30.11.16

Máu Cuba và quốc tang Việt Nam

Tại sao Việt Nam tổ chức quốc tang cho Fidel Castro? Có lẽ là để trả món nợ máu, và máu là máu của người Cuba thật.

“Ngày 27 tháng 5 năm 1966, 166 người Cuba, gồm thường dân và thành viên của quân đội, bị hành quyết và trải qua các công đoạn y tế để hút lấy máu, trung bình 7 pint một người. Lượng máu này được bán cho nước Việt Nam Cộng sản với mức giá 50 đô la Mỹ một pint nhằm một mục đích kép vừa giúp kiếm được tiền và vừa giúp cho cuộc xâm lược của Việt Cộng.

Một pint máu tương đương với nửa lít. Hút lượng máu này từ một người bị tuyên án tử hình dẫn đến việc mất máu não và rơi vào trạng thái bất tỉnh, tê liệt. Một khi máu đã được hút, tử tù sẽ bị đưa bởi hai quân nhân trên một cái cáng tới địa điểm hành quyết.”

Đoạn trích trên từ báo cáo của InterAmerican Human Rights Commission, vào ngày 7 tháng 4, năm 1967, và được trích đăng trong bài “Counting Castro's Victims” của tạp chí The Wall Street Journal ngày 30 tháng 12 năm 2005.

Mỗi người sẽ bị hút 7 pint máu, tương đương 3 lít rưỡi, đem bán mỗi pint 50 đô la Mỹ. Vị chi, mỗi người bị tuyên án tử hình đem lại 350 đô la, và 166 người là 58.100 đô la Mỹ, cho chính quyền của Fidel Castro.

Không biết bao nhiêu lít máu người Cuba được gửi về Việt Nam theo dạng như vậy.

OL, 29.11.2016.


Các lãnh đạo cộng sản có yêu nước không?

Việc ra đi của Fidel Castro, cũng như sự ra đi của nhiều lãnh tụ cộng sản khác, thường gây ra nhiều tranh cãi. Tranh cãi vì những người đánh giá đặt góc nhìn ở các vị trí khác nhau, và chịu các ảnh hưởng mang tính ý thức hệ khác nhau trước khi đưa ra một nhận xét của mình.

Rất nhiều lần, tôi đã nghe những lời bào chữa rằng họ, những lãnh đạo cộng sản, rất yêu nước và những sai lầm khi dẫn dắt đất nước mình trở thành một xứ kiệt quệ, đói nghèo, và thất bại bởi vì họ tin tưởng vào một tư tưởng sai, dù sai nhưng họ là những người yêu nước.

Đối với tôi, họ, những lãnh đạo cộng sản có thể sai khi chọn một tư tưởng nhưng họ tuyệt đối không yêu nước, họ yêu quyền lực và chính bản thân họ hơn.

Vì yêu nước trước hết là phải yêu đồng bào mình và đất nước mình. Và đất nước phải hiểu theo nghĩa đen là đất, nước, và những không gian vật lý liên quan đến nó, như không khí và nước.

Vì vậy mà không thể gọi bất kỳ một cá nhân nào là yêu nước khi anh ta giết hại một cách có hệ thống và đồng loạt đồng bào của mình. Không thể gọi anh ta là yêu nước khi bởi vì những chính sách của anh ta chỉ đem lại đau khổ cả về vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân mình. Không thể gọi anh ta là yêu nước khi anh đem bán đi hoặc hủy hoại đất nước mình. Và anh ta cũng không thể nào gọi là yêu nước khi anh ta lợi dụng sự ngây thơ của quần chúng hay quyền lực của hệ thống mà tiếm quyền của nhân dân, đứng trên đầu trên cổ nhân dân, và tự cho mình quyền định đoạt thay quyết định của hàng triệu nhân dân mà không qua bất cứ một sự ủy quyền công khai nào thông qua các cuộc bầu cử tự do và minh bạch.

Phải đứng trên một quan niệm và một hệ quy chiếu như vậy chúng ta mới có thể đánh giá được đâu là một lãnh đạo yêu nước và đâu là một tên độc tài đàn áp dân tộc mình.

Và nhìn với một tiêu chuẩn như vậy để thấy rằng không một lãnh đạo cộng sản nào yêu nước cả, vì không một lãnh đạo nào được chính người dân bầu lên để thực thi nguyện vọng của nhân dân. Họ tuyên truyền về một hệ thống công bằng và tự do nhưng chính họ và những đồng chí của họ chia nhau quyền lực, quyền lợi và địa vị trên đầu của dân tộc, và sẵn sàng bỏ tù bất cứ ai thách thức hệ thống phân bổ quyền lực của họ. Làm sao có thể biện minh cho lòng yêu nước, yêu nhân dân khi chính anh đi cướp đi các quyền tự do của nhân dân, mà một trong các quyền đó là quyền tự do ngôn luận và quyền tự do bầu chọn nên những lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình?

Với một lãnh tụ cộng sản, người đã thiết lập và áp đặt một chính thể cộng sản lên một đất nước, việc đầu tiên khi một nhân vật lịch sử như vậy ra đi, người ta thường tự hỏi rằng dưới chính thể của ông ta, bao nhiêu người đã là nạn nhân. Một ước lượng của Cuba Archive đưa ra con số ít nhất là 10 ngàn và có thể lên tới con số 100,000. Không ai biết một con số chính xác, vì có nhiều những nạn nhân mãi mãi không được ai biết đến.

