3.10.10

Bà Kha Ngọc Chi, vợ ông Lý Quang Diệu


“Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Người phụ nữ bên cạnh người đàn ông có vai trò như một người bạn, người cố vấn, động viên, chia sẻ và phản biện những hướng đi của chồng. Hiếm có ai thành công mà không có một cố vấn giỏi. Ông Lý Quang Diệu cũng là một trường hợp như vậy (nhưng rất may, ông có nhiều cố vấn giỏi, mà một trong số đó là một kinh tế gia từ Hà Lan).

Đọc “Hồi ký Lý Quang Diệu” mới thấy được những tình cảm và chia sẻ mà vợ ông, bà Kha Ngọc Chi, gắn bó với ông từ những ngày còn học trung học ở Singapore cho tới những ngày qua Luân Đôn học Luật, sau đó trở về Singapore, thành lập đảng chính trị PAP, đấu tranh chính trị, độc lập Singapore và xây dựng đất nước. Có xem lại những biến cố trải qua như vậy mới thấy được vai trò của bà. Một người phụ nữ thầm lặng, nghiêm khắc, và thông minh. Một chi tiết rất thú vị là phụ nữ thường mắc tật nhớ dai, và bà Lý cũng không phải là ngoại lệ. Bà luôn phàn nàn ông rằng không cho bà tham gia lễ thành lập đảng PAP – Đảng Nhân Dân Hành Động của Singapore, vốn cầm quyền từ ngày thành lập nước. Sự gắn bó đó kéo dài cho tới ngày bà mất, hôm qua lúc 5h40 chiều. Bà bị đột quỵ, nằm liệt giường từ hai năm và cứ mỗi tối ông Lý nằm kế bên đọc thơ, kể chuyện công việc hằng ngày của ông cho bà nghe.

Bà Lý hơn ông Lý 2 tuổi. Khi còn học trung học, ông Lý Quang Diệu vốn biết bà Kha Ngọc Chi qua thành tích học hành. Ông đứng đầu đầu trường môn Toán nhưng trung bình thì đứng hai. Bà Kha Ngọc Chi đứng nhì điểm Toán nhưng điểm trung bình thì đứng nhất. Ông Lý Quang Diệu biết tên chứ chưa biết mặt. Ông Lý Quang Diệu có một anh bạn, và anh này lại là anh trai của bà Kha Ngọc Chi. Xã hội Singapore vào giữa đầu thế kỷ 20 là một bức tranh tối sáng với nhiều cơ hội kinh doanh. Ông Lý Quang Diệu hợp tác với anh bạn để làm keo hồ đem bán cho các tiệm tạp hóa. Một lần ông Lý Quang Diệu đến nhà anh bạn làm keo hồ và lần đầu tiên gặp mặt bà Kha Ngọc Chi. Mối tình cứ thế đơm hoa. Ông Lý Quang Diệu cũng thuộc dạng chịu chơi. Khi mà xã hội Singapore lúc bấy giờ người dân hoặc đi ô tô, hoặc đi xích-lô, ông lại thường xuyên cỡi mô-tô. Một hôm ông chở bà đi bằng mô-tô về nhà. Ông nhạc phụ tương lai, vốn là một banker, nhìn thấy sửng sốt.

Tốt nghiệp trung học, gia đình khá giả, ông qua Cambridge du học trước, năm sau bà Kha Ngọc Chi nhận học bổng và qua sau. Cả hai đều chọn luật. Sau khi tốt nghiệp, hai ông bà trở về Singapore và hành nghề luật gia. Một chi tiết rất đặc biệt trong mối quan hệ của hai người là ông với bà Kha Ngọc Chi đính hôn trong một nhà hàng nhỏ chỉ có hai người khi còn ở Luân Đôn. Buổi lễ, gọi là một buổi tiệc nhỏ thì đúng hơn, chỉ có nến và hai người giao ước với nhau. Khi về Singapore, ông đến nhà bà Kha Ngọc Chi gặp ba bà Kha Ngọc Chi và xin cưới con gái của ông. Ông nhạc phụ được một phen sửng sốt thứ hai. (Tưởng tượng cảnh một thằng nào đó lạ huơ lạ hoắc tự dưng vác thân tới đòi cưới con gái mình mà mình không biết gì nhiều về nó trong một xã hội những năm giữa thế kỉ 20.)

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, tình hình thế giới biến chuyển dồn dập và Singapore cũng không phải ngoại lệ. Nhất là khi ông cùng các đồng chí tham gia thành lập đảng chính trị PAP. Giữa những lúc tình hình căng thẳng nhất, ông thường lái xe đưa vợ con lên cao nguyên Cameroon ở Malaysia để nghỉ ngơi và cũng để tránh những tai tiếng, ảnh hưởng chính trị. Với khí hậu mát, cao nguyên Cameroon như một “Đà Lạt” của Việt Nam, nổi tiếng với món lẩu chay – lẩu chỉ toàn các loại rau.

Đọc Hồi ký để thấy giữa những biến chuyến dồn dập, những áp lực, khó khăn. Những quyết định không những ảnh hưởng tới an nguy của chính mình mà còn cho cả một xã hội. Vai trò của bà Lý thâm trầm nhưng rất uy lực. Bà là điểm tựa, là cố vấn, là người bạn chung thủy của ông. Một điểm đáng nhớ nữa là khi Singapore tách ra khỏi liên bang Malaysia, chính bà là người ngồi tra cứu trong thư viện về hồ sơ một trường hợp tương tự đã xảy ra trước đây nhằm dùng làm cứ tích cho việc soạn thảo ra một văn bản luật cho việc chia tách.

New York Times gọi ông Lý Quang Diệu là “the man who defined Singapore”- tạm dịch là “người kiến tạo nên Singapore”. Ông đã thành công trong kiến tạo nên một Singapore xanh, sạch, luật lệ, an ninh, giáo dục tốt. Dĩ nhiên, còn rất nhiều điều cần làm đối với Singapore, chẳng hạn chỉ số innovation index (chỉ số sáng tạo chưa cao khi so với các nước cùng thu nhập), chưa có hệ thống an sinh xã hội tốt, không phải welfare state… Xem kết quả để đánh giá thành công và không ai phủ nhận ông Lý Quang Diệu là một chính trị gia thành công và có nhiều ảnh hưởng. (Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng nhờ ông cố vấn kinh tế.)

Rất ít bài báo nhắc đến vai trò của bà Lý, nhưng tôi nghĩ vai trò của bà cũng lớn không kém. Nếu ông Lý là “the man who defined Singapore” thì bà Lý chí ít cũng là “the woman who stood with Singapore” -- người đứng cùng Singapore. Chào vĩnh biệt bà.

NHV, 03.10.2010

(*) Muốn tìm hiểu thêm, xin mời đọc: PAP và Chính Trị Singapore

22.8.10

Điều gì kiến tạo nên phát triển ?

