29.5.09

Khủng hoảng kinh tế thế giới, nhìn lại chính sách kinh tế Việt Nam

Kinh tế thế giới đang khủng hoảng.

Đó đây, chính phủ các nước bắt đầu sử dụng các gói “hỗ trợ chính phủ” để nhắm cứu vãn và sau đó là vực dậy nền kinh tế của mình.

Tổng thống đắc cử Barack Obama dự định đưa ra gói kích thích lớn đến 775 tỉ USD, Trung Quốc tuyên bố khoảng 600 tỉ USD, liên minh châu Âu khoảng 250 tỉ USD, Nhật và Ấn Độ cũng đưa ra các biện pháp tương tự. Đó là kể các “nước lớn”, còn vô số các nước nhỏ có ảnh hưởng cũng sử dụng các chính sách tương tự.

Trong cơn khủng hoảng (vì một nguyên nhân nào đó, ở đây bắt nguồn từ khủng hoảng mua bán nợ nhà đất ở Mỹ), khi mà các hãng xưởng sản xuất hàng hóa bán ra không chạy thì họ trước hết cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân công. Việc cắt giảm nhân công dẫn đến người dân lao động thất nghiệp, không có tiền mua hàng hóa. Người lao động không có tiến mua hàng hóa, các hãng xưởng không bán được hàng, sản xuất ít lại, và đến một lúc thì phá sản. Nền kinh tế nếu không có sự can thiệp gì thì sẽ đi xuống theo vòng xoáy trôn ốc. Trong thập niên 1930, một cuộc đại khủng hoảng cũng có tính chất tương tự vậy. Và các nhà làm chính sách bấy giờ dùng các ý kiến của L.M.Keynes, kinh tế gia người Anh, để vực dậy nền kinh tế.

Ý kiến của J.M.Keynes giản dị cho rằng khi kinh tế khủng hoảng người dân không có tiền mua hàng hóa thì chính phủ phải trực tiếp tạo công ăn việc làm, giúp người dân có tiền để mua hàng hóa. Khi người dân có tiền để mua hàng hóa thì các công ty bắt đầu ăn nên làm ra, thuê lại thêm nhân công, và kinh tế từ từ vực dậy.

Nhưng chính phủ “giúp tiền” người dân bằng cách nào ? Chính phủ không đủ tiền để “cho” tất cả người dân, bắng cách bỏ tiền ra xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các công ty… nhằm mục tiêu thu hút thêm lao động, việc tạo ra một số lượng công ăn việc làm mới, sẽ kích thích nền kinh tế vực dậy. Nó giống như “hiệu ứng đập cánh bươm bướm” - một con bươm bướm đập cánh, tạo ra gió, gió lan tỏa, sau nhiều “cộng hưởng phụ trội” sẽ thành những cơn gió lớn hơn.

Chính sách Keynes này còn phổ biến cho đến mãi những năm 1960. Mặc trái của chính sách này là khi chính phủ “bơm” tiền ra nhiều cho các dự án khi mà nền kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng sẽ góp phần làm nền kinh tế tăng trưởng nóng và nâng mức lạm phát . Các chính phủ châu Mỹ La Tinh một thời áp dụng chính sách này và chịu một mức lạm phát rất cao. Do đó, chính sách này chỉ thường được dùng tạm thời mang tính cách đối phó.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cũng có một gói kích thích kinh tế, trị giá 6 tỉ (?) USD. Câu hỏi cần đặt ra là một gói kích thích kinh tế như vậy có thể có mức tác dụng nào cho nền kinh tế Việt Nam. Sự khác biệt ở đây là Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển dựa vào xuất khẩu, khi so với các quốc gia khác. Khi các đối tác (Mỹ, châu Âu, Nhật) kinh tế đi xuống thì hàng hóa Việt Nam bán không được và hậu quả là các công ty, xí nghiệp giảm bớt nhân công, thất nghiệp tăng, kinh tế đi xuống. Năm 2009 là năm Mỹ và các nước khác bắt đầu chính sách kính thích, phải mất ít nhất khoảng 2 năm thì mới hi vọng bước ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam cũng sẽ phải chịu chung số phận – giảm đà tằng trưởng. Và không có gì ngạc nhiên khi mà nhiều dự báo cho thấy năm 2009 thất nghiệp tai Việt Nam có thể lên đến 4-5 triệu.

