Khi những người cầm đầu chính phủ triển khai những quả đấm thép tập đoàn, ngoại trừ một thiểu số chuyên gia lên tiếng, tất cả người dân hầu như bàng quang. Cuối cùng để lại là sự sụp đổ và một núi nợ mà người dân phải gánh.
Khi chính phủ triển khai những dự án bô-xít ở Tây Nguyên, ngoại trừ một thiểu số trí thức và vài con người dũng cảm, một đa số lặng im, vì Tây Nguyên quá xa xôi và vì họ cảm thấy bất lực. Giờ đây chúng ta đang đóng những đồng tiền thuế, thay vì để đầu tư vào y tế và giáo dục, được dành để bù lỗ cho những công ty khai thác quặng nhôm chưa biết đến bao giờ phải đóng cửa và chứng kiến sự hủy hoại môi trường ở Tây Nguyên.
Khi chính phủ thông qua dự án khu công nghiệp thép Formosa, một lần nữa, ngoại trừ những trí thức hiếm hoi – những con người nhỏ bé, dũng cảm và có lòng, hầu như tất cả đều chẳng màng và lên tiếng chưa đủ. Để rồi giờ đây đất nước cùng gánh một thảm họa, biển chết và người dân mất kế mưu sinh. Phải còn rất rất lâu với nhiều đầu tư và cải tạo mới may ra vực lại sự sống ở biển miền Trung, ít nhất cũng phải hơn một chục năm nữa. Trong khoảng thời gian đó, những người làm nghề biển ở miền Trung, những người làm nghề du lịch hay buôn bán nhờ khách du lịch sẽ phải nghỉ và chọn những kế mưu sinh khác. Vất vả hơn, và khó khăn hơn. Họ sẽ lặng im như muôn đời, có chăng là oán trách những người có trách nhiệm ở những lúc trà dư tửu hậu nơi bàn nhậu hay quán cà phê. Để rồi sau đó lại bắt đầu công việc mưu sinh, kiếm miếng cơm manh áo nuôi gia đình. Họ biết nhưng vì nghĩ rằng không thể làm gì để thay đổi, nên biết kêu ai?
Nhưng có lẽ rồi cuối cùng, chúng ta phải thay đổi một ý thức nếu chúng ta muốn thấy có một tương lai cho đất nước mình và chính mình. Vì khi im lặng là lúc chúng ta lặng im đón nhận những thảm họa.
Và dưới đây là một dự án mới tiềm ẩn trong mình một thảm họa có lẽ kinh hoàng hơn, đó là chấm dứt sự sống của biển Việt Nam, từ Bắc vô Nam, đó là dự án khu công nghiệp thép Hoa Sen – Cà Ná ở Ninh Thuận.
Ngày 28/6/2016, giới lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã ra thông báo đồng ý chủ trương xây dựng khu công nghiệp Cà Ná, dự án cán thép Hoa Sen – Cà Ná, và cảng biển tổng hợp Cà Ná tại huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tiếp theo đó, lãnh đạo tỉnh này đã giao các sở ngành, địa phương rà soát lại các quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng để triển khai dự án này. Song song, các vị lãnh đạo tỉnh sẽ cùng nhà đầu tư chuẩn bị các thủ tục để vận động xin ý kiến thông qua từ các cấp thẩm quyền, chủ yếu là từ Trung ương.
Và nếu dự án được thông qua, đây có thể sẽ là một thảm họa kế tiếp của Việt Nam. Và lần này không chỉ giết chết biển miền Trung và nền kinh tế biển miền Trung như thảm họa do Formosa gây ra, mà nó sẽ đặt dấu chấm hết cho sự sống của biển Việt Nam, từ Bắc vô Nam, từ Hà Tĩnh vào Bình Thuận, và đẩy nền kinh tế Việt Nam vào một vị trí khó mà có thể hồi phục.