The Economist vừa đăng bài viết về hai đại cường của châu Á: Trung Quốc và Ấn Độ. Cả hai nước cùng có đặc điểm chung là đông dân và đang phát triển, mặc dù Trung Quốc vượt Nhật tháng rồi để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Ấn Độ phát triển cũng khá nhanh, nhưng chậm hơn Trung Quốc. Khác biệt lớn nhất giữa hai nước là Ấn Độ là nước dân chủ, Trung Quốc là nước cộng sản, độc đảng (mặc dù vẫn có vài đảng ”bù nhìn” khác). Trong mắt Trung Quốc, Ấn Độ là một nền dân chủ khinh bỉ. Điều đó không có gì ngạc nhiên, Ấn Độ với một nền dân chủ chưa hoàn thiện và có một tốc độ tăng trưởng chậm hơn Trung Quốc trở thành một lập luận phản biện cho sự cần thiết của dân chủ, nhất là khi tăng trưởng được dùng như một thước đo chủ yếu để đánh giá mức độ phát triển của một đất nước. Cách đây khá lâu, khi trao đổi, tôi cũng nhận được một câu hỏi tương tự, nhằm giải thích tại sao Ấn Độ với một nền dân chủ lại tăng trưởng kinh tế chậm hơn Trung Quốc và dân chủ có ích lợi cho đất nước hay không, nhất là khi dân trí còn thấp.

Câu hỏi dân chủ trước đem lại phát triển hay phát triển lên một bậc nào đó thì sẽ có dân chủ. Câu hỏi này nó giống như câu chuyện (rất buồn cười) là con gà hay cái trứng: con gà trước hay cái trứng có trước. Câu trả lời của tôi (nói vui) là: xin thưa, nếu ai cho tôi chọn một trong hai thì dĩ nhiên tôi chọn con gà.

Trở lại câu hỏi trên, khó có một câu trả lời thuyết phục bằng thực nghiệm, vì chúng ta không có cơ hội để thực nghiệm trên một đất nước trong một khoảng thời gian ở hai thời điểm giống nhau. Vậy điều gì làm nên sự phát triển của một đất nước ? chế độ chính trị, văn hóa, cấu trúc xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng lãnh đạo, tài nguyên thiên nhiên, …

Có muôn vàn lý do và lí do nào cũng có một phần đúng của nó. Vài lý thuyết cho rằng các dân tộc không có may mắn sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên phải cố gắng sinh tồn bằng cách phát triển hơn các dân tộc bình thường khác, như Nhật. Trong khi các dân tộc sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên thì dựa vào tài nguyên sinh sống, nói nôm na là ”bán máu kiếm tiền”, và họ đôi khi rất giàu nhưng lại không phát triển, như các nước Trung Đông nhiều dầu mỏ. Thế nhưng đem lập luận này cho các nước khác như Mỹ thì lý do đó không đúng. Mỹ sở hữu rất nhiều tài nguyên nhưng phát triển rất mạnh. Giải thích thế nào đây ?

Một số khác đem lập luận cơ chế chính trị. Một ví dụ rất điển hình là trường hợp của các nước công nghiệp mới ở Châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Cả 3 nước đều có chung đặc điểm là độc tài và dùng hệ thống công chức theo kiểu kỹ trị của Tây Âu (technocracy, chứ không phải kiểu quản lý đảng đoàn cộng sản). Cho rằng một chế độ độc tài đem lại đất nước phát triển rất nhanh. Thế nhưng nếu cho rằng chế độ độc tài đem đất nước phát triển nhanh thì lại không giải thích được trường hợp cho các nước Nam Mỹ. Các nước Nam Mỹ lụn bại trong nghèo nàn cho đến khi các nước này từ bỏ chế độ độc tài. Vì sao ? Dân các nước Nam Mỹ dở hơn dân châu Á ? chưa chắc vì dân Nam Mỹ vốn là hậu duệ của di dân châu Âu. Ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng của Singapore và ông Mahathir, cựu thủ tưởng, của Malaysia cho rằng dân chủ không phù hợp với các giá trị của dân châu Á. Hai ông đưa ra lập luận này vào đầu những năm 90 khi mà làn sóng dân chủ lan đến châu Á. Những lập luận này, do đó, chỉ đóng vai trò bảo vệ chế độ chính trị của hai nước và vị trí của hai ông. Những lập luận này trở nên trống rỗng khi quan sát Indonesia với hơn 300 triệu dân Hồi Giáo đang thực hiện một nền dân chủ ổn định: kinh tế phát triển tốt, tham nhũng giảm.

Vậy giải thích thế nào với sự phát triển ở 3 nước Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Muốn giải thích trước hết ta quay lại ở mức vi mô nhất, xem điều gì làm nên sự phát triển. Phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế. Nó còn là khoa học, kĩ thuật, văn hóa, giáo dục, môi trường… những yếu tố mà không thể đo bằng những con số. Đó là sự đóng góp của những kĩ sư, nhà giáo, bác sỹ…những doanh nghiệp mở rộng công ty, những nhà khoa học có những thành công, những nhà hoạt động nghệ thuật tạo ra các tác phẩm giá trị...Để có được điều đó, các nhân tố này phải được kích thích và nuôi dưỡng để phát triển. Một cách may mắn là cả 3 nước này đều có một hệ thống kỹ trị tốt theo mô hình Tây Âu, và trong một thời gian dài họ phát triển giáo dục bằng cách gửi những sinh viên ưu tú nhất sang học ở các nước phương Tây. Về kinh tế, họ mở rộng và khuyến khích tư bản phát triển. Nếu hiểu theo một cách đừng đắn, sự phát triển này là do có được một chính sách tốt được thực hiện trong một thời gian dài. Chính sách tốt đó là phát triển giáo dục, học hỏi phương Tây và khuyến khích thương mãi. Hệ thống kĩ trị đóng góp vào sự phát triển dưới dạng giúp cho các chính sách được thực hiện đứng đắn và hiệu quả. Trong hệ thống kỹ trị chỉ có một vài vị lãnh đạo của một cơ quan lớn thuộc về đảng chính trị, các nhân viên còn lại không thuộc đảng phái nào; việc tuyển dụng theo hình thức công chức bình thường như trong các công ty. Do đó mà khi Đài Loan và Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ thì không có xáo trộn gì nhiều. Mặc hạn chế trong suốt thời kì độc tài của 3 nước này là văn hóa phát triển một cách èo uột; kinh tế phát triển dựa vào hoặc là của các công ty nhà nước như ở Đài Loan hay các tập đoàn gia đình dính dáng đến chính phủ của Hàn Quốc. Những công ty này lũng đoạn thị trường trong một thời gian dài và cho đến nay chi phối nền kinh tế. Tốt hay xấu ? Sự lũng đoạn của các công ty lớn về mặt nào đó đè bẹp các công ty nhỏ; các công ty lớn cũng ít ”sáng tạo” hơn. Tuy nhiên, thế mạnh của các công ty lớn là nguồn tài chính dồi dào để đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong một vài trường hợp họ thành công, như Samsung. Nhưng nếu để ý số charbol – những tập đoàn của Hàn Quốc – sau khủng hoảng tài chính 1997, hiện nay tồn tại chỉ đếm trên đầu bàn tay. Singapore cũng từng có những nỗ lực để xây dựng ngành công nghiệp điên tử. Một trong những hướng đi là mua lại một công ty sản xuất một bộ nhớ máy tính. Sau một vài năm, công ty lỗ vì không có khả năng sáng tạo. Các hãng của Mỹ sản xuất ra các sản phẩm với dung lượng lớn hơn và rẻ hơn. Chính phủ Singapore buộc phải bán lỗ nặng công ty. (Câu chuyện này làm tôi nhớ Vinashin). Vào khi mà nền công nghiệp chuyển sang hướng tri thức, sự sáng tạo đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Sự sáng tạo chỉ có thể có được khi con người tự do. Nếu như trước kia, Hàn Quốc với Đài Loan chỉ phát triển những ngành công nghiệp nặng và thường phải mua (hoặc nếu mua không được thì ”chôm” như Samsung của Hàn Quốc), ngày nay nền kinh tế của họ bắt đầu trở nên sáng tạo. Singapore đầu tư khá nhiều vào giáo dục và nhân lực, nhưng nền công nghiệp trong nước phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài.

