29.5.09

Khủng hoảng kinh tế thế giới, nhìn lại chính sách kinh tế Việt Nam

Kinh tế thế giới đang khủng hoảng.

Đó đây, chính phủ các nước bắt đầu sử dụng các gói “hỗ trợ chính phủ” để nhắm cứu vãn và sau đó là vực dậy nền kinh tế của mình.

Tổng thống đắc cử Barack Obama dự định đưa ra gói kích thích lớn đến 775 tỉ USD, Trung Quốc tuyên bố khoảng 600 tỉ USD, liên minh châu Âu khoảng 250 tỉ USD, Nhật và Ấn Độ cũng đưa ra các biện pháp tương tự. Đó là kể các “nước lớn”, còn vô số các nước nhỏ có ảnh hưởng cũng sử dụng các chính sách tương tự.

Trong cơn khủng hoảng (vì một nguyên nhân nào đó, ở đây bắt nguồn từ khủng hoảng mua bán nợ nhà đất ở Mỹ), khi mà các hãng xưởng sản xuất hàng hóa bán ra không chạy thì họ trước hết cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân công. Việc cắt giảm nhân công dẫn đến người dân lao động thất nghiệp, không có tiền mua hàng hóa. Người lao động không có tiến mua hàng hóa, các hãng xưởng không bán được hàng, sản xuất ít lại, và đến một lúc thì phá sản. Nền kinh tế nếu không có sự can thiệp gì thì sẽ đi xuống theo vòng xoáy trôn ốc. Trong thập niên 1930, một cuộc đại khủng hoảng cũng có tính chất tương tự vậy. Và các nhà làm chính sách bấy giờ dùng các ý kiến của L.M.Keynes, kinh tế gia người Anh, để vực dậy nền kinh tế.

Ý kiến của J.M.Keynes giản dị cho rằng khi kinh tế khủng hoảng người dân không có tiền mua hàng hóa thì chính phủ phải trực tiếp tạo công ăn việc làm, giúp người dân có tiền để mua hàng hóa. Khi người dân có tiền để mua hàng hóa thì các công ty bắt đầu ăn nên làm ra, thuê lại thêm nhân công, và kinh tế từ từ vực dậy.

Nhưng chính phủ “giúp tiền” người dân bằng cách nào ? Chính phủ không đủ tiền để “cho” tất cả người dân, bắng cách bỏ tiền ra xây dựng những công trình, cơ sở hạ tầng, giúp đỡ các công ty… nhằm mục tiêu thu hút thêm lao động, việc tạo ra một số lượng công ăn việc làm mới, sẽ kích thích nền kinh tế vực dậy. Nó giống như “hiệu ứng đập cánh bươm bướm” - một con bươm bướm đập cánh, tạo ra gió, gió lan tỏa, sau nhiều “cộng hưởng phụ trội” sẽ thành những cơn gió lớn hơn.

Chính sách Keynes này còn phổ biến cho đến mãi những năm 1960. Mặc trái của chính sách này là khi chính phủ “bơm” tiền ra nhiều cho các dự án khi mà nền kinh tế đã ra khỏi khủng hoảng sẽ góp phần làm nền kinh tế tăng trưởng nóng và nâng mức lạm phát . Các chính phủ châu Mỹ La Tinh một thời áp dụng chính sách này và chịu một mức lạm phát rất cao. Do đó, chính sách này chỉ thường được dùng tạm thời mang tính cách đối phó.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ cũng có một gói kích thích kinh tế, trị giá 6 tỉ (?) USD. Câu hỏi cần đặt ra là một gói kích thích kinh tế như vậy có thể có mức tác dụng nào cho nền kinh tế Việt Nam. Sự khác biệt ở đây là Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển dựa vào xuất khẩu, khi so với các quốc gia khác. Khi các đối tác (Mỹ, châu Âu, Nhật) kinh tế đi xuống thì hàng hóa Việt Nam bán không được và hậu quả là các công ty, xí nghiệp giảm bớt nhân công, thất nghiệp tăng, kinh tế đi xuống. Năm 2009 là năm Mỹ và các nước khác bắt đầu chính sách kính thích, phải mất ít nhất khoảng 2 năm thì mới hi vọng bước ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam cũng sẽ phải chịu chung số phận – giảm đà tằng trưởng. Và không có gì ngạc nhiên khi mà nhiều dự báo cho thấy năm 2009 thất nghiệp tai Việt Nam có thể lên đến 4-5 triệu.

Bài toán khó cho Việt Nam đó là theo chân mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc và mô hình phát triển tập đoàn của Singapore. Làm sao để tạo được công ăn việc làm cho hàng vạn những công nhân vốn chỉ có kinh nghiệm làm hàng xuất khẩu trong khi các công ty làm hàng hóa xuất khẩu chỉ còn sản xuất nhỏ giọt hoặc đã đóng cửa vì thị trường nước ngoài đã không còn mua nhiều nữa. Hai mô hình này giới kinh tế đã phân tích là nó có nhiều rủi ro. Một chính sách ủng hộ và nâng đỡ những doanh nghiệp tư nhân vừa để họ lớn mạnh lên thành các công ty lớn và từ đó từng bước xây dựng "nền kinh tế tiêu thụ" trong nước sẽ có hiệu quả hơn nhiều. Mặc dầu điều này đòi hỏi một cố gắng dài hơi với sự phối hợp của nhiều chính sách. Ngoài việc tạo công ăn việc làm ở các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, giảm bớt tỉ lệ người làm nông nghiệp, xây dựng giáo dục, còn dần dần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội. Khi không có một chế độ an sinh xã hội dù người dân có tiền họ cũng sẽ để dành phòng khi ốm đau hay các nhu cầu cấp bách khác thay vì tiêu xài. Việc dùng gói kích thích này cho các dự án xây dựng (theo như lời của một quan chức) vốn không chiếm một lượng lớn lao động sẽ có một tác động rất hạn chế. Việc kích thích sẽ hiệu quả khi nó nhanh, kịp thời và tạo công ăn việc làm ngay cho người lao động.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay (khi quá phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và các công ty tư nhân chưa đủ lớn mạnh) một gói kích thích (cho dù có nhiều hơn 6 tỉ USD) cũng chỉ là giải pháp cầm cự cho đến khi nào nền kinh tế các đối tác nhập khẩu vực dậy. 2, 3 năm nữa ? Đây là một bài học cho những nhà làm chính sách kinh tế Việt Nam. Hi vọng sau cuộc khủng hoảng này người ta sẽ thức tỉnh và chuyển biến chăng ?

Nguyễn Huy Vũ
Tháng 01.2009