28.9.12

Porto


Cách Frankfurt, trung tâm tài chính châu Âu, chỉ 3 giờ bay, tuy nhiên, đối với không chỉ người xứ khác, Porto vẫn là một cái tên xa lạ ngay cả với nhiều người châu Âu. Có những thành phố bình dị, không ồn ào khoa trương, không quảng cáo rầm rộ, người lữ khách đến đó như một chuyến quá giang và bắt gặp những điều duyên dáng, yên hơn và muốn một lần trở lại. Porto là như vậy.

Porto, hay thường được biết đến trong tiếng Anh là Oporto, là thành phố lớn thứ 2 của Bồ Đào Nha chỉ sau Lisbon. Trong tiếng Bồ Đào Nha, tên thành phố được đọc kèm với một mạo từ hạn định là “o”, nên khi đọc Porto, tiếng Bồ Đào Nha đọc là “o Porto” (có nghĩa là cái cảng). Và do đó, mà cách phát âm của người Bồ bị nhiều người Anh hiểu sai, học nguyên cách phát âm và viết lại nên tiếng Anh mới có thêm từ Oporto để chỉ Porto.

Nằm vắt trên cửa sông Douro, phía Bắc Bồ Đào Nha, Porto là một trong những đô thị chính của phía Nam châu Âu. Thành phố Porto có diện tích 150 dặm vuông và dân số khoảng 1.3 triệu.

Lịch sử hình thành của Porto bắt đầu từ khoảng thế kỷ thứ 4. Trong thời kì nằm dưới sự thống trị của La Mã, Porto là một hải cảng quan trọng chủ yếu phục vụ giao thương giữa Olissipona (ngày nay là Lisbon) và Bracara Augusta (ngày nay là Braga).
  
Porto nổi tiếng thế giới với rượu vang bổ. Port wine, Vinho do Porto, Porto hay đơn giản hơn port chỉ loại rượu được sản xuất duy nhất tại vùng thung lũng sông Porto. Rượu Porto là loại rượu vang đỏ, có vị đặc trưng ngọt, và thường dùng làm rượu khai vị.
  
Rượu Porto sản xuất ở thung lũng sông Douro được biết đến và bắt đầu xuất khẩu kể từ thế kỷ thứ 13. Rượu thường được chứa trong các thùng gỗ và được vận chuyển bằng những chiếc thuyền chèo bằng gỗ có lòng hơi phẳng.
  
Vào năm 1703, hiệp ước Methuen thiết lập giao thương giữa Bồ Đào Nha và Anh. Năm 1717 người Anh thiết lập trạm giao thương đầu tiên ở Porto chủ yếu để mua rượu. Việc sản xuất rượu ở Porto sau đó lần lượt rơi vào tay các công ty của người Anh. Nhằm chống thế thống trị của người Anh, thủ tướng Marquis of Pombal của Bồ Đào Nha bấy giờ cho thành lập một công ty Bồ Đào Nha độc quyền về rượu xuất xứ từ vùng thung lũng sông Porto. Ông chia các vùng để sản xuất rượu và bảo đảm chất lượng rượu. Cuối cùng, một nhóm người làm rượu nổi dậy chống lại các chính sách hà khắc của ông trong ngày Xưng Tội Thứ Ba đốt cháy các tòa nhà của công ty này. Cuộc nổi dậy này được gọi là cuộc nổi dậy của những gã say rượu.
  
Trong suốt thế kỉ 18 và 19, Porto trở thành một trung tâm công nghiệp nhộn nhịp với các hoạt động công nghiệp và giao thương. Trong khoảng thời gian này. thành phố mở rộng ra và dân số tăng lên.

Ngày nay, Porto được xem là một trong những trung tâm lâu đời của châu Âu và được công nhân là di sản văn hóa thế giới UNESCO vào năm 1996.

Thành phố nổi bật với kiến trúc của các nhà thờ, từ roman, gothic cho đến baroque, cùng sự xinh xắn của các ngôi nhà cổ còn lại từ thế kỉ thứ 15 nằm dọc bên triền sông. Thế kỉ 19 và 20 được đánh dầu bằng trường phái tân cổ điển và lãng mạn ở các biểu tượng kỉ niệm của thành phố. Người dân Porto rất hiền và dễ mến, thức ăn ngon và đặc biệt, giá cả rẻ hơn so với mặt bằng chung các nước Tây Âu.