Một câu chuyện khác. Trung Quốc là nước đầu tiên chế tạo ra thuốc súng và sử dụng la bàn. Họ cũng là những người tạo ra lịch rất chính xác, và quan sát thiên văn từ rất sớm. Nền văn minh của họ vượt rất xa châu Âu lúc này. Những thành tựu này có được khi Trung Quốc là một lục địa gồm nhiều nước. Thế nhưng sau đó, khi các nước nhỏ dần quy về một mối, sức sáng tạo giảm đi hẳn. Và châu Âu vượt qua rất nhanh. Vì sao ? Trong thời Trung Hoa lục địa, các nước chia năm sẻ bảy, các nước cạnh tranh với nhau. Khi một sáng kiến (cho dù kì quặc) nếu đem lại ích lợi cho một nước sẽ được nước ấy tôn trọng bất kể nước khác nghĩ gì. Một cá nhân xuất chúng nếu không được nước này trọng dụng sẽ đến nước khác. Khổng Tử không giúp được nước Tề thì sẽ qua Lỗ. Các sáng kiến do đó có cơ hội được thực hiện. Càng nhiều nước thì cơ hội một sáng kiến được áp dụng hay một nhân tài được tưởng thưởng càng lớn. Do đó mà giai đoạn ban đầu, Trung Quốc rất phát triển. Về sau, khi ”giang sơn thu về một mối” từ thời Tần Thủy Hoàng, ý kiến của vua là ”ý trời”. Vua không cho thì coi như sáng kiến không dùng được, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người khởi xướng. Gặp ông vua minh mẫn thì nhờ, gặp ông vua hung bạo ”đốt sách, chôn Nho” như Tần Thủy Hoàng thì rủi. Trí thức sống trong lo âu. Sức sáng tạo trở nên thui chột.

Còn châu Âu ? Nhớ lại câu chuyện của Colombus khám phá châu Mỹ. Lúc đầu ông xin vua Bồ Đào Nha. Xin mấy lần không thành công. Sau ông quay qua vua Tây Ban Nha xin thì được hỗ trợ. Nếu giả sử châu Âu đều dưới quyền một vị vua, chẳng hạn, vua Bồ Đào Nha, thì sẽ còn rất lâu mới khám phá ra châu Mỹ. Sự tản quyền của châu Âu là một yếu tố rất lớn khuyến khích nên sự phát triển của châu lục này. Các vương quốc cạnh tranh nhau và cố gắng thu nhận mọi sáng kiến nhằm phát triển vương quốc của mình. Về mặt nào đó, dân chúng trở nên tự do hơn so với ở châu Á lúc bấy giờ. Nếu họ không thích nước này, dễ dàng qua nước khác sinh sống và đóng góp. Các sáng kiến nếu không được áp dụng ở thành phố này thì có thể sẽ được khuyến khích ở thành phố khác. Ý kiến và sáng kiến nảy nở. Điều này đóng góp nên sự phát triển vượt bực của châu Âu. Đặc biệt không những ở kĩ thuật mà nghệ thuật – lãnh vực đòi hỏi có một mức độ tự do cao để có được những cảm hứng.

Khi mà những nền kinh tế đang cạnh tranh nhau để vươn lên, và những con số kinh tế trở thành những tiêu chí duy nhất để so sánh, châu Âu ở một mặt nào đó vẫn cung cấp nhiều bài học cho phát triển. Phát triển đâu phải chỉ nằm ở những con số kinh tế, cân đo đong đếm. Nó còn nằm ở sự tôn trọng các giá trị văn minh của xã hội, mà ở đó có giá trị của mỗi cá nhân. Ngược lại, việc tôn trọng các giá trị cá nhân kích thích sáng tạo và đóng góp ngược trở lại quá trình phát triển. Tự Do vì thế là một yếu tố quan trọng then chốt. Nước Mỹ giàu mạnh cũng vì thế chứ chẳng phải vì giàu có tài nguyên.

NHV
Sthlm, 23.08.2010

14.7.10

Định Hướng Lạm Phát: Một Chính Sách Tiền Tệ Mới

Ngân Hàng Trung Ương (dưới tên gọi này hoặc khác ở các quốc gia khác nhau mặc dù chức năng tương tự nhau) là tổ chức được thành lập để thực hiện hai nhiệm vụ chính: thực hiện chính sách tiền tệ và duy trì ổn vững hệ thống tài chính của một quốc gia.

Suốt một thời gian dài trong lịch sử, các hoạt động của ngân hàng trung ương dường như nằm trong một vòng bí mật. Các chính sách, cơ chế, hay cung cách quản lý tiền tệ, tài chính được bàn bạc, dự đoán và đưa ra trong phạm vi của ngân hàng trung ương. Việc loan báo hay giải thích một vài các hành động mà ngân hàng thực hiện tới các cá thể trong nền kinh tế diễn ra theo một thời biểu không xác định trước, và thường ở vào những thời điểm cấp bách nhằm trấn an dư luận.

Định hướng lạm phát (inflation targeting) là một chiến lược về chính sách tiền tệ “mới”, bắt đầu được các ngân hàng trung ương áp dụng từ đầu thập niên 1990. New Zealand là nước đầu tiên áp dụng chiến lược chính sách tiền tệ này. Những kinh nghiệm của New Zealand khi thực hiện thành công trong việc bình ổn cả hai mục tiêu, lạm phát và nền kinh tế thật (real economy), đã trở thành bài học cho nhiều nước.

Trong suốt những năm của thập niên 1970 và nửa đầu thập niên 1980, nền kinh tế New Zealand chịu một mức lạm phát cao và thiếu ổn định. Chính sách tiền tệ sau đó được thắt chặt, lạm phát giảm. Năm 1989, một đạo luật về Ngân Hàng Dự Trữ (Reserve Bank Act) được đưa ra, mở đường cho một chiến lược chính sách tiền tệ mới: chính-sách-tiền-tệ-với-định-hướng-lạm-phát (CSTT-ĐHLP) ra đời và đi vào áp dụng kể từ năm 1990. Chính sách này thường đi kèm với các đặc điểm liên quan đến thể chế, bao gồm: i) sự ủy nhiệm chức năng bình ổn giá cả cho ngân hàng trung ương, (ii) vai trò độc lập của ngân hàng trung ương, và (iii) trách nhiệm giải trình của ngân hàng trung ương.