Nhưng đó chỉ là những con số bề nổi, dễ dàng cân đo đong đếm được. Cũng như bất kỳ một chế độ cộng sản nào, những giá trị bị phá hủy hay mất đi khó lòng nào định lượng. Đó là sự mất đi những cơ hội hiếm hoi để phát triển kinh tế, để nuôi dưỡng những tài năng, tri thức và văn hóa xứ mình. Đó còn là hủy hoại vốn xã hội và sự chia rẽ của người dân. Nó không chỉ là sự nghèo đói của lương thực khiến gu ẩm thực của người dân sau nhiều thập niên đói khát đã thay đổi đi, hay khiếu thẩm mỹ vì sự đói nghèo đã biến mất. Gần sáu thập niên sống dưới sự tuyên truyền một chiều, chính quyền đã biến hai thế hệ người dân thành những con người tin vào lãnh tụ và chế độ. Cũng ngần ấy thời gian, chính quyền đã kịp xây dựng xung quanh mình một hệ thống thân hữu hưởng đặc quyền đặc lợi nhờ duy trì hệ thống. Và cho dù đất nước một ngày nào đó trở thành một xứ dân chủ, sự lũng đoạn chính trị và kinh tế của nhóm người này là một điều thấy được.

Một con người lợi dụng quyền lực của nhân dân để nắm quyền, để rồi cuối cùng dùng chính quyền lực để cầm tù, giết chóc, và bịt miệng nhân dân mình, biến đất nước mình từ một hòn đảo xinh đẹp trở thành một nơi kiệt quệ thì khó có thể nào gọi là một con người yêu nước, yêu đồng bào, đất nước mình được, huống chi là gán ghép những mỹ từ lãnh tụ hay vĩ đại.

OL, 29.11.2016

Thầy Dũng

Đó là một buổi chiều học thêm Hóa năm lớp 11. Lớp rất đông, giữa giờ dạy ông thầy tới bàn, gõ cục phấn, bảo: "Cuối giờ ông lên đây gặp tui." Ngồi học mà nghĩ bụng tí nữa ông định quở mình chắc vì bữa trước nghỉ học. Học xong, lên gặp. Ông lấy cây viết, kêu chỉ tên. Ông nhớ mặt mình nhưng có lẽ không nhớ họ tên đầy đủ. Chỉ tên cho ông, ông cầm cây viết gạch băng ngang cái tên. Mình hoảng, tưởng ổng đuổi học. Xong, ổng bảo: "Từ rày về sau ông không phải đóng học phí nữa." Xong, ông hỏi tiếp: "Ông biết nhà thằng nào khó khăn nữa không?" Mình bảo: "Thằng Nam". Ông lấy viết gạch luôn tên thằng Nam.

Ngày trước khi đi thi đại học, đang đứng ở hành lang, ông đi tới, hỏi: "Ông đăng ký thi ngành gì?". Mình bảo: "Ngành Vật lý, Khoa học Tự nhiên." Ổng bảo, "Ông học ngành đó sau này lấy tiền đâu đi nghiên cứu thêm?". Mình nghe ổng, rồi im không trả lời, vì lúc đó mình đã dự tính trong đầu là đi kiếm học bổng du học rồi, đăng ký thi đại học chỉ là tạm thời. Thầy mình tên Dũng, dạy trường chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang.

Oslo. 20.11.2016

Về một văn hóa tranh luận

Thật không cảm thấy dễ dàng hay thoải mái gì khi có một người nói trái ý bạn ở đâu đó. Nhưng hãy khoan phiền lòng nếu thấy có người nói trái ý bạn. Bởi vì người góp ý xuất thân từ một văn hóa khác, lớn lên trong môi trường khác, và đơn giản hơn là anh ta hay cô ta không phải là bạn, nên hẳn góc nhìn có phần khác. Vì vậy mà tiếp nhận một ý kiến khác chiều trong tranh luận trước hết không phải là việc đồng ý hay không đồng ý với người ta, mà đó là một cơ hội để hiểu thêm một góc nhìn, một quan điểm hay cảm xúc từ người góp ý.

Nhiều bạn sẽ cho rằng nói dễ hơn làm. Đúng. Đặc biệt là khi những góp ý không còn tập trung vào đề tài thảo luận mà hướng đến các chỉ trích cá nhân. Vì vậy mà chúng ta cần phải trao đổi với nhau về một văn hóa tranh luận.

Trước hết, tranh luận không phải để thắng thua, mà để hiểu nhau và hiểu rõ hơn về vấn đề. Vì vậy hãy tập trung vào các luận điểm để giải thích và phản biện bằng các ví dụ và lập luận thay vì hướng đến các chỉ trích cá nhân. Các chỉ trích cá nhân chỉ có làm mất thêm hòa khí và làm tệ hơn không gian tranh luận.

Một xã hội không có tranh luận là một xã hội không còn suy nghĩ. Bởi vì nếu một xã hội có suy nghĩ thì tất nhiên các cá nhân khác nhau sẽ có những suy nghĩ khác nhau và sẽ có tranh luận giữa các suy nghĩ khác nhau. Đừng ngại tranh luận, vì đó là cội nguồn của phát triển. Chẳng phải các tiến bộ về khoa học, kỹ thuật và xã hội mà chúng ta đạt được ngày nay là nhờ ở sự tranh luận và cạnh tranh không ngừng giữa các ý kiến? Bằng cách đặt sự nghi ngờ và tranh luận về tính đúng đắn hay tối ưu của các phát kiến trước mà những người đi sau luôn tìm cách cải thiện nên những điều tốt đẹp hơn.

Một văn hóa tranh luận do đó cần được dạy và tập làm quen nơi các em học sinh bên cạnh các môn khoa học.

Ở một khía cạnh vi mô hơn, có một văn hóa tranh luận nghiêm túc sẽ giúp cho xã hội hài hòa và phát triển. Những ai có dịp làm việc nhóm trong các tổ chức hay công ty sẽ hiểu rằng trong một cuộc họp để đưa ra quyết định thì có tới 90 phần trăm thời gian là dùng để thảo luận và tranh luận. Nhờ những thảo luận và tranh luận mà mọi người hiểu rõ hơn về các quyết định và chính sách cũng như giúp các quyết định đưa ra được thảo luận kỹ hơn.

