27.3.16

Bầu cử Mỹ, chính trị Mỹ

Theo dõi cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ năm 2016 có nhiều điều thú vị. Cùng một lúc trong kì tranh cử, có sự xuất hiện của cả các ứng viên cực tả và cực hữu bên cạnh các ứng cử viên trung dung. Tất cả họ đều nhận được một sự ủng hộ đáng kể của các cử tri. Khó có thể hiểu được điều này nếu không thấy được bối cảnh rằng nước Mỹ đang đi xuống, nhất là trong tâm lý và cảm nhận của tầng lớp trung lưu Mỹ. Với nhiều người, giấc mơ Mỹ giờ đây đang dần mờ nhạt. Đó cũng là lý do mà khẩu hiệu của ứng cử viên cực hữu Donald Trump, “Make America Great Again” (Phục hồi sự vĩ đại của nước Mỹ), nhận được nhiều sự ủng hộ của cử tri như vậy.


BỐI CẢNH NƯỚC MỸ


Trong gần hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, nước Mỹ dần bước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009. Mức thất nghiệp giờ đây gần đạt mức trước khi xảy ra cơn khủng hoảng, chỉ còn 5% -- một con số lý tưởng. Tuy vậy, nó không hẳn là con số làm hài lòng những cử tri thuộc tầng lớp trung lưu của Mỹ. 

Có hai hiện tượng rõ nét hiện diện trong nền kinh tế Mỹ, đó là sự đi xuống của tầng lớp trung lưu Mỹ và mức thu nhập không còn tăng lên. 

Theo tổ chức nghiên cứu Pew, một gia đình ba người được xếp vào hạng trung lưu nếu họ thu nhập trong khoảng từ $41.869 đến $125.608/ năm. Sự đi xuống của tầng lớp trung lưu Mỹ thể hiện ở chỗ nếu như cuối những năm 1960s tầng lớp trung lưu Mỹ chiếm khoảng 60% lượng người trưởng thành thì giờ đây con số đó chỉ còn trên dưới 50%. 

Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó nguyên nhân chủ yếu là sự xuất hiện của những tiến bộ về công nghệ gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay còn được gọi là cuộc cách mạng kỹ thuật số. 

Cuộc cách mạng này có đặc tính là một sự kết hợp giữa các công nghệ vốn làm mờ đi ranh giới giữa các lĩnh vực từ vật lý, kỹ thuật số, sinh học, và các ngành công nghệ khác. Sự xuất hiện những công nghệ mới giúp nhanh chóng hình thành những công ty đầy tính sáng tạo. Đến lượt nó, những công ty này cung cấp các khoản thu nhập hậu hĩnh để lôi kéo các những nhân viên giỏi nhất đầu quân cho họ và để lại những nhân viên trung bình cho những công ty với công nghệ cũ kỹ. Sự xuất hiện những công ty mới cùng những công nghệ mới do đó khiến cho một bộ phận nhỏ tầng lớp trung lưu chuyển lên thành những người có thu nhập cao hơn hẳn phần còn lại và trở thành những người giàu nhất. Phần còn lại của tầng lớp trung lưu, những người làm trong những công ty với công nghệ cũ, có mức lương tăng rất chậm hoặc giảm đi. Kết quả dẫn đến một sự phân cực ngày càng lớn hơn giữa hai tầng lớp giàu và nghèo ở ngay chính nước Mỹ.

Hiện nay, nhóm 1% giàu nhất nước Mỹ nắm giữ hơn 34% tổng tài sản, và nhóm 10% những người giàu nhất nắm gần 70% tài sản nước Mỹ. Ngược lại, nhóm 40% những người nghèo nhất hoàn toàn tay trắng. Điều đó có nghĩa rằng trung bình cứ 10 người bạn gặp ngoài đường thì có 4 người hầu như chẳng có tài sản gì là bao so với tổng tài sản của 6 người còn lại. [1]

Sự phân cực giàu nghèo vô cùng lớn không phải là một điều gì mới mẻ trong lịch sử nhân loại mà nó đã xảy ra và tiếp diễn qua hàng thế kỷ. Cũng không chỉ ở nước Mỹ, mà nó có mặt đủ ở các nước từ Á sang Âu. Có chăng là ở một số nước như Bắc Âu chẳng hạn, sự phân cực ít hơn. Tuy vậy, như ở Thụy Điển và Nauy, nhóm 1% giàu nhất cũng vẫn giữ khoảng 19% tổng số tài sản.[2]


Điều đáng quan tâm là cùng với cuộc Cách mạng Công nghệ và sự ra đời của các công ty mới thành công, sự phân cực giàu nghèo của Mỹ ngày càng rộng ra hơn.


