25.4.16

Khi tổ quốc lụi tàn

Biển miền Trung. Nguồn: BBC Tiếng Việt.
Phát ngôn của ông Chu Xuân Phạm, giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh rằng chúng ta phải chọn một trong hai, giữa tôm cá hay là nhà máy thép, là một sự thành thật, dù đó là một sự thành thật đau đớn.

Một nhà máy của một ngành công nghiệp ô nhiễm như nhà máy thép chắc chắn là có tác động xấu đến môi trường, và sự suy giảm hay chết chóc của tôm cá do đó là một hệ quả tất yếu. Đó là một sự đánh đổi. Tuy vậy, có hai câu hỏi là sự đánh đổi đó có đáng hay không? Và ai là người được lợi?

Cho đến nay, chưa có một kết luận chính thức nào Formosa là thủ phạm trực tiếp gây độc môi trường. Tuy vậy, những bằng chứng mà người dân và báo chí thu thập được đang chĩa ngón tay về phía Formosa như một thủ phạm. Đó là hiện tượng nước biển trở thành độc chỉ diễn ra từ Vũng Áng, Hà Tĩnh và lan xuống phía Nam đến Huế. Sự lan tỏa đó góp phần nhờ ở dòng hải lưu biển đang ở mùa xuôi Nam. Đó là việc xả thải của Formosa hàng ngàn mét khối nước thải ra biển hàng ngày mà không ai biết đó là những chất thải gì, là việc dùng 300 tấn hóa chất độc địa để cọ rửa ống xử lý nước thải và thả thẳng ra biển. Mà sự độc địa của nguồn nước biển không những khiến cá chết mà chim lỡ ăn cá cũng chết và người ăn nhầm cá đều đã bị ngộ độc và phải cấp cứu. Nạn nhân mới nhất là một thợ lặn cho Formosa trong dự án xây bờ kè đã đột tử và bị nghi là nhiễm độc chất trong khi lặn. Những nghi ngờ không phải là không có căn cứ khi Formosa đã từng có thành tích phá hủy môi trường và được tổ chức bảo vệ môi trường của Đức tặng cho giải thưởng «Hành tinh Đen» (Black Planet Award) vì những hành động làm ô nhiễm và đầu độc môi trường ở tất cả những nơi công ty có hoạt động sản xuất từ Đài Loan, Mỹ, đến Campuchia.

Hậu quả của độc chất trong nước biển không chỉ dừng lại ở chỉ bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Huế mà sẽ có tác động rất lớn và lâu dài. Với tốc độ của dòng hải lưu khoảng 0,3- 0,5 mét/giây, sẽ mất khoảng 10 ngày để dòng hải lưu biển mang độc chất đi một đoạn đường dài 250 cây số -- đó cũng là khoảng cách theo đường chim bay từ Vũng Áng Hà Tĩnh đến Huế. Với khoảng cách 620 cây số từ Huế đến Nha Trang, nếu sự độc hóa được tiếp tục thì với tốc độ chảy của dòng hải lưu, chỉ trong vòng hơn ba tuần là vùng biển Khánh Hòa và Nam Trung Bộ bắt đầu nhiễm độc. Và nếu như sự độc hóa nước biển được tiếp tục thì vào cuối năm nay, bắt đầu từ tháng 8, khi dòng hải lưu đổi hướng ngược về phía Bắc, chúng ta sẽ chứng kiến sự độc hóa nước biển lan tỏa ra các vùng nước ở Vịnh Bắc Bộ. Cá sẽ chết ở Cửa Lò – Nghệ An, Sầm Sơn – Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh. Và đó là lúc biển Việt Nam chết, từ Bắc vào Nam.

Nhưng tác hại sẽ không dừng ở biển. Độc chất, cho dù ở một mức độ nhỏ, có thể không đủ sức giết chết cá hay người, vẫn sẽ hiện diện rất lâu trong môi trường. Độc chất lan tỏa ở biển, ngấm vào các mạch nước ngầm, và vào các sông hồ. Khi mà những mạch nước ngọt ngầm trong đất đều đã bị độc hóa thì nước Việt Nam không còn gì để sống. Chúng ta không ăn cá thì có thể ăn thịt, nhưng không ai có thể nhịn uống nước ngọt. Và khi nguồn độc hóa vẫn tiếp tục làm độc biển và môi trường thì sẽ đến một ngày rất gần, chỉ vài năm thôi, chúng ta sẽ chứng kiến dân tộc Việt Nam lụi tàn.

Sẽ có nhiều người cho rằng đây là một điều phóng đại. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn tác động của độc chấn dioxin để lại di chứng cho các thế hệ như là một ví dụ. Cho đến nay chúng ta chưa biết rõ hết tính chất của độc chất làm độc biển, nhưng những gì chúng ta chứng kiến cho thấy một sự tàn phá mạnh mẽ và hiểm nguy. Có lẽ sẽ phải mất hàng năm, hàng chục năm để nhận diện hết tác động của độc chất trong môi trường. Đó sẽ là bệnh tật nhiều hơn và tuổi thọ giảm xuống.

