15.4.16

Cho những người bạn

Đường. Nguồn: Internet.
"Có những người tôi chưa hân hạnh được gặp, nhưng tôi xem là bạn, vì đơn giản tôi thấy ở họ cùng một lý tưởng. Thân tặng các bạn Nguyễn Kim Anh, Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Trang Nhung, Đỗ Nguyễn Mai Khôi, Lâm Ngân Mai, Võ An Đôn, và các bạn ứng viên tự do khác".

Nếu có một ngày lịch sử được viết lên về con đường Việt Nam tiến tới một thể chế dân chủ, tên tuổi của những người can đảm, đường hoàng và tự tin ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 14 (2016-2021) hẳn sẽ đứng ở một góc trang trọng, đúng với ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện.

Không phải rằng những con số dưới đa số dành cho các ứng viên tự do ở các hội nghị cử tri là một thành công của nhà cầm quyền. Ngược lại, đó là một thất bại đau đớn và dại dột. Thử hỏi rằng những ai đã tin rằng những nhà cầm quyền mới sẽ mang lại hi vọng cải cách giờ đây sẽ nghĩ gì? Chắc chắn bạn sẽ nhận lại một cái lắc đầu: vũ như cẩn. Rồi đây người dân sẽ đồng thuận với nhau rằng Đảng Cộng sản và những cấp lãnh đạo không còn khả năng tự đổi mới và ngày nào họ còn nắm quyền, ngày đó đất nước còn lầm lạc. Sẽ có thêm nhiều người tù chỉ vì những bài viết mà chính quyền không ưa. Sẽ có thêm nhiều dân oan bị mất đất. Và sẽ có thêm hàng triệu người ngày càng vất vả hơn để mưu sinh và ở trọ ngay trên chính quê hương mình. Phải gọi là ở trọ vì họ nào có quyền gì ở đất nước họ lớn lên và sinh ra, tất cả đều là xin và được cho, thậm chí ngay cả mảnh đất họ ở cũng chỉ có quyền sử dụng mà nhà nước là người sở hữu, thông qua cái gọi là «sở hữu toàn dân». Vậy thì không phải ở trọ là gì?

Chưa bao giờ hình ảnh của nhà cầm quyền với sáo ngữ «công bằng, dân chủ, văn minh» lại trở nên kệch cỡm và hợm hĩnh như bây giờ. Đối mặt với những người trẻ, đơn độc ngay trên chính quê hương mình, nhà cầm quyền dùng tất cả các phương tiện trong tay, từ truyền thông với đủ các tờ báo, tới lực lượng dư luận viên để bịa đặt và bôi nhọ các ứng viên tự do. Thấy chưa đủ, họ còn làm khó dễ giấy tờ đến dùng an ninh để hăm dọa các ứng viên. Tất cả những sự việc đó khiến cho những trí thức dù ủng hộ nhà cầm quyền cũng phải thấy tự xấu hổ.

Ở các hành động trấn áp phong trào ứng cử tự do đó không cho thấy một nhà cầm quyền mạnh, mà ngược lại đó là hình ảnh một nhà cầm quyền yếu. Yếu đến nỗi không dám để bất kì ứng viên nào vào Quốc hội để có thể tranh luận một cách công bằng và thẳng thắn với bất kì đại biểu nào của Đảng. Và yếu đến nỗi mà các tờ báo chỉ dùng những lời lẽ hạ cấp để thóa mạ và bôi nhọ các ứng viên, không thể có nỗi một tranh luận đàng hoàng và tử tế về các chính sách. Cái mà nhà cầm quyền có là lực lượng an ninh. Nhưng một chính quyền mà chỉ còn dùng an ninh để cai quản và làm sợ người dân thì đó là một chính quyền yếu, vì yếu nên họ mới cai trị bằng nỗi sợ. Một chính quyền mạnh họ cai trị bằng sự chính danh, sự nể phục, tôn trọng, và yêu thương. Những điều này hoàn toàn vắng bóng ở nhà cầm quyền Việt Nam.

Có thể chúng ta bi quan ở các hội nghị cử tri rằng có những người, bất chấp đạo lý, đứng lên mạt sát các ứng viên, và rồi cho đó rằng không có một tương lai nào cho Việt Nam. Đó là một tâm lý bi quan. Nên nhớ rằng những người được phép tham dự là một nhóm nhỏ người được chọn lựa cẩn thận và những phát biểu chỉ phản ánh một thiểu số. Thay đổi đất nước cần ý kiến của một đa số người dân, nhiều người trong đó mong muốn một sự thay đổi, tuy vậy, họ chắc chắn không được mời. Và cũng nên nhớ rằng chỉ cần một đa số người dân trong xã hội ủng hộ thay đổi đã là một thành công, và trong một nửa còn lại không ủng hộ thì bạn có thể tìm thấy họ ở các hội nghị hiệp thương.

Sẽ có nhiều người buồn. Và ai đã cố gắng, không thành công, mà chẳng buồn? Nhưng hãy nghĩ lại, ở một cuộc bầu cử mà không có kiểm phiếu độc lập, nhà cầm quyền nắm tất cả mọi thứ từ luật chơi đến kiểm phiếu thì có mấy cơ hội mà phe đối lập dành thắng lợi? Nó giống như là một màn múa rối mà người giật dây là nhà cầm quyền và khán giả là nhân dân. Những thể hiện của các ứng viên tự do giúp nhân dân thấy được đâu là «kĩ năng» và «trình độ» của người điều khiển. Để rồi họ biết phải làm gì tiếp theo.

Cuối cùng, nếu nhìn lại phong trào ứng cử tự do, hẳn nhiều người thấy rằng chưa bao giờ phong trào dân chủ có những thời khắc sôi động và gần gũi đến như vậy. Chính trị không còn là những điều xa lạ và đáng sợ. Sự dọa dẫm của an ninh hay những án tù dành cho những nhà bất đồng chính kiến trong khi phong trào diễn ra không làm người ta sợ. Sẽ có vài người phải bước vào nhà tù nhỏ, nhưng dân tộc này sẽ tiến bước nếu cả dân tộc muốn thấy có một tương lai. Và trên con đường đó, hôm nay những người trẻ, một cách can trường và đầy tình yêu, bước ra, đặt những viên gạch.

Minneapolis, 3.4.2016