15.4.16

Bảo kê và những gánh hàng rong

Những hành vi sai phạm trong xã hội nếu tiếp diễn trong một thời gian dài nó sẽ biến thành một thông lệ, hay còn gọi là một loại luật ngầm, nằm bên dưới luật pháp, nhưng được thực thi một cách hiệu quả không kém gì luật pháp. Một lệ như vậy là bảo kê. 

Hai chữ bảo kê không còn xa lạ gì với dân làm ăn, kinh doanh. Làm lớn cần bảo kê lớn, làm nhỏ cần bảo kê nhỏ. 
Hàng rong của mẹ. Nguồn: Internet.
Đất có thổ công, sông có hà bá. Không có bảo kê thì sống không yên. Nếu cái bóng phía sau những đại gia là những vị quan quyền cao chức lớn thì bên cạnh những người bán hàng rong là anh công an khu phố hay chủ tịch phường. 

Sai phạm đó được người làm ăn chấp nhận lâu dần nó thành một cái lệ. Đó là lệ chung chi. Đất có lề, quê có thói. Ở đâu thì phải chung chi đó, cốt chỉ để làm ăn. Mà không chung chi thì trước sau gì cũng xảy ra chuyện.

Trường hợp anh Phạm Thiện Minh Phong, bán hàng rong, chỉ là một ví dụ. Nếu như anh chịu chung chi mỗi tháng 700 ngàn cho cảnh sát khu vực để được đẩy xe bán rong hẳn anh sẽ không bị công an tịch thu xe và đánh chấn thương sọ não. 

Chuyện của anh Phong làm tôi nhớ đến vài chuyện mà tôi từng biết. 

Những ngày về Sài Gòn, thỉnh thoảng tôi hay ra cà phê bệt ở công viên bên hông nhà thờ Đức Bà để uống cà phê và nói chuyện với những bạn trẻ, những người tôi chưa từng gặp trước đó. Coi đó như là những cuộc phỏng vấn thú vị về cách những bạn trẻ sống và nghĩ suy. Gọi là cà phê bệt vì mọi người đều ngồi bệt dưới nền đất của công viên và lấy giấy báo lót chỗ ngồi.

Một chiều, có một chị gánh hàng rong tới, bán bánh bèo, bánh hỏi. Mỗi đĩa 20 ngàn. Chị bán cũng được lai rai. Xa xa phía đầu đường là dáng dấp mấy anh dân phòng, trật tự đô thị. Được một lúc thì bỗng xuất hiện một anh trật tự đô thị tiến tới, nói với chị: «cho xin ba dĩa bánh bèo». Chị im lặng, như một thói quen, làm cho anh ba dĩa. Anh mang đi, không một lời cảm ơn. Lát sau, chừng 5 phút, anh quay lại, bảo: «mấy ổng bảo cho xin ba dĩa nữa». Chị lại lẳng lặng làm tiếp ba dĩa bánh bèo. Anh ta mang đi và không một lời cảm ơn. Tôi nghi nghi nên hỏi chị: «Quạ, mấy ổng có trả tiền chị không?». Bằng chất giọng của người xứ Quảng, chị cười gượng trả lời: «Mấy ổng xin thì cho mấy ổng chứ tiền gì. Mình bán được ở đây là nhờ mấy ổng».

Gọi là cấm bán hàng ở công viên, nhưng bạn ngồi ở công viên có thể mua đủ thứ đồ uống, từ gói thuốc lá đến ly cà phê. Người bán hàng sẽ đi lòng vòng công viên, bạn mua gì cứ việc ới một tiếng, người ta chạy đến nhận đơn, chạy đi và chừng 5-10 phút sau là sẽ mang đồ tới. Trả tiền và thối lại tiền ngay tại chỗ. Để lách luật, một xe pha chế được để sẵn trong một quán gần đó bên kia đường. Nhưng để được bán hàng ở công viên phải trả tiền bảo kê, không phải ai muốn bán là bán được. Quyền bán nước ở công viên được chia cho hai người, người bán ngày chẳn 2, 4, 6, Chủ nhật, và người bán các ngày lẽ 3, 5, 7 còn lại. Hỏi người bán hàng chị chung bao nhiêu một tháng ở đây, chị bảo 40 triệu (?). 