Có thể rằng quyết định được đưa ra bởi một người thì nhanh hơn là cả nhóm, nhưng về lâu về dài, những thành tựu lớn lao đa phần đều là công sức của một tập thể, mà sự thành công của nó sẽ không thể đạt được nếu thiếu một văn hóa tranh luận trong các quyết định.

Nói như vậy để thấy một điều rằng kỹ năng làm việc nhóm và văn hóa tranh luận luôn đi song song với nhau. Không thể nào có thể làm việc nhóm cùng nhau mà giữa chúng ta không có một văn hóa tranh luận đúng đắn. Và nghĩ như vậy mới thấy rằng người Việt mình chưa tự tổ chức thành công các hội đoàn độc lập cũng bởi vì chưa được làm quen nhiều với văn hóa tranh luận này. Một khi chưa quen với văn hóa tranh luận, thay vì tranh luận để tìm ra hướng đi tốt đẹp hơn cho nhóm thì các cuộc tranh luận lại diễn biến thành các chỉ trích, thù hằn cá nhân làm mất đi sự đoàn kết và cuối cùng dẫn đến tan rã nhóm.

Bất cứ một văn hóa nào cũng cần phải học, tranh luận và làm việc nhóm cũng vậy. Ở Singapore, hầu như học kỳ nào ở cấp đại học cũng có những dự án nhóm và thầy cô luôn bắt các sinh viên tự chọn nhóm cho mình để làm dự án. Các buổi họp để thi hành dự án luôn luôn là các tranh luận và tranh cãi, chỉ để cuối cùng tìm ra một giải pháp tối ưu và khả thi. Đó là cách mà giáo dục của Singapore dạy sinh viên mình cách làm việc nhóm và tranh luận.

Giáo dục Việt Nam không có được điều đó, và đó là một thiệt thòi lớn cho sinh viên Việt Nam. Vì vậy mà nhiều người Việt không quen với cả hai văn hóa tranh luận và làm việc nhóm.

Liệu rằng mạng xã hội có giúp hình thành nên một văn hóa tranh luận hay không? Mình nghĩ là có. Hãy bắt đầu bằng việc thể hiện các quan điểm tranh luận và phản biện nghiêm túc. Từ một người, vài người, và từ từ sẽ hình thành nên một văn hóa.

OL. 16.11.2016.

15.11.16

Người Mỹ không bầu Trump? -- Về hệ thống bầu cử theo cử tri đoàn của Mỹ

Bạn thắc mắc người Mỹ không bầu cho Trump mà chỉ có cử tri đoàn bầu cho Trump. Có bạn thắc mắc cử tri đoàn là cái gì?

Quá trình bầu cử của Mỹ gồm hai bước. Ở mỗi bang, sẽ có một số phiếu cử tri đoàn, và mỗi đảng ra tranh cử sẽ đề xuất một số lượng đại cử tri ứng với số phiếu cử tri đoàn. Ví dụ bang California có 55 phiếu cử tri đoàn (electoral vote) thì mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ cử 55 đại diện riêng của mình làm đại cử tri (elector). Phiếu bầu của mỗi người dân được gọi là phiếu phổ thông (popular vote). 

Ở bước đầu tiên, sau khi người dân bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, chính quyền sẽ kiểm phiếu riêng biệt theo từng bang. Ở mỗi bang, nếu đảng nào dành nhiều phiếu phổ thông nhất thì đảng đó được hưởng toàn bộ số phiếu cử tri đoàn. Ví dụ, ở bang California, đảng Dân chủ dành nhiều phiếu phổ thông hơn đảng Cộng hòa, nên đảng Dân chủ hưởng hết 55 phiếu cử tri đoàn, và 55 đại cử tri của California sẽ là 55 đại cử tri đề xuất bởi đảng Dân chủ. Tương tự cho các bang khác.

Ở bước thứ hai, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống và ứng viên nào dành hơn 270 phiếu sẽ thắng. Vì thường các đại cử tri là người trung thành với đảng của mình nên sẽ bầu chọn cho ứng viên tổng thống thuộc đảng của mình. Ví dụ như 55 đại cử tri của California sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Trong lịch sử cũng có trường hợp các đại cử tri lẻ tẻ phản thùng không bầu cho ứng viên đảng mình nhưng nó chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống cuối cùng.

Tuy vậy, trong lịch sử chính trị hiện đại của Hoa Kỳ, bước thứ hai này giờ đây chỉ còn là hình thức. Vì sau khi bầu qua vòng đầu tiên và tính số phiếu cử tri đoàn dành được của các ứng cử viên tổng thống, người ta biết được là ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp. Vì vậy, mà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, sau ngày bầu cử 8/11 thì người Mỹ đã biết được ai sẽ là tổng thống kế tiếp, cho dù tới ngày 19/12 (tức hơn một tháng sau) thì các cử tri đoàn mới họp nhau để chính thức theo luật bầu ra tổng thống kế nhiệm.

"Diễn nôm" tóm tắt là mỗi bang có một số phiếu cử tri đoàn (electoral vote) nhất định đại diện cho bang, nếu ứng viên nào giành được nhiều phiếu cử tri phổ thông (popular vote) nhất của bang thì được thưởng toàn bộ phiếu cử tri đoàn, cộng lại các bang ai giành được quá 270 phiếu cử tri đoàn thì thắng. Nếu không ai dành đủ 270 phiếu thì Hạ nghị viện sẽ chọn ra một tổng thống trong số 3 ứng viên có phiếu cử tri đoàn cao nhất bằng cách để các Hạ nghị sỹ bỏ phiếu chọn và quyết định đưa ra dựa vào đa số số phiếu.

