27.3.16

Những mẩu chuyện của chiến tranh

Nếu ai đã đọc hai cuốn sách «Bên Thắng Cuộc» của Huy Đức chắc chẳng lạ gì lắm với những mẩu chuyện nhỏ dưới đây. Khác chăng là nó xảy ra đối với những người xung quanh tôi, những người ở miền Nam, và sau trở thành «Bên Thua Cuộc», hơn 40 năm về trước. Kể lại để nhớ rằng chúng ta đã có một thời như thế, và để hiểu do đâu đất nước hình thành như hôm nay, cho tôi và cho những đứa em.
Dân miền Nam chạy trốn lực lượng cộng sản. Nguồn: Internet.

Nhà tôi là một gia đình có truyền thống tham gia cách mạng, ngay từ những buổi đầu của đất nước. Ông ngoại tôi là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa thời kháng chiến chống Pháp. Ông tham gia Việt Minh, làm trưởng ban kinh tài của huyện, chuyên lo vận chuyển, cung cấp tiền bạc, nuôi cán bộ kháng chiến. Tham gia Việt Minh đối với ông đơn giản vì yêu nước, muốn chống Pháp, và dành độc lập, và đó là khẩu hiệu của Việt Minh lúc ban đầu.

Sau năm 1954, thay vì tập kết ra Bắc, ông chọn ở lại, bỏ kháng chiến, về nhà mở xưởng xe lam làm ăn. Ông chống Pháp, chứ không chống Mỹ. Đối với những người ở quê tôi, người Pháp qua đô hộ, bóc lột, còn người Mỹ qua giúp đỡ, xây dựng đường sá, cầu cống. Chiến tranh là những cái gì rất xa lạ, xảy ra ở đâu chứ chẳng phải ở gần. Chỉ cho đến gần những ngày cuối tháng 4, khi nhìn thấy những đoàn xe chở bộ đội từ Tây Nguyên xuống thì người dân mới biết chiến tranh kết thúc.

Tôi chưa từng hỏi ông tôi tại sao không tập kết ra Bắc. Nhưng theo cách sống, tôi đoán ông tham gia khởi nghĩa vì yêu nước, chứ chẳng phải là muốn trở thành một người cộng sản. Bằng chứng là sau đó ông về mở xưởng xe lam, lúc cao điểm với dàn xe mười mấy chiếc, tương đương với một hãng xe khách lớn lúc bây giờ. Ông có tư tưởng của một nhà tư sản.

Những ngày quản lý hãng xe, khi cần mua xe mới, ông đáp máy bay từ Nha Trang vào Sài Gòn. Mua xe mới, tự lái chạy về nhà. Ông kể, khi xe chạy ra khỏi Sài Gòn, ngang qua những khu rừng cao su, bộ đội cộng sản hay chạy ra xin tiền «mãi lộ». Từng hoạt động trong tổ chức Việt Minh, ông biết cách đối phó. Ông tắt xe, giả vờ như xe chết máy, không chạy được nữa, các bộ đội phải phụ giúp đẩy chiếc xe chạy đi, vì sợ nếu xe đứng đó thì máy bay của quân đội Sài Gòn sẽ bay tới bỏ bom.

***

Ông nội tôi cũng là một cán bộ Việt Minh tiền khởi nghĩa chống Pháp. Ông là một võ sư và nhân viên hỏa xa ở Phan Rang, Ninh Thuận. Ông cầm đầu tiểu đội Việt Minh kháng Pháp. Cả tiểu độ bị Pháp bắt, tử hình. Từng người một, trước lúc tử hình, tử tù được hỏi một câu ân huệ bằng tiếng Pháp. Cả tiểu đội gần 10 người bị bắn hết. Tới phiên ông, may nhờ ông biết tiếng Pháp, vì lúc nhỏ học hết tiểu học trường Pháp, nên ông được thả ra, với điều kiện phải làm thông dịch cho quân Pháp.

***

Sau ngày «giải phóng», trường đại học Luật đóng cửa, mẹ tôi, một sinh viên Luật khoa buộc phải nghỉ học. Các giáo viên dạy Văn bị chế độ mới sa thải. Mẹ tôi học khóa đào tạo cấp tốc 3 tháng và trở thành cô giáo dạy Văn.

***

Đối diện nhà tôi chừng 50 mét là nhà hàng xóm tôi, một gia đình người Hoa rất giàu có, sống bằng nghề làm thuốc. Ông chủ nhà có chừng đâu 7-8 bà vợ, các bà sống rất hòa thuận với nhau. Nhà ông là nhà nuôi cán bộ cách mạng. Không ai biết là nhà ông nuôi cán bộ, cho mãi tới những ngày sau tháng 4 năm 1975. Khi những người cộng sản quay lại nhà ông, theo chính sách «đánh đổ tư sản», họ tịch thu tất cả tài sản có giá trị của nhà ông. Vàng dành dụm của ông giấu trong lan can cầu thang, họ đập ra, tịch thu, và ghi biên nhận là «kim loại màu vàng», để sau này có thể đánh tráo thành đồng, cũng là một loại «kim loại màu vàng»?. Thuốc Bắc của ông họ tịch thu chất đống. Ông trở thành vô sản, tức quá, vài tháng sau ông đổ bệnh, rồi chết.

