27.9.16

Xây dựng hệ thống thoát nước cho Sài Gòn

Nguồn: Internet.
Sau cơn mưa vào chiều ngày 26.9, cả Sài Gòn như chìm vào cơn lũ. Mặc cho người dân bơi, vật lộn giữa dòng nước cùng những khó khăn và mất mát, không một lãnh đạo nào chịu trách nhiệm cho những bất tiện và chịu đựng của người dân. Hệ thống thoát nước là một công trình đầu tư trọng điểm của thành phố và cơn mưa nhấn chìm thành phố là một phép thử để đưa ra kết luận rằng tất cả chỉ là một sự vô dụng và lãng phí. Điều đáng nói là chi phí đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước không hề nhỏ, và lần đầu tư gần đây nhất được gọi là siêu dự án với chi phí lên tới 27.000 tỉ đồng, tương đương hơn 1,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó 666 triệu đô la Mỹ là vay từ Ngân hàng Thế giới. Dù đầu tư với chi phí khủng như vậy, nhưng các lãnh đạo thành phố dường như bất lực không thể đưa ra một giải pháp nào để giải quyết tình trạng ngập lụt thậm chí còn than rằng sống chung với ngập chứ chống không nổi.

Vậy, thiết kế và xây dựng một hệ thống thoát nước cho thành phố có khó không?

Với những ai đã học kỹ thuật, có một chút kiến thức về thiết kế hạ tầng, và chịu tìm hiểu, câu trả lời sẽ là không khó. Kỹ thuật thoát nước đã được thực hiện khắp các thành phố hiện đại trên thế giới hàng trăm năm nay, và câu chuyện chỉ còn là chọn lựa kỹ thuật và kết hợp các kỹ thuật sao cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam.

Với bất kỳ một dự án kỹ thuật nào, người quản lý sẽ phải dựa vào ba tiêu chí để chọn lựa phương pháp xây dựng cho công trình, đó là tính nguyên lý, tính kỹ thuật, và tính kinh tế. Về mặt nguyên lý, nước chảy từ chỗ cao đến chỗ thấp. Muốn hết ngập hãy làm hệ thống cống rãnh dẫn nước từ trong thành phố ra các sông hồ tự nhiên có mực nước thấp hơn. Trong trường hợp mực nước ở sông, hồ cao hơn trong nội thành do triều cường thì chặn cống lại bằng hệ thống van một chiều (chỉ cho nước chảy ra sông mà không cho nước chảy ngược lại) hoặc chuyển nước tới một hồ chứa nước và bơm ra sông, hồ. Câu chuyện còn lại chỉ còn là chọn lựa các kỹ thuật sao cho hiệu quả nhất về mặt kinh tế, không những cho thời điểm hiện tại mà còn trong tương lai có thể phải nâng cấp hệ thống.

Một hệ thống tiết kiệm nhất sẽ là một sự kết hợp giữa thoát nước một cách tự nhiên và thoát nước dựa vào công nghệ bơm thủy lực. Thành phố sẽ được chia thành những khu vực khác nhau, tùy từng khu vực mà sẽ chọn một hệ thống thoát nước khác nhau.

Nếu ở những khu vực gần các hồ, hoặc sông rạch không có triều cường, sẽ tận dụng việc thoát nước tự nhiên. Các rãnh thoát nước được xây chìm dọc theo hai bên mép đường để dẫn nước đến một cống chính hoặc một kênh thoát nước rồi từ đó dẫn ra sông, hồ. Các hệ thống rãnh dẫn nước hai bên đường và kênh dẫn nước chính của Singapore, đặc biệt ở khu vực Jurong, là một tham khảo. Hệ thống rãnh của Singapore có ưu điểm là dễ dàng được nạo vét.

Ở những khu vực thỉnh thoảng có triều cường khiến nước sông cao hơn mực nước cống khiến cho nước sông theo cống tràn vào thành phố, cần lắp đặt hệ thống van một chiều chỉ cho nước chảy ra sông mà không cho phép chảy ngược trở lại khi triều cường.

Ở những khu vực thấp, hoặc mặt bằng thành phố thấp so với mực nước sông hoặc thường xuyên xảy ra triều cường, chọn một đoạn kênh đủ lớn và xây đập ở hai đầu đoạn kênh để dùng làm hồ thoát nước. Ở hai đập của kênh, cho đặt hai hệ thống van một chiều chỉ cho phép nước từ trong đoạn kênh này chảy một chiều ra ngoài. Khi mực nước trong đoạn kênh này thấp hơn mực nước cống thành phố, nước cống sẽ theo hệ thống cống chảy ra kênh. Nếu nước trong kênh giữa hai đập cao hơn mực nước ngoài đập nước sẽ tự chảy ra ngoài. Ngược lại, khi triều cường xảy ra, nước ở ngoài cao hơn nước trong đập, van sẽ tự động đóng cửa đập, lưu trữ nước trong đập, và vì vậy thành phố cũng tránh được ngập do triều cường. Đoạn kênh giữa hai đầu đập cần phải đủ dài và nạo vét đủ sâu để chứa được lượng nước trong thành phố chảy ra trong trường hợp mưa lớn, và đây là một bài toán không khó. Nếu như ở Nhật họ xây dựng các bể chứa ngầm dưới đất thì Sài Gòn có thể tận dụng các con kênh ngăn lại thành các hồ chứa nước tự nhiên, tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. 

Và cuối cùng, trước khi phân chia thành phố thành những khu vực khác nhau để lựa chọn xây dựng các hệ thống thoát nước phù hợp, việc cần làm đầu tiên là xây dựng một mô hình thoát nước và chạy mô phỏng cho toàn thành phố. Có rất nhiều phần mềm thương mại trên thị trường cho phép thực hiện công việc này một cách dễ dàng.

Cái khó của việc xây dựng một hệ thống thoát nước cho thành phố không phải ở thiếu tiền và kỹ thuật, mà là thiếu người quản lý có tâm và trình độ.

OL, 28.9.2016

------------------------

Đọc thêm:

Báo Lao Động. 18/12/2013. «666 triệu USD đầu tư cho các dự án thoát nước tại TP.Hồ Chí Minh: Không thể giải quyết triệt để ngập.»

http://laodong.com.vn/moi-truong/666-trieu-usd-dau-tu-cho-cac-du-an-thoat-nuoc-tai-tpho-chi-minh-khong-the-giai-quyet-triet-de-ngap-165956.bld



24.9.16

Tiếng Anh của Singapore và Bài học cho Việt Nam

Sinh thời, trong một lần được phỏng vấn, khi được hỏi ông đã mang lại điều gì cho những người dân Singapore, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu không nghĩ mà đáp rằng «tôi cho họ được học hành». Và nếu có dịp phỏng vấn những người đứng dưới mưa, xếp thành hàng dài tiễn ông đi ngày ông mất, chắc hẳn sẽ nhận được câu trả lời tương tự, thậm chí còn hơn.


