Đứng trước việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ trong ba ngày thứ ba (11/8), tư (12/8), và năm (13/8) tuần rồi, một số chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng Việt Nam nên ngay lập tức phá giá đồng Việt Nam, và thậm chí phá giá đến 10%.
Lý do thứ nhất đưa ra là tiền đồng Việt Nam (VND), do neo giữ với đồng đo la Mỹ (USD), lên giá và hàng Việt Nam sẽ kém cạnh tranh, phá giá tiền đồng với biên độ cao hơn của Trung Quốc sẽ giúp hàng Việt Nam rẻ hơn, cạnh tranh hơn. Một lý do thứ hai là do nhân dân kì vọng chính phủ sớm muộn gì cũng sẽ phá giá nên họ lo sợ giữ đô la, và phá giá Việt Nam Đồng nhanh chóng sẽ giải tỏa được kì vọng này, giảm tình trạng đô la hóa trong dân. [1]
Tôi cho rằng, ngược lại, sẽ là một quyết định sai lầm nếu chính phủ phá giá Việt Nam Đồng, với các lí do như sau.
Việc phá giá Việt Nam Đồng sẽ chỉ có tác dụng giúp hàng Việt Nam rẻ hơn trong ngắn hạn, vài tháng đến một năm, do tỉ giá hối đoái được lợi hơn. Nhưng một tác động to lớn hơn là nó sẽ gia tăng lạm phát nhanh chóng, việc gia tăng lạm phát sẽ gây sức ép lên mức lương bổng của công nhân, các công nhân tiếp theo sẽ đòi hỏi các chủ doanh nghiệp tăng lương, sau khi tăng lương xong thì chi phí sản xuất thực của hàng hóa Việt Nam sẽ trở về vị trí ban đầu.
Do vậy, việc phá giá Việt Nam Đồng nhằm giúp hàng Việt Nam rẻ hơn chỉ có tác dụng ngắn hạn, và thậm chí không có tác dụng vì các đơn hàng của các doanh nghiệp được kí kết từ rất lâu trước đó. Thêm nữa, không phải dễ gì một nhà phân phối ngay lập tức chọn nhảy qua một nhà sản xuất chỉ vì hàng hóa của họ giảm được giá thành 10% chẳng hạn trong ngắn hạn. Sự vướng mắc còn nằm ở nhiều khâu như phân phối, qui trình vận chuyển, chất lượng sản phẩm, v.v., và việc chỉ thay đổi nhà cung cấp chưa chắc làm giá thành thay đổi một cách nhanh chóng.
Việc phá giá Việt Nam Đồng có ít điều lợi, ngược lại nó đưa ra nhiều tác hại.
Thứ nhất, lạm phát tăng cao sau khi phá giá tiền đồng nó khiến cho đời sống của người dân cơ cực hơn, nhất là những đối tượng mà mức thu nhập của họ khó được điều chỉnh như những người nhận lương hưu hay nhân viên cấp thấp.
Thứ hai, việc phá giá khiến thị trường bất ổn hơn. Người dân từ giờ trở đi mặc nhiên sẽ kì vọng rằng mỗi khi Trung Quốc phá giá thì Việt Nam trước sau gì cũng sẽ phá giá. Vai trò của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNN) do đó sẽ mất dần đi tính độc lập. Và thực ra, vì nhân dân đã mất niềm tin vào NHNN nên mới có hiện tượng găm giữ đô la hiện nay, vì họ kì vọng NHNN trước sau gì cũng phá giá. Nếu NHNN hiện nay lại lập tức phá giá thì nó chỉ chứng tỏ một điều rằng người dân kì vọng đúng, và họ có quyền kì vọng lần sau nữa Ngân Hàng Trung Ương (NHTW) Trung Quốc phá giá, họ lại tiếp tục neo giữ đồng đô la, làm áp lực phá giá mạnh hơn. Như vậy, vô hình chung, nền kinh tế Việt Nam bị đưa vào vòng xoáy phá giá và trực tiếp chịu sự ảnh hưởng của các chính sách của NHTW Trung Quốc. Đó quả thực là một điều nguy hiểm. Nguy hiểm vì tự mình đưa cổ vào tròng của Trung Quốc, tự đưa cách quản lý nền kinh tế nước mình phụ thuộc vào chính sách của Trung Quốc, trong khi một chính sách khôn ngoan phải là tách từ từ ra.
Thứ ba, việc ngay lập tức phá giá nó chứng tỏ một chính sách điều hành kinh tế tiền tệ thiếu nhất quán và không có định hướng. NHNN phải là cơ quan định hướng chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tài chính, có như vậy thì doanh nghiệp họ mới yên tâm làm ăn và tích lũy tiền địa phương, từ đó mà tiền đồng của Việt Nam mới mạnh mẽ. Khi tiền đồng mạnh mẽ thì có lợi cho nền kinh tế, có lợi cho người dân chi tiêu, mua sắm; khi dân có tiền chi tiêu, mua sắm, để dành thì thị trường quốc nội mạnh lên, doanh nghiệp sẽ mở ra hoặc vào Việt Nam mà đáp ứng cái thị trường mua sắm đó. Ngược lại, khi NHNN điều hành chính sách thiếu định hướng, ba giựt ba chộp, nay nắng mai mưa, không có thông tin rõ ràng cho giới doanh nhân về định hướng chính sách, về lâu dài vài năm, hay ngắn hạn (ít nhất vài ba tháng tới) thì doanh nghiệp chỉ còn đoán mò để lên kế hoạch sản xuất kinh doanh, và do lo sợ những thay đổi bất lợi cho họ như phá giá tiền đồng mà họ găm giữ đô la hay vàng. Việc găm giữ đô la hay vàng làm bất lợi cho nền kinh tế vì NHNN thiếu đô la cho doanh nghiệp cần vay và làm nguồn vốn dự trữ phòng khi có xáo trộn thị trường tài chính, và cũng để bảo vệ giá trị tiền đồng. Doanh nghiệp mà găm giữ đô la thì cũng không còn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, không thu dụng thêm lao động, thất nghiệp do đó không giảm và sức tiêu thụ không tăng do dân không có tiền, nền kinh tế không phát triển được.