Cho tới nay, năm 2010, khoảng 29 nước, bao gồm cả các nền kinh tế phát triển cao và các nền kinh tế đang phát triển, đang thực hiện chiến lược chính sách tiền tệ này. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang theo đuổi chiến lược này bao gồm Thái Lan (bắt đầu từ năm 2000), Phi-lip-pin (từ năm 2002) và In-đô-nê-xi-a (từ năm 2005). Những quan sát cho thấy trong số các nước theo đuổi chiến lược này, chưa có nước nào từ bỏ hoặc tỏ ý hối tiếc sau khi đã áp dụng. Kinh nghiệm cũng cho thấy chiến lược này đã chứng tỏ sự uyển chuyển và khả năng phục hồi thành công đối với một loạt các cơn sốc và rối loạn kinh tế, kể cả cuộc khủng hoảng tài chính sâu rộng gần đây, ở các nước công nghiệp phát triển cao và ở cả những nền kinh tế đang lên.

CSTT-ĐHLP đặt nặng vai trò khả năng dự báo lạm phát và dựa trên ba điểm chính. i) Một mục tiêu lạm phát rõ ràng mà ngân hàng trung ương theo đuổi trong một khoảng thời gian nhất định. ii) Một chiến lược thực hiện mục tiêu lạm phát dựa trên các dự báo sao cho lạm phát nằm trong mục tiêu đã định hướng. iii) Một mức độ minh bạch (transparency) và trách nhiệm giải trình (accountability) cao.

Việc công bố các mục tiêu lạm phát đối với các ngân-hàng-trung-ương-có-định-hướng-lạm-phát (NHTW-ĐHLP) là một nhiệm vụ bắt buộc. Tùy thuộc vào ngân hàng mà mục tiêu này có thể là một con số hoặc là một khoảng. Ở các nền kinh tế phát triển, mục tiêu này khoảng 2%, trong khi ở các nền kinh tế đang phát triển, con số này lớn hơn khoảng vài phần trăm. Chẳng hạn, ở các nền kinh tế phát triển, mục tiêu lạm phát mà Ngân Hàng Trung Ương New Zealand theo đuổi là từ 1% đến 3%, của Ngân Hàng Trung Ương Thụy Điển và Ca-na-đa là 2% với 1% biên độ dao động được cho phép về hai phía, của Ngân Hàng Trung Ương Nauy là 2.5%, của Anh là 2%; ở Đông Nam Á, mục tiêu lạm phát cho năm 2010 của Thái Lan là 0.5% đến 3%, Phi-lip-pin là 4.5% với biên độ dao động ±1%, và In-đô-nê-xi-a là 5% với biên độ dao động ±1%. Tuy nhiên, sự khác biệt này không làm thay đổi cách các ngân hàng trung ương tiếp cận với mục tiêu lạm phát của mình. Nếu các ngân hàng trung ương chọn mục tiêu lạm phát là một khoảng, thường họ sẽ nhắm vào điểm giữa của khoảng; trong khi, nếu chọn mục tiêu lạm phát là một điểm, họ sẽ nhắm vào chính điểm mục tiêu lạm phát đó.

Chiến lược thực hiện mục tiêu lạm phát dựa trên các dự báo (inflation-forecast targeting) là một qui trình khá phức tạp. Tuy nhiên, về mặt cơ bản, qui trình này gồm một số bước như sau. Mỗi NHTW-ĐHLP đầu tiên sẽ xây dựng cho riêng mình một dự báo về lạm phát dựa trên các thông tin đạt được, gọi là mức-dự-báo-lạm-phát-có-điều-kiện, và dùng nó như một biến tham khảo trung gian. Một công cụ chính sách sau đó sẽ được chọn để tác động vào mức dự-báo-lạm-phát-có-điều-kiện này sao cho mức dự báo lạm phát sau khi bị tác động theo dự đoán sẽ rơi vào các mục tiêu lạm phát đã đề ra trước đó. Chính sách tiền tệ sau đó sẽ được thực thi dựa vào công cụ chính sách được chọn này và với sự tham khảo các thông tin khác có được trên thị trường. Khi thị trường xuất hiện các cơn sốc kinh tế, cách hữu hiệu mà các NHTW-ĐHLP xử lý là xem xét lại ảnh hưởng của các cơn sốc đó đến mức dự-báo-lạm-phát-có-điều-kiện đã được đưa ra trước đây như thế nào và từ đó có những thay đổi thích hợp về công cụ chính sách (nếu cần thiết) nhằm tác động để đưa mức dự-báo-lạm-phát-có-điều-kiện hướng về lại các mục tiêu lạm phát đã đề ra.

Khi mà sự thành công của chính sách tiền tệ được đánh giá dựa vào những kết quả cuối cùng và tồn tại một khoảng thời gian từ lúc một chính sách được thực hiện đến khi chính sách có tác động, sự thành công của chính sách tiền tệ, do đó, còn tùy thuộc vào những biến chuyển xảy ra trong những khoảng thời gian này. Những biến chuyển mới phát sinh có thể bị cộng hưởng dưới tác động của các tác nhân trong nền kinh tế làm cho hiện trạng nền kinh tế trở nên bi đát hơn khi chính sách tiền tệ chưa kịp có hiệu lực. Mức lãi suất trong một vài tuấn tới có tác động rất ít đến hành động của các tác nhân kinh tế. Cái mà ảnh hưởng hơn nhiều đó là các dự đoán và mong đợi của các tác nhân trong nền kinh tế đối với các chính sách thiết lập lãi suất của ngân hàng trung ương. Các tác nhân kinh tế đưa ra các quyết định và hoạt động kinh tế dựa trên các dự đoán và mong đợi này. Do đó, khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc định hướng dư luận trở thành một nhiệm vụ cực kì quan trọng. “Neo giữ” được niềm tin và mong đợi của các tác nhân trong nền kinh tế, ngân hàng trung ương xem như đã thiết lập được các điều kiện ban đầu nhằm bình ổn lạm phát. Và ở đây, uy tín của ngân hàng trung ương phát huy tác dụng. Một uy tín tốt là một tài sản lớn đối với bất kì một ngân hàng trung ương nào. Và khi mà xây dựng được một uy tín như vậy, ngân hàng trung ương đã thành công môt phần trong nhiệm vụ được ủy thác của mình.

