13.1.21

Trung Quốc và Hoa Kỳ, cuộc chạy đua của hai siêu cường



Sau Thế chiến thứ Hai, Hoa Kỳ nổi lên như một cường quốc đứng đầu thế giới với năng lực vượt trội. Trong suốt hơn 70 năm sau đó, thế giới tương đối hoà bình, ngoại trừ vài cuộc chiến uỷ nhiệm giữa hai phe tư bản và cộng sản, đã giúp cho các nước vốn có tiềm lực thời gian để vươn mình trở lại cuộc đua giành ngôi vị cường quốc thế giới. 


Đức và Nhật nhờ vốn con người còn nguyên vẹn cùng sự giúp đỡ của Mỹ đã nhanh chóng hồi phục và trở thành những cường quốc. Tuy vậy, cùng với Anh, Pháp, và Ý, Đức và Nhật tuy trình độ công nghệ đã gần như bắt kịp Hoa Kỳ nhưng vì hạn chế về dân số, chỉ khoảng bằng một phần ba dân số của Mỹ, nên tiềm lực kinh tế và quốc phòng tổng thể của mình không thể nào đọ được với Hoa Kỳ. Tương tự, nước Nga với diện tích rộng lớn nhưng thưa dân, bị cô lập bởi phương Tây, nên chỉ dừng lại như một cường quốc khu vực. 


Hai nước có dân số hơn hẳn Hoa Kỳ đó là Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ là một nước dân chủ, đa sắc tộc, đa tôn giáo. Trong lịch sử đó là một lục địa của các tiểu vương quốc. Các tiểu vương quốc thường xuyên đánh nhau và do vậy mà Ấn Độ, vì các yếu tố nội tại của mình, chưa bao giờ có tư tưởng bá quyền. Trung Quốc ngược lại đã thống nhất thành một quốc gia có tổ chức, kỷ luật và kỷ cương từ rất sớm kể từ thời nhà Hán hơn 200 năm trước Công nguyên. Nhờ ở sự thống nhất và tập quyền đó mà sự lớn mạnh của các triều đại phong kiến Trung Quốc đi kèm với nó là tư tưởng bá quyền và đòi hỏi sự thần phục của các nước lân bang. 


Với dân số gần một tỉ bốn trăm triệu dân, tức gấp hơn bốn lần dân số của Hoa Kỳ vốn chỉ gần 330 triệu, nếu Trung Quốc đạt được một trình độ phát triển ngang Hoa Kỳ thì đồng nghĩa tiềm lực kinh tế và quốc phòng của họ sẽ gấp bốn lần Hoa Kỳ. Với lợi thế về dân số đông và hệ thống chính trị tập quyền, Trung Quốc chỉ cần đạt được một trình độ phát triển tương đối, không cần ngang bằng với Hoa Kỳ, là đã đủ để họ cạnh tranh với Hoa Kỳ. 


Vấn đề của các lãnh đạo Hoa Kỳ hiện nay là làm sao để Hoa Kỳ tiếp tục duy trì vị trí lãnh đạo số một thế giới về cả kinh tế và quốc phòng. Kinh tế đi đôi với quốc phòng, vì với một nước có nền kinh tế mạnh họ dễ dàng đầu tư phát triển quốc phòng ngày càng mạnh hơn, dùng đòn bẩy kinh tế để đưa ra các định chế giao dịch trong kinh tế khiến các nước phụ thuộc, và sự giàu hơn của ngân sách giúp họ chi nhiều hơn để hỗ trợ các đồng minh và xây dựng các mối quan hệ mới. 


Trong cuộc chạy đua giữ vị trí siêu cường mà Trung Quốc đang đuổi theo rất sát ở phía sau, Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Donald Trump đã thực thi một loạt các chính sách.


Đầu tiên là về nhân lực. Một quốc gia muốn hùng cường phải đầu tư vào nhân lực của xứ mình. Để đầu tư vào nhân lực, trước hết Hoa Kỳ phải kiểm soát dân số và tình trạng nhập cư lậu. Và để giảm tình trạng nhập cư lậu thì chính quyền cho xây tường dọc biên giới Mỹ và Mê-hi-cô. Tiếp theo, chính quyền cho gỡ bỏ chương trình quay số ngẫu nhiên để cấp thẻ định cư và chuyển sang thúc đẩy chương trình định cư cho nhân tài, những người có trình độ. 


Chính quyền Mỹ cố gắng chấm dứt những cuộc chiến tốn kém kéo dài vô bổ, tập trung ngân sách cho thành lập lực lượng không gian và đầu tư mạnh hơn nữa vào quốc phòng.  