Trong các bài viết, nhiều người, kể cả báo nước ngoài, khi họ viết "người Mỹ chọn Trump" hay "Americans elect Donal Trump", không có nghĩa là tất cả người Mỹ đều chọn Trump mà chỉ ám chỉ rằng nước Mỹ chọn Trump là tổng thống kế. Chọn ở đây là theo luật bầu cử của Mỹ. Nhiều bạn lại lý sự là tổng số phiếu bầu phổ thông toàn quốc của Clinton cao hơn Trump, nhưng số phiếu đó không có ý nghĩa gì trong luật chơi dân chủ của Mỹ cả. Luật chơi ở đây là đếm tổng số phiếu cử tri đoàn.

Mà tại sao người Mỹ lại dùng cử tri đoàn mà không dùng phiếu phổ thông? Những nhà lập quốc Hoa Kỳ có cái lý do của họ: là bởi vì nếu tính theo tổng số phiếu phổ thông thì các bang đông dân được lợi, phần thiệt thuộc về các bang ít dân. Các bang đông dân sẽ nắm quyền quyết định ai là tổng thống, còn các bang ít dân hầu như bị gạt sang một bên. Ví dụ như các bang đông dân California có 38 triệu dân, Texas 27 triệu, Florida hơn 20 triệu, New York gần 20 triệu dân, bang Illinois gần 13 triệu, còn bang Delaware chỉ có chưa tới 1 triệu dân. Sự chênh lệch về dân số lớn như vậy giữa các bang. Và thêm nữa, các bang đều có truyền thống bầu cho một đảng, như California, New York, hay Illinois gần đây đều bầu cho đảng Dân chủ, còn Texas thì chọn đảng Cộng hòa. Như vậy, nếu tính theo phiếu phổ thông thì bầu cử tổng thống là cuộc chơi của một vài bang lớn, và lệch về một đảng nhất định.

Lịch sử lập quốc Hoa Kỳ là các bang đồng thuận vào liên minh, nên họ muốn các bang có tiếng nói nhất định trên các vấn đề của đất nước, vì vậy mà họ chọn cách bỏ phiếu này, cũng như là ấn định cố định mỗi bang có 2 thượng nghị sỹ để các bang có tiếng nói đáng kể gần ngang nhau trong các vấn đề của đất nước.

Một lý do khác mà họ chọn cách cử tri đoàn là bởi vì cách tính này giúp cho quá trình giám sát kết quả bầu cử nó dễ dàng, tránh bị gian lận khi mà ngày xưa phương tiện không được hiện đại như bây giờ. Thậm chí là bây giờ, khi ví dụ số phiếu phổ thông của hai phe trở nên ngang ngửa nhau cách nhau vài ngàn thậm chí vài trăm thì sẽ có lý do các ứng viên đòi hỏi kiểm phiếu lại vì sợ gian lận. Quá trình đó vừa mất công vừa làm cho uy tín của chính quyền giảm sút.

Cách bầu cử tri đoàn của Mỹ không khác xa lối bầu cử "người thắng lấy hết" trong các chế độ nghị viện kiểu Anh và các nước thuộc địa Anh như Úc, Canada và ở châu Á là Malaysia và Singapore. Mỗi khu vực sẽ có một số ghế nghị sỹ nhất định bầu vào quốc hội, phe nào nhận nhiều phiếu phổ thông nhất khu vực sẽ lấy hết ghế nghị sỹ khu vực đó. Khi vào quốc hội phe có nhiều ghế nhất chiếm đa số thì lập chính phủ nắm quyền, còn nếu không chiếm đa số thì kiếm liên minh lập chính phủ liên minh.

Trong trường hợp của Malaysia, thậm chí phe đối lập trong kỳ bầu cử gần đây dù nhận được tổng số phiếu phổ thông lớn hơn chính phủ đương quyền nhưng không trở nên cầm quyền vì số ghế có được trong quốc hội ít hơn. (Tương tự như ở Mỹ khi số phiếu phổ thông nhiều hơn nhưng số phiếu cử tri đoàn thấp.)

OL, 11.11.2016

Rộng lòng để yêu thương

Buổi tối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, tôi mở CNN xem và thấy trả lời của hai vợ chồng già thật xúc động. Nhà báo hỏi bà vợ ủng hộ ai, bà bảo tôi ủng hộ Trump vì tôi muốn thấy một tổng thống mạnh mẽ, còn ông chồng thì ủng hộ Clinton. Hỏi hai ông bà ở với nhau lâu chưa, hai ông bà trả lời hơn 30 năm rồi. Hỏi tiếp điều gì gắn kết hai người thì họ trả lời là tình yêu. Thật xúc động và tình cảm. Chắc chắn rằng giữa những bữa trưa hay bữa tối, khi chọn cho ứng cử viên nào hẳn hai ông bà đã tranh luận mệt nghỉ quan điểm của mình để rồi cuối cùng mỗi người giữ một niềm tin riêng. Khó mà kiếm được một hình ảnh tương tự ở Việt Nam.

Nói cho ngay, ngay ở cái thế giới facebook đầy thị phi này, chỉ vì có quan điểm bày tỏ ủng hộ hay chống Trump mà nhiều người đã không còn muốn nhìn facebook của nhau nữa.

Tôi nhớ những ngày ở Singapore. Ở chung phòng với một anh bạn thân. Chiều hôm đó được tin thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được chọn, tôi bảo ông không thể làm gì để thay đổi nền kinh tế Việt Nam. Bạn tôi cãi lại, hi vọng sức trẻ của ông sẽ làm nên điều kỳ diệu. Chúng tôi cãi nhau suốt đêm tới sáng, nằm cạnh nhau, chỉ thiếu điều đánh nhau. Mỗi người giữ quan điểm riêng, và chúng ta là những người bạn thật sự. Mười năm sau, chúng tôi gọi nhau ở Mỹ và bạn bảo tôi bạn không hiểu sao ông thủ tướng có nhiều người ủng hộ vậy.

