27.3.16

Ngày Hiến pháp của Nauy

Trên bảng xếp hạng thu nhập cao nhất của tầng lớp trung lưu các nước trên thế giới, Nauy đứng thứ 3, sau Mỹ và Canada. Khác với những nước giàu khác, nơi mà mức bất bình đẳng rất cao, lợi tức không được chia đồng đều, hay nói nôm na, trung bình là một con gà nhưng có vài người được nguyên cái mình, còn những người còn lại chỉ được phần đầu cánh, Nauy nằm trong nhóm các nước có mức bất bình đẳng thấp nhất. 

Nói một cách khác, ai cũng có phần tươm tất ở xứ Nauy, và thu nhập giữa họ không có nhiều khác biệt. 

Nauy. Nguồn: Internet.

Nhiều bạn bảo Nauy giàu nhờ dầu mỏ. Đúng, nhưng chưa đủ. Dầu mỏ cung cấp 50% thu nhập cho đất nước bé nhỏ 5 triệu dân này. Nhưng dầu mỏ một mình không đủ đảm bảo một nước thịnh vượng và người dân hạnh phúc. Có rất nhiều nước giàu có về tài nguyên như các nước châu Phi và Trung Đông. Nhưng các nước này không phải là những nước thịnh vượng và người dân cũng không hạnh phúc bằng Nauy.

Nauy và Bắc Âu sung túc và thịnh vượng vì những người lãnh đạo của họ ra những quyết định vì người dân. Có được điều đó bởi vì họ là các nước dân chủ thực sự, và có truyền thống dân chủ từ rất lâu.

Và ngày hôm nay, 17/5/2014 đánh dấu 200 năm truyền thống dân chủ của Nauy. Ngày này đúng 200 năm trước, Hiến Pháp Dân Chủ của Nauy ra đời. Ngày 17/5 kể từ đó trở thành ngày lễ lớn của Nauy với tên gọi "ngày Hiến Pháp" (Constitution Day).

Trong hiến pháp dân chủ này, quyền lực của vua bị giới hạn. Các trí thức cách mạng của Nauy lấy ảnh hưởng tinh thần dân chủ của cách mạng Mỹ và Pháp, tuy vậy, họ không theo tư tưởng cộng hòa theo nghĩa dẹp bỏ luôn hoàng gia, mà vẫn giữ lại biểu tượng hoàng gia, một phần cũng vì để giữ liên kết chính trị với Đan Mạch. 

Nauy chính thức ra khỏi chế độ phong kiến cách đây 200 năm, và trí thức của họ đã ý thức bước ra khỏi tư tưởng phong kiến từ rất lâu trước đó rằng vị trí của nhà vua là do ước vọng của nhân dân, chứ không phải là do bất kỳ thế lực nào khác định đoạt. Nhân dân quyết định sự tại vị của nhà vua. Đó là một quyết định lịch sử đánh dấu sự chấm hết của chế độ phong kiến nơi ông vua có quyền lực vô song và đứng trên luật pháp. 

Trong tiến trình lịch sử của Nauy, giới trí thức đứng đầu và dẫn dắt xã hội. Giữa những lúc quốc gia nguy cấp, trí thức đứng ra chọn nhà vua và định hướng tương lai cho đất nước mình.

Khi có ý định lập liên minh với Đan Mạch, quốc hội Nauy, đứng đầu bởi các trí thức, chọn người của Hoàng gia Đan Mach làm vua của mình. Sau khi lập liên minh với Thụy Điển thì họ chọn người của Hoàng gia Thụy Điển làm vua của mình. Sau đó, họ lại chọn vua cho xứ mình từ hoàng gia Đan Mạch. Vua của Nauy từ rất lâu chỉ đóng vai trò biểu tượng và công cụ chính trị. Chẳng hạn như khi chọn Hoàng tử Carl của Đan Mạch làm vua Haakon VII của mình, trí thức Nauy tính rằng vì Hoàng tử Carl có vợ là con gái của vua Anh. Khi Hoàng tử Carl về làm vua của xứ Nauy thì xứ Nauy hi vọng có được sự che chở của nước Anh.

Họ thực tế và vì quyền lợi nhân dân vậy đó.

Và nhờ có những thế hệ trí thức dân chủ như vậy, họ luôn tiến về phía trước. Khi có vua và khi không có vua không quan trọng. Họ đã có lực lượng trí thức tiến bộ dẫn dắt. Đó là những con người sẵn sàng thay ông vua này để chọn ông vua khác, chỉ để nước mình thịnh vượng, dân mình no ấm và hạnh phúc hơn.


Nguyễn Huy Vũ

Oslo, 17. 5. 2014