Câu chuyện ô nhiễm ở vùng vịnh Minamata của Nhật Bản là một ví dụ khác. Công ty Chisso, một công ty sản xuất hóa chất hàng đầu của Nhật Bản, đã thải hóa chất methyl thủy ngân (một loại thủy ngân hữu cơ) xuống vịnh Minamata kể từ năm 1932 đến năm 1968. Thủy ngân làm độc hóa tất cả các loại hải sản trong vùng vịnh và khi ăn hải sản cơ thể người, một cách trực tiếp, hấp thụ thủy ngân. Hậu quả của nó là bệnh tật ở người trưởng thành từ đau đầu, mệt mỏi, mất khả năng vị giác, khữu giác, hay quên…, và sinh ra những đứa bé bị tàn tật. Sự ô nhiễm thủy ngân sau đó buộc chính quyền phải nạo vét lòng vịnh trong suốt 14 năm và tiêu tốn một kinh phí tới 48,5 tỉ yên.

Một nguy cơ trước mắt khác đó là sự mất kế sinh nhai của hàng vạn đồng bào ven biển miền Trung, những người hành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cũng như những đồng bào khác hành nghề du lịch. Những người mà hàng ngàn đời nay sống nhờ biển, giờ đây phải chọn một nghề khác. Và ai sẽ giúp họ hay họ sẽ phải tự lực mưu sinh?

Những người Việt Nam lớn lên hôm nay đều được dạy rằng nước Việt Nam có «rừng vàng, biển bạc». Đó không hẳn là một câu nói phóng đại. Với 3260 cây số bờ biển, biển Việt Nam đã đem lại nguồn mưu sinh cho hàng triệu người sống dọc bờ biển và nuôi sống bao nhiêu thế hệ từ ngày lập quốc. Đó là nguồn «bạc» vô giá của đất nước.

Giờ đây, khi biển và nước bị đầu độc, với những người Việt Nam dù không quan tâm đến đất nước cũng phải có một lựa chọn: hoặc là chúng ta im lặng và nhìn đất nước lụi tàn, hoặc là kêu gọi một sự chấm dứt nguồn độc hóa môi trường và đưa ra pháp luật những người đã tiếp tay cho việc độc hóa diễn ra. Thời gian có lẽ không còn nhiều cho một suy nghĩ, vì khi sự độc hóa đã ngấm vào các mạch nước ngọt ngầm thì những vùng đất sẽ trở thành những vùng đất chết.

Minneapolis, 25.4.2016





Dòng hải lưu chảy xuôi từ tháng 2 và chảy ngược từ tháng 8. Nguồn: Fang, G. et al (2012). 

Dòng hải lưu chảy xuôi từ tháng 2 và chảy ngược từ tháng 8. Nguồn: Hu, J., et al. (2000).





Tham khảo:

[1] «Giám đốc đối ngoại Formosa: Không thể được cả 2, phải chọn hoặc nhà máy, hoặc cá tôm». Báo VTC News. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://vtc.vn/giam-doc-doi-ngoai-formosa-khong-the-duoc-ca-2-phai-chon-hoac-nha-may-hoac-ca-tom.2.616315.htm

[2] «Hồ sơ hủy hoại môi trường của Formosa trên thế giới kinh khủng như thế nào?». Báo CafeF. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://cafef.vn/ho-so-huy-hoai-moi-truong-cua-formosa-tren-the-gioi-kinh-khung-nhu-the-nao-20160425164430363.chn

[3] "'Yếu tố độc cực mạnh' gây hiện tượng cá chết hàng loạt”. Báo VnExpress. Ngày 23/4/2016. Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/yeu-to-doc-cuc-manh-gay-hien-tuong-ca-chet-hang-loat-3392108.html

[4] “Ngoài nước thải độc, cứ 1 tấn thép ra lò ở Formosa, sẽ thải ra hơn nửa tấn chất thải rắn, 2,3 tấn khí độc, gây bụi kim loại và mưa axit”. Báo CafeF. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://cafef.vn/ngoai-nuoc-thai-doc-cu-1-tan-thep-ra-lo-o-formosa-se-thai-ra-hon-nua-tan-chat-thai-ran-23-tan-khi-doc-gay-bui-kim-loai-va-mua-axit-20160425202801641.chn

[5] “15 tấn cá thối trên xe vào Nam”. Báo VNExpress. Ngày: 23/4/2016. Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/15-tan-ca-thoi-tren-xe-vao-nam-3392077.html

[6] “Gần 200 người bị ngộ độc sau khi ăn hải sản “nghi” nhiễm độc”. Báo Người Lao Động. Ngày: 22/4/2016. Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/gan-200-nguoi-bi-ngo-doc-sau-khi-an-hai-san-nghi-nhiem-doc-20160422200215802.htm

[7] “Một người bị ngộ độc nghi do ăn cá chết tại Quảng Bình”. Báo Nhân Dân. Ngày: 19/4/2016. Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/29356602-mot-nguoi-bi-ngo-doc-nghi-do-an-ca-chet-tai-quang-binh%C2%A0.html

[8] «Một thợ lặn ở Vũng Áng tử vong». Báo Giao thông. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/mot-tho-lan-o-vung-ang-tu-vong-d147470.html

[9] «Sau thảm họa cá chết ở Miền Trung: 4 ngư dân ra khơi một đêm, chia nhau được 20 ngàn đồng». Báo Lao động. Ngày 24/4/2016. Nguồn: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/sau-tham-hoa-ca-chet-o-mien-trung-4-ngu-dan-ra-khoi-mot-dem-chia-nhau-duoc-20-ngan-dong-544462.bld

[10] Fang, G. et al., 2012. «A review on the South China Sea western boundary current”. Acta Oceanologica Sinica. Nguồn: http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs13131-012-0231-y

[11] Hu, J., et al., 2000. “A Review on the Currents in the South China Sea: Seasonal Circulation, South China Sea Warm Current”. Journal of Oceanography.