Facebook tôi thỉnh thoảng cũng có những bạn bày tỏ quan điểm không ủng hộ, thậm chí mạt sát, tôi chẳng phiền, mà thấy thương. Thương người mạt sát giận hờn, vì giận hờn là họ tự gây nên và giữ lấy chỉ vì lỡ đọc một quan điểm của tôi mà họ không thích. Họ đáng thương hơn đáng trách.

Có ba người ảnh hướng lớn đến nhân sinh quan của tôi, đó là Nguyễn Hiến Lê, thầy Thích Nhất Hạnh, và chúa Jesus. Tôi không phải là người theo đạo Chúa, nhưng những sự dấn thân của Đức Chúa Trời cho một xã hội những người bần cùng luôn là những điều tôi yêu mến như một bản năng. Có lẽ vì vậy mà dù chưa một lần nào đọc kinh nghiêm túc nhưng trong một lần ghé thăm Milan, tôi đã tình cờ nhặt được một chuỗi hạt mân côi được đặt cẩn thận trước hàng rào của nhà thờ trong một buổi chiều hè. Chuỗi hạt mân côi đơn sơ tôi luôn giữ như một món quà của Ơn Trên ban tặng.

Học giả Nguyễn Hiến Lê, một cách cần mẫn, gieo những tri thức cho cộng đồng là một tấm gương về dấn thân xã hội của người Việt Nam. Riêng ở thầy Nhất Hạnh, qua những cuốn sách của ông tôi học được không chỉ là thiền trong chánh niệm, buông bỏ để an lạc trong mỗi phút giây, mà còn ở tâm vị tha, không chấp. Nhờ thực hành thiền chánh niệm mỗi ngày và uống nước mật ong ấm mỗi tối và sáng mà chỉ trong một năm ở Thụy Điển tôi đã tự chữa khỏi căn bệnh đau bao tử dai dẳng có từ ngày ở Singapore. Thiền chánh niệm không còn là những tĩnh tâm xa xôi, nó đôi khi chỉ là sự buông nhẹ những nghĩ suy để tận hưởng những gì mình có, vì nếu mình không cảm nhận được yêu thương và hạnh phúc ngay trong thời khắc này thì còn đợi đến khi nào. Đọc thiền đòi hỏi một sự cảm, mình thích cuốn «An Lạc Từng Bước Chân», và hi vọng nhiều bạn nên tìm đọc.

Kể như vậy không phải để khoe (vì cũng chẳng có gì để khoe), mà chỉ để kể lại những kinh nghiệm của mình trong việc buông bỏ đi những dằn vặt, khó chịu, hay đau buồn mà bạn có thể gặp phải trong hiện tại để có một cuộc sống yên vui hơn. Vì khi bạn giận hờn hay dằn vặt một điều gì đó thì chính mình là người chịu đựng. Và cũng chẳng phải là từ câu nói «bệnh tại tâm sinh» vì đau buồn mà sinh ra nhiều bệnh sao? Nên, hãy học cách buông bỏ để sống yêu thương, hạnh phúc hơn. Cái gì phiền muộn thì bỏ đi, niềm vui thì giữ lại.

Quay lại câu chuyện bầu cử tổng thống Mỹ. Trump lên có thể khiến cho những người trong chiến dịch Clinton mất việc. Vì nếu Clinton lên thì những người trong ban vận động sẽ được cho một vị trí nào đó. Nhưng, biết đâu trong cái rủi có cái may, cứ cố gắng có khi lại gặp những vận may mới. Với những người Việt, có thể khiến một số vui và cũng một số buồn, cái buồn đôi khi chỉ là một sự mất mát trong cuộc cá độ bằng niềm tin, hoặc đôi khi là một chầu nhậu. Mười ngày, nữa tháng lại qua, và mọi thứ quay về với vòng đời cũ. Vì vậy, nếu phiền muộn gây ra bởi những người không cùng ý tưởng chính trị của mình thì cũng nên buông bỏ. Vì như vậy sẽ làm chính bạn an lạc hơn.

Phân tích, phát biểu một hiện tượng, một sự việc bắt buộc phải nói thẳng, nói thật, và nhiều khi cũng có thể nói sai. Cái thẳng cái thật đó đôi khi lại làm buồn lòng nhiều người vốn giữ niềm tin bị đụng chạm. Dù lựa lời, nhưng sao tránh khỏi. Thôi thì cuộc đời rất ngắn, hãy bỏ bớt những giận hờn để sống vui hơn, ít ra là cho chính mình và sau đó là người thân vậy.

OL, 9.11.2016

Giấc mơ của người Việt

Cuối cùng thì cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng kết thúc. Người thua gọi điện chúc mừng người thắng, hứa sẽ cùng người thắng dựng xây quê nhà. Người thắng ngợi khen người thua đã có một cuộc tranh cử ngoan cường và về những nỗ lực to lớn đóng góp cho quê hương, để rồi tự cam kết sẽ đại diện cho tất cả những đồng bào. Tất cả là những giá trị Mỹ, những giá trị mà nhiều người Việt bao đời nay vẫn nhớ và vẫn mơ. Những giá trị của dân chủ, tôn trọng, bao dung, và đặt quyền lợi của tổ quốc lên trên hết.