Để xây dựng và duy trì một mức độ khả tín cao, ngân hàng trung ương cần một sự minh bạch cao. Các NHTW-ĐHLP thường xuyên cung cấp các báo cáo chính sách tiền tệ, giải thích ý nghĩa của chúng cũng như động lực phía sau các chính sách đó. Trong nhiều trường hợp, họ cũng sẽ khuyến cáo các chính sách có thể được thực hiện trong tương lai tới các tác nhân trong nền kinh tế. Ngược lại, một mức độ khả tín cao còn cho phép các NHTW-ĐHLP uyển chuyển hơn trong việc thực hiện chính sách tiền tệ của mình. Về lâu về dài, thay vì chỉ tập trung duy nhất vào việc bình ổn lạm phát, chính sách tiền tệ còn phải hướng đến các mục tiêu khác như bình ổn nền kinh tế thực, hiệu quả trong sử dụng tài nguyên, v.v. Ở đây, NHTW-DDHLP cũng phải rõ ràng khi cho các tác nhân kinh tế biết cách tiếp cận của mình.

Và sau cùng, ngân hàng trung ương là cá thể chịu trách nhiệm cuối cùng về các chính sách đề ra. Một mức giải trình (accountability) cao là điều cần thiết nhằm giúp ngân hàng trung ương có thêm động lực thực hiện những mục tiêu của mình. Khi mà các mục tiêu được đưa ra công khai và minh bạch, hoạt động của các NHTW-ĐHLP chịu sự giám sát chặt chẽ của công chúng. Trong nhiều trường hợp, các NHTW-ĐHLP còn chịu sự giám sát và trách nhiệm giải trình với các tổ chức, cơ quan khác nhau, thường là quốc hội hoặc một cơ quan chỉ định bởi chính phủ. Thống đốc ngân hàng sẽ có trách nhiệm giải trình khi lạm phát ra khỏi mục tiêu đã đề ra.

Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu và Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản mặc dù không công khai theo đuổi CSTT-ĐHLP nhưng đã có những bước tiến rất gần tới chính sách này và trên thực tế sự khác biệt là rất nhỏ.

* * *

Vào khi mà nền kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đối mặt với tình trạng lạm phát cao và mất ổn định, CSTT-ĐHLP là một chiến lược mà những nhà làm chính sách Việt Nam có thể tham khảo.

Nguyễn Huy Vũ

Stockholm, Tháng 7.2010


Tham khảo chính:

Svensson, Lars. E.O., 2010, “Inflation Targeting” trong “Handbook of Monetary Economics”, biên tập bởi Friedman, Benhamin M., và Michael Woodford, tập 3a, 3b, sắp xuất bản.

Svensson, Lars E.O., 2000, “Open-Economy Inflation Targeting”, Journal of International Economics 50, 155-183.

Roger, Scott, 2009, “Inflation Targeting at 20: Achievements and Challenges”, IMF Working Paper WP/09/236.

6.3.10

Mẹ tôi and more


Sáng thức dậy. Mì gói, món gia truyền, tiếp tục. Cái tật của tôi là không khi nào chỉ ngồi ăn không, ăn phải ngồi cạnh cái máy tính, tai nghe nhạc, miệng ăn, mắt đọc tin tức, tay vừa cầm đũa, sau khi cầm gắp thức ăn xong thì lại click chuột. Daily news hôm nay đập vào mắt là các vấn đề về y tế thách thức khả năng chính trị của Obama. Không hiểu sao những tin chính trị hấp dẫn tôi đến lạ lùng. Nó tự nhiên giống như người ta ăn và thở. Nhìn lướt qua, rồi để đó, tí đọc tiếp. Nhìn qua trang diendan.org xem có bài nào hay không, đập vào mắt là bài “Những món ăn của mẹ tôi” của Thiên Hương; giới thiệu bắt đầu với món bún thang. Đọc xong thấy cũng dễ làm, tôi lướt nhanh xuống bên dưới, bắt gặp dòng chữ “Ngày Phụ Nữ 8 tháng3-2009”, bỗng tự nhiên random list của imeem bật lên bài Canon in D, từ đâu, những cảm xúc về mẹ lại về. Năm nay đã bước sang năm thứ 11 xa nhà, từ bé giờ chưa lần nào tôi chúc mẹ tôi 8/3. Phải thành thật như vậy. Mẹ tôi và gia đình tôi, cũng giống như bao gia đình khác xung quanh, không có “truyền thống” chúc phu nữ ngày 8 tháng 3. Trong mắt mọi người, đó là một cái gì rất khách sáo. Người ta quan tâm nhau với những tình cảm mỗi ngày chứ không đợi đến ngày 8 tháng 3 mới quan tâm.

Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, mẹ tôi thầm lặng; mẹ là người dàn xếp gia đình êm ấm, là người chăm sóc sức khỏe – từ miếng ăn đến viên thuốc - cho gia đình. Người ta bảo rằng gia đình như thế nào do “tay” của người phụ nữ không hẳn không có lý. Nhắc đến mẹ không thể không nhắc đến chiến tranh Việt Nam. Nếu chiến tranh chưa kết thúc sớm thì mẹ tôi đã tốt nghiệp đại học Luật Sài Gòn và tôi có lẽ cũng chẳng xuất hiện để ngồi đây viết blog. Đang là sinh viên năm 2 đại học Luật về nhà chơi thì “giải phóng”. Con gái ở huyện xa, đẹp người (nhiều ông ngày xưa “cưa” mà không đổ, thỉnh thoảng ghé nhà tôi, vẫn còn khen mẹ tôi, bị ba tôi “chê” là cưa lụt), lại con nhà giàu của vùng đó, ông bà ngoại tôi thấy tình hình lộn xộn vậy, không muốn cho con gái đi xa, một thân một mình ở Sài gòn, nên không cho vào Sài gòn học nữa; vả lại ít lâu sau, trường Luật cũng bị đóng cửa. Sau đó, chính quyền mới bắt đầu, giáo dục thiếu giáo viên, nên tuyển giáo viên. Dạo đó có trường cao đẳng sư phạm Qui Nhơn nơi đào tạo ngắn hạn cho những sinh viên để làm giáo viên. Mẹ tôi không muốn ở nhà mãi, nên xin đi học khóa 3 tháng để về làm giáo viên. Bà ngoại tôi thấy ở Qui Nhơn có người quen nên đồng ý. Mẹ tôi học khoảng 3 tháng rồi sau đó được điều về làm giáo viên. Đang học Toán ban A lại bị bắt học ban C vì thiều giáo viên dạy Văn, mẹ tôi học và dạy nhưng không thích thú lắm. Dạy được hơn 10 năm thì thấy lương bổng kém lại vất vả, vừa đi dạy vừa cơm nước gia đình nên sau đó mẹ tôi xin nghỉ hưu non.