Một góc trường Đại học Kỹ thuật Nanyang

Singapore là một ví dụ để cho thấy rằng sự chọn lựa trong chính sách của người lãnh đạo không những làm thay đổi văn hóa và suy nghĩ của một lớp người mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh và tương lai của một quốc gia, dân tộc.

22.9.16

Bài học từ hệ thống chính trị Philippines

Sẽ không có nhiều người quan tâm đến vị tổng thống mới của Philippines, Rodrigo Duterte, ngoại trừ giới bảo vệ nhân quyền và những người Philippines, nếu như không có câu chuyện ông chửi tổng thống Mỹ Barack Obama để rồi cuộc gặp chính thức giữa hai người bị hủy bỏ được các phương tiện truyền thông đại chúng thế giới loan tải rộng rãi.

Cuối cùng thì hai người cũng đã gặp nhau trong một cuộc gặp không chính thức như một cách để xoa dịu đi những xung khắc giữa hai nhà lãnh đạo và bàn thảo sự hợp tác trong chiến lược «Xoay trục về châu Á» của Hoa Kỳ. Tuy vậy, những tín hiệu về thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines từ chỗ là một đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, chống chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc một cách kịch liệt khi đưa việc phân định lãnh hải ra tòa án quốc tế, thì giờ đây, Philippines dưới sự cầm quyền của tổng thống mới, Rodrigo Duterte, bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu lạnh nhạt với Hoa Kỳ và nhanh chóng xích lại với Trung Quốc, ít nhất là trên phương diện ngôn ngữ ngoại giao.

Có nhiều câu hỏi cho giới quan sát, và một trong những câu hỏi quan trọng nhất đó là tại sao một số nền dân chủ, trong trường hợp này là Philippines, lại có một sự thành công khiêm tốn?

Nhiều người cho rằng nền dân chủ Philippines là thất bại. Đó là một sự thổi phồng. Đối với một nền dân chủ non trẻ, Philippines đã bảo đảm được những cuộc bầu cử tương đối tự do. Về mức độ tự do đối với báo chí và các sinh hoạt dân sự, dù thua Thái Lan, Indonesia, Campuchia, và Malaysia, Philippines hơn hẳn các nước còn lại trong khu vực, kể cả Singapore và bỏ xa Việt Nam.

Nền dân chủ của Philippines không hẳn là thất bại, nhưng những quan sát cho thấy rằng nó đang bị kẹt giữa những định chế khiến cho các giá trị và hệ thống dân chủ ở đây không thể nở rộ và phát triển. Mà một trong những trở ngại lại nằm ở chính mô hình tổng thống.

Philippines theo thể chế chính trị tổng thống. Trong một hệ thống chính trị như vậy, các chính trị gia cá nhân cùng với một nhóm nhỏ phe cánh của mình đóng một vai trò quyết định trong việc chạy đua vào chiếc ghế tổng thổng. Chỉ cần một sự ủng hộ đủ lớn của người dân, ứng cử viên đã có thể thắng và nắm trọn quyền hành pháp trong tay, không như trong các hệ thống chính trị đại nghị, chủ tịch đảng phải bảo đảm các ứng viên đảng mình chiếm một đa số hoặc liên minh đủ đa số trong quốc hội để nắm quyền lập chính phủ. Chính vì vậy mà các hệ thống chính trị theo mô thức tổng thống đặt nặng vấn đề cá nhân và xây dựng hình ảnh cá nhân của các ứng viên, còn các hệ thống chính trị theo mô thức đại nghị lại tập trung vào việc xây dựng đảng phái, đào tạo thành viên, và liên kết hỗ trợ giữa các thành viên.

Điểm yếu của hệ thống chính trị tổng thống là khi đặt nặng vai trò của các cá nhân. Các cá nhân biết rằng họ có thể thành công mà không cần một sự hỗ trợ nhiều từ phía đảng. Vì lí do đó mà hệ thống đảng trong các hệ thống tổng thổng khá lỏng lẻo và yếu khi so với hệ thống đảng trong hệ thống chính trị kiểu đại nghị. Một hệ thống đảng phái yếu đến lượt nó dẫn đến một hệ quả là các cá nhân ứng cử viên phải có tiềm lực về mối quan hệ, tiền bạc và sự nổi tiếng để có thể ra ứng cử. Đó là một rào cản rất lớn cho bất cứ những cá nhân xuất sắc nào mà thiếu một trong ba tiêu chuẩn đó. Ngược lại, ba tiêu chuẩn rào cản đó lại giúp hình thành nên một hệ thống chính trị đôi khi bị què quặt.

Philippines là một ví dụ. Có ba nhóm người có tiềm năng thỏa mãn được ba đòi hỏi về quan hệ, tiền bạc, và sự nổi tiếng để có thể ra ứng cử. Đó là con cháu của những gia đình chính trị giàu có, là một thiểu số các ngôi sao hay nghệ sĩ rất nổi tiếng và giàu có, và những cá nhân rất xuất sắc và quan hệ rất rộng thuộc tầng lớp trung lưu nhận được nhiều sự ủng hộ. Ba nhóm người này là thành phần chính đóng vai trò cầm nắm các vị trí dẫn dắt quốc gia. Trong một nước đang phát triển như Philippines, vận động tranh cử là một công việc khá tốn kém, vượt quá khả năng của nhiều cá nhân thuộc tầng lớp trung lưu. Chính vì vậy, kết quả là các vị trí dẫn dắt quốc gia đa số rơi vào tay các cá nhân của các gia đình chính trị, hay còn được gọi là các triều đại chính trị (political dynasties). Những thống kê cho thấy có đến khoảng 50% những dân biểu và thống đốc có người thân từng nắm giữ những vị trí trong chính quyền trước đây. Đó là một con số khá lớn, khi so với Mỹ với tỉ lệ 8.7% và Nhật khoảng 25-30%.

Những triều đại chính trị của Philippines nắm giữ một tỉ lệ 50% các vị trí quan trọng trong chính phủ đồng nghĩa với việc hệ thống chính trị và hướng đi của quốc gia chịu sự tác động to lớn, nếu không là bị dẫn dắt, bởi một nhóm nhỏ những gia đình có thế lực chính trị. Một hệ thống như vậy, do đó, đẩy những cá nhân ưu tú thuộc tầng lớp trung lưu, mà nhiều trong số đó có viễn kiến, đứng bên lề của xã hội.

Diễn đàn chính trị bị thao túng. Và đến lượt nó, những thế lực thao túng mị dân bằng đủ các chiêu bài. Mới nhất là chiêu bài diệt trừ các băng đảng buôn bán ma túy.