Đến Porto trong một chiều, thả bộ dọc triền sông hay leo lên một chiếc thuyền nhỏ sau khi ghé thăm các xưởng rượu để thưởng thức vị rượu Porto, để mùi gió cửa sông mang theo hơi mằn mặn của biển quyện vào người, ngắm mặt trời lặn dần phía đằng xa hắt những vệt nắng vàng cuối cùng lên dãy nhà cổ….cảm giác bâng khuâng một châu Âu nhẹ nhàng, bình dị. Đến và muốn quay lại.









18.8.12

Giáo dục: cứu cánh cho nền kinh tế Việt Nam


Kinh tế Việt Nam đang đứng trước những khó khăn rất lớn. Không khó để thấy được các khó khăn chính phủ đang phải đối mặt, đó là nợ xấu ngân hàng, các doanh nghiệp tư nhân phá sản tăng, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả, sức mua nội địa giảm, thất nghiệp tăng nhanh… Đối với chính phủ, vấn đề quan tâm nóng nhất hiện nay là các vấn đề về kinh tế: làm sao để vực dậy một nền kinh tế tăng trưởng ốm yếu.

Khi quan sát thấy số doanh nghiệp khai báo phá sản hoặc ngừng hoạt động hơn 70 ngàn doanh nghiệp chỉ trong vòng 5 tháng, nhiều phân tích “lạc quan” cho rằng đây cuối cùng cũng chỉ là sự “phá hủy sáng tạo” (creative destruction) nhằm tạo ra một thế hệ các công ty có năng lực vượt trội. Nếu nhìn kỹ vào thực trạng của nền kinh tế, đó là một sự lạc quan không căn cứ. Sự phá hủy sáng tạo thường đi kèm với nó là những tiến bộ về công nghệ và tiến triển về năng suất lao động. Điều này không hề thấy trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, ít nhất là trong ngắn hạn. Có ý kiến cho rằng sau cuộc khủng hoảng này, các doanh nghiệp sống sót sẽ cải tổ để hoạt động hiệu quả hơn. Điều này đúng chủ yếu với các doanh nghiệp nhà nước chịu bao cấp, sau cuộc khủng hoảng này sẽ phải được cải tổ và áp đặt một cơ chế hoạt động và giám sát mới. Tuy vậy, nếu những chính sách kinh tế của chính phủ như hiện nay có thể giúp phục hồi nền kinh tế, Việt Nam cũng chỉ quay lại với những cơ cấu kinh tế kiểu cũ. Có nhiều dự đoán cho thấy nền kinh tế hiện nay đã tăng trưởng gần đến mức bão hòa khi dựa vào những nguồn lực sẵn có về công nghệ, nguồn nhân lực rẻ và tài nguyên. Nếu không có một chính sách đầu tư về nguồn nhân lực, có nhiều khả năng Việt Nam sẽ chỉ loay hoay với mô hình kinh tế kiểu cũ và rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Câu hỏi đặt ra là bắt đầu những cải cách về chính sách đầu tư nguồn nhân lực như thế nào. Đây là một câu hỏi liên quan đến giáo dục và cơ chế. Dưới đây là một vài điểm chính mà chính sách giáo dục có thể thực hiện ngay nhằm vực dậy nền khoa học và giáo dục.

  1. Tăng mức lương cơ bản

Chất lượng giảng viên đại học hiện nay rất kém. Với một mức lương cơ bản dưới 5 triệu đồng hàng tháng, so với thời giá hiện đại, một giảng viên khó mà sống nổi với nghề nếu họ không “chạy sô” đi dạy thêm trường khác. Tuy vậy, không phải giảng viên nào cũng kiếm được sô để dạy thêm. Vào cơ hữu ở đại học lúc này giống như có một chân ở đại học và người giảng viên dùng cái uy tín để đi kiếm tiền thêm nơi khác. Động lực để nghiên cứu và cải thiện đóng góp chương trình dạy và học không có. Ngoại trừ những giảng viên thâm niêm có vị trí cao nhận được những lớp dạy với mức thù lao hậu hĩnh, mức thu nhập cho giảng viên mới vào quá thấp.

