Còn một tuần nữa là bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Đảng Cộng hoà được dự đoán sẽ nắm đa số ở Hạ viên và có thể ở Thượng viện. Bằng việc nắm đa số ở ít nhất một viện, đảng Cộng hoà sẽ chặn tất cả các dự luật và chính sách của tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ. Vì vậy mà sau kỳ bầu cử giữa kỳ tuần tới, nhiệm kỳ của ông Biden coi như là kết thúc.
Sau hai năm nắm quyền, chính quyền của ông Joe Biden đã chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát tăng cao, thị trường chứng khoán sụp đổ, áp lực thanh khoản đang đè nặng, và một cuộc khủng hoảng tài chính sắp diễn ra.
Kể cả những cơ quan truyền thông cánh tả, những đồng minh chủ yếu của ông Biden, cũng không còn đủ kiên nhẫn và công khai kêu gọi ông đừng ra ứng cử vào nhiệm kỳ tới.
Vấn đề lớn nhất hiện nay đó là thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng nhưng không có những người lãnh đạo để lèo lái cuộc khủng hoảng này.
Thống đốc Jay Powell của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) đã từ chối thỏa hiệp với các thống đốc ngân hàng các nước khác và chủ động thực thi các chính sách tiền tệ vì lợi ích của Hoa Kỳ. Việc Fed tăng lãi suất liên tục và hiện đã nâng lãi suất cơ bản lên 4% đã khiến các ngân hàng trung ương khác buộc phải nâng lãi suất theo để cứu đồng nội tệ của mình. Các ngân hàng trung ương buộc phải nhảy theo điệu nhạc của Fed. Cho đến nay, thị trường lao động Hoa Kỳ chưa có dấu hiệu khủng hoảng vì vậy mà sức mua vẫn tăng và lạm phát chưa dừng lại. Mục tiêu cuối cùng của Fed là đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc khủng hoảng để tăng lượng người thất nghiệp, giảm sức mua và giảm áp lực lạm phát. Để đạt được điều này Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và không ai biết, kể cả họ, khi nào họ sẽ dừng, có lẽ đến năm sau khi mức lãi suất đến khoảng 7%.
Từ đây đến đó, các quốc gia từ Âu đến Á buộc phải tăng lãi suất để cứu đồng nội tệ của mình và gián tiếp đưa nền kinh tế vốn rất khó khăn vào khủng hoảng.
Cuộc khủng hoảng hiện nay có lẽ kéo dài ít nhất đến cuối năm sau khi mà kinh tế Mỹ bước vào khủng hoảng và lạm phát ở Mỹ trong tầm kiểm soát 2% thì lúc đó Fed mới bắt đầu giảm lãi suất để kích thích kinh tế và các ngân hàng trung ương ở các nước khác mới bắt đầu giảm lãi suất theo để kích thích nền kinh tế của mình.
Vì vậy mà hiện nay, dù châu Âu và các nước châu Á khác đã chính thức bước vào một cuộc khủng hoảng nhưng họ hầu như bị trói tay để cứu nền kinh tế của mình.
Ở Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có lẽ chỉ còn lựa chọn duy nhất đó là tăng lãi suất để cứu vãn giá trị tiền Đồng và khoản dự trữ ngoại tệ ít ỏi. Nhưng việc tăng lãi suất chính nó sẽ châm ngòi cho sự sụp đổ của bong bóng bất động sản, hệ thống ngân hàng, và thị trường tài chính. Ngược lại, việc giữ một lãi suất thấp sẽ khiến cho nguồn ngoại tệ nhanh chóng bốc hơi và Việt Nam buộc phải nhanh chóng phá giá tiền Đồng.
Trong suốt một thời gian dài, chính quyền cộng sản Việt Nam đã dung túng cho việc vay mượn đầu tư các dự án đầy tham nhũng, phát hành trái phiếu bừa bãi, thiếu kiểm soát hệ thống ngân hàng và hệ thống thị trường tài chính, dẫn đến nguồn tài nguyên quốc gia thay vì chảy vào các dự án có lợi ích đã rơi vào túi riêng của một số ít những nhóm người. Hậu quả là ngân sách trống rỗng, thị trường bong bóng, người ta lừa nhau bằng cách lấy tiền của người sau trả cho người trước.
Ở thời điểm mà thế giới không có một sự phối hợp lãnh đạo chung để đối phó với khủng hoảng, cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ kéo dài.
Dù muốn dù không, cuối cùng thì người dân Việt Nam cũng sẽ nhận ra họ cần những người lãnh đạo khác một cách nhanh chóng để lèo lái con tàu Việt Nam. Đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do, với sự có mặt của nhiều chính đảng, có lẽ là con đường duy nhất.
Nguyễn Huy Vũ
4/11/2022