Xem chuyện xứ người để rồi sau những thời khắc sôi động, quay trở lại đối diện với thực trạng của quê mình. Cũng bởi người mình đôi khi dùng những tiêu chuẩn chẳng giống ai. Như những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa mơ giấc mơ của cuộc nội chiến Mỹ rằng khi buông súng sẽ được kẻ thù của mình xem như đồng bào, trân trọng và hòa giải. Niềm tin đem gửi đi để rồi nhận lại những tù đày, bỏ đói, giết chóc, và hạ nhục. Như những người lính miền Bắc mơ giấc mơ giải phóng miền Nam khỏi áp bức của đế quốc Mỹ để rồi sau đó lại ngậm ngùi chính mình là người được giải phóng. Như những thanh niên và trí thức thiên tả nhiệt tình mơ giấc mơ xã hội chủ nghĩa nơi mọi người ai cũng công bằng, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu để rồi vỡ mộng ra rằng nền kinh tế chỉ đủ cung cấp rau muống cho nhân dân và ước mơ rằng mỗi người mỗi ngày được thêm một thìa mỡ để có thể chiên rau. Những ước mơ cao đẹp và những thực tại đói hèn.

Việt Nam hôm nay đã tiến một bước xa hơn, một cách trung bình người dân không còn mơ giấc mơ thìa mỡ như những năm nào. Nhưng còn đó những giấc mơ khác, mơ người Việt Nam một ngày nào đó ra xứ người cũng tự hào vì sự giàu có và văn minh của quê hương, và vì sự đóng góp của quê nhà cho hòa bình và phát triển của thế giới.

Đó là những giấc mơ chung, mơ lớn. Những giấc mơ nhỏ hơn của những con người ở phía dưới của xã hội đôi khi chỉ đơn giản là được bình yên sống vừa đủ với những lo toan. Với những ngư dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi biển chết, giấc mơ đôi khi chỉ giản đơn là Formosa ngưng hoạt động và một ngày nào đó biển sạch lại. Với những ngư dân ở Cà Ná, Bình Thuận, đó cũng chỉ là giấc mơ biển được giữ sạch để họ sống cuộc đời bình yên với biển cả như bao thế hệ cha ông.

Những ước mơ, dù nhỏ nhoi, sẽ chỉ là những mơ ước nếu không ai hành động. Biển Hà Tĩnh sẽ không bao giờ sạch lại nếu Formosa tiếp tục xả thải; và những ô nhiễm môi trường ở Bình Thuận sẽ không thể nào ngăn lại nếu dư luận lặng im.

Phía sau giấc mơ cần có những nghĩ suy của hành động. Nền dân chủ và sự thịnh vượng của người Mỹ ngày hôm nay không phải là ước mơ của một bà tiên phút chốc biến thành hiện thực. Nó là kết quả của một quá trình đấu tranh, đóng góp và xây dựng của nhiều thế hệ người Mỹ.

Những sự đóng góp đó đặt nền tảng trên một xã hội dân chủ, xã hội mà ở đó những người lãnh đạo được bầu chọn tự do, công bằng, và minh bạch. Và vì vậy mà những lãnh đạo được chọn ra để phục vụ người dân, đem lại sự phồn vinh cho đất nước, đúng với khẩu hiệu: «của dân, do dân, và vì dân».

Nhìn người Mỹ để thấy rằng chỉ khi Việt Nam có được một cuộc bầu cử tự do và công bằng thì những lãnh đạo thực sự của dân mới được chọn, và những chính sách vì dân mới được thực thi.

Và để có được một cuộc bầu cử tự do ở Việt Nam trong những năm sắp tới, những người hiếm hoi còn quan tâm đến vận mệnh Việt Nam hôm nay hãy chung tay thức tỉnh người dân và chính quyền rằng chúng tôi muốn có một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những người lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình.

OL, 10.11.2016

Tại sao người Mỹ chọn Trump?

Bạn đưa cho một danh sách trong đó dân ở các xứ khác, trừ Nga, đều chọn Clinton thay vì Trump. Và như vậy người Mỹ với quyết định chọn Trump làm tổng thống là một thiểu số khi so với thế giới. Nhiều người sẽ nói người Mỹ dại. Nói vậy hoặc là chưa suy nghĩ kỹ, hoặc là vỹ cuồng tự cho mình khôn. Nếu người Mỹ dại hẳn họ sẽ không thể tạo ra một nền dân chủ lâu đời và thành công như vậy. Họ cũng sẽ không tự biến mình thành một cường quốc hàng đầu thế giới không chỉ về quân sự, khoa học, nghệ thuật, dân chủ, và truyền cảm hứng cho phần còn lại của thế giới.

Nhưng tại sao người xứ khác lại chọn khác người Mỹ? Bởi vì người xứ khác không sống trong bối cảnh của người Mỹ, lại đánh giá, đưa ra một quyết định thay cho người Mỹ bằng cách dùng những định kiến hấp thụ được bởi văn hóa địa phương mình.

Vậy tại sao người Mỹ lại chọn Trump? Nói một cách đơn giản là người Mỹ đã ngán ngẫm 8 năm cầm quyền của tổng thống Obama. Vì ngán, nên họ đã dành hẳn trái tim cho đảng Cộng hòa. Vì vậy mà đảng Cộng hòa nắm đa số ghế ở cả hai viện của Quốc hội Hoa Kỳ trước và sau khi bầu cử.

Tại sao họ lại ngán các chính sách của tổng thống Obama? Nói như những người đi bầu cho Trump là họ muốn thấy một tổng thống mạnh mẽ và hiệu quả. Nước Mỹ là để dẫn dắt thiên hạ, chứ không chỉ rụt rè, để các xứ cho Nga và Trung Quốc tha hồ tung hoành lên mặt.

