15.11.16

Người Mỹ không bầu Trump? -- Về hệ thống bầu cử theo cử tri đoàn của Mỹ

Bạn thắc mắc người Mỹ không bầu cho Trump mà chỉ có cử tri đoàn bầu cho Trump. Có bạn thắc mắc cử tri đoàn là cái gì?

Quá trình bầu cử của Mỹ gồm hai bước. Ở mỗi bang, sẽ có một số phiếu cử tri đoàn, và mỗi đảng ra tranh cử sẽ đề xuất một số lượng đại cử tri ứng với số phiếu cử tri đoàn. Ví dụ bang California có 55 phiếu cử tri đoàn (electoral vote) thì mỗi đảng Dân chủ và Cộng hòa sẽ cử 55 đại diện riêng của mình làm đại cử tri (elector). Phiếu bầu của mỗi người dân được gọi là phiếu phổ thông (popular vote). 

Ở bước đầu tiên, sau khi người dân bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, chính quyền sẽ kiểm phiếu riêng biệt theo từng bang. Ở mỗi bang, nếu đảng nào dành nhiều phiếu phổ thông nhất thì đảng đó được hưởng toàn bộ số phiếu cử tri đoàn. Ví dụ, ở bang California, đảng Dân chủ dành nhiều phiếu phổ thông hơn đảng Cộng hòa, nên đảng Dân chủ hưởng hết 55 phiếu cử tri đoàn, và 55 đại cử tri của California sẽ là 55 đại cử tri đề xuất bởi đảng Dân chủ. Tương tự cho các bang khác.

Ở bước thứ hai, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu chọn tổng thống và ứng viên nào dành hơn 270 phiếu sẽ thắng. Vì thường các đại cử tri là người trung thành với đảng của mình nên sẽ bầu chọn cho ứng viên tổng thống thuộc đảng của mình. Ví dụ như 55 đại cử tri của California sẽ bầu cho ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ. Trong lịch sử cũng có trường hợp các đại cử tri lẻ tẻ phản thùng không bầu cho ứng viên đảng mình nhưng nó chưa bao giờ làm thay đổi kết quả bầu cử tổng thống cuối cùng.

Tuy vậy, trong lịch sử chính trị hiện đại của Hoa Kỳ, bước thứ hai này giờ đây chỉ còn là hình thức. Vì sau khi bầu qua vòng đầu tiên và tính số phiếu cử tri đoàn dành được của các ứng cử viên tổng thống, người ta biết được là ai sẽ là tổng thống Mỹ kế tiếp. Vì vậy, mà trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, sau ngày bầu cử 8/11 thì người Mỹ đã biết được ai sẽ là tổng thống kế tiếp, cho dù tới ngày 19/12 (tức hơn một tháng sau) thì các cử tri đoàn mới họp nhau để chính thức theo luật bầu ra tổng thống kế nhiệm.

"Diễn nôm" tóm tắt là mỗi bang có một số phiếu cử tri đoàn (electoral vote) nhất định đại diện cho bang, nếu ứng viên nào giành được nhiều phiếu cử tri phổ thông (popular vote) nhất của bang thì được thưởng toàn bộ phiếu cử tri đoàn, cộng lại các bang ai giành được quá 270 phiếu cử tri đoàn thì thắng. Nếu không ai dành đủ 270 phiếu thì Hạ nghị viện sẽ chọn ra một tổng thống trong số 3 ứng viên có phiếu cử tri đoàn cao nhất bằng cách để các Hạ nghị sỹ bỏ phiếu chọn và quyết định đưa ra dựa vào đa số số phiếu.

Trong các bài viết, nhiều người, kể cả báo nước ngoài, khi họ viết "người Mỹ chọn Trump" hay "Americans elect Donal Trump", không có nghĩa là tất cả người Mỹ đều chọn Trump mà chỉ ám chỉ rằng nước Mỹ chọn Trump là tổng thống kế. Chọn ở đây là theo luật bầu cử của Mỹ. Nhiều bạn lại lý sự là tổng số phiếu bầu phổ thông toàn quốc của Clinton cao hơn Trump, nhưng số phiếu đó không có ý nghĩa gì trong luật chơi dân chủ của Mỹ cả. Luật chơi ở đây là đếm tổng số phiếu cử tri đoàn.

Mà tại sao người Mỹ lại dùng cử tri đoàn mà không dùng phiếu phổ thông? Những nhà lập quốc Hoa Kỳ có cái lý do của họ: là bởi vì nếu tính theo tổng số phiếu phổ thông thì các bang đông dân được lợi, phần thiệt thuộc về các bang ít dân. Các bang đông dân sẽ nắm quyền quyết định ai là tổng thống, còn các bang ít dân hầu như bị gạt sang một bên. Ví dụ như các bang đông dân California có 38 triệu dân, Texas 27 triệu, Florida hơn 20 triệu, New York gần 20 triệu dân, bang Illinois gần 13 triệu, còn bang Delaware chỉ có chưa tới 1 triệu dân. Sự chênh lệch về dân số lớn như vậy giữa các bang. Và thêm nữa, các bang đều có truyền thống bầu cho một đảng, như California, New York, hay Illinois gần đây đều bầu cho đảng Dân chủ, còn Texas thì chọn đảng Cộng hòa. Như vậy, nếu tính theo phiếu phổ thông thì bầu cử tổng thống là cuộc chơi của một vài bang lớn, và lệch về một đảng nhất định.

Lịch sử lập quốc Hoa Kỳ là các bang đồng thuận vào liên minh, nên họ muốn các bang có tiếng nói nhất định trên các vấn đề của đất nước, vì vậy mà họ chọn cách bỏ phiếu này, cũng như là ấn định cố định mỗi bang có 2 thượng nghị sỹ để các bang có tiếng nói đáng kể gần ngang nhau trong các vấn đề của đất nước.

Một lý do khác mà họ chọn cách cử tri đoàn là bởi vì cách tính này giúp cho quá trình giám sát kết quả bầu cử nó dễ dàng, tránh bị gian lận khi mà ngày xưa phương tiện không được hiện đại như bây giờ. Thậm chí là bây giờ, khi ví dụ số phiếu phổ thông của hai phe trở nên ngang ngửa nhau cách nhau vài ngàn thậm chí vài trăm thì sẽ có lý do các ứng viên đòi hỏi kiểm phiếu lại vì sợ gian lận. Quá trình đó vừa mất công vừa làm cho uy tín của chính quyền giảm sút.

Cách bầu cử tri đoàn của Mỹ không khác xa lối bầu cử "người thắng lấy hết" trong các chế độ nghị viện kiểu Anh và các nước thuộc địa Anh như Úc, Canada và ở châu Á là Malaysia và Singapore. Mỗi khu vực sẽ có một số ghế nghị sỹ nhất định bầu vào quốc hội, phe nào nhận nhiều phiếu phổ thông nhất khu vực sẽ lấy hết ghế nghị sỹ khu vực đó. Khi vào quốc hội phe có nhiều ghế nhất chiếm đa số thì lập chính phủ nắm quyền, còn nếu không chiếm đa số thì kiếm liên minh lập chính phủ liên minh.

Trong trường hợp của Malaysia, thậm chí phe đối lập trong kỳ bầu cử gần đây dù nhận được tổng số phiếu phổ thông lớn hơn chính phủ đương quyền nhưng không trở nên cầm quyền vì số ghế có được trong quốc hội ít hơn. (Tương tự như ở Mỹ khi số phiếu phổ thông nhiều hơn nhưng số phiếu cử tri đoàn thấp.)

OL, 11.11.2016