Kể từ cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5 đưa Rodrigo Duterte lên cầm quyền, mà một trong các khẩu hiệu của ông là chấm dứt tội phạm. Trong hai tháng đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống, cảnh sát đã báo cáo rằng các chiến dịch trấn áp đã giết chết tổng cộng 2.446 người bị tình nghi liên quan đến mua bán ma túy mà không trải qua bất cứ một cuộc xét xử hợp pháp nào.

Philippines sẽ thay đổi chiến lược ngoại giao của mình như thế nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và chiến lược trấn áp tội phạm ma túy của Philippines sẽ thành công tới đâu, đó là những điều chúng ta sẽ quan sát trong những ngày sắp tới.

Cuối cùng, có một bài học từ hệ thống chính trị Philippines đó là nếu có một kinh nghiệm trong dựng xây các thể chế dân chủ thì đó sẽ là đừng chọn lựa một mô hình tổng thống. Tuy vậy, nếu một thể chế chính trị theo mô thức đại nghị thuần túy, bầu chọn các ghế vào quốc hội theo tỉ lệ số phiếu, vốn dựa chủ yếu trên hệ thống các đảng phái và việc bè phái trong chính các đảng phái có thể triệt tiêu đi các cá nhân xuất sắc thì hệ thống chính trị Đức nơi dành một nửa số ghế trong quốc hội cho việc bầu theo tỉ lệ và một nửa số ghế còn lại bầu theo phương thức đơn danh một vòng là một mô hình đáng tham khảo.

OL, 17.9.2016

-------------------

Tham khảo :

Y. Asako, T. Iida, T. Matsubayashi, and M. Ueda. 2015. Dynastic politicians: Theory and evidence from japan. Japanese Journal of Political Science.

E. Dal B´o, P. Dal B´o, and J. Snyder. 2009. Political dynasties. The Review of Economic Studies.

P. Querubin. 2013. Family and politics: Dynastic incumbency advantage in the Philippines.

Đề tài luận án tiến sỹ

Mình có nhiều người quen. Họ rất sùng bái chủ nghĩa cộng sản và các lãnh tụ cộng sản. Không phải họ ít học. Vì họ du học ở Tây phương và nhiều người có bằng tiến sỹ nghiêm chỉnh. Cũng không phải họ ít đi, vì họ học ở châu Âu và cả Mỹ, hàng năm đi du học và du lịch khắp nơi. Với họ, chủ nghĩa cộng sản luôn đúng và những người lãnh tụ, nhất là đời trước, luôn đúng. Ai mà cãi lại họ khi cho rằng các lãnh tụ cộng sản gây bao tai họa chết người cho dân tộc thì họ cãi lại rằng các lãnh tụ tư bản cũng gây chết người trong các chiến tranh.

Chỉ có một điều lạ là dù cho ủng hộ cộng sản và không ưa phương Tây, nhưng tất cả họ không ai chọn sang các nước cộng sản như Triều Tiên, Cu Ba hay Trung Quốc học cả. Họ chọn sang Mỹ, châu Âu hay Úc. Và học xong, họ xin ở lại luôn các nước này, chứ không về định cư ở Việt Nam hay các nước cộng sản khác. Thật ngạc nhiên. Họ ủng hộ chủ nghĩa cộng sản bằng miệng và chọn học và sống ở nước theo chủ nghĩa tư bản bằng cái bụng và cái đầu. Có điều là họ ít khi đặt câu hỏi tại sao chủ nghĩa tư bản thành công và được nhiều người chọn lựa, ít ra là so với chủ nghĩa cộng sản.

Già có và trẻ có. Một kinh nghiệm là đừng phê bình chủ nghĩa cộng sản và các lãnh tụ trước mặt họ hay cố gắng thay đổi quan điểm của họ. Vì nó là vô ích.

Cho đến nay tôi không hiểu tại sao họ lại nghĩ vậy và có thực là trong đầu họ vẫn còn tin chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa đúng. Đã sang năm 2016 rồi, và tôi nghĩ đây quả thực là một đề tài xã hội học hoặc thần kinh học đáng để nghiên cứu nghiêm túc.

OL, 2.9.2016 

15.9.16

Sự bàng quan và những thảm họa

Chiều, facebook hiện lên hình ảnh những người dân ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh chặn một xe ô tô của một anh và nhờ anh kiểm tra hộ xem nước dùng có an toàn không. Đa phần người dân ở đây dùng nước giếng khoan và Kỳ Anh, Hà Tĩnh là vùng bị thiệt hại nặng nề nhất trong vụ nhiễm độc gây ra bởi Formosa. Trong suốt những tháng qua, bắt đầu xuất hiện hiện tượng người dân mắc bệnh và lở loét thường xuyên hơn.

Nước biển nhiễm độc, sau đó ảnh hưởng đến sự nhiễm độc của các con sông đổ ra biển và cuối cùng lan vào các mạch nước ngầm. Đó là những luận suy dễ dàng có được. Tuy vậy, phải đến khi bệnh tật của người dân diễn ra một cách thường xuyên và khốc liệt thì người dân mới thấy hết được hậu quả khủng khiếp của tình trạng nhiễm độc.

Khi mà biển không còn kiếm sống được và nước cũng không còn uống được thì vùng đất đó không còn gì để sống. Biển không những đã chết mà đất cũng chết theo. Tất cả người dân vùng này rồi cuối cùng sẽ phải chọn lựa rời bỏ nhà cửa, quê hương để trôi dạt vào những vùng đất khác, nếu họ không muốn chịu số phận đợi chờ những cơn bệnh sớm ập đến. Nhưng họ sẽ đi đâu và lấy gì để đi? Hay họ sẽ sống mòn đợi ngày lụi tắt? Có thể lắm. Có thể rằng những người trẻ sẽ ra đi kiếm tìm những cơ hội và để lại những người già – những người nghĩ rằng đằng nào rồi mình cũng gần đất và đi xa chi cho cực, cực mình và cực con cháu.

Cách đây không lâu, trong câu chuyện có thực từ một gia đình ở vùng này mà tôi đọc được. Một gia đình nghèo, không đủ tiền mua thịt để ăn, nên họ mua cá, không biết rằng cá có nhiễm độc hay không. Để chắc chắn, những người già sẽ ăn cá trước vì lỡ khi có bị nhiễm độc và chết đi thì cũng dễ chịu hơn là những đứa trẻ -- những sinh linh còn một tương lai và hi vọng phía trước. Những người già ăn trước và kế đến là những người trẻ, như những lồng chim yến được thả xuống những hầm mỏ than kiểm tra mức độ độc của khí hầm mỏ trước khi những người thợ bước xuống. Nhưng cá bị nhiễm độc thì tùy mức độ, có thể không gây chết người, nhưng sẽ để lại những di chứng về sau. Để rồi giờ đây, cá và nước có thể không khiến những con người chết ngay lập tức nhưng để lại những cơ thể sống lay lắt với bệnh tật.