[12] Sơ đồ dòng chảy hải lưu. Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam. Nguồn: http://www.vawr.org.vn/images/Image/IMAGE575.jpg



15.4.16

Bảo kê và những gánh hàng rong

Những hành vi sai phạm trong xã hội nếu tiếp diễn trong một thời gian dài nó sẽ biến thành một thông lệ, hay còn gọi là một loại luật ngầm, nằm bên dưới luật pháp, nhưng được thực thi một cách hiệu quả không kém gì luật pháp. Một lệ như vậy là bảo kê. 

Hai chữ bảo kê không còn xa lạ gì với dân làm ăn, kinh doanh. Làm lớn cần bảo kê lớn, làm nhỏ cần bảo kê nhỏ. 
Hàng rong của mẹ. Nguồn: Internet.
Đất có thổ công, sông có hà bá. Không có bảo kê thì sống không yên. Nếu cái bóng phía sau những đại gia là những vị quan quyền cao chức lớn thì bên cạnh những người bán hàng rong là anh công an khu phố hay chủ tịch phường. 

Sai phạm đó được người làm ăn chấp nhận lâu dần nó thành một cái lệ. Đó là lệ chung chi. Đất có lề, quê có thói. Ở đâu thì phải chung chi đó, cốt chỉ để làm ăn. Mà không chung chi thì trước sau gì cũng xảy ra chuyện.

Trường hợp anh Phạm Thiện Minh Phong, bán hàng rong, chỉ là một ví dụ. Nếu như anh chịu chung chi mỗi tháng 700 ngàn cho cảnh sát khu vực để được đẩy xe bán rong hẳn anh sẽ không bị công an tịch thu xe và đánh chấn thương sọ não. 

Chuyện của anh Phong làm tôi nhớ đến vài chuyện mà tôi từng biết. 

Những ngày về Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi hay ra cà phê bệt ở công viên bên hông nhà thờ Đức Bà để uống cà phê và nói chuyện với những bạn trẻ, những người tôi chưa từng gặp trước đó. Coi đó như là những cuộc phỏng vấn thú vị về cách những bạn trẻ sống và nghĩ suy. Gọi là cà phê bệt vì mọi người đều ngồi bệt dưới nền đất của công viên và lấy giấy báo lót chỗ ngồi.

Một chiều, có một chị gánh hàng rong tới, bán bánh bèo, bánh hỏi. Mỗi đĩa 20 ngàn. Chị bán cũng được lai rai. Xa xa phía đầu đường là dáng dấp mấy anh dân phòng, trật tự đô thị. Được một lúc thì bỗng xuất hiện một anh trật tự đô thị tiến tới, nói với chị: «cho xin ba dĩa bánh bèo». Chị im lặng, như một thói quen, làm cho anh ba dĩa. Anh mang đi, không một lời cảm ơn. Lát sau, chừng 5 phút, anh quay lại, bảo: «mấy ổng bảo cho xin ba dĩa nữa». Chị lại lẳng lặng làm tiếp ba dĩa bánh bèo. Anh ta mang đi và không một lời cảm ơn. Tôi nghi nghi nên hỏi chị: «Quạ, mấy ổng có trả tiền chị không?». Bằng chất giọng của người xứ Quảng, chị cười gượng trả lời: «Mấy ổng xin thì cho mấy ổng chứ tiền gì. Mình bán được ở đây là nhờ mấy ổng».

Gọi là cấm bán hàng ở công viên, nhưng bạn ngồi ở công viên có thể mua đủ thứ đồ uống, từ gói thuốc lá đến ly cà phê. Người bán hàng sẽ đi lòng vòng công viên, bạn mua gì cứ việc ới một tiếng, người ta chạy đến nhận đơn, chạy đi và chừng 5-10 phút sau là sẽ mang đồ tới. Trả tiền và thối lại tiền ngay tại chỗ. Để lách luật, một xe pha chế được để sẵn trong một quán gần đó bên kia đường. Nhưng để được bán hàng ở công viên phải trả tiền bảo kê, không phải ai muốn bán là bán được. Quyền bán nước ở công viên được chia cho hai người, người bán ngày chẳn 2, 4, 6, Chủ nhật, và người bán các ngày lẽ 3, 5, 7 còn lại. Hỏi người bán hàng chị chung bao nhiêu một tháng ở đây, chị bảo 40 triệu (?). 

Ngày tôi còn ở bên cầu Kênh Tẻ quận 7, đổ dốc cầu chữ Y quẹo trái chừng 500m là tới. Mỗi chiều, dưới chân cầu là một khu chợ bán đủ thứ đồ ăn. Ngay trên dốc cầu có một chú bán hột vịt lộn bể. Gọi là hột vịt lộn bể vì trong quá trình vận chuyển, trứng vịt bể hay nứt nên người ăn chê, loại ra. Anh mua về, hấp lại, đem bán. Gọi là bể nhưng hấp chín ăn vẫn ngon lành bình thường. Trứng vịt lộn bể rẻ nửa giá so với trứng vịt lộn nguyên. Thỉnh thoảng chiều cuối tuần, đi dạy thêm về, tôi hay ghé dốc cầu mua vài trứng và trò chuyện với ông. Hỏi ông bộ ông bán ở đây không sợ công an bắt hả. Ông bảo thì bắt hoài chứ. «Bắt hoài mà không sợ hả?» -- tôi cười cười trêu ổng. «Thì không bán lấy gì sống». Rồi kể, hễ mình thấy công an sớm thì mình đạp chiếc xe đi, tụi nó không bắt được. Hỏi ông mua chiếc xe ba gác bao nhiêu tiền, ổng bảo chừng một triệu đến triệu rưỡi, tùy xe ngon hay không. Hỏi tiếp, vậy bắt xe rồi, chú làm bao lâu thì mua được xe mới, ổng bảo cỡ 10 ngày đến nữa tháng. 