Bài toán khó cho Việt Nam đó là theo chân mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc và mô hình phát triển tập đoàn của Singapore. Làm sao để tạo được công ăn việc làm cho hàng vạn những công nhân vốn chỉ có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu trong khi các công ty làm hàng hóa xuất khẩu chỉ còn sản xuất nhỏ giọt hoặc đã đóng cửa vì thị trường nước ngoài đã không còn mua nhiều nữa. Hai mô hình này giới kinh tế đã phân tích là nó có nhiều rủi ro. Một chính sách ủng hộ và nâng đỡ những doanh nghiệp tư nhân vừa để họ lớn mạnh lên thành các công ty lớn và từ đó từng bước xây dựng "nền kinh tế tiêu thụ" trong nước sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Mặc dầu điều này đòi hỏi một cố gắng dài hơi với sự phối hợp của nhiều chính sách. Ngoài việc tạo công ăn việc làm ở các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, giảm bớt tỉ lệ người làm nông nghiệp, xây dựng giáo dục, còn dần dần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội. Khi không có một chế độ an sinh xã hội dù người dân có tiền họ cũng sẽ để dành phòng khi ốm đau hay các nhu cầu cấp bách khác thay vì tiêu xài. Việc dùng gói kích thích này cho các dự án xây dựng (theo như lời của một quan chức) vốn không chiếm một lượng lớn lao động sẽ có một tác động rất hạn chế. Việc kích thích sẽ hiệu quả khi nó nhanh, kịp thời và tạo công ăn việc làm ngay cho người lao động.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay (khi quá phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và các công ty tư nhân chưa đủ lớn mạnh) một gói kích thích (cho dù có nhiều hơn 6 tỉ USD) cũng chỉ là giải pháp cầm cự cho đến khi nào nền kinh tế các đối tác nhập khẩu vực dậy. 2, 3 năm nữa ? Đây là một bài học cho những nhà làm chính sách kinh tế Việt Nam. Hi vọng sau cuộc khủng hoảng này người ta sẽ thức tỉnh và chuyển biến chăng ?

Nguyễn Huy Vũ
Tháng 01.2009

Kinh tế Việt Nam khủng hoảng ?

Kinh tế ở Việt Nam đã bước đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng - đó là những thông tin có được từ các tổ chức tư vấn và nghiên cứu kinh tế. Thị trường chứng khoán và lạm phát rơi tự do, tiền đồng Việt Nam đang rớt giá, các chính sách và biện pháp vĩ mô đã thất bại hoặc hầu như không có tác động nào. Nguyên nhân nào mà một nền kinh tế, mới cách đây một năm, với những tin tốt lành xuất hiện trên mặt báo và các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam như một "con hổ kinh tế" mà giờ đây nền kinh tế tụt dốc một cách không phanh như vậy ? Nguyên nhân chính là những chính sách vĩ mô sai lầm.

Sai lầm 1.

