25.12.22

Jesus, người thầy bất bạo động

Những ngày cuối năm gần đây, hình ảnh và những lời chúc an lành nhân ngày Chúa Giáng sinh ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Sự phổ biến đó có được một phần nhờ ở vai trò toàn cầu hoá khi văn hoá Mỹ và phương Tây dần trở nên lan toả ở Việt Nam. 

Nhưng văn hoá Thiên chúa giáo của phương Tây sẽ không thể nào nở rộ ở Việt Nam cũng như thế giới nếu ở tôn giáo đó thiếu tình thương — tình thương tha nhân.


Chính vì là một tôn giáo được dựng xây nên từ tình thương mà từ một nhóm nhỏ người đi theo Chúa gần hai ngàn năm trước ở đất nước Do Thái xa xôi, ngày nay Thiên chúa giáo đã trở thành tôn giáo có ảnh hưởng lớn nhất hành tinh. 


Trong suốt hai ngàn năm phát triển đó, Thiên chúa giáo và các hệ phái của nó đã nở rộ ở khắp châu Âu. Cảm hứng từ cuộc đời và triết lý sống cao đẹp của Thiên chúa, người Châu Âu đã đón nhận đức tin, sau đó tổ chức và phát triển tôn giáo này để giờ đây nó trở thành một văn hoá cốt lõi của họ. Sự truyền bá Thiên chúa giáo sau đó được coi như là sự truyền bá văn hoá phương Tây.


Người ta nói nhiều về những lời giảng hay kể lại cuộc đời của Chúa Jesus, nhưng ít ai kể rằng ngài còn là một người thầy về bất bạo động.


Triết lý bất bạo động hiện diện xuyên suốt và nhất quán cả trong những lời huấn giảng và cách thực hành của Chúa Jesus. 


Khi Jesus cùng những người ủng hộ mình tiến vào thành Jerusalem, nơi lúc này đã bị chiếm đóng và khủng bố bởi quân La Mã, những người Do Thái hô to lên “Hosana” và giơ cao những cành cọ. Hosana trong tiếng Hebrew nghĩa là “Hãy cứu lấy chúng tôi”. Chịu sự đàn áp và chiếm đóng bởi những người La Mã, người Do Thái lúc này mong một đấng cứu thế cứu lấy đất nước họ, đánh đuổi những người La Mã đi ra, hồi sinh lại thành Jerusalem, và đưa đất nước họ trở lại thành một thế lực của thế giới. 


Họ mong đợi Jesus với một quyền năng sẽ tiêu diệt tất cả những người La Mã. Nhưng Jesus đã không làm vậy, ông từ chối con đường bạo lực. Một tuần sau, chính họ, những người Do Thái, lại hô to “Hãy đóng đinh hắn ta”. 


Trong suy nghĩ của người Do Thái lúc bấy giờ, họ tin rằng một đấng cứu thế sẽ thể hiện như một chiến binh, một vị vua như David, một người sẽ dùng sức mạnh để khôi phục lại vùng đất hứa cho họ. Đối ngược với điều đó, Jesus đã không làm vậy. Ngược lại, ông đã tỏ ra ôn hoà và thể hiện tình yêu của mình đối với kẻ thù. Vì vậy mà ông đã khiến cho người Do Thái lúc bấy giờ trở nên giận dữ. Họ bắt ông và giao nộp cho quân La Mã xử tử. 


Sau khi Jesus bị bắt, Pilate, thống đốc Judea, hỏi ông rằng “Ông có phải là vua không?” Thay vì trả lời trực tiếp câu hỏi, Jesus đã đáp rằng “Vương quốc của tôi không phải ở thế giới này, vì nếu vương quốc của tôi ở đây, hẳn những người theo tôi sẽ chiến đấu với các lãnh đạo người Do Thái để bảo vệ tôi khỏi sự bắt giữ của họ”. Trong niềm tin vào tư tưởng của mình, vương quốc của Jesus không có đánh nhau, thậm chí khi mà có những điều kiện biện minh rằng phải làm như vậy.


Theo những lời huấn dạy của Jesus, vương quốc của ông là vương quốc của tình yêu, phi bạo lực, và tình yêu đó không chỉ dành cho những tín đồ mà cho mọi người, kể cả những kẻ thù. Những lời này sau đó được ghi lại trong “Bài giảng trên Núi” (Sermon on the Mount”). Dưới đây là vài trích đoạn. 


“Mắt cho mắt”:


“Các con đã nghe người ta nói rằng “Mắt trả bằng mắt, và răng trả bằng răng”. Nhưng thầy nói với các con như sau, đừng chống đối một con người tàn độc. Nếu ai đó tát con vào má phải, hãy chìa luôn má trái cho họ. Và nếu ai đó muốn kiện con và lột áo của con, hãy đưa họ cả chiếc áo khoát. Nếu ai đó bắt con phải đi một dặm, hãy đi cùng họ hai dặm. Hãy cho người xin con và đừng quay lưng với người muốn mượn con.”


