1.8.17

Mô hình nghị viện - liên bang của Đức

1. GIỚI THIỆU


Những người quan tâm đến vận mệnh của quốc gia hẳn sẽ cùng đồng ý với nhau một điều rằng chế độ cộng sản cuối cùng rồi sẽ cáo chung, nhường đường cho một chế độ chính trị dân chủ. Câu hỏi còn lại đó là đâu là một mô hình chính trị dân chủ tốt mà Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng.


Chọn lựa một mô hình chính trị có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của một quốc gia và sự tồn vong của một dân tộc. Nhờ tiếp nhận các giá trị dân chủ và thiết kế các hệ thống chính trị nhằm đảm bảo được tính ổn định chính trị mà các nước đã duy trì được những phát triển bền vững. Ngược lại, việc chọn lựa sai lầm một mô hình chính trị không những đưa đất nước nhanh chóng vào cuộc khủng hoảng, phá hủy những thành quả của quốc gia, mà còn để lại những hậu quả tai hại lâu dài cho đất nước.


                           


Trở lại câu hỏi rằng đâu là một mô hình chính trị mà Việt Nam có thể tham khảo. Trước hết, hãy dứt khoát một điều rằng đừng chọn chế độ tổng thống. Bởi vì những khiếm khuyết của nó, mô hình tổng thống dễ biến một tổng thống dân cử trở thành một nhà độc tài. Ở các nước theo chế độ tổng thống, nền dân chủ thường chỉ được duy trì trong những khoảng thời gian ngắn, để rồi uy quyền của tổng thống hoặc một sự can thiệp của quân đội khi nhận thấy tổng thống lạm quyền sẽ đưa đất nước quay trở lại chế độ độc tài, phá hủy mọi thành quả dân chủ và sự phát triển của quốc gia. Cho đến nay, Hoa Kỳ là nước duy nhất thành công với chế độ tổng thống. Các nước châu Mỹ La-tinh khác theo mô hình tổng thống, thậm chí nhiều nước rập khuôn mô hình của Hoa Kỳ, nhưng tất cả đều thất bại. Ở Việt Nam, chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam đã áp dụng chế độ tổng thống trong suốt 20 năm nhưng cuối cùng cũng không thành công. Nhưng, khi mà chế độ tổng thống đã thất bại ở hầu như mọi quốc gia nó được áp dụng, trừ Hoa Kỳ như một ngoại lệ, thì có gì phải ngạc nhiên khi nó tiếp tục thất bại ở Việt Nam?