Khi mức lương cơ bản trả cho một thạc sỹ để làm giảng viên ở trường đại học chưa tới 5 triệu đồng / tháng, khó có thể giữ chân những giảng viên ưu tú khi mức lương ở ngoài thị trường hấp dẫn hơn nhiều. Kết quả là chỉ còn những giảng viên ở lại với mục đích kiếm một suất học bổng đi du học, hoặc kiếm thêm sô đi dạy, hoặc cảm thấy ít có khả năng cạnh tranh ở ngoài và muốn an phận. Những sinh viên ưu tú không muốn dấn thân vào con đường khoa học và giảng dạy.

Tuy vậy, không phải là trường không có tiền để trả lương giảng viên, mà thực chất là có những khoản tiền bị “thất thoát”. Lấy ví dụ, mức lương thỉnh giảng mà một giảng viên được nhận cho một lớp đại học công lập là khoảng 120 ngàn đồng / tiết. Mức lương trung bình theo tiết trả cho giảng viên cơ hữu còn rẻ hơn nhiều nữa. Một lớp khoảng 100 sinh viên, vị chi một sinh viên trả 1,2 ngàn đồng / tiết. Một môn học trung bình khoảng 50 tiết, mỗi sinh viên trả khoảng 60 ngàn đồng tiền giảng cho một môn học. Nếu một năm học gồm hai học kì có tổng cộng 15 môn, số tiền phải trả cho giảng viên thỉnh giảng là 900 ngàn đồng/ sinh viên. Nếu giả sử các chi phí về điện, nước, hành chính liên quan bằng số tiền trả cho giảng viên thỉnh giảng thì tổng mức chi phí cho một sinh viên trong 2 năm học chưa tới 2 triệu đồng/sinh viên. Với mức học phí mỗi học kì trung bình 5 triệu đồng như hiện nay, nhà trường có thể “bỏ túi” ít nhất khoảng 8 triệu đồng/sinh viên/năm học. Trên đây là con số với giả sử trả cho giảng viên thỉnh giảng và ở trường công với mức học phí ưu đãi, nếu các trường chỉ bao gồm giảng viên cơ hữu, mức chi trả lương cho giảng viên có thể thấp đi tới một nữa, hoặc ở các trường dân lập, mức học phí tăng cao hơn, và do đó lợi nhuận từ học phí cao hơn con số 8 triệu đồng / sinh viên / năm nhiều. Với một ngôi trường có khoảng 10 nghìn sinh viên, mỗi năm trường thu nhập ít nhất 80 tỉ trước thuế, chưa kể các khoản đóng góp, hợp tác, hỗ trợ khác. Chính vì lợi nhuận khổng lồ đó, hàng loạt trường đại học đã được mở ra chỉ trong một khoản thời gian ngắn.

Việc quy định mức lương cơ bản cho các giảng viên trẻ, ít nhất là bằng mức lương mà họ có thể kiếm được ở ngoài, là cần thiết. Việc tăng mức lương cơ bản còn giúp tôn vinh vị trí giảng viên và tạo động lực thu hút những sinh viên ưu tú tham gia vào hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, các mức thưởng nên căn cứ vào thành tích nghiên cứu khoa học của các giảng viên nhằm khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học cũng như cung cấp thêm thu nhập cho giảng viên.

  1. Rà soát và cải tạo các chương trình đào tạo tiến sỹ

Các chương trình đào tạo tiến sỹ nhằm đào tạo ra đội ngũ nghiên cứu khoa học cho đất nước, thay vì cấp các tấm bằng giúp cho việc thăng tiến trong hành chính sự nghiệp. Trong một thời gian dài, việc buông lỏng quản lý các chương trình này đã tạo ra những thế hệ tiến sỹ trình độ kém, không có khả năng nghiên cứu khoa học. Những vị này sau khi nhận bằng lại quay ra nắm giữ những vị trí lãnh đạo trọng trách trong giáo dục, đào tạo và nhiều lĩnh vực khác đã khiến nền giáo dục và khoa học ngày càng đi xuống.

