27.3.16

Kinh tế Việt Nam: Vài con số

Sản xuất và tiêu dùng

Có vài cách để đánh giá thực trạng của một nền kinh tế. Một cách định tính dễ nhất là cuối năm đến chợ hỏi vài câu về tình hình buôn bán với những bà bán hàng. Những nhận xét của bà là những nhận xét trung thực về hiện trạng kinh tế. Đó là lý do mà ở các nước phát triển họ thường có những khảo sát hàng tháng, hàng quý, dùng những câu hỏi về tình hình kinh doanh, chi tiêu để biết nền kinh tế nước mình phát triển ra sao mà nhanh chóng thay đổi chính sách.

Ở Việt Nam, các dữ liệu kinh tế hiếm hoi và thường được chỉnh sửa vì các mục đích chính trị, mà một trong các con số bị chỉnh sửa lộ liễu nhất là tỉ lệ tăng trưởng GDP, tỉ lệ lạm phát và thất nghiệp.

Trước hết hãy nói về lạm phát. Theo số liệu trong hình 1, được cung cấp bởi Sở Thống kê Việt Nam chúng ta thấy có hai điều. Trước năm 2014, lạm phát dao động từ 5% đến 25%, hay trung bình khoảng hơn 10%. Nhưng nếu bạn đã từng ở Sài Gòn trong 10 năm qua sẽ thấy rằng giá trung bình một dĩa cơm 10 năm trước và giá một dĩa cơm bây giờ đã tăng từ 3 ngàn đồng lên khoảng 30 ngàn đồng, mức tăng giá là 1000%, hay tính ra mức tăng giá trung bình là 26%. Số liệu lạm phát do đó được công bố thấp hơn nhiều so với thực tế.

Để ý một hiện tượng quan trọng đó là mức tăng giá đã thay đổi tiệm tiến về con số 0. Nó phản ánh một điều rằng sức mua của nền kinh tế đã giảm liên tục từ năm 2012 cho đến nay hay thu nhập của người dân không còn nữa để tiêu xài. Đó là một dấu hiệu của khủng hoảng kinh tế.

Một con số thứ hai là tỉ lệ thất nghiệp. Trong khi tất cả các phương tiện truyền thông đều lo ngại về tình hình thất nghiệp, sinh viên ra trường không có việc làm, thì tỉ lệ thất nghiệp chỉ nằm mãi ở con số hơn 2% (Xem hình 2). Do đó dữ liệu thất nghiệp không cho chúng ta thấy điều gì cả, ngoại trừ rằng các dữ liệu của Việt Nam được thổi phồng về thành tích kinh tế.

Ngụy tạo dữ liệu là con dao hai lưỡi cho những nhà cầm quyền. Những số liệu ngụy tạo giúp nhà cầm quyền đem những con số ảo đi tuyên truyền nhằm biện luận cho tính chính danh để hợp pháp hóa vai trò cầm quyền của mình. Nhưng một tai hại lớn hơn nhiều là nó khiến cho cả nhà cầm quyền không biết thực ra nền kinh tế nước mình đang ở đâu. Như một người huênh hoang, tự tin nhìn lên trời từ từ đi tới bờ vực. Đó là lý do mà nền kinh tế ở các nước độc tài sụp đổ một cách nhanh chóng trong khi các lãnh tụ vẫn tỏ ra cao ngạo.

Thiếu những dữ liệu chính thống để làm những nghiên cứu và so sánh đầy đủ, nhưng giới kinh tế gia vẫn tìm được những cách gián tiếp để đưa ra những đánh giá sát thực về nền kinh tế. Để đối phó với tình trạng ngụy tạo chỉ số GDP do các địa phương và chính quyền trung ương sửa chữa nhằm làm đẹp hồ sơ, một cách gián tiếp theo dõi tình trạng phát triển của đất nước là quan sát lượng điện tiêu thụ và so sánh giữa các thời kì (xem hình 3, 4).

