27.3.16

Xuân hạ thu đông

Xuân hạ thu đông, bốn mùa. Hồi còn nhỏ, như bao đứa trẻ khác, tôi được học rằng, mùa xuân gió mát nhè nhẹ, nắng vàng, hoa nở;  mùa hè nắng chói chang; mùa thu của lá vàng vương vấn những con đường, góc phố, của những lãng mạn tình yêu, những ánh vàng đâu đó cuối cung đường; mùa đông lạnh lẽo với tuyết trắng phủ kín những ngôi nhà, góc phố, những ngọn thông mặc áo tuyết, mùa của những chú gấu ngủ đông, chim di cư tránh rét, của Giáng sinh với nến và hoa. Tôi đã từng biết vậy và hẳn nhiên tin vậy vì tôi chưa từng trải qua những cung bậc của cảm xúc với mùa màng, cho tới những năm tôi 25 tuổi.

Stockholm, Thụy Điển, đường nối khu kí túc xá Lappis và Đại học Stockholm

Hồi mới rời Việt Nam tôi chỉ có một ý niệm duy nhất trong đầu là đi ra ngoài xem thế giới bên ngoài nó như thế nào. Những ý nghĩ tò mò về thế giới bên ngoài đã hối thúc tôi đi kiếm tìm những học bổng để ra ngoài du học; cũng những tò mò đó đã ngày càng ăn sâu khiến tôi sau đó không dừng lại ở Singapore để xin sang châu Âu học hỏi nền văn minh phương Tây và văn hóa của họ. Phải thú thật tôi chưa bao giờ có ý định ở lại nước ngoài để định cư và đó là lý do mà thay vì kiếm một công ty nào đó để làm và định cư lại, tôi xin đi học lòng vòng. Cái tính tò mò đã dẫn dắt tôi đến với châu Âu và cảm nhận được bốn mùa của xứ họ.

Tôi sang Stockholm vào những ngày của mùa thu tháng 8. Nắng vẫn còn ấm và lá chưa vàng. Châu Âu thật hiền hòa và dễ mến. Sống ở Singapore đã lâu, phương tiện công cộng, cách thầy cô giáo dạy, cách học, cách thi, hay giao tiếp tiếng Anh đối với tôi không có nhiều khác biệt. Khác biệt chính không phải ở những công trình xây dựng, những lâu đài hay những góc phố, mà ở những người dân rất đỗi bình thường: đó là nụ cười tươi của những cô gái mà một kẻ thích lang thang lãng tử như tôi thỉnh thoảng bắt gặp. Nó có thể là lúc vô tình nhìn nhau, lúc hỏi đường, lúc tình cờ cùng ngồi trên bus, hay lúc mua hàng. Có lần khi ở Thụy Điển sang Oslo chơi, ghé quán mua đồ, em bán hàng thấy tôi dùng card Swedbank của Thụy Điển thì mừng như gặp đồng hương tươi cười bắt chuyện. Bạn sẽ hiếm thấy điều đó khi đi dần xuống phía Nam của châu Âu và càng ít hơn ở những chỗ khác, những nơi tôi đi qua. Bạn đọc khó tính sẽ nghĩ té ra ông này sang châu Âu gọi là để học hỏi tìm hiểu văn hóa mà toàn gặp mấy cô gái xinh xắn nên khen đây. Nhưng không đâu bạn ơi, văn hóa là gì nếu chẳng phải là con người. Những công trình cũng chỉ là kết quả từ sự lao động của con người. Hiểu được văn hóa của họ, cách suy nghĩ của họ và để từ đó hiểu được vì sao họ kiến tạo nên được một nền văn minh tiến bộ mà những người châu Á chúng ta ngày nay vẫn còn theo học.

