1.9.16

Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Internet.

Cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ do một nhóm trong quân đội khởi xướng ngày 15/7/2016 cuối cùng đã kết thúc. Sau vài giờ chiếm giữ một vài trụ điểm quan trọng và ban hành thiết quân luật, sự phản công của phe ủng hộ tổng thống cùng với sự xuất hiện của chính ông tổng thống phát biểu qua facetime, được đài truyền hình tư nhân CNN Turk truyền lại kêu gọi người ủng hộ xuống đường, đã giúp đẩy lui được lực lượng đảo chính, giành lại quyền kiểm soát đất nước và buộc lực lượng đảo chính đầu hàng chỉ sau vài giờ.

Có vài câu hỏi. Đâu là những vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ và nó có nguồn gốc lịch sử ra sao. Recep Tayyip Erdogan lên nắm chính quyền như thế nào, thực hiện những chính sách gì, và đâu là những ảnh hưởng của nó. Phong trào Gulen là gì. Và cuối cùng, đâu là điều chúng ta nên học.

HÌNH THÀNH NHÀ NƯỚC THỔ NHĨ KỲ HIỆN ĐẠI

Năm 1923, Mustafa Kemal Ataturk, người thường được dân Thổ Nhĩ Kỳ gọi là vị cha lập quốc nên nước Thổ hiện đại, đã vứt bỏ tất cả những tàn tích hàng thế kỷ có từ thời Đế chế Ottoman và dựng nên một nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lấy cảm hứng từ các giá trị và mô hình của Tây phương. Trong mô hình chính quyền được dựng lên bởi Kemal Ataturk, phụ nữ được quyền bỏ phiếu, chữ viết được chuyển sang kí tự Roman, dùng hệ thống luật lệ kiểu phương Tây, cùng với sự thiết lập một hiến pháp phân chia quyền lực giữa các nhánh và đặt quyền lực của quốc hội lên trên hết.

Với đa số tầng lớp nhân dân theo Hồi giáo, nhà nước Thổ hiện đại là một nhà nước thế quyền hiện đại kiểu phương Tây, đặt hệ thống quản trị và những ảnh hưởng của Hồi giáo sang một bên, cai trị dựa trên luật pháp, và những thay đổi là được áp đặt từ trên xuống. Nếu như so sánh với quyền bầu cử dành cho phụ nữ ở Anh chỉ đến năm 1918 mới được luật hóa, thì quyền bầu cử trao cho phụ nữ ở một nước Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ ở những năm 1923 cho thấy được sự tiến bộ và tầm nhìn của Mustafa Kemal Ataturk. Một thành công khác của Atarturk là đã giúp dẫn dắt đất nước Thổ Nhĩ Kỳ tránh được cả hai họa cộng sản và phát xít trong những năm thập niên 1930.

Sự áp đặt nhà nước thế quyền hiện đại của Kemal Ataturk đã giúp hình thành nên một tầng lớp trí thức người Thổ mới, nắm giữ các chức vụ trong chính quyền, quân đội, và xã hội, bắt đầu hình thành nên một xã hội thế quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Nước Thổ hiện đại sau đó gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 1945, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1952, và mô hình nhà nước thế quyền dân chủ bắt đầu bén rễ.

Một yếu điểm của việc áp dụng mô hình thế quyền và các tiêu chuẩn phương Tây vào xã hội Thổ là, một cách gián tiếp, làm mờ đi các giá trị và đức tin Hồi giáo vốn đã trở thành phần cốt lõi trong đời sống văn hóa và tinh thần của xã hội Thổ.

Bên dưới mô hình nhà nước thế quyền cứng nhắc là một xã hội Thổ chia rẽ, giữa một bên là giai cấp thiểu số ưu tú – những người được đào tạo tử tế, giữ các vị trí quan trọng trong xã hội và sống lối sống Tây phương – và bên dưới là tầng lớp bình dân -- những người ít học, sống nghèo khổ ở các làng mạc hẻo lánh, giữ các giá trị truyền thống và tôn giáo. Và để tăng ảnh hưởng của mình, các đảng chính trị bắt đầu chia sẻ các giá trị Hồi giáo để duy trì sự ảnh hưởng đến các cử tri bình dân.

