Bạn, mà đúng hơn là một người anh, gửi cho những mẩu chuyện kể lại những tâm sự trong cuộc đời 50 năm. Những tâm sự mà chúng ta dễ dàng bắt gặp ở những thanh niên thế kỷ trước: yêu nước nồng nàn, nhưng không kém phần lãng mạn; họ đều cố gắng làm điều gì đó cho dân tộc nhưng cuối cùng bất lực trước thời cuộc.
Nguồn: Internet.
|
Năm mươi năm cuộc đời của anh và cũng là chừng ấy năm thăng trầm của lịch sử dân tộc, chứng kiến những sự kiện từ lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm đến ngày miền Nam bại trận, rồi cuối cùng bùi ngùi tự nhận mình rốt cuộc là một con chốt trong ván cờ của nhiều thế lực.
Lịch sử cuối cùng vẫn là lịch sử. Nếu có ước một điều gì đó đừng xảy ra thì cũng như mong rằng với các điều ước ta có thể bỏ Paris vào một cái chai. Nhưng ước thì vẫn ước, có mất gì đâu khi ước, như một liều thuốc an thần, giúp ta mơ màng trong phút chốc ở những giả định mà quên bớt những phũ phàng của hiện thực. Vì vậy, mà ở những người đã sống qua hai chế độ, cũng như nhiều người có hiểu biết đúng đắn về chế độ miền Nam Cộng Hòa, trong những câu chuyện thường ước rằng giá như chế độ Đệ Nhất hoặc Đệ Nhị Cộng Hòa tồn tại thì hẳn vị thế ngày nay của Việt Nam chắc chắn đã khác. Chỉ cần người Mỹ ủng hộ miền Nam thêm 5 - 10 năm nữa thì sẽ chứng kiến sự khủng hoảng sâu rộng ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa – sự khủng hoảng mà cho dù lấy tài nguyên ở Miền Nam bù đắp cho sự phá sản kinh tế thì rồi cuối cùng phải chấp nhận giải pháp “Đổi Mới” năm 1986 -- trước khi thế giới chứng kiến sự sụp đổ của Liên Xô. Và như vậy, với sự tồn tại của chính mình, miền Nam Việt Nam nếu không được như Nam Hàn thì ít ra cũng hơn hẳn những gì nhiều người chứng kiến trong hoàn cảnh hiện nay. Hoàn cảnh mà đất nước thua kém các nước khác không còn là nguy cơ mà đã trở thành một thực tế. Nhưng quan trọng hơn hẳn là ít ra các trí thức Tây học sẽ có một môi trường cởi mở để gieo rắc những hạt giống dấn thân, truyền bá chủ nghĩa tự do, và nối kết một nửa Việt Nam với thế giới văn minh tiến bộ phương Tây, nơi mà Việt Nam cần học hỏi và kết bạn. Sự sụp đổ của miền Nam cùng với đàn áp trí thức Tây học như đóng cánh cửa Việt Nam với văn minh phương Tây để chọn cho mình mô hình Liên Xô, để rồi sau khi Liên Xô sụp đổ thì chọn mô hình Trung Quốc. Và giờ đây khi mô hình Trung Quốc chứng tỏ sự bế tắt, và chính họ cũng chưa tìm ra được giải pháp, thì chúng ta lại chứng kiến sự vô định trong hướng đi của các nhà lãnh đạo.
Những ước mơ giả định đó như một làn khói thuốc đê mê trấn an chúng ta trong phút chốc trước khi trả về với thực tại rằng đất nước đang đứng giữa những ngã đường của vô vọng. Sự vô vọng thể hiện cả ở tâm lý của người Việt, rằng giờ đây không còn ai nói về tương lai tươi đẹp của đất nước. Cái mà nhiều người mong là bỏ nước ra đi kiếm tìm một tương lai ở nước ngoài. Nhưng sự vô vọng lớn lao hơn là ở những người còn quan tâm đến thời cuộc, dẫu biết rằng không một nhà lãnh đạo nào xứng đáng, nhưng người ta vẫn cố gắng ủng hộ ông này hay ông kia cốt chỉ vì hi vọng ông này đỡ hơn, dù chỉ ở những ước mơ gửi gắm (để rồi có khi phải thất vọng). Mà thất vọng chắc có phần lớn, vì cả một hệ thống rập khuôn theo mô hình Trung Quốc, vốn đang chứng kiến sự khủng hoảng, thì những hô hào nhà nước pháp quyền hay kinh tế thị trường tự bản thân nó không giúp đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng mọi mặt. Nó cần một cuộc cải cách rốt ráo hơn mà trước hết một nhóm nhà lãnh đạo phải có uy tín và động viên được ý thức của mọi người. Không ai trong những nhà lãnh đạo hiện tại có được điều đó; nhân dân đang nhìn họ với đôi mắt rất thờ ơ.
Nguyễn Huy Vũ
Minneapolis, 22.1.2016