Bắc Âu nằm ở phía trên tận cùng của châu Âu khiến nhiều bạn nghĩ rằng Bắc Âu rất lạnh. Nhưng nhiệt độ duy nhất không làm bạn cảm nhận được rằng lạnh ít hay nhiều, mà nó còn cộng thêm với độ ẩm và gió. Bắc Âu nhiệt độ thấp hơn, nhưng nhờ có dòng hải lưu ấm cộng thêm khí hậu khô, ít gió, và độ ẩm thấp nên nếu cùng một nhiệt độ so với các nước Nam Âu, bạn thường cảm nhận rằng Bắc Âu sẽ ấm hơn. Ở Đức, Pháp nếu 10 độ C bạn ra đường phải mặc áo khoác, bên Bắc Âu bạn chỉ cần mặc áo phông khi ra ngoài, thậm chí có thể như tôi ngồi nhà mở cửa sổ ở trần uống bia.

Cái khác là mùa đông của các nước Bắc Âu rất dài và mùa hè cũng vậy. Mùa đông Bắc Âu bắt đầu vào khoảng cuối tháng 10 và kéo dài tận giữa tháng 3. Vào mùa đông trời tối lúc 2h chiều và sáng lúc 9h sáng. Ngược lại vào mùa hè, mặt trời sáng bừng từ lúc 2h sáng và tối lúc 11h đêm. Mùa hè bạn không làm gì được nhiều, ngoại trừ việc đi chơi, hoặc có làm thì chiều chiều cũng đi tắm nắng, nướng thịt uống bia tán dóc với bạn bè, đơn giản vì mùa hè rất đẹp.

Những ngày ở Stockholm, mấy người bạn châu Âu chung dãy kí túc xá hay phàn nàn nắng mùa hè chiếu sáng quá, không ngủ được. Mới hơn 2h là nắng sáng gắt hắt qua cửa sổ xuyên vào phòng, các bạn phải kiếm thêm những chiếc rèm kín chèn cửa sổ lại. Khu kí túc xá tôi ở nằm bên khu bảo tồn của Stockholm. Chim chóc, hươu nai và thỏ rất nhiều. Mùa hè chim hót ríu rít suốt ngày cho đến khi mặt trời lặn lúc 11h đêm, 2h sáng thì chim hót trở lại như đánh thức một ngày mới.

Những kẻ chiêm nghiệm tình yêu hay ví bốn mùa xuân hạ thu đông như bốn típ người phụ nữ đặc trưng. Người phụ nữ của mùa xuân dịu dàng e ấp, tươi tắn như hoa; của mùa hè nồng nhiệt, cuồng cháy; của mùa thu lãng mạn và êm đềm; của mùa đông lạnh lẽo và chịu đựng. Kẻ tham lam ước gì mình có được một cô có được bốn tính cách, người khiêm tốn ước chỉ cần có được một cô của mùa đông, chịu đựng cùng mình trải qua những thăng trầm, lạnh lẽo.

Phải trải qua những mùa đông bạn mới cảm thấy những ấm áp và nồng nhiệt của mùa hè. Hồi mới sang, tôi tò mò hay hỏi những người bạn Bắc Âu của mình tháng nào là tháng sinh nhật phổ biến nhất của tụi mày. Tụi hắn cười đáp tụi tao sinh nhật chủ yếu vào mùa xuân, vì mùa hè là mùa của yêu đương. Trải qua những ngày đông âm u, đen tối, bạn có cảm giác như một người đang mò mẫm đi trong những đường hầm tối và lạnh mong đợi thấy được ánh sáng cuối con hầm. Bạn bước vào đường hầm với một sự sẵn sàng, càng đi sâu vào trong, những chịu đựng của bạn giảm xuống, đôi khi hoang mang, đôi khi chán nản mặc dù bạn biết là đường hầm đó sẽ dẫn dắt bạn đến một lối ra, nhưng bạn không khỏi ước thầm rằng phải chi ta thấy được một chút ấm áp và ánh sáng lúc này và ta bước xuống đi tiếp cũng được. Cứ như thế bạn tiếp bước như một qui trình đã được lập sẵn; bạn không vui, cũng không buồn, bạn cố tìm điều gì đó để làm giúp nó quên đi bóng đêm và cái lạnh. Và cho đến khi bạn dần chấp nhận bóng đêm và cái lạnh như một sự hiển nhiên thì ánh sáng, những cơn gió man mác và hơi ấm bắt đầu miên man da thịt bạn. Mùa xuân đã đến.

Nguyễn Huy Vũ

Oslo, 9.3.2014