4.12.22

Vụ phá sản sàn giao dịch tiền mã hoá FTX

Sàn giao dịch tiền mã hoá FTX, một trong những sàn giao dịch tiền mã hoá lớn nhất thế giới vừa khai phá sản. 

Thông thường thì một sàn giao dịch tài sản sẽ giúp giữ tài sản của khách hàng và ăn tiền hoa hồng đối với các giao dịch. Chủ sàn chỉ có thể lỗ nếu chi phí duy trì sàn lớn hơn lợi nhuận kiếm được. Với nhiệm vụ giữ tiền cho khách hàng, khách hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào họ cần. 


Người ta gửi tiền vào FTX vì tin. Nhưng khi họ bắt đầu biết tin FTX không còn tiền mặt, nhất là khi phi vụ hợp nhất với Binance, một sàn giao dịch điện tử khác không được thông qua, thì những người gửi tiền vào tài khoản sàn FTX vội vã rút ra. Việc các khách hàng đồng loạt rút tiền đã làm FTX sụp đổ, vì trong các tài khoản của FTX không còn đủ tiền để trả cho các khách hàng. Số tiền mà các khách hàng gửi vào FTX đã bị đem đi chi dùng sai mục đích. Số tiền đó giờ ở đâu thì vẫn đang được các cơ quan điều tra tiến hành.


Chủ của FTX là Sam Bankman-Fried, còn được gọi là SBF. Mới 30 tuổi. Con của hai giáo sư luật của đại học Stanford, người Do Thái. 


Cho đến nay, những thông tin sơ khởi ban đầu cho thấy khoảng 120 triệu đô la đã được chuyển cho cha mẹ của ông chủ sàn FTX đi mua bất động sản. Trên 70 triệu đô la được gửi ủng hộ các chính trị gia tranh cử, chủ yếu là các chính trị gia phe Dân chủ, và một vài chính trị gia phe Cộng hoà nhưng có đường lối thân Israel. SBF là người chi tiền nhiều thứ hai ủng hộ tổng thống Joe Biden trong kỳ bầu cử tổng thống vừa rồi, chỉ sau Michael Bloomberg. 


Liên quan đến các hoạt động của FTX còn có công ty Alameda Research. Alameda Research chuyên về giao dịch tiền mã hoá, dùng các thuật toán để kiếm lợi khi giao dịch. Alameda Research cũng do SBF sáng lập. Sau đó đưa cho Caroline Ellison, được cho là bạn gái của SBF, lãnh đạo. Alameda Research được báo cáo là còn nợ FTX 10 tỉ đô la, và số tiền này là tiền gửi của khách hàng tại FTX mà SBF đem cho Alameda Research vay mà không có ý kiến của khách hàng. Alameda Research sau đó đem tiền đi thực hiện các giao dịch tiền mã hoá. 


Cả hai công ty FTX và Alameda Research đều đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Caroline Ellison là con gái của giáo sư kinh tế Glenn Ellison của MIT. 


Vụ phá sản kinh động này liên quan đến hơn 1 triệu khách hàng. Trong đó có những khách hàng lớn như Sequoia Capital và Softbank. 


Có hai vấn đề liên quan đến vụ phá sản của FTX mà sẽ tạo nên tiền lệ và ảnh hưởng đến cách giới cầm quyền thực thi pháp luật trong tương lai.


Thứ nhất là FTX được thành lập và đặt trụ sở ở Bahamas, chứ không phải ở Mỹ, dù chủ của FTX là SBF có quốc tịch Mỹ và dành nhiều thời gian ở Mỹ. Muốn khởi tố FTX giới chức Mỹ có thể phải chứng minh hoạt động của FTX ảnh hưởng đến hệ thống tài chính hay quyền lợi Hoa Kỳ. 


Và thứ hai là để kết tội nhóm lãnh đạo FTX thì chính quyền cần phải chứng minh rằng họ lừa dối khách hàng, bởi vì nếu chỉ có lãnh đạo yếu kém thì điều đó không thể cấu thành tội được. 


Muốn bắt giữ để thẩm vấn những người trong nhóm lãnh đạo FTX, Bộ Tư pháp của Hoa Kỳ cần phải thực hiện việc dẫn độ họ về Mỹ. Theo một báo cáo bởi Semafor, một trang tin tức được tài trợ bởi SBF, thì một số các lãnh đạo của FTX đã bay sang Hồng Công, trong khi SBF vẫn đang ở Bahamas. 


Bahamas là một thuộc địa cũ của Anh ở vùng Caribe, giờ thuộc khối Thịnh Vượng Chung. Bahamas nổi tiếng là một thiên đường thuế, vì ở đây rất ít thuế, đặc biệt là không có thuế thu nhập (income tax), thuế doanh nghiệp (corporate tax), thuế lãi vốn (capital gains tax), hay thuế tài sản (wealth tax). Doanh nghiệp và nhân viên mỗi bên đóng khoảng 5% để duy trì quỹ bảo hiểm xã hội. Chính phủ tạo doanh thu chủ yếu thông qua thu thuế nhập khẩu, thuế tiêu dùng, thuế bất động sản, và thuế giấy phép. Nhờ có thuế thấp, hệ thống thủ tục minh bạch, hạ tầng tốt, khuyến khích đầu tư và hỗ trợ FDI, dùng tiếng Anh và gần Mỹ, cho nên được giới tư bản tìm tới Bahamas để đầu tư. Quốc đảo với bốn trăm ngàn dân nhờ vậy mà phồn thịnh. 


Nguyễn Huy Vũ

23/11/2022