Có những vị đi Tây đi Tàu về rồi bảo rằng ở bên xứ họ cấm bán hàng rong, đường phố gọn gàng, sạch sẽ, nên việc cấm bán hàng rong ở Việt Nam là hợp lý vì hai lí do: xe hàng rong gây ách tắc giao thông và gánh hàng rong không có an toàn về thực phẩm.

Có vài điều cần nói về việc này. Về mặt luật pháp, nếu như đã cấm bán hàng rong thì hãy thực thi một cách triệt để. Và liệu điều này có thực thi được không? Chắc chắn là không. Thứ nhất, việc mất đi những quán hàng rong sẽ làm mất đi một nguồn thu nhập đáng kể cho những ông quan địa phương. Và thứ hai, khi mà thị trường lao động không cho phép người dân có một ngành nghề lao động nào khác ngoài bán hàng rong thì việc cấm chỉ có tác dụng trên giấy tờ. Chính vì sự bảo kê của các ông quan địa phương và sự lụn bại của nền kinh tế đã đẩy đưa số phận của nhiều người ra đường bán rong kiếm sống dù biết đó là vi phạm pháp luật, vì đơn giản họ không làm thì họ và gia đình sẽ đói. 

Về ý thứ hai, xe hàng rong gây ách tắc giao thông và gánh hàng rong không có an toàn về thực phẩm. Có nghiên cứu nào chỉ ra rằng những gánh hàng rong gây ách tắc giao thông? Và liệu rằng sự biến mất của những gánh hàng rong sẽ khiến đường không còn ách tắc? Liệu có số liệu nào cho thấy là những gánh hàng rong gây ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm hơn những hàng quán khác? Nếu họ gây ách tắc giao thông thì hãy phạt họ tội đó, và nếu như chỉ vì sự an toàn của vệ sinh thực phẩm thì hãy phạt họ tội làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không phải là triệt đường sinh nhai.

Với một số người khác sẽ cho rằng sự hiện diện của các gánh hàng rong làm ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố. Hãy hỏi một cách ngược lại rằng liệu sự biến mất của vài gánh hàng rong có làm hình ảnh thành phố đẹp hơn chăng? Câu trả lời là không. 

Với một số người đi Tây đi Tàu về hùng hồn cho rằng ở xứ họ không có gánh hàng rong, đường phố sạch đẹp. Và Việt Nam nên làm theo. Đó là một ý kiến thiển cận. Muốn người dân không còn bán hàng rong thì hãy giúp họ kiếm được một công việc hợp lý. Sở dĩ ở xứ người ta bán hàng rong không còn xuất hiện vì trước hết người dân không có nhu cầu đó, đi làm một công việc khác giúp họ có kế sinh nhai dễ chịu hơn. Và kế tiếp mới là đưa ra luật pháp hạn chế nếu cần thiết.

Cuối cùng, với nhiều người Việt, nếu hỏi rằng đâu là một phần kí ức của tuổi thơ, nhiều người sẽ nói rằng đó là những món quà vặt ở những quán hàng rong. Đó là những bát bún sáng, những món tàu hủ hay chè chiều. Đó là những bánh canh, bánh hỏi, bánh ướt, bánh bèo, bánh dây. Là những xoài, ổi, cóc, me ở góc cửa trường giờ ra chơi…Tất cả những điều đó đã làm nên một văn hóa và tâm hồn của người Việt. Vì lẽ đó, thay vì cấm, những người hiểu biết và yêu văn hóa Việt nên duy trì và nuôi dưỡng những quán hàng rong, coi nó như bất cứ ngành nghề kinh doanh nào khác, và coi nó như một di sản văn hóa đẹp của người Việt. 


Minneapolis, 15.4.2016

Cho những người bạn

Đường. Nguồn: Internet.
"Có những người tôi chưa hân hạnh được gặp, nhưng tôi xem là bạn, vì đơn giản tôi thấy ở họ cùng một lý tưởng. Thân tặng các bạn Nguyễn Kim Anh, Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Trang Nhung, Đỗ Nguyễn Mai Khôi, Lâm Ngân Mai, Võ An Đôn, và các bạn ứng viên tự do khác".

Nếu có một ngày lịch sử được viết lên về con đường Việt Nam tiến tới một thể chế dân chủ, tên tuổi của những người can đảm, đường hoàng và tự tin ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) hẳn sẽ đứng ở một góc trang trọng, đúng với ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện.

Không phải rằng những con số dưới đa số dành cho các ứng viên tự do ở các hội nghị cử tri là một thành công của nhà cầm quyền. Ngược lại, đó là một thất bại đau đớn và dại dột. Thử hỏi rằng những ai đã tin rằng những nhà cầm quyền mới sẽ mang lại hi vọng cải cách giờ đây sẽ nghĩ gì? Chắc chắn bạn sẽ nhận lại một cái lắc đầu: vũ như cẩn. Rồi đây người dân sẽ đồng thuận với nhau rằng Đảng Cộng sản và những cấp lãnh đạo không còn khả năng tự đổi mới và ngày nào họ còn nắm quyền, ngày đó đất nước còn lầm lạc. Sẽ có thêm nhiều người tù chỉ vì những bài viết mà chính quyền không ưa. Sẽ có thêm nhiều dân oan bị mất đất. Và sẽ có thêm hàng triệu người ngày càng vất vả hơn để mưu sinh và ở trọ ngay trên chính quê hương mình. Phải gọi là ở trọ vì họ nào có quyền gì ở đất nước họ lớn lên và sinh ra, tất cả đều là xin và được cho, thậm chí ngay cả mảnh đất họ ở cũng chỉ có quyền sử dụng mà nhà nước là người sở hữu, thông qua cái gọi là «sở hữu toàn dân». Vậy thì không phải ở trọ là gì?