Sau khi gia nhập WTO và được chấp nhận làm thành viên không thường trực của hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Việt Nam dần nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn về đầu tư, một nền kinh tế non trẻ và là con hổ cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện. Tin tốt lành về Việt Nam xuất hiện đều đặn trên các tạp chí thế giới. Các quĩ đầu tư và các xí nghiệp lớn bắt đầu đổ vào VN đầu tư. Còn gì tốt lành hơn nữa ? Chứng khoán bắt đầu lên giá. Từ khoảng 500 lên đến mức 1000 điểm - chỉ trong vòng 1 năm mà tăng giá đến 200%. Làn sóng đầu tư chứng khoán lan rộng ra, nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán. Các công ty, đặc biệt là các công ty nhà nước thi nhau đầu tư vào chứng khoán. Các ngân hàng bắt đầu cho vay đầu tư vào chứng khoán Thị trường chứng khoán bắt đầu như cái bong bóng. Tư nhân (hoặc công ty) vay ngân hàng, đầu tư chứng khoán, đem chứng khoán thế chấp để vay tiếp, rồi quay lại đầu tư chứng khoán. Nhằm hãm lại cái bong bóng thị trường chứng khoán, chính phủ vội hạn chế ngân hàng cho vay chứng khoán, nâng lãi suất, áp đặt dự trữ bắt buộc. Đùng một cái thị trường chứng khoán giống như cái vòi nước đang chảy, tự nhiện bị bịt lại. Người có chứng khoán không biết bán cho ai, người muốn mua không có tiền để mua. Không có cầu, cung rớt giá. Sai lầm là ở đây. Một chính sách khôn ngoan hơn đáng lẽ phải có trong thời điểm này là xem thu nhập từ chứng khoán là một loại thu nhập như các loại thu nhập khác và đánh thuế lũy tiến lên thu nhập từ chứng khoán. Thuế này có thể thu ngay khi xảy ra giao dịch chứng khoán. Khi mà lợi nhuận từ việc kinh doanh chứng khoán so với lãi suất ngân hàng không còn là một con số không lồ nữa thì nguồn cầu chứng khoán sẽ giảm và thị trường dần bắt đầu trở lại bình thường. Bên cạnh đó, đây còn là một dịp may hiếm có để đem cổ phần hóa một cách nhanh chóng các công ty nhà nước, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp này theo kiểu thành lập các tập đoàn kinh tế, và đem số tiền có được từ cổ phần hóa này mở rộng cơ sở hạ tầng, chi phí giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để giảm bớt tình trạng nhập siêu.

Nói thêm một chút về những ý kiến cho rằng nên thành lập các tập đoàn kinh tế. Thực chất một công ty phát triển nhờ hai điều kiện : vốn và công nghệ. Kinh nghiệm cho thấy một công ty trước khi trở thành một tập đoàn, đó là sự phát triển của những công ty nhỏ, rồi sáp nhập lại dần dần, chứ không phải là tình trạng làm ăn thua lỗ rồi đem gộp lại thành một tập đoàn như ở ta. Thậm chí trong các tập đoàn, khi mà một bộ phận bắt đầu làm ăn thua lỗ, họ liền biến nó thành một công ty con, và sẽ bán nó đi cho một công ty khác vào thời điểm thích hợp.

Trở lại, khi mà thị trường chứng khoán và nền kinh tế đang trở nên nóng bị cho một liều thuốc sai (chứ không phải là một liều thuốc quá liều như nhiều người nhận định) thì hậu quả là nó lập tức biến chứng, và rơi tự do ngay lập tức. Cho dù Ủy Ban Chứng Khoán nhà nước bỏ tiền (của dân) ra mua cũng chỉ cầm cự được vài bữa.(Đủ thời gian để những quĩ đầu tư khôn ngoan bán đi các cổ phiểu dỏm và mua lại các blue chip).

Làm sao vực dậy thị trường chứng khoán ? Giá trị của một công ty không chỉ đơn thuần là giá trị tài sản hữu hình nó đang sở hữu mà là kì vọng của người đầu tư về khả năng sinh ra lợi nhuận của nó. Khi mà trong một nền kinh tế ảm đạm, rối loạn về các biện pháp vĩ mô và khi đặc biệt người dân mất niềm tin vào nền kinh tế thì giá trị của công ty cũng ở chung số phận. Điều đó phản ánh mối quan hệ cung cầu của người dân. Muốn phục hồi thị trường chứng khoán thì điều đầu tiên là chính phủ phải có những bước đi khiến người dân cảm thấy nền kinh tế vĩ mô bắt đầu dần hồi phục và ổn định trở lại.