Người dân dường như bất lực. Chính quyền trung ương xa quá, còn chính quyền địa phương thì đùn đẩy cho chính quyền trung ương. Chính quyền địa phương thì lưu manh còn chính quyền trung ương thì vô trách nhiệm. Nhưng dùng chữ lưu manh có khi còn quá nhẹ, bởi vì với những hộ ngư dân nghèo đói, trung ương hỗ trợ họ vài chục ký gạo mỗi gia đình, mà chính quyền còn đưa họ những bao gạo mốc meo xanh um. Gia súc có lẽ còn chê huống chi người. Trong khi đó, cho tới nay, chính quyền trung ương không có một lời xin lỗi hay một sự cảm thông. Các trợ cấp hầu như rất nhỏ giọt và yêu cầu của người dân đòi dừng lại dự án Formosa hoặc một điều tra nghiêm túc về quy trình xả thải hay mức độ an toàn của nước biển đều chỉ là những lời hứa. Bà quan chức Nguyễn Thị Hải Vân trong Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội thậm chí còn đưa ra một phát biểu xanh rờn rằng dân ở đây không có thất nghiệp, vì hễ thất nghiệp là họ sẽ đi kiếm việc làm khác để sống. Mà không kiếm việc làm khác sao được, vì không làm thì lấy gì mà bỏ vào cái bụng và nuôi mấy miệng ăn nheo nhóc ở nhà? Có chăng là cái việc khác bây giờ không còn được yên bình như cái ngày chưa có Formosa. Đó là những công việc cơ cực hơn, bấp bênh hơn, và thậm chí phải tha hương để kiếm những đồng tiền còm cõi nuôi cha mẹ già và những đứa con dại. Không ai lại muốn cảnh sống như vậy, đó là những cuộc đời bất đắc dĩ.

Đứng trước những nghịch cảnh như vậy, nhiều người có tấm lòng bao dung đã thực hiện những chuyến giúp đỡ từ thiện. Đó là những việc đáng trân trọng và hoan nghênh. Nhưng cho đến những phút giây cuối cùng của mỗi ngày, có một câu hỏi lớn hơn rằng những chuyến từ thiện sẽ tiếp tục kéo dài đến bao lâu và đâu là nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề. Đó có phải là bởi vì chúng ta đã thỏa mãn với những gì hiện có mà im lặng với những bất công và những thảm họa tiềm năng? Hay bởi vì chúng ta đã nghĩ rằng đó là những điều chẳng liên quan gì đến mình, mà một việc lên tiếng là không cần thiết? Hay bởi vì chúng ta đang sống ở một hiện tại và chấp nhận nó như một thực tại, không nghĩ đến một phương cách nào khác để thay đổi hay cải tiến nó tốt đẹp hơn? Hay bởi vì chúng ta nghĩ rằng chúng ta sống là vì chúng ta sống, không nghĩ rằng chúng ta đang sống vì bất cứ điều gì?

Và nếu chúng ta cứ tiếp tục một lối sống lặng yên và bàng quan như vậy, có lẽ không chỉ có sự sụp đổ của các tập đoàn từ Vinashin đến Vinalines, sự hủy hoại môi trường và phá sản của các dự án bô-xit Tây Nguyên, thảm họa biển chết Formosa, sự sụp đổ sắp tới của tập đoàn dầu khí Việt Nam, mà đó sẽ là một dự án thép khủng hơn nữa của tập đoàn Hoa Sen ở Cà Ná, Ninh Thuận dùng công nghệ Trung Quốc và đặt dấu chấm hết cho cái chết của biển Việt Nam.

OL,11.9.2016


Nguồn ảnh: facebook Ha Thanh.

Hãy cùng lên tiếng chấm dứt dự án thép Hoa Sen - Cà Ná, Ninh Thuận



Khi mỗi người trong chúng ta im lặng và chấp nhận những điều diễn ra như một sự phó thác rằng mình bất lực thì đó sẽ là lúc chúng ta đợi chờ đón nhận những tai họa.

Khi những người cầm đầu chính phủ triển khai những quả đấm thép tập đoàn, ngoại trừ một thiểu số chuyên gia lên tiếng, tất cả người dân hầu như bàng quang. Cuối cùng để lại là sự sụp đổ và một núi nợ mà người dân phải gánh.

Khi chính phủ triển khai những dự án bô-xít ở Tây Nguyên, ngoại trừ một thiểu số trí thức và vài con người dũng cảm, một đa số lặng im, vì Tây Nguyên quá xa xôi và vì họ cảm thấy bất lực. Giờ đây chúng ta đang đóng những đồng tiền thuế, thay vì để đầu tư vào y tế và giáo dục, được dành để bù lỗ cho những công ty khai thác quặng nhôm chưa biết đến bao giờ phải đóng cửa và chứng kiến sự hủy hoại môi trường ở Tây Nguyên.

Khi chính phủ thông qua dự án khu công nghiệp thép Formosa, một lần nữa, ngoại trừ những trí thức hiếm hoi – những con người nhỏ bé, dũng cảm và có lòng, hầu như tất cả đều chẳng màng và lên tiếng chưa đủ. Để rồi giờ đây đất nước cùng gánh một thảm họa, biển chết và người dân mất kế mưu sinh. Phải còn rất rất lâu với nhiều đầu tư và cải tạo mới may ra vực lại sự sống ở biển miền Trung, ít nhất cũng phải hơn một chục năm nữa. Trong khoảng thời gian đó, những người làm nghề biển ở miền Trung, những người làm nghề du lịch hay buôn bán nhờ khách du lịch sẽ phải nghỉ và chọn những kế mưu sinh khác. Vất vả hơn, và khó khăn hơn. Họ sẽ lặng im như muôn đời, có chăng là oán trách những người có trách nhiệm ở những lúc trà dư tửu hậu nơi bàn nhậu hay quán cà phê. Để rồi sau đó lại bắt đầu công việc mưu sinh, kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Họ biết nhưng vì nghĩ rằng không thể làm gì để thay đổi, nên biết kêu ai?

Nhưng có lẽ rồi cuối cùng, chúng ta phải thay đổi một ý thức nếu chúng ta muốn thấy có một tương lai cho đất nước mình và chính mình. Vì khi im lặng là lúc chúng ta lặng im đón nhận những thảm họa.

Và dưới đây là một dự án mới tiềm ẩn trong mình một thảm họa có lẽ kinh hoàng hơn, đó là chấm dứt sự sống của biển Việt Nam, từ Bắc vô Nam, đó là dự án khu công nghiệp thép Hoa Sen – Cà Ná ở Ninh Thuận.