Ngày tôi còn ở bên cầu Kênh Tẻ quận 7, đổ dốc cầu chữ Y quẹo trái chừng 500m là tới. Mỗi chiều, dưới chân cầu là một khu chợ bán đủ thứ đồ ăn. Ngay trên dốc cầu có một chú bán hột vịt lộn bể. Gọi là hột vịt lộn bể vì trong quá trình vận chuyển, trứng vịt bể hay nứt nên người ăn chê, loại ra. Anh mua về, hấp lại, đem bán. Gọi là bể nhưng hấp chín ăn vẫn ngon lành bình thường. Trứng vịt lộn bể rẻ nửa giá so với trứng vịt lộn nguyên. Thỉnh thoảng chiều cuối tuần, đi dạy thêm về, tôi hay ghé dốc cầu mua vài trứng và trò chuyện với ông. Hỏi ông bộ ông bán ở đây không sợ công an bắt hả. Ông bảo thì bắt hoài chứ. «Bắt hoài mà không sợ hả?» -- tôi cười cười trêu ổng. «Thì không bán lấy gì sống». Rồi kể, hễ mình thấy công an sớm thì mình đạp chiếc xe đi, tụi nó không bắt được. Hỏi ông mua chiếc xe ba gác bao nhiêu tiền, ổng bảo chừng một triệu đến triệu rưỡi, tùy xe ngon hay không. Hỏi tiếp, vậy bắt xe rồi, chú làm bao lâu thì mua được xe mới, ổng bảo cỡ 10 ngày đến nữa tháng. 

Có những vị đi Tây đi Tàu về rồi bảo rằng ở bên xứ họ cấm bán hàng rong, đường phố gọn gàng, sạch sẽ, nên việc cấm bán hàng rong ở Việt Nam là hợp lý vì hai lí do: xe hàng rong gây ách tắc giao thông và gánh hàng rong không có an toàn về thực phẩm.

Có vài điều cần nói về việc này. Về mặt luật pháp, nếu như đã cấm bán hàng rong thì hãy thực thi một cách triệt để. Và liệu điều này có thực thi được không? Chắc chắn là không. Thứ nhất, việc mất đi những quán hàng rong sẽ làm mất đi một nguồn thu nhập đáng kể cho những ông quan địa phương. Và thứ hai, khi mà thị trường lao động không cho phép người dân có một ngành nghề lao động nào khác ngoài bán hàng rong thì việc cấm chỉ có tác dụng trên giấy tờ. Chính vì sự bảo kê của các ông quan địa phương và sự lụn bại của nền kinh tế đã đẩy đưa số phận của nhiều người ra đường bán rong kiếm sống dù biết đó là vi phạm pháp luật, vì đơn giản họ không làm thì họ và gia đình sẽ đói. 

Về ý thứ hai, xe hàng rong gây ách tắc giao thông và gánh hàng rong không có an toàn về thực phẩm. Có nghiên cứu nào chỉ ra rằng những gánh hàng rong gây ách tắc giao thông? Và liệu rằng sự biến mất của những gánh hàng rong sẽ khiến đường không còn ách tắc? Liệu có số liệu nào cho thấy là những gánh hàng rong gây ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm hơn những hàng quán khác? Nếu họ gây ách tắc giao thông thì hãy phạt họ tội đó, và nếu như chỉ vì sự an toàn của vệ sinh thực phẩm thì hãy phạt họ tội làm mất vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không phải là triệt đường sinh nhai.

Với một số người khác sẽ cho rằng sự hiện diện của các gánh hàng rong làm ảnh hưởng đến mỹ quan của thành phố. Hãy hỏi một cách ngược lại rằng liệu sự biến mất của vài gánh hàng rong có làm hình ảnh thành phố đẹp hơn chăng? Câu trả lời là không. 

Với một số người đi Tây đi Tàu về hùng hồn cho rằng ở xứ họ không có gánh hàng rong, đường phố sạch đẹp. Và Việt Nam nên làm theo. Đó là một ý kiến thiển cận. Muốn người dân không còn bán hàng rong thì hãy giúp họ kiếm được một công việc hợp lý. Sở dĩ ở xứ người ta bán hàng rong không còn xuất hiện vì trước hết người dân không có nhu cầu đó, đi làm một công việc khác giúp họ có kế sinh nhai dễ chịu hơn. Và kế tiếp mới là đưa ra luật pháp hạn chế nếu cần thiết.

Cuối cùng, với nhiều người Việt, nếu hỏi rằng đâu là một phần kí ức của tuổi thơ, nhiều người sẽ nói rằng đó là những món quà vặt ở những quán hàng rong. Đó là những bát bún sáng, những món tàu hủ hay chè chiều. Đó là những bánh canh, bánh hỏi, bánh ướt, bánh bèo, bánh dây. Là những xoài, ổi, cóc, me ở góc cửa trường giờ ra chơi…Tất cả những điều đó đã làm nên một văn hóa và tâm hồn của người Việt. Vì lẽ đó, thay vì cấm, những người hiểu biết và yêu văn hóa Việt nên duy trì và nuôi dưỡng những quán hàng rong, coi nó như bất cứ ngành nghề kinh doanh nào khác, và coi nó như một di sản văn hóa đẹp của người Việt. 


Minneapolis, 15.4.2016