Sai lầm 2.

Lạm phát tụt dốc không phanh. Bình thường khi nền kinh tế lạm phát tăng cao, Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất để giảm lạm phát. Tại sao lại như vậy ? Khi mà nền kinh tế tăng trưởng, các công ty vay tiền ngân hàng để mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Người dân có thêm tiền, tiêu xài nhiều, trong khi đó hàng hóa sản xuất không kịp nhu cầu; mà cung không đủ cầu thì hàng hóa lên giá. Hàng hóa lên giá đó là lạm phát. Muốn giảm lạm phát thì Ngân Hàng Trung Ương nâng lãi suất lên khiến các công ty vay ít tiền lại, và mở rộng sản xuất từ từ, việc làm tạo ra ít lại và khi người dân thấy khó khăn hơn khi kiếm thêm thu nhập thì tiêu xài ít lại; cầu giảm thì giá cả hàng hóa giảm và lạm phát giảm. Khi nền kinh tế đang phát triển thì nó phải có một mức lạm phát tạm chấp nhận được, với nền kinh tế Việt Nam thì khoản 5%, - đó là chỉ dấu của việc thu nhập người dân tăng lên và có nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn. Những kiến thức cơ bản trên những người học kinh tế đều biết.

Vậy trong khi nền kinh tế Việt Nam lạm phát tăng cao (đến khoảng 25% cho tớ nay và sẽ còn tăng nữa sau khi tăng giá xăng dầu; khi mà giá dầu thế giới có thể lên đến 200USD/thùng, thì mức lạm phát có thể đến 45% là con số có thể trở thành sự thực) thì tăng lãi suất có gì sai ? Xin thưa, vì nền kinh tế VN không phải bị căn bệnh trên. Cho đến nay, Việt Nam là một nước nhập siêu, từ nhập các nguyên liệu, xăng dầu... cho đến các hàng hóa cao cấp như nước hoa, xe hơi....Cho nên khi mà giá cả các nguyên liệu này của thế giới tăng cao, đặc biệt là xăng dầu, thì hầu như tất cả các mặt hàng đều lên giá dưới tác động trực tiếp hay gián tiếp. Nói theo cách của các nhà kinh tế là Việt Nam nhập khẩu lạm phát.

Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không phải như trường hợp ở trên - khi mà nền kinh tế tăng trưởng tạo ra công ăn việc làm thúc đẩy cầu hơn cung và tạo ra lạm phát.

Trong khi đó, thay vì chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách thân thiện và giảm lãi suất để tiết kiệm chi phí vừa tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh về giá và doanh nghiệp làm ăn có lãi để có thể nâng mức thu nhập cho người lao động trước tình hình giá cả đắt đỏ, thì đàng này ngân hàng Trung Ương lại nâng lãi suất và các ngân hàng thi nhau nâng lãi suất. Các doanh nghiệp tư nhân giống như người vừa thoát khỏi chết đuối, lớp ngóp lên bờ bị bóp cổ. Hậu quả là có nhiều doanh nghiệp kí hợp đồng với nước ngoài nhưng giờ đây thà chịu lỗ chứ không giao hàng. Họ cũng không muốn mở rông kinh doanh vì giờ đây lãi suất quá cao, lương công nhân cũng phải cao, và các chi phí khác đều lên cao. Điều này dẫn đến hàng hóa trong nước trở nên khan hiếm hoặc đắt đỏ, và lạm phát tăng lên. Khi mà mức lạm phát trở nên cao hơn mức lãi suất ngân hàng thì lãi suất thực trở thành âm và các ngân hàng lại muốn tăng tiếp lãi suất. Một cuộc đua lãi suất bắt đầu.

