4.12.22

Việt Nam đang bước vào khủng hoảng tài chính

Dự trữ ngoại hối cạn kiệt. Dữ liệu dự trữ ngoại hối lần cuối cập nhật là vào tháng 6. Có lẽ vì thiếu ngoại hối nên không thể nhập xăng dẫn đến tình trạng thiếu xăng dầu trên diện rộng.

Việc Hoa Kỳ tăng lãi suất khiến dòng tiền trên thế giới đổ về Hoa Kỳ, làm tăng giá đồng đô la. 


Tại Việt Nam dòng tiền dịch chuyển từ thị trường chứng khoán sang tiền mặt và âm thầm chuyển khỏi Việt Nam dưới dạng ngoại tệ.


Chính quyền thực hiện chính sách tiền tệ neo giữ giá trị tiền Đồng trong biên độ với đồng đô la. Để giữ giá trị tiền đồng trong khi đồng đô la Mỹ lên giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải can thiệp bằng cách bán ra đồng đô la. Chính sách này khiến dự trữ ngoại tệ nhanh chóng bốc hơi. Còn nếu NHNN không bán ngoại tệ ra sẽ dẫn đến tình trạng áp lực phá giá tiền đồng và lạm phát tăng vọt ngay lập tức tạo ra bất ổn vĩ mô. 


Bằng cách bán ra đồng đô la Mỹ để giữ giá tiền đồng, NHNN đang mua thời gian để tránh một cuộc khủng hoảng sớm. 


Nhưng giờ đây NHNN đối mặt với một cuộc khủng hoảng khác đó là thiếu dự trữ ngoại hối. Vì thiếu ngoại hối và đứng trước áp lực tăng giá của đồng đô la nên cuối cùng NHNN mới mở biên độ lãi suất lên +/-5% so với biên độ +/-3% trước kia và đẩy tỉ giá lên gần 25.000VND ăn 1 đô la. 


Mức dự trữ thấp nhất của một quốc gia để tránh trường hợp khủng hoảng là từ 3 đến 6 tháng nhập khẩu. 


Vào tháng 2 năm nay, mức dự trữ ngoại hối là 4,2 tháng. Tuy vậy cùng với việc bán ra đồng đô la để ghìm giữ tỉ giá, lượng dự trữ nhanh chóng bốc hơi. Vào tháng 5 vừa rồi, mức dự trữ ngoại hối chỉ còn tương đương 3,2 tháng nhập khẩu, và vào tháng 6 giảm xuống chỉ còn 3,1 tháng nhập khẩu. Từ tháng 6 đến nay, NHNN không còn công bố lượng dự trữ ngoại hối, vào theo ước tính nó đã xuống dưới mức 3 tháng nhập khẩu và một cách không chính thức Việt Nam đang bước vào một cuộc khủng hoảng. 


Việc không công bố lượng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt nhằm tránh sự hoảng loạn của các tác nhân kinh tế — bởi vì khi mọi người biết rằng ngoại tệ không còn nữa và NHNN không còn cách nào khác là phải tiếp tục phá giá tiền đồng thì họ sẽ đổ xô đi mua và tích trữ đô la nhiều hơn để bảo vệ tài sản của mình. 


Với lượng dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, đang trong trạng thái khủng hoảng, NHNN còn phải đối phó với các khoản nợ ngắn hạn, tức nợ phải trả trong vòng một năm. Mức nợ ngắn hạn năm nay nằm trong khoảng 30% lượng dự trữ. Trừ khi các khoản nợ được thương thảo để lùi thời điểm trả nợ, việc phải hoàn tất khoản nợ trong thời điểm hiện nay là bất khả đối với chính quyền Việt Nam.


Đối phó với làn sóng ngoại tệ chạy khỏi Việt Nam, NHNN cho tăng lãi suất. Nhưng khi lãi suất tăng quá cao nó sẽ bóp chết các doanh nghiệp. 


Hệ thống tài chính còn phải đối diện với một vấn đề nguy hiểm nữa đó là mức thanh khoản đã không còn. Nhưng NHNN không dám nhanh chóng bơm thanh khoản vào hệ thống vì nó sẽ gây áp lực phá giá tiền đồng thêm nữa.


Nguyễn Huy Vũ

22/10/2022