6.12.22

Gọi gì cho các cơ sở giáo dục bậc cao

Gần đây, trong nước có các lùm xùm quanh việc chọn đặt tên cho các cơ sở giáo dục bậc cao. 

Thực ra thì vấn đề không khó và thế giới đã có rồi. Chúng ta chỉ việc tham khảo. 


Dưới đây là những trải nghiệm của tôi. 



Khi tôi học đại học. Đại học của tôi ở Singapore, có tên gọi Nanyang Technological University. 


Trong đại học có các College và School. Ví dụ, College of Engineering, College of Science, Graduate College, College of Humanities, Arts and Social Sciences, rồi School of Medicine, National Institute of Education, School of International Studies. 


Rồi trong College of Engineering họ có những School, chẳng hạn như School of Electrical and Electronic Engineering (EEE), School of Civil and Environmental Engineering (CEE), v.v.


Ở đây, chúng ta sẽ dịch sang tiếng Việt một cách đơn giản như sau. Đại học Kỹ thuật Nam Dương (Nanyang Technological University), có các Viện. Trong đó, sẽ có Viện Kỹ thuật (College of Engineering), Viện Y khoa (College of Science), Viện Đào tạo Sau đại học (Graduate College), Viện Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội (College of Humanities, Arts and Social Sciences), rồi Viện Dược (School of Medicine), Viện Giáo dục Quốc gia (National Institute of Education), Viện Nghiên cứu Quốc tế (School of International Studies). 


Trong Viện Kỹ thuật (College of Engineering) có các khoa: Khoa Điện và Điện tử (School of Electrical and Electronic Engineering), Khoa Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường (School of Civil and Environmental Engineering) v.v. 


Như vậy, đại học sẽ được chia thành những viện, và trong các viện sẽ là các khoa. 


Nếu Việt Nam có một cơ sở giáo dục đại học đa ngành thì có thể học theo tổ chức của Singapore như vậy là ổn. Những gì Singapore có được là nhờ học theo phương Tây. Cho nên họ là tấm gương gần gũi mà ta có thể học hỏi.


Lưu ý: Chữ school tuỳ vào hoàn cảnh mà có thể dịch là viện, khoa, hay học viện như dưới đây. 


***


Tới khi lên học cao học về kinh tế tôi đi học ở Stockholm, Thuỵ Điển. Trường của tôi có tên gọi theo tiếng Anh là KTH Royal Institute of Technology. Đây là cơ sở giáo dục đại học được xem là danh giá nhất của Thuỵ Điển. Cơ sở giáo dục này chỉ tập trung đào tạo chủ yếu về kỹ thuật và quản lý, có mô hình tương đương các trường Đại học Bách Khoa của Việt Nam.


Trong cơ sở giáo dục KTH Royal Institute of Technology, họ có những School: Architecture and the Built Environment; Electrical Engineering and Computer Science; Engineering Sciences; Engineering Sciences in Chemistry, Biotechnology and Health; Industrial Engineering and Management.


Ở đây, chúng ta dịch sang tiếng Việt tương đương như sau. Học viện Kỹ thuật Hoàng gia (KTH Royal Institute of Technology), có các phân khoa: Khoa Kiến trúc và Môi trường (Architecture and the Built Environment), Khoa Kỹ thuật Điện và Khoa học Máy tính (Electrical Engineering and Computer Science); Khoa Các Ngành Khoa học Kỹ thuật (Engineering Sciences); Khoa Khoa học Kỹ thuật về Hoá học (Engineering Sciences in Chemistry); Khoa Công nghệ Sinh học và Sức khoẻ (Biotechnology and Health); Khoa Kỹ thuật Công nghiệp và Quản lý (Industrial Engineering and Management). 


Như vậy, trong so sách với Việt Nam. Các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam nên dùng tên tiếng Anh là Institute và gọi họ là các học viện kỹ thuật. Ví dụ trường đại học Bách Khoa nên sửa lại tên là Học viện Kỹ thuật, tiếng Anh là Institute of Technology. Ở phía Nam sẽ có Saigon Institute of Technology (SIT) và ở Hà Nội sẽ có Hanoi Institute of Technology (HIT). Saigon Institute of Technology (SIT) và Hanoi Institute of Technology là những cái tên rất đẹp. Trong các học viện kỹ thuật này có các Khoa (School). Vậy là đủ. 


***


Tôi lấy bằng tiến sỹ ở Nauy. Trường tôi làm nghiên cứu sinh ở thủ đô Oslo có tên gọi là BI Norwegian Business School. Đây là một cơ sở giáo dục lớn ở Nauy, tập trung vào kinh tế và thương mại. Họ có bốn cơ sở (campus) ở bốn vùng khác nhau của Nauy là Oslo, Bergen ở phía Nam, Trondheim ở phía Bắc, và Stavanger ở phía Tây. Trong cơ sở giáo dục  BI Norwegian Business School, họ có các Department: Department of Accounting and Operations Management; Department of Communication and Culture; Department of Data Science and Analytics; Department of Economics; Department of Finance; Department of Law and Governance; Department of Leadership and Organizational Behavior; Department of Marketing; và Department of Strategy and Entrepreneurship.