Theo văn bản gửi cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, dự án cán thép của tập đoàn Hoa Sen có công suất lên đến 16 triệu tấn/năm, với tổng diện tích cần triển khai là 1.500 ha. Để có một sự so sánh, dự án thép của Formosa chiếm một diện tích 3.300 ha, và trong giai đoạn một dự kiến sản xuất 7 triệu tấn/năm, khi mở rộng sang giai đoạn hai có thể nâng công suất lên 22 triệu tấn/năm. Đó còn là chưa kể những xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng từ đường cao tốc, đường bộ, đường sắt và cảng biển để có thể vận hành một khu công nghiệp thép. Những chi phí đó chính phủ phải bỏ ra và đó là một khoản đầu tư lớn.
Hãy khoan nói đến những con số về kinh tế khi nền kinh tế thế giới đã chững lại từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ trong một trạng thái chung được gọi là «sự trì trệ kéo dài» (secular stagnation) dẫn đến giá thép thế giới đã chững lại, kéo theo lợi nhuận của những doanh nghiệp thép ít đi và mức thuế đóng cho chính phủ sẽ giảm sút. Có một chỉ số đặc biệt quan trọng hơn nhiều khi cấp phép đầu tư một dự án, đó là môi trường. Đó là đất, là nước, là không khí, là cảnh quan nơi người dân đang sống và hưởng thụ, đó cũng chính là sức khỏe của người dân. Vì lẽ đó mà những cấp lãnh đạo cho dù biết những dự án gây ô nhiễm có hại cho sức khỏe người dân mà vì lợi ích cá nhân của mình thông qua những dự án như vậy thì họ chính là những người một cách trực tiếp phạm tội đầu độc nhân dân. Khó có một bản án nào đủ lớn để có thể trả hết tội cho những hành động như vậy, vì đây không phải là một hành động gây độc cá nhân riêng rẽ, mà nó ảnh hưởng đến cả một cộng đồng và một phần của đất nước.
Những số liệu so sánh giữa hai khu công nghiệp thép Hoa Sen – Cà Ná và Formosa cho thấy Hoa Sen – Cà Ná là một dự án qui mô không kém gì so với Formosa. Và do đó, những ô nhiễm gây ra bởi dự án thép ở đây sẽ tác hại không ít hơn bao nhiêu những gì chúng ta đã chứng kiến trong những tháng qua ở biển miền Trung.
Cái may mắn của thảm họa Formosa ở chỗ là cho đến nay, vùng biển từ Phú Yên đến Ninh Thuận, có thể nói là vùng biển với những cảnh quan đẹp nhất nước, chưa có dấu hiệu rõ rệt của sự tác động bởi thảm họa ô nhiễm biển bởi Formosa, hoặc ít ra là mức tác động chưa đủ lớn. Nhưng một khi dự án thép Hoa Sen – Cà Ná được dựng lên, những ô nhiễm sẽ lan tỏa kéo dài từ Bình Thuận đến Nha Trang. Lúc đó du lịch biển Việt Nam và các ngành nuôi trồng hải sản Việt Nam sẽ đặt dấu chấm hết. Đó không còn là một dự đoán mà sẽ là một hiện thực, vì khó có thể nào kiểm soát một dự án thuộc một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất khỏi gây ô nhiễm môi trường Việt Nam trong điều kiện quản lý hành chính lỏng lẻo và lạm quyền như hiện nay.
Một quốc gia biển nhưng tất cả biển sẽ bị đầu độc và hải sản không thể ăn được nữa sẽ là một hiện thực nếu chúng ta không cùng lên tiếng chấm dứt dự án thép Hoa Sen – Cà Ná. Formosa là một bài học nhãn tiền. Và trước mắt, hãy ghi lại tên của các lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và của tập đoàn Hoa Sen. Đó là các ông Nguyễn Đức Thanh, bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận, ông Lưu Xuân Vĩnh, chủ tịch tỉnh Ninh Thuận, và ông Lê Phước Vũ, chủ tịch tập đoàn Hoa Sen. Hãy chặn ngay hành động có dấu hiệu phá hoại môi trường và đầu độc nhân dân của họ lại.
OL, 8.9.2016
Ảnh: Bãi biển Ninh Thuận. Nguồn: Internet.