Ngày 28/6/2016, giới lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã ra thông báo đồng ý chủ trương xây dựng khu công nghiệp Cà Ná, dự án cán thép Hoa Sen – Cà Ná, và cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tiếp theo đó, lãnh đạo tỉnh này đã giao các sở ngành, địa phương rà soát lại các quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai dự án này. Song song, các vị lãnh đạo tỉnh sẽ cùng nhà đầu tư chuẩn bị các thủ tục để vận động xin ý kiến thông qua từ các cấp thẩm quyền, chủ yếu là từ Trung ương.

Và nếu dự án được thông qua, đây có thể sẽ là một thảm họa kế tiếp của Việt Nam. Và lần này không chỉ giết chết biển miền Trung và nền kinh tế biển miền Trung như thảm họa do Formosa gây ra, mà nó sẽ đặt dấu chấm hết cho sự sống của biển Việt Nam, từ Bắc vô Nam, từ Hà Tĩnh vào Bình Thuận, và đẩy nền kinh tế Việt Nam vào một vị trí khó mà có thể hồi phục.

Theo văn bản gửi cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, dự án cán thép của tập đoàn Hoa Sen có công suất lên đến 16 triệu tấn/năm, với tổng diện tích cần triển khai là 1.500 ha. Để có một sự so sánh, dự án thép của Formosa chiếm một diện tích 3.300 ha, và trong giai đoạn một dự kiến sản xuất 7 triệu tấn/năm, khi mở rộng sang giai đoạn hai có thể nâng công suất lên 22 triệu tấn/năm. Đó còn là chưa kể những xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng từ đường cao tốc, đường bộ, đường sắt và cảng biển để có thể vận hành một khu công nghiệp thép. Những chi phí đó chính phủ phải bỏ ra và đó là một khoản đầu tư lớn.

Hãy khoan nói đến những con số về kinh tế khi nền kinh tế thế giới đã chững lại từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ trong một trạng thái chung được gọi là «sự trì trệ kéo dài» (secular stagnation) dẫn đến giá thép thế giới đã chững lại, kéo theo lợi nhuận của những doanh nghiệp thép ít đi và mức thuế đóng cho chính phủ sẽ giảm sút. Có một chỉ số đặc biệt quan trọng hơn nhiều khi cấp phép đầu tư một dự án, đó là môi trường. Đó là đất, là nước, là không khí, là cảnh quan nơi người dân đang sống và hưởng thụ, đó cũng chính là sức khỏe của người dân. Vì lẽ đó mà những cấp lãnh đạo cho dù biết những dự án gây ô nhiễm có hại cho sức khỏe người dân mà vì lợi ích cá nhân của mình thông qua những dự án như vậy thì họ chính là những người một cách trực tiếp phạm tội đầu độc nhân dân. Khó có một bản án nào đủ lớn để có thể trả hết tội cho những hành động như vậy, vì đây không phải là một hành động gây độc cá nhân riêng rẽ, mà nó ảnh hưởng đến cả một cộng đồng và một phần của đất nước.

Những số liệu so sánh giữa hai khu công nghiệp thép Hoa Sen – Cà Ná và Formosa cho thấy Hoa Sen – Cà Ná là một dự án qui mô không kém gì so với Formosa. Và do đó, những ô nhiễm gây ra bởi dự án thép ở đây sẽ tác hại không ít hơn bao nhiêu những gì chúng ta đã chứng kiến trong những tháng qua ở biển miền Trung.

Cái may mắn của thảm họa Formosa ở chỗ là cho đến nay, vùng biển từ Phú Yên đến Ninh Thuận, có thể nói là vùng biển với những cảnh quan đẹp nhất nước, chưa có dấu hiệu rõ rệt của sự tác động bởi thảm họa ô nhiễm biển bởi Formosa, hoặc ít ra là mức tác động chưa đủ lớn. Nhưng một khi dự án thép Hoa Sen – Cà Ná được dựng lên, những ô nhiễm sẽ lan tỏa kéo dài từ Bình Thuận đến Nha Trang. Lúc đó du lịch biển Việt Nam và các ngành nuôi trồng hải sản Việt Nam sẽ đặt dấu chấm hết. Đó không còn là một dự đoán mà sẽ là một hiện thực, vì khó có thể nào kiểm soát một dự án thuộc một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất khỏi gây ô nhiễm môi trường Việt Nam trong điều kiện quản lý hành chính lỏng lẻo và lạm quyền như hiện nay.

Một quốc gia biển nhưng tất cả biển sẽ bị đầu độc và hải sản không thể ăn được nữa sẽ là một hiện thực nếu chúng ta không cùng lên tiếng chấm dứt dự án thép Hoa Sen – Cà Ná. Formosa là một bài học nhãn tiền. Và trước mắt, hãy ghi lại tên của các lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và của tập đoàn Hoa Sen. Đó là các ông Nguyễn Đức Thanh, bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh, chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, và ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen. Hãy chặn ngay hành động có dấu hiệu phá hoại môi trường và đầu độc nhân dân của họ lại.

OL, 8.9.2016

Ảnh: Bãi biển Ninh Thuận. Nguồn: Internet. 






1.9.16

Niềm tin và Chính phủ Việt Nam

Nguồn: Internet.

Dạo trước, nhìn cảnh dân Venezuela xếp từng hàng dài chỉ để mua cho mình từng cuộn giấy toa-lét, bạn hỏi mình tại sao họ không sản xuất nổi một cuộn giấy toa-lét? Không phải là họ không biết cách sản xuất hay cần công nghệ gì ghê gớm, vấn đề là ngày xưa họ đã từng sản xuất và sao bây giờ tất cả hầu như đã đóng cửa. Và đâu là nguyên nhân cuối cùng của mọi nguyên nhân?

Câu trả lời đơn giản nằm chỉ ở thị trường và niềm tin. Khi một doanh nhân cảm thấy không có lợi khi tiếp tục vận hành nhà máy anh ta sẽ ngay lập tức đóng cửa nó để dành tiền đầu tư vào các khoản khác có lợi hơn, hoặc ít nhất là bảo tồn vốn. Những doanh nghiệp sản xuất giấy toa-lét đóng cửa vì họ cảm thấy kinh doanh không có lời, theo một nguyên tắc thị trường.

Nhưng đó chỉ mới là hiện tượng bề nổi. Cái gốc rễ của vấn đề là niềm tin của giới doanh nhân và người dân nói chung đến sự điều hành và chính sách của nhà nước. Khi Venezuela bắt đầu các chương trình quốc hữu hóa cũng đồng thời là lúc các doanh nhân bắt đầu rục rịch chuyển các tài sản giá trị hoặc ra ngoại quốc hoặc dưới các dạng các đầu cư khác nhau để bảo tồn tài sản của mình. Tài sản thay vì đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh bắt đầu chuyển thành tài sản bất động dưới dạng các khoản đầu cơ. Hậu quả là nền sản xuất chậm lại và suy thoái. Đối phó với sự suy thoái chính phủ cho rằng các doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và không vì mục tiêu phục vụ nhân dân, chính phủ tiếp tục quốc hữu hóa các doanh nghiệp để nhằm duy trì sản xuất và phục vụ nhân dân. Hậu quả là tiếp tục đẩy các doanh nhân khác vội vã rút chạy khỏi thị trường. Để lại một nền kinh tế không còn khả năng sản xuất. Và khi mà cùng một lượng tiền không đổi tiếp tục lưu hành trong thị trường mà lượng hàng hóa đã sụt giảm nghiêm trọng thì lạm phát tăng vọt lên. Vòng xoáy cứ thế kéo mãi và đẩy Venezuela thành một nền kinh tế phá sản.