Việc rà soát lại các chương trình đào tạo tiến sỹ của các trường đại học nhằm đảm bảo chỉ có những chương trình đào tạo có chất lượng mới được thực hiện.

Trước mắt nên đặt mục tiêu các nghiên cứu sinh tiến sỹ của Việt Nam khi bảo vệ luận văn phải có trình độ tương đương với các nước trong khu vực. Để làm được điều này, Bộ Giáo Dục nên có quy định hội đồng bảo vệ luận văn tiến sỹ có ít nhất một giám khảo đến từ một trường đại học có uy tín nước ngoài.

Thực hiện quy định này rất khó khăn trong điều kiện hiện nay, nhưng không phải là không thể. Thay vì mỗi trường có một chương trình đào tạo tiến sỹ riêng, Bộ Giáo Dục nên đứng ra hỗ trợ các trường trong một khu vực hợp tác tổ chức một trung tâm chung đào tạo các chương trình sau đại học, một kiểu graduate school ở các nước phương Tây. Các giáo sư là các giảng viên ưu tú từ các trường này. Các trung tâm này được cấp kinh phí nghiên cứu và khuyến khích sự hợp tác với các giáo sư người Việt ở nước ngoài trong việc hỗ trợ và hướng dẫn nghiên cứu sinh.

Bộ Giáo Dục nên ra một quy định là miễn phí chương trình học nghiên cứu sinh và chỉ những nghiên cứu sinh bằng cách này hay cách khác nhận được nguồn tài chính để theo học các chương trình tiến sỹ mới được nhập học. Nên có một quỹ học bổng đài thọ cho các nghiên cứu sinh ưu tú chi phí sinh hoạt bên cạnh quy định miễn học phí.

  1. Lọc chất lượng giảng viên

Tăng mức lương cơ bản chỉ giúp tạo một động lực hấp dẫn những sinh viên ưu tú quan tâm và dấn thân vào khoa học và giáo dục. Nó là điều kiện cần để ngành giáo dục và đào tạo có thể phát triển.

Ở Việt Nam, các trường đại học, chủ yếu là công lập, còn đối diện với một thực tế là họ đã đủ chỉ tiêu giảng viên, không thể tuyển thêm giảng viên trẻ, nhưng lực lượng giảng viên hiện có đa số rất thụ động không muốn dấn thân nghiên cứu hay cải thiện việc giảng dạy. Việc tăng lương do đó không thể giải quyết được vấn đề cải thiện chất lượng giáo dục trong trường hợp này. Một giải pháp khác là lọc giảng viên thông qua chất lượng nghiên cứu khoa học. Bộ Giáo Dục nên ra quy định là các giảng viên cơ hữu muốn duy trì vị trí phải có ít nhất ba bài báo trên các tạp chí quốc tế hoặc đã bảo vệ luận văn tiến sỹ ở một trường có uy tín ở nước ngoài. Việc đưa ra một quy định như vậy nên có một lộ trình để thực hiện, thời gian hợp lý khoảng 5 năm kể từ ngày đưa ra quy định. 5 năm cũng là một khoảng thời gian đủ để một nghiên cứu sinh hoàn thành luận án tiến sỹ.
Sau 5 năm, nếu những giảng viên cơ hữu hiện thời không hoàn thành quy định sẽ bị cắt hợp đồng.

Trong những trường hợp các vị trí giảng viên tại các trường đại học công lập có được là do sự đút lót thay vì trình độ và khả năng nghiên cứu khoa học, việc đưa ra một quy định lọc chất lượng giảng viên như vậy cũng sẽ tự động giúp loại bỏ đi những giảng viên yếu kém.

  1. Sửa lại chính sách cấp học bổng đào tạo tiến sỹ

Các chương trình như 322, 911 chủ yếu cấp học bổng cho cán bộ, giảng viên của các trường đại học nhằm hoàn thiện chương trình tiến sỹ ở nước ngoài và về nước công tác.

Mục tiêu rất tốt đẹp, tuy nhiên các chương trình này thực sự không hiệu quả.