Chưa bao giờ hình ảnh của nhà cầm quyền với sáo ngữ «công bằng, dân chủ, văn minh» lại trở nên kệch cỡm và hợm hĩnh như bây giờ. Đối mặt với những người trẻ, đơn độc ngay trên chính quê hương mình, nhà cầm quyền dùng tất cả các phương tiện trong tay, từ truyền thông với đủ các tờ báo, tới lực lượng dư luận viên để bịa đặt và bôi nhọ các ứng viên tự do. Thấy chưa đủ, họ còn làm khó dễ giấy tờ đến dùng an ninh để hăm dọa các ứng viên. Tất cả những sự việc đó khiến cho những trí thức dù ủng hộ nhà cầm quyền cũng phải thấy tự xấu hổ.

Ở các hành động trấn áp phong trào ứng cử tự do đó không cho thấy một nhà cầm quyền mạnh, mà ngược lại đó là hình ảnh một nhà cầm quyền yếu. Yếu đến nỗi không dám để bất kì ứng viên nào vào Quốc hội để có thể tranh luận một cách công bằng và thẳng thắn với bất kì đại biểu nào của Đảng. Và yếu đến nỗi mà các tờ báo chỉ dùng những lời lẽ hạ cấp để thóa mạ và bôi nhọ các ứng viên, không thể có nỗi một tranh luận đàng hoàng và tử tế về các chính sách. Cái mà nhà cầm quyền có là lực lượng an ninh. Nhưng một chính quyền mà chỉ còn dùng an ninh để cai quản và làm sợ người dân thì đó là một chính quyền yếu, vì yếu nên họ mới cai trị bằng nỗi sợ. Một chính quyền mạnh họ cai trị bằng sự chính danh, sự nể phục, tôn trọng, và yêu thương. Những điều này hoàn toàn vắng bóng ở nhà cầm quyền Việt Nam.

Có thể chúng ta bi quan ở các hội nghị cử tri rằng có những người, bất chấp đạo lý, đứng lên mạt sát các ứng viên, và rồi cho đó rằng không có một tương lai nào cho Việt Nam. Đó là một tâm lý bi quan. Nên nhớ rằng những người được phép tham dự là một nhóm nhỏ người được chọn lựa cẩn thận và những phát biểu chỉ phản ánh một thiểu số. Thay đổi đất nước cần ý kiến của một đa số người dân, nhiều người trong đó mong muốn một sự thay đổi, tuy vậy, họ chắc chắn không được mời. Và cũng nên nhớ rằng chỉ cần một đa số người dân trong xã hội ủng hộ thay đổi đã là một thành công, và trong một nửa còn lại không ủng hộ thì bạn có thể tìm thấy họ ở các hội nghị hiệp thương.

Sẽ có nhiều người buồn. Và ai đã cố gắng, không thành công, mà chẳng buồn? Nhưng hãy nghĩ lại, ở một cuộc bầu cử mà không có kiểm phiếu độc lập, nhà cầm quyền nắm tất cả mọi thứ từ luật chơi đến kiểm phiếu thì có mấy cơ hội mà phe đối lập dành thắng lợi? Nó giống như là một màn múa rối mà người giật dây là nhà cầm quyền và khán giả là nhân dân. Những thể hiện của các ứng viên tự do giúp nhân dân thấy được đâu là «kĩ năng» và «trình độ» của người điều khiển. Để rồi họ biết phải làm gì tiếp theo.

Cuối cùng, nếu nhìn lại phong trào ứng cử tự do, hẳn nhiều người thấy rằng chưa bao giờ phong trào dân chủ có những thời khắc sôi động và gần gũi đến như vậy. Chính trị không còn là những điều xa lạ và đáng sợ. Sự dọa dẫm của an ninh hay những án tù dành cho những nhà bất đồng chính kiến trong khi phong trào diễn ra không làm người ta sợ. Sẽ có vài người phải bước vào nhà tù nhỏ, nhưng dân tộc này sẽ tiến bước nếu cả dân tộc muốn thấy có một tương lai. Và trên con đường đó, hôm nay những người trẻ, một cách can trường và đầy tình yêu, bước ra, đặt những viên gạch.

Minneapolis, 3.4.2016

2.4.16

Thách thức Kinh tế của Việt Nam


Việt Nam chính thức có bốn vị trí lãnh đạo chính phủ mới. Vậy đâu là những khó khăn về kinh tế những lãnh đạo này phải đối phó trong 5 năm tới và đâu là những giải pháp?

Nha Trang, Việt Nam. Nguồn: Internet.

NGÂN SÁCH CẠN KIỆT

Cuối năm 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho báo giới biết rằng ngân sách trung ương chỉ còn 45 ngàn tỉ đồng. Nếu đem chia số tiền này cho một đất nước hơn 90 triệu dân của Việt Nam, thì nó chỉ tương đương mỗi người có chưa tới 500 ngàn đồng; hay với thời giá mỗi tô phở là 50 ngàn thì nó chỉ tương đương mỗi người được 10 tô phở. Đó là một ngân sách trống rỗng.