Nhắc đến mẹ thì phải nhắc đến ba (nhờ ổng mới có tôi  ). Khi tôi hỏi mẹ tôi tại sao lại đi thương ba tôi, một người chẳng có cái gì cả. Nói như mẹ tôi (và ba tôi vẫn nhớ mãi) là ngày cưới ba tôi chỉ có mỗi một bộ đồ; phải nói thật là chẳng có gì cả; nên mỗi khi xung đột gia đình, mẹ tôi hay nói mẹ tôi đến với ba tôi vì tình cảm chứ chẳng phải cái gì hết. Mẹ tôi bảo rẳng, mẹ thương ba tôi vì ba tôi có cha cũng như không có cha, có mẹ cũng như không có mẹ, chẳng ai nuôi nấng. Một người con gái học hành đàng hoàng tử tế thời đó, đẹp người, con nhà giàu lại đi thương một người phải nói thẳng là “nghèo rớt mồng tơi” thì mới hiểu được tình cảm của người con gái dành cho như thế nào. Sinh ra ba tôi thì sau đó ông nội tôi có mối quan hệ khác, bà nội cũng có mối quan hệ khác, và cả hai đều có con sau đó. Ba tôi chẳng có ai nuôi nấng, nên vào sống với bà nội Năm từ bé (nội Năm hay cô Năm gọi theo cách của ba tôi, cô Năm là chị ruột của ông Nội).

Nội Năm không có gia đình, ở vậy, nên dẫn ba tôi vào nuôi và xem như con. Nội Năm sống ở Tháp Chàm, Phan Rang, bán mỳ Quãng. Mỗi sáng, ba tôi phải dậy thật sớm, phụ dọn hàng mỳ Quảng ra, rồi sau đó mới được đi học. Học phải về đúng giờ để còn dọn hàng về. Nhưng cái tính trẻ con thì đâu phải lúc nào cũng đi học về đúng giờ đâu. Thỉnh thoảng bạn vè vẫn rủ ở lại bắn bi hay đi đâu đó; những lần về trễ là những trận đòn. Nội Năm ở một mình nên rất khó tính. Lớn lên một chút ba tôi được gửi vào về lại Tuân Thừa, Ninh Hòa, ở nhờ nhà họ hàng vừa đi học chữ vừa theo học nghề sửa xe lam nhà ngoại tôi. Nhà ngoại tôi cách nhà bà nội tôi chừng 10 km. Từ đây, ba tôi mới có dịp quen mẹ tôi. Không biết ông tán mẹ tôi thế nào (chắc mai mốt về hỏi). Chỉ biết mẹ tôi thương ông quá sức. Mẹ tôi kể có những bận một thân một mình đón xe vào tận Cam Ranh (cách nhà tôi đến hơn 100 km) để thăm ba tôi đóng quân ở đó; mẹ tôi kể về những rừng mai trắng bạt ngàn dọc bờ biển….

Được cái ba tôi chịu khó làm việc và thông minh; nhiều bạn bè học chung lớp khi đến chơi vẫn khen. Mẹ tôi hay nói với tôi, ngày xưa ổng chỉ có hai bàn tay trắng thôi mà làm được cơ ngơi như vậy đâu phải đơn giản. Một tính cách nữa mà mẹ tôi cũng thích ba tôi đó là “máu văn nghệ”. Mẹ tôi hay kể những đêm ở nhà ngoại tôi, mọi người tụ tập trước nhà, ông đàn guitar, mọi người hát hò, rất vui. Ở cái thời mà máy hát là những thứ xa xỉ đời sống tinh thần chỉ còn dựa vào phong trào văn nghệ quần chúng. Một tính nữa của ba tôi đó là tính “chịu chơi”. Ông kể lại, một hôm nhóm của ông đang tính thành lập ban nhạc, nhưng thiếu tiền mua bộ trống. Ổng chạy về nhà bà nội tôi, biết bà nội tôi chẳng có tài sản gì giá trị cả, chỉ có duy nhất chiếc nhẫn vàng đeo tay, ổng biết, nhưng ổng vẫn xin tiền. Bà nội tôi tháo chiếc nhẫn vàng đưa ổng đi bán mua bộ trống chơi. Mỗi lần nhắc đến chuyện đó ổng vẫn nhớ, bảo rằng “bả tội thiệt”, mà quả thật, mẹ nào mẹ chẳng thương con. Rồi một hôm, ổng trở về nói với bà nội tôi “má ơi, con định cưới vợ”. Bà nội tôi bảo “lấy tiền đâu tao cưới vợ cho mày”. Ổng bảo “nhà mình có mấy miếng tôn, đem bán lấy tiền cưới vợ”. Nhà tranh, có mấy miếng tôn phủ lên. Bà nội tôi hay chiều ý con, nên cũng ừ, nó muốn thì thôi đành vậy. Vác mấy miếng tôn đem bán được ít tiền rồi sau đó cưới mẹ tôi. Riêng tôi, tôi ảnh hưởng ở ông cái tính nghệ sỹ, phóng khoáng, thích ca hát, du lịch, lang thang, và thích đọc sách. Ở nhà, có một dạo thấy nhiều sách quá, nên mẹ tôi bèn mở cửa hàng cho thuê truyện. Tôi ngồi trông coi tiệm cho thuê truyện nên những kì hè suốt ngày tôi chỉ ngồi đọc sách. Từ những tác phẩm văn học, lịch sử của Liên Xô, Trung Quốc, Âu Mỹ, đến những truyện kiếm hiệp của Kim Dung, và cả những tác phẩm văn học đoạt giải văn chương trong nước. Mỗi lần tôi về Sài gòn, ông hay nhắc tôi mua những tác phẩm văn học mới cho ông, ông đọc say sưa. Nói như mẹ tôi, ông mê sách có khi còn hơn mê vợ.

“Không ai hiểu con bằng mẹ”. Ở nhà, mẹ tôi bảo rẳng ở nhà người cha không có gần gũi con bằng người mẹ. Tôi không biết gia đình khác thế nào, riêng gia đình tôi, tôi thấy nó đúng. “Mày muốn là Trời muốn”, đó là câu nói mà mẹ tôi hay nói với tôi, mỗi khi tôi đưa ra một quyết định cho riêng tôi, từ việc đi học, đi làm, hay làm điều gì đó từ năm 15 tuổi, đó là quyết định do tôi đưa ra và mẹ tôi là người góp ý kiến, và sau đó là ba tôi. Nói như “mợ tôi”: “thằng Vũ nó lớn nhờ xã hội nuôi nó”. Năm học lớp 9, tôi muốn thi vào chuyên Lý, Lê Quý Đôn. Mượn cuốn sách của Ngưu vốn là cựu học sinh cấp 2 ở Lê Quý Đôn, quyển 121 bài toán Vật Lý. Thời đó, máy photocopy chưa phổ biến và tôi không có tiền để photocopy. Ngưu hứa cho mượn đúng 1 tháng, rồi trả Ngưu để Ngưu luyện thi. Tôi đồng ý và cám ơn. Suốt một tháng hè đó, suốt ngày tôi ngồi trên lầu, học hết cuốn sách đó, bài nào hay tôi chép ra vở. Học 1 tháng thì hết cuốn sách. Sau đó tôi học thêm mấy cuốn sách khác, mà tôi tình cở mua được lúc trước mà chưa đọc. Mẹ tôi thấy tôi suốt ngày ở trên lầu, ba tôi thì sửa xe máy cực nhọc ở dưới, nên kêu tôi xuống phụ ba tôi. Tôi ngồi lỳ, không xuống, được cái ba tôi thương tôi buổi chiều ông thỉnh thoảng đi uống caphe, rồi sẵn tiện mua nước mía đem lên lầu cho tôi uống. Đến ngày thi, mẹ tôi trước khi chở đi Nha Trang thi bảo với tôi: “đi thi thử thôi, nếu đậu thì cũng chưa chắc cho học”. Tôi đồng ý. Đi thi. Khoảng 1 tháng sau, Ngưu đi ngang nhà tôi, thấy tôi, Ngưu ngừng lại báo tin rằng Ngưu đã đậu, rồi hỏi tôi kết quả. Ba tôi nghe thấy biết có kết quả, đang sửa xe, ông vôi rửa tay, thay vội quần áo, rồi tức tốc chở tôi vào Nha Trang xem kết quả. Đến nơi là 6h tối, xem kết quả, tôi đứng thứ 7 trên tổng số 23 học sinh đậu vào. Sau đó, mẹ tôi nghe các thầy cô giáo trong trường nói rằng trường này học sinh ở ký túc xá rất an toàn, tốt, nên đống ý cho tôi vào học. Tôi bắt đầu xa nhà từ đó.