Với hiện tượng mức lương không tăng lên của tầng lớp lao động có hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu đó là dưới tác động của toàn cầu hóa, một số công ty Mỹ chuyển các cơ sở sản xuất sang các nước đang phát triển. Những công ty còn trụ lại bắt buộc phải cắt giảm, hạn chế tăng lương để sản phẩm làm ra có giá thành cạnh tranh được với hàng nhập khẩu. Nguyên nhân thứ hai mang tính toàn cầu hơn, đó là năng suất lao động trung bình của các nền kinh tế trên thế giới giờ đây đã dừng lại. Khi năng suất lao động không tăng lên thì kéo theo nó là mức thu nhập trung bình cũng ngừng lại. Do đó, không chỉ ở Mỹ mà ở cả các nền kinh tế khác, mức thu nhập trung bình không còn tăng nữa. Mức tăng trưởng năng suất lao động toàn cầu, vốn được đo bằng mức tăng GDP trên mỗi người lao động, đã kẹt lại ở con số 2.1% vào năm 2014 và không cho thấy một dấu hiệu nào nó sẽ tăng lên mức 2.6% trong khoảng thời gian trung bình trước khủng hoảng 1999-2006. [3]

HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ MỸ

Một câu hỏi quan trọng là liệu rằng có một lời giải nào cho vấn đề trên của nước Mỹ và liệu một tổng thống tương lai có thể làm một điều gì đó nhằm cải thiện những điều trên? Muốn hiểu được điều đó trước hết phải hiểu được sự vận hành của hệ thống chính trị Mỹ.

Trước hết, hệ thống chính trị Mỹ mang nhiều nét của một hệ thống chính trị mang tính đồng thuận. Muốn hiểu một hệ thống chính trị mang tính đồng thuận là gì thì độc giả có thể đọc thêm ở bài “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số” trên tạp chí Thời Đại Mới, số 33, tháng 7, 2015, của cùng tác giả. [4]

Trong hệ thống chính trị mang tính đồng thuận của Mỹ, mỗi một chính sách được đưa ra và đồng ý là một sự thỏa hiệp của tất cả các bên liên quan. Đó là tương tác giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương ở các bang; giữa tổng thống và hai viện của Quốc hội; giữa Bộ Tài chính và Cục Dự Trữ Liên Bang -- mà ngay trong đó là sự hiện diện của các Thống đốc của các ngân hàng trung ương cấp vùng hoạt động theo nguyên tắc bỏ phiếu thỏa hiệp các quyết định; giữa chính quyền và các nhóm vận động hành lang; và nằm ở một phía khác là sự kiểm soát một cách độc lập của cơ quan tư pháp với Tòa án Tối cao mà ngay trong nội bộ của nó cũng là một nhóm người hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận và thỏa hiệp. 

Kể cả trong trường hợp mà một đảng nắm giữ cả hành pháp và hai viện của Quốc hội có thể dễ dàng thông qua các chính sách, nếu các chính sách không hợp lòng dân, người dân có thể chỉ cần hai năm để khóa tay vị tổng thổng. Bằng cách chọn lựa lại 1/3 số thượng nghị sỹ ở thượng viện và toàn bộ số hạ nghị sỹ ở hạ viện của quốc hội mỗi hai năm, những người dân chán ngán vị tổng thống có thể bầu cho phe đối lập nhằm chiếm một đa số trong một viện của Quốc hội là đủ để ngăn những chính sách tồi dở được ban hành bởi tổng thống. 

Bất cứ một hệ thống chính trị nào cũng có hai mặt: ưu và nhược. Ưu điểm của hệ thống đồng thuận đó là hạn chế lạm quyền của cơ quan hành pháp, và ngăn những thay đổi đột ngột và lớn lao xuất hiện. Những thay đổi là những thay đổi tiệm tiến và thỏa hiệp. Quyền lợi của tất cả các bên liên quan đều được tính đến. Các chính sách trước khi được ban hành do đó đều được thảo luận, tranh luận, và rà soát kỹ lưỡng. Một nhược điểm đó là rất khó đưa ra những chính sách nhằm làm thay đổi mạnh mẽ. Vì bất cứ một chính sách nào được đưa ra đều có một phe thiểu số nào đó bị thiệt và do đó chính sách luôn bị chống đối. Sự thuyết phục và thỏa hiệp tốn rất nhiều thời gian và thậm chí đi vào bế tắc. Trong những trường hợp khác, nếu không có sự hợp tác của phe đối lập đang nắm giữ đa số ở một trong hai viện của Quốc hội thì tổng thống trở thành bị trói tay không thể đưa ra được một chính sách nào cho sự thay đổi có ý nghĩa. Và phe đối lập có lý do để làm điều đó, vì sự thành công của vị tổng thổng sẽ làm lợi cho hình ảnh đảng của mình và làm mờ đi phe đối lập. 