Một trong các lí do khiến ngân sách thâm hụt nhanh chóng như vậy là do sự sụt giảm của giá dầu thô thế giới. Nếu như trong các năm 2010 đến 2012, giá dầu thô dao động trong khoảng 80-100 đô la/thùng, thì giá hiện nay dao động ở con số 37 đô la/thùng, tức là giảm hơn một nửa. Điều đó đồng nghĩa với thu nhập từ dầu thô cũng giảm đi một nửa. Với mức sản xuất khoảng 320 ngàn thùng dầu/ngày hiện nay, và nếu tính thời giá năm 2012 khoảng 100 đô la Mỹ/thùng, sẽ cho thu nhập khoảng hơn 12 tỉ đô la Mỹ. Việc giảm giá một nửa khiến Việt Nam mất đi hơn 6 tỉ đô la Mỹ thu nhập từ bán dầu.

Liệu giá dầu có nhanh chóng tăng lên không? Dự đoán của WorldBank cho thấy giá dầu năm 2016 trung bình ở khoảng 37 đô la Mỹ/thùng. Với sự xuất hiện của các công ty dầu đá phiến của Mỹ, thị trường dầu mỏ thế giới dẫn đến tình trạng bão hòa. Trong khi các mỏ dầu ngoài khơi phải tốn hàng tháng để thăm dò và khoan, các mỏ dầu đá phiến chỉ tốn vài tuần. Giá dầu giảm khiến các công ty dầu đá phiến khoan các mỏ dầu nửa chừng và dừng lại, chỉ cần giá dầu vừa nhích lên là ngay lập tức họ có thể bơm. Chính vì vậy, giá dầu khó mà có thể quay lại mức giá những năm 2010-2012 trong ngắn hạn.

Ở địa phương, tình hình còn tệ hơn. Nhiều địa phương không còn tiền để trả nợ và trả lương cho cán bộ, nhân viên.

Hậu quả của một ngân sách trống rỗng là chính phủ sẽ không còn tiền để trả nợ và đầu tư. Không có đầu tư thì kinh tế không phát triển.

Với một ngân sách trống rỗng như vậy, để đối phó, chính phủ thực hiện bốn chính sách: (1) tiết kiệm, tăng thu giảm chi; (2) bán bớt doanh nghiệp nhà nước; (3) cấp tập lo đi vay nợ trong và ngoài nước; và (4) tăng thuế.

CHÍNH SÁCH BẾ TẮC?

Tất cả những giải pháp trên chỉ là những giải pháp tình thế trong 1-2 năm, nếu giả sử rằng nó là hiệu quả.

Đầu tiên, chính sách tiết kiệm, tăng thu giảm chi rõ ràng là một chính sách có tác dụng hô hào. Làm sao có thể tiết kiệm ngân sách với một chính quyền cồng kềnh với đầy đủ ban bộ ở cả hai nhánh Đảng và chính phủ, nuôi một bộ máy an ninh khổng lồ chỉ để theo dõi và đàn áp người dân? Liệu rằng chính quyền có khả năng tinh giản bớt bộ máy Đảng và an ninh không? Câu trả lời là không. Nhờ hai bộ máy này Đảng mới tồn tại.

Một chính sách tiết kiệm cũng là một chính sách chống tham nhũng, vì ngân sách ở địa phương đã bị tham nhũng, và do đó chẳng còn bao nhiêu để đóng góp cho ngân sách trung ương. Nhưng liệu chính quyền có tự mình chống được tham nhũng không? Câu trả lời cũng là không. Muốn chống tham nhũng đòi hỏi những người ở cấp cao nhất là những người không tham nhũng và luật pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Điều đó hoàn toàn không tồn tại ở Việt Nam hiện nay.

Thứ hai, với chính sách bán bớt doanh nghiệp nhà nước, rõ ràng đây là một chính sách đúng đắn và nên làm từ lâu. Vì trước hết các doanh nghiệp tư nhân năng động là đòn bẩy của nền kinh tế. Việc bán bớt các doanh nghiệp nhà nước có thể đem lại một số vốn để trang trải ngân sách trong ngắn hạn nhưng hiệu quả chỉ có giới hạn. Vì số lượng doanh nghiệp nhà nước là một con số hữu hạn và số lượng doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và có giá trị càng ít hơn. Thoái vốn ở 10 doanh nghiệp gần đây chỉ đem lại con số 3 tỉ đô la Mỹ, đó là một con số khiêm tốn, chưa đủ trả một nửa số nợ công trong năm 2016, khoảng 7.5 tỉ đô la Mỹ. Sẽ đến một lúc nhà nước không còn tài sản gì ở các doanh nghiệp và do đó không còn gì để bán.

Thứ ba, với chính sách đi vay nợ trong và ngoài nước, thoạt nhìn trông có vẻ đơn giản, nhưng thật ra có những tai hại vô cùng lớn cho đất nước. Muốn kinh tế phát triển đất nước cần đầu tư. Đầu tư hệ thống hạ tầng, công cụ sản xuất, và đầu tư vào con người. Đầu tư đến từ hai nguồn là nhà nước và tư nhân. Khi chính phủ vay nợ trong nước, điều này đồng nghĩa với việc người dân cho chính quyền vay tiền để trả nợ. Khi người dân cho chính quyền vay tiền, điều này đồng nghĩa với việc người dân sẽ giảm đầu tư. Giảm đầu tư đồng nghĩa với phát triển giảm đi.