Như đã phân tích ở trên, với chế độ đãi ngộ quá thấp như hiện nay, lực lượng giảng viên trẻ cơ hữu còn giữ lại ở các trường đại học không phải là lớp sinh viên ưu tú nhất, nếu không nói là chỉ hạng khá. Lớp sinh viên ưu tú nhất không kham chịu nổi các khó khăn về tài chính đã ra ngoài làm cho các công ty.

Chính sách cấp học bổng ưu đãi cho cán bộ công nhân viên trong trường hợp này giống như là phần thưởng cho những đóng góp với mức lương rẻ mạt của họ cho nền giáo dục. Những cán bộ, giảng viên này sau khi cố gắng học xong các chương trình tiến sỹ bắt buộc quay về nước phục vụ trở lại cho giáo dục. Với năng lực chỉ ở hạng khá, các nghiên cứu khoa học của họ nếu có cũng chỉ ở mức bình bình. Thêm nữa, việc phải chấp nhận một mức lương thấp đồng nghĩa với việc họ không có động lực đóng góp vào giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nếu có tham gia vào giáo dục, họ cũng sẽ cố gắng kiếm một vị trí tốt về mặt hành chính để từ đó có thể thông qua các dự án hay dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Ở đây, tấm bằng tiến sỹ chỉ còn có mục đích thăng tiến vị trí hành chính thay vì nó là khởi đầu của một sự nghiệp khoa học.

Chính sách cấp học bổng của Bộ Giáo Dục do đó cần sửa lại theo hướng khuyến khích động cơ của người học và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục. Trước tiên, chính sách cấp học bổng nên mở và xét chung cho cả các đối tượng đang làm việc ở các khu vực ngoài giáo dục với điều kiện các đối tượng này sau khi nhận học bổng sẽ phải làm việc cho một tổ chức giáo dục hay khoa học của Việt Nam trong một thời gian như trong hợp đồng. Làm như vậy sẽ thu hút được lớp sinh viên ưu tú nhất vốn đã ra ngoài làm việc.

Quá trình xét cấp học bổng nên được thực hiện một cách công bằng dựa vào trình độ học vấn và khả năng theo đuổi chương trình tiến sỹ. Tuy nhiên, nếu cả hai thí sinh đều như nhau, lẽ dĩ nhiên nên ưu tiên các cán bộ giảng viên trẻ có kinh nghiệm nghiên cứu giảng dạy và đóng góp vào sự nghiệp giáo dục.

Khi các nghiên cứu sinh đã hoàn tất quá trình học và quay về nước, trường đại học nên cung cấp một cơ chế ưu đãi về lương bổng và chế độ làm việc. Mức đãi ngộ này ít nhất phải tương đương với mức thu nhập mà họ có thể kiếm được bên ngoài.

Có như vậy ngành giáo dục mới có thể thu hút được những sinh viên ưu tú nhất của quốc gia sẵn lòng nghiên cứu khoa học và nhiệt tình đóng góp vào sự nghiệp khoa học và giáo dục cho đất nước.

Bộ Giáo Dục nên dành hẳn một phần trên trang web của mình liệt kê các loại học bổng, chỉ tiêu hàng năm, cách thức nộp đơn, điều kiện. Nên cho phép nộp đơn online trực tiếp và công khai người nhận học bổng và người nộp đơn trên mạng.  Điều này cũng giúp giảm đi những tiêu cực trong quá trình xét duyệt.

  1. Sắp xếp lại ban quản trị trường đại học

Cơ chế tự chủ trường đại học đã được bàn nhiều. Các mô hình cũng có rất nhiều. Tuy vậy, nhìn chung ban quản trị các trường đại học bao gồm một ủy ban với một người đứng đầu được tuyển chọn bởi chính một ủy ban từ trường đại học hoặc một ủy ban giáo dục bên ngoài thường là từ Bộ Giáo Dục. Ban quản trị của trường đại học chịu trách nhiệm bổ nhiệm nhân sự, giáo sư, quản trị tài chính, được quyền tự thiết kế chương trình học và định hướng của ngôi trường.