Từ bốn ý trên rõ ràng hại nhiều hơn lợi, cho nên tôi nghĩ một chính sách đúng là không phá giá tiền đồng.
Nhưng câu hỏi tiếp theo là nếu mà không phá giá tiền đồng thì NHNN Việt Nam nên làm thế nào để đối phó với sự phá giá của đồng nhân dân tệ và những dao động bất ngờ trên thị trường hối đoái?
Thứ nhất, về lâu về dài muốn hàng Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn thì nhà nước cần tập trung nâng cao năng suất lao động của người lao động. Có như vậy thì hàng Việt Nam được làm ra hoặc sẽ rẻ hơn do năng suất cao hơn, hoặc sẽ đẹp hơn, chất lượng cao hơn dù giá thành có thể bằng hoặc cao hơn chút. Tôi nghĩ bên cạnh một nước Trung Quốc do có thị trường lớn, hàng của họ sản xuất theo nền kinh tế số nhiều nên giá thành thấp, Việt Nam nên chọn cạnh tranh ở phân khúc thị trường giá cao hơn và chất lượng cao hơn, mẫu mã đẹp hơn, phân khúc đó cho nhiều lợi nhuận hơn và đòi hỏi chất xám nhiều hơn. Do đó, cần thiết phải thực hiện cải cách ngay lập tức hệ thống giáo dục, đào tạo nghề, và có các chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài vào hợp tác. Chính phủ có thể tham khảo chính sách Yozma của Israel khi lôi kéo các doanh nghiệp nước ngoài và xây dựng thành công thị trường đầu tư mạo hiểm nhằm vực dậy nền công nghiệp kỹ thuật cao của mình. Chính sách Yozma của Israel sau đó được Canada, Ireland, và Singapore bắt chước, và họ cũng rất thành công.
Thứ hai, về ngắn hạn, NHNN Việt Nam nên thả lỏng đồng Việt Nam trong giới hạn và xem xét điều chỉnh định kì cố định, chẳng hạn mỗi 3 tháng một lần. Ví dụ cho phép tỉ giá hối đoái VND với USD dao động trong một biên, chẳng hạn, +/- 3%, và giữ nguyên trong ít nhất 3 tháng, cứ mỗi sau 3 tháng sẽ xem xét lại một lần. NHNN phải giữ uy tín bằng cách duy trì thực hiện chính sách như vậy. Mỗi khi có một thay đổi về chính sách tỉ giá ngoại hối, NHNN phải thông báo trước một khoảng thời gian. Tốt nhất là cứ mỗi 1 tháng NHNN nên có một thông cáo về các chính sách trên trang web của mình. Như vậy, doanh nghiệp sẽ dự đoán biết rằng các chính sách sẽ diễn tiến như thế nào để họ biết cách lập các kế hoạch chi tiêu và sản xuất. Họ cũng biết rằng trong trường hợp xấu nhất chẳng hạn ở trên, tỉ giá hối đoái sẽ phải giảm mất khoảng 12% để họ có những dự phòng rủi ro. Khi doanh nghiệp đã có kế hoạch sản xuất kinh doanh, và NHNN tạo niềm tin cho doanh nghiệp thì nền kinh tế sẽ nhanh chóng đi vào ổn định, và việc điều hành thị trường tài chính tiền tệ của NHNN cũng sẽ dễ dàng được thực hiện. Bên cạnh đó, do thị trường được phép điều chỉnh hối đoái trong biên độ, nó vừa cho phép giảm áp lực lên việc điều chỉnh tỉ giá, vừa giúp thị trường tài chính duy trì được uy tín và sự ổn định. Khi hệ thống tài chính ổn định và người dân tin vào chính sách của NHNN thì họ sẽ thay vì giữ đô la sẽ đổi ra tiền đồng để kinh doanh, dự trữ ngoại hối do đó sẽ tăng lên.
Để điều hành một hệ thống tài chính tiền tệ hiệu quả, NHNN phải cứng rắn tạo ra một uy tín trong việc thực thi các chính sách của mình đối với giới doanh nghiệp. Nếu NHNN không ngay lập tức tạo ra uy tín cho mình bây giờ thì còn đợi tới lúc nào?
Nguyễn Huy Vũ
Oslo, 16.8.2015
[1]http://cafef.vn/tai-chinh-ngan-hang/giu-on-dinh-ty-gia-chi-nen-mang-tinh-chat-tam-thoi-20150601173425116.chn