Mười một năm xa nhà, so với cái tuổi hai sáu, không hẳn là ít. Số lần về nhà càng ngày càng thưa dần. Cảm giác nhớ nhà dường như không còn. Cảm giác thèm món ăn cũng dần mất hẳn. Nhưng tôi vẫn nhớ cái vị Phở hay Mỳ Quảng mà mẹ tôi vẫn nấu mỗi lần tôi về thăm nhà. Không lẫn vào đâu được. Không đậm, nhưng thanh. Cái vị mà mẹ tôi khoe với tôi dạo trước không có gì làm nên mở quán Phở bán buổi sáng rằng người ta ăn và bảo Phở của mẹ tôi là ngon nhất Ninh Hòa. Ừ, thì Ninh Hòa đâu chỉ có nổi tiếng với Nem Ninh Hòa đâu. Nó còn là Bún Cá Ninh Hòa, món Phở và mỳ Quảng của mẹ tôi, và cái giọng đặc sệt không lẫn vào đâu của người Nam Trung Bộ.

Stockholm
Ngày 9 tháng 3-2009
NHV

3.2.10

Các Nguyên Tắc Nhằm Xây Dựng Thành Công Một Viện Nghiên Cứu: Mười Điều Răn


Assar Lindbeck
cựu giám đốc viện nghiên cứu kinh tế kinh tế thế giới (The Institute for International Economic Studies, IIES), Đại học Stockholm.

Nguyễn Huy Vũ dịch
(bản gốc: “Principles for Successful Research: Ten Commandments")

Đâu là phương pháp tốt nhất để điều hành một viện nghiên cứu ? Mỗi nghiên cứu viên chắc chắn có những ý kiến riêng về vấn đề này - chẳng hạn như những đòi hỏi, và chắc hẳn là định nghĩa thế nào là thành công. Những kinh nghiệm của riêng tôi trong suốt 25 năm với tư cách là người đứng đầu Viện Nghiên Cứu Kinh Tế Thế Giới ( the Institute for International Economic Studies, IIES) có thể tóm tắt trong mười nguyên tắc.

1. Một viện nghiên cứu nên cố gắng vươn đến những nghiên cứu cận biên (research frontier) của thế giới và, hẳn nhiên, góp phần đẩy biên nghiên cứu này xa hơn. Đây là cách hợp lý duy nhất làm nên sự xuất sắc trong nghiên cứu, và do đó, tránh được những nghiên cứu tầm thường, thậm chí chất lượng kém. Thật ra thì nghiên cứu chất lượng kém còn tệ hơn là không có nghiên cứu gì cả; vì hoạt động nghiên cứu chất lượng kém phát tán những nhận thức sai khiến các nhà nghiên cứu giỏi sau đó phải tốn thời gian để phản bác.

2. Để đạt được những tham vọng đó, điều quan trọng là phải công bố (các công trình nghiên cứu) trên bình diện quốc tế, đặc biệt là tại các tạp chí học thuật danh tiếng; từ đó, nghiên cứu được đánh giá bởi cộng đồng nghiên cứu thế giới. Bằng không thì có một nguy cơ rất lớn rằng tham vọng của các nghiên cứu viên chỉ gói gọn ở ảnh hưởng nội địa – vốn thấp hơn. Các lãnh đạo của một viện nghiên cứu rất khó mà ngăn các nghiên cứu tầm thường công bố nếu viện có một cơ quan xuất bản riêng. Chính vì lẽ đó mà IIES không có các cơ quan xuất bản riêng.

3. Sự có mặt của những nghiên cứu viên khách mời hàng đầu tại viện nghiên cứu rất quan trọng; việc này nhằm nhập thụ kiến thức và giúp tăng cường nỗ lực vươn lên bình diện quốc tế của Viện. Trong suốt thập niên 1970s khi chúng tôi chỉ thuần túy là một viện giảng dạy - nghiên cứu, một số những nghiên cứu viên viếng thăm thường ghé lại khoảng từ 6 tháng hoặc thậm chí một năm đóng vai trò cực kì quan trọng cho việc nâng cấp từ từ năng lực của chúng tôi. Ngày nay, khi mà Viện đã có 7 giáo sư (full professor) (khi so với một giáo sư trước năm 1984), tầm quan trọng của việc có những nghiên cứu viên khách mời ghé lại với những khoảng thời gian dài về mặt nào đó ít hơn.

4. Mỗi nghiên cứu viên tại những viện nghiên cứu có tiếng có xu hướng tự phát triển các liên kết nghiên cứu trên bình diện quốc tế cho riêng mình. Các chính trị gia và các nhà quản lý đại học thường tin rằng các mạng lưới nghiên cứu nên được tổ chức, chẳng hạn bằng các thỏa thuận và hợp đồng giữa các viện với nhau. Cách này, theo ý kiến của tôi, là một hướng tiếp cận sai. Các nghiên cứu viên khác nhau cần có các mối hợp tác quốc tế ở những nơi khác nhau trên thế giới, và các thỏa thuận chính thức giữa các đại học thường không hữu dụng trong việc tạo ra những liên kết này. Những hợp tác như vậy ,thay vào đó, có thể khởi động bằng một chuyến viếng thăm của một nghiên cứu viên nước ngoài, hoặc bởi một nghiên cứu viên đến một viện nghiên cứu ở nước ngoài. Những liên kết mang tính quốc tế thành công phản ánh thông qua mối quan hệ tương tác cá nhân khắng khít và ở những bài báo viết chung, thay vì giữa những thỏa thuận chính thức giữa các viện. Tham gia trong những dự án nghiên cứu và hội thảo tầm thế giới, cùng với việc tổ chức các hoạt động như vậy, là một cách khác để tham gia vào những mạng lưới kể trên. Hỗ trợ tài chính cho những hoạt động loại này là cách tốt nhất đối với các chính trị gia và các nhà quản lý giáo dục nhằm kích thích việc hợp tác nghiên cứu ở tầm thế giới.