Câu chuyện của Venezuela để lại một bài học lớn lao về niềm tin và điều hành chính sách ở tầm mức quốc gia. Chỉ cần một sự duy ý chí có thể đẩy một quốc gia một thời từng là một nước giàu có chỉ trong một thập kỷ ngắn ngủi trở thành một bãi hoang.

Ở Việt Nam, những ngày này bắt đầu nổi lên câu chuyện về rau sạch và thực phẩm sạch nói chung và giá cả đắt đỏ. Với nhiều người, sẽ là một sự ngạc nhiên ở một nước nông nghiệp và số người làm nông nghiệp chiếm đa số mà người dân không thể có nổi những thực phẩm sạch với giá vừa phải để dùng. Đâu là nguồn gốc của vấn đề?

Không khó để nhận ra vấn đề Việt Nam đang đối phó ngày hôm nay không khác vấn đề Venezuela đã và đang phải đối mặt, dù ở một tầm mức nhẹ hơn, đó là niềm tin. Giới doanh nhân ít có một niềm tin đủ lớn vào chính phủ để có thể bỏ hết vốn liếng ra đầu tư kinh doanh, vì có quá nhiều rủi ro khi kinh doanh trong dài hạn. Đó là những rủi ro về lạm phát cao, đồng tiền phá giá so với đồng đô-la Mỹ, rủi ro bị tịch thu đất đai hay tài sản, luật pháp không nghiêm minh, các nhiêu khuê về hành chính…

Những ví dụ đó hãy còn quá mới để người dân có thể quên. Đó là chưa kể đến những hành động bạo lực trong bắt bớ những người bất đồng chính kiến và gán ghép cho những án tù bất kể công lý. Hay nói lấy được trong các phát ngôn về sự an toàn của biển miền Trung mà bất chấp hậu quả của người dân. Chỉ cần nhìn ở hai điều này, nhiều người sẽ nhận ra rằng đây là một chính quyền vừa không tôn trọng luật pháp và nhân dân, vừa không tạo ra được một niềm tin trong nhân dân. Thì với những doanh nhân, làm sao thuyết phục được họ bỏ vốn ra đầu tư? Vì một khi chính phủ không giữ uy tín với nhân dân thì làm sao chính phủ có thể giữ uy tín trong các chính sách và cách đối xử với giới doanh nhân -- cũng chính là nhân dân?

Trong một môi trường như thế, cách các doanh nhân chọn lựa, do đó, là đầu tư nhanh và nếu có tình hình bất lợi thì lập tức rút vốn. Với những doanh nghiệp sản xuất, đối phó với các rủi ro, họ sẽ đưa các chi phí rủi ro vào giá cả, chẳng hạn họ sẽ tăng mức giá bán để cho ra lợi nhuận cao hơn nhằm điều chỉnh với lạm phát và phá giá tiền Đồng. Để rồi cuối cùng người chịu thiệt hại chính là những người tiêu dùng.

Với những người thiếu hiểu biết, họ sẽ cho rằng cứ tiếp tục bắt bớ những người bất đồng chính kiến hay gian dối về các phát ngôn trong khi đó chỉ cần tuân thủ các cam kết chính sách về kinh tế là đủ. Nhưng một khi chính quyền không tạo ra một niềm tin nơi nhân dân, một chính sách đưa ra thực thi may ra chỉ có được một nửa tác dụng. Người dân, đặc biệt là giới đầu tư, luôn nhìn chính quyền với nửa con mắt của cảnh giác. Vì với những nhà đầu tư, làm sao có thể tin được một chính quyền gian dối bằng sự trọn vẹn của trái tim?

Trong những tháng đầu của năm tới đây, Việt Nam dưới sự trợ giúp của International Finance Corporation sẽ đưa vào vận hành sàn giao dịch trái phiếu đầu tiên và sau đó sẽ cần tới sự phát triển các công ty đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp mà từ đó mới có thể định giá trái phiếu doanh nghiệp. Đó là những bước đi đúng nhằm phát triển thị trường tài chính giúp vận động tài chính cho các doanh nghiệp. Nhưng sự phát triển của các công ty đánh giá tín nhiệm, hay muốn có một sự cam kết đầu tư lâu dài nhiều hơn từ các tổ chức và nhân dân, bắt buộc chính phủ phải xây dựng một niềm tin, để từ đó mới tạo được một niềm tin trong chính sách. Và để có được niềm tin đó thì các hành động phải nhất quán, không chỉ có trong kinh tế, mà còn ở các hành xử chính trị. Bằng không, khi không có một niềm tin, sự sụp đổ và lụn bại sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Venezuela đã đưa ra một ví dụ.

OL, 26.8.2016

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Internet.

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ do một nhóm trong quân đội khởi xướng ngày 15/7/2016 cuối cùng đã kết thúc. Sau vài giờ chiếm giữ một vài trụ điểm quan trọng và ban hành thiết quân luật, sự phản công của phe ủng hộ tổng thống cùng với sự xuất hiện của chính ông tổng thống phát biểu qua facetime, được đài truyền hình tư nhân CNN Turk truyền lại kêu gọi người ủng hộ xuống đường, đã giúp đẩy lui được lực lượng đảo chính, giành lại quyền kiểm soát đất nước và buộc lực lượng đảo chính đầu hàng chỉ sau vài giờ.

Có vài câu hỏi. Đâu là những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ và nó có nguồn gốc lịch sử ra sao. Recep Tayyip Erdogan lên nắm chính quyền như thế nào, thực hiện những chính sách gì, và đâu là những ảnh hưởng của nó. Phong trào Gulen là gì. Và cuối cùng, đâu là điều chúng ta nên học.

HÌNH THÀNH NHÀ NƯỚC THỔ NHĨ KỲ HIỆN ĐẠI

Năm 1923, Mustafa Kemal Ataturk, người thường được dân Thổ Nhĩ Kỳ gọi là vị cha lập quốc nên nước Thổ hiện đại, đã vứt bỏ tất cả những tàn tích hàng thế kỷ có từ thời Đế chế Ottoman và dựng nên một nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lấy cảm hứng từ các giá trị và mô hình của Tây phương. Trong mô hình chính quyền được dựng lên bởi Kemal Ataturk, phụ nữ được quyền bỏ phiếu, chữ viết được chuyển sang kí tự Roman, dùng hệ thống luật lệ kiểu phương Tây, cùng với sự thiết lập một hiến pháp phân chia quyền lực giữa các nhánh và đặt quyền lực của quốc hội lên trên hết.