SỰ XUẤT HIỆN CỦA RECEP TAYYIP ERDOGAN VÀ ĐẢNG AK

Năm 1999, Recep Tayyip Erdogan, một chính trị gia trẻ và một thị trưởng thành công của Istanbul, bị tù vì những tội liên quan đến kích động tôn giáo. Ra tù năm 2001, ông cùng với các thành viên khác thành lập nên đảng Công Lý và Phát Triển (AKP) cầm quyền chủ trương một ý thức hệ tôn giáo chính trị mang tính bao dung và tự do.

Sự thất bại của các đảng chính trị thế tục trong suốt một thập kỷ, mà một điển hình là năm 2001 đồng tiền Thổ bị mất giá đi một nửa chỉ trong vài tháng, cuối cùng, người dân chuyển sự chọn lựa sang đảng AK, với hi vọng về một nước Thổ Nhĩ Kỳ mới hòa giải trong về niềm tin tôn giáo, tự do chính trị và một chính quyền thành lập theo hiến pháp nhằm mang lại thịnh vượng cho quốc gia sau hàng thập kỷ.

Chính phủ mới sau đó thực hiện các cải cách kinh tế và tài chính, giảm lạm phát, thực hiện các nỗ lực để tham gia Liên minh châu Âu (EU) và chỉ trong vài năm đã giúp tăng gấp ba lần mức thu nhập quốc gia.

CHÍNH SÁCH CỦA RECEP TAYYIP ERDOGAN VÀ ĐẢNG AK

Những cải thiện kinh tế sau đó đã cho phép Erdogan và đảng AK có được những ủng hộ của cử tri, làm tiền đề để Erdogan và đảng AK mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình, bắt đầu thực hiện những chính sách hướng đến một nhà nước độc tài và tôn giáo.

Các chính sách cai trị của Erdogan và đảng AK đã đi quá xa so với các nguyên tắc định hình nên một nhà nước Thổ dân chủ và thế quyền, đặt nền móng bởi Kemal Atarturk. Nếu như nhà nước dân chủ thế quyền khởi xướng bởi Mustafa Kemal Atarturk đặt nền móng trên sự cân đối và kiểm soát quyền lực, quản trị dựa vào luật lệ, bảo vệ quyền của các cá nhân chống lại nhà nước, và đặc biệt là tách bạch giữa nhà nước và tôn giáo, thì Erdogan theo đuổi các chính sách hầu như là ngược lại, bao gồm: thâu tóm quyền lực, làm mất đi sự kiểm soát và cân bằng quyền lực giữa các nhánh quyền lực trong chính quyền, không công nhận tự do báo chí, không cho phép quyền của các cá nhân chống lại chính phủ, và giới thiệu các giá trị tôn giáo vào hệ thống nhà nước.

Năm 2012, chính quyền bắt đầu thanh lọc quân đội thông qua các bản án bỏ túi. Cùng lúc, chính quyền tăng cường thâu tóm báo chí, kiểm soát truyền thông. Năm 2013, chính quyền cho đàn áp cuộc biểu tình chống chính phủ độc tài. Năm 2014, chính quyền vứt bỏ các bản án gán cho các gia đình các bộ trưởng vì tội tham nhũng, trong đó có cả con trai của Erdogan, và cùng lúc tuyên án Fetullah Gulen tội thành lập nhà nước song song, đòi dẫn độ Fetullah Gulen, vốn đang tị nạn ở Hoa Kỳ, và bắt đầu thanh trừng các thành viên của phong trào Gulen ở trong chính phủ. Năm 2015, chính quyền cáo buộc các giáo sư đại học về tội làm phản vì khuyến nghị chính phủ khởi động lại tiến trình thương thảo hòa bình với người Kurd. Tháng 7 năm 2016, cơ quan lập pháp cho phép chính phủ quyền bổ nhiệm rộng rãi các thẩm phán ở tất cả các cấp trong hệ thống luật của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền sau đó thay đổi hệ thống giáo dục bằng cách bắt buộc dạy về tôn giáo và thay đổi cả hệ thống quản trị của các trường phổ thông và đại học nhằm làm yếu đi tính thế quyền của hệ thống giáo dục.