***

Phía trên nhà tôi độ chừng hơn 10 căn nhà, có một ông giáo, làm nghề giáo mà nuôi cả gia đình gần 10 người. Mỗi tháng đi làm ông để dành tiền, mua vàng. Vàng của ông giấu dưới chậu hoa. Những người cộng sản vào xét nhà, đập chậu hoa và lấy sạch.

***

Nếu bạn vào Nha Trang, để ý sẽ thấy chủ nhân những ngôi nhà to, mặt tiền, thường là người Bắc. Để ý cũng sẽ thấy rằng tại sao Nha Trang có nhiều người Bắc quá vậy, và tại sao giọng nói của người trẻ Nha Trang lai lai giọng người Bắc. Nó có lý do lịch sử. Khi những người cộng sản vào miền Nam, lấy cớ «đánh đổ tư sản», họ bắt những gia đình ở Nha Trang đi kinh tế mới. Những người không đi thuộc diện gia đình có công cách mạng. Họ đưa ra một lệnh trong vòng vài tuần thu xếp trước khi cho xe chở những gia đình này lên vùng kinh tế mới. Làm sao thu xếp nhà cửa di chuyển trong vòng vài tuần? Người dân phải bán đổ bán tháo nhà cho cán bộ cộng sản với giá rẻ mạt, hoặc bị tịch thu nhà. Những ngôi nhà ở thành phố Nha Trang sau ngày 30 tháng 4 có những người chủ mới.

Về phía Bắc Nha Trang, thuộc huyện Ninh Hòa, có một xã tên gọi là Ninh Trang. Xã này có tên vậy vì những cư dân ở đây có gốc từ Nha Trang, họ là những gia đình từ Nha Trang bị buộc phải từ bỏ nhà cửa để đi kinh tế mới. Ninh Trang là một xã vùng sâu vùng xa, dưới chân núi. Họ đặt tên để nhớ quê mình.

***

Hồi sinh viên ở Thủ Đức, Sài Gòn, tôi ở chung với một anh bạn người Bình Định. Anh kể chuyện đi học tập cải tạo của chú anh. Là một người miền Nam, tôi đã nghe rất nhiều lần chuyện đi học tập cải tạo của những người xung quanh. Chức càng cao và chế độ mới cảm thấy càng nguy hiểm thì càng đi lâu. Người miền Nam coi bộ dễ tin. Cán bộ miền Bắc vào bảo học tập vài ngày, lâu lắm là vài tuần. Sỹ quan miền Nam tin, nên mang theo đồ dùng nhiêu đó ngày. Ngờ đâu cải tạo mút chỉ mù khơi, hết năm này qua tháng nọ. Gọi là cải tạo nhưng thực chất là tù không án. Đó là một cách tiêu diệt tiềm lực con người của «bên thua cuộc».

Anh kể, mỗi ngày mỗi người tù được phát lưng chén cơm. Gọi là cơm cho oai nhưng thực chất chỉ là khoai mì mốc hoặc bo bo. Họ bị bắt phải lên núi phát hoang, làm rẫy, đẽo đá, chặt cây, đủ các việc, và phải tuân lệnh răm rắp nếu không thì bị bắn bỏ. Nhiều người cải tạo đã chết sau vài năm đơn giản vì kiệt sức và bệnh tật. Những người ra tù thì vài năm sau cũng suy nhược đổ bệnh mà chết. Chú của anh ta được CIA đào tạo cách tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt, nên lúc đi làm rẫy, ông đào hố dưới gốc cây, thả nuôi chuột bắt được. Hàng ngày ông ăn nữa chén cơm, nữa chén còn lại nuôi chuột. Trong suốt thời gian đi tù, ông ăn mỗi ngày nữa chén cơm và thịt chuột. Nhờ vậy mà ông sống sót sau tù, không phải bị bệnh nhiều và chung số phận như các đồng đội.

***

Sau ngày «giải phóng», hệ thống giao thông Bắc Nam dường như trở thành đường một chiều. Người dân miền Nam không được đi ra Bắc. Đường xá chỉ có các đoàn xe ngùn ngụt chở hàng hóa từ miền Nam ra Bắc.

«Giải phóng» xong, Tây Nguyên là một vùng hoang vắng vì dân sợ quân cộng sản bỏ nhà cửa chạy kể từ khi tướng Phạm Văn Phú rút quân khỏi Tây Nguyên. Từng đoàn xe chở người dân từ miền Bắc và Bắc Trung Bộ đi xây dựng quê hương mới ở Tây Nguyên. Tây Nguyên có những người chủ mới.

«Giải phóng» xong trị giá của một chiếc Honda bằng một chiếc xe đạp. Người dân miền Nam có xe Honda, chạy xăng. «Giải phóng» xong, chỉ có cán bộ được cấp xăng. Honda trở nên vô dụng, cán bộ gạ đổi Honda lấy xe đạp, dân đổi liền.

«Giải phóng» xong mỗi lần làm đơn đi học người dân miền Nam nơm nớp phải khai lý lịch bố mẹ, ông bà, sao cho «có công cách mạng» hoặc ít nhất cũng thuộc thành phần trung lập.

***

Những mẫu chuyện nhỏ trên không phải để thù hằn hay phân biệt Bắc Nam. Nó được kể lên vì nó đã xảy ra như thế. Để biết và nhớ đất nước mình đã có một thời lịch sử chiến tranh, và tại sao quê hương ngày nay như vậy. 


Nguyễn Huy Vũ

Oslo, 29.4.2015