Với đa số tầng lớp nhân dân theo Hồi giáo, nhà nước Thổ hiện đại là một nhà nước thế quyền hiện đại kiểu phương Tây, đặt hệ thống quản trị và những ảnh hưởng của Hồi giáo sang một bên, cai trị dựa trên luật pháp, và những thay đổi là được áp đặt từ trên xuống. Nếu như so sánh với quyền bầu cử dành cho phụ nữ ở Anh chỉ đến năm 1918 mới được luật hóa, thì quyền bầu cử trao cho phụ nữ ở một nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ ở những năm 1923 cho thấy được sự tiến bộ và tầm nhìn của Mustafa Kemal Ataturk. Một thành công khác của Atarturk là đã giúp dẫn dắt đất nước Thổ Nhĩ Kỳ tránh được cả hai họa cộng sản và phát xít trong những năm thập niên 1930.

Sự áp đặt nhà nước thế quyền hiện đại của Kemal Ataturk đã giúp hình thành nên một tầng lớp trí thức người Thổ mới, nắm giữ các chức vụ trong chính quyền, quân đội, và xã hội, bắt đầu hình thành nên một xã hội thế quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước Thổ hiện đại sau đó gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1945, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1952, và mô hình nhà nước thế quyền dân chủ bắt đầu bén rễ.

Một yếu điểm của việc áp dụng mô hình thế quyền và các tiêu chuẩn phương Tây vào xã hội Thổ là, một cách gián tiếp, làm mờ đi các giá trị và đức tin Hồi giáo vốn đã trở thành phần cốt lõi trong đời sống văn hóa và tinh thần của xã hội Thổ.

Bên dưới mô hình nhà nước thế quyền cứng nhắc là một xã hội Thổ chia rẽ, giữa một bên là giai cấp thiểu số ưu tú – những người được đào tạo tử tế, giữ các vị trí quan trọng trong xã hội và sống lối sống Tây phương – và bên dưới là tầng lớp bình dân -- những người ít học, sống nghèo khổ ở các làng mạc hẻo lánh, giữ các giá trị truyền thống và tôn giáo. Và để tăng ảnh hưởng của mình, các đảng chính trị bắt đầu chia sẻ các giá trị Hồi giáo để duy trì sự ảnh hưởng đến các cử tri bình dân.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA RECEP TAYYIP ERDOGAN VÀ ĐẢNG AK

Năm 1999, Recep Tayyip Erdogan, một chính trị gia trẻ và một thị trưởng thành công của Istanbul, bị tù vì những tội liên quan đến kích động tôn giáo. Ra tù năm 2001, ông cùng với các thành viên khác thành lập nên đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) cầm quyền chủ trương một ý thức hệ tôn giáo chính trị mang tính bao dung và tự do.

Sự thất bại của các đảng chính trị thế tục trong suốt một thập kỷ, mà một điển hình là năm 2001 đồng tiền Thổ bị mất giá đi một nửa chỉ trong vài tháng, cuối cùng, người dân chuyển sự chọn lựa sang đảng AK, với hi vọng về một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới hòa giải trong về niềm tin tôn giáo, tự do chính trị và một chính quyền thành lập theo hiến pháp nhằm mang lại thịnh vượng cho quốc gia sau hàng thập kỷ.

Chính phủ mới sau đó thực hiện các cải cách kinh tế và tài chính, giảm lạm phát, thực hiện các nỗ lực để tham gia Liên minh châu Âu (EU) và chỉ trong vài năm đã giúp tăng gấp ba lần mức thu nhập quốc gia.

CHÍNH SÁCH CỦA RECEP TAYYIP ERDOGAN VÀ ĐẢNG AK

Những cải thiện kinh tế sau đó đã cho phép Erdogan và đảng AK có được những ủng hộ của cử tri, làm tiền đề để Erdogan và đảng AK mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, bắt đầu thực hiện những chính sách hướng đến một nhà nước độc tài và tôn giáo.

Các chính sách cai trị của Erdogan và đảng AK đã đi quá xa so với các nguyên tắc định hình nên một nhà nước Thổ dân chủ và thế quyền, đặt nền móng bởi Kemal Atarturk. Nếu như nhà nước dân chủ thế quyền khởi xướng bởi Mustafa Kemal Atarturk đặt nền móng trên sự cân đối và kiểm soát quyền lực, quản trị dựa vào luật lệ, bảo vệ quyền của các cá nhân chống lại nhà nước, và đặc biệt là tách bạch giữa nhà nước và tôn giáo, thì Erdogan theo đuổi các chính sách hầu như là ngược lại, bao gồm: thâu tóm quyền lực, làm mất đi sự kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa các nhánh quyền lực trong chính quyền, không công nhận tự do báo chí, không cho phép quyền của các cá nhân chống lại chính phủ, và giới thiệu các giá trị tôn giáo vào hệ thống nhà nước.

Năm 2012, chính quyền bắt đầu thanh lọc quân đội thông qua các bản án bỏ túi. Cùng lúc, chính quyền tăng cường thâu tóm báo chí, kiểm soát truyền thông. Năm 2013, chính quyền cho đàn áp cuộc biểu tình chống chính phủ độc tài. Năm 2014, chính quyền vứt bỏ các bản án gán cho các gia đình các bộ trưởng vì tội tham nhũng, trong đó có cả con trai của Erdogan, và cùng lúc tuyên án Fetullah Gulen tội thành lập nhà nước song song, đòi dẫn độ Fetullah Gulen, vốn đang tị nạn ở Hoa Kỳ, và bắt đầu thanh trừng các thành viên của phong trào Gulen ở trong chính phủ. Năm 2015, chính quyền cáo buộc các giáo sư đại học về tội làm phản vì khuyến nghị chính phủ khởi động lại tiến trình thương thảo hòa bình với người Kurd. Tháng 7 năm 2016, cơ quan lập pháp cho phép chính phủ quyền bổ nhiệm rộng rãi các thẩm phán ở tất cả các cấp trong hệ thống luật của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền sau đó thay đổi hệ thống giáo dục bằng cách bắt buộc dạy về tôn giáo và thay đổi cả hệ thống quản trị của các trường phổ thông và đại học nhằm làm yếu đi tính thế quyền của hệ thống giáo dục.

PHONG TRÀO GULEN

Sau khi cuộc đảo chính kết thúc Erdogan kết tội giáo sỹ Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính và đòi Hoa Kỳ dẫn độ về Thỗ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, Thỗ Nhĩ Kỳ cũng đã từng đưa đơn kiện và đòi dẫn độ Gulen nhưng cuối cùng tòa án liên bang Pennsylvania hủy bỏ vụ kiện vì không nằm trong quyền phán quyết của tòa.

