa dạng về văn hóa, năng động, và có trình độ. Có được như vậy nhờ Nauy đầu tư một cách mạnh mẽ cho hệ thống giáo dục và an sinh xã hội, một chế độ nhập cư có chọn lọc và tích hợp thành công các cộng đồng tị nạn vào xã hội dòng chính của mình, cũng như là một đất nước luôn trân trọng và đón nhận những tài năng.

Chính sách bình đẳng xã hội với mức lương hào phóng cho những người có thu nhập thấp cùng với hệ thống an sinh xã hội và hệ thống giáo dục miễn phí cho mọi cấp giúp trang bị cho những người ở vị trí thấp nhất của xã hội cơ hội được tiếp cận hệ thống giáo dục và vươn lên. Điều này giúp hình thành nên một tầng lớp trung lưu mạnh làm nền tảng cho sự phát triển.

Những chính sách đó đã giúp Nauy, một nước nhỏ về dân số và phân tán rời rạc, trở thành một xã hội năng động và sáng tạo. Trong bảng xếp hạng các quốc gia sáng tạo nhất thế giới theo Global Creativity Index (bởi Martin Prosperity Institute), Nauy xếp thứ 7, theo Global Innovation Index (xuất bản bởi Đại Học Cornell, Hoa Kỳ, Viện Kinh Doanh INSEAD, và Liên Hiệp Quốc), Nauy xếp thứ 14. Theo chỉ số phát triển doanh nghiệp GEDI index, Nauy xếp thứ 16. Và quan trọng nhất là trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất, xuất bản bởi Liên Hiệp Quốc (World Happiness Report), Nauy xếp thứ 2, chỉ sau Đan Mạch.

Hạnh phúc của một quốc gia trước tiên đến từ hạnh phúc của mỗi cá nhân, và đó là điều may mắn cho những người dân Nauy, họ thuộc những người hạnh phúc nhất của thế giới.


Nguyễn Huy Vũ

Quốc Khánh Nauy, Oslo, 17/5/2015.



Ngày Hiến pháp của Nauy

Trên bảng xếp hạng thu nhập cao nhất của tầng lớp trung lưu các nước trên thế giới, Nauy đứng thứ 3, sau Mỹ và Canada. Khác với những nước giàu khác, nơi mà mức bất bình đẳng rất cao, lợi tức không được chia đồng đều, hay nói nôm na, trung bình là một con gà nhưng có vài người được nguyên cái mình, còn những người còn lại chỉ được phần đầu cánh, Nauy nằm trong nhóm các nước có mức bất bình đẳng thấp nhất. 

Nói một cách khác, ai cũng có phần tươm tất ở xứ Nauy, và thu nhập giữa họ không có nhiều khác biệt. 

Nauy. Nguồn: Internet.

Nhiều bạn bảo Nauy giàu nhờ dầu mỏ. Đúng, nhưng chưa đủ. Dầu mỏ cung cấp 50% thu nhập cho đất nước bé nhỏ 5 triệu dân này. Nhưng dầu mỏ một mình không đủ đảm bảo một nước thịnh vượng và người dân hạnh phúc. Có rất nhiều nước giàu có về tài nguyên như các nước châu Phi và Trung Đông. Nhưng các nước này không phải là những nước thịnh vượng và người dân cũng không hạnh phúc bằng Nauy.

Nauy và Bắc Âu sung túc và thịnh vượng vì những người lãnh đạo của họ ra những quyết định vì người dân. Có được điều đó bởi vì họ là các nước dân chủ thực sự, và có truyền thống dân chủ từ rất lâu.

Và ngày hôm nay, 17/5/2014 đánh dấu 200 năm truyền thống dân chủ của Nauy. Ngày này đúng 200 năm trước, Hiến Pháp Dân Chủ của Nauy ra đời. Ngày 17/5 kể từ đó trở thành ngày lễ lớn của Nauy với tên gọi "ngày Hiến Pháp" (Constitution Day).

Trong hiến pháp dân chủ này, quyền lực của vua bị giới hạn. Các trí thức cách mạng của Nauy lấy ảnh hưởng tinh thần dân chủ của cách mạng Mỹ và Pháp, tuy vậy, họ không theo tư tưởng cộng hòa theo nghĩa dẹp bỏ luôn hoàng gia, mà vẫn giữ lại biểu tượng hoàng gia, một phần cũng vì để giữ liên kết chính trị với Đan Mạch. 

Nauy chính thức ra khỏi chế độ phong kiến cách đây 200 năm, và trí thức của họ đã ý thức bước ra khỏi tư tưởng phong kiến từ rất lâu trước đó rằng vị trí của nhà vua là do ước vọng của nhân dân, chứ không phải là do bất kỳ thế lực nào khác định đoạt. Nhân dân quyết định sự tại vị của nhà vua. Đó là một quyết định lịch sử đánh dấu sự chấm hết của chế độ phong kiến nơi ông vua có quyền lực vô song và đứng trên luật pháp. 

Trong tiến trình lịch sử của Nauy, giới trí thức đứng đầu và dẫn dắt xã hội. Giữa những lúc quốc gia nguy cấp, trí thức đứng ra chọn nhà vua và định hướng tương lai cho đất nước mình.

Khi có ý định lập liên minh với Đan Mạch, quốc hội Nauy, đứng đầu bởi các trí thức, chọn người của Hoàng gia Đan Mach làm vua của mình. Sau khi lập liên minh với Thụy Điển thì họ chọn người của Hoàng gia Thụy Điển làm vua của mình. Sau đó, họ lại chọn vua cho xứ mình từ hoàng gia Đan Mạch. Vua của Nauy từ rất lâu chỉ đóng vai trò biểu tượng và công cụ chính trị. Chẳng hạn như khi chọn Hoàng tử Carl của Đan Mạch làm vua Haakon VII của mình, trí thức Nauy tính rằng vì Hoàng tử Carl có vợ là con gái của vua Anh. Khi Hoàng tử Carl về làm vua của xứ Nauy thì xứ Nauy hi vọng có được sự che chở của nước Anh.

Họ thực tế và vì quyền lợi nhân dân vậy đó.

Và nhờ có những thế hệ trí thức dân chủ như vậy, họ luôn tiến về phía trước. Khi có vua và khi không có vua không quan trọng. Họ đã có lực lượng trí thức tiến bộ dẫn dắt. Đó là những con người sẵn sàng thay ông vua này để chọn ông vua khác, chỉ để nước mình thịnh vượng, dân mình no ấm và hạnh phúc hơn.


Nguyễn Huy Vũ

Oslo, 17. 5. 2014