Không có một cách nào thống nhất trong kinh tế học để định nghĩa một nền kinh tế ở trong trạng thái khủng hoảng. Ở Mỹ, khủng hoảng hay không được xác định dựa vào các tiêu chuẩn của NBER – một think-tank của các nhà kinh tế hàn lâm – dựa vào các tiêu chuẩn từ GDP thực, thu nhập thực, mức tuyển dụng, sản xuất công nghiệp và lượng hàng tiêu dùng. Ngược lại, giới truyền thông thường dùng tiêu chuẩn rằng một nền kinh tế được gọi là đang ở trong trạng thái khủng hoảng khi hai quý liên tục tăng trưởng âm. Nhưng tiêu chuẩn này lại không chuẩn. Đáng chú ý là trong cuộc khủng hoảng bong bóng công nghệ Mỹ năm 2000-2001, có ba quý tăng trưởng âm, nhưng cả ba đều không liên tục, hoặc cả ở Úc trong cuộc khủng hoảng năm 1974, GDP thực không giảm liên tục giữa các quý. Một điều thú vị khác là ở trong những khoảng thời gian khác GDP thực của Úc giảm liên tục giữa các quý nhưng không được xem là khủng hoảng, chẳng hạn như trong các khoảng thời gian 9/1965-3/1966, 12/1971-3/1972 và 9-12/1977.

Đối với giới kinh tế gia nói chung, định nghĩa nền kinh tế có đang khủng hoảng hay không tùy thuộc vào so sánh giữa mức tăng trưởng thực so với mức tăng trưởng tiềm năng. Nếu mức tăng trưởng thực dưới mức tăng trưởng tiềm năng thì nền kinh tế đang khủng hoảng. Nhưng đo được mức tăng trưởng tiềm năng không dễ, vì nó tùy thuộc vào cả thay đổi dân số và năng suất lao động. Chẳng hạn như tỉ lệ tham gia thị trường lao động tăng ở một số nước như Úc, nhưng lại suy giảm ở Nhật.

Một tiêu chuẩn khác dùng trong thực tiễn là xác định khủng hoảng diễn ra khi mức thất nghiệp tăng cao hơn một ngưỡng xác định, khoảng 1.5 đến 2%, trong vòng 12 tháng.

Trong trường hợp Việt Nam chúng ta cũng không có số liệu chắc chắn cho mức thất nghiệp, ngoại trừ chỉ số giả tạo ở trên. Ở một nước phát triển như Việt Nam, có một cách khác là so mức tăng lượng điện tiêu thụ để đánh giá tình hình phát triển kinh tế. Một cách đơn giản khi kinh tế tăng trưởng nhà máy hoạt động nhiều hơn dẫn đến tiêu thụ điện cho sản xuất tăng; kinh tế tăng trưởng cung cấp thêm thu nhập cho dân chúng để mua sắm đồ điện gia dụng và dùng nhiều hơn. Mức tiêu thụ điện do đó là một biến số gián tiếp cho thấy sức khỏe nền kinh tế.

Quan sát lượng điện tiêu thụ cả trong sinh hoạt và sản xuất cho thấy xu hướng lượng điện tiêu thụ cả trong sản xuất và sinh hoạt giảm từ năm 2012 và đứng lại từ năm 2013, 2014. Đáng chú ý là lượng điện tiêu dùng đã đứng lại từ 2012. Sau cuộc khủng hoảng 2008-2009, mức tiêu thụ điện tăng vọt nhanh chóng chứng tỏ rằng nền kinh tế đã bật dậy nhưng đà tăng trưởng sau đó trở nên mất lực.

Để so sánh, hãy xem mức tăng trưởng điện năng của Trung Quốc để thấy rằng mức tăng trưởng điện năng của họ liên tục. Lưu ý là trong thời gian khủng hoảng 2008-2009, mức tiêu thụ điện năng cho sản xuất không tăng, nhưng mức tiêu thụ điện cho sinh hoạt vẫn tiếp tục tăng.

Và nếu như theo tiêu chuẩn của những năm 2008-2009 rằng đất nước đang ở trong trạng thái khủng hoảng kinh tế và chỉ số lượng điện tiêu thụ không tăng là một tham số, thì rõ ràng kinh tế Việt Nam đã khủng hoảng kể từ năm 2012. Đây chính là một trong những lí do thu ngân sách giảm mạch.

Thu nhập từ dầu mỏ

Trước hết hãy xem xét những tác động của sự sụt giảm giá dầu lên thu nhập của nhà nước. Giá dầu trong khoảng những năm từ 2012 đến 2014 dao động trong khoảng 80-100 đô/thùng. Trong năm 2015 giá dầu giảm mạnh hiện nay xuống mức còn khoảng 35 đô/thùng. Có nghĩa là giá đã giảm đi hơn một nửa (xem hình 7).