PHONG TRÀO GULEN

Sau khi cuộc đảo chính kết thúc Erdogan kết tội giáo sỹ Gulen đứng đằng sau cuộc đảo chính và đòi Hoa Kỳ dẫn độ về Thỗ Nhĩ Kỳ. Năm 2014, Thỗ Nhĩ Kỳ cũng đã từng đưa đơn kiện và đòi dẫn độ Gulen nhưng cuối cùng tòa án liên bang Pennsylvania hủy bỏ vụ kiện vì không nằm trong quyền phán quyết của tòa.

Phong trào Gulen được dẫn dắt bởi giáo sỹ Fethullah Gulen, một giáo sỹ Sunni ôn hòa, và có hàng triệu người tham gia ở Thổ Nhĩ Kỳ và trên thế giới.

Giáo sỹ Gulen trước đây vốn là một đồng minh thân cận của chính quyền Erdogan cho tới cuối năm 2013.

Sinh ra và lớn lên ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông hoạt động rất tích cực trong thập niên 1960, 1970, giảng dạy một nhánh của Hồi giáo Sunni nhấn mạnh đến sự hợp tác và bao dung, và quan trọng là tầm quan trọng của việc duy trì hệ thống giáo dục đứng bên ngoài các trường dạy tôn giáo.

Phong trào Gulen nổi tiếng là nhờ hệ thống các trường học của nó, vốn hiện diện hầu như khắp mọi nơi ở Thổ Nhĩ Kỳ, lan sang cả Pakistan và thậm chí ở Hoa Kỳ. Các nhóm liên quan đến phong trào Gulen duy trì khoảng hơn 100 trường học ở Hoa Kỳ, chịu sự soi xét của cả hai phía từ những người chống Hồi giáo và cả những cơ quan quản lý chính quyền Mỹ.

Những ngôi trường này tập trung vào việc dạy toán và khoa học, và tránh việc mộ đạo. Họ dùng các chương trình giảng dạy kiểu phương Tây, với các môn học được dạy bằng tiếng Anh, từ toán, khoa học cho tới văn chương Anh. Họ không dạy tôn giáo trong trường học ngoại trừ một lớp học về chủ nghĩa Hồi giáo. Tuy vậy, các trường học kiểu này khác với hệ thống trường tư của Anh ở chổ là ở các ký túc xá, các thầy cô giáo khuyến khích học sinh thực hành Hồi giáo và các thầy cô giáo làm gương trong cuộc sống.

Phong trào Gulen chủ trương một nền dân chủ thế tục và cổ vũ các góc nhìn tiến bộ từ việc bình đẳng giáo dục trong nam nữ, tôn trọng các tôn giáo khác, và lên án Hồi giáo cực đoan.

Mặc dù ủng hộ dân chủ và các tính chất hiện đại, phong trào Gulen chịu sự tấn công của những lực lượng thế tục khi các thế lực thế tục cho rằng một chủ trương Hồi giáo ôn hòa chỉ là một bức bình phong cho việc tuyên truyền và xây dựng một nhà nước Hồi giáo.

Trong thập niên 1980, sau khi các tướng lĩnh kiểm soát lại chính phủ sau cuộc đảo chính quân đội, Gulen bị tố cáo là điều khiển cuộc đảo chính để xây dựng nhà nước Hồi giáo. Gulen chạy trốn khoảng 6 năm, bị bắt, và cuối cùng được thả nhờ có sự can thiệp của thủ tướng lúc bấy giờ Turgut Ozal, người sau này ủng hộ hệ thống trường của Phong trào Gulen.