Ở châu Âu, Hoa Kỳ kêu gọi lẫn làm áp lực để các đồng minh NATO tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất là 2% tổng thu nhập quốc dân (GDP) như cam kết trước đây nhằm làm cho liên minh mạnh hơn. 


Ở châu Á, Hoa Kỳ chính thức thực hiện chiến lược xoay trục về châu Á, một chiến lược mà thời tổng thống Barack Obama mới chỉ dừng ở mức ý tưởng và thăm dò các đồng minh. Hoa Kỳ thiết lập và dẫn đầu liên minh Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm bao vây Trung Quốc. Trong liên minh này, ngoài Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc là nhóm cứng, sẽ có thêm Việt Nam và Indonesia là hai thành viên không chính thức. 


Trong nội địa, chính quyền Mỹ cho đóng cửa các viện Khổng Tử, lấy lý do là các viện này vừa là cơ quan giúp thu thập tin tình báo vừa là cơ quan tuyên truyền cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ chỗ có hơn 100 viện Khổng Tử khi bắt đầu nắm quyền, cuối nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump, số viện Khổng Tử giờ chỉ còn chưa tới 60 viện. 


Mỹ cũng cho đóng cửa lãnh sự quán ở Houston vì cho rằng đây là đầu não chỉ huy lực lượng tình báo ăn cắp công nghệ. 


Cùng lúc, chính quyền Mỹ cũng bắt đầu ra soát và chặn các sinh viên đội lốt quân đội sang du học nhằm mục đích ăn cắp công nghệ cho quân đội Trung Quốc. Bắt các học giả, các trường đại học khai báo các ngân khoản được tài trợ bởi nước ngoài nhằm tránh việc nước ngoài ăn cắp công nghệ của Hoa Kỳ. 


Về kinh tế, chính quyền kêu gọi các công ty Mỹ ở Trung Quốc quay về sản xuất ở Mỹ. 


Mục tiêu trước mắt là giúp tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ. Nhưng mục tiêu lâu dài hơn đó là tránh để các công ty Tàu ăn cắp công nghệ cũng như không cho công nhân Tàu học thao tác sản xuất công nghiệp theo công nghệ. 


Việc sản xuất ở Mỹ cũng giúp cho Mỹ không còn phụ thuộc vào Trung Quốc nữa, và như vậy sẽ làm yếu đi đòn bẩy về thương mại của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ. 


Để khuyến khích các công ty Mỹ quay về Mỹ sản xuất, đầu tiên chính quyền cho giảm thuế doanh nghiệp. Tiếp theo đó chính quyền cho đánh thuế lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Song song đó là tạo ra một bầu không khí rằng chiến tranh thương mại không hồi kết và khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển khỏi Trung Quốc. 


Làm mọi cách để khiến các nước đồng minh không dùng công nghệ viễn thông 5G của Huawei và chặn Huawei trước khi nó trở thành một công ty công nghệ viễn thông khổng lồ có khả năng kiểm soát thế giới.


Tuy vậy, các biện pháp này chỉ có thể giúp Hoa Kỳ duy trì được ưu thế siêu cường trong một thời gian ngắn hạn, có thể chỉ chừng hơn 10 năm nữa. Với lợi thế về dân số và có một chính thể tập quyền được tổ chức tốt, nếu không có gì thay đổi, việc Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ về khả năng kinh tế và quốc phòng là điều thấy được. 


Dân chủ hoá Trung Quốc để Trung Quốc trở thành một quốc gia văn minh và có trách nhiệm là một ý kiến hời hợt. Muốn xem một Trung Quốc dân chủ sẽ như thế nào thì cách tốt nhất là nhìn Đài Loan. Một Trung Quốc với dân số gấp bốn lần Hoa Kỳ, dân chủ và phát triển như Đài Loan tự bản thân nó đã trở thành siêu cường với tiềm lực kinh tế và quốc phòng gấp vài lần Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và phương Tây còn lâu mới thần phục và chấp nhận phương án này.


Chọn lựa duy nhất của các nhà làm chính sách Hoa Kỳ mà bất kỳ một học giả nào cũng có thể thấy được đó là một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ phải cố gắng tách Trung Quốc ra thành những quốc gia nhỏ hơn. Nhưng để làm được điều đó thì đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ và các đồng minh phải đủ mạnh hơn Trung Quốc. Nhưng còn bao lâu để Hoa Kỳ có thể đủ mạnh, có lẽ chỉ chừng 10 năm nữa. 


Nguyễn Huy Vũ

20.10.2020


*Bài viết đã lược bỏ đi những số liệu để tránh mất đi sự tập trung cho ý chính.