“Tình yêu cho những kẻ thù”:


Các con đã từng nghe người ta nói rằng, “Hãy yêu người hàng xóm và hãy ghét kẻ thù.” Nhưng thầy nói với các con rằng, hãy yêu những kẻ thù của con và hãy cầu nguyện cho họ, những người hãm hại con, và rằng con sẽ là con của đức chúa Cha trên thiên đường. Chúa Cha là người khiến mặt trời của ông mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, và làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ gian ác. Nếu các con chỉ yêu kẻ yêu mình thì các con sẽ được chi? Thậm chí người thu thuế cũng không làm điều đó? Và nếu các con chỉ chào những đồng bào của mình thì các con có hơn gì những người khác đâu? Ngay cả những người ngoại đạo cũng không làm điều đó? Do đó, các con hãy trở nên là những người hoàn hảo, vì đức chúa Cha của các con trên thiên đường là hoàn hảo.”


Không chỉ rao giảng tinh thần bất bạo động. Cuộc đời và hành động của ông là những minh chứng rõ rệt nhất cho tinh thần bất bạo động trong những rao giảng của mình. Trong suốt cuộc đời, Jesus không bao giờ trả thù và đã luôn sống với tinh thần yêu kẻ thù của mình kể cả khi ông bị tấn công bạo lực. Jesus chưa bao giờ dùng bạo lực để bảo vệ những người yếu thế, những bất công, hay để bảo vệ tự do tôn giáo. Ông cũng không bao giờ nhân danh tình yêu, công lý, tự do hay dân tộc mà dùng tới bạo lực. Có rất nhiều ví dụ, nhưng dưới đây chỉ là một vài.


Khi đối mặt với một đám đông giận dữ, những người muốn ném ông xuống vực, ông không chống đối lại bất cứ ai mà thay vào đó chỉ cố gắng bỏ đi (Luke 4:28-30).


Lần thứ ba những người Do Thái cố gắng ném đá ông, ông đã không nhặt bất cứ một hòn đá nào. Thay vào đó, ông từ chối bạo lực và trốn thoát (John 10:31, 39). 


Khi đối diện với những người muốn giết ông, ông chỉ đứng yên với vũ khí duy nhất là lý lẽ, ông giải thích và khiến họ buông vũ khí (John 5:18).


Khi một người phụ nữ sắp sửa bị giết, ông đã không tấn công phủ đầu những kẻ tấn công, mà ông bảo vệ bà ta chỉ bằng lời lẽ và sự thật để khiến những kẻ tấn công hạ vũ khí (John 8:9).


Khi người ta ập đến vào buổi tối để truy lùng nhằm giết ông, một người bạn đã rút vũ khí và bắt đầu tích cực bảo vệ ông, ông đã khiển trách người bạn, nói rằng bạo lực không phải là câu trả lời, và một cách mạnh mẽ giúp đỡ những người bị thương. Sau đó ông đã sẵn lòng ra đi cùng với những kẻ đã bắt giữ mình (Luke 22:49-51; Matthew 26:52). 


Khi những người bắt giữ ông ta đánh đập và làm nhục, ông đã chọn im lặng và thụ động, không thốt ra một lời bạo lực nào (Mark 14:65).


Và cuối cùng, khi người ta đóng đinh ông vào thánh giá, ông đã chọn tự nguyện chết và cầu nguyện cho những người đã giết mình: “Cha ơi, hãy tha thứ cho họ; họ không biết điều họ làm.” 


***


Nhưng ông không chết. Jesus đã hồi sinh sau đó. Tinh thần, triết lý, và lối sống của ông ngày nay có mặt trong hàng triệu tín đồ khắp thế giới, những người thay ông rao giảng đức tin. Ông đã tái sinh lại trong niềm tin, suy nghĩ và hành động của họ. Niềm tin rằng mọi người đều nên được yêu thương và mọi hành động nên bất bạo động. 


Những ngày cuối năm này, nghĩ về quê hương, nghĩ về những tù nhân lương tâm đang thọ án chỉ vì dám nói lên tiếng nói khác với người cầm quyền, và nghĩ cả về những người cầm quyền, những người có trong tay mọi công cụ để sẵn sàng bắt bớ, đàn áp những tiếng nói trái chiều, lòng bỗng nghĩ về những lời Chúa Jesus dạy. Chúa ơi, hãy tha thứ cho họ. Họ, những người cầm quyền, không biết rằng bằng việc tự cho mình độc tôn lãnh đạo đất nước, sẵn sàng bắt bớ và đàn áp những ai kêu gọi đa đảng, hay bầu cử tự do, đất nước đã không chọn được những lãnh đạo xứng tầm để điều hành và dẫn dắt đất nước. Hành động của họ đã làm chậm lại sự phát triển của quốc gia hàng chục, hàng trăm năm, bỏ lỡ bao cơ hội phát triển. Những chính sách sai lầm liên tục của họ đã trực tiếp và gián tiếp gây bao khổ đau, chết chóc cho tất cả người dân của đất nước con trong suốt một thế kỷ qua. Nhưng Chúa Jesus ơi, hãy tha thứ cho họ vì họ không biết. Xin Chúa hãy giúp soi sáng và khai mở trái tim và tư tưởng của họ để họ hiểu rằng con đường để dân tộc tiến lên là mở đường cho một cuộc bầu cử tự do để chọn ra những người lãnh đạo mới. Xin Chúa thương xót họ và dân tộc con — lời cầu xin của một người không đạo nhưng tin Chúa.


Nguyễn Huy Vũ

Giáng sinh, 25.12.2022