Về mặt kinh tế, trong suốt 8 năm nhiệm kỳ của tổng thống Obama, mức nợ công tăng gấp đôi, một con số kỉ lục, từ khoảng 10 ngàn tỉ đô la Mỹ lên mức 20 ngàn tỉ đô la Mỹ. Kinh tế trì trệ, mức tăng GDP trong suốt 8 năm chỉ nhỉnh hơn 1%/năm. Nhưng quan trọng hơn là tỉ lệ người tham gia thị trường lao động giảm liên tục. Tỉ lệ người tham gia thị trường lao động được tính bằng số người thất nghiệp đang kiếm việc làm và số người đang làm việc. Tỉ lệ này giảm liên tục từ mức hơn 66% năm 2008 xuống còn dưới 63% năm 2016 phản ánh một thực tế rằng nhiều người quá chán nản khi không kiếm được việc làm nên bỏ hẳn ý định kiếm việc làm, và họ được cho là rời khỏi thị trường lao động.

Về chính sách y tế, ObamaCare lúc đầu được chính quyền Obama hi vọng sẽ giúp người nghèo, nhưng giờ đây trở thành một sự thất bại. Chi phí y tế đối với người dân không những giảm mà ngày càng trở nên đắt đỏ, hệ thống lại phức tạp. Trung bình mức bảo hiểm y tế tăng lên 22% toàn quốc, có bang tăng hơn gấp đôi. Kèm theo đó là các chính sách thuế, luật lệ, bóp nghẹt các doanh nghiệp ngành bảo hiểm.

Về cuộc chiến chống khủng bố, kể từ khi tổng thống Obama lên cầm quyền đến nay có 9 cuộc tấn công khủng bố cực đoan, giết chết 91 người và bị thương 400 người khác.

Về cải cách hệ thống tài chính, sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2009, tổng thống Obama và những nhà làm luật đảng Dân chủ đưa ra bộ luật Dodd-Frank năm 2010, dày tới 2,300 trang, hi vọng là sẽ bảo vệ hệ thống tài chính và nền kinh tế. Để rồi cuối cùng không mấy ai hiểu bộ luật dày cộm đó nói gì. Tuy vậy, bộ luật đó vẫn nằm đó và báo cáo bởi American Action Forum cho rằng nó làm thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ khoảng 1 ngàn tỉ đô la Mỹ trong vòng 10 năm.

Về đối ngoại thì rõ ràng các chính sách ngoại giao của tổng thống Obama không được nổi bật lắm. Nó không chỉ là các thừa nhận của chính ông khi nói về sự thất bại của người Mỹ ở Trung Đông, mà còn ở châu Á, và châu Âu. Trong hai nhiệm kỳ của tổng thống Obama, người ta nhìn thấy một nước Mỹ yếu. Lẽ dĩ nhiên là người Mỹ thì phải lo cho người Mỹ trước. Nhưng như là một sứ mệnh của một cường quốc, một cảnh sát quốc tế, không chỉ người ở các nước, mà người Mỹ vẫn muốn thấy nước họ đóng một vai trò hiệu quả trong các ảnh hưởng toàn cầu. Họ muốn nước Mỹ dẫn dắt, chứ không phải một nước Mỹ thỏa hiệp. Đó là lý do họ muốn một lãnh đạo mạnh.

Sau khi thừa hưởng những bình ổn ban đầu của chính quyền mới Iraq, năm 2011 chính quyền Mỹ vội vã rút quân khỏi Iraq, để lại một lỗ hổng về an ninh khiến cho ISIS có dịp xuất hiện. Ở Lybia, chính quyền Mỹ hỗ trợ người dân Lybia lật đổ chế độ độc tài của Gaddafi, nhưng khi thành công thì không có những can thiệp hiệu quả để xây dựng một chính quyền ổn định, để các phe nhóm dân quân Lybia tranh giành nhau dẫn đến nội chiến. Ở Syria, khi Nga đưa quân và khí tài vào can thiệp ở Syria hỗ trợ trực tiếp cho nhà độc tài thì Hoa Kỳ lúc đầu đã không nhiệt tình can thiệp, mãi đến sau thì can thiệp một cách giới hạn. Ở châu Âu, trong khi Nga tăng cường các hoạt động gây hấn ở Crimea, Ukraine, và các nước Baltic thì chính quyền của Obama chỉ có những phản ứng dè dặt. Ở châu Á, trong chiến lược xoay trục về châu Á nhằm đối phó với Trung Quốc, cuối cùng thì Trung Quốc ngày càng xây thêm đảo, lôi kéo dần các đồng minh của Hoa Kỳ về phía mình.

Liệu với bạn, một người Mỹ, hoặc giả sử đắm mình như một người Mỹ, bạn có muốn các chính sách của tổng thống Obama được tiếp tục thông qua hình ảnh của Hillary Clinton?

Nói đi cũng phải nói lại, ở tổng thống Obama, người ta nhận thấy một sự tinh tế trong ngoại giao, sự mềm dẻo, chất trí thức và nhân văn, và quan trọng là các bài diễn văn của ông luôn gây nhiều cảm hứng. Nhưng người Mỹ thì cả thèm chóng chán, lại thực tế, và giấc mơ Mỹ vẫn còn đâu đó trong tâm. Và đó là lý do họ tìm một sự đổi mới.

OL. 9.11.2016

Nhìn người Mỹ chọn tổng thống

Nếu để cho người Việt bầu tổng thống Huê Kỳ chắc là Clinton sẽ thắng cử. Vì sao? Vì báo chí toàn thế giới kể cả Mỹ, đều định hướng dư luận là Trump là một kẻ xấu xa, vô học và bất tài. Thêm ngài tổng thống Obama đáng kính mà nhiều người Việt hâm mộ, cùng với hàng loạt các tỉ phú khác như các nhà sáng lập các hãng Facebook, Microsoft, hay Google, cùng với đâu chừng 400 kinh tế gia viết thư hẳn hoi, đều chống lại, thì rõ ràng là đúng (xin lỗi) con mẹ nó rồi. Các anh ấy, những bậc học rộng hiểu nhiều, tài năng xuất chúng thì chỉ có đúng, cấm cãi. Nên Clinton được bầu chắc phải 100% chứ không còn suy nghĩ on đơ gì cả.

