8.5.13

Kinh Tế Quê Nhà

Thành ngữ phương Tây có câu "đặt tay của bạn vào giày của họ" để hiểu tại sao họ hành động như vậy. Trong kinh tế học, giả thuyết đầu tiên trước khi thiết lập một mô hình là mọi người đều lý trí; lý trí theo nghĩa nếu có 2 món hàng chất lượng như nhau và giá khác nhau thì người tiêu dùng luôn chọn món rẻ hơn, hay nói một cách khác là các cá nhân trong nền kinh tế luôn khôn ngoan khi đưa ra các quyết định. 

 Phải nói hơi dông dài một chút như vậy để cho thấy rằng trung bình, những người suy nghĩ bình thường (có nghĩa là ko bị vấn đề về thần kinh) đều đưa ra các quyết định mà họ nghĩ là tốt nhất cho họ lúc đó.(Còn nó thật sự có tốt nhất cho họ hay không là một chuyện khác nữa). Từ đó mà suy ra thì Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam (NHNNVN) dành độc quyền bán vàng cũng là vì họ nghĩ đó là điều tốt nhất trước hết cho họ (mặc dù không nói ra)( và kế đến là cho toàn dân - theo lời ông Thống đốc). Khi mà NHNN (cũng như chính phủ) không có cơ chế giải trình và chịu trách nhiệm về chính sách đối với toàn dân, thì nếu như một người nào đó đang nắm giữ vị trí Thống đốc, có xác suất rất lớn cũng sẽ làm như ông Bình. 

Tại sao như vậy ? Trước hết, NHNNVN đã lỡ mua trước lúc giá vàng đột ngột rớt hơn 15% , từ lúc khoảng 1800 USD/ ounce cho đến hiện nay chỉ còn khoảng 1450 USD/ounce. Trên đời ai cũng có mắc sai lầm và đầu tư mua bán lỗ lã là chuyện thường tình. Trong hai phiên giao dịch, tỉ phú đầu cơ John Paulson mất hơn 1 tỉ USD trong 2 phiên giao dịch vì giá vàng rớt không phanh (trong ngày đó hầu như 90% cổ phiếu trên sàn New York đỏ chóe). 

Nhưng cái quan trọng ở đây là NHNNVN quyết định là price-maker khi độc quyền định giá bán vàng thay vì là price-taker bán vàng theo giá vàng trên thế giới. Đứng vào vị trí NHNN, có sẵn quyền lực trong tay, NHNN muốn bán giá nào thì bán, thì dại gì họ không bán giá cao hơn giá thế giới sao cho họ không bị lỗ. Nhờ nắm trong tay quyền lực, họ đang làm lợi trước hết cho họ. Với giá vàng khoảng 1470 USD/ounce hiện này thì giá trị 1 tấn vàng khoảng 52 triệu USD. Chúng ta không biết chính xác con số dự trữ ngoại hối của NHNN là bao nhiêu, giả sử là 10 tỉ USD thì số tiền này đủ nhập khoảng 192 tấn vàng. Dự đoán số vàng trong dân khoảng hơn 500 tấn, vị chi số tiền NHNN dự trữ chỉ có thể nhập lượng vàng tương đương với 1/3 số vàng dân hiện đang giữ. 

Nếu NHNN để tư nhân tự do nhập vàng về bán, bắt buộc họ phải có cơ chế để đổi từ VND sang USD, nếu không sẽ đẩy tỉ giá ngoại hối lên, dẫn đến áp lực phá giá tiền đồng. Cho dù để cho tư nhân tự do nhập vàng về bán trong trường hợp hiện nay cũng không giải quyết vấn đề. Vì dù ai nhập thì người dân đều mua vàng hết và có chăng khi để tư nhân nhập thì người dân mua rẻ hơn chút và NHNN thì ít có lợi nhuận hơn. Và tại sao, nếu bạn là NHNN, đang ăn cái bánh ngon lành tự nhiên đem vứt đi ? 

Vấn đề mà nhiều người không nói là người dân không tin vào chính phủ và nền kinh tế. Người dân có của cải và họ khôn ngoan biết làm sao để bảo tồn giá trị của cái (ở đâu cũng vậy, ở Mỹ họ mua cổ phiếu, trái phiếu...): đó là mua vàng. Vì họ có thể nghĩ rằng với mức lạm phát 10% hiện nay, cầm tiền VND thì ngày mai có thể trở thành tờ giấy lộn, hoặc nếu chính phủ đổi tên nước thì tiền lại bắt buộc đổi, và nếu đổi 1000 đồng cũ = 1 đồng mới thì càng gay go hơn. 

Nếu người dân ko cảm thấy yên tâm với NHNN trong mấy năm gần đây thì làm sao họ tin được trong thời gian sắp tới ? Khi cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra. Có hai trường phái giải quyết vấn đề: một là can thiệp, hai là để nó tự điều chỉnh. 

 Theo cách thứ nhất, nhà nước bằng mọi cách cứu các thành phần kinh tế, như doanh nghiệp, công ty... sao cho nó không chết, không phá sản, để khỏi sa thải công nhân thất nghiệp nhiều, nhà nước bơm tiền thông qua các dự án công và các cách ko truyền thống khác như cho người dân tiền để xài, food stamp để có thức ăn và để các công ty khỏi phá sản vì người dân hết tiền để mua hàng...Thường theo cách này, khi nhà nước can thiệp, họ cũng chỉ có thể can thiệp một vài công ty chính trong các ngành công nghiệp mũi nhọn. 

Cách thứ hai, người ta lập luận rằng, hãy để nền kinh tế tự vận động. Khi các công ty khó khăn nó sẽ tự có cách giảm giá, cắt bớt chi tiêu...và người tiêu dùng được lợi. Khi các công ty phá sản, giá sản phẩm sẽ giảm, đến một lúc nào đó chỉ còn một vài công ty, các công ty còn sót lại lúc này tự nhiên có thị trường rộng lớn hơn vì các công ty cạnh tranh đã chết bớt, họ sau một thời gian cải tổ để sống còn, giờ đây bắt đầu có lợi nhuận lại, bắt đầu thuê dụng trở lại nhân công và nhân công có tiền, mua sắm, kích thích nền kinh tế, và nền kinh tế bắt đầu hồi phục trở lại. 

Muốn người dân không còn đổ xô mua vàng nữa thì chỉ còn cách là duy trì mức lạm phát thấp, ổn định, phát triển nền kinh tế tăng trưởng trở lại, thị trường nhà đất và thị trường tài chính bền vững, vì đó là 2 nơi người dân có tiền đầu tư vào. Khi người dân có niềm tin vào chính phủ và tiền đồng và họ thấy rằng đầu tư ở đây đem lại lợi nhuận hơn thì họ sẽ mua trái phiếu, cố phiểu hoặc nhà đất, áp lực nhập vàng giảm đi. 

Còn khi họ kinh nghiệm rằng cầm tờ trái phiếu sau 10 năm nó trở thành tờ giấy lộn thì tốt nhất họ đi mua vàng. Trở lại nền kinh tế VN, tôi rất bi quan, vì tôi có cảm giác là chính phủ ko có một lộ trình rõ nét đưa nó ra khỏi vũng lầy hiện tại. Mỹ mất 5 năm để bước ra khỏi khủng hoảng. VN có nhiều khả năng không nhanh hơn. Tình trạng hiện nay ở VN giống như một anh tài xế không biết lái và cũng ko biết đường đang lái chiếc xe hư.