Sau khi vấp ngã ở cái chính sách kềm hãm thị trường chứng khoán, đáng lẽ ra một chính sách đứng đắn phải là tạo cho các ngân hàng có thanh khoản đủ để giao dịch và giảm dần lãi suất cho vay kinh doanh khuyến khích sản xuất trong nước, tránh nhập siêu, thay vì thắt chặt chính sách tiền tệ quá lố và các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất khiến cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã khốn đốn lại khốn đốn hơn.

Sự tăng trưởng của Việt Nam chỉ đem lại một tài sản khổng lồ cho một thiểu số người sống ở các đô thị, và nhóm người này đóng một vai trò đáng kể trong việc nhập siêu các hàng hóa đắt tiền như ô tô, nước hoa, rượi ngoại....Một biện pháp mà chính phủ có thể làm là đánh một mức thuế xa xỉ phẩm lên một loạt danh mục hàng hóa đặc biệt một cách mạnh mẽ (điều mà cho đến nay, mức thuế này chưa đủ liều).

Sai lầm 3.

Đó là sự bơm tiền vào thị trường thông qua các dự án không đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty hay cộng đồng của chính phủ và các công ty nhà nước. Một tỉ lệ bơm tiền nhiều hơn so với tỉ lệ tăng trưởng thông thường đã được bơm vào thị trường khiến cho nguồn cung ứng tiến mặt vượt quá mức bình thường và điều này đóng góp đáng kể vào mức lạm phát. Việc hoãn lại các dự án chính phủ cũng sẽ tạo ra các khó khăn về công ăn việc làm cho người dân và đẩy tình trạng kinh tế nhìn chung vào chỗ bi đát hơn. Nên chăng chính phủ có một chính sách khoán dự án cho các công ty tư vấn độc lập thay măt quản lý. Đây cũng là lúc xem xét lại các công ty và tập đoàn nhà nước để tái cơ cấu về lợi nhuận và tổ chức, và nhà nước có thể đưa ra một thời gian biểu để các công ty này làm ăn hoặc là có lợi nhuận và cổ phần từ từ hoặc là sẽ bị bán lại.

Các đề xuất ở trên ít hay nhiều tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của chính phủ. Và chính phủ hiện nay thì cũng "chín người, mười ý". Làm chính trị phải biết thỏa hiệp và vì mục tiêu chung. Nếu các chính sách và biện pháp sắp tới được đưa ra chỉ mang nặng tính trình diễn thì nền kinh tế VN sẽ gục ngã trong vòng 6 tháng nữa là điều nhiều người có thể dự đoán được.

NHV, 29.05.2008

(bài cũ, đăng lại từ 360 blog)

28.5.09

Paul Krugman, lý thuyết mậu dịch và phân bổ hoạt động kinh tế

Paul Krugman đến Việt Nam. Theo lời bạn tôi, giá vé để dự buổi diễn thuyết của ông đến hơn 300 USD, hơn cả giá vé xem một liveshow ca nhạc nổi tiếng và bằng mức thu nhập khá của một công chức tại Sài Gòn. “Quá đắt” – tôi than với hắn như vậy. Giá tiền vào cổng sẽ không đắt như vậy nếu ông chỉ là một vị giáo sư kinh tế học của trường đại học Princeton, bình luận viên kinh tế cho New York Times, từng tốt nghiệp ở MIT ra, và chấm hết; lúc này buổi diễn thuyết của ông hay những phát biểu của ông giá trị cũng cỡ các vị giáo sư Havard hay “cố vấn” cho chính phủ Việt Nam. Đằng này ông nhận giải Nobel kinh tế (giải này do ngân hàng Trung Ương Thụy Điển lập ra để tưởng nhớ Nobel chứ Nobel không có đưa ra giải này trong di chúc) năm ngoái vì “những đóng góp của ông trong việc phân tích các mô hình trao đổi thương mại và sự phân bổ của các hoạt động kinh tế”.

Có nhiều bạn chưa biết nhiều nên nhân tiện xin nói về những đóng góp của Paul Grugman dẫn đến việc trao giải Nobel cho ông.