Nhưng người Mỹ thì khác. Họ có quan điểm riêng và suy nghĩ độc lập. Nghe thì nghe, nhưng họ có quyết định riêng. Chứ không phải vì mến mộ ông tổng thống, một ông tỉ phú, hay một ông trí thức mà họ răm rắp nghe theo lời người ta, như thể mỗi lời nói của họ là chân lý, mà quên đi việc xét lại. Trong nhà thì chia sẻ tình yêu; còn việc vợ hay chồng, dù sống đến đầu bạc răng long, có hai chọn lựa chính trị riêng, bỏ phiếu cho hai đảng là bình thường, chứ không phải bắt người ta theo lựa chọn của mình.

Thấy như vậy thì mới thấy được sự trưởng thành trong nhận thức của người Mỹ. Ở một quốc gia mà người dân suy nghĩ độc lập, tự chọn lựa và tự chịu trách nhiệm cho chính mình và cho đất nước chứ không phải bị xỏ mũi dẫn dắt bởi một đám trí thức nào đó hay sự tuyên truyền một chiều của báo chí thì đó là một tài sản quý giá lớn. Nước Mỹ có thể sai lầm, người Mỹ có thể sai lầm, nhưng khi họ dám lấy những quyết định quan trọng một cách độc lập và tự chịu trách nhiệm cho những quyết định của mình, thì họ sẽ luôn có thể tiếp tục đi tới dù hôm nay có bị té ngã.

Nghĩ lại ở Việt Nam, vài người nổi tiếng và có uy tín, nhưng phát ngôn và quan điểm sai do sự thiếu hiểu biết về những lĩnh vực họ phát biểu đã khiến hình thành nên một lối mòn suy nghĩ lệch lạc trong một nhóm những người hâm mộ họ. Và đáng tiếc hơn, những tác động ấy đôi khi ảnh hưởng đến cục diện chính trị xã hội.

OL,9.11.2016

6.11.16

Về ông Hồ Hải và Điều 88


Giới chơi facebook quan tâm đến các vấn đề chính trị-xã hội đa phần đều biết đến ông Hồ Hải. Mình biết ông, nhưng không kết bạn cũng không theo dõi (follow) trang ông. Lý do là những điều ông viết mình đọc qua nhưng thấy đa phần không có gì mới và không học được gì.

Ông chửi nhiều người và chửi thường xuyên nhất là chính quyền và giới cầm quyền. Ông cũng bị một số người tố cáo là lập quỹ du học rồi ăn chặn tiền.

Nhưng, chuyện gì ra chuyện đó. Nếu ông ăn chặn tiền thì hãy thưa ông ra tòa và kết tội lừa đảo. Nếu ông chửi ai đó thì hãy kiện ông tội phỉ báng.

Những tội này khác với việc bắt ông theo điều 88 Bộ Luật Hình sự có nội dung «tuyên truyền chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam».

Đừng vì ông ta chửi mình hay bởi vì mình không thích ông ấy mà cảm thấy vui khi ông ta bị bỏ tù theo điều 88 -- một điều luật mơ hồ của nhà cầm quyền nhằm bỏ tù những ai họ không thích. Vì nếu hôm nay họ có thể bỏ tù ông Hồ Hải với điều 88 thì một ngày nào đó họ cũng có thể bỏ tù theo điều 88 bất cứ ai mà họ cảm thấy nguy hiểm hay không ưa. Đó là cách mà nhà cầm quyền từng bỏ tù Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Văn Hải, Linh mục Lê Văn Lý, Lê Công Định, Cù Huy Hà Vũ, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Đinh Đăng Định… và mới đây là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Nhiều người quan niệm cho rằng họ bỏ tù ông Hồ Hải vì ông chửi chính quyền nhiều. Đúng hay sai? Hãy suy nghĩ như thế này, nếu bạn thấy một người cướp tiền của bạn và gia đình bạn, bỏ tù người thân bạn, đe dọa bịt miệng bạn, thì bạn sẽ làm gì? Tôi nghĩ bạn sẽ hành động nhiều hơn là chỉ ngồi chửi.

Vậy đó, chính quyền cướp quyền công dân của mọi người, trong đó có bạn, bắt bạn đóng thuế, từ thuế xăng, thuế đường bộ, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và nhiều loại thuế khác, rồi họ ăn cắp tiền của bạn thông qua tham nhũng và chi tiêu vô tội vạ, họ bắt bạn không được lên tiếng, họ đe dọa bỏ tù bạn nếu bạn chống đối, họ không cho bạn tự do bầu chọn nên những người lãnh đạo, họ bỏ tù những ai lên tiếng, và họ giết những người chống đối trong quá khứ. Thế đấy, những tội lỗi như vậy đúng ra phải được xét xử nghiêm minh và đáng bị bỏ tù, chứ không chỉ ngồi chửi đổng.

Ông Hồ Hải và nhiều người khác, bởi vì không thể đem xử theo pháp luật hiện hành những kẻ cắp (ăn cắp tiền bạc và quyền lực của nhân dân), nên bất lực mới ngồi chửi đổng. Ông đáng thương hơn đáng trách. Nói đúng ra là ông đang làm một công việc «dơ bẩn» (dirty job) cho mọi người, đó là chửi hộ mọi người. Thế thôi.

Có thể bạn không thích những điều người khác nói, nhưng hãy bảo vệ quyền được nói của người ta. Vì chỉ có như vậy thì quyền được nói của chính bạn mới được bảo vệ.

OL, 4.11.2016