NHÌN LẠI CÁC CHÍNH SÁCH CỦA CÁC ỨNG CỬ VIÊN


Các chính sách về kinh tế của các ứng cử viên chia làm ba nhóm chính: thuế, thương mại, và chính sách đối với hệ thống tài chính. 

Các ứng viên đảng Cộng hòa ưu tiên giảm thuế, cả thuế thu nhập cá nhân và thuế doanh nghiệp -- vốn được cho là khá cao trong các nước phát triển nhằm giúp cho các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn. Họ cũng đề xuất việc mở rộng thang tính thuế thu nhập cá nhân. Bên cạnh đó, họ cũng đề xuất cắt giảm các khoản chi tiêu của chính phủ, ngoại trừ việc tăng chi tiêu cho quốc phòng. 

Ngược lại, các ứng viên đảng Dân chủ chủ trương áp thuế cao hơn ở giới nhà giàu. Bernie Sanders chủ trương việc đánh thuế vào các giao dịch tài chính, tăng thuế cá nhân có thu nhập cao, tăng thuế bất động sản và thu nhập của doanh nghiệp. Những khoản tiền thu được từ thuế này sẽ được đầu tư vào cơ sở hạ tầng, chi cho chương trình miễn phí giáo dục bậc sau đại học, và miễn phí các chi phí y tế. Hillary Clinton cũng có những ưu tiên về thuế và chi tiêu chính phủ như vậy, mặc dù ở mức độ ít hơn và không đi xa tới mức áp đặt sự miễn phí ở giáo dục và y tế. 

Về thương mại, Donald Trump chủ trương việc gia tăng thuế nhập khẩu trong khi các ứng cử viên Cộng hòa khác ít có ý kiến. Về phía hai ứng cử viên đảng Dân chủ, Bernie Sanders chống thương mại tự do; còn Hillary Clinton mặc dù đã ủng hộ hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) lúc còn là Ngoại trưởng thì giờ đây quay lại chống TPP và chống cả dự án đường ống dẫn dầu nối Canada Keystone XL pipeline. 

Về chính sách đối với hệ thống tài chính, Bernie Sanders chủ trương chia nhỏ những ngân hàng lớn ra, lấy lí do là vì các ngân hàng này quá lớn do đó chính phủ không thể để nó phá sản vì nếu phá sản thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính. Mỗi khi ngân hàng lớn làm ăn dẫn đến ngập nợ thì buộc chính phủ phải bỏ tiền túi, mà thực chất là thuế người dân, ra cứu những ngân hàng này. Điều đó thực chất là một sự chi trả cho sự vô trách nhiệm của bọn nhà giàu điều hành và nắm cổ phần đa số ở các ngân hàng. Hillary Clinton giờ đây cũng phần nào ủng hộ chính sách này. Ngược lại, các ứng cử viên đảng Cộng hòa dù lên án sự điều hành vô trách nhiệm ở các ngân hàng lớn lại tỏ ra cảm thông hơn. Họ cũng cam kết sẽ gỡ bỏ các qui định về tài chính quá chặt chẽ mà các ngân hàng lớn thường phàn nàn. 

Về chính sách nhập cư, nếu như hai ứng cử viên của đảng Dân chủ khá giống nhau thì các ứng cử viên đảng Cộng hòa có sự chia rẽ. Cả Sanders và Clinton đều chống lại việc xây dựng một hàng rào hoàn toàn trên biên giới giữa Mexico và Mỹ. Trong khi đó tất cả các ứng cử viên đảng Cộng hòa đều ủng hộ. Phe Dân chủ và Rubio ủng hộ việc duy trì chính sách cấp quốc tịch khi sinh ra trên nước Mỹ và đưa ra một lộ trình hợp pháp hóa và nhập tịch cho những người nhập cư trái phép, ngược lại Trump và Cruz thì chống. [5]


NƯỚC MỸ SẼ VỀ ĐÂU?

Có một câu hỏi rằng nước Mỹ sẽ đi về đâu sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm? Và liệu rằng các chính sách của các ứng cử viên có đủ mạnh để đưa nền kinh tế Mỹ, và đặc biệt là tầng lớp trung lưu Mỹ tìm lại được giấc mơ Mỹ của mình?