Đi vay nợ nước ngoài cũng không phải là một giải pháp dễ dàng trong thời điểm hiện tại. Giá dầu thấp khiến các công ty dầu mỏ thế giới đang đối mặt với các khoản nợ. Với hiện trạng giá dầu thấp như hiện nay, nhiều công ty dầu mỏ đang đối mặt với khả năng phá sản. Các ngân hàng Mỹ và thị trường tài chính Mỹ đang chịu nhiều áp lực vô cùng to lớn. Đó cũng là lí do mà Ngân hàng Trung ương Mỹ quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa rồi và các tuyên bố về lãi suất cũng trở nên mềm mỏng hơn. Nếu như trong năm 2007, khi chính phủ đi vay nợ giúp Vinashin với lãi suất 7.15%/năm thì mức lãi suất đi vay hiện nay chắc chắn không thấp hơn con số này, vì hai lí do là nợ công và tình trạng kinh tế Việt Nam hiện nay kém hơn năm 2007 và thị trường tài chính hiện nay khó khăn hơn so với thời điểm đi vay tiền cho Vinashin.

Đảo nợ cũng chỉ mua được thời gian và nếu không có một kế hoach cải tổ nghiêm túc thì Việt Nam phải đối diện với phá sản. Với con số nợ công được chính phủ công bố hơn 90 tỉ đô hiện nay, nhiều trong số đó là vay ưu đãi, giả sử như chính quyền không có khả năng trả và phải đi vay bên ngoài với lãi suất ít nhất 7.15%/năm để trả nợ, thì việc hoãn nợ cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng hơn 90 tỉ đô la Mỹ tiền nợ sẽ phải đối mặt với lãi suất 7.15% /năm. Điều này đồng nghĩa với việc trả tiền lãi ít nhất 6.3 tỉ đô la Mỹ/năm, hay mỗi năm mỗi người Việt phải bỏ ra 70 đô la Mỹ (1.5 triệu VND) chỉ để trả lãi, chưa tính tiền nợ gốc.

Đó chỉ là những con số ước lượng thấp nhấp và dựa vào con số công bố bởi chính phủ. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì chính phủ đi vay cho cả các doanh nghiệp nhà nước và nợ do các doanh nghiệp nhà nước đi vay ở ngoài mà không được tính là nợ công.

Nghiêm trọng hơn, là con số nợ công tăng khoảng hơn 9%/năm, hay nếu tiếp tục với tình trạng hiện nay thì cứ mỗi 8 năm, con số nợ công sẽ tăng gấp đôi.

Đối diện với một mức nợ như vậy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chỉ tròm trèm 30 tỉ đô la Mỹ. Năm 2016, các khoản nợ phải trả của Việt Nam lên con số 150 ngàn tỉ đồng, tương đương khoảng 7.5 tỉ đô la Mỹ. Không có con số các năm sau Việt Nam phải trả nợ bao nhiêu. Nhưng cứ giả sử như các năm sau Việt Nam phải trả cùng một mức nợ như năm 2016, thì số tiền 30 tỉ đô la Mỹ chỉ đủ 4 năm trả nợ. Nhưng có thể không đợi tới 4 năm, chỉ cần dự trữ ngoại hối xuống mức khoảng 15 tỉ đô la Mỹ thì Việt Nam sẽ phải đối diện với khủng hoảng thanh khoản.

Thứ tư, tăng thuế. Đối với một nền kinh tế, có vài cách tăng thuế là: (i) tăng thuế một vài mặt hàng tiêu dùng cơ bản; (ii) tăng thuế giá trị gia tăng hay thuế tiêu dùng; (iii) tăng thuế thu nhập cá nhân hay doanh nghiệp; (iv) tăng thuế xuất nhập khẩu; (v) tăng thuế sở hữu tài sản. Trong trường hợp của Việt Nam, khi nhiều người dân có mức thu nhập quá thấp dưới ngưỡng đóng thuế, chính quyền đề xuất tăng thuế xăng dầu, và tăng 1000 đồng/lít.

Với con số hơn 40 triệu xe máy năm 2015 và giả sử con số sẽ tăng lên khoảng 50 triệu năm 2016, giả sử thêm mỗi ngày một xe dùng 1 lít, mức tăng thuế xăng dầu một năm sẽ giúp tăng ngân sách thêm khoảng hơn 18 ngàn tỉ đồng (365 x 50 triệu x 1000 đồng), nó tương đương việc mỗi người trong 90 triệu người đóng góp thêm 200 ngàn VND/năm. Đó cũng là một con số khiêm tốn so với mức ngân sách vốn đã khiêm tốn chỉ còn tương đương 500 ngàn VND/người. Nhưng mức đóng góp đó có thể còn thấp hơn, vì số tiền có được khi tăng thuế không phải 100% sẽ được nộp về ngân sách trung ương, mà nó còn là chi phí thất thoát ở các hệ thống thu thuế bên dưới.

