4.12.22

Dân chủ trong đảng là như thế nào? Trường hợp đảng Bảo thủ ở Anh

Ở Việt Nam chúng ta thường nghe các tổng bí thư đảng Cộng sản hô hào từ năm này sang năm khác rằng phải tăng cường tính dân chủ ngay trong đảng. Nhưng cuối cùng thì quanh đi quẩn lại chỉ có các nghị quyết xào xáo lại còn đảng viên thì hầu như chẳng có mấy tiếng nói, mọi thứ đều được chỉ đạo từ trên. 

Vậy, ở các nước dân chủ, lấy ví dụ như Anh, vốn là một nước có truyền thống dân chủ lâu đời, việc thực thi dân chủ trong đảng của họ như thế nào. 


Dưới đây là trường hợp đảng Bảo thủ của Anh. 


Lấy ví dụ là đảng Bảo thủ vì đây là một đảng chính trị lâu đời, có bề dày văn hoá, có truyền thống đóng góp và định hình nên bộ mặt của nước Anh ngày nay. Trong 70 năm qua thì đảng Bảo thủ nắm quyền khoảng 50 năm. Những thủ tướng ảnh hưởng của Anh từ đảng Bảo thủ phải kể đến là Winston Churchill và Margaret Thatcher. 


Sau khi thủ tướng Boris Johnson từ chức, đảng Bảo thủ phải tìm một lãnh đạo mới thay thế đảm nhiệm vai trò thủ tướng.


Quá trình tìm lãnh đạo mới trong đảng trải qua ba bước. 


Bước đầu tiên, các dân biểu của đảng Bảo thủ muốn ứng cử chức thủ tướng phải tìm đủ ít nhất 8 dân biểu khác trong Hạ viện đề cử mình.


Sau khi các dân biểu có đủ 8 dân biểu khác đề cử, họ sẽ phải viết đơn và gửi lên cho chủ tịch uỷ ban các dân biểu thuộc đảng Bảo thủ của Hạ viện.


Bước thứ hai tiếp theo là quá trình bỏ phiếu bởi các dân biểu Bảo thủ trong Hạ viện. Cứ sau mỗi vòng bỏ phiếu bởi các dân biểu thì người có phiếu thấp nhất sẽ bị loại. Lặp lại các vòng bỏ phiếu cho đến khi nào chỉ còn có hai ứng cử viên. Trong kỳ ứng cử chức vụ lãnh đạo đảng Bảo thủ (và vị trí này cũng đồng nghĩa là trở thành thủ tướng Anh) có 6 ứng cử viên tham gia. Sau khi trải qua các vòng bỏ phiếu trong nội bộ các dân biểu Bảo thủ, chỉ còn lại 2 ứng cử viên là Liz Truss và Rishi Sunak.


Ở bước cuối cùng, hai ứng cử viên sẽ đối mặt nhau trong cuộc bầu cử nội bộ của đảng. Các đảng viên Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để chọn một trong hai người. Và Liz Trust nhận được ủng hộ đa số để trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ và thủ tướng Anh.


Làm lãnh đạo đảng Bảo thủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Bởi chỉ cần 15% dân biểu của đảng Bảo thủ trong Hạ viện đồng lòng yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm lãnh đạo thì một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lãnh đạo đảng diễn ra với sự tham gia của các dân biểu Bảo thủ trong Hạ viện. Trong nhiệm kỳ của mình, Boris Johnson đã vượt qua kỳ bỏ phiếu bất tín nhiệm ông nhưng sau đó ông phải từ chức khi các bộ trưởng trong nội các đã từ chức nhằm phản đối cách điều hành chính sách của ông. 


Nếu muốn trở thành một dân biểu Bảo thủ thì trước hết bạn phải là một đảng viên. Ai cũng có thể ghi danh để trở thành đảng viên của đảng Bảo thủ. Đảng viên chỉ cần chia sẻ những giá trị và mục tiêu của đảng là được. Và chỉ được phép tham gia đảng Bảo thủ nếu không là thành viên một đảng chính trị khác. Đảng viên sẽ đóng đảng phí khoảng vài chục đô một năm; mức phí dao động vì có nhiều hạng ưu đãi cho người thu nhập thấp.


Đảng viên muốn ra tranh cử trước hết phải đậu qua một kỳ thi của đảng. Kỳ thi này nhằm đảm bảo những đảng viên có các kỹ năng cần thiết để làm dân biểu. Sau khi đậu kỳ thi này, đảng viên sẽ được nhận vào một danh sách đủ điều kiện làm dân biểu. 


Khi có một ghế trống ở hạt của mình, những dân biểu đủ điều kiện nếu muốn ứng cử sẽ đăng ký với tổ chức đảng trong hạt của mình. Tổ chức đảng sẽ phỏng vấn những người đăng ký này. Tiếp theo họ sẽ để những người này vào một danh sách để các đảng viên Bảo thủ trong hạt bầu ra người đại diện cho đảng của mình nhằm tranh cử ở hạt. 


Nhìn lại quá trình ứng cử và bầu cử của đảng Bảo thủ ở Anh sẽ thấy được rằng hệ thống thực sự rất dân chủ. Nó dân chủ vì nó mở rộng cánh cửa cơ hội cho bất cứ ai và quá trình xét duyệt đơn giản, dễ hiểu và minh bạch. Mọi người đều như nhau trong quá trình xét duyệt, và những người tài năng luôn có cơ hội để leo lên nấc thang trong công cuộc phụng sự xã hội. Với những người có khả năng này, chính sách được điều hành thông suốt và đất nước nhanh chóng phát triển.


Nguyễn Huy Vũ

16/9/2022