Hình 8 cho chúng ta biết lượng dầu sản xuất ra mỗi ngày của Việt Nam theo đơn vị ngàn. Biểu đồ cho thấy rằng dù lượng dầu sản xuất giảm kể từ đầu năm 2015, mức sản xuất hiện nay vẫn hơn 320 ngàn thùng/ngày. Trung bình lượng dầu sản xuất một năm khoảng: 340*1000*365 = 120.45 triệu thùng. Nếu theo thời giá trung bình những năm 2014 là 100 đô/thùng thì Việt Nam sẽ thu về hơn 12 tỉ đô la. Nay với giá dầu giảm đi hơn một nửa tất thu nhập bị mất đi khoảng hơn 6 tỉ đô la Mỹ chỉ còn dưới 6 tỉ đô la Mỹ.

Nhưng đó mới chỉ là giá bán và nếu xuất khẩu thì mang lại ngoại tệ cho Việt Nam, chứ chưa tính lợi nhuận của doanh nghiệp. Trường hợp xấu hơn là với giá dầu dưới 40 đô la Mỹ/thùng thì có thể hoạt động sản xuất dầu ở Việt Nam không lời mà nhà nước còn phải móc ngân sách ra bù lỗ. Không có số liệu về chi phí sản xuất dầu thô của Việt Nam, nhưng chúng ta có thể xem xét chi phí sản xuất dầu thô của vài nước như là một tham khảo. Vì hoạt động sản xuất dầu thô của Việt Nam diễn ra ở ngoài khơi nên chúng ta thử so chi phí sản xuất dầu thô ở ngoài khơi của các nước. Chi phí thấp nhất là ở Nigeria với 30 đô la/thùng, và cao nhất là ở Brazil 80 đô la/thùng, ở Mỹ giá 57 đô la/thùng. Nếu chi phí sản xuất dầu thô của Việt Nam là trung bình theo rổ giá trên thì sản xuất dầu thô của Việt Nam không còn có lời nữa, may ra là hòa vốn.

Liệu giá dầu có tăng trở lại? Nhiều dự đoán cho là không, vì với sự cạnh tranh thị trường của dầu đá phiến của các công ty Bắc Mỹ, các nước Trung Đông không muốn mất thị trường và tiếp tục giữ sản lượng sản xuất, khiến giá tiếp tục giảm. Hình 9 cũng cho thấy rằng giá sản xuất thêm mỗi thùng dầu ở vài nước Trung Đông còn chưa tới 10 đô la.

Thu nhập và chi tiêu quốc gia

Tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu về tài khoản vãng lai quốc gia để xem thu nhập của đất nước. Biểu đồ tài khoản vãng lai ở hình 10. Tài khoản vãng lai được định nghĩa là tổng thu gồm xuất khẩu, kiều hối và những khoản khác nhau gửi về Việt Nam trừ đi tổng giá trị hàng chúng ta nhập mua về hoặc trả nợ. Ngắn gọn là tiền còn lại sau khi chi tiêu.

Tài khoản vãng lai cho thấy từ năm 2008 tới 2012 thu nhập hàng quý là âm. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn năm 2013 và 2014 là tài khoản vãng lai tăng lên được gần 10 tỉ đô la chủ yếu do giá dầu tăng và lượng dầu sản xuất tăng (so sánh thêm ở lượng dầu sản xuất và giá cả ở hình 7 và 8 ở trên).

Hiện nay tài khoản vãng lai dao động trong khoảng cân bằng nghĩa là thu vừa đủ chi.

Khi giá dầu thấp và xuất khẩu dầu thô không còn là một nguồn thu đáng kể nữa, trong khi đó kinh tế tiếp tục ở trạng thái suy thoái thì tài khoản vãng lai tiếp tục dao động ở con số không.

Khi tài khoản vãng lai không dư thì đất nước không tiết kiệm thêm được đồng nào vào dự trữ quốc gia.

Dự trữ quốc gia và nợ

Biểu đồ dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở hình 11. So sánh hai hình 10 và 11 chúng ta thấy rằng trong khoảng năm 2012 đến 2014 thu nhập tài khoản vãng lai của Việt Nam có tổng là 20 tỉ đô la nhờ dầu mỏ, tương ứng với khoản tăng của dự trữ ngoại hối từ 15 đến 35 tỉ đô la. Sắp tới đây khi tài khoản vãng lai chỉ cân bằng đồng nghĩa với dự trữ ngoại tệ sẽ không tăng.

Vấn đề còn lại là trả nợ.

Hiện nay theo đồng hồ nợ công cập nhật ở The Economist (1), tổng nợ của Việt Nam là 94 tỉ đô, gần gấp ba lần dự trữ ngoại tệ.

Chúng ta không có con số chính xác về lượng nợ phải trả sắp tới cũng như lãi suất của các khoản nợ để tính chính xác. Sẽ có một khác biệt lớn về lãi suất giữa vốn vay ưu đãi và vốn vay mà nhà nước đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp.

