4.12.22

Tại sao chính quyền nên để ngân hàng phá sản

Một ngân hàng, như một doanh nghiệp, khi khó khăn về tài chính nó phải cố gắng hút thêm tiền. Doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi cao hơn để vay thì ngân hàng cũng nâng lãi suất tiết kiệm lên để thu hút tiền gửi. Ngân hàng nâng lãi suất tiền gửi lên sẽ bào mòn lợi nhuận. Với cơ chế quản trị vốn đã yếu nó chỉ có thể hoạt động bằng cách lấy tài sản người gửi sau trả cho người gửi trước. 


Nếu người gửi biết rằng tiền mình có thể mất khi gửi vào những nơi như vậy, họ sẽ không gửi nữa. Ngân hàng sẽ phải bị tái cấu trúc hoặc mua lại. Ngân hàng sẽ ít có khả năng gây ra những sự phá hoại mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính quốc gia.


Ngược lại, nếu người gửi nghĩ rằng tiền mình gửi vào đó chắc chắn được nhà nước bảo đảm hết và ngân hàng không thể nào phá sản và nó chắc chắn được nhà nước mua lại, người ta sẽ gửi tiền vào chỗ có lãi cao nhất bất chấp khả năng quản trị của ngân hàng đó. 


Ở đây có vài hệ luỵ xảy ra.


Thứ nhất là cuộc đua lãi suất sẽ đẩy lãi suất tiền gửi lên cao và sau đó đẩy cả chi phí vay lên cao trên toàn hệ thống.


Thứ hai, các ngân hàng lành mạnh khó có thể cạnh tranh lãi suất tiền gửi đối với các ngân hàng yếu kém. Tài sản thay vì gửi vào các ngân hàng lành mạnh để chuyển đến các dự án tốt nhằm tối ưu hoá nguồn lực đất nước thì lại bị chuyển hướng vào các ngân hàng yếu để đến lượt nó sẽ phá huỷ nền kinh tế và làm nghẽn dòng tài chính quốc gia. 


Thứ ba, một khi mà một ngân hàng đổ vỡ một cách hệ thống sau một thời gian dài cố gắng thu hút vốn bằng mọi giá nó sẽ gây tác hại lớn hơn nhiều so với chuyện nó phải bị cải tổ hoặc phá sản để bị sáp nhập từ sớm. 


Vì vậy, khi một ngân hàng vì khả năng quản trị yếu kém dẫn đến thua lỗ và không còn khả năng duy trì hoạt động được nữa, cách tốt nhất là để nó phá sản hoặc để nó tự bán mình cho một đối tác nào đó nếu nó tìm được một thương vụ hợp lý. Hãy để thị trường quyết định. Nhà nước có thể môi giới cho thương vụ đó.


Việc của chính quyền phải làm đó là bảo đảm ngân hàng thương mại phải mua bảo hiểm cho các khoản ký gửi của khách hàng. Và trong trường hợp mà ngân hàng không có khả năng trả tiền ký gửi cho khách hàng thì cơ quan bảo hiểm tiền gửi của ngân hàng đứng ra trả thay. Chính quyền có thể thành lập một công ty bảo hiểm tiền gửi và để nó hoạt động như một tổ chức độc lập tuân theo cơ chế thị trường.


Việc tiếp theo mà chính quyền cần làm đó là bảo đảm rằng các ngân hàng hoạt động tuân theo các luật lệ và quy chế định ước nhằm ngăn ngừa các hoạt động tài chính rủi ro dẫn đến sụp đổ ngân hàng. Các cuộc kiểm tra diễn ra định kỳ nhằm bảo đảm rằng các ngân hàng có khả năng chịu đựng với các cú sốc của nền kinh tế. 


Khi quốc hữu hoá ngân hàng, hay nói theo uyển ngữ cộng sản là mua lại 0 đồng, thì điều đó đồng nghĩa với việc người mua bắt buộc phải gánh một khoản nợ. Khoản nợ đó lớn hơn nhiều tài sản mà nó đang có. Và để gánh khoản nợ đó chính quyền phải bỏ tiền ngân sách ra, thay vì dùng số tiền đó cho các dự án lợi ích quốc gia khác.


Nếu nhà nước không mua lại, các tài sản của ngân hàng đến lượt nó sẽ tìm đến những người chủ mới đem lại cho nó nhiều lợi nhuận hơn sau khi nó tuyên bố phá sản. Những nhân viên của nó cũng sẽ tìm đến các công ty mới đang hoạt động tốt và muốn mở rộng. Cái mất đi là một tổ chức hoạt động kém hiệu quả.


Khi cổ vũ cho quốc hữu hoá, người ta lập luận rằng để nó không ảnh hưởng dây chuyền. Đó là một lập luận hời hợt. Nếu một tổ chức quá yếu và hoạt động kém hiệu quả tới mức chỉ vì một thành viên trong hệ thống sụp đổ dẫn đến nó phải sụp đổ theo thì tổ chức đó trước sau gì cũng sụp đổ và nó đáng phải như vậy. Và việc sụp đổ sớm nhiều khi lại là một may mắn vì thời gian hoạt động của nó ngắn lại và ít ảnh hưởng, nếu có, đến với cộng đồng và người dân hơn. Cái cần làm là bảo đảm một hệ thống hoạt động thông suốt dù một vài thành viên có thể đột ngột bị loại ra.


Nguyễn Huy Vũ 

14/10/2022