Như đã bàn ở trên, rất khó để có những chính sách tạo ra một sự biến chuyển lớn trong hệ thống chính trị Mỹ. Vì vậy mà dù các ứng cử viên có đề xướng ra những thay đổi rốt ráo thì cuối cùng nó cũng phải là sự thỏa hiệp với các tác nhân khác trong hệ thống chính trị. 

Những chính sách từ giảm thuế, giảm học phí sau đại học, giảm chi phí điều trị sức khỏe -- vốn khá cao ở Mỹ, đều giúp cho tầng lớp trung lưu trước hết là tiết kiệm được chi phí, nâng cao kỹ năng, và sau đó là gia tăng cơ hội nghề nghiệp và thu nhập. Còn lại là hai câu hỏi: ngân sách để trang trải lấy từ đâu? Và liệu rằng chính sách nào cho ra hiệu quả cao nhất? Và đó là điểm khác biệt chính giữa các đề xuất của các ứng cử viên.

Những nghiên cứu thực nghiệm trong kinh tế cho thấy rằng giảm thuế có tác động lớn hơn về tăng trưởng kinh tế so với tăng chi tiêu; và đối với việc cân đối ngân sách thì giảm chi tiêu hiệu quả hơn là việc tăng thuế. [6]


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 13.3.2016


Hình 1. Phân phối thu nhập của các nhóm trong nhóm 10% thu nhập cao nhất. Chia làm ba nhóm: nhóm 1%, nhóm 1-5%, và nhóm 5-10%. Để ý thấy sự tăng thu nhập chủ yếu ở nhóm 1% cao nhất. Nguồn: Piketty, 2014, “Capital in the Twenty-First Century”

Hình 2. Mức thu nhập thực (cùng với thu nhập từ tài chính) của nhóm 1% cao nhất và phần 99% còn lại. Nguồn: Piketty & Saez (2003), cập nhật đến 2012.

Hình 3. Phân phối tài sản của nhóm 1% và 10% giàu nhất ở Mỹ. Nhóm 1% nắm giữ khoảng 34% tổng tài sản của nước Mỹ. Nguồn: Piketty, 2014. “Capital in the Twenty-First Century”.  



Tham khảo:


[1]Wolff, E.N., 2010. “Recent Trends in Household Wealth in the United States: Rising Debt and the Middle-Class Squeeze—an Update to 2007”. Nguồn: http://www.levyinstitute.org/pubs/wp_589.pdf

[2] Chartbook of Economic Inequality. Xem ngày: 13.3.2016. Nguồn: http://www.chartbookofeconomicinequality.com/

[3] Total Economy Database. Xem ngày: 13.3.2016. Nguồn: https://www.conference-board.org/data/economydatabase/

[4] Nguyễn Huy Vũ, 2015. “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số”, Tạp chí Thời Đại Mới. Nguồn: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_NguyenHuyVu.pdf

[5] “Where the 2016 Candidates Stand On Immigration, in One Chart”, NPR, 11.11.2015, Nguồn: http://www.npr.org/2015/11/10/455359422/where-the-2016-candidates-stand-on-immigration-in-one-chart

[6] “Tax Policy and the Economy”. NBER, 2015. Nguồn: http://papers.nber.org/books/brow-14

[7] The World Wealth and Income Database. Xem ngày: 13.3.2016. Nguồn: http://www.wid.world/

[8] Tracy, R. “GOP Candidates Embrace Rhetoric Against Big Banks, but Not Rules”. Wall Street Journal, 11.11.2015. Nguồn: http://www.wsj.com/articles/gop-candidates-embrace-rhetoric-against-big-banks-but-not-rules-1447275400?mg=id-wsj

[9] Boskin, M. “The US Election and the Global Economy”, Project-Syndicate, 25.2.2016. Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/us-presidential-candidates-economic-proposals-by-michael-boskin-2016-02

[10] Piketty, T. & Saez, E., 2003. “Inecome Inequality in the United States, 1913-1998”, Quarterly Journal of Economics. Updated to 2014. 

[11] Fleming, S., & Donnan, S. “America’s Middle-class Meltdown: Core shrinks to half of US homes”. Financial Times, 9.12.2015. Nguồn: http://www.ft.com/intl/cms/s/2/98ce14ee-99a6-11e5-95c7-d47aa298f769.html#axzz42kaLKLta

[12] Piketty, T., 2014. “Capital in the Twenty-First Century”. Cambridge: Harvard University.

[13] Schwab, K. “The Fourth Industrial Revolution“, Foreign Affairs, 12.12.2015. Bản dịch tiếng Việt của Tạp chí Tự Do. Nguồn: http://tapchitudo.blogspot.com/2016/02/cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-4.html