Trong trường hợp của Việt Nam, một ủy ban bổ nhiệm ban quản trị của một trường đại học nên do Bộ Giáo Dục chủ trì. Cơ chế tự chủ với một ban quản trị có viễn kiến sẽ giúp cho trường đại học nhanh chóng chuyển đổi phương thức dạy, học và nghiên cứu của mình.

  1. Đào tạo kỹ năng học suốt đời

Một trong những kỹ năng để tồn tại và phát triển đối với bất kì một chuyên gia nào trong thời đại hiện nay là khả năng tự học suốt đời.

Tự biết mình là các nước nhỏ (về dân số, Đan Mạch: 5,5 triệu, Nauy: 5 triệu , Thụy Điển: 9,4 triệu, Phần Lan: 5,4 triệu) và dùng ngôn ngữ đặc trưng, khả năng tồn tại và phát triển do đó chủ yếu dựa vào ngoại thương với các nước khác và nền tri thức cũng phải phụ thuộc vào các nước lớn hơn, các nước Bắc Âu (Đan Mạch, Nauy, Thụy Điển, Phần Lan) đã đưa “kỹ năng học suốt đời” thành một chính sách giáo dục của mình.

Chính sách này nhấn mạnh việc đào tạo những sinh viên có khả năng tự học, tự nắm bắt những kiến thức, kỹ thuật mới. Một mục tiêu ban đầu quan trọng là trang bị cho sinh viên khả năng ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, nhằm nắm bắt trực tiếp kiến thức khoa học thế giới. Ngày nay, rất dễ dàng bắt gặp một sinh viên nói tiếng Anh lưu loát như người bản địa ở các nước Bắc Âu hơn tại bất cứ quốc gia nào không dùng tiếng Anh. Ngoài việc trang bị khả năng Anh ngữ cho giáo viên, cải thiện chương trình học, các chương trình tivi bằng tiếng Anh cũng giúp cho sinh viên làm quen với tiếng Anh từ rất sớm. Từ bậc cao học trở lên, các chương trình chủ yếu bằng tiếng Anh.

May mắn là gần đây các chương trình truyền hình cáp của Việt Nam bắt đầu có nhiều chương trình bằng tiếng Anh giúp thế hệ trẻ quen dần với ngôn ngữ quốc tế này. Tuy vậy, có nhiều điều cần làm để thực hiện chính sách “đào tạo kỹ năng học suốt đời” cho học sinh, sinh viên.

Một việc có thể thực hiện được là bắt buộc các chương trình từ cao học trở lên thực hiện tại các trung tâm đào tạo sau đại học phải được trực tiếp giảng dạy và nghiên cứu bằng tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nâng cấp các chương trình đào tạo Anh ngữ tại các trường đại học và bắt buộc sinh viên dùng các giáo trình tham khảo bằng Anh ngữ khi thực hiện giảng dạy và nghiên cứu.

Các chương trình học hiện nay dành cho bậc đại học là quá dài: trung bình 4 năm cho khối ngành kinh tế và 4.5 - 5 năm cho khối ngành kỹ thuật. Nên rút lại còn 3 năm cho khối ngành kinh tế và 4 năm cho khối ngành kỹ thuật, bên cạnh đó kèm thêm các chương trình tiếng Anh thực tế hơn.

“Kỹ năng học suốt đời” nên được trang bị cho trẻ từ khi mới chào đời. Ở Phần Lan, khi mang thai, bố mẹ được tặng 3 cuốn sách. Một cho bố, một cho mẹ và một cho đứa trẻ mới chào đời. Sách cho bố và mẹ hướng dẫn cách chăm sóc con. Sách cho trẻ kích thích và giúp trẻ làm quen với việc đọc sách ngay từ bé. Khả năng đọc sách, tìm tòi nghiên cứu được làm quen từ bé giúp trẻ sớm phát triển khả năng sáng tạo và tự học khi lớn lên.

Bộ Giáo Dục cũng nên có chính sách định hướng và khuyến khích việc đọc sách của trẻ em, cũng như khuyến khích việc xây dựng thêm các thư viện trung tâm ở các huyện, xã.