Tăng thuế xăng dầu còn có một ảnh hưởng to lớn lên nền kinh tế là lạm phát. Với việc tăng khoảng 10% thuế xăng dầu, các doanh nghiệp vận tải và sản xuất buộc phải tăng chi phí. Chi phí vận tải và sản xuất tăng kéo theo tất cả các mặt hàng cả nước cùng tăng. Nhưng việc tăng đó không chỉ là tăng theo tỉ lệ, và vì những chi phí phát sinh khi tăng giá, các doanh nghiệp sẽ dự đoán rằng việc tăng giá này sẽ là bắt đầu của một chuỗi tăng giá tiếp theo, do đó, các doanh nghiệp sẽ tăng giá cao hơn. Hậu quả là mức lạm phát sẽ nhanh chóng tăng vọt. Khi mức lạm phát nhanh chóng tăng vọt, đồng nghĩa với tiền mất giá, các cơ sở tín dụng và ngân hàng khi cho vay phải tính luôn mức lạm phát vào lãi suất cho vay. Vì lẽ đó, với một mức lạm phát tăng thêm khoảng 5-10% từ việc tăng giá xăng dầu, ngân hàng có thể phải tăng thêm mức lãi suất tương ứng. Các doanh nghiệp muốn làm ăn có lãi buộc phải tăng giá bán hoặc cắt giảm lương bổng nhân công. Hậu quả là kéo theo thêm một chuỗi lạm phát, làm đời sống công nhân cơ cực, và làm doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng trước một mức lãi suất vay quá cao để có thể kinh doanh sản xuất. Nền kinh tế sẽ đi sâu vào cơn khủng hoảng.

Câu hỏi cuối cùng, vậy liệu có một giải pháp nào cho nền kinh tế không? Dĩ nhiên là có. Nó phải là một kết hợp giữa các chiến lược: (i) cắt giảm chi tiêu của chính phủ cho lực lượng nhân viên, đặc biệt là bộ máy Đảng và an ninh; (ii) chống tham nhũng, đặc biệt ở khâu thu thuế và đầu tư; (iii) đầu tư những dự án hạ tầng hiệu quả; (iv) đóng cửa hay bán các dự án nhà nước; (iv) cải cách lại hệ thống tài chính và ngân hàng; (v) thiết lập một cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp; (vi) tập trung đầu tư vào vốn con người (giáo dục, y tế, và an sinh xã hội).

Liệu chính quyền hiện tại có khả năng thực hiện không?


Nguyễn Huy Vũ

Minneapolis, 2.4.2016



Tham khảo:

[1] «Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Ngân sách chỉ còn 45.000 tỷ đồng, không có tiền để chi tiêu». Vietnamnet, 23/10/2015. Nguồn: http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/bo-truong-bui-quang-vinh-ngan-sach-chi-con-45-000-ty-dong-khong-co-tien-de-chi-tieu-20151023093028135.chn

[2] “Chính phủ yêu cầu tăng thu, tiết kiệm chi, giảm bội chi ngân sách nhà nước”. Cafef, 10/1/2016. Nguồn: http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/chinh-phu-yeu-cau-tang-thu-tiet-kiem-chi-giam-boi-chi-ngan-sach-nha-nuoc-2016011018190241.chn

[3] “Ngân sách không đủ tiêu, đầu năm Chính phủ lo vay nợ». Vietnamnet, 22/3/2016. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/295298/ngan-sach-khong-du-tieu-dau-nam-chinh-phu-lo-vay-no.html

[4] «Cà Mau không còn tiền trả lương công chức». Vietnamnet, 3/12/2015. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/276848/ca-mau-khong-con-tien-tra-luong-cong-chuc.html

[5] “14 bệnh viện Đắk Lắk hết tiền trả lương”. Tuổi Trẻ, 8/12/2015. Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20151208/14-benh-vien-dak-lak-het-tien-tra-luong/1016560.html

[6] “Bệnh viện không còn tiền trả lương bác sĩ”. Đất Việt, 5/12/2015. Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/benh-vien-khong-con-tien-tra-luong-bac-si-3294156/

[7] «Thoái vốn tại 10 công ty lớn, Nhà nước thu về 3 tỷ USD». Báo Mới, 14/10/2015. Nguồn: http://www.baomoi.com/thoai-von-tai-10-cong-ty-lon-nha-nuoc-thu-ve-3-ty-usd/c/17741695.epi

[8] “Vay tiền ngân hàng ‘cứu trợ’ ngân sách?”. Vietnamnet, 8/8/2015. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/254973/vay-tien-ngan-hang-cuu-tro-ngan-sach.html

[9] «Lại sẽ tăng thuế xăng dầu?». Tuổi Trẻ, 1/4/2016. Nguồn:
http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160401/lai-se-tang-thue-xang-dau/1077079.html

[10] «Nghiên cứu tăng thuế xăng dầu bù hụt thu». Vietnamnet, 29/3/2016. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/296694/nghien-cuu-tang-thue-xang-dau-bu-hut-thu.html

[11] «Năm 2016: Việt Nam phải trả nợ 150.000 tỉ đồng». Pháp Luật, 23/3/2016. Nguồn: http://plo.vn/thoi-su/nam-2016-viet-nam-phai-tra-no-150000-ti-dong-618973.html

[12] «HSBC: Dự trữ ngoại hối Việt Nam sụt giảm». VnEconomy, 3/12/2015. Nguồn: http://vneconomy.vn/tai-chinh/hsbc-du-tru-ngoai-hoi-viet-nam-sut-giam-20151203100259525.htm

[13] «Dân Việt sở hữu xe máy nhiều thứ 2 thế giới». Vietnamnet, 25/7/2015. Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/252388/dan-viet-so-huu-xe-may-nhieu-thu-2-the-gioi.html

[14] Đồng hồ nợ công của Việt Nam. Nguồn: http://www.economist.com/content/global_debt_clock

[15] Nguyễn Huy Vũ. 2015. “Kinh tế Việt Nam: Vài con số”. Nguồn: http://nguyenhuyvu.blogspot.com/2016/03/kinh-te-viet-nam-vai-con-so.html