5. Một điều quan trọng khác là nên tập trung các nguồn lực vào một số giới hạn các lĩnh vực nghiên cứu. Trong suốt 10 năm đầu, IIES tập trung chỉ vào một lĩnh vực duy nhất: lý thuyết kinh tế vĩ mô và chính sách kinh tế cho các nền kinh tế mở. Việc chọn một đề tài như vậy chủ yếu dựa vào khả năng làm mẫu (power of example). Điều này xảy ra khi tôi và một vài sinh viên đến Viện vào những năm đầu thập niên 1970 đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này; những nghiên cứu viên khác cùng quan tâm đến lĩnh vực này gia nhập Viện, và một sự điều phối các hoạt động nghiên cứu diễn ra như có một bàn tay vô hình thay vì bởi một kế hoạch rõ ràng. Sau đó, Viện đã lần lượt mở rộng tầm nghiên cứu tới một vài lĩnh vực mới, chẳng hạn như mậu dịch thế giới, kinh tế lao động, tổ chức công nghiệp, kinh tế phát triển, và tài chính thế giới, khi mà số nhân viên nghiên cứu gia tăng.

6. Nghiên cứu thành công cũng đòi hỏi khả năng có được một tiềm lực quyết định trong một hoặc vài lĩnh vực. Từ kinh nghiêm của tôi, điều này đòi hòi ít nhất nửa tá người trong mỗi lĩnh vực. Tiềm lực quyết định được định nghĩa, về mặt hoạt động, như là trường hợp khi mà có một xác suất lớn rằng một vài nghiên cứu viên tại Viện thật sự cảm thấy thích thú khi đọc những bản sơ thảo nghiên cứu của nhau. Các buổi thuyết trình cũng trở nên thú vị hơn nếu ít nhất ba hoặc bốn người cùng quan tâm đến cùng một lĩnh vực. Tần số hợp tác nghiên cứu giữa những nghiên cứu viên tại Viện là một chỉ số cho thấy một mức độ tương tác lớn đã đạt được hay chưa và do đó, có hay không một tiềm lực quyết định thật sự tồn tại. Từ cái nhìn đó, tín hiệu rất khích lệ khi mà nhiều thành quả nghiên cứu của Viện ngày nay bao gồm những công trình nghiên cứu viết chung. Sự hòa hợp giữa các thế hệ nghiên cứu – các nghiên cứu viên giàu kinh nghiêm (các giáo sư), nghiên cứu sinh sau Tiến sỹ, và nghiên cứu sinh - cũng rất hữu ích.

7. Một tương tác mạnh giữa nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu phương pháp luận, ở một mặt, và nghiên cứu ứng dụng, ở một mặt khác, là một yếu tố quan trọng cho sự thành công trong nghiên cứu. Viện chúng tôi lúc đầu thường bị chỉ trích ở Thụy Điển vì đã nhấn mạnh đến lý thuyết quá nhiều. “Việc chẳng ăn nhập gì” hay “nghiên cứu rỗi hơi” là những từ trỏ về chúng tôi từ một vị hiệu trưởng danh dự của một viện giáo dục Thụy Điển thiên về ứng dụng. Tuy nhiên, tầm quan trọng của một nền tảng đào tạo vững chắc về lý thuyết và phương pháp luận đã là một yếu tố chính nằm sau những đóng góp của Viện trong nghiên cứu ứng dụng. Không có một nền tảng lý thuyết và phương pháp luận vững chắc, nghiên cứu ứng dụng thường là tầm thường hoặc kém, và giảm chất lượng theo thời gian. Đôi khi, ngược lại, những nghiên cứu viên ứng dụng cho ra những kết quả khảo nghiệm quan trọng và đòi hỏi những nghiên cứu viên lý thuyết kiểm nghiệm lại tính liên quan về mặt thực nghiệm của những lý thuyết họ đã đưa ra.

8. Tuyển dụng là quyết định hành chính quan trọng nhất tại những viện nghiên cứu. Nếu việc tuyển dụng được thực hiện tốt, người giám đốc có thể tập trung vào công việc chính của mình – tạo ra một bầu không khí nhiệt tình (enthusiasm). (Đôi khi, ông cũng nên, dĩ nhiên, đề nghị những nghiên cứu viên đã mất đi sự tích cực nên chuyển sang những nơi khác.).Để duy trì việc quản trị hành chính ở mức thấp nhất, cần để mỗi người tự quản và phân phối những nhiệm vụ hành chính chung đến những thành viên khác nhau trong Viện. Nghiên cứu chất lượng cao đòi hỏi mỗi cá nhân được quyền tự chọn lĩnh vực và đề tài. Mệnh lệnh và những hệ thống cấp bậc không phù hợp với một môi trường nghiên cứu sáng tạo, nơi mà mỗi người là chủ của chính mình. Một điều quan trọng nữa là việc có những thư kí và phụ tá nghiên cứu giỏi – một điều mà Viện chúng tôi luôn nhấn mạnh. Ít nhất thì các vị khách nước ngoài hài lòng với những dịch vụ cơ bản của Viện.

9. Một viện nghiên cứu sẽ nhận được một thuận lợi lớn nếu nó là một phần của một trường đại học tốt. Điều này cho phép các khoa và ngành khác của trường đại học đóng góp vào những xung lực trí thức mới. Nó cũng cho phép có được một sự tương tác giữa nghiên cứu và giáo dục - vốn kích thích cả nghiên cứu viên và sinh viên. Những thành viên của IIES trong những năm gần đây đã tăng cường tham gia giảng dạy ở tất cả các cấp bậc của khoa Kinh Tế (trường Đại Học Stockholm). Chúng tôi cũng đã cố gắng thuyết phục các đồng nghiệp của chúng tôi trong các khoa khác về tầm quan trọng của việc những giáo sư, chính mình, tham gia giảng dạy cả ở những cấp bậc đại học và cao học.

10. Cuối cùng, một viện nghiên cứu cho ra những bài báo và cuốn sách không chỉ dành riêng cho cộng đồng nghiên cứu thế giới, mà còn cho quảng đại quần chúng quan tâm đến các vấn đề kinh tế. Điều này, thật ra, là một cách mà một viện nghiên cứu, vốn hoạt động nhờ tiền thuế, có thể trả ngược lại cho những người đóng thuế theo một cách khá trực tiếp và dễ nhận thấy. Những thành viên của Viện đã làm như thế - đưa ra các phân tích cho những vấn đề cả về các chính sách kinh tế cho Thụy Điển và kinh tế toàn cầu đương đại. Kinh nghiệm cho thấy rằng có thể làm được những đóng góp như vậy mà không lấy bớt đi nhiều thời gian dành cho nghiên cứu hàn lâm chừng nào mà các hoạt động này được duy trì như một lĩnh vực “tay trái”. Thực ra, việc theo dõi sát các thảo luận về các vấn đề chính sách kinh tế giúp các nghiên cứu viên tìm ra các đề tài phù hợp cho các nghiên cứu hàn lâm.

Stockholm, 03.02.2010
NHV