Đầu tiên phải kể đến những đóng góp của ông cho lý thuyết trao đổi mậu dịch giữa các nước.

Lý thuyết tân cổ điển trước đó đã lý giải rằng hiện tượng các nước trao đổi hàng hóa với nhau tạo ra do sự khác biệt giữa những lợi thế cạnh tranh tương đối của các nước này. Trường phái này có hai nhánh chính. Ricardo cho rằng sự khác biệt tạo ra do khác biệt trình độ công nghệ. Nước có công nghệ tốt có lợi thế so sánh khi sản xuất được xe hơi, chẳng hạn, thì sản xuất ra xe hơi, nước không có lợi thế so sánh trong công nghệ so với nông nghiệp chẳng hạn thì tập trung vào nông nghiệp, ví dụ trồng chuối; nước này tập trung sản xuất và xuất khẩu xe hơi còn nước kia tập trung trồng trọt và xuất khẩu chuối, hai nước trao đổi thương mại cho nhau và phúc lợi xã hội tính theo tổng lượng sản phẩm tạo ra tăng lên. Nhánh thứ hai do Heckscher và Ohlin đề xướng. Hai ông là giáo sư trường kinh tế Stockholm và Ohlin được để cử giải Nobel kinh tế năm 1977. Mô hình Heckscher-Ohlin cho rằng ưu thế cạnh tranh tạo ra do sự dư thừa những nhân tố dành cho sản xuất dẫn đến sự hình thành việc trao đổi thương mại giữa hai nước. Nước có nhiều lao động thì tập trung sản xuất những sản phẩm tận dụng được ưu thế lao động giá rẻ còn nước có ưu thế về vốn thì tập trung sản xuất những sản phẩm đòi hỏi phải đầu tư vốn nhiều, hai nước này trao đổi những sản phẩm cho nhau.

Tuy nhiên, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, và nhất là từ thập niên 1980 trở đi, giữa các nước công nghiệp phát triển, bắt đầu hình thành nên một hình thức trao đổi mậu dịch mới. Các nước có những đặc tính kinh tế gần giống nhau trao đổi cùng một sản phẩm với nhau và với thể lượng ngày càng tăng. Ví dụ như Đức với Pháp, Canada với Hoa Kỳ, Thụy Điển với Đức…; Thụy Điển xuất khẩu xe hơi sang Đức đồng thới nhập khẩu xe hơi từ Đức, Đức xuất khẩu hóa chất sang Pháp và nhập khẩu hóa chất từ Pháp….Các mô hình trao đổi kinh tế tân cổ điển không giải thích được nữa.

Đóng góp quan trọng của Krugman xuất hiện trong hai bài báo vào năm 1979 và 1980 đề cập đến một mô hình trao đổi thương mại mới, ở đó trao đổi thương mại giữa hai hoặc nhiều nước xảy ra trong cùng một lĩnh vực (intraindustry), xuất và nhập các sản phẩm trong cùng một lĩnh vực.

Krugman toán hóa các mô hình và giải thích rằng điều này có được do thị trường thích các sản phẩm đa dạng và các nhà sản xuất có được lợi nhuận dựa vào kinh tế số nhiều. Ví dụ người dân Thụy Điển không những chỉ thích xe hơi Volvo mà còn thích xe hơi Mercedes, Audi… nên các nhà buôn xe hơi nhập xe hơi Đức về, trong khi người dân Đức nhiều người lại thích xe Volvo của Thụy Điển nên họ nhập ngược trở lại. Kinh tế số nhiều giải thích rằng thay vì mở các nhà máy ở khắp nới trên thế giới việc tập trung ở một vài nơi để sản xuất và chuyên chở đi xuất khẩu sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Quan trọng nhất của kinh tế dòng chính là toán hóa được các mô hình. Điều này Paul Krugman làm được nhờ những đóng góp của Dixit và Stiglitz về lĩnh vực cạnh tranh độc quyền trước đó không lâu vào năm 1977 với bài báo “Monopolistic competition, and the optimum product diversity” trên tạp chí The American Economic Review.