Nhưng ta hãy tính thử trường hợp tệ nhất là khi toàn bộ vốn vay đều có lãi suất như vốn vay mà nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp. Lấy ví dụ vốn vay với lãi suất 7.15% của chính phủ Việt Nam bảo lãnh cho Vinashin từ các chủ nợ đại diện bởi Credit Suisse năm 2007. Với lãi suất 7.15% đồng nghĩa với một năm phải trả 6.7 tỉ đô. Trừ khi Việt Nam vay để đảo nợ, số tiền dự trữ ngoại hối 35 tỉ đô chỉ tương đương với 5 năm trả lãi, chứ chưa nói đến trả nợ gốc.

Nhưng không cần phải đến 5 năm, vì chỉ cần khi dự trữ ngoại hối Việt Nam xuống khoảng 15 tỉ đô la là hệ thống ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với khủng hoảng cán cân thanh khoản, điều mà Việt Nam từng đối diện trong khoảng những năm 2007 (?), khi nền kinh tế chỉ bằng khoảng một nửa hiện nay.

Nếu Việt Nam chọn đi vay ở thị trường nước ngoài để đảo nợ thì lãi suất đi vay sẽ không rẻ hơn nhiều mức lãi suất 7.15% mà Việt Nam vay giúp Vinashin. Để so sánh hãy xem mức lợi nhuận phần trăm (yield) khi mua trái phiếu chính phủ Indonesia (Hình 12). Trái phiếu chính phủ Indonesia tùy thời gian đáo hạn, ít nhất cho thu nhập từ 7%/năm.

Kết luận

Kinh tế Việt Nam đã khủng hoảng từ 2012 đến nay. Để đối phó với nợ, chính phủ Việt Nam chọn cách thoái vốn ở các công ty được khoảng 3 tỉ đô la (3) và vay tiền từ ngân hàng nhà nước (4) mà thực chất là chỉ lấy ngoại tệ để trả nợ vay. Thậm chí sợ không đủ chính phủ dự định vay thêm 3 tỉ đô ở nước ngoài (5). Nhưng như ở trên cho thấy nếu đi vay nợ ở thị trường ngoài với lãi suất 7%/năm và với lượng nợ hiện có là 94 tỉ đồng thì chỉ cần chưa tới 5 năm, Việt Nam sẽ phải đối diện với khủng hoảng.


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis 12.12.2015





Hình 1. Tỉ lệ lạm phát ở Việt Nam. Nguồn: tradingeconomics







Hình 2. Tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam. Nguồn: tradingeconomics






Hình 3. Lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt ở Việt Nam. Nguồn: indexmundi








Hình 4. Lượng điện tiêu thụ cho sản xuất ở Việt Nam. Nguồn: indexmundi








Hình 5. Lượng điện tiêu thụ cho sinh hoạt ở Trung Quốc. Nguồn: indexmundi.









Hình 6. Lượng điện tiêu thụ cho sản xuất ở Trung Quốc. Nguồn: indexmundi.






Hình 7. Giá dầu thô thế giới (đô la Mỹ /thùng). Nguồn: tradingeconomics.







Hình 8. Lượng dầu thô xuất khẩu của Việt Nam. Nguồn: tradingeconomics.





Hình 9. Chi phí sản xuất thêm mỗi thùng dầu ở các nước. Nguồn Knoema.com. 
 





Hình 10. Chi tiêu quốc gia, theo quí.





Hình 11. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam,





Hình 12. Lợi nhuận % (yield%) của trái phiếu chính phủ Indonesia. Nguồn (2).



Tham khảo:

(1) Đồng hồ nợ công của Việt Nam. http://www.economist.com/content/global_debt_clock

(2) Trái phiếu chính phủ Indonesia. https://asianbondsonline.adb.org/indonesia.php

(3) Thoái vốn tại 10 công ty lớn, nhà nước thu về 3 tỉ USD. Một Thế Giới. http://motthegioi.vn/kinh-te/tin-trong-nuoc-va-quoc-te/thoai-von-tai-10-cong-ty-lon-nha-nuoc-thu-ve-3-ty-usd-243300.html

(4) Vay tiền ngân hàng ‘cứu trợ’ ngân sách? Vietnamnet. http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/254973/vay-tien-ngan-hang-cuu-tro-ngan-sach.html

(5) Phát hành 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ. Đất Việt. http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/phat-hanh-3-ty-usd-trai-phieu-quoc-te-de-dao-no-3288769/