Năm 1999 Gulen sang Mỹ, lấy cớ là chữa bệnh, và cuối cùng xin tị nạn. Tuy vậy, năm 2000, chính quyền Thổ dưới quyền của thủ tướng chủ trương thế tục Bulent Ecevit gán Gulen tội làm yếu đi chủ nghĩa thế tục của Thổ và âm mưu hình thành nhà nước Hồi giáo.

Năm 2012, Erdogan và đảng AK thắng lợi trong cuộc bầu cử và kiểm soát chính quyền Thổ. Ban đầu Erdogan và các thành viên thể hiện mình là một nhóm Hồi giáo bảo thủ nhưng ôn hòa với một số thành viên chính phủ theo phong trào Gulen. Erdogan và đảng AK hợp tác với Phong trào Gulen theo nghĩa cả hai cùng có lợi. Phong trào Gulen giúp Erdogan và đảng AK tiếp cận được lực lượng cử tri và hệ thống hỗ trợ tài chính nhờ mạng lưới của phong trào và các trường học. Ngược lại, Phong trào Gulen hi vọng nhờ có sự hỗ trợ của chính quyền mà phát triển, cổ vũ một hệ thống Hồi giáo ôn hòa và chống lại lực lượng những người thế tục.

Tuy vậy, kể từ khi Erdogan bắt đầu kiểm soát được quyền lực, mối quan hệ giữa hai bên bắt đầu tan vỡ. Sự việc bắt đầu với việc xung đột quyền lực giữa hai phe trong một vụ điều tra ở ngay chính cơ quan tình báo trung ương giữa phe cảnh sát và công tố ủng hộ Gulen và phe nhân viên tình báo ủng hộ Erdogan.

Sau đó tháng 11, 2013, Erdogan tuyên bố đóng của các trường dự bị đại học, dạy vào cuối tuần, dành cho các học sinh chuẩn bị thi đại học, mà trong đó một phần tư là được dạy bởi Phong trào Gulen.

Một tháng sau, Zekeriya Oz, một ủy viên công tố được cho là một thành viên của Phong trào Gulen, thực hiện một cuộc điều tra vào các cá nhân trong đó có các con trai của ba bộ trưởng, một thị trưởng thuộc đảng AK, các thương gia, và nhân viên công quyền khác với trát là điều tra tham nhũng nhằm tố cáo chính quyền một cách bất hợp pháp trao đổi vàng với Iran để lấy dầu vốn vi phạm cơ chế cấm vận của thế giới.

Erdogan và đảng AK cáo buộc những thành viên Gulen tìm cách lật đổ Erdogan thông qua các điều tra tham nhũng. Và cuối cùng đưa Gulen vào diện kẻ thù của chính quyền và liệt Phong trào Gulen là một tổ chức khủng bố. Erdogan và đảng AK bắt đầu các chiến dịch thanh lọc các thành viên Phong trào Gulen ngay sau đó.

LỜI KẾT

Xã hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chia rẽ giữa ba thế lực chính, lực lượng những người thế tục, Erdogan và đảng AK, và những thành viên của Phong trào Hồi giáo ôn hòa Gulen, và bên cạnh đó là lực lượng của những người Kurd. Cho đến nay chưa biết một cách rõ ràng rằng lực lượng nào lên kế hoạch cho cuộc đảo chính nhằm lật đổ Erdogan. Tuy vậy, sự thất bại của những người chủ trương đảo chính sẽ làm lý cớ để Erdogan và các đồng minh trong đảng AK tiếp tục thanh trừng các nhóm đối lập và tăng cường tập trung quyền lực.

Nếu có một bài học từ Thỗ Nhĩ Kỳ gửi đến các nhà hoạt động chính trị Việt Nam có lẽ là hãy nghĩ đến một mô hình chính trị mà ở đó chống được đảo chính và lũng đoạn quyền lực. Có như vậy thì hệ thống dân chủ mới mãi duy trì, bất kể đảng phái hay cá nhân nào nắm quyền.

DC, 19.7.2016