***

Cải cách giáo dục là một quá trình lâu dài với rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải cải tổ. Trên đây chỉ là vài ý, và danh sách trên chắc chắn không hoàn hảo. Có nhiều vấn đề cần phải bàn thêm về giáo dục tiểu học, trung học,... Những ý kiến trên mục tiêu chỉ nhắm chủ yếu đến đào tạo bậc đại học và sau đại học, vì đây là giai đoạn quan trọng đào tạo những kĩ năng cần thiết cho các chuyên gia đầu ngành, giảng viên của các trường đại học. Đây là lực lượng có tác động rất lớn đến sự thay đổi của giáo dục và hình thành nên bộ mặt khoa học công nghệ của một quốc gia. Sự thay đổi về chất và lượng của lực lượng này sẽ ảnh hưởng sâu sắc lên cách thực hiện chính sách giáo dục. Có thể nói cách thay đổi như vậy là cách thay đổi từ trên xuống.

Sự phát triển của một quốc gia phải được nâng đỡ bởi chính nội lực của nó. Nội lực ở đây là trình độ giáo dục, khoa học và công nghệ. Không có một quốc gia phát triển nào mà không có một hệ thống giáo dục khoa học tiên tiến. Cũng như, không có một quốc gia nào có một hệ thống giáo dục khoa học tiên tiến mà không phát triển.

Những cố gắng cải thiện chính sách kinh tế trong ngắn hạn nên được đi kèm với những hỗ trợ và cải cách về giáo dục mạnh mẽ hơn. Có như vậy nền kinh tế mới có những bước nhảy vọt lên một ví trí cao hơn.

Lẽ dĩ nhiên, khi thực hiện những cải cách như trên sẽ gặp phải rất nhiều chống đối từ những người đang hưởng lợi từ việc duy trì tình trạng hiện có của hệ thống. Đó là những giảng viên không muốn nỗ lực nghiên cứu khoa học, những nhà quản trị đại học trình độ kém, và những cá nhân hưởng lợi khác. Việc thực hiện những cải cách như vậy do đó phải phát xuất từ một quyết tâm chính trị. Ở đây, vai trò của các chính trị gia quyết định. 

Nguyễn Huy Vũ
21/06/2012

14.4.12

Nghiên cứu ở Việt Nam

Hồi còn ở VN, lúc còn học ở trường Khoa Học Tự Nhiên, Tp. Hồ Chí Minh, có hội thi thả trứng không bể. Thả quả trứng từ tầng 4 của tòa nhà sao cho quả trứng không bể. Quả trứng bị bể coi như thua. Suy nghĩ cách nào thả quả trứng mà không bể. Một chiều đi học về lang thang, suy nghĩ, chợt thấy trái dầu bay từ từ xoay tít trong gió nhờ 2 chiếc lá như cánh quạt giảm tốc độ. Về nhà làm một một khung bằng thép nhỏ, có 2 cánh quạt chăng bằng bọc nylon, đo cánh mọi thứ, rồi bỏ quả trứng vào, thả thử, trứng không bể. Yên tâm đi thi. Ngày thi, thấy các "cao thủ" rất đông. Sử dụng đủ các "chiêu thức". Kẻ thì làm mô hình trái bóng bằng nước, trong để quả trứng bên trong. Người thì dùng "tên lửa" bên trong để quả trứng. 1, 2, 3 từ từ thả mô hình. Thả từ tầng 4 xuống và đứng quan sát. Trứng vỡ hết. Riêng mô hình của tôi hình quả dầu với 2 cánh bay nhẹ nhẹ, chầm chậm xuống, tiếp đất an toàn và quả trứng không bể. Thắng giải nhất, được đâu 100 ngàn. Dẫn mấy đứa bạn đi ăn kem. Hết. Đối với nhiều người lúc bấy giờ, nghiên cứu hay phát triển ở VN là một cái gì đó kiểu ... vui chơi. Thừa tiền, rỗi sức. Bởi suy nghĩ đơn giản là nghiên cứu không tạo ra tiền. Họ có thể suy nghĩ và thầm khâm phục người phương Tây về khả năng và sự đam mê nghiên cứu, nhưng đối với họ nghiên cứu là một cái gì rất cao xa và ... không cần thiết, nhất là ở VN. Mua công nghệ về làm, mua bộ phận về lắp ráp, hoặc mua hàng hóa đã làm sẵn (từ Trung Quốc, Hàn Quốc, hoặc vài nước khác) về bán dễ sinh lợi hơn.