Đóng góp của ông trong lĩnh vực kinh tế địa lý (với bài báo năm 1991), hiện nay được dùng làm mô hình chính để giải thích sự phân bố của các hoạt động kinh tế, trong đó yếu tố chi phí vận chuyển và kinh tế dựa theo số nhiều (economies of scale) đóng vai trò quan trọng. Ở đây, kinh tế số nhiều (economies of scale) có hai loại. Một là nội kinh tế số nhiều (internal economies of scale), nghĩa là bằng việc tái tổ chức doanh nghiệp, tăng số lượng sản phẩm,… sẽ giúp giảm giá cả, chất lượng tăng, tăng sức cạnh tranh. Hai là ngoại kinh tế số nhiều (external economies of scale) đề cập đến hiện tượng một sự phát triển trong lĩnh vực tác động đến doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp phát triển; lấy ví dụ máy hơi nước sau khi áp dụng vào ngành công nghiệp may mặc ở Anh giúp cho các công ty ứng dụng kỹ thuật này gia tăng chất lượng sản phẩm và giảm giá thành. Việc tận dụng được ngoại kinh tế số nhiều chủ yếu do việc các công ty tập trung gần nhau và kiến thức từ đó lan tỏa ra các công ty lân cận.

Trong mô hình kinh tế địa lý nhằm giải thích tại sao một số ngành công nghiệp lại tập trung ở một vài nơi như điện tử ở Silicon Valley, phim ảnh ở Hollywood hay ô tô ở Detroit, Paul Krugman cho rằng do một vài nguyên nhân bất kì nào đó, không được biết trước, một vài công ty đã tụ tập lại trong một khu vưc, khu vực này sau đó hấp dẫn các công ty mới, mặc dù việc tụ tập ở những khu vực như vậy chưa chắc là tối ưu cho các công ty vì có thế chi phí ở các khu vực này có thể cao hơn các khu vực khác. Các công ty mới vào khu vực này với mong muốn giảm chi “phí vận chuyển” (transport cost), phí này không hẳn là phí chuyên chở, mà nhiều khi bao gồm cả các chi phí liên quan khác chẳng hạn như việc hình thành trong khu vực này giúp cho việc nhập khẩu nguyên liệu dể hơn do các thủ tục chẳng hạn. Điều này phẩn nào giải thích tại sao ban đầu công nghiệp điện ảnh Mỹ đặt thủ đô ở New York sau chuyển sang Hollywood. (hôm nào rảnh tôi sẽ viết kỹ thêm).

Một yếu tố nữa đó là bằng việc đặt trụ sở gần nhau, các công ty có thể nhận được lợi nhuận qua việc “học hỏi” và “theo dõi” các kỹ thuật lẫn nhau. Một ví dụ là ở công ty Samsung. Samsung không mua được bản quyền sản xuất 64kDRAM, nên quyết tâm phát triển công nghệ VLSI cho riêng mình. Năm 1993 Samsung thành lập một chi nhánh ở Silicon Valley, tuyển 300 kỹ sư có kinh nghiệm về bán dẫn. Đồng thời Samsung thành lập một chi nhánh song song ở Hàn Quốc. Một nhóm nhỏ kỹ sư Hàn Quốc nhận bằng PHD từ các đại học Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao các công nghệ về Hàn Quốc. Hai chi nhánh hợp tác hoạt động và việc chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Samsung trở thành một trong những nhà sản xuất vi mạch tầm cỡ thế giới hiện nay. Mất chỉ 10 năm để nền công nghiệp điện tử Hàn Quốc “lột xác” từ một nước chuyên lắp ráp thành một trong những nơi sản xuất DRAM hàng đầu thế giới.

Tới đây thì chắc bạn sẽ hiểu hơn về trao đổi thương mại và hiểu một chút về FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) - lợi nhuận dẫn dắt con người.

NHV, 24.05.2008