Phong trào Gulen được dẫn dắt bởi giáo sỹ Fethullah Gulen, một giáo sỹ Sunni ôn hòa, và có hàng triệu người tham gia ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên thế giới.

Giáo sỹ Gulen trước đây vốn là một đồng minh thân cận của chính quyền Erdogan cho tới cuối năm 2013.

Sinh ra và lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông hoạt động rất tích cực trong thập niên 1960, 1970, giảng dạy một nhánh của Hồi giáo Sunni nhấn mạnh đến sự hợp tác và bao dung, và quan trọng là tầm quan trọng của việc duy trì hệ thống giáo dục đứng bên ngoài các trường dạy tôn giáo.

Phong trào Gulen nổi tiếng là nhờ hệ thống các trường học của nó, vốn hiện diện hầu như khắp mọi nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ, lan sang cả Pakistan và thậm chí ở Hoa Kỳ. Các nhóm liên quan đến phong trào Gulen duy trì khoảng hơn 100 trường học ở Hoa Kỳ, chịu sự soi xét của cả hai phía từ những người chống Hồi giáo và cả những cơ quan quản lý chính quyền Mỹ.

Những ngôi trường này tập trung vào việc dạy toán và khoa học, và tránh việc mộ đạo. Họ dùng các chương trình giảng dạy kiểu phương Tây, với các môn học được dạy bằng tiếng Anh, từ toán, khoa học cho tới văn chương Anh. Họ không dạy tôn giáo trong trường học ngoại trừ một lớp học về chủ nghĩa Hồi giáo. Tuy vậy, các trường học kiểu này khác với hệ thống trường tư của Anh ở chổ là ở các ký túc xá, các thầy cô giáo khuyến khích học sinh thực hành Hồi giáo và các thầy cô giáo làm gương trong cuộc sống.

Phong trào Gulen chủ trương một nền dân chủ thế tục và cổ vũ các góc nhìn tiến bộ từ việc bình đẳng giáo dục trong nam nữ, tôn trọng các tôn giáo khác, và lên án Hồi giáo cực đoan.

Mặc dù ủng hộ dân chủ và các tính chất hiện đại, phong trào Gulen chịu sự tấn công của những lực lượng thế tục khi các thế lực thế tục cho rằng một chủ trương Hồi giáo ôn hòa chỉ là một bức bình phong cho việc tuyên truyền và xây dựng một nhà nước Hồi giáo.

Trong thập niên 1980, sau khi các tướng lĩnh kiểm soát lại chính phủ sau cuộc đảo chính quân đội, Gulen bị tố cáo là điều khiển cuộc đảo chính để xây dựng nhà nước Hồi giáo. Gulen chạy trốn khoảng 6 năm, bị bắt, và cuối cùng được thả nhờ có sự can thiệp của thủ tướng lúc bấy giờ Turgut Ozal, người sau này ủng hộ hệ thống trường của Phong trào Gulen.

Năm 1999 Gulen sang Mỹ, lấy cớ là chữa bệnh, và cuối cùng xin tị nạn. Tuy vậy, năm 2000, chính quyền Thổ dưới quyền của thủ tướng chủ trương thế tục Bulent Ecevit gán Gulen tội làm yếu đi chủ nghĩa thế tục của Thổ và âm mưu hình thành nhà nước Hồi giáo.

Năm 2012, Erdogan và đảng AK thắng lợi trong cuộc bầu cử và kiểm soát chính quyền Thổ. Ban đầu Erdogan và các thành viên thể hiện mình là một nhóm Hồi giáo bảo thủ nhưng ôn hòa với một số thành viên chính phủ theo phong trào Gulen. Erdogan và đảng AK hợp tác với Phong trào Gulen theo nghĩa cả hai cùng có lợi. Phong trào Gulen giúp Erdogan và đảng AK tiếp cận được lực lượng cử tri và hệ thống hỗ trợ tài chính nhờ mạng lưới của phong trào và các trường học. Ngược lại, Phong trào Gulen hi vọng nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền mà phát triển, cổ vũ một hệ thống Hồi giáo ôn hòa và chống lại lực lượng những người thế tục.

Tuy vậy, kể từ khi Erdogan bắt đầu kiểm soát được quyền lực, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu tan vỡ. Sự việc bắt đầu với việc xung đột quyền lực giữa hai phe trong một vụ điều tra ở ngay chính cơ quan tình báo trung ương giữa phe cảnh sát và công tố ủng hộ Gulen và phe nhân viên tình báo ủng hộ Erdogan.

Sau đó tháng 11, 2013, Erdogan tuyên bố đóng của các trường dự bị đại học, dạy vào cuối tuần, dành cho các học sinh chuẩn bị thi đại học, mà trong đó một phần tư là được dạy bởi Phong trào Gulen.

Một tháng sau, Zekeriya Oz, một ủy viên công tố được cho là một thành viên của Phong trào Gulen, thực hiện một cuộc điều tra vào các cá nhân trong đó có các con trai của ba bộ trưởng, một thị trưởng thuộc đảng AK, các thương gia, và nhân viên công quyền khác với trát là điều tra tham nhũng nhằm tố cáo chính quyền một cách bất hợp pháp trao đổi vàng với Iran để lấy dầu vốn vi phạm cơ chế cấm vận của thế giới.

Erdogan và đảng AK cáo buộc những thành viên Gulen tìm cách lật đổ Erdogan thông qua các điều tra tham nhũng. Và cuối cùng đưa Gulen vào diện kẻ thù của chính quyền và liệt Phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố. Erdogan và đảng AK bắt đầu các chiến dịch thanh lọc các thành viên Phong trào Gulen ngay sau đó.

LỜI KẾT

Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ giữa ba thế lực chính, lực lượng những người thế tục, Erdogan và đảng AK, và những thành viên của Phong trào Hồi giáo ôn hòa Gulen, và bên cạnh đó là lực lượng của những người Kurd. Cho đến nay chưa biết một cách rõ ràng rằng lực lượng nào lên kế hoạch cho cuộc đảo chính nhằm lật đổ Erdogan. Tuy vậy, sự thất bại của những người chủ trương đảo chính sẽ làm lý cớ để Erdogan và các đồng minh trong đảng AK tiếp tục thanh trừng các nhóm đối lập và tăng cường tập trung quyền lực.

Nếu có một bài học từ Thỗ Nhĩ Kỳ gửi đến các nhà hoạt động chính trị Việt Nam có lẽ là hãy nghĩ đến một mô hình chính trị mà ở đó chống được đảo chính và lũng đoạn quyền lực. Có như vậy thì hệ thống dân chủ mới mãi duy trì, bất kể đảng phái hay cá nhân nào nắm quyền.

DC, 19.7.2016