Mười năm sau về lại. Tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người ở VN. Ở ngay chính những người đã tốt nghiệp ra trường đại học và đi làm. Nghiên cứu không cần thiết, nghiên cứu một cách cơ bản, sâu sắc lại càng không; và người châu Âu cái gì cũng thích nghiên cứu. Đúng.

Hàng ngày chúng ta xem những kênh Geographic Channel, mới khâm phục lòng kiên trì và đam mê nghiên cứu của họ. Họ có thể dành 30 năm chỉ để nghiên cứu con tàu Titanic tại sao bị chìm và chìm như thế nào. Mà đôi khi chúng ta chỉ mất 30 phút để xem kết luận của họ. Họ dành cả cuộc đời chỉ để nghiên cứu chất phóng xạ, mà cuối cùng chúng ta chỉ có thể học nó mất 10 phút với 2 dòng công thức. Và còn nhiều nhiều nữa những ví dụ xung quanh. Nếu không có những nghiên cứu như vậy, sự hiểu biết của xã hội chỉ có thể bước những bước rất ngắn. Gần hơn, nếu không có những nghiên cứu đàng hoàng về công nghệ mobiphone thì Việt Nam cũng chỉ dừng lại là một nước tiêu dùng.

Khi mà những lực lượng làm công việc trí óc có thể tạm gọi là tấng lớp ưu tú của xã hội còn nghĩ rằng nghiên cứu và phát triển là những thứ xa xỉ của Việt Nam. Thì mãi mãi Việt Nam chỉ có thể dừng chân là một nơi lắp ráp và là nhà máy sản xuất các bộ phận giản đơn của nhân loại.

Một điều ngạc nhiên nữa khi về Việt Nam, đó là sinh viên ngành ngân hàng không được học gì về kinh tế vi mô và vĩ mô một cách nghiêm túc. Kinh tế lượng (econometrics) lại càng không. Có cảm giác là những sinh viên ngành ngân hàng chỉ được đào tạo nghiệp vụ thực hiện các giao dịch cơ bản của ngân hàng thay vì là một chuyên viên kinh tế tài chính một cách nghiêm túc. Một ví dụ về cách ăn xổi ở thì của giáo dục.

Dĩ nhiên, nghiên cứu đòi hỏi những kinh phí rất lớn mà chỉ có nhà nước thông qua các viện và trường đại học hoặc những công ty lớn có thể đảm đương nổi. Nhưng trước hết đó là sự thay đổi tư duy và triết lý phát triển của toàn xã hội, bắt đầu bởi những nhóm người được gọi là có học thức nhất của xã hội. Cũng giống như một người đi đường đang cầm bản đồ, anh ta phải quyết định một hướng đi rõ ràng trước khi bắt đầu một cuộc hành trình dài và khó khăn. Hoặc là anh ta đến đích thành công hoặc là anh ta chỉ lẩn quẩn xung quanh.

13.3.12

Trung Quốc với châu Phi: Dầu Mỏ và Kinh Tế

"Bài viết trình bày những nét chính trong chính sách và mối
quan hệ của TQ với các nước châu Phi, mối quan hệ mà ở đó Trung
Quốc sử dụng uyển chuyển quyền lực của đồng tiền và ngoại giao mềm
dẻo nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế và chính trị của mình. Về kinh
tế, Trung Quốc “biến”châu Phi thành nguồn cung cấp dầu mỏ và các
nguồn nguyên liệu thô khác, đồng thời là thị trường cho hàng hóa của
Trung Quốc. Về chính trị, Trung Quốc “lôi kéo”và xây dựng mối quan
hệ với các nước châu Phi nhằm có được sự ủng hộ chính trị trên các diễn
đàn thế giới trong một kế họach nhằm khẳng định mình như một siêu
cường kinh tế và chính trị." - tác giả: Nguyễn Huy Vũ & Nguyễn Minh Thọ

Bài được đăng tại Tạp Chí Thời Đại Mới: www.tapchithoidai.org

Đọc toàn bài, tải về tại đây