Như vậy, chúng ta có thể dịch nghĩa tương đương trong tiếng Việt như sau. Học viện Thương mại Nauy BI (BI Norwegian Business School) có các khoa: Khoa Kế toán và Quản lý Hoạt động (Department of Accounting and Operations Management); Khoa Truyền thông và Văn hoá (Department of Comunication and Culture); Khoa Khoa học Dữ liệu và Phân tích (Department of Data Science and Analytics); Khoa Kinh tế (Department of Economics); Khoa Tài chính (Department of Finance); Khoa Luật và Quản trị (Department of Law and Governance); Khoa Lãnh đạo và Hành vi Tổ chức (Department of Leadership and Organizational Behavior); Khoa Quảng cáo (Department of Marketing); và Khoa Chiến lược và Khởi nghiệp (Department of Strategy and Entrepreneurship).


Ở Việt Nam, các trường như Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Đại học Kinh tế Quốc dân, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại thương, v.v. có mô hình gần giống với Học viện Thương mại Nauy BI. Các Đại học Kinh tế ở Việt Nam có thể chuyển đổi tên thành Học viện Kinh tế, với tên tiếng Anh là Business School hay Business Institute. Chẳng hạn, Học viện Kinh tế Sài Gòn với tên tiếng Anh Saigon Business Institute (SBI) hay Saigon Business School (SBS), và Học viện Kinh tế Hà Nội với tên tiếng Anh là Hanoi Business Institute (HBI), hay Hanoi Business School (HBS). Các tên đều hay. 


Như vậy, ở đây chữ School trong tên của một cơ sở đại học chúng ta phải dịch là Học viện. Và trong học viện (school) có các khoa (department). 


***


Sau này khi sang Mỹ, tôi làm học giả nghiên cứu viếng thăm ở University of Minnesota, ở Minneapolis. Đây là một đại học công lập lớn của tiểu bang Minnesota. Họ có 5 cơ sở: Crookston, Duluth, Morris, Rochester, và Twin Cities. Twin Cities nghĩa là những thành phố anh em, ở đây chỉ Minneapolis and St. Paul, hai thành phố kế nhau. 


Cơ sở giáo dục University of Minnesota tổ chức tương tự như Đại học Công nghệ Nam Dương của Singapore mà tôi đề cập bên trên. University of Minnesota được chia thành các College và School. Có College of Pharmacy, có Law School, Graduate School, Carlson School of Management, School of Public Health, School of Public Affairs, College of Science and Engineering, v.v. Và trong mỗi cái School hay College đó là các Department. 


Như vậy, chúng ta có thể dịch là Đại học Minnesota có các Viện: Viện Dược (College of Pharmacy), Viện Luật (Law School), Viện Giáo dục Sau Đại học (Graduate School), Viện Quản lý Carlson (Carlson School of Management), Viện Sức khoẻ Cộng đồng (School of Public Health), Viện Khoa học và Kỹ thuật (College of Science and Engineering), v.v. Và dưới các Viện, chẳng hạn như Viện Quản lý Carlson (Carlson School of Management) có các khoa (department): Khoa Tài chính (Department of Finance), Khoa Quảng cáo (Department of Marketing), v.v.


Giới thiệu như vậy để thấy rằng Singapore là nước đi sau và họ hầu như sao chép lại mô hình tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ. Các sinh viên đã từng học ở các đại học Singapore khi sang Hoa Kỳ sẽ thấy rất gần gũi, không còn bỡ ngỡ, từ việc tổ chức khoa, ngành, các cơ sở sinh hoạt, các tổ chức hội đoàn sinh viên, v.v.


***


Từ những ví dụ trên đây, nếu đọc đến đây tôi nghĩ những người làm giáo dục ở Việt Nam đã biết là nên đặt tên trường như thế nào và sắp xếp hệ thống các cơ sở giáo dục đại học ra sao. Nó không khó. 


Cái tên nó quan trọng, bởi nó sẽ gắn liền với lịch sử của trường. Nó giúp quảng bá thương hiệu của trường, của quốc gia, và là niềm tự hào của bao thế hệ sinh viên, niềm tự hào của cộng đồng và đất nước. 


Là một nước đi sau, Việt Nam không chỉ học để cải cách tên gọi. Mà phải đi xa hơn, học hỏi để cải cách mô hình tổ chức đại học. Học hỏi để cải cách chương trình giáo dục. Và mục đích là học hỏi để cải cách giáo dục, văn hoá, và con người, để người Việt Nam cũng  tiến bộ, cũng góp phần vào văn minh và phát triển của nhân loại. Ở Đông Nam Á, Singapore họ đã làm được, thì Việt Nam cũng phải làm được. 


Nguyễn Huy Vũ

7/12/2022